Nhân vật
(Hoà thượng Thích Minh Luân. Viện chủ Tổ đình Đống Cao - Hải Dương)
Ký ức của tôi về một bậc trưởng lão
ĐĐ Thích Minh Quang Nghiên cứu sinh khoa Triết học Trường Đại học Quốc gia Đài Loan
29/04/2011 05:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

KÝ ỨC CỦA TÔI VỀ MỘT BẬC TRƯỞNG LÃO

(Hoà thượng Thích Minh Luân

Viện chủ Tổ đình Đống Cao - Hải Dương)

          Vào một chiều mùa hè nóng nực, đúng lúc tôi đang chuẩn bị hành trang để đi ra phi trường trở lại Đài Loan thì bỗng nhận được điện thoại của thầy Thanh Vân. Sau một hồi anh em hàn huyên lâu ngày không gặp, thầy bảo tôi tranh thủ viết một bài về Hoà thượng nhà[1]để đăng trong cuốn Kỷ yếu của Ngài, tôi đã vui vẻ nhận lời và hứa sẽ sớm hoàn thành. Ngay sau khi cúp máy, tôi đã trầm lặng một hồi để tưởng nhớ về Ngài, một bậc trưởng lão, một bậc thiền gia thạch trụ mà bấy lâu nay tôi vẫn thường tôn kính. Thấm thoắt đã bảy mùa thu quẩy dép về tây, nhưng âm dung và đạo hạnh của Ngài vẫn còn hằn sâu trong ký ức của tôi. Lúc này, trong lòng tôi cảm thấy bồi hồi và bỗng trở nên nặng trĩu, nó còn nặng hơn cả đống hành trang đang ngổn ngang trước mặt. Vì đã đến giờ xuất phát, nên tôi đành phải thu gọn hành trang và cảm xúc bồi hồi để lên đường. Ôi! những bước chân của tôi nó nặng làm sao, có cảm giác như Ngài đang níu kéo tôi lại và muốn nhắc nhở tôi rằng: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch[2]”. Tạm dịch: “Của báu vốn sẵn ở trong nhà, chẳng phải tìm kiếm ở đâu xa”.

         Như thường lệ, sau khi ăn bữa nhẹ xong là tôi chợp mắt cho đến lúc máy bay hạ cánh. Kỳ lạ thay! hôm nay tôi đã trằn trọc mãi nhưng không sao chợp mắt được và cứ mỗi khi bắt đầu chợp mắt thì hình dáng của Ngài như lại phảng phất trước mặt tôi. Tôi thầm nghĩ, chắc Ngài đang muốn nhắc nhở tôi là hãy luôn luôn sống trong sự tỉnh thức, để sớm thoát khỏi bến mê trở về bờ giác. Như được sự mách bảo và chỉ dẫn của Ngài, bất chợt trong đầu tôi đã loé lên được tiêu đề của bài viết, thế là tôi lập tức lấy giấy bút ra để viết. Trước khi đặt bút viết, tôi đã thầm niệm: “Trên hư không bao la vô tận, ngưỡng mong Ngài hãy chứng giám cho lòng thành kính và ngưỡng mộ của con đối với Ngài”. Và như thế, bằng cảm xúc tự nhiên của mình, tôi đã đặt bút viết một mạch cho đến dấu chấm kết thúc của bài này. Thật là một cảm xúc kỳ diệu, một nhân duyên thù thắng mà xưa nay tôi chưa từng hạnh ngộ.

Như mọi người đều biết, tôi và thầy Thanh Vân không chỉ là bạn đồng học của khoá II (khoá 1994 - 1998) Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, mà giữa hai chúng tôi còn có mối đạo tình thân thiết như huynh đệ, chúng tôi đã cùng nhau sách tấn và chia sẻ ngọt bùi trong suốt bốn năm dưới mái trường Học viện. Một hôm, khi hai chúng tôi đang tản bộ trên đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội, thầy đã tâm sự với tôi rằng ngày xưa Hoà thượng Sếu và Hoà thượng nhà[3]là bạn đồng học và hai Ngài cũng thân nhau như anh em mình bây giờ đấy! Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết thì ra hai Ngài không chỉ là đồng môn của lớp tu học Phật pháp TW khoá năm 1970 tại chùa Quảng Bá, mà ngay từ những năm đầu của thập niên 60 hai Ngài cũng đã từng tham gia các khoá An cư kết hạ tại chùa Quán Sứ do TW Hội tổ chức. Nhờ đạo tình huynh đệ giữa tôi và thầy Thanh Vân, mà tôi đã có phúc duyên được diện kiến và đỉnh lễ Ngài ba lần tại Tổ đình Đống Cao - Hải Dương, lần đầu tiên là nhân dịp về dự lễ khánh thành nhà thờ Tổ chùa Bằng (tức chùa Bình Lâu) vào tháng 11 năm 1996. Khi thoạt nhìn thấy Ngài, tôi đã có phần run sợ và lúng túng, vì trước mặt tôi là một bậc Trưởng lão tuy với dáng vóc nhỏ bé và bộ nâu sòng cũ kĩ, nhưng đã toát lên vẻ trang nghiêm và đạo phong cốt cách của một bậc xuất trần thượng sĩ. Đứng trước mặt Ngài, tôi cảm thấy mình như một kẻ cùng tử[4]đã lãng đãng phong trần bấy lâu, nay được trở về bên sự đùm bọc yêu thương của một người cha giàu lòng nhân ái. Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của vua Trần Thái Tông là: “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách, nhật viễn gia hương vạn lý trình[5]”. Tạm dịch: “Lang thang làm khách phong trần, quê hương ngày một muôn lần cách xa”. Đúng vậy, hiện vẫn còn biết bao những chúng sinh đang dong duổi đường gió bụi, đang đắm chìm nơi biển khổ sông mê mà chưa biết quay đầu tìm về bờ giác.

Một ấn tượng khiến tôi không thể nào quên là khi tôi chắp tay đỉnh lễ Ngài, thì lập tức Ngài cũng đã chắp tay vái lại tôi, động tác này của Ngài đã khiến cho tôi run sợ bội phần và cảm giác như mình đã bị tổn phúc khi để một bậc trưởng lão chắp tay vái mình. Nhưng sau khi lấy lại trấn tĩnh, tôi mới hiểu ra rằng Ngài đã vái cái Phật tính thanh tịnh vốn có trong tôi, chứ không phải là vái cái thân xác Tứ đại nhỏ bé này của tôi. Dù chỉ là một động tác nhỏ, nhưng đã hàm chứa sự thấu triệt về chân lý viên minh bất nhị và tâm vô trụ của Ngài. Với giọng nói ấm áp và chậm rãi, Ngài hỏi tôi: “Thầy là đệ tử của ai ?”. Tôi trả lời: “Dạ bạch Hoà thượng, con là đệ tử của Hoà thượng Đọ ở Ninh Bình ạ! ”. Khi nghe đến từ “Hoà thượng Đọ”, Ngài đã ngước lên nhìn tôi với một ánh mắt chìu mến và ân cần hỏi tiếp: “Hòa thượng nhà có khoẻ không? Khi nào về chùa thì cho tôi gửi lời hỏi thăm Hoà thượng nhé!”. Lúc này, sự xúc động và bồi hồi đã trào dâng lên trong trái tim tôi, hai khoé mắt của tôi dường như đã rươm rướm lệ. Với ánh mắt chìu mến và giọng nói ấm áp của Ngài, đã xua tan đi sự giá lạnh trên một chặng đường dài đi bằng xe máy từ Hà Nội về Hải Dương của tôi. Qua một hồi hỏi thăm sức khoẻ của thầy tôi, Ngài đã ôn lại những kỷ niệm giữa Ngài với thầy tôi trong khi còn ngồi dưới mái trường chùa Quảng Bá. Tuy đã ở tuổi ngoài chín mươi, nhưng Ngài vẫn còn minh mẫn lạ thường và dường như những kỷ niệm giữa Ngài và thầy tôi vẫn còn in đậm trong kí ức của Ngài. Hầu chuyện Ngài một hồi, không chỉ sự run sợ và lúng túng trong tôi đã dần tan biến, mà sự cách biệt giữa một bậc trưởng lão và một kẻ hậu học như tôi dường như cũng không còn nữa. Đến bữa ăn, Ngài bảo tôi: “Thôi đi ăn cơm đi và nhớ phải ăn cho no kẻo trên đường về lại đói”. Giọng nói của Ngài nghe từ bi và gần gũi làm sao, nó gần gũi như những lời mà thầy tôi vẫn thường nhắc nhở trong mỗi lần tôi được nghỉ học về chùa Đọ.

Trước khi từ biệt, tôi đã đến chắp tay và đỉnh lễ Ngài, Ngài đã không quên căn dặn tôi là: “Hãy cố gắng tinh tiến tu học để mai sau còn hoằng dương Phật pháp, tương lai của Phật giáo nước nhà đang trông đợi vào các thầy đấy!”. Không dừng ở đó, Ngài còn nói tiếp: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân[6]. Tạm dịch: “Đạo là do con người nghiên cứu, tu tập và truyền bá; đạo mà không có người truyền bá thì cũng chỉ giống như một thứ đồ cổ để trong bảo tàng cho mọi người chiêm ngưỡng mà thôi. Mặc dù đã ở cái tuổi lão giả an chi, nhưng Ngài vẫn luôn canh cánh trong lòng về một tương lai rạng rỡ của Phật giáo nước nhà. Lời căn dặn ân cần của Ngài vẫn luôn văng vẳng bên tai tôi và nó đã trở thành một thứ hành trang vô hình dong duổi bên tôi trong những tháng năm đèn sách ở trong nước cũng như suốt thời gian đi tu nghiệp ở nước ngoài.

  Khi về chùa Đọ, tôi đã đem chuyện được diện kiến và đỉnh lễ Ngài ra kể với thầy tôi[7]. Tôi mới nhắc đến từ “Hoà thượng Sếu”, thầy tôi đã rất phấn chấn và ân cần hỏi: “Cụ có khoẻ không? Đã lâu lắm rồi anh em không gặp được nhau, khi nào có dịp thì đưa tôi ra thăm Hoà thượng nhé, Hoà thượng đạo hạnh và quý hoá lắm!”. Nói đến đây, thầy tôi bỗng tĩnh lặng một hồi và dường như đang hồi tưởng về một điều gì đó, phải chăng là những kỷ niệm đẹp giữa thầy tôi với Ngài. Tiếp theo, thầy tôi đã kể một loạt những kỷ niệm khi hai Ngài còn học với nhau dưới mái chùa Quảng Bá như: ăn vỏ xu hào kho, đốt những nén hương thừa để soi chữ học v.v…Nhìn ánh mắt và giọng nói của thầy tôi, tôi có thể cảm nhận được mối đạo tình thân thiết giữa hai Ngài trong những tháng năm trúc song đèn sách. Có thể nói, mối đạo tình thân thiết giữa tôi và thầy Thanh Vân dường như đã được phiên bản từ mối đạo tình thân thiết của hai bậc trưởng lão - Hoà thượng Sếu và Hoà thượng Đọ. Quả là một sự tiếp nối kỳ diệu và nhân duyên hy hữu giữa hai thế hệ. Viết đến đây, tôi cảm thấy lòng mình như bị quặn đau và có phần day dứt vì đã không tạo dựng được một cuộc tái ngộ giữa hai Ngài. Quả thực, tôi đã để mất đi duyên lành ngàn năm khó gặp. Lúc này, câu nói: “Khi nào có dịp thì đưa tôi ra thăm Hòa thượng” của thầy tôi bỗng lại vang vọng bên tai tôi. Tôi thực sự cảm thấy là mình đã có lỗi đối với hai Ngài, vì sự lơ đễnh của tôi mà cuộc tái ngộ giữa hai Ngài đã trở nên vĩnh viễn bỏ ngỏ. Nhưng không, tôi luôn tin tưởng rằng, với hạnh nguyện cao cả của Bồ tát, chắc hẳn hai Ngài đã thừa nguyện tái lai và cùng dắt tay hồi nhập cõi Sa bà để tiếp tục cứu độ cho muôn vàn chúng sinh còn đang ngụp lặn trong biển khổ sông mê.

          Bên ngoài khung cửa sổ của máy bay là cả một bầu trời xanh xa thẳm, nhìn về miền xa thẳm ấy tôi mới thấy con người nó bé nhỏ làm sao. Đúng vậy, chỉ có máy bay mới biết được bầu trời mênh mông nhường nào. Một thế kỷ tuy không phải là dài so với dòng thời gian vô tận, song tròn một thế kỷ trụ thế Ngài đã dành chọn tâm huyết cho việc phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Ngài quả là một tấm gương sáng, là một Bắc đẩu tinh luôn luôn soi rọi cho Tăng - Ni, Phật tử Hải Dương nói riêng và Tăng - Ni, Phật tử cả nước nói chung. Có lẽ, do đã thấu triệt được tính hư dối và luôn biến đổi vô thường của mọi sự vật hiện tượng[8], nên ba vạn sáu nghìn ngày ở đời Ngài đã không để lại bất kỳ một trước tác nào. Đúng như lời Hương Hải (1627 - 1715) thiền sư đã nói: “Nhạn vô di tích chi ý; Thủy vô lưu ảnh chi tâm”. Tạm dịch: “Để dấu: nhạn không có ý; giữ bóng: nước cũng vô tâm”. Tuy nhiên, với những pháp âm vi diệu và những việc làm mang đậm tính thân giáo của Ngài cũng đã đủ làm hành trang, tư lương để bồi đắp và vun trồng cho hàng hậu học. Ngài đã luôn coi việc tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức như một nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên. Trong tất cả những công trạng lớn lao của Ngài, chúng ta không thể không kể đến công lao giáo dưỡng, hun đúc của Ngài đối thầy Thanh Vân. Tuy đã quẩy dép về Tây, nhưng Ngài đã để lại cho Phật giáo Hải Dương nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung một tài sản quý giá đó chính là thầy Thanh Vân, một sứ giả của Như lai, một bậc pháp khí của chốn Thiền môn trong tương lai. Thật là xứng đáng với câu: “Tổ đức liên huy”. Tạm dịch: “Đức tổ luôn được nối tiếp và sáng mãi”.

          Ánh đèn chiếu sáng từ trên trần máy bay đã rọi soi cho tôi viết, giống như Ngài đang soi đường chỉ lối cho tôi đi trong bóng đêm tăm tối. Tôi càng viết thì càng thấy lưu loát và có cảm giác như Ngài đang chỉ bảo cho tôi từng câu, từng chữ, chỉ trong vòng gần hai giờ đồng hồ mà tôi đã viết kín gần bốn trang giấy. Vẫn biết sự hạn chế của ngôn ngữ văn tự, vì nó không thể chuyển tải hết được những cảm xúc, những ký ức sâu đậm của tôi về Ngài. Thêm vào đó, cho dù tôi có viết, có tả bao nhiêu về Ngài đi chăng nữa thì cũng chỉ là thừa, giống vẽ rắn thêm chân mà thôi. Bởi lẽ, ở nơi Ngài đã “bặt dứt đối đãi”; “siêu việt nhị nguyên”; “khen cũng không tăng, mà có chê cũng chẳng giảm”. Tuy nhiên, văn dĩ tải đạo, tôi vẫn phải dùng ngôn ngữ văn tự và mượn bút mực làm phương tiện để bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ của tôi đối với một bậc chân tu khả kính như Ngài.

Khi Cơ trưởng của chuyến bay thông báo máy bay đang chuẩn bị giảm độ cao để hạ cánh, thì cũng chính là lúc tôi đang mải mê viết lời kết của bài. Khi tôi nắp bút và gấp chiếc bàn ăn trước mặt thì ánh đèn chiếu sáng trên trần máy báy cũng dần dần khép lại. Tôi bắt đầu chợp mắt và thả hồn về một phương trời xa thẳm bao la. Lúc này, hình bóng của Ngài bỗng lại tràn ngập trong não hải của tôi…

Viết trên chuyến bay VN924 bay từ Hà Nội đi Đài Bắc
 
Mùa Vu Lan năm Kỷ Sửu

  Hậu học Thích Minh Quang 

                          

[1] Tức là cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Luân, Viện chủ Tổ đình Đống Cao (tức chùa Sếu) - Hải Dương. Hoà thượng nhà, là từ thân mật mà tôi và thầy Thanh Vân bấy lâu nay vẫn thường tôn xưng đối với hai Ngài: Hoà thượng Sếu (Đống Cao) và Hoà thượng Đọ.

[2] Trích thơ Thiền của vua Trần Nhân Tông.

[3] Tức là cố đại lão Hoà thượng Thích Thanh Hào, Viện chủ Tổ đình Đỗ Linh Quang (chùa Đọ) - Ninh Bình.

[4] Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện “Người cùng tử”. Kinh có đoạn chép như sau: “Hỡi người giàu sang bậc nhất, tha phương cầu thực xưa nay. Hãy thôi làm thân cùng tử, về đây tiếp nhận gia tài”. Gia tài, đó chính là bản tính thanh tịnh vốn có của mỗi con người.

[5] Trích trong bài “Tứ Sơn Kệ Tự Tính” của vua Trần Thái Tông.

[6] Câu này được trích trong thiên Vệ Linh Công của sách Luận Ngữ.

[7] Hòa thượng Viện chủ Tổ đình Đỗ Linh Quang (chùa Đọ).

[8] Như Kinh Kim Cương đã chép: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như lai”. Tạm dịch: “Cái gì có hình tướng đều là giả dối, chỉ khi nào thấy được các hình tướng chẳng phải là thực có. Lúc đó, mới thực sự thấy được Như Lai”.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch