Diễn đàn
Truyền thông Phật giáo qua phương tiện điện thoại
Minh Thạnh
02/04/2010 03:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hiện nay, đang phổ biến cách hiểu điện thoại là một phương tiện liên lạc cá nhân không thuộc về phạm vi truyền thông. Hơn thế, tiếng chuông reo đột ngột của nó có thể làm mất yên tĩnh cho tu viện, tự viện, ảnh hưởng đến việc tu học. Một số chùa còn không màng đến việc sử dụng điện thoại. Cách hiểu như vậy đã dẫn đến việc loại phương tiện truyền thông rất hữu dụng và ngày càng phổ biến này ra khỏi phạm vi sử dụng của Phật Giáo.

Bài viết này nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề, có thể nói là đáng tiếc này, đồng thời phác thảo một số ý tưởng sử dụng phương tiện truyền thông này vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, phục vụ cho đạo pháp và cộng đồng.

Truyền thông xã hội và truyền thông cá nhân

Thực ra, phần lớn các tài liệu có tính chất giáo khoa về ngành nghiên cứu truyền thông đều xếp điện thoại vào thể loại truyền thông, nhưng thuộc loại truyền thông cá nhân.

Truyền thông cá nhân là một loại hình truyền thông phân biệt với truyền thông xã hội. Một trong những cơ sở của truyền thông là văn từ (discour). Truyền thông là truyền đi văn từ từ nguồn phát và đối tượng tiếp nhận.

Trong truyền thông xã hội, thông điệp được truyền từ một người đến nhiều người, giữa một nhóm người đến nhiều người hơn … Xuất bản, báo in, áp phích, phát thanh, truyền hình… thuộc về truyền thông xã hội. Người ta còn gọi là truyền thông đại chúng.

Trong khi đó, điện thoại, thư tín… được xếp vào loại truyền thông cá nhân, nghĩa là thông điệp truyền từ một người đến một người hay một nhóm rất ít người.

Cách phân biệt này, tuy xếp điện thoại, thư tín vào truyền thông, nhưng còn giới hạn đó là truyền thông cá nhân, có thể đã là lạc hậu so với sự phát triển của truyền thông hiện đại. Điện thoại và thư tín dần dần trở thành một loại truyền thông xã hội, trước hết do sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Và không chỉ là do sự phát triển của khoa học công nghệ, mà còn là do sự phát triển của kinh tế, của cách tư duy, cách làm việc mới. Hiện nay, thư tín, điện thoại không còn là phương tiện truyền thông cá nhân đến cá nhân nữa, mà không hiếm trường hợp, phạm vi tác động đến xã hội của nó lên đến mức tương đương, hoặc có thể vượt mức của một số loại hình truyền thông xã hội. Chúng ta khảo sát một số trường hợp:

- Ngày nay, bằng các địa chỉ in trên niên giám điện thoại ở Việt Nam là những trang trắng (số điện thoại tư gia), các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hội đoàn có thể gởi thư đến hàng trăm ngàn địa chỉ có tên người, để quảng bá thông điệp mà đơn vị gửi thư muốn truyền tải. Thư có thể có nội dung tùy theo giới tính, khu vực, địa vị xã hội (cư ngụ ở trung tâm hay ở ngoại ô, ở mặt tiền hay trong hẻm sâu), điều mà có thể tìm hiểu qua thông tin đăng trên niên giám điện thoại. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương thức này để quảng cáo và ngành bưu chính cũng có dịch vụ phát thư không địa chỉ đến từng khu vực theo yêu cầu.

- Bằng Email, điện thư có thể được truyền đến một số lượng địa chỉ không giới hạn, với nội dung không giới hạn, số lần không giới hạn, và chi phí hầu như không đáng kể. Trong thực tế, nhiều tờ báo điện tử, đài phát thanh qua mạng đã áp dụng rộng rãi phương thức này. Người nhận tin chỉ cần đăng ký địa chỉ Email với nguồn phát tin, là có thể nhận được tin mới hằng ngày, hoặc nhiều lần trong ngày khi tin được cập nhật. Số lượng đối tượng tác động theo cách làm này có thể lớn hơn số lượng phát hành báo giấy và truy cập vào báo điện tử.

- Đã triển khai từ lâu ở Việt Nam hộp thư thông tin (có thể miễn phí cho người gọi) có thể biến một số điện thoại nào đó thành một “đài phát thanh mini” theo chủ đề. Cần tìm hiểu về vấn đề gì, người gọi chỉ cần bấm số điện thoại hộp thư để nghe nội dung mình cần biết và có thể chọn lựa từ nhiều nội dung.

- Hình thức gởi tin nhắn qua điện thoại di động theo yêu cầu của người sử dụng cũng là một phương thức tác động đến nhiều người, mang tính chất đại chúng. Hiện nay phương thức này được quảng bá mạnh mẽ trên báo chí và đài truyền hình, số người sử dụng đang tăng mạnh.

- Một tờ báo ngày nay đã có thể phát hành qua phương tiện điện thoại di động (thí dụ xem Tuổi Trẻ mobile).

Qua một số ví dụ chắc chắn là chưa đầy đủ kể trên, chúng ta có thể hình dung rằng lý luận cho rằng điện thoại, thư tín là những phương tiện truyền thông cá nhân đã bắt đầu không phù hợp, nếu không muốn nói là lạc hậu (chẳng hạn, ý kiến của Philippe Breton và Sergeproulx: Bùng nổ truyền thông- Sự ra đời một ý thức hệ mới, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin Hà Nội, 1996). Thư tín, điện thoại chẳng những là truyền thông, mà còn đang trong quá trình tiến dần đến truyền thông đại chúng, đang “mas media” hóa. Do đó, chúng tôi thấy cần nghiên cứu chúng để áp dụng cho Phật Giáo.

 Một số cách khai thác thư tín và điện thoại như một phương thức truyền thông của các tôn giáo bạn

- Từ trước năm 1975, một số nhà thờ theo các giáo phái Tin Lành Mỹ, vào dịp Noel, phục sinh … căn cứ địa chỉ trên Niên giám điện thoại đều có gửi thư mời đến dự Thánh lễ có tiệc ngọt mừng Noel ở các nhà thờ. Đối tượng mời là thanh niên, trung niên trong giới trí thức, kèm theo đó là một tài liệu mỏng có thể xem như một bức thư dài nhân dịp mừng Noel. Tiệc Lễ Noel được tổ chức như một buổi truyền đạo.

- Tại các nước mà đạo Tin Lành phát triển, đều có đường dây điện thoại “thông báo tin mừng”, “hỗ trợ tín hữu” … phục vụ cho người trong đạo và người muốn tìm hiểu về đạo, cũng như giúp cho người có nhu cầu muốn tìm đến sự an ủi của tôn giáo trong những hoàn cảnh đặc biệt đau khổ như thất tình, mất người thân, shock tâm lý, thương tật…

- Hiện nay ở một số nước phương Tây, việc rung chuông nhà thờ có khuyếch đại âm thanh điện tử vào lúc 4 giờ sáng bị hạn chế, nên phương thức sử dụng tin nhắn điện thoại di động đã được khai thác để nhắc nhở việc dự thánh lễ.

- Thông báo nhắc nhở về 5 buổi lễ trong ngày của Đạo Hồi được loan đi bằng tất cả phương thức truyền thông (TV, radio, loa phóng thanh…). Đối với người không ở trong nhà, tin nhắn bằng điện thoại di động theo phương thức cài đặt tự động là một trong phương thức nhắc lễ ...

Đề xuất về đường dây điện thoại từ bi, cứu khổ của Phật Giáo

Một người trẻ trung, xinh đẹp, trong hoàn cảnh ăn nên làm ra, tiền của dư dả, học hành thành đạt, sức khỏe đầy đủ, hạnh phúc gia đình tràn trề…, thì có thuyết với họ về các khái niệm cơ bản của Phật Giáo như “vô thường” “vô ngã”, “khổ”, “không” …, chắc chắn, người đó khó mà tiếp thụ, cho dù xuất thân từ gia đình truyền thống Phật Giáo. Một số đông những người có hoàn cảnh như vậy thường chỉ trông chờ ở Phật Giáo sự ban phát tài lộc, gia hộ trong việc làm ăn, thăng tiến…

Nhưng một người, có thể vừa bị tai nạn, tàn phế, mất mát người thân, tinh thần suy sụp, làm ăn phá sản, bị cách chức, bị tan vỡ hạnh phúc, chịu sang chấn tâm lý…, thì đạo Phật khi đó chính là cái phao cứu sinh cho họ. Họ có thể tự vẫn hoặc loạn trí nếu không được giúp đỡ kịp thời về mặt tinh thần. Nếu Phật Giáo có phương tiện truyền thông hữu hiệu kết nối với những đối tượng như vậy, thì chắc chắn, đóng góp của Phật Giáo đối với xã hội là hết sức lớn lao. Những đối tượng như vậy là những đối tượng cần nghe về “vô thường”, “vô ngã”, “khổ”, “không” … Ở đây chúng tôi muốn đề xuất những đường dây điện thoại từ bi, bố thí vô úy, giúp đỡ, an ủi tinh thần do Tăng, ni, Phật tử các chùa điều hành.

Những số điện thoại như vậy cần chọn những số dễ nhớ như số điện thoại taxi, số điện thoại hỗ trợ khách hàng của doanh nghiệp (chấp nhận trả phí để có những số điện thoại thuận tiện trong phục vụ), thông báo rộng rãi trên báo, trên các tổng đài giải đáp của bưu điện, tại các chùa chiền, in ấn trên kinh sách …

Có thể sử dụng kỹ thuật liên tụ, một số điện thoại đại diện kết nối với hàng chục số khác, để có thể hàng chục người gọi vào số điện thoại đã thông báo rộng rãi mà đường dây vẫn phục vụ tốt, không bị bận.

Trực tổng đài là các tăng ni, cũng có thể  Phật tử có khả năng thuyết pháp bố thí vô úy cho những người trong cơn cùng quẫn, suy sụp đau khổ, cần đến sự giúp đỡ về tinh thần từ Phật Giáo.

Vấn đề đặt ra là tìm đâu một số tăng ni có khả năng như vậy? Nếu giới hạn về nhân sự, người trực tổng đài có thể là người chưa thể làm công việc vô úy thí bằng những bài pháp ngắn, thì có thể:

- Ghi lại số điện thoại người gọi đến để chư vị tăng ni, hay Phật tử cao niên, thông hiểu Phật pháp điện thoại đến giúp đỡ.

- Ghi lại địa chỉ để gửi đến biếu tặng những kinh sách cần thiết cho người cần giúp đỡ về mặt tinh thần.

- Hướng dẫn họ những tựa kinh sách cần đọc để có thể giúp họ vượt qua khủng hoảng, khó khăn, suy sụp tâm lý.

- Chỉ dẫn họ những pháp môn an tâm, định tâm đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ số đông.

- Mời họ đến chùa gặp chư tôn đức hòa thượng, thượng tọa, chư đại đức tăng ni vào những giờ hẹn để nhận được lời khuyên, sự hỗ trợ về tinh thần từ các ngài.

- Hướng dẫn họ tham dự những khóa tu tập trung để họ hướng về đạo pháp, đối trị khổ đau. Như thế, hoạt động bố thí vô úy qua đường dây điện thoại cũng chính là hoạt động hoằng pháp, lợi sinh, độ người tu tập. Đó là đường dây điện thoại theo hạnh nguyện Quán Âm: lắng nghe, cứu giúp, bố thí.

Đến chùa xin gặp quý tăng ni khi cần giúp đỡ về mặt tinh thần chắc chắn số đông người sẽ ngần ngại, nhưng chỉ bấm số điện thoại mà được nghe pháp thí, an ủi…, thì chắc chắn đó là con đường cho rất nhiều người đến với Đạo Phật. Có thể từ đường dây điện thoại bố thí vô úy này, những người từ không biết gì về Đạo Phật sẽ trở thành Phật tử, Phật tử theo kiểu đi chùa cầu tài cầu lộc sẽ trở thành Phật tử biết thế nào là quán vô thường, quán vô ngã, quán khổ, quán không…           

Kinh phí cho hoạt động truyền thông này không đáng vào đâu với lợi ích mà nó mang lại cho đạo pháp và xã hội. Chi phí điện thoại cố định hiện nay đã rất thấp, có thể do người gọi đến trả, cũng có thẻ do các mạnh thường quân giúp nhà chùa trả cho người gọi đến theo cách gọi miễn phí.

Nếu số điện thoại của các ngôi chùa trở thành số điện thoại cứu tinh của những người rơi vào hoàn cảnh suy sụp, khủng hoảng tinh thần, số điện thoại vô úy thí cho quảng đại nhân sinh, thì đó cũng chính là một bước xã hội hóa truyền thông cá nhân theo hướng hết sức tích cực.

Theo: Phapluanonline

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch