Diễn đàn
Xây dựng một chiến lược hoằng pháp
Pháp Trí - Hoàng Kim
06/02/2010 23:08 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ trước tới nay, công tác hoằng pháp của đa số các tỉnh thành cũng được tiến hành đều đặn, gặt hái những kết quả khá tốt. Nhưng phải thẳng thắn nói rằng, thật sự chúng ta chưa có một quy hoạch, đề án nào khả dĩ lâu dài hay quy mô, cụ thể.

TẠI SAO GỌI LÀ CHIẾN LƯỢC?

Từ trước tới nay, công tác hoằng pháp của đa số các tỉnh thành cũng được tiến hành đều đặn, gặt hái những kết quả khá tốt. Nhưng phải thẳng thắn nói rằng, thật sự chúng ta chưa có một quy hoạch, đề án nào khả dĩ lâu dài hay quy mô, cụ thể. Hầu hết đều tuỳ thuộc ý thích của vị trụ trì mỗi chùa, chứ Giáo hội ít có khả năng điều động.

Gọi là “ý thích”, bởi chùa nào thích mở lớp giảng dạy giáo lý thì mở, không thì thôi, và thích mời ai dạy thì mời, thích sách nào, chương trình nào thì tự chọn. Nghĩa là, không hề có một kế hoạch, tiêu chuẩn chung áp dụng trên diện rộng, thí dụ một huyện, chưa nói đến một tỉnh, hay cả nước.

Thành ra, trình độ Phật tử mỗi nơi cao thấp, được hưởng pháp nhũ nhiều hay ít, đều tuỳ thuộc “lòng hảo tâm” của trụ trì nơi trú xứ. Có khi, cả xã rộng mênh mông với mấy ngôi chùa thật to, mà trụ trì không thích hoằng pháp thì coi như xã đó là “vùng trắng”.

Có khi cả huyện chỉ có một lớp giáo lý duy nhất, làm sao đáp ứng đủ nhu cầu tu học cho những người con Phật. Nhiều Tỉnh Hội PG của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cuối năm tổng kết chỉ có trên dưới 30 đạo tràng trong tổng số 200- 250 ngôi chùa rải rác trong phạm vi khoảng 10 huyện thị, có phải là quá ít?

Ngay tại TPHCM, các quận huyện vùng sâu như Bình Chánh, Cần Giờ… có được bao nhiêu đạo tràng? Như vậy, muốn cho công tác hoằng pháp thật sự phát triển thì Thành Hội, Tỉnh Hội cần có một chiến lược cụ thể để xây dựng cơ sở và nhân sự trên diện rộng, chứ không thể thụ động trông chờ vào ý muốn và năng lực tự phát của mỗi vị trụ trì.

Và người xây dựng chiến lược, đề án này không ai khác hơn là Ban Hoằng pháp của Thành Hội, Tỉnh Hội. Tất nhiên, chiến lược phải được đưa vào khuôn khổ gần như bắt buộc các tự viện chấp hành nghiêm túc. Tại sao mỗi lần vận động quỹ từ thiện hoặc đóng niên liễm chúng ta có thể phân bổ định mức đến từng chùa, mà công tác hoằng pháp lại không thể giao tiêu chuẩn một cách công khai và kiên quyết? Trong khi lẽ ra hoằng pháp phải là nhiệm vụ cơ bản của ngôi chùa, là trách nhiệm đối với trú xứ mà mình phụ trách.

Thử nhìn các nhà thờ Công giáo, họ đều giảng dạy giáo lý hằng tuần, xem đó là hoạt động tất yếu, bình thường, còn với chùa PG thì mở lớp giáo lý lại là cái gì lạ lắm, phiền lắm, có vị trụ trì cứ lắc đầu từ chối, sợ mệt, sợ tốn, mặc cho Phật tử cả vùng dốt nát.

Ngược lại, có vị nhiệt tình muốn mở lớp, mà Ban Hoằng pháp lại thiếu động tác hỗ trợ về cơ sở vật chất hoặc hỗ trợ nhân sự, để mặc chùa phải tự xoay sở tìm người, tìm giáo trình, tìm phương tiện. Vì vậy, Ban Hoằng pháp xây dựng chiến lược nghĩa là vừa bắt buộc cũng vừa hỗ trợ cho từng địa phương hoàn thành nhiệm vụ giáo hoá chúng sanh, giữ gìn mạng mạch Phật giáo. Phật pháp còn thì Phật giáo mới tồn tại, chứ chùa to Phật lớn rồi cũng hoại diệt theo thời gian.

photo-13577-08-06-08-06-50-02.jpg

CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Thống kê

Đầu tiên, BHP cần “vẽ bản đồ” của các xã, huyện, để nắm rõ nơi nào đã có, chưa có đạo tràng, lớp học. “Bản đồ” này còn phải ghi chi tiết về đặc điểm địa hình, giao thông, dân số, nghề nghiệp, mức sống, dân trí… để tổ chức lớp cho phù hợp.

Thí dụ, xã Long Thắng nằm sát tỉnh lộ, giao thông thuận tiện, dân đông, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán và công chức, thu nhập khá, văn hoá cao, nhưng lại bận rộn. Như vậy đạo tràng nên tổ chức vào ngày chúa nhật khi người dân được nghỉ làm, kéo dài chỉ một buổi, hoặc 2 tiếng đồng hồ, và đưa giảng sư trình độ cao, giảng bài sâu sắc hơn, triết lý hơn, đồng thời không cần hỗ trợ vật chất vì Phật tử có thể cúng dường tất cả.

Ngược lại, xã Long Hoà địa hình vùng sâu, đường hơi gập ghềnh, dân nghèo, làm ruộng, văn hoá thấp, thì đạo tràng nên tổ chức vào ngày rằm, 30 hàng tháng, cử giảng sư trẻ nhiệt tình, có sức khoẻ đi xa, giảng những bài căn bản, sát thực tế đời sống, có thể kéo dài lớp học và tu suốt ngày, đồng thời Giáo hội phải hỗ trợ vật chất cho chùa, cho giảng sư, thậm chí tặng quà cho Phật tử nữa, để họ an tâm học tập, bớt lo sinh kế.

Thông thường, BHP có từ 9 đến 15 thành viên, chỉ cần phân công mỗi thành viên kết hợp với Ban đại diện huyện phụ trách điều nghiên một huyện, thì sẽ “vẽ bản đồ” nhanh chóng. Tránh tình trạng quan liêu, lãnh đạo chỉ ngồi ở văn phòng, không hề biết thực tế địa phương, cho nên không thể lên kế hoạch sâu sát.

Quy hoạch

Khi thống kê xong, BHP bắt đầu quy hoạch, phân bổ đạo tràng tại các địa phương. Thí dụ, đặt chỉ tiêu mỗi xã phải có 3 lớp học, vậy chọn 3 chùa tiêu biểu để tổ chức. Tính toán sao cho các lớp rải đều trong địa bàn để Phật tử thuận tiện đi lại. Tiêu chí chọn:

-chùa có cơ sở vật chất đầy đủ: rộng, có bàn ghế, ampli, khá giả…

-chùa nghèo, ở trú xứ khó khăn, nhưng cần phát triển PG: đây là dạng “đầu tư bắt buộc”, Giáo hội phải hỗ trợ, chứ không thể chỉ chọn nơi thuận duyên mà bỏ nơi nghịch duyên, thì PG sẽ phát triển không đồng đều, Phật tử thiệt thòi.

Mời quý trụ trì về họp, phân tích rõ kế hoạch hoằng pháp, và động viên các vị chấp hành. Dĩ nhiên đây vừa là “luật” vừa là “tự nguyện”, làm sao có sự kết hợp vui vẻ giữa BHP và địa phương thì công tác mới hoàn thành tốt đẹp.

Với các chùa nhiệt tình xin mở lớp tu học, thì Giáo hội hoan nghênh, ưu tiên trong quy hoạch.

NHÂN SỰ

Có lẽ đây là khâu khó khăn nhất trong công tác hoằng pháp, vì thực tế chúng ta đang thiếu giảng sư một cách trầm trọng. Biết bao nhiêu khoá đào tạo Trung cấp, Cao cấp, Cao đẳng, Giảng sư đã cho ra trường hàng trăm hàng nghìn tăng ni có trình độ Phật pháp, nhưng thử nhìn lại mỗi tỉnh thành sẽ thấy không đủ người giảng dạy cho 30 đào tràng kể trên, đừng nói sau này đi vào quy mô lớn hơn. Vậy, phải chuẩn bị khâu nhân sự thật kỹ lưỡng, vì suy cho cùng đào tạo một con người bao giờ cũng lâu hơn, khó hơn xây dựng cơ sở vật chất.

Thống kê

BHP cần thống kê lại đội ngũ giảng sư hiện có, và đội ngũ tăng ni sinh đã tốt nghiệp hoặc đang theo các hệ đào tạo Phật học tại địa phương và thành phố. Số lượng giảng sư chính thức trong giảng sư đoàn tại các tỉnh thành thực tế không nhiều lắm, lại còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong Ban Trị sự, Ban Đại diện, nên cách tốt nhất vẫn là tận dụng cả số tăng ni sinh trong các trường lớp Phật học, hoặc các vị mới vừa ra trường. Lập danh sách ghi rõ danh tánh, bổn tự xuất thân, theo học khoá nào, sở trường môn gì, nguyện vọng muốn phục vụ trong ngành nào, tại địa phương nào… Sau đó chọn ra những vị có nguyện vọng và sở trường hoằng pháp để mời về, lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Đào tạo

Đúng hơn, phải gọi là “đào tạo lại” cho lớp tăng ni sinh trẻ, vì thực tế trong hệ thống đào tạo Phật học của chúng ta hiện nay ít chú ý rèn luyện kỹ năng thuyết giảng. Chương trình học thì chung chung, trong khi nhiệm vụ chính của một tu sĩ ngoài việc tu để giải thoát thì hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, nhưng không hề được rèn luyện.

Vì thế, có nhiều vị rất tâm huyết nhưng không đứng lớp được. BHP cần có chiến lược đào tạo riêng về kỹ năng thuyết giảng cho TNS, thì lực lượng đông đảo ấy thừa sức đảm nhận các đạo tràng. Trung bình mỗi tỉnh có hơn 100 TNS đang theo tất cả các hệ Phật học, chỉ cần bồi dưỡng lại chừng 40-50 vị thôi, mỗi vị giảng 3-4 lần trong tháng, thì chúng ta có một con số hoằng pháp rất lớn.

Phương thức đào tạo:

a- Qua thực tế:

Chúng tôi đã có nhiều năm hỗ trợ cho TNS  thực tập giảng dạy, nhận thấy rằng cứ cho người trẻ cọ xát với thực tế lớp học thì họ sẽ phát triển kỹ năng ăn nói, lý luận một cách nhanh chóng, đồng thời nắm bài học vững hơn là chỉ ngồi trong lớp học mãi lý thuyết, học xong lại rất mau quên. Đi học, là đầu vào, đi dạy, là đầu ra, giúp TNS tiêu hoá, thẩm thấu bài học một cách hiệu quả.

Ngay từ năm thứ 2 trung cấp, TNS đã có thể giảng những bài căn bản về ngũ giới, bố thí, ăn chay... trong vòng 30-45 phút, không phải quá sức. Đến hệ Cao đẳng, Cao cấp thì có thể giảng những bài cao hơn. Hiện nay, có một nhóm TNS Cao cấp đang tình nguyện đi về các tỉnh, phụ trách cả những đạo tràng quy mô, tiếng vang không nhỏ.

Qua quá trình làm việc thực tiễn, năng lực của họ tự nhiên phát triển như thế, chỉ tại chúng ta còn quá e dè với người trẻ, cứ xem họ là “học trò”, không dám giao việc, mà quên rằng chính HT. Trí Quảng mới 19 tuổi đã được Sư ông Thiện Hoa, Thiện Hoà cử đi thuyết pháp ở Đồng Xoài, Bình Phước. Nghĩa là, hãy mạnh dạn cho người trẻ học trong thực tế song song với lý thuyết trong trường.

b- Tập huấn:

Tất nhiên, muốn đưa lực lượng trẻ xuống đạo tràng, cũng cần động thái chuẩn bị, kiểm tra, chứ không thể bỏ mặc họ tự xoay sở, có khi sai phạm. Trước hết, căn cứ trên giáo trình chuẩn mà tác giả Quảng Pháp đã nêu trong số báo vừa qua, BHP phân công các TNS phụ trách từng bài cụ thể, phù hợp với trình độ mỗi người.

Sau đó, TNS tập giảng thử trước Hội đồng Giảng sư để được bổ sung, sửa chữa thành một bài giảng chuẩn, rồi mới đem ra giảng thật. Như vậy, TNS đỡ lúng túng, mà BHP cũng đỡ lo có sai phạm. Trong BHP và Ban Giáo dục Tăng Ni mỗi tỉnh có chừng 20 giảng sư cốt cán, chỉ cần phân công mỗi vị “đạo diễn”, “tập huấn” cho 2-3 người trẻ là nhiệm vụ sẽ nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn là phân công chung chung.

Thực tế, chúng tôi chỉ tập trong 3-4 tháng là người trẻ đã dạn dĩ, và sau một năm bắt đầu giảng lưu loát, biết tự triển khai đề tài rộng hơn, sâu hơn. Phương thức đào tạo này vô cùng hiệu quả.

c- Hỗ trợ về sư phạm:

BHP có thể mời các giáo sư của trường Đại học Sư phạm về tập huấn thêm những kỹ năng cơ bản dành cho một người giáo viên, chẳng hạn về tâm sinh lý, về cách soạn giáo trình, giáo án, về cách phát âm, sử dụng phấn bảng v.v… Những “học phần” này rất cần thiết cho chuyên môn, vì thực tế hiện nay đa số vẫn áp dụng kiểu “thuyết pháp” chứ không phải giảng dạy một cách sư phạm, sẽ khó cho Phật tử khi học và thi theo giáo trình chuẩn.

Tóm lại, trong thời gian chờ đợi soạn bộ giáo trình chuẩn, thì BHP có thể soạn ngay những bài căn bản trong bộ Phật học Phổ thông của HT. Thiện Hoa để TNS thực tập giảng dạy. Công tác thống kê, quy hoạch  cho là kéo dài trong 6 tháng, thì 6 tháng ấy đủ  cho TNS tập giảng mẫu. Chúng tôi biết, có nhiều tỉnh mở cuộc thi diễn giảng hàng năm, mỗi TNS chỉ có 1 tháng chuẩn bị, mà vẫn lên giảng được một đề tài trong 30 phút. Tại sao không tận dụng ngay nhân sự đó, đề tài đó đưa xuống đạo tràng, mà cứ thi diễn giảng xong là bỏ luôn, thật đáng tiếc! Chúng ta có rất nhiều khả năng, nhưng thường làm theo phong trào, hết phong trào là xếp lại, chứ không hề phát triển thành một chiến lược sâu rộng.

Lập giảng sư đoàn, phân công

Khi TNS đang thực tập giảng, BHP cũng phải công nhận họ đang cộng tác với BHP, và sau khi tốt nghiệp thì mời họ vào với danh chánh ngôn thuận. Cần cơ cấu riêng biệt để giảng sư có thể chuyên sâu, nâng cao năng lực giáo dục PG. Tránh tình trạng kiêm nhiệm quá nhiều việc, làm ảnh hường đến công tác hoằng pháp. Ngay ở mỗi chùa cũng vậy, khi trong chúng có các vị giảng sư thì nên xác định rõ chức năng từng vị để phân công trách nhiệm cụ thể, tránh sự so bì, thắc mắc.

Thí dụ, vị này có thể giảng dạy thì không nên bắt đi tụng đám, làm ruộng. Còn vị kia không giảng được nhưng lại giỏi nghi lễ, hoặc giỏi nấu nướng, thì cứ giao việc theo sở trường đó. Chúng ta thường ngại trong việc phân công, nên triệt tiêu năng khiếu của mỗi người, không sử dụng sở trường mà lại dùng sở đoản, rốt cuộc không việc nào giỏi cả. Tất nhiên, trong tập thể cũng cần sự chia sẻ trách nhiệm qua lại, nhưng vẫn phải xác định đâu là nhiệm vụ chính, phụ, có như thế các mảng công tác mới phối hợp nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao nhất.

BHP phân công từng nhóm giảng sư phụ trách từng địa bàn. Hoặc cách một thời gian lại hoán đổi để tạo không khí mới cho lớp học. Hoặc cứ thay đổi người dạy theo từng bài học, mỗi bài một giảng sư khác nhau. Tuỳ theo yêu cầu thực tế mà quy hoạch nhân sự, không đến nỗi quá phức tạp.

TÀI CHÁNH

Hình như nguồn tài chánh dành cho hoằng pháp luôn luôn nhỏ nhoi so với công tác xây dựng, từ thiện, đám sám, lễ lạc… Trụ trì làm một cuộc lễ cả chục triệu trong 2-3 ngày rồi Phật tử ai về nhà nấy, có khi chẳng thu nhận được bài học gì, vậy mà không mạnh dạn dùng số tiền đó gìn giữ đạo tràng hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Hoặc xây ngôi chùa vài trăm triệu như không, thậm chí vài tỷ, nhưng mỗi tháng thỉnh giảng sư, chi cho lớp học chừng 200.000đ lại không có.

Không ngoa chút nào nếu nói chùa chiền hiện nay xây nhiều hơn, to hơn, nhưng tỷ lệ nghịch với trình độ Phật tử, với chất lượng hoằng pháp. Dám nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta mới có thể sửa đổi, cải thiện. Vậy nên chăng quy hoạch một nguồn tài chánh dành cho công tác hoằng pháp một cách rộng rãi hơn?

- Đầu tiên là nguồn tài chánh tự thân của mỗi chùa khi mở lớp học. Thông thường, Phật tử quan tâm ủng hộ tất cả, cứ có giảng sư về dạy là họ góp lại cúng dường, rồi lo cả bàn ghế, cơm nước, tập vở…

- Một số chùa nghèo mới cần Giáo hội hỗ trợ. BHP có thể lập quỹ, kêu gọi mạnh thường quân. Quỹ này dành cho mấy phần như sau:

+ đầu tư cơ sở vật chất cho đạo tràng, lớp học: như bàn ghế, phấn bảng, ampli, micro, sách vở, bút mực…

+ bồi dưỡng giảng sư về chi phí xăng xe đi lại. Có những giảng sư phát tâm không nhận tiền này, mà còn cúng dường trở lại cho chùa nghèo.

+ phát thưởng cho học viên, hoặc photo tài liệu, giáo trình.

+ tổ chức các buổi thi lớn trong toàn huyện, toàn tỉnh, hoặc cho Phật tử tham gia hội thi giáo lý do BHP trung ương tổ chức.

Thực tế vừa qua, nhiều tỉnh không hề có kinh phí dành cho ngành hoằng pháp, mặc cho mỗi chùa tự lo, chùa nào, địa phương nào không lo nổi thì coi như bỏ trắng. Thậm chí, Phật tử từ xã, huyện về tỉnh ôn thi giáo lý cũng không được hỗ trợ tiền xe, hoặc không có cả phần thưởng. Cả tỉnh chọn được 5-6 người học giỏi, ít nhất cũng có món quà kỷ niệm cho họ vui, khuyến khích phong trào. Có tỉnh giờ chót mới chạy đôn chạy đáo xin mạnh thường quân, cho mỗi thí sinh được... 50.000đ.  Ngành hoằng pháp luôn luôn bị động như thế!

Tóm lại, mỗi tỉnh thành cần có một chiến lược hoằng pháp cụ thể, lâu dài, thì giáo dục PG của chúng ta mới phổ biến rộng khắp và có chất lượng. Nếu không, chúng ta vẫn làm, nhưng làm trong tư thế tự phát, cục bộ, chậm chạp so với tốc độ phát triển của xã hội hiện đại. Và chắc chắn nhiều địa phương sẽ bị bỏ trống, nhiều nhân tài trẻ bị mai một.

Thời đại ngày nay, giáo dục PG phải đặt lên hàng đầu để trang bị cho con người một sức mạnh nội tâm và trí tuệ chống lại những cám dỗ mạnh mẽ của thế giới vật chất, của sự tha hoá ngày càng dữ dội và tinh vi. Chú trọng đến giáo dục PG cũng là cách đồng hành cùng con người và thời đại, bằng không chính PG sẽ tự xa rời, tự làm mất vai trò của mình trong đời sống, mà kinh Duy Ma đã từng minh chứng và cảnh báo.

phattuvietnam

Ý kiến của bạn:

 Nội dung gửi về toà soạn cho bài:
 Xây dựng một chiến lược hoằng pháp

Vui lòng nhập vào Tiếng Việt có dấu:
Họ và tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:  
Gửi file đính kèm (mỗi file có kích thước tối đa 1MB):




  
Nhập vào mã:
 


    

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch