04. Quan
tâm đến con cái
Sarah Napthali là một người mẹ
với hai con nhỏ. Bà biết đến Phật giáo năm 21 tuổi, khi đến Indonesia sống
để dạy tiếng Anh. Bà cảm thấy giáo lý của Đức Phật đã giúp bà rất nhiều trong
việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái. Trong quyển Buddhism For Mothers (Phật giáo
Cho Các Bà Mẹ), Sarah Napthali đã chia sẻ những trải nghiệm tâm linh này.
__________________
Ngoại tôi là người có tánh hay
lo. Mà Ngoại cũng là nhiều thứ khác nữa đối với chúng tôi: là nguồn tài chính,
là người hy sinh nhiều nhất cho gia đình. Suốt thời thơ ấu của chúng tôi, Ngoại
luôn bận rộn chăm sóc hai chị tôi, kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, kiên
nhẫn xem chúng tôi diễn kịch, lắng nghe không mỏi mệt những câu chuyện trẻ con
của chúng tôi. Khi không dành thời gian để lo cho chúng tôi thì Ngoại lại bận
rộn dọn dẹp nhà cửa, không để nhà có chút bụi nào. Ngoại không giao tiếp với ai
bên ngoài gia đình, hình như Ngoại sống chỉ để phục vụ chúng tôi. Mỗi lần gọi
điện đến thăm Ngoại không bao giờ nói dưới nửa tiếng. Trong suốt lịch sử của
gia đình Ngoại chưa bao giờ là người gác máy trước.
Những người không thích Ngoại sẽ
nói rằng, Ngoại là người tự đem lo lắng đến cho mình, rằng nếu không được lo
lắng đến chết thì Ngoại sẽ không sống hạnh phúc. Ngoại đã biến sự lo lắng thành
một nghệ thuật đến nỗi tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng không bao giờ nên nói
cho Ngoại nghe bất cứ điều gì có thể khiến cho Ngoại đâm ra tưởng tượng – và
điều đó hình như đã hạn chế rất lớn sự tiếp xúc của chúng tôi với Ngoại. Hai
người con của Ngoại, mẹ tôi và cậu, tránh nói cho Ngoại biết khi họ đi du lịch
ra nước ngoài, đi bệnh viện hay khi họ phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào.
Ngoại rất dễ thương và đáng quý trọng, nhưng buồn thay, vì tánh hay lo lắng mà
Ngoại không được biết đến nhiều điều xảy ra trong cuộc sống của chúng tôi.
Ngoại không thể là người biết lắng nghe, khuyên nhủ hay dựa vào khi người thân
của Ngoại đang gặp khó khăn.
Đó là chuyện thường xảy ra trong
nhiều gia đình: con cái che giấu các vấn đề của mình vì không muốn làm cha mẹ
lo âu. Tuy nhiên là những bậc cha mẹ làm sao chúng ta giúp được con cái nếu
chúng không tâm sự với chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể là chỗ
dựa của chúng khi chúng phải đối mặt với những vấn đề như bị hà hiếp, ma túy,
trầm cảm, hay ngay cả ý nghĩ tự tử? Để giúp con cái đối mặt với những thử thách
này, chúng ta cần luôn có mặt. Trong mắt chúng, cha mẹ phải luôn tỏ ra mạnh mẽ,
khôn ngoan và hiểu biết. Chúng ta phải có can đảm, đừng bao giờ tỏ vẻ lo sợ quá
đáng đối với sự an toàn của chúng.
Mẹ tôi là một người có được
những đức tính đó. Chị em tôi không bao giờ ngại ngùng tâm sự, chia sẻ những
quan tâm của chúng tôi với bà, và chẳng bao giờ trong đầu óc trẻ thơ của chúng
tôi có suy nghĩ rằng chúng tôi có thể làm cho bà lo lắng. Một trong những ký ức
không thể quên của tôi là, năm tôi hai mươi, tôi trải qua một giai đoạn khó
khăn, đầy tuyệt vọng, chán nản. Một lần, tôi tâm sự với mẹ về những điều này
rồi ra về. Giữa đường, chợt nhớ ra mình đã bỏ quên đồ ở nhà mẹ, nên tôi quay xe
trở lại. Bước vào nhà, tôi thấy gương mặt mẹ đẫm nước mắt. Nhưng mẹ khẳng định
đó không phải vì những điều tôi đã nói với mẹ. Trên đường về, trong tôi tràn
đầy lòng biết ơn. Tôi nhận ra rằng mẹ tôi đã luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ trước
mặt chúng tôi, nhưng có lẽ mẹ giống Ngoại hơn chúng tôi nghĩ: mẹ cũng không thể
chịu đựng nổi khi thấy con cái mình khổ não.
Ở một mức độ nào đó, sự quan
tâm, lo lắng có thể giúp chúng ta có phương án đối phó, lựa chọn trước khi hành
động. Tuy nhiên chúng ta thường có khuynh hướng lo lắng thái quá, dầu ta biết
điều đó không ích lợi gì.
CHẤP NHẬN KHỔ ĐAU
Với những tiến bộ khoa học,
chúng ta sống trong một thời đại của những giải pháp tức thì, những sửa chữa
chóng vánh, và những phương tiện để tiết kiệm sức lao động. Với sự hỗ trợ của
hàng triệu quảng cáo, tất cả chúng ta bị huyễn hoặc rằng con người không cần
phải chịu đựng bất cứ khổ đau, sự không thoải mái nào, vì thế chúng ta chống
đối, tránh né tất cả những gì khiến ta không được thoải mái. Ta quên Diệu Đế
thứ nhất nói rằng có khổ, rằng bản chất của cuộc sống là sự không toại ý.
Ngày nay, dầu mức sống của chúng
ta có cao hơn, dầu những lời quảng cáo có hứa hẹn đủ điều, cũng không thể giúp
chúng ta thoát khỏi những khổ đau và thất vọng, vì khổ là bản chất của sự hiện
hữu. Điều khiến cho chúng ta, những người sống ở thời đại mới này đau khổ hơn
vì ta tin rằng ta không cần phải khổ đau, rằng ta không thể chịu đựng bất cứ sự
bất như ý nào và phải xóa bỏ nó bằng mọi giá. Chúng ta đòi hỏi cuộc đời phải
khác hơn như nó là, rồi bám víu vào ảo tưởng rằng nó phải như thế này, thế kia,
và cảm thấy vô cùng bức xúc khi sự hoài vọng của chúng ta không thành.
Tuy nhiên chúng ta lo âu, sợ hãi
vì một hoàn cảnh nào đó thì ít mà chính vì những phản ứng của chúng ta đối với
hoàn cảnh đó thì nhiều hơn. Do đó, thay vì cố gắng để kiềm chế các yếu tố ở bên
ngoài, tốt hơn là chúng ta nên dành công sức để quán sát các phản ứng tâm lý
của chúng ta. Đó có thể là một cách hữu hiệu hơn để giảm bớt khả năng đau khổ.
Khi chúng ta không thể tách rời những gì khiến ta lo lắng ra khỏi cuộc sống,
thì thay vì lo lắng, tốt hơn hết là thực hành kiên nhẫn, chấp nhận và buông xả.
Tiếp tục tranh đấu chống lại những gì không thể tránh được chỉ làm tăng thêm
khổ đau và bất hạnh cho chúng ta.
ĐỐI PHÓ VỚI TÂM LO LẮNG
Ngược lại với những gì chúng ta
thường nghĩ, lo lắng không phải đến từ bên ngoài, mà chính ở trong tâm ta. Nếu
chúng ta có thể phần nào kiềm chế được tâm, thì ta có thể ảnh hưởng đến chất
lượng của cuộc sống của mình nhiều hơn.
Lo âu có thể là sản phẩm của sự
chú tâm không đúng cách – chúng ta chọn nhìn chỉ một phần nhỏ nhất của thực
tại, rồi phóng đại và trụ vào đó, có nghĩa là ta cho phép sự suy tưởng của
mình, giam cầm bản thân một cách hữu hiệu.
Chúng Ta Bám Víu Vào Gì?
Chúng ta cần khám phá ra bất cứ
định kiến sai lầm nào có thể khiến ta lo lắng. Tất cả những nguyên do khiến ta
lo lắng là vì những gì ta mong đợi và thực tế không giống nhau. Chúng ta nghĩ
rằng sự vật phải như thế này mà chúng thì như thế kia. Vì thế ta cần đánh giá
lại những gì khiến ta lo âu. Có thể ta tin rằng con cái ta phải luôn được hạnh
phúc, thật khủng khiếp nếu chúng phải khổ đau. Khi nhận thức được mình có một
niềm tin như vậy, ta phải tự quán chiếu xem điều đó có hợp lý không và buông bỏ
nếu nó không hợp lý. Con cái chúng ta cũng phải học hỏi từ những điều bất toại
ý và cũng phải chịu khổ đau như chúng ta thôi. Các nhà tâm lý học cho rằng
những trở ngại trong thời thơ ấu có thể là một cách chuẩn bị tốt nhất cho tuổi
trưởng thành và rằng một thời thơ ấu quá hoàn mỹ có thể tạo nên một người lớn
vụng về. Luôn được che chở khỏi những va chạm trong cuộc đời, con cái chúng ta
không bao giờ được học tập để trở nên khôn ngoan, bi mẫn, hay tinh tế hơn.
Đức vua, cha của Thái tử
Siddhartha, đã chua xót nhận rằng địa vị, thế lực và của cải của ông không thể
che chở cho thái tử Siddhartha khỏi những khổ đau trong cuộc đời. Dầu ông đã cố
gắng tạo ra một thời thơ ấu hoàn hảo để thái tử không thiếu thứ chi. Nhưng thái
tử vẫn muốn được tự do để nhìn cuộc đời như nó thực sự là. Vì thế, cũng giống
như thái tử Siddhartha, cũng giống như tất cả mọi chúng sanh khác, con cái
chúng ta cũng phải nếm trải khổ đau. Dầu chúng ta có thương yêu chúng đến đâu,
có cố gắng để giúp chúng vượt qua khổ đau, ta cũng cần phải bảo vệ tâm mình
khỏi những bão tố của lòng lo lắng không dừng, và thiếu thực tế.
Nếu có thể quán sát sự lo lắng
của mình, ta sẽ khám phá ra rằng những điều ta mong đợi, đòi hỏi trong cuộc
sống, hay nói theo thuật ngữ Phật giáo, những sự bám víu khiến ta lo lắng, khổ
đau. Chúng ta càng đòi hỏi, mong đợi thì khả năng lo lắng càng tăng. Có thể nào
chúng ta chuyển hóa những sự đòi hỏi một cách cố chấp sang những điều nhẹ nhàng
hơn? Thí dụ thay vì ‘Con phải luôn là học sinh xuất sắc, con đừng làm cha mẹ
thất vọng,’ ta nói, ‘Nếu con cố gắng học giỏi thì tốt hơn, cha mẹ vẫn thương
con dầu có thế nào.’ Rõ ràng, thái độ thứ hai sẽ khiến cho mọi thành viên trong
gia đình đều thoải mái.
Trong nhiều trường hợp những đòi
hỏi chúng ta đặt ra cho con cái thể hiện không phải tình thương mà là sự cố
chấp. Nếu ta nhất quyết đòi hỏi con cái phải làm cho ta thấy tự hào hay sống
theo khuôn mẫu của ta đặt ra, thì đó là cố chấp. Dĩ nhiên, chúng ta có những
yêu cầu đối với con cái, hoàn toàn cũng chỉ vì ta muốn chúng được tốt hơn,
nhưng cương quyết buộc chúng phải tỏ ra mạnh mẽ hơn, vượt trên khả năng của
chúng thì đó là cố chấp, là con đường đưa đến lo lắng. Con cái chúng ta cần
được yêu thương, chấp nhận một cách vô điều kiện, chứ không tùy thuộc vào thành
tích chúng đạt được ở trường. Trong môi trường học cạnh tranh gay gắt như ngày
nay, điều đó cũng khó thực hiện, nhưng chúng ta cần biết chấp nhận ‘thực tại
như nó là’ và khen ngợi sự nỗ lực hết mình của con.
Thiền Quán
Liều thuốc tốt nhất để đối trị
lo lắng là thiền quán, chí ít điều đó cũng tạo điều kiện cho tâm được nghỉ
ngơi. Giống như khi máy tính có vấn đề, ta thường tắt máy để khởi động lại,
cũng thế chúng ta muốn khởi động lại cuộc sống một cách bình tỉnh hơn với một
màn hình tâm mới mẻ hơn. Khi tâm lo lắng phát khởi, chúng ta cần cố gắng để giữ
tâm trong giờ phút hiện tại, vì ta chỉ có thể kiểm soát hiện tại – quán niệm
dựa trên hơi thở là cách tốt nhất để thực hành chú tâm vào ngay bây giờ và ở
tại đây. Tâm lo lắng khiến cho thế giới của ta dường như trở nên nhỏ hẹp và
thiền quán là cách để tạo ra không gian, để kết nối ta với thế giới rộng lớn
hơn. Chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống còn nhiều thứ hơn là vấn đề trước
mắt của ta.
Chúng ta rất dễ bị vướng trong
cái nhìn hạn hẹp của vấn đề. Chúng ta trở nên chỉ biết suy nghĩ, ảo tưởng về
vấn đề của chúng ta mà quên nhìn vấn đề một cách rốt ráo để tìm cách đối phó
với nó. Hơn nữa, chúng ta còn làm cho vấn đề thêm phức tạp bằng cách bỏ thêm
vào đó quá nhiều những xúc cảm không cần thiết đến nỗi ta không thể nhìn hết
các dữ kiện. Thiền quán giúp tạo ra không gian để chúng ta có thể nhìn vấn đề
một cách sâu xa bằng một tâm bình lặng và định tĩnh. Một phần của cái “nhìn sâu
sắc” này là tra vấn tất cả các niềm tin và suy nghĩ của chúng ta về vấn đề hơn
là chấp nhận chúng một cách dễ dãi.
Hãy Mỉm Cười
Hãy mỉm cười càng nhiều càng
tốt, nhất là khi ta cảm thấy lo âu. Một số thiền sinh thực tập mỉm cười như Đức
Phật khi họ thiền quán. Số khác lại nhắc nhở bản thân luôn giữ nụ cười trên
môi. Hãy thử tự mỉm cười với mình, ngay bây giờ, bạn sẽ thấy nó ảnh hưởng đến
thân, tâm mình như thế nào. Cố gắng mỉm cười nhiều hơn khi giao tiếp với người,
bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.
LẮNG NGHE CON CÁI
Lắng nghe có thể cũng là một
hình thức của thiền, vì nó đòi hỏi sự chú tâm, kiềm chế và một mức độ im lặng
nào đó. Sử dụng phương cách ‘chủ tâm mà không phê phán’ mà chúng ta vẫn thực
tập trong các khóa tu thiền, ta sẽ giữ không để những suy nghĩ, ý kiến của mình
xen vào trong lúc lắng nghe, để hoàn toàn chú tâm vào cái ‘thực tại’ của người
nói. Khi con cái chúng ta biểu lộ những tình cảm như là buồn bã, hay tức giận,
là chúng tạo cơ hội để ta có thể trở thành một người mà chúng tin cậy, một cơ
hội để ta dạy cho con cái biết rằng các xúc cảm là bình thường và có những cách
để đối phó với các tình cảm tiêu cực này một cách khôn ngoan. Sau này khi con
cái đến tuổi vị thành niên, chúng phải đối mặt với những thử thách nặng nề hơn,
lúc đó chúng ta sẽ dễ dàng trở thành những người đồng minh đáng tin cậy của chúng.
Một Phật tử đã nói rằng việc chăm chú lắng nghe hai con của bà là cách tu tập
tốt nhất cho bà.
Tìm được thời gian để lắng nghe
con cái với chánh niệm, cũng là một vấn đề. Ngoài ra để có thể lắng nghe một
cách hữu hiệu, ta cần tạo ra một môi trường yên tĩnh thích hợp, cũng như sự cởi
mở và kiên nhẫn. Dầu công việc này có vẻ đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cha mẹ, nhưng
nó sẽ đem lại những kết quả lâu dài. Khi cha mẹ tạo điều kiện để cho con cái
được biểu lộ những cảm xúc tâm lý đầy đủ, chúng sẽ có thể phát triển bình
thường mà không phải đè nén cảm xúc, là điều có thể khiến chúng trở thành khép
kín, lạnh lùng.
Lắng nghe mà không phê phán
Đôi khi có những việc đối với
con cái chúng ta là vấn đề, nhưng đối với người lớn chúng ta, là rất buồn cười.
Nhưng cho dù đó là một con ma trong tủ, một đứa trẻ hàng xóm hay bắt nạt, hoặc
một cây viết bị đánh cắp, cũng là vấn đề rất quan trọng đối với đứa trẻ. Chúng
ta phải tạm dừng cái nhìn người lớn của mình và xem xét vấn đề từ cái nhìn của
đứa trẻ, để đi vào thế giới của chúng, để hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Khi ta nói, “Đừng trẻ con như thế,” hay “Đừng nhạy cảm như trẻ con,” là ta đã
coi thường sự quan tâm của chúng, đứa trẻ cảm thấy như là thực tại của nó không
quan trọng hay không rõ ràng.
Hãy để chúng nói
Khi con bạn bực tức, hãy dành
cho chúng cơ hội để trút ‘bầu tâm sự’. Hãy nói ít và khuyến khích chúng bằng
những câu “Nói tiếp đi,” “Ừ hử” – hay là có thể giữ im lặng. Rất khó tránh được
thói quen muốn nhảy ngay vào vấn đề với một giải pháp hay ngắt ngang câu chuyện
của con bạn, đứa trẻ cần có cảm giác được lắng nghe. Hãy khoan đưa ý kiến hay
kinh nghiệm của bản thân bạn vào –‘Con nói làm ba/ mẹ nhớ lại lúc …’ và giữ sự
chú tâm vào vấn đề của đứa trẻ: nhiều đứa trẻ không muốn tâm sự với cha mẹ, vì
chúng không được lắng nghe.
Hãy để con bạn cảm thấy được cảm
thông
Thay vì tra vấn con cái với quá
nhiều câu hỏi, hãy lặp lại những gì chúng nói – tóm tắt ý của chúng mà không
thêm lời phê phán. Thí dụ:
Con: Cây vợt của con mà mấy đứa
bạn không cho con chơi.
Cha/Mẹ: Vậy là tới phiên (lượt)
con mà bạn con không cho con vào chơi.
Đứa trẻ sẽ cảm thấy được thông
cảm và muốn tiếp tục câu chuyện hơn là trả lời các câu hỏi.
Hãy để con bạn tự giải quyết vấn
đề
Hãy để con bạn quyết định sẽ
giải quyết vấn đề của chúng như thế nào, dầu chúng ta khuyên chúng phải làm gì
có vẻ dễ dàng hơn. Tuy chúng ta có mặt để hướng dẫn chúng và đưa ra những lời
khuyên, hãy để cho chúng được nhiều kiểm soát trong quá trình giải quyết vấn
đề, theo khả năng của chúng. Điều này sẽ khiến con bạn trở nên tự tin, sẽ biết
giải quyết vấn đề tốt hơn khi không có bạn bên cạnh. Hãy hỏi con bạn:
- Con nghĩ con phải làm gì?
- Con sẽ làm gì nếu cách giải
quyết đó không thành công?
- Con đã thử giải quyết như thế
nào rồi?
Hãy kiểm tra lại sự lựa chọn của
con bạn, dựa trên các giá trị đạo đức của gia đình bạn: Cách giải quyết đó có
công bằng không? Có tôn trọng sự thật không? Có quan tâm đến người khác không?
Có làm cho ai bị tổn thương không? Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, vấn đề chỉ được
giải quyết sau khi bạn đã chăm chú lắng nghe con bạn và đã phân tích sâu sắc
các cảm xúc của chúng. Khi có ai đó muốn giải quyết vấn đề cho chúng ta trước
khi ta có cơ hội giải thích cặn kẽ là một điều rất khó chịu.
Hãy thực hành chánh niệm. Hãy
quán sát cảm xúc, phản ứng của bản thân bạn và tự hỏi, ‘Tôi cần phải làm gì
trong hoàn cảnh này?’ ‘Tôi có nên bày tỏ ý kiến hay giữ im lặng?’ Chúng ta cần
phải thận trọng, rốt ráo trong sự suy nghĩ của mình, và sẵn lòng học hỏi từ
những sai lầm của mình. Sau đó, bạn nên quán tưởng lại những gì đã xảy ra giữa
bạn và con bạn trong quá trình giải quyết vấn đề. ‘Tôi có tạo áp lực cho con
không?’ ‘Tôi có dành cơ hội cho con bày tỏ quan điểm của nó không?’ ‘Tôi có tự
đưa ra cách giải quyết theo ý mình không?’
ĐAU KHỔ LÀ ÔNG THẦY TỐT
Con đường tâm linh có vẻ khá dễ
dàng khi cuộc sống của chúng ta diễn tiến tốt đẹp. Những khi chúng ta ít phiền
não, có nhiều niềm vui trong cuộc sống, thì ta cảm thấy thoải mái và công phu
tu tập của ta có thể tiến triển một cách dễ dàng. Chỉ những khi ta khổ đau, đối
mặt với những điều bất như ý, thì chúng ta mới biết mình thực sự tiến bộ đến
đâu trên con đường tâm linh. Chính những lúc khó khăn, mới là cơ hội tốt nhất
để ta tự xét về mình và phát triển tri giác. Và không có thử thách nào tốt hơn
là khi phải chứng kiến sự khổ đau của con cái.
Với những đòi hỏi, bổn phận
trong đời sống tại gia, chúng ta thường than thở không có thì giờ để tu tập một
cách nghiêm túc. Tuy nhiên, đừng quên rằng chính cuộc sống tại gia, nếu chúng
ta biết tận dụng nó, là môi trường tốt nhất để tu tập.
Sarah
Napthali
(Lược dịch theo Worrying About Our Children/ Buddhism For Mothers,
NXB Griffin Press, Australia 2003)