Phật học cơ bản
Phật Pháp Cho Mọi Người
Nhiều Tác Giả Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn
27/09/2554 07:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

10. Vô nhãn, nhỉ, tỷ

 

 

Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý

Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp...

Kinh Bát Nhã Ba La Mật

 

Barbara Brodsky đã hành thiền từ năm 1970. Bà hướng dẫn các khóa thiền Vipassana và Tào động khắp nơi trên thế giới. Bà cũng là vị thầy hướng dẩn ở Trung Tâm Deep Spring, nơi thường tổ chức các lớp hành thiền và các khóa an cư. Bà đã bị khiếm thính nặng từ hơn hai mươi lăm năm nay. Việc phải sống với sự im lặng đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như phương pháp giảng dạy của bà. Bà cũng có nhiều năm tham gia tích cực vào các phong trào chuyến hóa xã hội với tinh thần bất bạo động. Bà còn là nhà điêu khắc, nhà văn.


 

Vô nhĩ; vô thanh; không có âm thanh. Vào năm 1972, tôi đánh mất khả năng nghe, và tất cả các dây thần kinh trong tai cũng bị hư hoại làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của cơ thể. Sự mất mát này là nỗi đau khổ lớn nhất trong đời tôi, đồng thời cũng là một quà tặng quí báu nhất.

Tôi phải đối mặt với sự mất mát này cũng như với những trở ngại khác, nghĩa là phải đem hết tâm sức ra tranh đấu để chấp nhận, thích ứng với tật bịnh của mình, và không cho phép mình được than khóc, tự thương hại mình. Tôi còn là mẹ của những đứa trẻ, nên dù cảm thấy đau đớn, chán nản, tôi không thể quên được bổn phận phải nuôi dưỡng con. Chấp nhận được sự mất mát của mình giúp tôi cảm thấy tự chủ, dù rằng tôi không thể hoàn toàn làm chủ được cơ thể mình. Tôi không thể nghe; không thể đứng, đi, đọc hay chủ tâm nhìn vào một điểm nào. Tôi nằm trên giường bịnh nhưng cả thế giới như quay cuồng đảo lộn với những cơn nôn mửa đến chóng mặt. Tôi có cảm tưởng như mình bị bọc trong một quả bóng khổng lồ đến độ tất cả mọi âm thanh từ thế giới bên ngoài không thể nào với tới tôi.

Khoảng một tháng sau tai nạn, tôi bắt đầu phải bò như một đứa trẻ, đầu gối tôi sưng phồng trên nền gỗ. Nhưng từ từ tôi gượng đứng lên trên hai chân, đặt những bước đi đầu tiên, rồi ngã sóng soài giữa khoảng không gian tưởng chừng vô tận giữa tủ quần áo đến cửa phòng, rồi cửa phòng đến tủ sách khi cố gắng giữ thăng bằng trước mặt. Cuối cùng dầu tôi chưa thể đoán được chữ trên môi người, tôi đã có thể tập trung mắt nhìn lâu ở một chỗ để có thể đọc sách được. 

Đức Phật đã dạy rằng ta phải quý thân này, nhưng tôi vứt bỏ thân tôi như một tấm giẻ rách. Tôi bỏ mặc tiếng kêu đau đớn của cơ thể, không cần biết đến sự giới hạn của nó, tôi tự đứng lên để chấp nhận nỗi bất hạnh này. Ngoài mặt coi như tôi đã thắng được số phận. Tôi may mắn có được một gia đình êm ấm, bạn bè tốt và công việc của một nhà điêu khắc, đồng thời là giáo sư đại học, cũng đem lại cho tôi nhiều an ủi. Tôi cố gắng đẩy lùi lòng sân hận, nỗi sợ hãi luôn đe dọa cuộc sống yên lành của tôi.

Không lạ gì khi càng ngày tôi càng cảm thấy xa cách mọi người chung quanh. Khi liên hệ trực tiếp với ai, tôi không có vấn đề, nhưng khi ở giữa đám đông, khi quanh tôi một vài người bắt đầu nói, tôi lại có cảm tưởng mình đang đứng ngoài cửa sổ lạnh lẽo. Nhìn vào một đám đông đang chuyện trò bên những bàn tiệc ấm cúng, tôi chỉ có thể ngồi ở bên ngoài lạnh lẽo, nhìn họ với bao thèm muốn. Lúc nào như cũng có một tấm gương thinh lặng ở giữa chúng tôi.

Dĩ nhiên là bạn bè đã cố gắng giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ tập nói chậm hơn. Nhiều người còn học cả 'ngôn ngữ im lặng' bằng cách ra dấu tay. Họ 'dịch' cho tôi khi người khác nói. Dần dần tôi nhận ra rằng không phải sự vô tâm của họ làm tôi đau khổ, mà chính là lòng ao ước, nỗi sân hận trong lòng đã hành hạ tôi. Khám phá đó cũng chẳng ích lợi gì, vì tôi lại bắt đầu tự trách mình đã không biết mang ơn lòng tử tế của những người quanh tôi.

Rõ ràng là tôi cần phải suy gẫm, quán chiếu về cảm giác bị cô lập của mình. Nỗi đau khổ triền miên buộc tôi phải tìm lối ra. Nhưng bằng cách nào? Tôi hãy còn trẻ, lúc đó tôi chưa được biết đến Phật pháp. Dầu rằng lòng tin vào tín ngưỡng của tôi (đạo Quaker) trong bao nhiêu năm cũng phần nào nâng đỡ tôi, nhưng nó không dạy cho tôi phương cách nào để luôn có mặt ở hiện tại.

Hơi thở luôn có mặt với chúng ta. Tôi bắt đầu chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra khi làm việc. Chú ý đến cách tôi cầm cây hàn xì, cách bàn tay tôi di chuyển. Rồi tôi bỗng nhận thấy tất cả hình như hòa vào nhau - bàn tay, cử động, cây hàn xì, ánh lửa. Tôi cảm thấy một niềm vui tràn ngập như thể tôi và tất cả đang hòa chung một nhịp điệu. Tôi hiểu rằng sự tự thương hại hay tự trách mình đều không giải quyết được điều gì. Trái lại khi tôi hòa nhập vào công việc của mình, chủ tâm đến hơi thở, đến từng chuyển động của thân, tâm tôi không cần phải tư duy để đem lại an bình cho tôi. Tôi đã có mặt ở đó.

Phải trải qua nhiều thời gian trước khi tôi hiểu được tính chất của sự mất mát của mình, và lâu hơn nữa trước khi tôi có thể hiểu, làm lành được vết thương bị làm người khiếm thính. Suốt những năm tháng đó, suốt ngày tôi chỉ thực hành thở khi sáng tạo, thở khi mài dũa, hàn xì, thở và hiện hữu. Tôi bỏ rất nhiều giờ mỗi ngày, tháng này qua tháng khác, thực tập như thế hơn mười năm.

Trong những năm tháng đó, sự hành thiền của tôi dần thay đổi và sâu lắng hơn. Nỗi đau khổ của tôi vẫn hiện diện, nhưng đã giảm mức độ. Sự thực hành đó đã giúp tôi suy gẫm về trạng thái của khổ đau, để hiểu nó đã phát sinh do cảm thấy mình khác biệt với mọi người chung quanh, dẫn đến cảm giác cô đơn cùng cực.

Ngày nay tôi không còn thấy mình 'điếc' nữa, chỉ là tôi nghe ở một mức độ khác: Tôi nghe sự lặng thinh! Đó là một khả năng thiên phú! Vâng, tôi vẫn còn cảm nhận được nỗi buồn trong tiếng cười của các con tôi, vẫn thèm được nghe những âm thanh tuyệt vời đó. Nhưng tôi không còn cảm thấy khổ đau trầm trọng nữa. Cái tôi mất mát nơi thính giác nhắc nhở tôi hãy rộng mở trái tim đón muôn ngàn niềm vui cũng như nỗi buồn của tất cả chúng sanh.

 Barbara Brodsky

(Trích dịch từ No Eye, Ear, Nose…, Shambhala Sun) Rev. 4.2009