03. Lời
nói dễ nghe
Allan Lokos là một giáo sĩ đa
tôn giáo, một người dạy thiền và một tác giả. Ông là người đồng sáng lập và là
giám đốc của Cộng Đồng Hòa bình Và Tôn Giáo, đồng thời cũng là người sáng lập
và là thầy điều hành của Trung Tâm Thiền Cộng Đồng ở thành phố New York.
--------------------------------------------
Thực hành giới luật về lời nói
của người cư sĩ, chúng ta có thể biết nói đúng thời, đúng việc.
Nhiều năm về trước, khi mới bắt
đầu tin theo Phật giáo, tôi rất ngạc nhiên là việc thực hành ái ngữ, nói lời dễ
nghe, rất được coi trọng. Đức Phật đã xem việc chúng ta tiếp xúc, trao đổi, nói
năng với nhau rất quan trọng đến nỗi Ngài đã đặt chúng ngang tầm với những yếu
tố quan trọng khác như chánh kiến, chánh tư duy, chánh mạng, chánh niệm, là
những trụ cột trong Bát Chánh Đạo.
Đức Phật thấy rằng chúng ta luôn
phải tham gia vào các mối tương quan, bắt đầu bằng mối tương quan quan trọng
nhất: là mối tương quan với chính bản thân. Khi ngồi thiền, chúng ta có thể
nhận ra cách chúng ta tự nói với mình như thế nào – đôi khi với lòng từ bi, đôi
khi đầy phán xét hay thiếu kiên nhẫn. Lời nói của chúng ta là một phương tiện
đầy sức mạnh, qua đó chúng ta có thể mang đến hạnh phúc hay tạo ra khổ đau.
Chánh ngữ bắt đầu bằng việc kiềm
chế không nói dối, không nói lời xuyên tạc, thô tục hay cộc cằn. Chúng ta không
nên dùng lời nói xúc phạm, chống đối, khiếm nhã hay thâm độc, mà cũng không nên
tham gia vào những câu chuyện phiếm, mông lung hay ngồi lê đôi mách. Thực hành
được như thế, ta chỉ còn những lời chân thật, tử tế, nhẹ nhàng, hữu ích và có ý
nghĩa. Lời nói của chúng ta sẽ làm cho người nghe cảm thấy được an ủi, khuyến
khích, phấn chấn, và chúng ta sẽ là niềm vui đối với mọi người chung quanh.
Cốt lõi của chánh ngữ là nói lời
chân thật, nghĩa là ta cần tránh cả những lời nói dối mà ta nghĩ là vô hại. Chúng
ta cần nhận ra tính chất giả dối qua những hình thức như phóng đại, vô căn cứ,
hay tự thổi phồng mình. Các loại tà ngữ này thường phát khởi từ nỗi lo sợ rằng
tự bản thân chúng ta chưa đủ tốt – là điều không bao giờ đúng. Sự chân thật
phải bắt đầu từ nơi bản thân chúng ta, vì thế thực hành chánh ngữ phải bắt đầu
bằng việc chân thật với chính mình.
Đức Phật khuyên chúng ta không
nên ngồi lê đôi mách (gossip), vì Ngài biết rất rõ những hậu quả tai hại mà tà
ngữ này có thể mang đến. Chuyện kể có một người sau khi thấy những tai hại của
việc mình ngồi lê đôi mách chuyện người hàng xóm, đã đến cầu cứu một vị đạo sĩ.
Vị đạo sĩ bảo người đó ra chợ mua một con gà mang về cho ông, nhưng khi đi trên
đường hãy nhổ bỏ hết các lông gà. Khi người nọ trở về với con gà trụi lông, vị
đạo sĩ bảo ông ta đi nhặt lại những lông mà ông đã thả bay đi. Người đó trả lời
rằng điều đó khó thể thực hiện vì hiện giờ có lẽ đám lông gà đã bay khắp xóm
làng. Vị đạo sĩ gật gù đồng ý, và người kia hiểu ra rằng: chúng ta khó thể lấy
lại lời mình nói. Như thi sĩ Thiền Basho đã viết:
Chuông
chùa đã lặng,
Mà tiếng
ngân còn vang khắp đồi hoa.
Ngồi lê đôi mách (đàm tiếu) là
nói về một người đang vắng mặt. Không kể là nói xấu hay tốt. Nếu chúng ta cần
nói về một người không có mặt, hãy nói về họ như thể họ đang có mặt. Một hay
hai lần trong năm, tôi thường dành ra một khoảng thời gian nhất định - một tuần
hay một tháng - tôi thực hành không nói về bất cứ ai không có mặt. Tôi nhận
thấy là mình đỡ mệt hơn, và cũng thấy thật phấn chấn. Mỗi lần như thế, tôi nhận
thấy rằng hiệu quả của việc thực hành chánh niệm này còn ở mãi trong tôi nhiều
tuần lễ, hay đôi khi nhiều tháng sau đó. Khi tôi bắt đầu muốn nói về ai đó,
hình như có một tiếng còi báo động trong tâm: ‘Đừng nói chuyện người’.
Một lời khuyên về lời trêu chọc
– Chớ nên làm! Việc trêu chọc (teasing) lúc nào cũng là nhắm vào một ai đó, và
thường gây tổn thương cho người đó nhiều hơn ta tưởng. Nói ngắn gọn là việc
trêu chọc, đùa cợt gây ra đau khổ. Chúng ta nên dùng năng lực mà ta phí phạm
vào việc chọc ghẹo để tạo ra một lời khen chân thành.
Chánh ngữ thường đi kèm với một
kỹ năng giao tiếp khác là sự lắng nghe. Dầu lời nói có vụng về đến đâu, người
nói vẫn cố gắng chuyển đạt một điều gì đó. “Con ghét cha lắm!”, câu nói đó của
một đứa trẻ đang trong cơn giận dữ, thực sự có ý nghĩa gì? “Từ ngày bạn có đôi,
bạn không còn thời gian dành cho tôi nữa”, câu nói đó của một người bạn cũ hàm
ý gì? Những lời hờn giận đó nhằm chuyển tải một ước muốn được quan tâm đến
nhiều hơn. Khi chúng ta thực tập lắng nghe, hãy dành thời gian để thở, như thế
chúng ta có thể tránh không phản ứng theo hoàn cảnh khiến khổ đau phát sinh,
thay vào đó hãy phản ứng với lòng bi mẫn đối với những gì chứa đựng bên trong
những lời cộc cằn đó. Chúng ta có thể vỗ về đứa trẻ bằng tình thương của mình
hay khẳng định với bạn ta rằng anh/chị ấy vẫn quan trọng đối với ta và ta sẽ
dành nhiều thời gian cho họ hơn.
Nhiều lúc chính sự im lặng thanh
cao (noble silence) là lời nói tốt đẹp nhất. Vài năm trước tôi có hướng dẫn một
đạo tràng hằng tuần. Một quy ước của đạo tràng là không ai được có ý kiến về
những điều mà một thành viên khác trong đạo tràng đã nói trong lúc thảo luận.
Ngay cả những lời bày tỏ sự đồng ý, hay đồng cảm như “Tôi đồng ý với anh X”,
hay “Em tôi cũng có hoàn cảnh như thế”. Tất cả những gì chúng tôi cần làm là
lắng nghe. Với thời gian, chúng tôi nhận ra tâm mình thường bận rộn chuẩn bị
phản ứng trong khi chúng tôi ngỡ rằng mình đang lắng nghe. Khi biết rằng chúng
ta không phải phản ứng đã thay đổi cách mà chúng tôi lắng nghe.
Có lần, một phụ nữ trẻ gia nhập
đạo tràng của chúng tôi, và trong lúc thảo luận, cô tâm sự rằng chồng cô vừa
mất do bịnh ung thư khi chỉ mới 37 tuổi. Những tuần lễ tiếp theo, khi cô nói cô
vẫn còn sụt sùi. Đôi khi chúng tôi cũng muốn khóc khi lắng nghe cô, nhưng không
thể nói lời nào. Phải chứng kiến một người trải tất cả lòng ra để tâm sự và
thấy rằng người ấy đang rất đau khổ, nhưng không được bày tỏ phản ứng gì, là
một cảm giảc thật lạ lùng.
Nhưng một ngày kia, cô gái cho
chúng tôi biết cô đã gia nhập đạo tràng vì cô tìm thấy nơi nhóm chúng tôi điều
mà cô không tìm được ở những nhóm bạn khác. Chúng tôi đã để cô trải nghiệm và
bày tỏ nỗi đớn đau của mình mà không phán đoán hay đưa ra những giải pháp tạm
thời. Chúng tôi đã có mặt vì cô, làm chứng nhân cho nỗi buồn khổ của cô, bao
bọc cô bằng sự cảm thông âm thầm. Thật sự sự có mặt của ta cho một ai đó là món
quà lớn nhất mà ta có thể trao tặng cho họ. Đôi khi người ta cần bày tỏ tình
cảm buồn bã, và sự im lặng thanh cao có thể thực sự rất quý giá.
Ngày nay khi nói đến chánh ngữ,
chúng ta cũng phải nghĩ đến một khía cạnh mà ở thời Đức Phật không hiện hữu đó
là: thư điện tử (email). Khi điện thoại trở nên phổ biến, hầu hết chúng ta trở
thành những người bỏ thói quen viết thư. Những người mà từ lâu đã bỏ quên thói
quen viết những lá thư sâu lắng, giờ lại được trang bị với khả năng kỹ thuật để
tuôn ra bao lá thư điện tử. Vì thế hãy chánh niệm khi viết.
Bước quan trọng nhất để phát
triển chánh ngữ là suy nghĩ trước khi nói (hay viết). Đó là chánh niệm về lời
nói. Một số điều khác cũng có thể làm tốt hơn những mối liên hệ của chúng ta
bên cạnh sự phát triển của chánh ngữ. Sự im lặng thanh cao mang đến cho ta, và
những người quanh ta, khoảng không gian mà chúng ta cần để có thể nói lời dễ nghe.
Khi chúng ta có thể nói năng khéo léo, cẩn trọng hơn, thì bản ngã – cái ngã đầy
từ bi, đầy tình thương của ta - sẽ dễ dàng hiển lộ. Vì thế trước khi nói, hãy
dừng lại, thở, và thử nghĩ xem điều mình nói có tốt hơn là sự im lặng.
Allan Lokos
(Dịch theo Skillful Speech, tạp chí Tricycle,
Winter 2008)