05. Làm
mẹ và hành thiền
Jacqueline Mandell, dạy thiền và
hướng dẫn về khả năng lãnh đạo ở Portland, Oregon.
_______________
Đôi khi người ta hỏi tôi, “Giờ
chị đã làm mẹ, chị còn hành thiền nữa không?” Câu hỏi đó phủ nhận việc làm mẹ
cũng là một cách để hành thiền. Chúng ta thường nghĩ rằng việc hành thiền chỉ
có thể xảy ra trong các thiền đường, ở các trung tâm thiền, rằng chúng ta chỉ
có thể tỉnh thức khi ngồi trên gối thiền, ở một nơi yên tĩnh nào đó. Thiền
không chỉ là sự thực tập theo bài bản. Thử thách cam go không chỉ là khi ta tọa
thiền, mà là làm thế nào để mang tâm chánh niệm đó vào cuộc sống hằng ngày của
chúng ta. Tâm hoàn toàn tỉnh thức không có niệm phân biệt, không có ý niệm về
ngã. Nó không liên hệ gì đến cái nhìn nhị nguyên; chỉ có giây phút không phân
tâm, giây phút hiện tại trước mặt.
Tôi không hề dự tính sẽ có hai
con nhỏ. Tôi chỉ định có một đứa, để lo cho nó và tiếp tục tu tập. Nhưng cuối
cùng tôi sinh đôi.
Hai năm đầu tiên rất cực khổ,
giống như là cách tu khổ hạnh của dòng thiền Rinzai. Thật vậy, phải cho đứa này
bú mớm, rồi sang đứa kia, làm tôi thêm bận rộn. Nhiều sáng, tôi còn không có
thì giờ rửa mặt hay đi vệ sinh. Tiếng các con tôi khóc là những hồi chuông và
thay tã cho chúng là câu trả lời của tôi đối với một công án. Chồng tôi và tôi
đã thay mười hai ngàn tấm tã, giống như những hạt chuỗi mala.
Tuần lễ đầu sau khi chúng tôi
mang các con về nhà, một người bạn lái xe đến thăm và nói, “Tôi đến để phục vụ
bạn đây.” Cô đã ở lại đúng một tuần - nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc hai đứa bé
khi tôi có việc ra ngoài. Việc này được gọi là “chăm sóc bà mẹ” và tôi rất muốn
giới thiệu nó vào danh sách các dịch vụ xã hôi. Phật giáo đã làm rất nhiều điều
tuyệt vời: cho hòa bình, cho bệnh nhân AIDS, cho môi trường, nhưng Phật giáo có
quan tâm đến các bà mẹ không, có dịch vụ chăm sóc các bà mẹ, chăm sóc trẻ cho
các bà mẹ không? Nếu có, thì Phật giáo càng phục vụ chúng sanh nhiều hơn nữa.
Trong khi Phật giáo đề cao đời
sống xuất gia, tu tập ở các tu viện, thì việc tôi chọn lựa để trở thành mẹ cũng
đòi hỏi nhiều suy tư. Đối với tôi, được làm mẹ là một điều tuyệt vời, giữa cha
mẹ và con cái có một mối liên hệ thắm thiết. Khi các con tôi được sinh ra, tôi
biết rằng chúng đã là những đứa trẻ có tâm linh, đã thông minh, đã khoẻ mạnh. Tôi
chỉ cần dạy thêm cho chúng tình thương và sự chân thật. Đó là mục đích vô cùng
quan trọng của các bậc cha mẹ.
Khi phải ở nhà nuôi con, tôi
cũng rất bức xúc, cảm thấy như mình vô dụng. Tôi đã nghĩ, “Mình đang làm gì
đây? Xã hội đâu có quan tâm gì đến các bà mẹ? Có ai trả lương hay khen thưởng
gì các bà mẹ đâu?” Tuy nhiên tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các con tôi. Tôi
cảm thấy hãnh diện vì điều đó. Khi ta vun trồng tình thương yêu cho trẻ, thì
việc cho và nhận là cái mà chúng ta luôn phải thực hành.
Một số bạn bè và tôi quyết định
thành lập một nhóm tu thiền dành cho các bà mẹ, để họ có thể hành thiền với cả
con cái. Chúng tôi cũng gặp gỡ được đôi ba lần, và mỗi lần gặp thì đều khác
nhau. Lúc đầu chúng tôi quyết định hành thiền ở một phòng, để các con ở một
phòng khác, nhưng mấy đứa trẻ khóc la không chịu nổi. Vì thế chúng tôi quyết
định sửa đổi, nhưng nếu chỉ có hai bà mẹ thì hơi khó. Tôi phải để một bé tự
chơi một mình, còn tôi thì hành thiền với đứa còn lại trên đùi mình. Tôi nghĩ
là không kết quả mấy. Nhưng một ngày kia, tôi thấy con gái mình xếp tất cả các
con thú bông thành hàng và bảo rằng tất cả đang hành thiền.
Tôi cũng dạy các con không làm
hại các sinh vật khác, không sân hận, không ảo tưởng. Tôi dạy chúng tình thương
yêu ngay cả trước khi chúng biết nói. Chúng tôi sống trong một vùng có nhiều
côn trùng như nhện, bò cạp, rết và đôi khi có cả rắn. Khi thấy chúng, chúng tôi
thường bắt bỏ vào một cái ly, rồi mang thả ra bên ngoài. Ngay cả một con ong
hay một con ruồi bay vào nhà, chúng tôi cũng giúp chúng tìm đường ra. Khi nào
thấy một con côn trùng nào đó, các con tôi cũng gọi mẹ mang ly ra để đem côn
trùng đi nơi khác. Chúng thực sự học được lòng thương yêu côn trùng và đã biết
phân biệt các loài khác nhau. Đó là một cách để dạy con cái tình thương yêu
chúng sanh, không làm hại đến sinh vật nào dù nhỏ nhoi như côn trùng.
Tôi cũng dạy chúng không có lòng
tham đắm. Khi đến các tiệm đồ chơi, chúng có thể cầm chơi, rồi để lại mà không
đòi cha mẹ phải mua. Khi nói đến đi mua sắm, đối với các con tôi chỉ có nghĩa
là đi mua thực phẩm cần thiết. Tôi dạy chúng cách quyết định nhưng không bám
víu vào sự vật, và có những quyết định khôn ngoan mà không sợ hãi. Trước khi
trở thành mẹ, tôi đã dạy thiền một thời gian. Tôi nhớ rằng sư phụ của tôi, bà
Dipa Ma, chỉ sống trong một căn phòng ở Calcutta
mà cũng có thể dạy thiền ở nhà. Vì thế một ngày kia, tôi nghĩ, “Đúng vậy, tôi
cũng có thể dạy ở nhà”. Chồng tôi mang mấy đứa con ra ngoài, và tôi biến phòng
khách thành một nơi có thể hành thiền. Nhờ thế, tôi không phải tách biệt công
việc và con cái ở nhà. Đôi khi người ta hỏi tôi làm thế nào để cân bằng giữa
tình thương yêu con cái mà không bám víu vào chúng. Thật sự, công phu tu tập
của tôi bấy lâu nay là phát triển tâm không bám víu, và sự ra đời của các con
cũng là một quá trình rèn luyện cho tôi tâm buông xả. Ngay trước khi các con
được hai tuổi, tôi đã bắt đầu nhờ người giữ chúng để tôi có thể đi dạy hai lớp
thiền mỗi tuần. May mắn là tôi đã tìm được một vị bảo mẫu rầt có trách nhiệm,
ân cần, thương yêu, chăm sóc các con tôi hết lòng. Các con tôi được có kinh
nghiệm sống ở một khung cảnh gia đình khác, giống như trẻ em ở các quốc gia
khác thường được ông bà, dì cậu, cô chú, chăm sóc ngay từ nhỏ. Mỗi tháng, tôi
đều để các con tôi ở nhà một mình với bà bảo mẫu. Vừa rồi, lần đầu tiên tôi đã
đi dự một khóa thiền dài bốn ngày. Quá trình này là một kinh nghiệm rất tốt cho
cả các con tôi và tôi.
Lúc đầu tôi cũng do dự khi phải
để các con ở nhà, nhưng các bạn tôi đã khuyến khích tôi trở lại công việc dạy
thiền, sau khi tôi đã là mẹ. Cũng rất tốt khi các con tôi có được một nguồn yêu
thương khác, vì ở thời điểm đó tôi đang cai sữa cho chúng. Tôi nhận thấy rằng
con cái cũng có nghiệp riêng của chúng; chúng ta không thể luôn dắt chúng theo
bên cạnh mình và luôn tạo ra những môi trường lý tưởng cho chúng. Nghiệp lực có
sự vận hành riêng của nó và sẽ đưa đẩy ta đến một số quyết định tùy theo duyên
nghiệp.
Đôi khi tôi dẫn các con đến
những nơi tôi dạy và chúng ở cả ngày ở đó. Chúng đã nhận ra được hình tượng Đức
Phật và thường xin ăn chuối, táo, lê và những thứ cúng trên bàn Phật. Chúng
cũng có những sự hiểu biết và liên hệ riêng. Bất cứ khi nào thấy hình Phật,
chúng đều chấp tay lại vái chào.
Ngay cả khi tôi dạy hay hướng
dẫn các khoá thiền dài ngày ở các trung tâm thiền, chúng vẫn có thể gọi tôi khi
chúng cần. Nhưng tôi bắt đầu tự hỏi liệu làm thế có tốt không, chúng có trở
thành phụ thuộc vào tôi không. Nếu đứa trẻ cảm thấy đủ lòng tự tin và tự trọng,
thì cả hai phía (cha mẹ và con cái) có thể bắt đầu buông xả. Trong mười tháng
đầu tiên, các con ngủ chung với tôi. Tôi có mặt khi chúng cần, nhu cầu của
chúng luôn được thỏa đáp, nhưng các con tôi cũng hiểu khi tôi phải đi xa. Chúng
không khóc khi đưa tiễn tôi ra sân bay.
Dĩ nhiên mỗi cha mẹ có một cách
dạy dỗ khác nhau. Có người có phương tiện để ở nhà chăm sóc con, nhưng cũng có
người không làm được như thế. Tôi nhận thấy rằng bổn phận làm cha mẹ là tạo cho
con có lòng tự trọng và tập cho chúng tự lập để không phải suốt đời lo lắng cho
con. Có một câu nói rất hay, “Con cái không thể rời xa gia đình, trừ khi chúng
đã được lớn lên từ trong gia đình”.
Từ khi trở thành mẹ, tôi đã nhìn
lại gần như tất cả quá trình tu tập của mình. Sự khác biệt bây giờ là tôi nhấn
mạnh vào sự tỉnh thức một cách thư giãn – thư giãn nhưng ý thức rất rõ ràng.
Quá trình tu tập của tôi là tỉnh thức và chánh niệm, dựa trên an chỉ định. Định
có thể làm cho tôi thấy rất tuyệt vời, nhưng nó cũng vô thường. Người bám víu
vào cảm giác diệu kỳ này sẽ thất vọng khi họ không thể mang nó vào trong đời
sống hằng ngày. Hiện tại tôi khuyên các thiền sinh của mình thư giãn trong từng
phút giây, hơn là cố gắng quá sức, điều đó khiến cho việc tu tập trở nên dễ
dàng hơn. Sau mỗi khóa tu tập, họ không còn phản ứng như thể mới vừa được giải
thoát khỏi tù ngục.
Phật pháp cần phải uyển chuyển
và không loại trừ một ai. Nếu Phật pháp chỉ dành cho người tu, cho những người
độc thân, hay có gia đình nhưng không vướng bận, có khả năng gửi con ở nhà trẻ
hay con cái đã lớn, thì thật nguy hại. Tôn giáo đó chỉ có hình thức. Dầu đã có
bao người nữ giác ngộ trước chúng ta, dầu đã có bao vị được nhắc đến trong các
kinh điển, bao nhiêu vị đã được kính trọng, nhưng trừ khi giáo lý đó có thể áp
dụng vào trong xã hội, nếu không nó cũng trở thành vô ích.
Jacqueline Mandell
(Trích dịch từ Mothering & Meditation,
Buddhism Through American Women’s Eyes, NXB Snow Lion, 1995)