Vùng
Tây Bắc gồm 6 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên
Bái) là vùng phên giậu của tổ quốc, có đường biên giới giáp với Lào và
Trung Quốc, diện tích trên 5,64 triệu ha với khoảng 3,5 triệu dân.
Về
mặt tôn giáo, đạo Tin lành phát triển mạnh, trở thành một hiện tượng
đặc biệt tại đây, với khoảng 150.000 (một trăm năm mươi ngàn) người dân
tộc thiểu sổ theo đạo, chưa kể đến những thống kê khác của đạo Công giáo
tại vùng này với khoảng 36.000 tín đồ (theo báo cáo của Quốc hội). Năm
2003, Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đã công nhận hơn 500 hội
nhánh tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đạo
Tin lành ở Tây Bắc thực sự trở thành vấn đề lớn và nóng trong khoảng 20
năm trở lại đây khi một bộ phận khá đông người Mông, Dao theo đạo Tin
lành, sau đó không ngừng lan sang các dân tộc khác như Thái (người theo
đạo Tin lành đang gia tăng), Tày, Nùng, Sán Chỉ, Pà Thẻn, Hà Nhì, Mảng,
Cờ Lao, La Hủ...
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hiện nay có 805 thôn bản, 242
xã, 42 huyện có đồng bào theo đạo Tin Lành, người Mông chiếm 96%.
Đáng lưu ý trước đây cả vùng Tây Bắc chỉ có một chi hội Tin lành của
người Dao với khoảng 1.000 tín đồ, hầu như không có người Mông theo đạo,
thì nay số lượng người Mông theo đạo đã lên đến khoảng 135.000 ngàn
người.
Từ
những tìm hiểu trên, kết hợp với chuyến đi thực tế cùng Thượng tọa
Thích Thanh Quyết tại một số tỉnh Tây Bắc, chúng tôi buộc phải đặt ra
câu hỏi: "Đạo Phật ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc?", khi đồng
bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc phần lớn theo tín ngưỡng đa thần
và thờ cúng tổ tiên, có những sinh hoạt tín ngưỡng gần gũi với các gia
đình người Việt truyền thống.
Giáo
hội đã thành lập được Ban Trị sự, Ban Đại diện Phật giáo tại 3 tỉnh Hòa
Bình, Lào Cai, Yên Bái, nhưng vẫn còn 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện
Biên chưa thể thành lập được Ban Trị sự, mặc dù số lượng người Kinh
(theo đạo Phật và tín ngưỡng thờ cúng ông bà) chiếm số lượng không nhỏ.
Cụ
thể cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đọc được một báo cáo khái quát về
tình hình sinh hoạt Phật giáo tại các tỉnh Tây Bắc (thậm chí các vùng
khác như Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, Đông Nam Bộ), chưa nói đến những
thống kê cụ thể về số lượng Phật tử, cơ sở thờ tự, tiềm năng và xu
hướng phát triển đạo Phật tại vùng này.
Chúng
tôi được biết, trong 3 tỉnh vùng Tây Bắc mà Giáo hội chưa thể thành lập
được Ban trị sự, có những khúc mắc nằm ở phía chính quyền, có những
khúc mắc nằm ở phía Giáo hội, và đôi khi là cả từ hai phía.
Điều
chúng tôi muốn nhấn mạnh là thực tế khách quan đang đòi hỏi một cách
cấp thiết phải thúc đẩy việc thành lập Ban Trị sự tại các tỉnh thành kể
trên, cùng với nhận thức đầy đủ, khoa học, khách quan, đồng bộ: không
phải thành lập Ban Trị sự cho có mặt (hình thức), mà phải tác động đển
chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo của nhà nước, tạo ra sự phát triển
cân bằng, hài hòa, nhằm giữ vững ổn định an ninh, chính trị, xã hội tại
các địa phương.
Thực
tế hoạt động truyền đạo của các tôn giáo là không giống nhau, nên không
thể đồng nhất, đặc biệt đối với đạo Phật, một tôn giáo hộ quốc an dân,
luôn đồng hành cùng dân tộc. Vì thế tư duy "không quản được thì cấm"
cũng không ngăn được những tác động của hoạt động truyền giáo và cải đạo
đồng bào dân tộc theo một số tôn giáo, gây nên những xung đột nhất định
về văn hóa, phong tục, cũng như địa lý vùng, nhất là đối với những vùng
biên cương của tổ quốc, khi cả hai vấn đề tôn giáo và dân tộc cùng một
lúc tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự ổn định xã hội.
Trong
khi các hoạt động truyền giáo, cải đạo và số lượng tín đồ người dân tộc
thiểu số đang gia tăng cấp số nhân theo từng năm, thì Giáo hội Phật
giáo Việt Nam vẫn còn loay hoay với các thủ tục thành lập Ban Trị sự,
chưa thống nhất và kiện toàn được nhân sự.
Ở
đây là những nhân sự có năng lực chuyên môn, có thao thức, trách nhiệm,
nói là làm, chứ không phải phân chia theo lợi ích nhóm, hay tìm cách
kìm hãm sự phát huy năng lực của nhau, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, lợi ích
riêng tư.
Giáo
hội Phật giáo Việt Nam hoạt động với những đặc thù riêng (đôi khi không
giống tổ chức nào), vì vậy công tác hoằng pháp đòi hỏi tính khế lý, khế
cơ, khế thời, tùy duyên bất biến, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến uy
tín và vai trò ảnh hưởng của cá nhân đối với các cấp chính quyền từ
trung ương đến địa phương, để các dự án Phật giáo đạt được những hiệu
quả trước mắt và lâu dài.
Nếu
một lãnh đạo không có đủ tầm nhìn chiến lược, không có kế hoạch phát
triển đạo Phật, không thu hút trọng dụng nhân tài, lại thiếu uy tín, ảnh
hưởng và sức thuyết phục đối với chính quyền thì hoạt động Phật sự sẽ
khó đạt được kết quả dù Giáo hội có duy ý chí công cử một vị chức sắc
nào đó về những vùng gần như trắng Phật giáo này.
Nếu
như đối với chính quyền công tác dân vận được đặt lên hàng đầu, thì đối
với Phật giáo cần có những lãnh đạo kiên định, nhất quán với chủ trương
đường lối của nhà nước về tôn giáo, nhìn nhận tổng thể vấn đề đoàn kết
sắc tộc, tôn giáo, tạo được sự tin tưởng ở chính quyền, song song với
việc tháo gỡ dần những quan niệm, định kiến cho rằng nếu tạo điều kiện
cho Phật giáo hoạt động thì các tôn giáo khác cũng hoạt động...
Bởi
thực tế, không cho đạo Phật hoạt động và phát triển thì có thể đạo Phật
sẽ trắng vùng, nhưng điều này cũng không thể cản được hoạt động truyền
giáo tinh vi và phức tạp của các tôn giáo khác, đặc biệt là đạo Tin
lành, một khi các chân rết đã ăn sâu, bám rễ trong đồng bào dân tộc.
Cụ
thể có những Hội thánh đầu tư xe máy, máy ảnh, máy quay, truyền hình,
đài phát thanh, băng giảng bằng tiếng dân tộc để làm phương tiện truyền
đạo cho các hội viên; các hội trưởng được trả lương và phụ cấp hàng
tháng; người có công vận động tín đồ theo đạo được khen thưởng bằng vật
chất và tinh thần; đẩy mạnh hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện cùng với
những quan tâm về cây trồng vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm của người nông
dân; tích cực cải đạo những người làm công chức, viên chức, thầy mo,
thầy cúng, già làng trưởng bản...
Những
hoạt động truyền đạo này làm cho các cấp quản lý tại địa phương không
theo kịp các diễn biến chủ quan, khách quan, mặt tích cực và tiêu cực
của tác động tôn giáo đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Trong
khi đó, theo thông tin chúng tôi được biết ở Sơn La, đồng bào người Thái
(Thái Trắng, Thái Đen) và đồng bào người Mông theo đạo Tin Lành hay
Công giáo (số ít) đều khẳng định mình là người có đạo, trong khi đồng
bào người Kinh dù có thờ Phật hay quy y thì cũng ngại nói rằng mình là
người theo đạo Phật, chưa nói đến việc ý thức khai rõ ràng theo tôn giáo
nào trong chứng minh thư nhân dân.
Như vậy, nhận thức của người Kinh trong việc truyền bá đạo Phật đã yếu,
nói chi đến vai trò của người dân tộc trong việc tiếp nhận và truyền bá
đạo Phật.
Chưa
có những khảo sát từ phía Phật giáo trước khi thành lập Ban Trị sự tại
các tỉnh Tây Bắc về phong tục, tập tục, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc
để đưa ra những phương thức hoằng pháp phù hợp. Chỉ có một số ít người
dân tộc thiểu số có trình độ kiến thức, hiểu biết xã hội và rành tiếng
Việt là biết đạo Phật như thế nào. Trong khi thực tế chúng ta vẫn đang
tiếp cận đồng bào dân tộc thiểu số một cách máy móc qua các chương trình
từ thiện, cứu trợ, quy y hình thức (không chăm sóc thường xuyên, không
có mô hình sinh hoạt cộng đồng riêng, chưa giao cho hạt nhân người dân
tộc tự quản) còn phần tác động về văn hóa, lối sống, tập tục thì gần như
chưa đạt được bất kỳ sự hòa nhập nào một cách căn bản.
Trong
khi Phật giáo chưa chú ý tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng của đồng bào
dân tộc để kết hợp một cách hài hòa, như đạo Phật ban đầu được truyền
vào nước ta, thì một số tôn giáo khác dùng cách lý giải, các vị thần tối
cao của người dân tộc cũng là các vị thần đã được nói đến trong kinh
sách của họ, chỉ là sự khác nhau của tên gọi, các vị thần cũ đã hết
nhiệm kỳ từ lâu, và nay đang là nhiệm kỳ mà Chúa (Thượng đế) của họ cai
quản nhân gian, cầu xin điều gì cũng sẽ được đáp ứng.
Như
vậy sự giao tiếp và truyền đi các tín hiệu hoằng pháp thông qua ngôn
ngữ, tiếng nói của tăng ni, Phật tử là rất hạn chế. Đã vậy, chúng ta
cũng chưa có những khóa đào tạo giáo lý căn bản cho những Phật tử người
dân tộc giỏi tiếng Kinh, hay biên soạn những bộ sách bằng tiếng dân tộc
để họ cùng chúng ta đẩy mạnh công tác hoằng pháp ở những vùng sâu, vùng
xa.
Các
dự án xây dựng chùa chiền hoành tráng, vĩ đại nhằm tạo nên những khu du
lịch dù có thờ Phật hay thờ các vị nhiên thần, nhân thần thì cũng chưa
đủ mức độ để thâm nhậm, hòa nhập với hệ thống các thần bản địa, thậm chí
còn tạo ra những nghi ngờ về sự xuất hiện quá đường đột của các vị thần
xa lạ trên mảnh đất mà đồng bào dân tộc đã gắn bó.
Vì
thế, tầm nhìn về một sự dung hội tín ngưỡng, tạo tình cảm và niềm tin
của đồng bào dân tộc phải được coi trọng trong quá trình hoằng pháp. Từ
đó các giáo lý phù hợp với nếp ăn, nếp ở và truyền thống tốt đẹp về văn
hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mới được phát huy.
Ở
đây, cần phải có những nhân tố con người, nhân tố sống đạo, tương thân,
tương ái, cùng gắn bó cộng sinh với đồng bào dân tộc để cùng hưởng thụ
những thành quả văn hóa tín ngưỡng mà họ đã cùng nhau chung tay xây đắp
trong quá trình lao động sản xuất. Vai trò ảnh hưởng của những cá nhân
(đặc biệt là cư sĩ Phật tử) sống đạo, sống văn minh, tiến bộ, hòa nhập
sẽ có sức thu hút và chi phối đối với cộng động, tạo sự liên kết tiếng
nói giữa chính quyền và đồng bào theo đạo.
Mặt
khác ở tại các Ban Trị sự tỉnh thành mới được thành lập, có nhiều điều
kiện để quy hoạch và làm mẫu, làm điểm, nhưng chúng ta chưa thấy sự khởi
động nào trong việc thống kê và lên danh sách quản lý tín đồ Phật tử,
chưa thấy vai trò của Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa, Ban Nghi lễ..., vì
thế rất khó khăn để chúng ta định lượng trong các báo cáo hàng năm một
cách chính thức lên Trung ương Giáo hội hay các cấp chính quyền để có
một nguồn thông tin xác tín, từ đó đánh giá và tổng kết các chương trình
cho các năm tiếp theo.
Đây
cũng là tình trạng chung khi chúng ta chưa có một mô hình quản lý ở cấp
trung ương về các dự liệu nguồn từ các Ban Trị sự tỉnh thành báo cáo
về. Nếu có các báo cáo về thì chỉ làm tròn dữ liệu một cách chung chung,
chứ chưa hề có những khảo sát nghiêm túc mang tính hệ thống, khoa học
và đáng tin cậy. Khi không có những thống kê và dữ liệu nguồn đảm bảo độ
tin cậy, xác thực thì rất khó để hoạch định kế hoạch hoằng pháp cho
những năm tiếp theo, nói chi đến phân tích về các kế hoạch có tính chiến
lược và lâu dài.
Khi
chúng ta phát triển có hệ thống và đạt được sự nhất quán từ trung ương
đến địa phương thì tránh được những hình thức tự phát, chồng chéo, thậm
chí tranh giành ảnh hưởng, gây ra những sự vụ rối ren làm cho chính
quyền khó xử, khó giải quyết, và có nhiều nơi nản lòng vì thấy quá nhiều
bất ổn và mất an ninh trật tự do mâu thuẫn trong nội bộ tăng ni, Phật
tử trước khi Phật sự diễn ra.
Lãnh
đạo Phật giáo ở các vùng trọng yếu phải là những người có tầm nhìn lớn,
có quan hệ tốt đẹp với chính quyền, có kinh nghiệm trong quản lý (ở tầm
vĩ mô), có sức thuyết phục đồng bào, nhằm đạt hiệu quả nhanh nhất và
ngắn nhất để Phật giáo sớm hiện diện ở những tỉnh Tây Bắc còn lại, đặc
biệt phải có những chính sách đãi ngộ (ngoại lệ) đối với những tăng ni
dấn thân phụng sự tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Khác
biệt lớn nhất khi tiếp cận đồng bào dân tộc chính là tập tục văn hóa,
tín ngưỡng. Chính vì thế việc đầu tư chùa chiền lớn ban đầu có thể tạo
ra sự choáng ngợp, "sốc", hay nảy sinh kỳ thị văn hóa từ một số dân tộc
thiểu số đã có đông đồng bào bị cải đạo. Vì thế, thay vì tiếp tục các
hoạt động từ thiện tự phát, xây chùa chiền lớn mà thiếu những người có
tâm, có tầm, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến các công tác như y tế cộng
đồng, giáo dục (đặc biệt là giáo dục mầm non, tiểu học), tư vấn áp dụng
khoa học, kỹ thuật vào mô hình kinh tế trang trại, song song với việc
thực hành các hình thức nghi lễ và truyền bá giáo lý bằng cả tiếng Kinh
và tiếng dân tộc. Một số tôn giáo khác như Công giáo và Tin lành đã khai
thác hiệu quả và triệt để vấn đề này. Bởi lĩnh vực y tế, giáo dục vốn
được chính phủ khuyến khích các tôn giáo tham gia theo chính sách xã hội
hóa.
Có
thể thấy, trong hơn 30 năm thành lập Giáo hội, chúng ta đang lãng phí
một nguồn nhân lực tăng ni trẻ lớn ở các trường viện cho các công tác
này, đồng thời chưa có các chính sách thuyên chuyển, tăng cường nhân sự
một cách hợp lý tại các Ban Trị sự tỉnh thành mới thành lập. Vì vậy chưa
tạo ra tiếng nói chung giữa trung ương Giáo hội và Giáo hội tỉnh thành,
dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu tùy theo nhận thức của chức sắc lãnh đạo.
Chúng ta dàn trải trong việc thành lập quá nhiều ban, nhưng chưa có một
ban cố vấn chiến lược (theo từng vùng), thu hút các nhân sĩ, trí thức,
các nhà nghiên cứu tham mưu cho công tác hoằng pháp.
Chúng
tôi xin kết thúc bài viết với thống kê từ phía nhà nước, năm 1999, đạo
Tin lành ở Việt Nam có khoảng 400.000 tín đồ, thì đến năm 2008, con số
này đã lên tới 1,5 triệu người (1.500.000). Chắc chắn con số chính thức
từ năm 2008 đến nay còn cao hơn nhiều. Con số này có nhiều đóng góp từ
vùng Tây Bắc, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Chúng
ta cần lưu ý, số ít tín đồ cải đạo (tính theo tỷ lệ phần trăm tín đồ/
số dân) ở vùng dân tộc thiểu số vốn đã không phải là chuyện nhỏ, huống
chi sự gia tăng tín đồ theo đạo Tin lành tại những vùng phên giậu của tổ
quốc đang trở thành một "hiện tượng đặc biệt".