Tất nhiên, những người có ác ý cũng sẽ sử dụng phương
tiện mạng internet để truyền đi những thông tin sai sự thật, gây hiểu
lầm, bóp méo lời Phật dạy, mượn danh tu sĩ để gây chia rẽ, phá hoại hòa
hợp Tăng. Phật tử phải làm gì trước “bão” thông tin, với những thật giả
lẫn lộn, ẩn hiện khắp đó đây trong môi trường “ảo” ấy?
Ảnh minh họa
Thật giả lẫn lộn!
Có bao giờ, bỗng dưng, một ngày đẹp trời nào đó bạn mở
mail hay nick Yahoo!Messenger lên và một nick quen của bạn mình “đỏ đèn”
chào mình đôi ba câu, hay gửi cho mình cái mail với giọng rất thống
thiết: “Mình đang ở Canada (hoặc Mỹ), đi công tác bên này và mình đánh
rơi hết giấy tờ, mất bóp. Mình cần bạn giúp đỡ. Nếu được, bạn chuyển cho
mình 200 USD vào tài khoản số...”. Hoặc “Chào bạn, bạn khỏe không? Mình
đang cần gấp một cái card điện thoại 500.000 đồng, mình đang ở… nên
không mua được, bạn giúp mình nhen. Mua xong, nhắn tin mã số qua nick
Yahoo này cho mình”…
Nick ấy là nick quen của bạn mình, mình làm thế nào đây?
Phân vân và quyết định “cứu” bạn mình trong tình huống được nêu ra khá
ngặt nghèo như thế là điều cần thiết! Vì tâm lý ấy nên có khối người đã
hỡi ôi, mất tiền và ăn một “quả lừa” quá đau, bởi thực ra nick ấy tuy là
của “chính chủ” bạn mình nhưng đã bị hacker tấn công, lấy password và
sử dụng để lừa đảo qua mạng. Thật mà giả là ở chỗ ấy, “chính chủ” của
nick cũng đau đớn vì tài khoản của mình bị lấy cắp và kẻ cắp đã làm hại
những người thân thích, bạn bè trong danh sách bạn bè mình (friends
list). Không chỉ một mà nhiều chiêu trò tương tự đã làm cho nhiều người
“sập bẫy” trên thế giới online nếu không tỉnh táo, không kịp nhận ra sự
khác lạ của người quen trên mạng - từ nickname mà mình biết. Chính vì độ
thật giả lẫn lộn ấy nên ta khó phân biệt và khó nhận diện, phải chăng
do đó mà người ta mới nói mạng là “ảo”?
Cũng vậy, mấy ngày nay, dư luận trong cộng đồng Phật
giáo xôn xao chuyện một Facebook lấy pháp tự một vị giáo phẩm của một
tỉnh lân cận TP.HCM đã có bài viết xúc xiểm chính “người nhà” - ở nghĩa
cốt nhục Linh Sơn. Và, tất nhiên, Phật tử không phải ai cũng kịp thời
đặt dấu chấm hỏi về độ tin cậy của trang Facebook ấy, và nếu là Phật tử
sơ cơ học Phật có thể sẽ tin ngay vào những lời lẽ không hay, không đẹp
được “chế” từ “tường nhà” dựa trên tên tuổi vị Hòa thượng ấy. Thật nguy
hiểm vô cùng!
Nhưng, đây không phải là trường hợp duy nhất mà có nhiều
vị giảng sư, giáo thọ cũng đã bị làm giả Facebook rồi người giả danh
ngang nhiên “khoác” tên tuổi của thầy/sư cô ấy để nói những điều không
đúng pháp, không đúng với cái tầm, cái tâm của vị ấy với mục đích hủy
hoại uy tín của cá nhân hoặc phá hoại Phật giáo, gây ngộ nhận cho Phật
tử, đặc biệt là Phật tử mới phát tâm, sơ cơ học Phật.
Không phải trong đạo mà ngoài đời, không ít lần báo chí
đăng tải tin, bài liên quan tới việc giả danh ca sĩ, nghệ sĩ… để có
những phát biểu phản cảm mà “chính chủ” phải đau đầu, và hết lần này tới
lượt nọ phải đi “thanh minh” cho sự trong sạch của chính mình. Do vậy,
có thể thấy, mạng trực tuyến có cái tốt của nó nếu mình sử dụng phương
tiện này để làm điều lành, việc thiện, quảng bá hình ảnh đúng mực…
Nhưng, bên cạnh đó, cũng có hiện tượng giả danh tu sĩ, những người của
công chúng để bôi nhọ, làm xấu hình ảnh đẹp nơi người khác, tổ chức
khác!
Thiết nghĩ, hiện tượng lập các website, Facebook, blog,
sử dụng mạng cộng đồng để phá hoại như đã nêu cũng là một hiện tượng
“giả trang thiền tướng” đôi khi còn nguy hại hơn cả “mượn áo nhà tu” để
đi khất thực, lừa đảo lòng tin của Phật tử, người mộ đạo, trục lợi bất
chính của những sư giả ngoài đời.
Suy xét kỹ, đừng vội tin
Ở trường hợp lừa đảo bằng nick của các hacker có phần
mềm - virus ăn cắp mật khẩu hay trong trường hợp vô tình bắt gặp một
trang web Phật giáo, Facebook của tu sĩ Phật giáo… thì chúng ta đều phải
cẩn trọng, suy xét kỹ càng.
Việc nhờ nộp tiền vào tài khoản hay nộp card điện thoại
giúp liệu có đáng tin cậy, nhất là khi xưa nay bạn mình không hề có
“thói quen” cậy nhờ những chuyện tế nhị như thế. Nếu chịu khó phân tích
một chút thì mình có thể đặt câu hỏi về tính trung thực của yêu cầu kia,
có phải của “người nhà” hay một kẻ giả danh, và một cuộc gọi kiểm tra
trong trường hợp này là cần thiết. Vì, khi mình bỏ tiền ra, mình cần
phải được biết “chính chủ” có thật sự rơi vào trạng huống khó khăn, cần
giúp đỡ. Và nếu thật, thì ngoài giúp đỡ tiền bạc trong trường hợp có thể
thì lời động viên, chia sẻ, an ủi hay hỏi thăm người kia trong tình
huống này cũng là cần thiết lắm.
Đồng thời, nếu quả tình cấp bách đến mức nhờ cậy mình hỗ
trợ lẽ nào không thể gọi cho mình một cuộc, thông qua điện thoại để ít
ra cũng “hai… giọng một lời” hầu xác tín với nhau chứ lẽ nào lại thông
qua một nick “ảo” để nhờ cậy? Đó là một phân tích cần thiết để mình
không bị ám muội, vội tin và bị lừa, hoặc nếu thật thì cũng cần được rõ
ràng hơn, an tâm hơn trong khi trao đi món tiền mồ hôi nước mắt!
Tương tự như thế, một bài viết hay một câu nói được thốt
ra trên “tường nhà” của Facebook hoặc đăng tải trên một website có màu
áo Phật giáo (như để hình Phật, tên đường link mang âm hưởng Phật giáo…)
mà lại không có “oai nghi” (tức lời lẽ thô tháo, đốp chát…) và không
trên tinh thần bi-trí Phật dạy (không đúng pháp, không dựa trên Tam tạng
Thánh điển) mà là những hý luận, cuồng ngôn, nhảm nhí hay kích động bạo
lực (đi ngược lại tinh thần bất bạo động của Phật giáo) thì nên đặt dấu
chấm hỏi.
Giải mã cho câu hỏi ấy, có thể là một vị mang thiền
tướng hay tổ chức Phật giáo hợp pháp về mặt hành chánh nhưng lại là một
sự “giả dạng” trong ý nghĩa tu tập (xả bỏ, không luận bàn chính trị,
kích động bạo động…) của người đệ tử Phật. Và, có thể (chắc ăn hơn,
thường thấy) là một tổ chức nào đó hay ngoại đạo, cũng như cá nhân mang
dã tâm chống phá Phật giáo, làm tổn hại uy tín của cá nhân tu sĩ Phật
giáo hay tổ chức Phật giáo. Nhưng, dù là ai, tổ chức nào thì nếu tuyên
truyền, phát ngôn, đăng tải những thông tin, bài viết có nội dung không
đúng lời Phật dạy, chống phá lẫn nhau hay nói xấu tổ chức khác (kể cả
ngoại đạo)… thì cũng đều là “giả trang thiền tướng”, không đáng để tin
tưởng, nương theo, học hỏi! Trong đó, nếu là “người thật việc thật”
trong biểu hiện xấu xí thì đương nhiên cơ quan chủ quản là Giáo hội phải
có biện pháp xử lý theo luật thiền môn, và nếu nặng thì luật pháp có
thể can thiệp một cách đúng mực.
Song, trước tiên và trên hết, mỗi Phật tử nên tỉnh táo
và vững chãi, bằng niềm tin sâu chắc vào lời Phật dạy, lấy giới luật làm
thầy… để quán niệm, suy nghiệm mọi biểu hiện để tự bảo hộ thân-tâm
mình, hầu làm cho mình “miễn nhiễm” trước “làn gió độc” trên thế giới
mạng mênh mông, nhiều biểu hiện nhiễu nhương, giả thật khó lường.
Về mặt hành động, thiết nghĩ nên nương vào những vị thầy
có đức độ nơi trú xứ hợp pháp tại địa phương mình sinh sống, tìm đọc
những trang web, báo chí Phật giáo chính thống, có uy tín để làm giàu
thêm hiểu biết đúng đắn của mình mà nhìn nhận vấn đề. Quan trọng nhất,
là phải thực tập lời Phật dạy, giữ giới, trì kinh, niệm Phật, thiền tập
để có chánh niệm, trí-bi khai mở hầu nhận diện được con đường sáng để
gặp những sự giả dạng như đã thì mình đủ sáng suốt để thấy biết mà không
phải hoang mang, lo lắng, cũng như không phải lao theo những thông tin
“ma ma Phật Phật” nhan nhản ấy mà lạc lối.
Khi ấy, thay vì lo, thay vì hoang mang, mình sẽ có thể
thở vào, thở ra, mỉm cười mà tội nghiệp cho người rắp tâm làm điều xấu
từ công cụ internet kia. Nếu được, cũng có thể trình bày sự việc với bản
tự nơi mình sinh hoạt để thầy hướng dẫn, chia sẻ cho Phật tử biết đâu
chân đâu ngụy. Rộng hơn, có thể phản ánh với cơ quan truyền thông-thông
tin Phật giáo chính thức của Giáo hội để có tiếng nói sâu rộng, hóa giải
những hoài nghi trong mình, cũng như trong bạn đạo của mình…
Đừng vội tin, hãy hiểu rồi hẳn tin, đó chẳng phải là
lời Đức Phật đã ân cần nhắc nhở từ khi Ngài còn tại thế, như thông điệp
trong kinh Kalama đó sao?
Lưu Đình Long (GNO).