Nói một cách tương đối, hai ngàn năm trở lại đây, Trung Hoa
có ba lần là quốc gia đại cường của nhân loại. Đó là vào thời Đông Hán,
Đường và Minh. Ngoài thời Đường sức mạnh mềm của họ ít nhiều mang dấu ấn
Phật giáo, Đông Hán chứng kiến sự lên ngôi lần đầu tiên của Nho giáo,
với nhà Minh ta thấy sự hoàn thiện và củng cố Tống Nho.
Thế kỷ 21, trên con đường trở lại đỉnh cao ngày nào, văn minh Trung
Hoa một lần nữa đã chọn những giá trị Nho giáo làm xương sống tinh thần
của mình. Nho giáo Trung Quốc đang trỗi dậy, sặc sỡ màu sắc thời đại
song vẫn không thoát khỏi luận lý an – loạn từ thuở Chiến Quốc.
Trong nước, nó khác thuyết dân chủ phương Tây ở chỗ đặt cá thể dưới
nhân quần, nhiều khi chỉ là cái cớ bịp bợm. Với lân bang, người Trung
Quốc vẫn chưa từ bỏ được cái nhìn bề trên, ngã tâm, và mơ mộng trật tự
chư hầu tiến cống phong kiến xưa cũ.
Bài viết này không có ý định đi sâu vào ngóc ngách hiểm hóc của sức mạnh
mềm Trung Hoa. Tôi chỉ muốn hỏi người Việt Nam có thứ gì để tự bảo vệ
mình trước sức mạnh mềm ấy không, hay là họ sẽ lại cảm thấy an toàn (tuy
rằng có mất mát) trong cái gọi là “bóng râm Trung Hoa”?
Người Việt hiển nhiên không phải là người Tàu, dù theo tôi trong máu
Việt luôn tồn tại một tỉ lệ máu Tàu nhất định. Chắc chắn trong lịch sử
hai ngàn năm của mình, người Việt đã từng sở hữu một loại sức mạnh mềm
phi Hán. Xin tạm gọi đó là văn minh Phật giáo thế tục Lý – Trần.
Có giả thiết cho rằng quốc hiệu Đại Cồ Việt mà Đinh Tiên Hoàng đặt
ra, làm nền tảng cho văn minh Lý – Trần mang nghĩa “Vương quốc Phật giáo
Đại Việt” vì chữ Cồ là phiên âm họ của đức Phật (Cồ Đàm = Gautama).
Kể sao hết những thiền sư không tự trói buộc mình bên kinh kệ, Phật
pháp. Chẳng hạn ngài Vạn Hạnh đã suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Quá nhiều
quân vương Lý – Trần sớm rời ngôi báu, nương cửa Phật nhưng vẫn canh
cánh bên lòng vận nước, giáo hóa chúng sinh giác ngộ. Đó là cơ sở của
khái niệm văn minh Phật giáo thế tục.
Tiếc thay, năm 1400 họ Hồ lại cho rằng Việt là Tàu. Nước Đại Ngu của Hồ
Quý Ly cũng là con cháu Ngu – Thuấn như Đại Minh. Hai mươi năm thống trị
và tận diệt văn hóa của Minh triều đã xóa sổ giới tu sĩ thế tục Đại
Việt.
Bi kịch ở chỗ, những tên tuổi lớn như Nguyễn Trãi tuy có công phục
quốc, lại không thấy được cái lợi của việc nối tiếp nền văn minh phi Hán
của Đại Việt. Chính Nguyễn Trãi chứ không phải ai khác, đã đem hồn Thi –
Thư – Lễ – Nhạc vào cung đình nhà Lê.
Phải chăng tai họa mà Nguyễn Trãi gặp phải đã có mầm mống từ khi ông
mâu thuẫn với các đại thần khác khi san định Lễ – Nhạc với tiêu chí tôn
Nho? Từ đó, những thiền sư vĩ đại đành đóng cửa chùa, tách biệt hẳn với
đời sống chính trị xã hội.
Cuối thế kỷ 19, tháp Báo Thiên, vết tích cuối cùng, niềm kiêu hãnh và
biểu tượng về thành tựu vĩ đại của văn minh Phật giáo thế tục Lý – Trần
bị san phẳng và thay thế bằng một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo.
Thiên chúa giáo Việt Nam có hơn tám mươi năm huy hoàng, từng sở hữu
hẳn một chính thể thuần Việt (Ngô trào), có những thành trì phi cộng
kiên cố, nơi linh mục cũng là tướng lĩnh quân sự, song họ đã thất bại.
Lý do thì muôn vàn, nhưng gần đây nhất và cụ thể nhất, phải kể đến sự
choáng váng của quần chúng khi một chức sắc Thiên chúa giáo cảm thấy
nhục nhã với quyển hộ chiếu Việt Nam.
Hiện nay rất nhiều người Việt Nam đang cảm thấy hơi nóng của sức mạnh
mềm Trung Hoa ở sau gáy mình. Và họ lúng túng, thậm chí bỗng nhiên bất
lực. Rồi họ bài Hoa, phỉ báng tất cả những gì của Trung Hoa, kể cả văn
hóa, thứ thuộc về nhân loại nói chung, chứ không phải của riêng người
Hoa.
Thật ra những người Việt tôi đề cặp ở trên thiếu tự tin mãn tính. Văn
minh Việt Nam tồn tại ít nhất đã hai ngàn năm, từ thuở Đại Hán. Riêng sự
tồn tại ấy đã là một niềm tin không thể lay chuyển.
Nếu đặt những sự kiện xiển dương Phật giáo Việt Nam vừa rồi (1) bên cạnh
công cuộc quảng bá sức mạnh mềm (như học viện Khổng Tử) của Trung Quốc,
ta thấy ngay đây có thể lấy làm một nước cờ chính trị không dở.
Vấn đề là người ta sẽ chuyển hóa Giáo hội Phật giáo như thế nào, các
thiền sư bước vào con đường thế tục hay những lãnh tụ sẽ đứng
dưới tán Bồ Đề để xây dựng sức mạnh mềm Việt Nam.
Thời Trần, sức mạnh ấy đã từng gắn kết toàn dân Đại Việt, làm nên
chiến tích thần kỳ trước giặc Nguyên Mông vô địch Á – Âu. Ngày nay, tôi
tin tưởng nó còn làm được nhiều hơn thế. Việt Nam đang chuyển hóa tận
gốc rễ, những giá trị mới và cũ rất cần nhiều hơn một bộ lọc tâm linh
đúng nơi đúng lúc, ít nhất là trên góc độ khoa học xã hội thuần túy.
Tôi không phủ nhận có sự hoài vọng dành cho mô hình dân chủ đa nguyên
phương Tây trên con đường tự cường của đất nước này. Tuy vậy mô hình ấy
mâu thuẫn đến độ một mất một còn với chế độ chính trị và nền tảng tư duy
Nho – Khổng của xã hội Việt Nam hiện nay.
Nó đặt tương lai dân tộc trước rủi ro quá lớn, hơn nữa dân chủ đa
nguyên vẫn là một mô hình ngoại lai như Nho giáo, tất sẽ dẫn đến những
xung đột dai dẳng và để lại di chứng khó lường cho văn minh Việt Nam.
Trách sư (2),
chê chùa (3)
như tác giả Lê Thiết Cương vừa rồi, thực ra không mới, lý ngắn, tình
nông.
Trương Hán Siêu thời Trần cao ngạo đến thế, khinh bạc đến thế, phỉ
báng Phật giáo hết lời mà cuối đời lại sùng Phật hơn ai hết.
Thời khắc một ngàn năm Thăng Long sắp điểm, “xá lợi” của Phật giáo
thế tục Lý – Trần sẽ được tái phát ngộ trong lòng dân tộc Việt Nam hay
không, rất nên được suy tư từ những hiện tượng đơn lẻ và có thể chuệch
choạc ban đầu.
Trên nền tảng Phật giáo truyền thống của tiền nhân, người Việt sẽ gần
gũi hơn với cộng đồng Asean và có cơ hội làm tỏa sáng những giá trị phi
Hán rõ ràng của mình. Vậy thì lấy cớ gì chúng ta không thêm một lần, đặt
cược sức mạnh mềm Việt Nam vào Phật giáo?
Theo: Talawas