Diễn đàn
Phát triển hướng dẫn viên Phật tử
Ni sư Thích Nữ Tuệ Minh
25/07/2010 09:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo hội cũng cần đào tạo “Hướng dẫn viên” cho những cư sĩ, Phật tử có tâm huyết, có nhiệt tình với công tác Hướng dẫn Phật tử. Nếu những Phật tử “Hướng dẫn viên” này sống trong cộng đồng dân cư sẽ thuận tiện cho việc hướng dẫn khuyên nhắc người dân đi đúng đường chính pháp, không bị sai liệt vào con đường truỵ lạc xấu xa, nhằm phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.


Trong giai đoạn đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, con người chịu nhiều tác động, điều kiện sinh sống không phải lúc nào cũng may mắn và thuận lợi, đôi lúc cũng phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, ốm đau….

Đúng như lời đức Phật dạy : “Có thân là có khổ” cũng vì muốn chúng sinh thoát khổ nên Thái tử Sĩ Đạt Ta đã xả bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, uy quyền danh vọng, mà đi tìm con đường giải thoát khổ đau.

Đức Thế Tôn đã vắng bóng hơn 25 thế kỷ qua nhưng nhân cách thánh thiện của Ngài vẫn được mọi người tín ngưỡng tôn thờ, lời dạy của Ngài là kim chỉ nam hướng dẫn loài người thăng hoa tri thức và đạo đức.

Trong thời đại văn minh phát triển hôm nay, giáo lý của Ngài vẫn sáng rực hơn vì mở cho con người một phương pháp giải thoát sự khổ đau, khai thông được những vướng mắc trong cuộc sống thực tại, vì vậy con đường “hoằng pháp lợi sinh” là vấn đề vô cùng quan trọng, giúp chúng ta rút ra được những kinh nghiệm trong việc tổ chức và phát triển các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật cho Phật tử tu tập và cùng tiến bộ phát triển hơn.

Do vậy, đối với người tu sĩ sống trong giai đoạn phát triển như ngày hôm nay là công nghệ thông tin, khoa học kinh tế phát triển…đã cuốn hút lòng người con Phật có tâm hạnh Bồ tát không thể ngồi yên sớm chiều công phu trong chốn thiền môn là đủ, mà phải dấn thân vào đời sống xã hội với tinh thần nhập thế, đem giáo lý của Đức Phật vào đời sống, con người bớt đi những nỗi bất hạnh khổ đau. Đạo Phật càng ngày được phát triển, đời sống con người được hạnh phúc an vui hơn.

Muốn được như thế, Giáo hội phải đào tạo thêm những người con Phật có tâm hạnh vào đời, biết hoà nhập, đem ánh sáng giác ngộ đến với mọi người, nhằm giải quyết những bức xúc thường nhật. Cho nên, chúng ta là người hướng dẫn Phật tử tu tập phải chia sẻ cùng họ những gì thực tế với giáo lý bình dị, đời thường hoá, không nên hướng dẫn những gì cao siêu khó hiểu, mà chỉ hướng dẫn phương pháp giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, có được an lạc thực tại trong đời sống.

Để thực hiện l‎ý tưởng trên, trong các buổi thuyết giảng các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Niệm Phật, các khoá tu Phật thất, chúng ta có thể đưa “đạo vào đời” bằng những kinh nghiệm giúp họ tăng trưởng niềm tin nơi Tam bảo, nghị lực vững vàng làm hành trang trên bước đường tu tập giải thoát khổ đau.

Nguyện vọng của Ban HDPT là muốn đem Phật pháp quảng bá đi khắp mọi nơi, kể cả vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số…để cho mọi người được bình đẳng tắm mát trong dòng suối yêu thương của chư Phật, hầu gội rửa bao phiền não ưu tư, tham lam, sân hận, khổ đau, để các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng Phật thất được ngày phát triển.

Giáo hội cũng cần đào tạo “Hướng dẫn viên” cho những cư sĩ, Phật tử có tâm huyết, có nhiệt tình với công tác Hướng dẫn Phật tử. Nếu những Phật tử “Hướng dẫn viên” này sống trong cộng đồng dân cư sẽ thuận tiện cho việc hướng dẫn khuyên nhắc người dân đi đúng đường chánh pháp, không bị sai lệt vào con đường truỵ lạc xấu xa, nhằm phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Đồng thời Giáo hội nên mở các khoá bồi dưỡng Phật pháp cho cư sĩ nam nữ Phật tử nhằm giúp họ có điều kiện nâng cao khả năng chuyên môn, sau này giúp cho các đạo tràng niệm Phật, bát quan trai, ngày càng phát triển hơn.

Với công tác đem “đạo vào đời” làm thay đổi lối sống thiếu lành mạnh, trở thành nếp sống thanh cao, đạo đức, giàu lòng nhân ái, tôn trọng sự sống, ‎ý thức cao với cộng đồng xã hội, hướng đến một xã hội tiến bộ văn minh và giàu đẹp. Tất cả cần những bàn tay và tấm lòng của người hướng dẫn góp sức.

Tuổi trẻ ngày nay hư hỏng, thiếu phẩm chất đạo đức là một vấn nạn cho tương lai và đất nước. Hành vi bạo ngược, ăn chơi sa đoạ, hút chích, uống rượu, cướp của giết người, tình trạng nếp sống thiếu lành mạnh, văn hoá đạo đức của bộ phận thanh thiếu niên trên đà xuống cấp.

Là những người hướng dẫn Phật tử, chúng ta cần gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cách sinh hoạt của thanh thiếu niên hiện nay, chúng ta khéo léo lồng ghép đưa nếp sống văn hoá của Phật giáo vào đời sống thanh thiếu niên. Nên áp dụng nhiều phương pháp tu học, như sinh hoạt nêu gương người tốt việc tốt, nêu rõ lý nhân quả, tổ chức gia đình phật tử, các khoá tu tập của thanh thiếu niên, có khen thưởng cho những việc làm đạt kết quả tốt.

Khi thuyết giảng các đạo tràng vùng sâu vùng xa, người hướng dẫn phải khéo léo đưa Phật pháp vào cuộc sống, phải khê lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, diễn đạt thế nào cho phù hợp với thực tế, dễ hiểu mà không xa rời giáo ly của Đức Phật. Nơi vùng sâu vùng xa đa phần là người lớn tuổi, họ không thể hiểu được giáo lý cao siêu, chúng ta cần kể những câu chuyện cổ Phật giáo, giáo lý vô thường,vô ngã, khổ không giúp họ tiếp thu nhanh chóng áp dụng vào đời sống thực tế hơn.

Để Phật tử được mở rộng kiên thức thắm nhuần giáo l‎ý đạo Phật, khi hoằng pháp nên kết hợp phát băng đĩa thuyết giảng, kinh sách đạo Phật, những bài giảng hay họ tự nghe, tự học để lời Phật dạy được thâm nhập vào tâm tư của họ.

Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” lời dạy này tương hợp với truyền thống tương thân tương trợ của dân tộc Việt Nam.

Vì vậy, muốn hoằng pháp có hiệu quả, Phật tử tham dự đông đảo, phải kết hợp với từ thiện. Bởi vì “có thực mới vực được đạo”mỗi người Phật tử có hoàn cảnh khó khăn khác nhau, tuỳ theo khả năng mà chúng ta có thể giúp đỡ cho họ, chia sẻ và trợ giúp cho họ có một cuộc sống tốt đẹp cả vật chất lẫn tinh thần, như trợ giúp gạo, tiền, quần áo, thuốc men, đào giếng, xây hồ nước uống, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học….

Nếu không đủ khả năng ta có thể động viên những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm giúp đỡ. Đây cũng là công việc dễ tiếp xúc, tạo thiện cảm với quần chúng xã hội thể hiện lòng từ bi, sự quan tâm chia sẻ, nỗi khổ niềm đau đến những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Sau đó ta có thể đem chánh pháp cải thiện đời sống được thập phần an lạc.

Tóm lại, qua những kinh nghiệm thực tiễn của người hướng dẫn Phật tử giúp cho các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Niệm Phật, đạo tràng Phật thất…chúng tôi nhận chân được nguyên nhân khổ và phương pháp diệt khổ, lấy cuộc sống đau khổ làm trường rèn luyện ‎y chí, lấy nhân loại khổ đau làm đối tượng để hành đạo.

Hiện nay mỗi địa phương đều có mở các đạo tràng Niệm Phật, Bát quan trai, khoá tu Phật thất…nơi đó sẽ tạo ra luồng sinh khí vui tươi, lành mạnh, giảm bớt khổ đau và tệ nạn xã hội, bổ ích cho mọi người nhất là thanh thiếu niên. Ban Hướng dẫn Phật tử phải luôn kết hợp với ban Hoằng pháp và Từ thiện xã hội để đem đạo vào đời, góp phần xây dựng đời sống an lạc, giải thoát cho nhân sinh.

Theo: GHPGVN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch