Nhân vật
THAM LUẬN
HT Kim Cương Tử - Một cuộc đời theo dòng thế sự
Dương Kinh Thành - Ban PGVN Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
29/04/2011 05:43 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Là một người Phật tử ở chốn phương nam xa xôi của tổ quốc, những gì tôi biết về Hòa thượng Kim Cương Tử quá ít, để có thể bày tỏ lòng trân trọng của mình một cách đầy đủ đối với một vị chân tu suốt cả một đời tận tụy âm thầm.

Phần vì do hoàn cảnh lịch sử của đất nước chia cắt thời chiến tranh, phần vì do Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh, nên các hoạt động Phật sự trong từng giai đọan  cũng có những hạn chế nhất định.
 
Tuy nhiên, qua những khuyết duyên đó, tôi đã nhìn cuộc đời Hòa Thượng Kim Cương Tử qua lăng kính ngưỡng mộ của riêng mình mà mỗi khi nhắc đến vẫn hiển lộ được tinh thần nhập thế tuyệt vời của Hòa Thượng. Đó là những năm tháng trần ai trải dài theo thời cuộc.
 
TỪ MỘT TUỔI THƠ KHẮC KHOẢI
 
Hòa thượng sinh ngày 19/10 năm Giáp Dần (1914) tại xã Mỹ Lộc,   huyện Mỹ Thắng, tỉnh Nam Định. Chỉ sau 6 năm sự kiện chấn động toàn cõi Bắc Kỳ là vụ “Đầu Độc Hà Thành” xảy ra vào ngày 27/6/1908. Và nằm trong giai đoạn lịch sử “Phật giáo Bắc Kỳ thời Pháp thuộc 1882 – 1932”. Chưa kể chỉ sau 2 năm cuộc Cách Mạng Tân Hợi của Tôn Văn ở Trung Quốc, vẫn đang còn thu hút và ảnh hưởng đến tình cảnh chính trị Việt Nam thời bấy giờ.
 
Những sự kiện chung quanh đó, ít nhiều có ảnh hưởng đến cuộc sống lẫn tinh thần của Hòa Thượng và gia đình. Là những tiền đề không kém quan trọng thôi thúc bước chân Hòa Thượng trước những ngã rẽ cuộc đời.
 
Thật là cảm động khi chúng ta nghe chính Hòa thượng nói về mình như sau (năm 1997, lúc Ngài 84 tuổi):
 
Tôi xuất gia từ nhỏ. Hơn 60 năm nay tôi tập luyện thân thể và tu tâm theo Phật pháp. Phật dạy ba vạn bốn ngàn phép tu nhưng tôi chỉ chọn một phép tu SỔ TỨC để tu đến nơi đến chốn suốt cả một đời.
 
Và trăm sông đổ dồn về biển cả, tôi đã bắt gặp “bát vạn tứ thiên pháp môn”. SỔ TỨC là phép tu dưỡng sinh rất giản dị bằng cách tự đếm hơi thở của mình. Làm sao định tâm, đừng rối loạn. Khi ta đang thở vào là ta biết ta đang thở vào và ngược lại. Ngày mỗi ngày, lúc nào rỗi, chôn một nơi tĩnh mịch, thông thoáng, sạch sẽ, sáng sủa, không khí trong lành, ngồi theo tư thế kiết già.
 
Nhờ có phép tu này mà tôi đã kéo dài được tuổi thọ, đi vạn dặm đường, đọc được thiên kinh vạn quyển để vui sống có ích cho đời.
 
Tôi bị yếu phổi bẩm sinh. Từ khi bố mẹ sinh ra, tôi đã bị hen con nước, người ốm ho, lẻo khoẻo. Bố tôi là một ông đồ đã lo chạy chữa thuốc nam cho tôi nhưng không khỏi.
 
Năm tôi 12 tuổi, bố mẹ tôi mất cả, để lại cho tôi một gia tài lớn: một mẫu rưỡi đất tư điền. Nhưng tôi không thích gì việc lập gia đình, của cải, chỉ thích đi xuất gia.
 
Tôi tìm đến hết chùa này, chùa khác học kinh Phật. Năm 19 tuổi, tôi vẫn ho hen, đau yếu, ra đường ai cũng bảo tôi yểu tướng.
 
Trong nhà có hai người anh chị thúc bá nói tôi chưa chắc đã sống được đến 40 tuổi. Tôi luôn bị ám ảnh bởi cái chết thình lình ở tuổi 40. Tôi nghĩ nếu phải chết ở tuổi 40 thì tôi muốn được chết ở đất Phật để được tan trở về nguồn và tái sinh kiếp khác.
 
Tôi đã từ chối đến 8 cô gái mà họ hàng mai mối, để tầm sư học đạo. Học kinh, học sách, tôi biết đến phép SỔ TỨC trong kinh Lăng Nghiêm, rồi kiên nhẫn tu luyện không lúc nào biết chán.
 
Gần đến 40 tuổi, tôi nghĩ mình chẵng còn mấy ngày mà chết, nhưng lạ thay, từ năm 40 tuổi đến nay tôi không còn có đau ốm gì, mà thấy sức học tập, nghiên cứu, làm việc của mình ngày càng dồi dào, trí tuệ minh mẫn, cái tâm an lạc.
 
Đó là nhờ tinh tiến tu luyện, nó bạt nghiệp chướng đi, bệnh tật cũng mất đi, giúp tôi vui sống và cống hiến cho tôn chỉ và mục đích của đạo Phật…(Nguồn: Mai Thục –thanglonghanoi.com).
 
ĐẾN NHỮNG NĂM THÁNG SỐNG ĐẠO VÀ ĐỜI
 
Như chúng ta biết, sau Nam Kỳ và Trung Kỳ, cũng như sau những thành tựu của công cuộc chấn hưng Phật giáo do cụ Khánh Hòa, Khánh Anh, BS Lê Đình Thám chủ súy, ngày 17/11/1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập do cụ Nguyễn Năng Quốc chủ xướng. Thỉnh Tổ Vĩnh Nghiêm làm “Tòng Lâm Pháp Chủ”. Văn phòng đặt tại chùa Quán Sứ,  phố Riscoud - Hà Nội.
 
Đây cũng là năm Hòa thượng xuất gia tại chùa Cả Nam Định. Lúc này Ngài vừa 19 tuổi xuân.
 
Ngày 10/12/1935, Tạp chí Đuốc Tuệ ra đời, tiếng nói hoằng pháp chính thức của Hội Phật Giáo bắc Kỳ cũng do cụ Nguyễn Năng Quốc làm chủ biên. Còn có tạp chí Tiếng Chuông Sớm của Cổ Sơn Môn do Tăng Cang Đỗ Văn Hỷ chùa Bà Đá làm chủ nhiệm.
 
Những nhân sĩ trí thức Phật giáo lừng lẫy xứ Bắc giai đoạn này bên cạnh cụ Nguyễn Năng Quốc còn có những vị như Trần Văn Giáp, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyển Văn Oánh, Văn Quang Thùy, Bùi Thiện Cơ, Bùi Thiện Cầu, Lê Dự, Lê Toại, Nguyễn Cam Mọng, Dương Bá Trạc, Thiều Chửu…
 
Đó là thời kỳ sáng đẹp của Phật giáo Bắc Kỳ, và cũng là thời kỳ niên thiếu không ít gập ghềnh của Hòa thượng Kim Cương Tử.
 
Năm 24 tuổi (1939) trong bối cảnh bất ổn bởi thế chiến thứ hai đã bắt đầu bùng nổ toàn cõi Đông Dương, và là những năm cuối thời kỳ hanh thông vàng son của Phật giáo Bắc Kỳ, dù không bao lâu trước đó Hội Phật Giáo Bắc Kỳ còn mở được các lớp học khóa hạ dành cho chư Tăng tại chùa Quán Sứ và dành cho Ni tại chùa Bồ Đề và Hòa thượng là một trong những vị tham dự khóa học đầu tiên tại trường này và thi đỗ hàng thứ nhì trong khóa học.
 
Theo sách sử Phật giáo thì năm này cũng là năm Phật giáo Bắc Kỳ mọi hoạt động đều chững lại. Như vậy hạnh nguyện tu học của Hòa thượng được thực thi giữa bối cảnh loạn ly và yếu dần của Phật giáo xứ Bắc từ đây về sau, càng thể hiện rõ nét những nỗ lực phi thường rất đáng ngàn lần khâm phục.
 
Dù vậy, không bao lâu sau Phật giáo xứ Bắc lại có được một Hòa Thượng Tố Liên xuất sắc, góp phần không không nhỏ khơi dậy nguồn mạng mạch từ bi mà nổi cộm nhất phải kể đến sự kiện ngày 28/8/1949 tại chùa Quán Sứ HN, đã thành lập “Hội Tăng Ni Chỉnh Lý Bắc Việt” và trực tiếp đảm nhận trọng trách Hội Trưởng.
 
Phật Học Đường dành choTăng lại được mở tại Quán Sứ và dành cho Ni tại chùa Vân Hồ (khai giảng ngày 26/9/1949).
 
Lại có thêm hai tạp chí “Phương Tiện” và “Bồ Đề Tân Thanh” được ra đời.
 
Về phía Cư sĩ Phật tử, cụ Bùi Thiện Cơ còn tập hợp và đứng ra thành lập Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt, và có thể khẳng định rằng các công tác từ thiện, cô nhi viện Phật giáo được bắt nguồn từ sự khởi xướng của Hội này. Bên cạnh đó còn có Hội Nghiên Cứu Phật Giáo Bắc Việt  do cư sĩ Phong Tử làm hội trưởng.
 
Đây là những thuận duyên, hỗ trợ tinh thần cho con đường tu học của Hòa Thượng Kim Cương Tử không nhỏ trong giai đoạn này. Vì vậy, trong những năm đầu thập niên 50, Hòa Thượng đã nhanh chóng trở thành giảng sư, được mời thỉnh giảng tại các trường Phật học như Vân Hồ, Linh Đường Bồ Đề, Bái Trạch chùa Cả Nam Định và Hải Phòng.
 
Phật giáo miền Bắc giai đoạn này dường như có một sự trỗi dậy khởi sắc, mang nhiều nét tiên phong cho Phật giáo cả nước. Điển hình ngày 26/5/1950 (16/5 đến 7/6/1950), Hội nghị Phật giáo Thế giới lần đầu tiên nhóm họp tại Tích Lan, Phật giáo Bắc Việt do HT Tố Liên dẫn đầu thay mặt Phật giáo cả nước tham dự mà chương trình nghị sư có công đóng góp rất lớn của phái đòan VN.
 
Ngày 9/9/1950 với sự hiện diện của hơn 146 Tăng Ni toàn Bắc Việt họp chỉnh lý Phật giáo Bắc Việt, sửa đổi lại danh xưng là “Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt”. Sau đó suy tôn Ngài Mật Ứng lên ngôi “Thiền Gia Pháp Chủ”, lãnh đạo Tăng Già Bắc Việt.
 
Ngày Phật Đản 8/4 Âm lịch (13/5/1951), tại chùa Quán Sứ, Tăng Già Bắc Việt hân hạnh thay mặt Phật giáo cả nước treo lá cờ Phật giáo đẩu tiên, hiên ngang bay phất phời trên bầu trời VN.
 
Trước đó ít hôm, một đại hội thống nhất Phật giáo cả nước được nhóm họp tại Từ Đàm - Huế. Tổng Hội Phật Giáo VN được ra đời, trở thành tổ chức giáo hội đầu tiên của cả nước do HT Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ. Sang năm sau, ngày 7/9/1952, Tổng Hội suy cử Ngài Tuệ Tạng làm Thượng Thủ.
 
Những tín hiệu vui ấy chỉ kéo dài cho đến 1955, do thuận thế thời cuộc và nghiệp duyên Phật giáo VN, Phật giáo hai miền Bắc Nam một lần nữa chia ly.
 
Nói đến đây, tôi trộm nghĩ dường như nghiệp duyên PGVN chịu phần cộng nghiệp cùng non sông đất nước thuở loạn ly, nên sẵn sàng hòa mình vào vận mệnh chung.
 
Phật giáo miền Bắc thì âm thầm dành hết thời gian cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phật giáo Trung - Nam thì dấn thân trực tiếp vào thế sự đảo điên, đấu tranh với cái ác, sẵn sàng chấp nhận những điều tiếng không hay cho mình để bảo vệ tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc trước những cám dỗ thực dân mới. Đồng thời cũng là bảo vệ thanh danh Đạo Pháp.
 
Những cố gắng đó nay đã hiên ngang nằm trong những dòng sử liệu đẹp nhất của Dân tộc và của Phật giáo VN.
 
Nhận định như vậy để chúng ta thấy giai đoạn ấy, Phật giáo đất Bắc tồn tại, âm thầm chịu đựng ra sao để có được một sự đồng cảm sẻ chia về một thời ly tán.
 
Trong cái âm thầm ấy của Phật giáo đất Bắc, Hòa Thượng Kim Cương Tử là một chứng nhân lịch sử đồng thời cũng là người góp phần gìn giữ giềng mối đạo Phật một cách tài tình. Theo lời kể của Thượng Tọa Thích Thanh Nhã, có một chuyện hết sức cảm động khiến tôi vô cùng nể phục Hòa Thượng, xin ghi chép lại nguyên văn như sau:
 
 “…Con xuất gia theo Thầy vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi tại Hải Phòng, mới được một vài năm thì đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc. Cuộc sống còn khó khăn, càng khó khăn hơn khi miền Bắc vừ thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tập trung cho giải phóng miền Nam.
 
Với khẩu hiệu “Tất Cả cho Tiền Tuyến”, “Tất Cả Dành Cho miền Nam ruột thịt”, thấy nhiều lớp thanh niên lên đường nhập ngũ, con cũng nôn nao bởi chính Thầy dạy con truyền thống tăng sĩ Việt Nam khi tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng Cởi áo cà sa khoác chiến bào”.
 
Thấu hiểu tâm trạng học trò, Thầy gọi con và dạy:
 
Xưa nay việc nước việc nhà
Cứu dân giúp nước ai mà dám quên
Luật rằng phương tiện tùy duyên
Từ Bi lợi vật pháp truyền xưa nay
 
Thầy biết tâm trạng của con nam nhi trong thời binh lửa, phải tranh tài chốn sa trường. Âu là duyên phận, con đã xuất gia tu học trong lúc chiến tranh cũng là duyên của con. Con phải biết trong đời không chỉ có giặc tướng mà còn có giặc vọng tâm (Giặc vọng tâm tức là tâm ác, tâm xấu, vọng tâm bất chính, tâm đố kỵ, tâm sân hận, tâm bất thiện, tâm tà kiến…).
 
Đánh giặc ngoài chiến trường là đánh giặc tướng. Loại trừ được cái xấu, cái dốt trong con người để con người được an lạc là đánh giặc vọng tâm.
 
Khi chống xâm lược đánh giặc tướng là trọng, nhưng không phải không có giặc vọng tâm. Khi thắng giặc tướng, giặc vọng tâm lại càng cần phải dẹp bỏ. Nếu con hiểu được điều Thầy nói, thì con phải yên tâm tu học cho tinh tiến, để cùng Thầy và nhân dân giúp hậu phương vững vàng, để chiến trường thắng giặc tướng.
 
Giặc tướng khó mà dễ trừ, giặc vọng tâm vô hình mà khó tránh, khó trừ, con phải nhớ để không ngừng tu học. Lấy Đạo giúp đời không dễ. Làm được việc này con đã góp phần cùng toàn dân đánh giặc. Như lời đức Phật dạy:
 
“Dù tại bãi chiến trường
Thắng hàng ngàn quân giặc
Dễ hơn thắng chính mình
Thật chiến thắng tối thượng”
 
Nghĩa là phải thắng những phiền não ngũ ấm ma trong người của con”.(Nguồn :Cảm Niệm Tôn Sư /phattuvietnam.net).
 
Vâng lời Thầy, người đệ tử ấy an tâm tu học trau dồi phẩm hạnh, xứng đáng một trưởng tử Như Lai. Người đệ tử ấy cũng chính là TT Thích Thanh Nhã, kế thế trụ trì chùa Trấn Quốc.
 
KẾT LUẬN
 
Cả một cuộc đời của Hòa Thượng Kim Cương Tử, cái bóng dáng nhỏ nhoi, âm thầm ấy đã đặt những nét chấm phá rất lớn lao cho Đạo pháp và Dân tộc giữa lúc chiến tranh hay thởi buổi thanh bình. Là một gương soi cho muôn đời sau, hàng hậu tấn nương theo ánh sáng đó mà tiếp bước, cùng nhau nối mạng mạch đạo pháp hai ngàn năm trên đất nước Việt Nam thân yêu.
 
Mười năm Hòa Thượng khuất bóng, nhưng người vẫn mãi hiển hiện trong tâm khảm mỗi chúng ta, trong những dòng sử Phật giáo rạng ngời gương tu hạnh.

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch