Biến hóa chuyên nghiệp
Buổi trưa đón xe ôm chạy như bay về bến xe Cần Thơ
|
Một “nhà sư” tên Sỹ tại xóm đầu trọc - Ảnh: T.T
|
Chuyến
xe Châu Đốc (An Giang) xuống TP.Cần Thơ từ tờ mờ sáng, chở theo những
vị khách quen thuộc. Nhóm người nam nữ này đều cạo nhẵn đầu, khoác áo
tăng, ni chỉnh tề khiến chẳng ai nghi ngờ về lai lịch của họ. Tuy nhiên,
nhiều ngày bám theo các chuyến xe này, PV Thanh Niên lại phát hiện ra một sự thật khác.
Quán
nước của chị T. gần Bến xe Hùng Vương (Cần Thơ) là nơi nhóm người này
thường tụ họp đợi trời sáng. Một phụ nữ trong áo ni cô bực tức: “Đã giao
kèo rồi, vậy mà không bao lâu lại đụng mấy ông là sao?”. Một cuộc cãi
vã nhỏ diễn ra đến khi người phụ nữ này lẩm bẩm bỏ đi. Một người đàn ông
trong áo nhà sư than: “Vợ tao dính bầu phải ở nhà, sắp tới nó hết làm
ăn rồi”. Một “sư” khác giọng lựa nhựa: “Tối qua tao nhậu bây giờ chân
còn run, không biết đi được bao lâu”. Một người khác chửi thề: “Năm xui
tháng hạn, chút thay đồ ra nhậu luôn”... Thậm chí, có “sư” còn quay qua
chọc ghẹo “ni cô”. Rôm rả đến khi ngoài đường đã đông xe cộ, nhóm này
lần lượt biến đi trên những chiếc xe ôm đợi sẵn. Chẳng bao lâu, chúng
tôi đã thấy họ xuất hiện khắp các tuyến phố đông đúc ở Cần Thơ. Dáng bộ
hiền từ, bước chân chậm rãi, miệng lẩm bẩm như đang đọc kinh… không khác
một nhà sư thực thụ đi khất thực.
Bám
theo các sư giả từ các tỉnh ngược về Châu Đốc, chúng tôi đã nhiều lần
bị mất dấu một cách bất ngờ. Địa chỉ mà nhóm người giả sư này đến không
phải là chùa chiền hay cơ sở thờ tự nào. Thậm chí, không ít lần họ lẩn
vào một quán nước, một tiệm tạp hóa, thậm chí trong một nhà vệ sinh công
cộng… rồi biến mất. Một tài xế biết mặt nhóm sư giả này tiết lộ: “Tui
chở họ mấy năm nay, biết quá mà. Để tránh bị để ý, dĩ nhiên là họ phải
ghé dọc đường hóa trang lại rồi mới đi xe khác về nhà”.
Một
trong những địa chỉ quen thuộc mà họ hay ghé vào để hóa trang là tiệm
tạp hóa của một người chạy xe ôm tên S., nhà gần cổng chào TP.Châu Đốc.
Sau khi thay áo nhà sư, các sư sãi giả này được S. và các xe ôm khác chở
về “bản doanh” là một con hẻm nhiều ngõ ngách ăn thông qua từ khu vực
bến xe cũ qua đài khí tượng, thuộc TP.Châu Đốc. Đây chính là “cứ điểm”
của nhóm tăng, ni giả dạng này.
|
|
|
Hầu như tất cả
những người sống bằng nghề giả dạng tăng ni ở đây đều là con nợ đầm đìa
dù số tiền họ kiếm được từ lừa phỉnh không phải là ít. Đi một buổi, ít
thì kiếm được năm ba trăm, nhiều thì cả triệu đồng... nhưng cũng hết.
Bài bạc, nhậu nhẹt, đề đóm làm sao mà không thiếu nợ
|
|
|
Một người dân TP.Châu Đốc
|
|
|
Xóm... đầu trọc
Khu
vực bến xe cũ (TP.Châu Đốc) từ lâu nổi tiếng là địa bàn của dân tứ xứ
tụ về, trong đó nổi trội nhất là nhóm người đầu trọc giả sư. Vào khu vực
này, mới được một đoạn chúng tôi chứng kiến ngay một cuộc đuổi đánh
nhau của hai gã say rượu, cả hai đều có chung đặc điểm là… đầu cạo trọc.
Tuy nhiên, “ấn tượng” đó lập tức bị khỏa lấp khi chúng tôi liên tục
chạm mặt với hàng loạt người đầu trọc khác. Họ xuất hiện từ khắp các ngõ
ngách trong xóm, từ quán nước, sòng bài, sòng nhậu…; trong số đó, rất
nhiều người chúng tôi đã nhẵn mặt trên các đường phố ở miền Tây trong bộ
áo tăng, ni khất thực.
Nhiều
ngày thuê trọ ở đây, chúng tôi thấy buổi sáng khu vực này vắng tanh, ít
thấy bóng người. Một chủ nhà trọ giải thích: “Xóm này trở nên vắng vẻ
là do buổi sáng cánh cái bang “đi làm” hết. Họ chia làm nhiều nhóm, giờ
giấc tùy theo địa bàn “hành tẩu”. Sớm nhất là nhóm đi từ 2 giờ sáng. Họ
đón xe đến các tỉnh, chủ yếu Đồng Tháp, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ. Trễ hơn
là nhóm “làm ăn” trong tỉnh, đi các huyện Châu Thành, Tri Tôn, TX.Tân
Châu và TP.Long Xuyên… Tuy nhiều sư giả có mặt ở địa bàn này khá lâu,
nhưng không phải dân địa phương ai cũng biết mặt. Hầu hết họ đã vắng mặt
trong xóm trước khi trời sáng và trở về trong màu áo của người thường
nên những người lân cận cũng chẳng biết hành tung của họ”.
Buổi
trưa, “xóm đầu trọc” bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên khi một số cái bang trở
về với những xấp tiền lẻ dày cộm trên tay. Đó cũng là lúc những người
cho vay bạc góp bắt đầu rảo từng nhà, đón ở đầu hẻm hoặc tìm đến các
sòng bạc để gom tiền… Những cuộc cãi cọ cũng bắt đầu diễn ra khi các chủ
nợ bị khất hẹn. Một nữ cái bang tên Nam than thở: “Hôm nay xui, trừ
tiền xe tui chỉ còn trăm ngàn ngoài”. Nói thế, nhưng dường như lập tức
người phụ nữ này đã có mặt tại sòng bài. “Xóm đầu trọc” lại thành chật
chội khi các đầu trọc giả sư túm tụm lại “chia sẻ kinh nghiệm” ở một
khúc cua gần một tiệm tạp hóa. Một tốp khác tranh thủ lôi nhau ra… cạo
đầu, sơn phết những chiếc bình bát, cãi cọ, đôi chối và gầy sòng nhậu…
Lúc này, chẳng tìm đâu ra bóng dáng một nhà sư ở nơi có rất nhiều người
hằng ngày vẫn khoác áo nhà sư. Ở đây, họ lộ nguyên hình là những người
giang hồ tứ chiếng, những con bạc say máu… và nuôi sống họ dĩ nhiên là
những đồng tiền “cúng dường” của “bá tánh” khắp nơi, những người có lẽ
không hay lòng thành của mình bị mắc lừa bởi nhóm giả sư chuyên nghiệp.
Một “cái bang” trong bộ dạng của nhà sư khất thực trên đường phố Cần Thơ
|
Và ung dung đếm tiền “cúng dường” của bá tánh mắc lừa
|
“Thật
ra tất cả họ đều từ nơi khác tới. Thấy ở đây không bị lộ nên họ tập
trung. Có người ở đây cả chục năm vẫn sống với nghề đóng giả nhà sư”,
một người lớn tuổi trong xóm cho biết. Còn một người khác lắc đầu: “Hầu
như tất cả những người sống bằng nghề giả dạng tăng ni ở đây đều là con
nợ đầm đìa dù số tiền họ kiếm được từ lừa phỉnh không phải là ít. Đi một
buổi, ít thì kiếm được năm ba trăm, nhiều thì cả triệu đồng… nhưng cũng
hết. Bài bạc, nhậu nhẹt, đề đóm làm sao mà không thiếu nợ”.
Thậm
chí, số tiền kiếm được trong bộ áo nhà sư họ còn dùng để… mua dâm. Buổi
tối, khi các “tăng, ni” tung tăng bên vợ, con, nhân tình thì tại căn
nhà của một sư giả tên Bình “giảo” nổ ra xô xát giữa một sư giả và gái
bán dâm. Mọi người bu quanh một người đàn ông tuổi trên 60 đang “thượng
cẳng chân, hạ cẳng tay” với một cô gái “buôn hương” tên H. vì nghi cô
này đã lấy điện thoại “xiết nợ”. Không vừa, gái làng chơi tri hô lên
“sư” này “ăn bánh không trả tiền”. Sự việc vỡ lở, sợ “đụng chạm” tới cơ
quan chức năng, H. quảy gói chuồn êm vào con hẻm tối. Lúc này, một số
đầu trọc mới ngỡ ngàng chẳng biết lai lịch của gã sư giả mới tới tên gì.
Số ít người biết về gã cũng chỉ biết tên thường gọi là “ông Chín”. Vài
hôm sau, chúng tôi lại gặp Chín trong áo nhà sư, hiền từ ôm bình bát
bước đi trên đường phố Cần Thơ.
Các sư khất thực không nhận tiền
Theo
Đại đức Thích Bình Tâm, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN)
TP.Cần Thơ, tất cả các tăng, ni đi khất thực phải được sự cho phép của
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành. Ngoài ra, các tăng, ni khi khất thực phải
tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, phải đi thành từng đoàn nhiều vị và
phải có giờ giấc (không quá 11 giờ). “Các sư khất thực chỉ nhận thức ăn,
không nhận tiền...”, Đại đức Bình Tâm nói và cho biết GHPGVN TP.Cần Thơ
đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các chuyến
tuần hành để phát hiện những người giả dạng nhà sư đi khất thực để có
biện pháp giáo dục, xử lý.
|
Tiến Trình