Tịnh độ
Kinh Di Đà Sớ Sao
Châu Hoằng Liên Trì Đại Sư sớ giải Sa Môn LÊ PHƯỚC BÌNH dịch
27/10/2553 23:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ

NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO

*******

QUYỂN THỨ BA

(tiếp theo)

 

Hóa Cầm, Phong Thọ (phân ra làm ba phần)

                   1.- Hóa cầm diễn pháp (hóa chim nói pháp)

                   2.- Phong thọ diễn pháp (gió cây nói kinh)

                   3.- Tổng kết nhị nghiêm (tóm kết hai món đẹp)

 

Hóa Cầm Diễn Pháp (phân ra làm hai phần)

                   1.- Chánh thị pháp âm (chỉ ngay tiếng pháp)

                   2.- Thích vô ác đạo (rõ không đường dữ)

 

Chánh Thị Pháp Âm (phân ra làm hai phần)

                   1.- Tuyên âm (rao tiếng pháp)

                   2.- Hoạch ích (nghe đặng lợi ích)

 

 

Tuyên Âm

Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nước kia thường có các thứ chim kỳ diệu, tạp sắc như: chim Bạch Hạc, chim Khổng Tước, chim Anh Võ, chim Xá Lợi, chim Ca Lăng Tần Già và chim Cộng Mạng. Các loài chim ấy ngày đêm sáu thời, kêu ra những tiếng hòa nhã. Tiếng kia nói rõ các pháp: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Ðề Phần, Bát Thánh Ðạo Phần, như vậy.

         

Sớ: Văn trước nói các trời dâng cúng hoa màu, văn đây nói: Các thứ chim, cây báu diễn nói thành tiếng các pháp của Phật. Lại văn trước nói: Sự cúng dường rất thù thắng, văn đây nói: Sự nghe pháp rất thù thắng. Mỗi mỗi các món là nói không phải chỉ một món.

          “Kỳ diệu” là cái tốt đẹp lạ thường.

          “Tạp sắc” là nhiều màu sắc, xen lộn rất khéo. Chim Bạch Hạc v.v... là trong nhiều thứ mà chỉ nói một, hai thứ thôi.

          Bạch Hạc, Khổng Tước và Anh Võ là thứ chim ta thường thấy được biết. Chim Xá Lợi xem giải văn trước. Chim Ca Lăng Tần Già đây dịch là Diệu Âm. Cộng Mạng có chỗ nói “mạng mạng”. Như vậy là các thứ thảy đều kỳ diệu, chẳng phải chim ở cõi phàm sánh kịp.

         

Sao: “Kỳ diệu” là hình nó khác với loài chim kia, gọi là Kỳ. Tiếng hay gọi là Diệu. Chim Bạch Hạc ấy: Cõi này cũng bốn thứ hạc đen, vàng, xanh, trắng, mà hạc trắng thì tốt hơn. Song hạc tuy trắng, nhưng chưa toàn trắng, chẳng phải là chơn Bạch Hạc vậy. Khổng tước, anh võ đều là thứ chim được người ở cõi này cho là quí nên đây riêng nói. Tần Già: đây dịch là Diệu Âm, vì khi nó còn ở trong trứng đã có tiếng kêu tốt hơn các chim khác!

          Kinh Chánh Pháp Niệm xứ nói: “Tiếng tốt của chim này, dù tiếng của người, của trời, của thần Khẩn Na La v.v... cũng đều không thể bì kịp, chỉ trừ tiếng của Ðức Như Lai”, cho nên nói: Diệu Âm.

          Chim Cộng Mạng, cũng nói Mạng Mạng, cũng nói Sanh Sanh; nguyên tên là Kỳ Bà Kỳ Bà Ca, một mình hai đầu, thân quả báo đồng nhưng thần thức khác. Như về đời quá khứ, đức Thích Ca và ông Ðiều Ðạt từng đọa trong loài chim này (6).

          Lại ở non Tuyết sơn có con chim hai đầu. Một thuyết nói: Chim Ca Lầu Trà. Một thuyết nữa nói: Chim Ưu Ba Ca Lầu Trà, thật vậy. Hình nó cũng mường tượng như nghĩa con rắn hai đầu, con chim chín đầu, con cá nghìn đầu. Nay thợ chạm hoặc vẽ làm thân người có hai đầu, e sai đó vậy.

          Mấy loài chim nói trên, bốn loại chung có ở nước Chấn Ðán (Tàu), hai loại riêng có cõi Tây Càn (Ấn Ðộ). Ở cõi đây (Ta Bà) đã khen quý lạ nên ở nước (Cực Lạc) hình thể, màu, tiếng càng thêm kỳ diệu. Nay chỉ lấy tên đồng mà thật thời khác, lệ như lan can, lưới giăng, hàng cây v.v... đều dùng các ngọc báu làm thành, chẳng phải người đời ở đây có được!

          “Nói một hai loài” là vì nhiều không thể nói hết, như trong Quán Kinh nói chim Phù, chim Nhạn và chim Oan Ương v.v... Nay dùng ít loại để gồm số nhiều, cũng là bớt văn vậy.

         

Sớ: Song các loài chim cõi này, chỉ có một vài thứ như chim Anh Võ biết nói tiếng người, nhưng cũng chỉ gọi là học nói mà thôi! Nước kia thời ngày đêm kêu ra tiếng đã hòa lại nhã vì hay diễn nói các pháp: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Ðạo, tất cả đạo phẩm; chẳng phải lãng mạn, vô ý nghĩa!

         

Sao: “Chỉ khen học nói”: Nói, chỉ biết nói theo người mà không thể hiểu nghĩa.

          Sách Lễ Ký nói chim Anh Võ hay nói, nhưng không ngoài loài chim bay; con Tinh Tinh hay nói cũng chưa lìa loài cầm thú. Thế thời việc nhơn đạo chúng nó nói còn chưa thông, huống chi luận đến việc Phật pháp. Chim Anh Võ còn như thế, chim khác thì khá biết vậy.

          “Hòa Nhã” là: Hòa đối với xẵng như chim Oanh, chim Ly v.v... là loài chim kêu tiếng tục (quê kệch).

          Dịu dàng êm ái, không có thô xẵng, hay khiến người nghe, tâm nóng nảy cũng tự hết; thế gọi là “tiếng hòa”. Chánh đại cẩn nghiêm, không có tà mị, hay khiến người nghe, tâm ham muốn tự bình; thế gọi là “tiếng nhã”.

          Tiếng đờn Sắt của ông Tử Do còn thiếu nơi đạo hòa; tiếng nói của người nước Trịnh rất trái với thói nhã (7). Chim kia gồm hai tiếng đều tốt (hòa nhã); thế là tiếng huỳnh chung, tiếng đại lữ (8) đều chẳng bì kịp tiếng chim!

          Chữ Diễn là mở cho rộng ra, vì nghĩa vô tận. Chữ Sướng là giải cho thông vì ý không ngăn trệ. Như thế, diễn giải các pháp: Căn, Lực, Giác, Ðạo, cả 37 đạo phẩm vậy (9).

          Ðạo phẩm là: Do phẩm loại đây để vào đạo cớ vậy.

         

Sớ: Song 37 phẩm đây thuộc về pháp Tiểu thừa, nhưng thật ra cũng chung cả Ðại thừa nữa vì tùy theo tâm hạnh của người Ðại như trong các kinh, luận nói.

         

Sao: “Chung cả Ðại thừa” là: Luận Du Già quyển 44 nói: “Pháp Ðại thừa Bồ Ðề phần có nhiều món như 37 phẩm đây, nhưng trong đó có nghĩa riêng biệt và thông đồng đối với bực Ðại và Tiểu” (Ðại thừa thì thấy đại thừa...).

          Luận Trí Ðộ nói: “37 phẩm không thừa nào mà nó chẳng nhiếp gồm cả”, tức nhiên vô lượng đạo phẩm cũng ở trong đó. Kinh Tịnh Danh nói: “Các đạo phẩm là đạo tràng”. Lại nói: “Ðạo phẩm thâu nhiếp trong cái nhơn của pháp thân”. Luận Ðại Thừa nói: “Ðạo phẩm là cây đuốc báu Ðà La Ni của ông Bồ Tát”.

          Kinh Niết Bàn nói: “Nếu người hay nghiên cứu pháp Bát Chánh Ðạo tức thấy được Phật tánh, gọi là đã được vị đề hồ”. Ðây đều là ước theo pháp Ðại thừa để nói.

          “Tùy theo tâm hạnh kia” là như kinh Niết Bàn nói: “Trí có hai món: 1)Trung trí; 2) Thượng trí”.

          Như quán các Ấm (thân ngũ ấm) là khổ; thế gọi là bực trung trí. Phân biệt các ấm có vô lượng tướng, chẳng phải hàng Thinh Văn, bực Duyên Giác biết được; thế gọi là bực thượng trí. Thời biết đạo phẩm là một, nhưng cái trí nghiên cứu của mỗi người Ðại, Tiểu vốn không nhứt định.

         

Sớ: Pháp ngũ căn là: 1) Tín; 2) Tấn; 3) Niệm; 4) Ðịnh; 5) Huệ. Hay sanh thánh đạo nên gọi là căn (gốc). Lại như Luận Cu Xá có đủ ba nghĩa.

         

Sao: Chữ “căn” có hai nghĩa: 1) Nghĩa năng trì: Giữ cái chỗ đã đặng mà phần mình không cho mất vậy. 2) Nghĩa sanh hậu: Sanh những cái chưa đặng mà mình gắng tấn cầu lên vậy.

          Nói chữ “tín căn” là: Ðối trong đế lý, cương quyết bỏ hẳn việc ngũ dục lạc; ấy gọi là tín căn. Một căn đây là tổng (gốc) còn 4 cái kia nương theo trên (tín căn).

          Tấn căn là đã tin lý đây, cần cầu không thôi; ấy gọi là Tấn. Niệm căn là đã cầu lý đây, tưởng đây ở đây, nhớ rõ không quên, ấy gọi là Niệm.

          Ðịnh căn là đã tưởng lý đây, buộc duyên một cảnh, tương ưng không tán loại, ấy gọi là Ðịnh.

          Huệ căn là đã định tâm nơi đạo, lại pháp chánh quán rõ ràng, quyết chọn phải quấy; ấy gọi là Huệ.

          “Hay sanh thánh đạo” là do năm pháp đây điều trị tâm kia, ví như không khí âm dương hòa hợp, tất cả hột giống, đều đặng nở mọc, cớ vậy.

          “Cu Xá ba nghĩa” là trong Luận Cu Xá nói: 1) Tối thắng; 2) Tự Tại và 3) Quang hiển là căn.

          Tối thắng là vì căn thể thù thắng. Tự tại là vì căn dụng thù thắng. Quang hiển là vì thể và dụng đều bày. Ðây chia ra 22 căn (10) vì có tín v.v... cả năm căn.

         

Sớ: Pháp ngũ lực tức ngũ căn trước tăng trưởng thêm lên, đủ có sức mạnh nên gọi là lực.

         

Sao: Chữ Lực có hai nghĩa: 1) Không bị cái khác đè ép và 2) Có thể đè ép được cái khác. Như Luận Du Già nói: “Vì pháp ngũ lực (năm sức mạnh) đây hay đến đời sau và đời sau đối với chỗ chứng pháp xuất thế gian, sanh tâm rõ biết thâm ý một cách thù thắng. Với tất cả những cái khác dù khó mà có thể đè ép nó được và lại có oai thế rất lớn và mạnh, có thể xô dẹp được tất cả bọn ma quân (phiền não), cớ vậy”.

          Tín Lực là: Tin sâu Ðế Lý (lý chắc thật) càng thêm tăng trưởng, hay ngăn những việc nghi hoặc, không cho lay động; hay chống lũ tà ngoại, không cho mê loạn và hay phá tâm phiền não không cho nó xâm hại, cớ vậy. Một tín lực là tổng, các cái sau nương theo, lệ như Tín căn nói trên.

          Tấn lực là: Vì tấn căn tăng trưởng hay phá được các món giải đãi thân tâm, thành xong các món sự nghiệp ra khỏi đời.

          Niệm lực là: Vì niệm căn tăng trưởng, hay phá được tâm tà niệm, thành tựu được tất cả tâm chánh niệm ra khỏi đời.

          Ðịnh lực là: Vì định căn tăng trưởng, hay phá được tất cả cái tưởng tạp loạn, phát khởi các pháp thiền định sự và lý.

Huệ lực là: Vì huệ căn tăng trưởng, hay phá được tất cả tà kiến của kẻ tà, ngoại, hay đoạn được tất cả những cái chấp của bực thiên tiểu (Tiểu thừa).

         

Sớ: Thất Bồ Ðề phần tức là Thất Giác Chi, cũng do năm căn, năm lực trước mới đặng bảy cái huệ dụng đây: 1) Niệm; 2) Trạch pháp; 3) Tinh tấn; 4) Hỷ; 5) Kỳ; 6) Ðịnh; 7) Xả. Có một chỗ nói: 1) Trạch pháp; 2) Tinh Tấn; 3) Hỷ; 4) Trừ; 5) Xả; 6) Ðịnh; 7) Niệm. Nay giải theo thuyết sau.

         

Sao: “Giác Chi” là: Giác tức Bồ Ðề, Chi tức là phần; nghĩa là mỗi phần mỗi phần, tùy chỗ hợp mà dùng vậy. “Do căn lực trước” là: Luận Du Già nói: ‘Ðã chứng vào ngôi chánh vị của các pháp rồi thời phải dùng giác huệ như thật ấy làm chi phần”. Cho nên biết năm căn, năm lực đã chắc chắn rồi, vậy sau cần có cái giác huệ theo chỗ hợp mà dùng. “Giải theo thuyết sau” là: Do vì thuyết sau của ngài Thiên Thai giải, ý rất rõ hơn.

          Lại kinh Hoa Nghiêm lời Sớ cũng lấy phần trạch pháp làm phần tự thể, còn mấy phần kia làm từ phần: 1) Trạch pháp là: Vì khi nghiên cứu các pháp phải khéo hay rõ biết, để lựa riêng cái nào chơn thì dùng, cái nào ngụy thì bỏ. 2) Tinh tấn là: Vì khi tu đạo pháp, khéo hay biết rõ không tu lầm những cái khổ hạnh vô ích. 3) Hỷ là: Vì khi Tâm đặng pháp hỷ, khéo hay biết rõ, không theo những pháp điên đảo, mà sanh tâm hoan hỷ. 4) Trừ là: Vì khi trừ các việc tà kiến, tâm phiền não, khéo hay biết rõ, đoạn hết các việc luống dối, không hại căn lành chơn chánh. 5) Xả là: Vì khi xả được sở kiến niệm trước, khéo hay biết rõ: Thủ, Xả, Hư, Ngụy, hằng không vói tưởng. 6) Ðịnh là: Vì khi phát ra cái pháp thiền định, khéo hay biết rõ những pháp thiền hư giả (giả dối) không sanh tâm kiến ái. 7) Niệm là: Vì khi tu đạo ra khỏi đời, khéo hay biết rõ, thường khiến định huệ quân bình, nếu tâm chìm đắm phải nhớ dùng "Trạch pháp", "Tinh tấn" và "Hỷ" ba chi, xét mà đánh thức nó. Nếu tâm phù động lắm phải nhớ dùng: "Trừ", "Xả" và "Ðịnh" ba chi thâu nhiếp mà dẹp nó. Mỗi niệm mỗi niệm điều hòa khiến cho vừa phải.

         

Sớ: Bát Thánh Ðạo ấy cũng có tên là Bát Chánh Ðạo. Do trước nhờ có trạch pháp v.v... cho nên đến đây được vào chánh đạo: 1) Chánh kiến; 2) Chánh tư duy; 3) Chánh ngữ; 4) Chánh nghiệp; 5) Chánh mạng; 6) Chánh Tinh Tấn; 7) Chánh niệm; 8) Chánh định.

         

Sao: 1.- Chánh Kiến là: Trong bộ Tạp Tập nói: “Nếu khi tu giác chi mà ngộ chơn thật rồi thời phải dùng chánh huệ để thành lập vững vàng, xét thấy được đế lý rành rẽ, không còn lầm lộn”. 2.- Chánh Tư Duy là: Khi thấy rõ đế lý này, nó tương ưng với tâm vô lậu, với sự suy nghĩ so lường, khiến nó tăng trưởng để vào cõi Niết Bàn. 3.- Chánh Ngữ là: Chẳng những tâm không tà tư loạn tưởng, lại còn dùng trí vô lậu để nhiếp 4 khẩu nghiệp, trụ vào 4 lời thiện ngữ. 4.- Chánh Nghiệp là: Do nơi trí vô lậu, trừ được 3 nghiệp của thân, tất cả tà nghiệp để trụ vào thân nghiệp thanh tịnh. 5.- Chánh Mạng là: Do nơi trí vô lậu để trừ 5 món tà mạng (11) trong 3 nghiệp (thân, khẩu và ý). 6.- Chánh Tinh Tấn là: Do nơi trí vô lậu nên riêng tu tinh tấn để tới đạo quả Niết bàn. 7.- Chánh Niệm là: Dùng trí vô lậu, đối trong pháp chánh đạo và pháp trợ đạo, phải nhớ niệm để tâm không động thất (xao lãng). 8.- Chánh Ðịnh là: Do cái trí vô lậu để tương ưng nhau, đặng chánh trụ nơi đế lý quyết định không dời đổi. Tóm lại đều nói chữ Chánh là: Do không nương theo lối chênh lệch, tà vạy nên gọi là Chánh và hay đi đến đạo của Niết bàn nên gọi là Ðạo.

          Bằng theo kinh Hoa Nghiêm, phẩm "Ly thế gian" thời pháp Bát Chánh đều là cái đạo của ông Bồ Tát.

          Chánh kiến là xa lìa tất cả các cái thói tà kiến. Chánh tư duy là xả bỏ cái tâm vọng tưởng phân biệt để thuận theo "Nhứt thế trí”. Nhẫn đến chánh định là khéo vào pháp môn bất tư nghì giải thoát của ông Bồ Tát. Với từ ở trong một pháp tam muội mà tự tại ra vào luôn cả các pháp tam muội khác.

          Giải rằng: Chứng cứ văn đây, đâu chẳng sâu mầu. Do đó suy ra: Pháp Thất Giác Chi, pháp Ngũ Căn; Ngũ Lực, luôn 37 phẩm đều tùy theo chỗ tu nhơn của chúng sanh nên căn nhận thấy chẳng đồng, thành thử chỗ chứng Ðại, chứng Tiểu, mỗi mỗi đều có chỗ sở đắc cả, riêng biết (như trên đã nói).

         

Sớ: Câu "Như thị đẳng pháp”. Chữ Ðẳng là nói chung các pháp: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc thành ra 37 phẩm và còn tất cả các pháp khác nữa.

         

Sao: 37 phẩm mà trên chỉ nói 25 phẩm, cho nên thêm chữ "Ðẳng" để bao quát đó.

          Tứ Niệm Xứ là: 1.- Quán xét thân bất tịnh, 2.- Quán xét thọ dụng là khổ. 3.- Quán xét tâm vô thường. 4.- Quán xét pháp vô ngã. Mà nói niệm xứ là: Lấy điều bất định là chỗ để cho mỗi người quán xét thân, cần phải niệm (nhớ) vậy. Cho đến pháp khổ, pháp vô thường v.v... cũng lại như vậy.

          Tứ chánh cần đã giải thấy ở văn trước; do vì sanh thiện diệt ác không giải đãi nên kêu là cần. Vì cần (siêng) với chỗ đáng cần, hiệp nhằm chơn lý nên nói Chánh Cần.

          Tứ Như Ý đó cũng có tên là tứ thần túc, như: Dục như ý túc; Tâm như ý túc; Cần như ý túc; Huệ như ý túc. Bởi do tứ niệm xứ, tứ chánh cần đến đây, sự tinh tấn tăng nhiều, định tâm hơi kém nên bảo phải tu 4 món định lực này để nhiếp tâm lại thời trí và định quân bình, hay đoạn được cái kiết sử, chỗ sở nguyện đều toại, nên gọi là như ý túc vậy. Hiệp với 7 loại phẩm trên thì là 37 phẩm. Trong luận Bà Sa, luận Trí Ðộ đều có dụ rõ: Tứ Niệm Xứ dụ hột giống, Tứ Chánh Cần như gieo trồng, Tứ Thần Túc như nứt mộng. Ngũ căn như mọc rễ. Ngũ lực như lên mầm, đâm lá. Thất giác chi như trổ bông. Bát Chánh đạo như kết trái. Cho nên gọi tên là cây Ðạo Thọ. Còn tất cả các pháp như pháp Tứ Vô Lượng Tâm và Lục Ðộ vô lượng pháp môn v.v....

         

Sớ: Hỏi: Tại sao không kể bày trước là Tứ Niệm Xứ v.v... mà lại bắt đầu nói pháp Ngũ Căn? Ðáp: Do vì trọng chữ Tín vậy. Bởi có đức tin là chủ. Lại vì từ ba khoa trước đến đây mới có căn và lực (ngũ căn, ngũ lực).

         

Sao: Cứ theo thứ lớp của 7 phẩm loại là nghe pháp: Trước phải niệm trì và nhớ giữ, kế thì cần tu. Vì Cần nên mới thâu nhiếp tâm được điều hòa, vì nhu hòa nên mới thành căn bản chắc. Căn đã tăng trưởng thành thế lực, nhẫn đến thất giác là để phân biệt. Bát Chánh là làm nên hạnh chơn chánh!

          Nay “trọng chữ Tín” đó là do Kinh này dùng đức Tín làm chủ, mà căn, lực, cả hai cũng đều lấy Tín làm đầu. Vì Tín có thể kềm giữ 4 cái kia (Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ) và vì Tín là gốc của Ðạo, là mẹ sanh ra các công đức vậy. Như trong năm ngôi (12), chữ Tín cũng ở dầu. Trong ngôi Thập Tín, chữ Tín cũng đứng đầu và 11 pháp lành, chữ Tín cũng ở trước nhứt cớ vậy.

          “Ba khoa” trên ấy là từ khoa Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc tu hành đến đây mới đặng có căn, lực khiên cố, làm cho các pháp đã đặng từ trước kia nó không có thối thất và lại những pháp sẽ đặng sau này, rốt ráo đều được thắng lợi cũng do một chữ Tín; cho nên đầu tiên phải nói căn, lực trước đã!

         

Sớ: Xứng lý thời tự tánh biến hóa là nghĩa các loại chim; tự tánh sanh ra tất cả các pháp môn là nghĩa Căn, Lực, Giác, Ðạo.

         

Sao: Văn sau nói: “Ðức Phật kia biến hóa làm ra”, văn đây nói: “Sắc tốt đẹp tiếng hòa nhã”. Toàn thể tự tâm mình hiển hiện thì đâu đặng nhường cho cõi Thánh mà mình không có hay sao?

          Lại tâm địa dụ như quả đất bao hàm các giống thì các pháp Ngũ Căn v.v... toàn thể là của tự tâm vun trồng (căn lành đầy đủ) cần gì rong ruổi bên ngoài tìm kiếm. Cho nên bực Tiên Ðức nói: “Tín tâm kiên cố, lặng như hư không tức là pháp Ngũ Căn, Ngũ Lực. Tâm giác không khởi vọng, tức là Thất Giác Chi. Quyết rõ nơi tâm tánh rồi, tà, chánh chẳng ăn thua, tức là pháp Bát Chánh Ðạo”. Cho nên nói: Biển Giác sanh ra muôn vật, không vật nào mà chẳng phải biển. Nguồn tâm sanh ra muôn pháp, không pháp nào mà chẳng phải tâm.

 

Hoạch Ích

          Chúng sanh cõi kia nghe tiếng ấy rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

         

Sớ: Nghe tiếng vô ích thời đồng với tiếng thế tục, vì cũng chỉ để mua vui mà chơi. Nay niệm ngôi Tam Bảo chính là nói việc hữu ích vậy.

          Tam Bảo là lược có 3 tướng: 1.- Trụ trì tướng; 2.- Biệt tướng; 3.- Ðồng tướng. Vì đáng tôn quí nên gọi là Bảo.

         

Sao: “Trụ trì tướng” là chạm, đúc, đắp, vẽ gọi là Phật Bảo. Cuốn vàng, gáy đỏ gọi là Pháp Bảo. Tỳ kheo năm chúng, hòa hiệp không tranh, gọi là Tăng Bảo. Tức là ngôi Tam bảo thường ở trong thế gian vậy.

          Biệt tướng là lược có 3 nghĩa: 1) Tam bảo tự biệt; 2) Tam bảo đại, tiểu thừa biệt; 3) Tam bảo danh tướng các biệt.

          Tổng quát đại ý kia thời cái thân thông thường mà cao lớn hơn hết, nhưng thị hiện chẳng đồng, gọi là Phật Bảo. Với các Giáo, Hạnh, Lý, Quả, ngài lập ra pháp môn chẳng đồng, gọi là Pháp bảo, Bực Tam Hiền, Thập Thánh, Tứ Quả, Tứ Hướng, Duyên Giác, Ðộc Giác, ngôi bực chẳng đồng, gọi là Tăng bảo, tức là ngôi Tam bảo xuất thế gian vậy.

          “Ðồng tướng” là bằng ước về năm giáo mà nói thời: 1) Môn lập sự tựu nghĩa (lập sự để đi lần tới lý). 2) Môn hội sự về lý. 3) Môn sự lý dung hiển (đều bày). 4) Môn tuyệt tướng lý thật (sự lý) tánh tướng đều bặt. 5) Môn dung thông vô ngại (có đủ cả Viên giáo) tuy trước thấp sau cao, nhưng đồng về một gốc. Tổng quát đại ý kia thời cái tánh thể linh giác, chiếu tỏ các pháp, gọi là Phật bảo. Hằng sa đức tánh đều khó giữ gìn, gọi là Pháp bảo. Tánh tướng không hai, thầm hiệp không trái, gọi là Tăng bảo. Tức là ngôi Tam Bảo xuất thế gian tối thượng vậy.

          “Tôn quý” là Phật là Lưỡng Túc Tôn; Pháp là Ly Dục Tôn, Tăng là Chúng Trung Tôn. Y theo đó tu hành thời ra khỏi ngoài ba cõi. Thế gian yêu trọng, không bậc nào có thể so sánh nên gọi là Bảo.

          Sách Thông Thơ cũng nói: “Rất tôn trọng là Ðạo, rất yêu quí là Ðức”, huống ngôi Tam Bảo là Ðạo và Ðức rất tột, há chẳng xưng Bảo hay sao?

          Sớ: Nghe chim nói pháp đều niệm Tam Bảo tự có 4 nghĩa: 1) Vì trong tiếng chim kêu, khâm khen ngôi Tam Bảo. 2) Vì tiếng chim thuyết pháp có phương tiện hay cảm vào thâm tâm của người. 3) Vì tiếng pháp ngày đêm không hở dứt, quen nhuần lỗ tai. 4) Vì chim còn biết nói pháp để khuyến khích nên người phải gắng tâm hăng hái thêm hơn.

         

Sao: “Khen ngợi Tam Bảo” là: Mặc dù mỗi mỗi các pháp Căn, Lực, Giác, Ðạo trên mỗi phẩm chẳng đồng, nhưng nói tóm lại đều nhiếp thâu trong ngôi Tam Bảo cả.

          Khi mà chim diễn nói pháp này (37 phẩm): Hoặc nói loài hàm linh sẵn đủ tánh giác, tức là Phật tánh; chúng sanh nghe rồi, tỏ đặng bổn tâm mình mới biết mình sẵn có đủ Phật tánh (Phật bảo). Hoặc nói tánh ấy đủ các thứ tướng: chúng sanh nghe rồi rõ nghĩa thâm diệu mới biết mình có sẵn pháp, (Pháp bảo). Hoặc nói tánh tướng hòa hợp không hai, chúng sanh nghe rồi sự lý không ngại mới biết mình sẵn có Tăng (Tăng bảo). Cho nên thường niệm ngôi Tam Bảo là thế.

          “Khéo tỏ vào tâm người” là: Tuy nói pháp nhiệm mầu, nhưng lập lời không khéo thời người nghe bắt dội ngược. Nay chỉ nói tiếng hòa nhã, êm ái, dịu dàng, nghĩa lý đẹp tâm, người nghe sanh mừng nên nhớ niệm ngôi Tam Bảo.

          “Quen nhuần lỗ tai” là: Tuy khéo nói pháp mầu, nhưng một bữa sốt sắng, mười bữa nguội lạnh (13) thời tâm cũng ắt giải phế. Nay chỉ nói sáu thời tương tục thường nghe quen nhớ, thấm tủy, nhuần da, huấn luyện thành tánh nên nhớ niệm ngôi Tam Bảo.

          “Khuyến khích tâm người hăng hái” là: chim còn có thể nói pháp, người sao chẳng bằng, thoạt sanh tâm tàm quý, tự nhiên phát tâm tinh tấn, nhớ niệm ngôi Tam Bảo.

         

Sớ: Xứng lý thời tự tánh chơn tâm một thể là nghĩa Phật, Pháp và Tăng.

         

Sao: Như văn trên, chỗ bày ngôi Tam Bảo đồng tướng; thời biết chỉ có một chơn tâm, lại không thể nào riêng khác: Tâm thể vốn tự giác chiếu, tức là Phật Bảo. Tâm thể vốn tự tánh ly (vọng) tức là Pháp Bảo. Tâm thể vốn tự không hai, tức là Tăng Bảo, cho nên nói: “Mình qui y ông Phật mình, mình qui y Pháp mình, mình qui y Tăng mình”, chỉ khiến qui y về mình, không nói qui y về người khác, nghĩa là mỗi niệm trở về tâm mình. Thế gọi là thật nhớ niệm ngôi Tam Bảo.