Thực chất mà nói, bất cứ ai ở cương vị nào, làm gì thì trước hết phải làm người trước, mà làm người thì xưa nay cha ông ta thường dạy là phải có đức nhân, đức hiếu, đức nghĩa, đức trung với nước, đức hiếu với cha mẹ, và có đức quảng đại với dân tộc. Con người ta có thấm nhuần được những đức ấy thì tự nhiên nó sẽ thấm vào tự tin và trở thành con người tốt. Nếu bỏ những đức ấy thì rồi sẽ mất gốc.
Trước kia các cụ nhà mình dạy từ 3, 4 tuổi cơ, thậm chí còn hơi biết nói một cái đã đọc những câu ấy lên rồi. Thế cho nên nó thấm từ bé, đấy là những tinh thần, tư tưởng, những khái niệm rất triết học, rất đạo đức của dân tộc ta từ xưa đến nay mà cha ông ta đã dựng được. Cái đấy nằm ở cái đạo, gọi là đạo lý làm người, đạo của dân tộc mà cha ông ta đã dựng được.
Vì sao thầy phát biểu về sự cần thiết của đạo làm người ở kỳ họp QH này?
Cả một ngày thảo luận mọi người đều đưa ra vấn đề này và xã hội cũng thấy rất bức xúc về nhiều việc. Nào là ngành y tế, nào là ngành giáo dục... không ngành nào không có.
Thế thì phải tìm truy nguyên cái gốc, còn nếu như chúng ta xử lý việc như thời gian trước thì gần như là dạng đau đâu chữa đấy, rồi rách đâu vá đấy, đến lúc đau tổng thể thì không biết lấy cái gì chữa... Cho nên bây giờ chúng ta phải tìm buộc, và có 1 cách chữa tổng thể, kiểm tra lại sức khỏe đạo đức của con người tổng thể thì mới biết ta đang cần gì. Ta đi bắt đầu bước đi từ đâu, rồi xử lý đến từng giai đoạn nào, phải giải quyết cái gì, lúc ấy ta mới xử lý được.
Tôi thì tôi nhìn nhận góc độ xã hội và tâm tư của nhân dân, tâm tư của các đại biểu, trong bối cảnh đó tôi nói ra như vậy.
Thưa thầy, thầy vừa nói rằng động vào mảng nào cũng có chuyện, mà y tế gần đây nóng chuyện vắc xin, chuyện bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường... Có phải tất cả các cái đó đều bắt nguồn từ việc dân tộc ta đang thiếu cái đạo là đạo làm người mà thầy nói không?
Tôi nghĩ rằng bất cứ một sự phát triển nào, kể cả ổn định, đều có mặt trái của nó. Kể cả nay mai chúng ta có thể phát triển cao hơn thế nữa, cả hai mặt: tư tưởng tinh thần và vật chất kinh tế, thì cũng vẫn có những cái đấy xảy ra. Nhưng tính chất nó sẽ khác, và số lượng cũng sẽ khác đi. Ngày xưa ta còn nói 1 số tội phạm, 1 số phạm nhân là do nhận thức vừa hay là không có học. Nhưng bây giờ chúng ta thấy nó xảy ra ở nấc độ khác cơ.
Thứ nhất là vụ Cát Tường vừa rồi, là bác sĩ giỏi mà đạo đức trước lúc xảy ra người ta đều đánh giá là tốt. Hoặc hiện tượng ở trong Tây Nguyên tự nhiên chỉ có 1 vụ rất nhỏ thôi mà cầm dao giết chết 2 cháu trẻ con… Những thứ ấy theo tôi nghĩ là rất nhiều người có học... Hay ví dụ hiện nay vấn đề tham nhũng thì đâu phải là nông dân, đâu phải người không có học.
Các đại biểu băn khoăn về vấn đề đạo đức xã hội là có cái sự, có cái lý của các đại biểu, đương nhiên những phần này sẽ nằm trong cái đạo đức làm người, chưa được thấu triệt hết. Cho nên nếu như cái việc nhỡ chân nhỡ tay hoặc vì không may một chuyên môn gì đấy của bác sĩ chỗ Cát Tường chẳng hạn, nó đã quá rồi thì ta xử lý có sao đâu, cuối cùng là cuống hết cả lên vì lúc ấy cứ sợ ngang sợ dọc. Cuối cùng là tội trước vốn dĩ đã lớn rồi nhưng tội sau lớn gấp nhiều lần.
Nếu như tỉnh táo ra trình báo thì rất đơn giản thôi, việc không có gì, nhưng đi làm những việc như thế nó đánh giá về đạo đức con người, đạo đức bác sĩ, nhân phẩm bác sĩ chứ không đánh giá về tài năng bác sĩ nữa.
Tác giả: T.Lý - X.Quý - L.A.Dũng - H.Phúc - H.Nhì