Quảng Ninh được biết đến là nơi có
nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích đền chùa nổi tiếng cả nước.
Trong những năm qua việc khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh
tại địa bàn tỉnh được đánh giá là khá tốt.
Với vai trò tiên phong, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thí điểm việc quản lý tiền công đức
tại các cơ sở tín ngưỡng bằng văn bản dự thảo quy định về việc tiếp
nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, bản dự thảo đã đối mặt với
nhiều ý kiến không đồng tình trong giới tăng ni, phật tử ngay trên địa
bàn tỉnh. Vietnamnet đã có mặt trong cuộc hội nghị lấy ý kiến về bản dự
thảo giữa các bên ngày 23/6 để ghi nhận thông tin.
Nóng vội
Nội dung chính của bản dự thảo này bao gồm việc thành lập ban quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.
Trong đó trưởng ban là đại diện chính quyền địa phương, phó ban là
người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các ủy viên. Ban quản lý
sẽ cử người có chuyên môn làm công tác kế toán và thủ quỹ để quản lý
nguồn thu.
Tuy nhiên, di tích Phật giáo khác hẳn
với các di tích khác bởi chùa chiền là tài sản do các vị Tổ Sư và Phật
tử đóng góp để lại qua nhiều thời kỳ, là cơ sở tôn giáo của Giáo hội
Phật giáo do trụ trì và tín đồ Phật giáo làm chủ. Việc đặt người đại
diện chính quyền địa phương làm trưởng ban đã khiến nhiều tăng ni bức
xúc khi cho rằng đã không coi trọng chủ thể của cơ sở tín ngưỡng.
Dự thảo cũng công bố các quy định về
nguồn thu của ban quản lý tại cơ sở tín ngưỡng. Các sư tăng cho rằng
nguồn thu từ tiền công đức là tài sản của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng),
chỉ có Tam Bảo mới có công đức. Vì vậy cũng chỉ có Tam Bảo trong đó có
Tăng, Ni là người đại diện mới có quyền tiếp nhận và sử dụng nó.
|
Hội nghị lấy ý kiến đã thu hút được rất nhiều tăng ni, phật tử |
Vì tiền công đức
là do nhiều người đem đến một cách tự nguyện nên ban quản lý mà trưởng
ban là đại diện chính quyền sẽ đứng ra quản lý và nhận số tiền này thay
vị trụ trì liệu có hợp lý? Và liệu người đến chùa khi góp công đức thì
tiền sẽ đến tay ban quản lý hay nhiều người sẽ phát tâm tận tay các vị
sự trụ trì?
Chưa kể trong bản dự thảo cũng nói đến
cụm từ dịch vụ tín ngưỡng bao gồm các hoạt động như khóa trọng lễ, lễ
cầu an, lễ giải hạn, cầu siêu… đã vấp phải sự không bằng lòng của nhiều
nhà sư. Lí giải về điều này, các nhà sư cho rằng các chùa, sư không bao
giờ làm dịch vụ tín ngưỡng mà đây là nghi lễ tôn giáo thiêng liêng đúng
đạo lý Vì vậy dự thảo viết là dịch vụ tín ngưỡng là xúc phạm tới Phật
giáo.
Chưa kể trong Hiến chương của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đã ghi rõ tiền công đức là
tài sản của Tam Bảo. Như vậy nếu đại diện chính quyền xã cầm chìa khóa
như vậy đã hợp lý? Có ý kiến cho rằng làm như vậy có khác cho đại diện
chính quyền xã nắm chìa khóa két bạc của từng gia đình, từng doanh
nghiệp?
Thiếu thực tế
Trong bản dự thảo cũng nêu lên vấn đề
định giá các hiện vật công đức theo giá trị thị trường để theo dõi sổ
sách cũng bị cho là thiếu thực tế. Các hiện vật như tượng Phật, chuông
đồng… nếu quy ra theo giá trị thị trường thì không ai có thể định giá
chính xác vì đó không chỉ là hiện vật mang giá trị kinh tế mà còn mang
giá trị văn hóa, mỹ thuật… Vì vậy để quy đổi ra giá trị thị trường không
phải là chuyện đơn giản.
Bản dự thảo cũng đề ra các khoản chi
từ các nguồn thu của cơ sở tín ngưỡng rất chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên
nhiều người cho rằng việc quy định các khoản chi này một cách chi tiết
là quá ảo tưởng. Vì không phải cơ sở tín ngưỡng nào cũng có đủ tiền công
đức để chi cho từng đấy hạng mục. Và làm như vậy thì không khác nào
biến các vị sư trụ trì thành người làm thuê cho ban quản lý.
|
Vấn đề quản lý tiền công đức ra sao, chi tiêu và minh bạch số tiền này như thế nào là điều nhiều người quan tâm |
Thêm một vấn đề được nêu ra là các di
tích chùa chiền đã xếp hạng thì bắt buộc phải lập ra ban quản lý, còn
các di tích chưa xếp hạng chỉ khuyến khích thực hiện theo. Điều này đã
khiến không ít người tham gia hội nghị phản ứng.
“Có nhiều nơi, có một số cá nhân cứ đi
khảo sát rồi gạ gẫm nhiều di tích lập hồ sơ xếp hạng di tích để hàng
năm được nhà nước cấp kinh phí xây dựng, trùng tu. Tuy nhiên trước đó
phải đóng 50, 70 triệu thì mới được xếp hạng. Nay đề ra dự thảo này thì
việc xếp hạng di tích sẽ vô hình trở thành cái thòng lọng vào cổ.
Di tích thật thì chả cần yêu cầu vẫn
xếp hạng, di tích không có giá trị thì sao phải gạ gẫm? Mà nếu dự thảo
này thành hiện thực thì liệu những di tích chưa được xếp hạng và những
di tích được xếp hạng rồi có muốn làm hồ sơ và được công nhận nữa hay
không?”, một đại biểu nêu ý kiến.
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng bản dự
thảo đã không tuân theo quy định của Hiến Pháp khi đối tượng áp dụng của
dự thảo này chỉ nhắm vào các cơ sở của Phật giáo trong khi các tôn giáo
khác thì không. Điều này hoàn toàn trái với hiện pháp khi đã ghi rõ các
tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Thừa nhận sai sót
Có mặt tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài
chính tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Minh người trực tiếp kí vào bản dự
thảo trên đã phát biểu nhận sai sót và xin lỗi về những từ ngữ thiếu
phù hợp trong bản dự thảo. Ông cũng thừa nhận việc chưa nghiên cứu kĩ về
Phật giáo cho phù hợp trước khi đề ra bản dự thảo.
|
Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh |
Ông Minh cũng thanh minh rằng vấn đề quản lý nguồn thu này là
xuất phát từ ý định tốt nhằm công khai, minh bạch, ngăn ngừa các hành vi
lợi dụng danh nghĩa tổ chức, cá nhân cơ sở tín ngưỡng để trục lợi. Tuy
nhiên vì còn nhiều vấn đề chưa nghiên cứu kĩ lưỡng nên bản dự thảo đã có
quá nhiều vấn đề, Sở Tài chính xin tiếp thu ý kiến và xem xét lại vấn
đề này.
Tác giả: Tùng Nguyên/Nguồn: VietnamNet