Đặc biệt, kể từ năm 1981 đến nay, trải qua 30 năm tương ứng với 6
nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (được viết tắt là
GHPGVN) đã không ngừng phát triển bền vững và ổn định về mọi mặt, thu
hút nhiều sự quan tâm của các tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài
nước cũng như các tầng lớp nhân dân trong xã hội (nói riêng) và các tổ
chức Phật giáo ở các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới (nói chung);
đồng thời góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam ngày càng ổn định
và phát triển vững mạnh, đem lại suối nguồn an lạc và hạnh phúc cho mọi
người. Đặc biệt, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính
quyền các cấp cũng như sự lãnh đạo sáng suốt và khéo léo của chư Tôn đức
lãnh đạo Giáo hội cùng với sự ủng hộ nhiệt tình và đóng góp tích cực
của toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, GHPGVN đã gặt hái được nhiều
thành quả tốt đẹp trong mọi công tác Phật sự, mở rộng quan hệ hợp tác và
giao lưu văn hóa quốc tế, nhằm thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa
GHPGVN với các quốc gia và tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế
giới trong suốt ba thập niên vừa qua. Đề tài tham luận hôm nay của Ban
Phật giáo Quốc tế Trung ương với chủ đề: “NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI 30 NĂM CÔNG TÁC QUAN HỆ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ”, hy vọng sẽ
là giọt nước công đức và kiến thức trong đại dương công đức và trí tuệ
của chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, nhằm trân trọng đóng góp
phần nhỏ ý kiến của Ban trong buổi hội thảo chào mừng kỷ niệm 30 năm
thành lập GHPGVN (07/11/1981- 07/11/2011), góp phần tích cực trong công
việc xây dựng và phát triển bền vững ngôi nhà chung của GHPGVN trong
thời kỳ hội nhập Phật giáo thế giới hiện nay.
- I. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
a. Tinh thần dung hợp giữa các truyền thống và hệ phái Phật giáo
Kể từ năm 1981, Phật giáo Việt Nam đã có đầy đủ cơ duyên thực hiện
nguyện vọng thống nhất 09 tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật giáo [1] cả nước hợp thành một Giáo hội duy nhất lấy tên là GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (viết tắt là GHPGVN) dựa trên nguyên tắc hoạt động: “Thống
nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn
tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và
phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.[2]
Đây không những là một sự kiện trọng đại về mặt lịch sử của Phật giáo
Việt Nam mà còn là nét đặc trưng tiêu biểu của GHPGVN trong khi các
quốc gia và tổ chức Phật giáo khác trên thế giới không thể thực hiện
được; điển hình như các nước Phật giáo Thái Lan, Tích Lan, Lào,
Campuchia, .v.v... luôn mang đậm nét truyền thống Phật giáo Nguyên thủy;
trong khi Tây Tạng, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Triều Tiên, Nhật
Bản, Nepal, Bhutan.v.v… biểu hiện rõ nét tinh thần Phật giáo Đại thừa.
Trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế, GHPGVN luôn rất tự hào khi
khẳng định với các nước và các tổ chức Phật giáo bạn trên thế giới rằng:
nét đặc trưng của ngôi nhà chung GHPGVN hôm nay chính là sự dung hợp
giữa các truyền thống Phật giáo Bắc tông, Nam tông và hệ phái Khất sĩ
thành một khối đại đoàn kết dựa trên tinh thần thống nhất ý chí và hành
động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, cũng như sự tôn trọng và duy trì
các pháp môn truyền thống tu tập của các hệ phái theo đúng chánh pháp.
Đây chính là nét đặc trưng thứ nhất của GHPGVN.
b. Thiền tịnh song tu
Như chúng ta đã biết, Phật giáo Việt Nam được phát triển với ba hình
thức tiêu biểu: (1) Truyền thống A Hàm được xác định từ thế kỷ thứ II,
(2) truyền thống Thiền được du nhập vào thế kỷ thứ VI, (3) và truyền
thống Tịnh Độ. Sau thế kỷ thứ XII, hình thức vượt trội về pháp môn Thiền
Tịnh song tu đã phát khởi và sau đó trở thành nét đặc trưng của Phật
giáo Việt Nam đến thế kỷ thứ XX và cho đến nay.[3] Đây chính là nét đặc trưng thứ hai của GHPGVN.
c. Bản sắc của Thiền Việt Nam
Thiền phái Trúc Lâm, một truyền thống Thiền Việt Nam do Vua Trần Nhân Tông (1258- 1308)[4]
sáng lập, một học giả Phật giáo vĩ đại sau hai cuộc chiến thắng quân
Mông đã từ bỏ ngôi vua, xuất gia và trở thành người sáng lập Thiền phái
Trúc Lâm tại núi Yên Tử, sau này Ngài được nhân dân tôn kính và thánh
hóa với tên gọi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Sơ Tổ của dòng thiền Trúc Lâm
Việt Nam). Đây là truyền thống Thiền Việt Nam đầu tiên, không chỉ biểu
lộ các đặc tính độc lập của Việt Nam, mà còn biểu hiện sự kết hợp hài
hòa giữa Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Các Thiền sư Việt Nam không dựa
trên những phương pháp hành thiền do các thiền sư Ấn Độ và Trung Hoa
thực hành; mà trái lại, quý Ngài tự sáng tạo phương pháp hành thiền
riêng phù hợp với tính chất và truyền thống dân tộc Việt Nam[5].
Cho đến cuối thế kỷ XX, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, một Thiền
sư nổi tiếng qua nhiều thập niên, đã làm hồi sinh và khôi phục lại
truyền thống Thiền Việt Nam. Thiền sư đã hướng dẫn các thiền giả phương
pháp hành thiền mà Ngài tổng hợp từ những kinh nghiệm thiền định của ba
vị thiền sư nổi tiếng như Vua Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa (1279 –
1293), và thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334)[6]. Đây chính là nét đặc trưng thứ ba của GHPGVN.
d. Phật giáo luôn đồng hành cùng với dân tộc
Với giáo lý từ bi- trí tuệ; vô ngã- vị tha; yêu chuộng hòa bình; tôn
trọng đạo đức và bảo vệ sự sống muôn loài, đạo Phật đã hòa mình với
truyền thống văn hóa, đạo đức của người dân Việt Nam và mau chóng trở
thành một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh của người dân
Việt. Vì vậy, trong suốt 2.000 năm dựng nước và giữ nước, Phật giáo
Việt Nam luôn đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam thân yêu, đồng hành cùng với dân tộc. Từ các triều đại phong
kiến cho đến thời Đinh-Lê-Lý-Trần, Phật giáo thời nào cũng có những nhà
sư yêu nước đồng thời cũng là những nhà chính trị, quân sự, văn hóa và
ngoại giao trong vai trò hộ quốc an dân như các thiền sư Ngô Chân Lưu
(Khuông Việt, 933-1011), (?-1018); Đa-Bảo; Viên-Chiếu (999-1090);
Mãn-Giác (1052-1096); Thông-Biện (?-1134); Viên-Thông (1080-1151);
Từ-Đạo-Hạnh (?-1117); Sùng-Phạm (1004-1087); Minh-Không (1066-1141);
Ngộ-Ấn (1020-1088); Bảo-Giám (?-1173); Phù-Vân; Tuệ-Trung-Thượng-Sĩ
(Trần-Quốc-Toản, 1230-1291); Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Sơ tổ Thiền phái
Trúc Lâm). Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc
Mỹ xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ
kính yêu, các nhà sư cùng đông đảo Tăng Ni và Phật tử tự nguyện nhập ngũ
lên đường tham gia kháng chiến, phần lớn các chùa trên khắp mọi miền
đất nước đều là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, nuôi giấu cán bộ
và là nơi hậu phương vững chắc cho những chiến sĩ cách mạng đi đến thắng
lợi cuối cùng. Cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,
giang sơn nối liền một mối, Phật giáo Việt Nam cũng thống nhất 09 hệ
phái tổ chức Phật giáo quy tụ về một mối và lấy danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT
GIÁO VIỆT NAM (được ghi tắt là GHPGVN) dựa trên nguyên tắc hoạt động với phương châm: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.”
Cho đến ngày nay, GHPGVN vẫn luôn là một tôn giáo đi đầu trong công
cuộc xây dựng đổi mới đất nước, xây dựng đời sống mới cho nhân dân, hầu
hết Tăng Ni và đồng bào Phật tử đã tích cực tham gia lao động sản xuất;
ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt và dịch bệnh; ủng hộ người nghèo
khó; tham gia công tác từ thiện xã hội và giáo dục như mở các trung tâm
khám bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh Đường Phật giáo, chăm sóc các bệnh nhân
nhiễm HIV/AIDS; mở các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, lớp học tình
thương, v.v... Nhiều vị Tăng sĩ đã được Nhà nước tặng các Huân Chương
cao quý như Cố Hòa thượng Thích Thiện Hào (Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; Trưởng Ban Trị sự THPG TPHCM)
và Hòa thượng Thích Thanh Tứ nhận Huân Chương Hồ Chí Minh; quý Hòa
thượng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội nhận Huân Chương Độc Lập Hạng Nhất
& Nhì, Huân Chương Lao Động Hạng Ba của Chủ tịch nước như Hòa thượng
Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Từ
Nhơn, Hòa thượng Thích Trí Quảng v.v…; và một số quý Hòa thượng, Thượng
tọa lãnh đạo Trung ương Giáo hội nhận Bằng khen của Thủ Tướng như Hòa
thượng Thích Chơn Thiện, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn; Hòa thượng Thích
Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thiện Duyên,
Hòa thượng Thích Trí Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Hòa thượng Thích
Thiện Tâm và Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm v.v...
Đó là những tấm gương sáng về uy tín và đạo hạnh của những vị Cao
Tăng Thạc Đức đã cống hiến cuộc đời mình cho Đạo pháp và dân tộc, GHPGVN
luôn mãi thắp sáng tinh thần: “Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc”,
đã và đang tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trong lòng dân tộc
và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Đây chính là nét đặc trưng thứ tư của
GHPGVN ngày nay.
- II. QUAN HỆ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ CỦA GHPGVN TRONG 30 NĂM QUA
Trong xu thế phát triển, đổi mới và hội nhập toàn cầu của
đất nước hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt nam (GHPGVN) nói
chung và Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương nói riêng, luôn phát triển
không ngừng và cách tân theo nhu cầu hội nhập phát triển của xã
hội; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đường lối
của Đảng và Nhà nước; đồng hành cùng với dân tộc trên tinh
thần: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa Xã hội”. Dưới sự chỉ đạo nhiệt tâm của GHPGVN và sự lãnh đạo khéo léo của nhị vị Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (Nguyên Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, nay là Phó Pháp Chủ GHPGVN) và Hòa thượng Thích Hiển Pháp (Nguyên Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, nay là Phó Pháp Chủ GHPGVN), và tiếp nối sự lãnh đạo khéo léo của nhị vị Trưởng lão, đó là Hòa thượng Thích Trí Quảng, (hiện đương nhiệm Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN),
Ban Phật giáo Quốc tế đã từng bước hoàn thiện và cách tân về
mọi mặt như tổ chức, hành chánh, trẻ hóa nhân sự, quan hệ
ngoại giao, hoạt động Phật sự trong và ngoài nước v.v... phù
hợp theo nhu cầu hội nhập và phát triển toàn diện của Giáo
hội và đất nước hầu mang lại nhiều kết quả tốt đẹp trong công
tác Phật sự đối ngoại.
- a. Quan hệ hữu nghị, viếng thăm và tiếp đón các phái đoàn quốc tế
Nhằm mở rộng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giao lưu văn
hóa giữa Phật giáo Việt Nam và các nước Phật giáo trên thế
giới về mọi mặt văn hóa, kiến trúc, học thuật, kinh nghiệm tu
học v.v..., GHPGVN đã tích cực thể hiện vai trò quan hệ Phật giáo quốc
tế của mình với tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế như Hội
Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (gọi tắt ABCP), thành viên sáng lập Hội
Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, thành viên Hội Đệ tử Như Lai
Tối Thượng (Sri-lanka), thành viên IOC Vesak, thành viên Ủy ban Đại học
và cao Đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, thành viên Hội Sakyadhita
Thế giới cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và Châu Âu,
v..v. Bên cạnh, GHPGVN đã và đang liên kết thân hữu với các nước Phật
giáo Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Triều Tiên, Mông Cổ, Srilanka,
Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan - Trung Quốc
và một số nước Châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ v.v…; đồng thời đã tổ chức nhiều
phái đoàn đại diện GHPGVN đi thăm hữu nghị một số nước Phật giáo trong
vùng Đông Nam Á như Campuchia, Phật giáo Lào, Phật giáo Ấn Độ và Phật
giáo Myanmar; cũng như thăm viếng, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức Lễ
Cầu an đầu năm, Lễ Thượng ngươn, Lễ Phật đản và Vu lan tại các trung tâm
Văn hóa Phật giáo tại Châu Âu cho Hội Phật tử Việt Nam yêu Đạo Phật tại
Pháp, Cộng hòa Séc, Ucraina, Liên bang Nga, Hungary, Ba Lan, Đức, Lào
v.v...
Tại Việt Nam, GHPGVN tiếp đón hàng trăm phái đoàn Phật giáo và các tổ
chức Phật giáo Quốc tế như phái đoàn Đại Sứ Quán các nước; quý phái
đoàn Vua sãi Tép Vong và Bộ trưởng Bộ Nghi lễ Tôn giáo Chính phủ Hoàng
gia Campuchia; phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất
nước; phái đoàn tổ chức IOC Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc; Hội nghị Thượng
đỉnh Phật giáo Thế giới (Nhật bản); phái đoàn Hội quán Đạo đức Phật
giáo Nhật Bản; phái đoàn Pakistan; phái đoàn Phật giáo Ấn Độ (Kim Cang
Thừa); các phái đoàn Phật giáo Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan -
Trung Quốc; phái đoàn Phật giáo Thái Lan, phái đoàn Viện Nghiên cứu Tôn
giáo Toàn cầu Hoa Kỳ; phái đoàn Nữ giới Hội Sakyadhita v.v… đến thăm
viếng và trao đổi thông tin với GHPGVN tại Văn phòng I & II Trung
ương Giáo hội và tại một số trụ sở Văn phòng Tỉnh, Thành hội Phật giáo
trong cả nước.
- b. Tham dự và tổ chức Hội nghị, Hội thảo Quốc tế
Nhằm trao đổi kiến thức và giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế, GHPGVN
đã phối hợp Ban Phật giáo quốc tế Trung ương và các Ban
ngành/Viện Trung ương đề cử các cá nhân và các phái đoàn Đại
biểu GHPGVN tham dự 66 cuộc Hội nghị và Hội thảo Quốc tế tại các
nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên, Mông Cổ,
Srilanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan,
Philipine, Indonesia, Tây Ban Nha và Singapore v.v...; và tham dự 06
lần Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan và 02 lần Đại lễ Phật
Đản Liên Hiệp Quốc tại New York.
Bên cạnh, GHPGVN đã quyết tâm và nỗ lực đăng cai tổ chức Đại lễ Phật
đản Liên Hợp Quốc năm 2008 tại Việt Nam với sự hiện diện của hơn 80 quốc
gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, mang đến sự thành công lớn và
đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của các nước Phật
giáo và các tổ chức Quốc tế về Việt Nam (nói chung) và GHPGVN (nói
riêng); đồng thời tiếp tục đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới
Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo –
Chùa Phổ Quang, Tp. Hồ Chí Minh năm 2010. Hiện nay, GHPGVN phối hợp với
Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đang chuẩn bị nội dung tham dự Hội nghị
Thành lập tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu tại Ấn Độ vào cuối tháng
11/2011 cũng như kỷ niệm 2.600 năm Phật Thành đạo dưới cội Bồ Đề tại Bồ
Đề Đạo Tràng thuộc tiểu bang Bihar - Ấn Độ và tại đất nước Sri-lanka.[7]
- c. Xuất bản ấn phẩm “Lược sử Phật giáo Việt Nam”
Trong nhiệm kỳ VI (2007-2012) này, dưới sự chứng minh của chư tôn
Giáo phẩm Hòa thượng lãnh đạo Trung ương Giáo hội và sự chỉ đạo của Hòa
thượng Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương), Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương đã hoàn thiện công việc biên soạn và ấn hành tập sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”
trong giai đoạn đầu bằng tiếng Anh-Việt, sau đó sẽ tiếp tục phiên
dịch ra các ngôn ngữ như Trung, Nhật, Hàn, Pháp v.v… theo nhu cầu của
Giáo hội, nhằm giới thiệu cho các nước và tổ chức Phật giáo
trên thế giới hiểu rõ và chính xác hơn về GHPGVN. Nội dung tập
sách sẽ đề cập đến: (1) Lược sử PGVN qua từng thời kỳ (từ thời du nhập đến nay);
(2) Giới thiệu về cơ cấu tổ chức hành chánh của Giáo hội PGVN;
và (3) Một số hình minh họa về chư tôn Đức Trưởng lão Hòa thượng lãnh
đạo Trung ương GHPGVN và một số ngôi chùa Phật giáo tiêu biểu tại đất
nước Việt Nam thân yêu.
Thực hiện nguyện vọng giáo dục và đào tạo Tăng Ni tài cho GHPGVN của
cố Đức Pháp chủ Đệ nhất GHPGVN, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức
Nhuận, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan chính
quyền lãnh đạo các cấp, GHPGVN trong suốt 30 năm qua không những đã và
đang đào tạo hơn hàng vạn Tăng Ni sinh theo học tại các Học viện và các
trường Phật học các cấp trong cả nước, mà còn giới thiệu 476 Tăng Ni
sinh du học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại các nước như Ấn
Độ, Trung Quốc, Myanmar, Sri-lanka, Thái Lan, Pháp, Nhật, Mỹ, Úc và Đài
Loan, v..v. Hiện nay, số lượng Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ và Thạc sĩ
chuyên ngành Phật học và các ngành khác có trên 100 vị đã trở về nước
tham gia các công tác của các Ban/Viện Trung ương Giáo hội; các Ban
chuyên môn tại các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo; cũng như tham
gia công tác giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, các lớp Cao
Đẳng, các Trường Trung Cấp Phật học trên cả nước, và có trên 200 Tăng Ni
sinh hiện đang du học tại các nước như trên.[8]
Nhìn chung, qua các mặt công tác quan hệ Phật giáo quốc tế của
GHPGVN, chúng ta nhận thấy sự nỗ lực vượt trội và phát triển không ngừng
của Giáo hội được biểu hiện qua nhiều thành quả tốt đẹp trong suốt 30
năm vừa qua. Với nhận thức đúng đắn, hành động thiết thực trong tinh
thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị và quan hệ quốc tế, GHPGVN đã từng bước
vượt qua những khó khăn trở ngại, gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp
trong mọi công tác đối ngoại nhằm thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa
GHPGVN với các quốc gia và tổ chức Phật giáo trong khu vực và trên thế
giới trong suốt ba thập niên vừa qua. Đây chính là những thành tựu tốt
đẹp đáng được ghi nhận của GHPGVN trong công tác quan hệ Phật giáo Quốc
tế, góp phần tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa cho GHPGVN trong
nước và thế giới. Tuy nhiên, để tăng thêm uy thế trong quan hệ hữu nghị
và hợp tác quốc tế với các nước Phật giáo bạn trên thế giới, thiết nghĩ
GHPGVN cần quan tâm hơn nữa về việc:
- Chủ động thành lập một tổ chức quốc tế riêng theo bản sắc văn hóa
truyền thống của Phật giáo Việt Nam với sự tham gia của các thành viên
từ nhiều nước và các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhằm mở rộng hơn
nữa mối quan hệ hợp tác Phật giáo quốc tế giữa GHPGVN và các nước Phật
giáo trên thế giới qua các mặt hoằng pháp, giáo dục, văn hóa v.v…, phù
hợp với thời đại phát triển khoa học và điều kiện mở cửa giao lưu văn
hóa của đất nước, góp phần tích cực cho hoạt động Phật giáo Quốc tế của
GHPGVN ngày càng phát triển mạnh mẽ trên diễn đàn quốc tế.
- Các Ban/Viện Trung ương cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ
hơn nữa trong khi thực hiện công tác quan hệ Phật giáo quốc tế.
- Quan tâm, hỗ trợ và động viên nhiều hơn nữa về mặt tâm linh cho
đồng bào Phật tử Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại hải ngoại bằng
cách: Thường xuyên tổ chức các khóa tu học Phật pháp, các diễn đàn hội
thảo Phật giáo, thuyết giảng và chia sẻ kinh nghiệm tu học Phật pháp
nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn cảnh thực tế của Phật tử hải ngoại phù hợp với
truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam và nước sở tại.
- Củng cố đội ngũ con em Phật tử Việt kiều ở hải ngoại nhằm kế thừa
di sản truyền thống văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam bằng cách: Tổ
chức các khóa tu học ứng dụng Phật pháp dành riêng cho các thanh thiếu
niên Việt kiều; lắng nghe nguyện vọng tâm tư của các em để hỗ trợ, tư
vấn và chia sẻ những kinh nghiệm sống thực tế qua lời dạy của Đức Phật
với sự hài hòa phong tục tập quán của Việt nam và nước sở tại nhằm hướng
dẫn cho các em đi đúng mục tiêu tương lai của chính họ. Để thực hiện
được điều này, chúng ta hãy: “ban tặng cho các em những gì chúng đang cần, và nói với các em những điều chúng đang muốn hiểu biết.”
Có như vậy, giới trẻ ở hải ngoại sẽ tự động truy tìm những viên ngọc
quý báu qua lời dạy của Đức Phật mà các em đang cần từ những ngôi chùa
Phật giáo mang đậm nét truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộcViệt Nam
thân yêu của chúng ta.
Hy vọng, những thiện ý nêu trên của Ban Phật giáo quốc tế Trung ương
sẽ đóng góp một phần nhỏ của mình cho sự nghiệp phát triển bền vững ngôi
nhà chung của GHPGVN trong công tác quan hệ Phật giáo quốc tế và góp
phần cho sự thành công buổi hội thảo hôm nay nhân Kỷ niệm 30 năm thành
lập GHPGVN.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Chú thích:
- 09 tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo cả nước do 09 vị Hòa thượng
Giáo phẩm lãnh đạo lỗi lạc dẫn đầu bao gồm: (1) Hội Thống Nhất Phật Giáo
Việt Nam do Hòa thượng Thích-Nguyên-Sinh; (2) Giáo hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất do Hòa thượng Thích-Thiện-Siêu; (3) Giáo hội Phật Giáo Cổ
Truyền Việt Nam do Hòa thượng Thích-Trí-Tấn; (4) Ban Liên Lạc Phật Giáo
Yêu Nước Thành Phố Hồ-Chí-Minh do Hòa thượng Thích-Thiện-Hào; (5) Giáo
hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam do Hòa thượng Thích-Siêu-Việt; (6) Hội
Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước Miền Tây Nam Bộ do Hòa thượng Dương-Nhơn; (7)
Giáo hội Tăng Gìa Khất Sĩ Việt Nam do Hòa thượng Thích-Giác-Nhu; (8)
Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán do Hòa thượng Thích-Đạt-Pháp; và
(9) Hội Phật Học Nam-Việt do Cư sĩ Phật tử Tăng-Quang. Xem thêm trong
Bản Báo cáo (bản gởi đính kèm số: 341/PC/HĐTS), Văn phòng II Trung ương,
Thành Phần Đại Biểu Tiêu Biểu Phật Giáo Việt Nam Được Ban Vận Động vào
22/10 2003, tại TPHCM, trang 3ff; Bài Tham Luận của Hòa thượng
Thích-Trí-Thủ, ‘Lời Kêu Gọi của Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo
Việt Nam vào 7/11/1981 tại chùa Quán-Sứ, trong Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hóa Trung Ương Giáo Hội, 1986: 40f; Thiều-Huy, ‘Phật Giáo Việt Nam Trong Giai Đoạn Phát Triển, Tuần báo Giác-Ngộ, số 197, TPHCM: Cơ quan Ngôn luận THPG TP.HCM, vào 6/11/2003, trang 9.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ‘Lời Nói Đầu’ trong Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 3.
- Xem thêm trong A. Skilton, A Concise History of Buddhism (Lược Sử Phật Giáo), Birmingham: Windhorse Publication, 1994: 160; Thích Minh Tuệ, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1993: 82ff; Định Lực & Nhất Tâm, Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới, Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2003:15ff.
- Xem thêm về ‘Vua Trần Nhân Tông’ trong Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1992: 288ff; Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1998: 52ff.
- Định Lực & Nhất Tâm, Sđd., trang 28f
- Xem thêm trong Định Lực & Nhất Tâm Sđd., trang 16f.
- Xem thêm về ‘Hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN’ trong Ban Thường trực HĐTS, “Tài liệu Hội nghị Kỳ 4 khóa VI Trung ương GHPGVN”, TPHCM: Văn phòng 2 Trung ương, 2011: 25ff; Tham luận “Giáo hội PGVN 30 Năm Thành lập, Phát triển và Đồng hành cùng với Dân tộc” của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, trang 10; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1986; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Lần Thứ II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1988; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần thứ III Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1993; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999: 25; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ V, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003; 39ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ VI, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 63ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội & Hồ Chí Minh: Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2007: 40ff.
- Xem thêm về ‘Hoạt động của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN’ trong Ban Thường trực HĐTS, “Tài liệu Hội nghị Kỳ 4 khóa VI Trung ương GHPGVN”, TPHCM: Văn phòng 2 Trung ương, 2011: 6ff; Tham luận “Giáo hội PGVN 30 Năm Thành lập, Phát triển và Đồng hành cùng với Dân tộc” của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, trang 4; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1986; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Lần Thứ II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1988; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần thứ III Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1993; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999: 25ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ V, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003: 27ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ VI, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 36ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội & Hồ Chí Minh: Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2007: 26ff.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1/ A.Skilton, A Concise History of Buddhism (Lược Sử Phật Giáo), Birmingham: Windhorse Publication, 1994.
2/ Thích Minh Tuệ, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
3/ Định Lực & Nhất Tâm, Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới, Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2003.
4/ Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
5/ Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
6/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008.
7/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1986.
8/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Lần Thứ II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1988.
9/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần thứ III Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1993.
10/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.
11/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ V, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003.
12/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ VI, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008.
13/ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội & TPHCM: Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2007.
[1]
09 tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo cả nước do 09 vị Hòa thượng Giáo
phẩm lãnh đạo lỗi lạc dẫn đầu bao gồm: (1) Hội Thống Nhất Phật Giáo
Việt Nam do Hòa thượng Thích-Nguyên-Sinh; (2) Giáo hội Phật Giáo Việt
Nam Thống Nhất do Hòa thượng Thích-Thiện-Siêu; (3) Giáo hội Phật Giáo Cổ
Truyền Việt Nam do Hòa thượng Thích-Trí-Tấn; (4) Ban Liên Lạc Phật Giáo
Yêu Nước Thành Phố Hồ-Chí-Minh do Hòa thượng Thích-Thiện-Hào; (5) Giáo
hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam do Hòa thượng Thích-Siêu-Việt; (6) Hội
Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước Miền Tây Nam Bộ do Hòa thượng Dương-Nhơn; (7)
Giáo hội Tăng Gìa Khất Sĩ Việt Nam do Hòa thượng Thích-Giác-Nhu; (8)
Giáo hội Phật giáo Thiên Thai Giáo Quán do Hòa thượng Thích-Đạt-Pháp; và
(9) Hội Phật Học Nam-Việt do Cư sĩ Phật tử Tăng-Quang. Xem thêm trong
Bản Báo cáo (bản gởi đính kèm số: 341/PC/HĐTS), Văn phòng II Trung ương,
Thành Phần Đại Biểu Tiêu Biểu Phật Giáo Việt Nam Được Ban Vận Động vào
22/10 2003, tại TPHCM, trang 3ff; Bài Tham Luận của Hòa thượng
Thích-Trí-Thủ, ‘Lời Kêu Gọi của Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo
Việt Nam vào 7/11/1981 tại chùa Quán-Sứ, trong Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hóa Trung Ương Giáo Hội, 1986: 40f; Thiều-Huy, ‘Phật Giáo Việt Nam Trong Giai Đoạn Phát Triển, Tuần báo Giác-Ngộ, số 197, TPHCM: Cơ quan Ngôn luận THPG TP.HCM, vào 6/11/2003, trang 9.
[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ‘Lời Nói Đầu’ trong Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 3.
[3] Xem thêm trong A. Skilton, A Concise History of Buddhism (Lược Sử Phật Giáo), Birmingham: Windhorse Publication, 1994: 160; Thích Minh Tuệ, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1993: 82ff; Định Lực & Nhất Tâm, Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới, Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 2003:15ff.
[4] Xem thêm về ‘Vua Trần Nhân Tông’ trong Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Hồ Chí Minh: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1992: 288ff; Thích Thanh Từ, Thiền Tông Việt Nam, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1998: 52ff.
[5] Định Lực & Nhất Tâm, Sđd., trang 28f.
[6] Xem thêm trong Định Lực & Nhất Tâm Sđd., trang 16f.
[7] Xem thêm về ‘Hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN’ trong Ban Thường trực HĐTS, “Tài liệu Hội nghị Kỳ 4 khóa VI Trung ương GHPGVN”, TPHCM: Văn phòng 2 Trung ương, 2011: 25ff; Tham luận “Giáo hội PGVN 30 Năm Thành lập, Phát triển và Đồng hành cùng với Dân tộc” của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, trang 10; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1986; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Lần Thứ II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1988; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần thứ III Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1993; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999: 25; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ V, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003; 39ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ VI, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 63ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội & Hồ Chí Minh: Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2007: 40ff.
[8] Xem thêm về ‘Hoạt động của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN’ trong Ban Thường trực HĐTS, “Tài liệu Hội nghị Kỳ 4 khóa VI Trung ương GHPGVN”, TPHCM: Văn phòng 2 Trung ương, 2011: 6ff; Tham luận “Giáo hội PGVN 30 Năm Thành lập, Phát triển và Đồng hành cùng với Dân tộc” của Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, trang 4; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1986; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Lần Thứ II Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1988; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc Lần thứ III Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hồ Chí Minh: Ban Văn Hoá Trung Ương Giáo Hội, 1993; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ IV, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999: 25ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ V, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2003: 27ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo Toàn Quốc Lần Thứ VI, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2008: 36ff; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 25 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hà Nội & Hồ Chí Minh: Văn phòng Trung ương Giáo hội, 2007: 26ff.