PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
*******
QUYỂN THỨ
HAI
(tiếp theo)
CHÚ THÍCH
KINH A DI ÐÀ SỚ SAO
QUYỂN THỨ HAI
1. "Chẳng phải số chúng sanh": Nghĩa gồm
hai thứ:
1. Bốn bực Thánh: Thinh Văn, Duyên Giác,
Bồ Tát, Phật, là những vị đã tiến lên cảnh giới trí huệ giác ngộ nên không
ở trong số chúng sanh.
2. Bốn châu thế giới: Ðông Thắng Thần, Nam
Thiệm Bộ, Tây Ngưu Hóa, Bắc Cu Lô và núi, sông, cây, cỏ... là những vật vô
tri giác nên cũng gọi không trong số chúng sanh, vì cái danh từ chúng sanh
tức là "hữu tình" nghĩa là có cái tình thức, bởi biết cảm tình về vui
cười, khổ khóc v.v...
"Thường và vô thường": Giữa 3 thế gian,
cái thể tánh mà có cái lý bất sanh, bất diệt gọi là thường; còn cái hiện
tượng mà có sanh trụ, dị, diệt, gọi là vô thường.
2. "Căn bản trí" là cái trí do Chơn Trí
mới phát sanh tỏ hợp với chơn lý; chứng được cái thực trí của chơn lý ấy.
Nó làm gốc cho tục trí để biết sự này, tướng nọ giữa pháp hữu vi, nên gọi
nó là Căn Bản Trí.
3. "Hậu Ðắc trí" là cái tục trí do sau khi
đắc chơn trí rồi nó soi rõ được cả muôn sự vật của pháp hữu vi; vì cái trí
nầy nó sanh ở sau cái trí căn bản, nên gọi là Hậu Ðắc Trí.
4. "Phiền não chướng": Các điều tham, sân,
si... làm rối loạn trong thâm tâm của chúng hữu tình nên gọi là phiền não.
Nó hay làm chướng ngại cho tâm trí giác đạo nên nói là chướng, phiền não
chướng. Nó do cái bệnh "Ngã chấp" sanh ra. Ðoạn chướng nầy chứng Niết Bàn
nhị thừa.
5. "Sở tri chướng": Cũng gọi tri chướng,
bởi ngu si mê ám, không hiểu thấu được sự tướng và thực tánh của các pháp
nên bảo là “tri chướng”. Cái chướng này do bệnh pháp chấp sanh ra. Ðoạn
luôn cái chướng này, Bồ Tát cũng chưa đắc Bồ Ðề vì hai chướng có rộng hẹp.
6. "Chơn đế": Do trí của bực thánh xét
thấy được cái lý tánh chơn thật, vì lìa bỏ điều hư vọng nên gọi là chơn.
Lẽ nó quyết định chẳng còn bị lay động nên bảo là Ðế. Lại, cái lý tánh
đây, với Thánh là thật nên nói là Ðế (chắc thực).
7. "Tục đế": Tánh tình còn mê muội nhận
thấy những sự tướng giữa cõi đời. Vì thuận theo cái phương pháp của phàm
tục, mê tình nên gọi là Tục. Nó là cái đạo lý về phàm tục nên bảo là Ðế,
vì người đời cho là quyết định không lay động. Lại sự tướng ấy, với thế
tục nhận làm thật nên bảo là Ðế (cho là thực).
8. "Sáu nghĩa tức Phật": 1. Lý tức Phật:
vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. 2. Danh tự tức Phật: vì hiểu biết
kinh điển, nghe tiếng biết chữ. 3. Quán hạnh tức Phật: vì y theo giáo pháp
để tu, tức là các vị ở trong ngôi ngũ phẩm. 4. Tương tợ tức Phật vì phát
cái huệ giải tương tợ tức là các vị ở trong ngôi Thập Tín. 5. Phần chứng
tức Phật: vì phá được một phần vô minh thì chứng đặng phần pháp thân, trí
giác, tức là các vị ở trong bậc Sơ Trụ Nhẫn đến ngôi Ðẳng Giác. 6. Cứu
cánh tức Phật: vì đoạn vô minh, chứng trí giác đều đã viên mãn rồi, tức là
ngôi Diệu Giác.
9. "Phật có 10 thân": 1. Chánh giác Phật;
2. Nguyện Phật; 3. Nghiệp báo Phật; 4. Trụ trì Phật; 5. Niết Bàn Phật; 6.
Pháp giới Phật; 7. Tâm Phật; 8. Tam muội Phật; 9. Bổn tánh Phật và 10.
Tùy nhạo Phật.
1. Bồ Ðề thân (chánh giác Phật): thân Phật
bằng cách thị hiện ra 8 cái tướng để thành đạo Chánh Giác. 2. Nguyện thân
(nguyện Phật): cái thân Phật bằng khi mà nguyện sanh ở cung trời Ðâu Suất.
3. Hóa thân (hóa Phật): cái thân Phật bằng cách ứng hóa sanh ở nơi cung
vua lại có hiện hóa thân, ắt hiện diệt thân nên gọi Niết Bàn Phật. 4. Trụ
trì thân (trụ trì Phật): cái thân bằng cách sau khi nhập diệt để xá lợi
của tự thân lại, đặng trụ trì Phật pháp. 5. Tướng hảo trang nghiêm thân
(nghiệp báo Phật): cái thân Phật trang nghiêm bằng vô biên tướng hảo; đền
trả lại cho những công đức bởi tu nhơn đủ muôn hạnh nghiệp nhơn lành nên
gọi là nghiệp báo Phật. 6. Thế lực thân (Tâm Phật): dùng từ tâm của Phật
để thâu phục tất cả nên nói thế lực thân. 7. Như ý thân (ý sanh thân): đối
với các vị Bồ Tát trước Thập Ðịa và trên Thập Ðịa để hiện ra cái Phật thân
bằng như ý. 8. Phước đức thân (tam muội Phật): cái thân thường ở trong tam
muội vì tam muội là cực điểm của phước nên gọi là phước đức. 9. Trí thân
(tánh Phật) là cả 4 trí như Ðại Viên Cảnh Trí v.v... 4 trí đều là tánh đức
bổn hữu nên gọi là tánh Phật. 10. Pháp thân (pháp giới Phật) là bổn tánh
để cho trí thân hiểu rõ.
10. "Lìa tứ quá": 1. Có 2. Không 3. Cũng
có cũng không 4. Phi có phi không. Với 4 điều trên vì chấp là thật nên
thành quá thất (lầm lỗi).
11. "Tuyệt bách phi": Cả 4 câu trên đều có
gốc, ngọn, 3 đời, đã sanh khởi, chưa sanh khởi, cộng thành 100 câu, đều
phi chân thiệt nên nói là “phi”. Vả như:
"Có" có 4 câu là: 1. Có có 2. Không không
3. Có cũng có cũng không; 4. Có phi có phi không.
"Không" có 4 câu là: 1. Không có 2. Không
không 3. Không cũng có cũng không 4. Không phi có phi không.
"Cũng có cũng không" có 4 câu
là: 1. Cũng có cũng không có 2. Cũng có cũng không không 3. Cũng có cũng
không có cũng không 4. Cũng có cũng không phi có phi không.
"Phi có không" có 4 câu là 1. Phi có phi
không có 2. Phi có phi không không 3. Phi có phi không cũng có cũng không
4. Phi có phi không phi có phi không.
Nghĩa là: với cái lẽ chơn thật của nó, nếu
bảo rằng (có) là phạm về cái lỗi tăng thêm; còn bảo rằng (không) là phạm
điều lỗi giảm bớt; hoặc cho là (cũng có cũng không) là phạm cái lỗi tương
vi (trái nhau, mâu thuẫn); cho là (phi có phi không) là phạm điều lỗi hí
luận. Bởi lẽ chơn thật nó lìa ngữ ngôn văn tự nên hễ nói ra bằng cách nào
cũng đều phạm lỗi cả, gọi là “ngôn sanh lý tán, thuyết tắc đầu giác sanh”
(nói ra thì mất lý, nói ra thì đầu mọc sừng, tức là sanh vọng).
12. "Ðọc lời người xưa": Sách Trang Tử
chép rằng: “Vua Tề Hoàn Công đọc sách trên nhà. Thợ đẽo bánh xe tên là
Biển đương đẽo bánh xe nhà dưới, buông dùi đục và đồ nghề, lên nhà trên
tâu hỏi:
- Xin tâu Bệ Hạ, Bệ Hạ đọc sách gì đó?
- Sách của người xưa.
- Người xưa còn sống không?
- Qua đời rồi.
- Thế thì sách bị đọc nó là cặn bã của
người xưa thôi?
- Quả nhân đọc sách, quan Luân Nhơn sao
đặng phép lên nghị luận ư? Vậy Quả nhân giao rằng: Hễ nói có lý do thì
được sống, còn nói mà chẳng lý do là phải tội chết!
- Tâu Bệ Hạ! Xin lấy cái nghề nghiệp của
thần hạ để xét thử như thế nầy: Với việc đẽo bánh xe đây, nếu quá chậm thì
nó non lỏng mà chẳng chắc; còn quá mau thì nó già gắt mà không lọt vào.
Vậy không mau không chậm, vừa đắc nơi tâm, vừa hiện nơi tay, có cái lý số
còn mãi. Với nghề hay ấy, hạ thần không thể truyền cho con mình được mà
con của hạ thần nó cũng không thể nối truyền được cái tài nghệ của hạ
thần. Thế nên năm nay đã 70 tuổi mà lụi đụi rồi đây, cái nghề hay đẽo bánh
xe này nó cũng chỉ đồng lão hủ theo với hạ thần mà thôi, chả còn mấy ai
nữa! Ôi! Cái điều mà người xưa chẳng thể truyền được đó nó đã theo người
xưa qua rồi! Thế thì cái mà bị Bệ Hạ đọc đó, nó bất quá là bã xác của cổ
nhơn vậy thôi; chớ nào phải sốt dẻo ngon lành gì?
- Quan Luân Nhơn nói đúng lắm, quả nhơn
này chỉ gián tiếp với văn tự của cổ nhơn, chứ phi trực tiếp với cổ nhơn
bằng đạo lý hay đạo vị gì cả”.
13. "Tứ vô lượng tâm": 1. Từ vô lượng tâm:
cái tâm ban vui cho vô lượng chúng sanh. 2. Bi vô lượng tâm: cái tâm cứu
khổ cho vô lượng chúng sanh. 3. Hỉ vô lượng tâm: cái tâm thấy chúng sanh
lìa khổ được vui mà mừng rỡ tán thành. 4. Xả vô lượng tâm: với 3 cái tâm
trên đều xả hết mà lòng không chấp trước.
Với kẻ thân, người thù lòng vẫn bình đẳng;
hỉ xả cho kẻ ân người oán, lòng công bình làm lợi cho chúng sanh thì gọi
là "tứ đẳng tâm". Lòng không phân biệt mà phổ độ tất cả chúng sanh thì gọi
là "Tứ vô lượng tâm". Với 4 tâm ấy nương theo 4 thiền định để tu; hễ tu
được là được sanh lên cõi Phạm thiên nên cũng gọi là "tứ phạm hạnh".
14. "Vô học": Trong ngôi tu hành, người đã
chứng đến quả vị thứ 4, tức là A la Hán. Vì đã dứt hết rồi những vọng hoặc
trong tâm, chứng đủ cả chân đế của thánh trí nên gọi là vô học, bởi không
còn vọng tâm đâu nữa để dứt, không còn thánh trí đâu nữa để chứng. Ðã giải
thoát ra ngoài tâm vọng hoặc của chúng sanh trong 3 giới. Còn 3 quả thánh
nhân kia là hữu học vì còn đoạn hoặc chứng chân.
15. "Tam minh": Ở Phật là tam đạt; ở La
Hán là tam minh (có cái trí hiểu các pháp sự vật rõ được cả nên gọi là
minh). 1. Túc mạng minh: Biết cả sự sanh tử từ đời trước của thân ta với
thân chúng sanh; 2. Thiên nhãn minh: Hiểu cả tướng sanh tử về kiếp sau
của thân ta với thân chúng sanh; 3. Rõ cả cái khổ tướng sanh tử hiện đời
nầy của thân ta và thân của chúng sanh: Nhờ có cái trí đó mà ta tự dứt
được tất cả phiền não. Chữ lậu là phiền não, lậu tận là hết phiền não rồi.
Phiền não là tham, sân, si, thất tình, lục dục.
16. "Lục thông": Các thánh trong tam thừa
tu đắc thần thông có sáu phép, là: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha
tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, và lậu tận thông. 1. Ðắc nhãn
căn như con mắt trời Sắc giới; ngó lâu không mỏi nháy, thấy suốt không chi
làm chướng ngại nên gọi thiên nhãn thông. 2. Ðắc nhĩ căn như lỗ tai của
trời về Sắc giới: nghe rõ biết tiếng cả chúng sanh không chi làm chướng
ngại nên gọi là thiên nhĩ thông. 3. Chứng đặng cái trí sáng suốt biết cả
tâm niệm của chúng sanh nên gọi tha tâm thông. 4. Ðắc cái trí tự biết cả
sanh mạng từ đời nầy suốt nhiều kiếp trước của mình và của chúng sanh lục
đạo nên gọi túc mạng thông. 5. Ðắc cái thần lực dạo đi qua lại rất nhanh
tự tại, không chi làm trở ngại nên gọi thần túc thông. 6. Lậu tận thông
tức là lậu tận minh đã nói ở tam minh trên.
Chỉ có người tu Phật, chứng La Hán mới đắc
cái lậu tận thông; còn 5 thông trước, những kẻ ngoại đạo tu tiên, kẻ tu
pháp thiền hữu lậu, kẻ tu luyện thuốc, luyện chú, luyện bùa, luyện ngảI;
cho đến các ông trời ở tam giới, các thần linh, các yêu quỉ... đều chứng
được: hoặc 5 thông, 4 thông, 3 thông, 2 thông và 1 thông. Nhưng rốt rồi
đều phải luân hồi lại phàm nhơn vì chưa chứng được cái lậu tận thông. Chữ
“thông” nghĩa là tác dụng tự tại, không chi làm trở ngại.
Phật, Bồ Tát, ngoại đạo tiên nhơn tu chứng
đặng thì gọi là "tu đắc thông lực" vì tam thừa thánh hiền tu tam học mà
đắc lục thông, ngoại đạo tiên nhơn tu thiền định mà hiện được ngũ thông.
Còn 3 giới các trời đều có ngũ thông, nhẫn đến quỉ thần cũng có một vài
thông đều chung gọi "báo đắc thông lực" vì y nơi quả báo tự nhiên có đặng.
Lại quỉ thần, hồ ly tinh sở đắc là "nghiệp thông" vì nương nơi nghiệp lực
mà đắc.
(Tu theo Phật mới được 6 thông, các đạo
kia chỉ có 5 thông còn bị luân hồi sanh tử, vì chưa diệt được ý thức vi tế
vọng tưởng dù tu lên cõi trời Phi Phi Tưởng nhưng chỉ diệt được phần thô).
17. "Rồng chịu thua": Hai anh em rồng Nan
Ðà, Bạt Nan Ðà đều ở biển bên núi Tu Di. Phật thường lên cung trời Ðao
Lợi, hai rồng ấy nổi giận rằng trách: “Cớ sao người trọc cứ đi trên chỗ ta
ở?” Lần sau, Phật lại lên Ðao Lợi nữa, hai rồng ấy hà hơi khói thành mây
đen làm tối mù mịt trời đất. Các thầy tỳ kheo xin phép để ngăn dẹp nó mà
Phật không cho; đến ông Mục Kiền Liên ra xin, Phật mới chấp thuận. Con
rồng ấy nó biến hiện cái thân cực kỳ dài lớn, quấn núi Tu Di giáp 7 vòng,
đuôi đập nước biển, đầu gác trên đảnh núi. Ngài Mục Liên hoá ra cái thân
rồng lớn dài gấp hai nó quấn giáp núi 14 vòng, đuôi quậy thấu đáy biển,
đầu cất tới cung trời Phạm Thiên. Hai rồng ấy lại càng giận dữ, hóa phép
mưa đá sạn tuôn xuống. Ngài Mục Liên hóa đá sạn ấy biến ra hoa sen, mềm
mại khá yêu. Rồng còn giận mãi chẳng thôi, Mục Liên lại hóa làm những con
giòi rất nhỏ, chun vào trong mỗi cái vảy, để cắn rứt lung tung, từ mắt
chun vào tai, từ tai chun vô mũi, cứ chun vô, bò ra lúc nhúc như thế. Rồng
bị đau quá phải chịu thua, nguyện qui y tam bảo.
18. "Chẳng cho dời núi": Có một phái ngoại
đạo, cả thầy trò là 5 trăm ông lão sư, dùng sức luyện thần chú để dời núi
đổi chùa tiên. Chúng luyện hơn một tháng, núi đã lay động. Mục Liên lấy
làm cảm thương vì núi ấy dời đi, tất cả nhân dân quanh vùng bị nhiều thiệt
hại.
Ngài lên đảnh núi ngồi thiền định, núi
đứng yên lại như xưa. Chúng ngạc nhiên nói: “Pháp của chúng ta làm núi đã
động, chừng vài bữa nữa là dời được, cớ sao cứng lại như trước? Tất nhiên
có đệ tử Phật lòng từ khiến thế!” Chúng tự biết phép yếu, dẫn nhau đầu
Phật.
19. "Ðem con cháu họ Thích giấu trên cung
trời": Vua Lưu Ly đánh giết họ Thích; Mục Liên muốn cứu mà Phật cho là do
cái định nghiệp khó trốn. Nếu cứu là làm việc bất bình vì Lưu Ly vương mất
nợ! Tuy đã biết lẽ nhơn quả báo ứng giữa họ Thích với vua Lưu Ly, nhưng
Mục Liên không nỡ điềm nhiên tọa thị, ông hóa phép thần thông: đem được
500 người Thích chủng giấu trong bình bát để tản cư lên cung trời Ðại
Phạm. Trận giặc ấy chấm dứt rồi, Mục Liên lên đem bình bát về để giở nắp
ra coi thì 5 trăm người Thích chủng kia đâu mất mà chỉ còn là một bình bát
máu vậy thôi. Thế đủ biết rằng: Với nghiệp lực quả báo, Phật cũng không
thể binh vực để cứu bằng cách bất bình cho bên đòi!
20. "Ngăn xe, đốt nhà": Kỳ Vực là ông Tổ
thầy thuốc của Ấn Ðộ, là đệ tử của Mục Liên, đã mãn phần, sanh lên cung
trời Ðao Lợi. Nhơn một đồ đệ đau bệnh nan y, Mục Liên lên trời để hỏi
thuốc. Gặp các trời trẩy hội rong chơi, Kỳ Vực ngồi trên xe không bước
xuống, chỉ chào thầy bằng cách chấp tay mà thôi, Mục Liên dùng thần lực
ngăn không cho xe chạy. Buộc lòng Kỳ Vực phải xuống xe để thú tội rằng:
“Chư thiên vì sự hưởng phước bắt buộc vui say, đến đỗi chẳng còn rỗi rảnh
để ngó mặt nhau! Tôn giả ngài muốn gì mà hạn chế điều tự do vui sướng của
đệ tử thế nầy?” Ngài Mục Liên cho biết việc đi tìm thuốc chữa bịnh ấy. Kỳ
Vực đáp rằng: “Với chứng bịnh đó chỉ còn có phương pháp thiên y, nghĩa là
nhịn đói thì tự nhiên lành bệnh, dẫu không lành đi nữa thì cũng mau giải
thoát được cái xác khổ”. Bấy giờ Mục Liên buông xe cho Kỳ Vực mới được đi
chơi với các trời (ông Kỳ Vực có chỗ nói ông Kỳ Bà).
Ðức Chúa Trời Ðế Thích sau khi chiến thắng
mặt trận cùng đánh với thần A Tu La, kiến thiết một lầu đài bằng thất bửu
kỳ diệu trang nghiêm để kỷ niệm cuộc thắng trận và thưởng tướng khao binh.
Tiệc tùng ăn lễ, biểu diễn lắm trò vui mừng thắng thưởng. Nhơn dịp ngài
Mục Liên ghé vào, đức Thiên Chủ đón tiếp, rước đi xem cuộc triển lãm và
cắt nghĩa giới thiệu danh nầy cảnh nọ. Thấy Mục Liên nghĩ là ông thầy tu ở
nhơn gian mới lên, các ả gái trời làm bộ e lệ, trẻn trờ, lỏn núp trong các
bức màn ngọc trướng hoa mà rỉ rịch vì không được tự tiện múa hát để hầu
đức Chúa của chúng ả. Mục Liên biết vì thế mà đức Chúa nó không tu tỉnh
được; cũng bởi một cớ ấy Mục Liên dùng thần lực hóa lửa tam muội chân hỏa
ra phừng phừng hực hỡ. Cả bà con của đức Thiên Chủ đều thấy ngôi nhà
thắng trận bị phát hỏa thiêu rụi! Cả trời chúa, tôi buồn chán và than:
“Vui nọ chưa no, buồn nầy dồn đến”. Thừa dịp Mục Liên an ủi, giảng: “Tam
giới vô an, du như hỏa trạch. Lạc thị khổ nhơn. Vô thường, vô ngã”.... Ðức
Chúa Ðế Thích nghe được hết mê, hồi đầu giác ngộ, hoan hỉ lo tu, trả tù
binh lại cho thần A Tu La vương. Bấy giờ, Mục Liên thâu pháp thần thông
lại, thì ra bà con tôi chúa thấy nhà thắng trận vẫn còn nguyên hiện, mới
biết phép thần của tôn giả cảm hóa v.v...
21. "Hai chữ tảo chửu": Tảo: quét; chửu:
cây chổi. Kinh Pháp Cú chép: “Nước Xá Vệ, có thầy tỳ kheo tên là Bàn Ðặc.
Sau khi xuất gia học hoài không thuộc vì quá ư ngu dốt, bởi tối dạ lắm!
Ðến đỗi Phật giao cho năm trăm thánh A la Hán, luân phiên mỗi ngày hai vị
để thay đổi dạy ông học một bài kệ rằng:
"Cần tảo già lam địa,
Thời thời phước huệ sanh,
Tuy vô tân khách chí,
Diệc hữu thánh nhơn hành".
NGHĨA:
Siêng quét đất vườn chùa,
Mỗi giờ sanh phước huệ,
Dù không khách khứa đến,
Cũng có thánh nhơn đi.
Ðã 8 năm qua, mà ông học chưa thuộc! Anh
của ông là Châu Lợi quở rằng: “Em không thể học thuộc được, tốt hơn là
thôi! về tục làm cư sĩ cho xong!” Bàn Ðặc đến đứng dựa cửa Kỳ Hoàn mà khóc
và than tiếc rằng: “Nếu hoàn tục thì làm sao hằng ngày được thấy đức Thế
Tôn?” Phật thấy, ra hỏi: “Cớ gì thế?” “Năm trăm thánh tăng đã chán dạy vì
con tối dạ, lại bị anh con đuổi hoàn tục, e không được thường thấy Phật
nên con khóc!” “Thôi đừng khóc! Vào đây”. Phật nắm tay dắt về Tịnh Xá, bảo
ở với Phật, Phật đưa cho một cây chổi và dạy cho học hai chữ: “Chổi quét”.
Ông đọc được "chổi" lại quên chữ "quét", mà hễ nhớ được chữ "quét" thì lại
quên chữ "chổi". Cứ như thế mãi, luôn đến mấy ngày. Ðến chừng xét biết ông
sắp hết nghiệp chướng, Phật mới thừa dịp để khai thị rằng: “Với 2 chữ
‘chổi quét’, nó có sự và lý thế nầy: Sự là cầm cây chổi vật hữu hình để
quét sạch bụi bặm và rác rến nơi ngoài nhà là cư địa, đặng trông mát khỏe
cho ta lẫn người. Lý là gìn cây chổi pháp vô hình để quét sạch bụi bặm là
phiền não nơi trong nhà là tâm địa, đặng giữ thanh tịnh cho ta với người.
Tóm lại, quét sạch cả bụi trần cấu uế trong thân tâm ta và chúng, chớ có
gì lạ lùng đâu mà không nhớ?” Phật vừa dứt lời, ông liền sáng suốt, chứng
quả La Hán, đủ 6 phép thần thông.
Bấy giờ, bên phái Lục Quần Bý Xu Ni có
tịnh xá riêng, đã lạy Phật thỉnh giáo giới. Phật sắp đặt: mỗi ngày có một
Bý Xu sớm mai đến giáo giới, rồi về Kỳ Hoàn. Ðến phiên ông Bàn Ðặc đi giáo
giới, các Bý Xu Ni đều ngơ ngác mà hỏi với nhau: “Sư huynh ấy tối dốt tận
mạng đi, mà nay đến huỷnh làm gì giáo giới được. Có lẽ huỷnh cậy sư huynh
của huỷnh là huynh Câu Lợi thay thế cho, chớ huỷnh mà giáo giới gì?” Ðương
còn dư luận, không dè ông đã reo gậy tích trước sân. “Ủa! Huỷnh đã tớI! A
ha! Huỷnh thiệt”, bà nào cũng xầm xì, mủm mỉm, có ý cười cợt bằng cách dễ
ngươi. Nhưng, giới luật bắt buộc nên phải ra rước vào, làm lễ, dưng cơm,
rồi hầu nghe thuyết pháp. Bà nào cũng lấy vạt áo cà sa che miệng và sụt
sịt cười hoài nên chả dám để trống. Ngồi trên pháp tòa thầm nghĩ mình kém
đức nên mới có cái cảnh ngộ nầy; ông bố cáo rằng: “Kính cùng các pháp tỷ;
mặc dù tối dốt, chớ đệ đã học hiểu được vài nghĩa của hai chữ "chổi quét"
mà Phật chứng truyền. Vậy các chị hãy để tâm yên lặng nghe đệ giảng coi có
hợp pháp với chương trình giáo giới không? Thưa các đại tỷ! Người tu Phật,
tùy mỗi trình độ mà học hỏi tu niệm có nhiều phương pháp, nhưng yếu điểm
cũng không ngoài phủi giũ cho sạch bụi trần cũng như đào thải cho hết
phiền não, nhứt là tảo thanh những chướng ngại vật là ngã mạn khinh ngạo
để cho thân khẩu ý 3 nghiệp đều khiết bạch, 6 căn được thanh tịnh như
gương lau sạch bụi. Cốt được như thế mới mong minh tâm kiến tánh, chứng
quả vô lậu. Ấy là nghĩa của hai chữ "chổi quét" v.v... Vậy có thể nói: với
8 vạn 4 nghìn pháp môn, cũng không ngoài ý nghĩa của 2 chữ "chổi quét" là
vì quét sạch 8 vạn 4 nghìn bụi trần lao. Ðó các chị xét có phải thế
không?” Tôn giả vừa hỏi rồi, các tỳ kheo ni đều giật mình, chứng ngộ quả A
La Hán, sạch lòng khinh mạn, đủ niệm kính thành, khấp khởi hoan nghinh, ân
cần bái tống. Bấy giờ vua Ba Tư Nặc thỉnh Phật và chúng tăng vào cung thụ
trai, Phật đưa bình bát cho Bàn Ðặc bưng, bảo đi sau chót, Phật đi trước
hết, kế 1 ngàn 2 trăm 50 Tỳ kheo, lần lượt vào cửa thành. Sau rốt đến Bàn
Ðặc bị quân lính gác cửa ngõ cản lại không cho vào và chỉ trích rằng:
“Chúng tôi là cư sĩ không thể học được nhiều vì bận việc quân chánh, gia
đình, nhưng cũng thuộc được một hai bổn để hôm sớm tụng niệm; còn huynh đã
làm tỳ kheo, một bài kệ 20 chữ mà 3 năm rồi cũng học chưa thuộc! Thế có
tài đức gì đâu hòng vào thụ của nhà vua cúng?”
Ðến giờ Phật lên trai đàn tưởng bình bát
để cơm vào, ông ở ngoài ngọ môn dùng thần lực kéo dài cánh tay đưa bình
bát đến ngay trước Phật; cả vua cùng bá quan lấy làm kinh ngạc! Vì chỉ
thấy cánh tay quá dài mà không thấy người nào đâu cả? Phật phải giới thiệu
để cho vua biết rằng: “Ðây là cánh tay của Bàn Ðặc đó, vì quân lính không
cho La Hán ấy vào mà bình bát của ta giao cho ông ấy bưng, biết trong này
tới giờ thụ trai nên dùng thần biến đưa bình bát vào”. Vua sai các quan
vội ra rước vào... Cuộc trai phạn rồi, vua hỏi: “Ðức tôn giả đây vì sao
tối dạ? Lại học cách nào được chứng quả như thế?” Phật dạy rằng: “Kiếp
trước là người tu học thông lắm, chỉ vì muốn để một mình làm thầy quán
chúng nên bỏn xẻn không bố thí pháp cho chúng, sợ chúng hơn mình. Bởi cái
tội lẫn pháp đó, thành thử đời nầy mắc quả tối dốt. Nhưng nhờ có lòng ham
tu và mến ta mà tội diệt phước sanh, chướng kia tỉa hết, huệ nọ sáng thêm,
chỉ học 2 chữ mà chứng quả như thế”. Cả trai đàn đại hội vua quan ai nấy
đều được nghe biết: cái tội tiếc pháp như thế kia, và không dám (khinh
người) như thế. Tiệc rồi bái tạ, đưa Phật, Tăng về. Tôn giả từ đây mới
được chúng kính trọng.
22. "Phóng ngưu": Tiếng Phạn (Nanda) Nan
Ðà, dịch Hỷ, cũng tên là Phóng Ngưu. Sách Pháp Hoa Huyền Tán chép rằng:
“Nguyên là người chăn nuôi trâu bò. Gặp Phật, ông hỏi thắc mắc về cái nghề
chăn nuôi, nghĩ bụng cho Phật chắc là chưa hiểu đến cái nghề hèn mọn ấy.
Phật giảng về nghề chăn nuôi có 11 sự v.v... Ông biết Phật là đủ trí biết
tất cả, đầu Phật xuất gia, rất thông minh. Phật sai ông làm giáo giới, 500
tỳ kheo ni nghe pháp rồi đều chứng quả La Hán.
23. "Ăn lúa ngựa": Một trong 10 chướng nạn
mà Phật còn chịu dư báo hay là dư ương, thấy trong Trung Bản Khỉ kinh cuốn
hạ, Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân kinh cuốn 3, kinh Luật Dị Tướng cuốn 5,
Trí Ðộ Luận cuốn 6, và kinh Hưng Khởi Hạnh đều chép rằng: Bên nước Tỳ La
Phiến, vua A Kỳ Ðạt (Agnidatta) thân ngự đến Kỳ Hoàn để rước Phật và 500
đệ tử tỳ kheo về bổn quốc 3 tháng an cư. Phật và chúng Tăng kiết hạ cấm
túc rồi; bấy giờ có ông trời Thiên Ma vương giáng hạ nhập vào thân tâm của
vua làm vua mê sa tửu sắc, ca nhạc với cung phi mỹ nữ trong nội điện, lại
nghiêm cấm cả 3 tháng không cho tâu việc lớn, nhỏ, ra, vô gì hết. Thì ra
quên không cúng Phật hộ Tăng. Chúng Tăng xin phép đi khất thực, Phật không
cho vì đã thụ thỉnh ở đây, lại đi hóa trai nơi khác thì đâu trọn lời hứa
với đàn việt đây. Bấy giờ có người nước Ba la Nại lùa bầy ngựa cho đi ăn
đến thành Tỳ La Nhiên thấy Phật và chúng Tăng vì chịu hứa cấm túc mà phải
bị khổn, động lòng cảm thiết, phát tâm thảo luận với chúng Tăng rằng:
“Không dám nào! Tôi chỉ có chở theo mấy xe lúa để nuôi ngựa đây, tính
muốn bớt ra một mớ, làm gạo cơm bánh để cúng Phật hộ Tăng trong vài tháng
này, không biết Phật có thụ dụng chăng?” Chúng Tăng vào bạch... Phật dạy
rằng: “Phải tùy nghiệp thụ dụng chớ sao!” v.v... Còn 7 ngày nữa các nhà
hào phú, cư sĩ xa gần nghe biết, đem vật thực vào cúng dường. Ðến ngày
giải cấm (giải chế) Phật bảo A Nan vào cáo vua, mãn hạ, từ giã về Kỳ Hoàn.
Trời Ma Vương thăng, vua được tỉnh lại biết là bị Ma vương ám ảnh, rất ân
hận lạy Phật và đại chúng xin cho sám hối! Chứ sự quá si điên, đã dĩ lỡ ra
rồi, ăn năn không kịp! Phật khuyên nhủ rằng: “Nhà vua chớ buồn! Vì đấy
cũng là Ma chướng quả báo mà chúng ta hết nợ với nhau rồi!” Về đến chùa,
kế thấy vua và các quan xe giá chở tứ sự đến cúng dường, để xin hỏi qua về
quả báo vừa rồi. Phật bảo rằng: “Ðời trước rất lâu xa, có đức Phật Tỳ
Diếp La ra đời. Trong thành Ma Bạt, vua là Bàn Ðầu mời Phật và chúng Tăng
vào nội cung cúng dường.
Bấy giờ có người bà la môn tên Nhơn Ðề Kỳ
Lợi là một nhà đại triết học, thâu dạy được 500 đệ tử. Thấy vua sùng bái
cúng dường Phật, Tăng, sanh tâm tật đố rằng: "Với bọn trọc đầu đó, có lúa
ngựa mà cho chúng nó ăn, chớ đồ ngon vật quí đâu mà cho uổng!” Cả thầy trò
cũng đồng ganh ghét chế nhạo như thế... Phật kết luận: “Này đại chúng có
biết chăng? Người bà la môn ấy nay là Ta vậy. 500 đồ đệ kia chính 500 La
hán đây. Vì nhơn duyên đó, ta cùng các ngươi phải chịu khổ tam đồ, nay dù
chứng quả như thế nầy hãy còn dư ương phải trả!”
Kinh Lăng Nghiêm cuốn 6, Phật cũng nói:
“Chính như Ta phải ăn lúa ngựa để trả quả báo”.
24. "Tháp không chịu tiền của vua": Vua A
Dục (Asoka) đi chiêm lễ các ngôi tháp của chư La Hán. Khi đến lạy tháp của
ngài Bạt Câu La, vua đọc vài câu có ý nhắc đời rằng: “Tuy tự luyện vô minh
vu thế thiểu lợi ích”, lúc ngài còn ở đời dù chơn tu bằng cách ở chỗ vắng
vẻ để rèn dứt vô minh, thành ra ít có lợi ích cho đời” và cúng 20 cái bửu
bối (tiền bạc bằng ốc xà cừ), nhưng rồi tiền bửu bối ấy từ trong tháp bay
ra theo dính nơi chơn của vua. Các đại thần thấy thế cả kinh, phục rằng:
“Lúc tôn giả còn ở nhơn gian, ưa một mình nơi vắng, thiểu dục tri túc nên
nay ngôi tháp của tôn giả, cũng vẫn còn không chịu dụng tiền của thế
gian”. Thanh liêm đến nỗi!
25. "Voi mọc sáu ngà": khi đức Văn Thù
sanh, trong xứ hiện 10 điềm tốt: 1. Ánh sáng hực đầy buồng; 2. Sương ngọt
sa đầy sân; 3. Dưới đất nổi lên bảy báu; 4. Thần tài mở kho đã giấu; 5. Gà
nở con chim phụng; 6. Heo đẻ con lợn rồng; 7. Ngựa sanh con kỳ lân; 8. Bò
đẻ con bạch trạch; 9. Kho lúa hóa thóc vàng; 10. Voi mọc 6 ngà.
26. "Hội Long Hoa": Ðức Di Lặc Bồ Tát,
hiện nay (1953) ở nội viện trên cung trời thứ tư là trời Ðâu Suất Ðà;
đương thời ông Ðinh Phước Bảo (trước đây 20 năm) tính còn năm mươi sáu ức
bảy ngàn muôn năm nữa là Di Lặc ra đời. Kinh Di Lặc Hạ Sanh chép: “Ðến
vườn Hoa Lâm, ngồi dưới cây Long Hoa bồ đề thành Phật, mở pháp hội thuyết
pháp độ sanh, nên gọi là Long Hoa hội”. Kinh Tăng Nhứt A Hàm cuốn 44 chép:
“Cách thành Trĩ Ðầu không xa mấy, có đạo thụ gọi là cây Long Hoa, Bồ Tát
ngồi đó thành đạo quả vô thượng”. Kinh Di Lặc Ðại Thành Phật chép: “Nguyên
tên cây ấy là Bôn Na Già, nhánh nó hình như con rồng, nở bông có nhiều tia
báu quí rất đẹp”. Kinh Ðại Nhựt cuốn 7 chép: “Bôn Na Già là hoa cây rồng”.
Sách Pháp Uyển Châu Lâm chép: “Hoa nhánh như hình đầu rồng nên gọi là Long
Hoa Bồ Ðề thụ”. Xin xem bài Long Hoa tam hội ở cuốn trung sách Qui Nguyên
Trực Chỉ mới rõ hơn...
27. "Ðường tẻ mất dê... bắn trúng chim
hộc": Sách Liệt Tử biên rằng: Có một người ở bên xóm thầy Dương Tử mất
dê, người ấy đã dẫn cả gia nhơn, lại còn mượn thêm kẻ đồng tử của thầy
Dương nữa để rượt theo kiếm dê. Thầy Dương hỏi: “Chỉ mất có một con dê,
rượt theo chi đông lắm thế?” Người đáp: “E vì nhiều đường tẻ như ngã ba,
ngã tư chẳng hạn, nên phải có đông người đặng chia ra để kiếm theo mỗi con
đường mới được”. Mà rồi trở về chớ không tìm thấy dê đâu cả bởi vì trong
đường tẻ lại có nhiều đường tẻ nũa, thành thử rốt rồi chả biết con dê nó ở
chỗ nào? Nên nói: Với cái đạo cả tỷ như nhiều ngả mới mất dê, là để tỏ
rằng kẻ học đạo bởi lòng ham học lấy nhiều phương nên mất sống; kêu bằng:
“Ða thư loạn tâm. Nghĩa lộ thái đa, lý độ quá. Ða hư bất như thiểu thiệt”.
“Chim hộc” là cái đích giữa tấm da để thi
bắn. Bên Tàu xưa thuở đời Ðường, đời Ngu dùng vải hoặc da làm bia, chính
giữa vẽ con hộc, hoặc hình gấu, cọp, beo, hươu, nai. Những khi chọn thi
hoặc cùng tân khách yến ẩm, dựng bức bia ấy lên, hễ ai bắn trúng đích là
được phần thắng nên gọi là “xạ hộc” (bắn tên da).
28. "Trao lại cho Quán Âm Thế Chí": Kinh
Bi Hoa chép lời Phật Thích Ca thuyết pháp tiên tri rằng:
Ðức Phật A Di Ðà trao lại cho ngài Quán
Thế Âm lên làm Phật hiệu là Phổ Quang Công Ðức Sơn Vương Như Lai; sau rồi
đức Phật ấy trao lại cho ngài Ðại Thế Chí lên làm Phật hiệu là Thiện Trụ
Công Ðức Bửu Vương Như Lai.
Hỏi: Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí và Thanh Tịnh
Ðại Hải chúng mà thường bữa tụng công phu tới đó, quí thầy gọi là lạy tứ
thánh hiệu; 3 hiệu trên đã hiểu rồi, còn hiệu sau đó chưa được biết danh
tích là chi và có trao tiếp làm Phật sau đức Thế Chí không?
Ðáp: Không, vì là một hiệu (chung tất cả),
chứ phi là hiệu riêng như Quán Âm, Thế Chí. Bởi rằng: Thanh Tịnh tức là
Tịnh Ðộ; Ðại Hải chúng: cả biển chúng, nghĩa hơn cả biển người. Vậy biết:
“Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải chúng Bồ Tát” nghĩa là: kính lạy cả biển chúng
Bồ Tát trong cõi nước Thanh Tịnh. Vì Tịnh Ðộ là gọi tắt câu “thanh Tịnh
trang nghiêm quốc độ”.
29. "Ca chiên lân đà": Sách Pháp Uyển Châu
Lâm chép rằng: “Chim Ca Chiên Lân Ðà, sanh trưởng ở cù lao biển; ôm đụng
đến, thân tâm sướng lạ hơn cái sướng của trời Lục Dục”. Kinh Chánh Pháp
Niệm chép: “Ca Chiên Lân Ðà dịch Khả Ái điểu (chim khá yêu), sanh ở trong
bể, chạm đến rất vui sướng. Tại thế giới này, đến thời kiếp tăng, mỗi
người đều sống đủ 8 vạn 4 ngàn tuổi, có Chuyển Luân Vương ra đời, tức có
thứ chim ấy cũng sanh ra vì là vật quí báu trong thất bửu, mà do nơi hạnh
phúc của Luân Vương mới xuất hiện. Chim ấy hình như chim oan ương, cũng
loài thủy điểu. Tuy vậy nhưng mà không bằng đụng thứ cỏ công đức bên cõi
tịnh độ, sự vui sướng bội thắng hơn.
30. "Tình lự": Tình là tình cảm, Lự là tư
lự, là tất cả những hỉ, nộ, ái, ố... tư duy vọng tưởng mà trong kinh sách
Phật gọi là kiến hoặc, tư hoặc, cả 8 vạn 4 nghìn phiền não chướng. Nước ở
thế giới Ta Bà, người ta tắm chỉ sạch được cái bụi phiền não ngoài thân
nhưng chỉ được một chập lát mà thôi vì là uế độ. Nước bên cõi Thanh Tịnh
hễ tắm rồi là sạch luôn bụi phiền não trong tâm nữa là khác nên gọi “tâm
tịnh, độ tịnh”, vì là tịnh độ, cả y báo, chánh báo đều thanh tịnh trang
nghiêm.
31. "Miệng ra mùi thơm của sen": Truyện
chép: “Ông Âu Dương Vĩnh Thúc ra làm quan Tri Châu tại đất Dĩnh. Ở đó có
một quan ủy (nghĩa là đĩ nhà quan) vì chỉ có quan lớn nhứt trong châu mới
được, bởi nàng có sắc hơn hết, lại miệng và mồ hôi đều phưởng phất tươm ra
hơi liên hương. Có nhà Tăng biết túc mạng của nàng: Kiếp trước cũng làm
thân phụ nữ, thường tụng kinh Pháp Hoa suốt 30 năm. Giờ rảnh lại thường
ngâm luôn mấy câu: “thanh liên hoa hương”... Nhưng ngài Tri Châu cũng
chưa chịu tin; nhà Tăng thí nghiệm cho biết rằng cách đọc trước vài câu
thì nàng ấy tiếp ứng khẩu đọc luôn trọn bộ bằng cách thuộc lòng; còn đọc
kinh khác thì nàng chả biết một chữ nào ráo. Chừng đó quan Tri Châu mới
tin chắc rồi hỏi rằng: “Kiếp trước đã tu trì đến bực đó, sao đã chẳng
siêu lại đọa như vậy?” Bởi một niệm sai lầm, nên đến nông nỗi!
32. "Tu phước đời là nhơn hữu lậu": Lương
Vũ Ðế hỏi đức Sơ Tổ rằng: “Quả nhơn dựng chùa, lên cốt Phật, tu đủ việc
phước thiện, sẽ được bao công đức?” Sơ Tổ đáp rằng: “Hẳn không công đức”.
“Vì sao không công đức?” “Nó chỉ là cái quả phúc nhỏ của trời và phú quới
của nhơn gian, vì là cái nhơn hữu lậu như bóng theo hình, dù có nhưng
không thật”. “Thế nào là công đức chơn thật?” “Dẹp hết vọng tâm, lòng
không chấp trước, thí tài, thí pháp, phước huệ đều tu, người tức là ta,
không phân bỉ thử, không nghĩ như trồng cây mong sau ăn trái, tâm cảnh như
thế, mới là công đức”.
Vũ Ðế hiểu được khen phải và than: “Với
việc làm mà tâm được như thế, thật là khó làm. Nhưng nếu không làm, cũng
chưa phải là người biết học Phật!”