PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
*******
QUYỂN THỨ TƯ
Ðất Cổ
Hàng chùa Vân Thê Sa Môn Chu Hoằng thuật lại.
Cảm Quả
(phân ra làm hai phần)
1. Phật
hiện ngã tiền (Phật hiện trước mặt ta)
2. Ngã
vãng Phật xứ (Ta sanh qua xứ phật)
PHẬT HIỆN
NGÃ TIỀN
Người kia
đến khi mạng chung, Phật A Di Ðà cùng các vị Thánh chúng hiện ở trước mặt.
Sớ:
“Người kia” là chỉ người tu pháp trì danh niệm Phật. Nương văn trên nói:
Hễ được nhứt tâm bất loạn thời đến khi sanh mạng sắp cuối cùng, Phật ắt
hiện trước mặt; do vì nhờ sức mình với sức Phật lẽ cảm ứng lẫn nhau như
trong hai bộ kinh và các kinh nói.
Sao: “Sức
mình” là: Phàm người khi mạng chung, lúc thân tiền hữu sắp mãn, thân hậu
hữu chưa sanh thời cả đời bình sanh làm việc ác hay việc thiện, tự nhiên
bây giờ nó hiện ra trước mặt, như: việc thập ác, việc ngũ nghịch thời
tướng địa ngục hiện ra trước; xan tham tật đố thời tướng ngạ quỉ hiện ra
trước. Nhẫn đến tu ngũ giới, thập thiện thời cảnh nhơn thiên hiện ra
trước.
Nay người
chuyên về niệm Phật, nhứt tâm bất loạn thời tịnh niệm thành tựu. Trong tâm
thanh tịnh, lẽ nào Phật không hiện ra trước mặt ư? Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Nhớ Phật, niệm Phật hoặc hiện đời, hoặc đời sau, quyết định thấy Phật”,
chắc vậy.
“Sức
Phật” là: Kinh Ðại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi ta làm Phật,
trong 10 phương vô ương số thế giới các vì chư Thiên, nhơn dân, ai có phát
tâm Bồ Ðề tu các việc công đức, nguyện sanh về trong cõi của ta thời đến
khi mạng chung, ta cùng đại chúng hiện ra trước mặt người đó để dẫn về
nước”.
Trong bài
văn Tam Bối Vãng Sanh, lại nói: “Người kia khi mạng sắp chết, Phật cùng
các vị thánh chúng đều đến rước về”. Trong Quán Kinh, văn Cửu Phẩm, hoặc
nói Phật A Di Ðà đến trước người tu kia, hoặc nói đến chỗ người kia, đều
là cái ý hiện ra trước mặt vậy.
Nói các
kinh là: Kinh Xưng Dương Chư Phật Công Ðức nói: “Nếu có người được nghe
danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ Như Lai, nhứt tâm tin muốn, người đó khi mạng
chung, Phật A Di Ðà cùng các vị tỳ kheo hiện ở trước người đó; ma nó chẳng
dám phá hoại cái tâm chánh giác người kia”.
Lại kinh
Cổ Âm Vương nói: “Trong tứ chúng (1), hoặc có người nào hay chơn chánh thọ
trì danh hiệu Phật kia. Ðến khi mạng chung, Phật A Di Ðà liền cùng với đại
chúng hiện ra ở trước mặt người đó, khiến cho người đó được thấy”. Lại
Kinh Hoa Nghiêm quyển 46 nói: “Ðức Như Lai có 10 món Phật Sự: 1. Nếu có
chúng sanh nào chuyên tâm nhớ niệm thời Phật hiện trước mặt người đó”
v.v... Chính chỗ gọi rằng: chúng sanh niệm Phật, Phật rước cả không bỏ sót
một ai. Nếu y theo kinh Bát Nhã thời sức mình lại có hai nghĩa: 1. Sức
mình niệm. 2. Sẵn có sức Phật tánh của mình và thêm nhờ sức của Phật
nguyện rước, mới thành ba sức. “Sức sẵn có” là như chiếc thuyền. Sức niệm
Phật là như buồm chèo. Sức Phật nguyện rước là như gió xuôi. Ba việc đủ
trọn, ắt chóng lên bờ kia.
Sớ:
“Phật và các vị thánh chúngg là: Phật gồm cả Báo thân và Hóa thân; thánh
chúng gồm luôn các vị Bồ Tát, hàng Thanh Văn v.v...
Sao: “Gồm
Báo thân, Hóa thân” là: Trong Quán kinh nói rõ về Phật hiện. Trước nói
thân Phật cao 60 vạn ức; kế nói thân một trượng sáu; thứ nữa thì nói người
sanh về phẩm hạ, vị Hóa Phật đến rước. Thế thời biết người sanh trong chín
phẩm, chỗ thấy Phật chẳng đồng. Trong Nhiếp Luận cũng nói: “Bực Ðăng Ðịa
mới thấy được ông Phật Báo thân lần hồi mỗi địa càng thấy thân Phật càng
nhỏ nhiệm”. Kinh đây chỉ nói Phật hiện chớ không phân ông Phật Báo thân
hay ông Phật Hóa thân, do vì nói một gồm nhiều.
“Gồm các
vị Bồ Tát, Thanh Văn” là như trong Quán kinh văn Thượng Phẩm Thượng Sanh,
nói: “Phật cùng Quan Âm, Thế Chí, vô số Hóa Phật, trăm nghìn bí sô, Thinh
Văn đại chúng, vô lượng các đức chúa trời hiện ra trước mặt người đó”.
Nhưng cũng có người niệm Phật mà Phật không đến rước để các vị Bồ tát đến
rước đấy. Văn đây theo phần nhiều Phật rước.
Sớ:
Hỏi: Cơn lâm chung Phật hiện ra trước, cũng có ma hiện chăng? Ðáp: Người
xưa đã nói không ma; dẫu hoặc có đó quí tại tự mình biện rành biết lấy.
Sao:
“Không ma” là: Riêng tu một pháp thiền định ma ngũ ấm nó nổi lên như trong
Lăng Nghiêm, trong Chỉ Quán và các kinh, luận phân biện việc ma rất rành.
Kinh đây nói người niệm Phật nhờ sức oai thần của Phật, sức bản nguyện của
Phật trong hào quang lớn của Phật che phủ, quyết không có việc ma nó phá.
Song cũng có người nghiệp chướng đời trước sâu dày, hoặc không khéo dụng
tâm để cho có ma nổi lên, chưa chắc có thể quyết định được, phải phòng
biện rành biết lấy.
Như trong
kinh, luận nói: “Người tu thấy Phật muốn biện bạch biết cho rành thời có
hai phép như đây: 1. Thấy Phật hiện mà không hiệp với trong kinh, luận thì
đó là ma sự; 2. Không hiệp với chỗ tu của mình thì đó là ma sự. Sở dĩ vì
sao? Do vì với người riêng tu pháp thiền định thời gốc chỗ tu nhơn là duy
nhận có tự tâm, chớ không nhận có nương nơi cảnh; cho nên ngoài tâm có
Phật hiện, điều đó thôi không cần luận, do vì quả chẳng hiệp nhơn. Kinh
nầy nói người niệm Phật, một đời nhớ Phật, cơn lâm chung thấy Phật, nhơn
quả phù hiệp, đâu đặng cho là ma sự ư?
Nếu mà
người chưa đặng rõ quyết Phật hay là ma được thì phải như hai phép trước
kia để biện biệt xét biết mà thôi. Hỏi Ðã nói rằng không ma thời ắt là
thiệt Phật. Mà sao tôi nghe người xưa nói Phật không khứ không lai, nay vì
lẽ gì có Phật hiện ở trước mặt người kia? Ðáp: Với cái đạo lý cảm ứng nó
liên lạc lẫn nhau, cũng chẳng ngại gì. Với lẽ không lai mà lai, không thấy
mà thấy. Cho nên ngài Vĩnh Minh bảo rằng: “Như huyễn chẳng thật thời tâm
và Phật đều quên; nhưng tướng huyễn chẳng không thời không hoại tâm và
Phật”. Lại nói: “Ông chơn thật pháp thân vốn không sanh không diệt. Song
từ nơi chơn Phật mà phát khởi ra ông Phật Hóa thân để dẫn dắt người si mê.
Ðây chính là công đức bản nguyện của Như Lai, khiến những chúng sanh nào
có duyên kia, chuyên tâm tưởng niệm, hay ở trong tự tâm mình thấy Phật đến
rước; chẳng phải chư Phật thiệt có sai vị Hóa thân đến rước”. Thế thời
với thân Phật vẫn thường vắng lặng mà chúng sanh thấy có khứ, có lai như
hình trong gương, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, như việc trong mộng,
chẳng có chẳng không.
Lại trong
kinh Pháp Hoa nói: “Do chúng sanh muốn cho được thân Phật hóa độ thời đức
Quán Thế Âm Bồ Tát liền hiện thân Phật ra để vì thuyết pháp cho nghe”,
cũng ý đây vậy. Cho nên hễ có nước trong thời trăng tự đến, tâm thanh tịnh
thời Phật tự hiện. Chỗ gọi rằng cảm ứng đạo giao, khó nghĩ, khó bàn.
Sớ:
Nên biết khi lâm chung, thiết một tượng Phật và trợ niệm. Văn đây chép
trong kinh Phật, phép đây truyền ra từ bên nước Tây vức; không nên nghi
ngại.
Sao: Kinh
Hoa Nghiêm quyển 15, lời tụng nói: “Hễ thấy có người lâm chung thì ta
khuyên họ niệm Phật. Lại trương tượng Phật cho họ xem kính; khiến người đó
đối với Phật rất sanh tâm qui ngưỡng theo Phật cho nên đặng thành hào
quang ấy”. Lời sớ nói: “Phép bên Tây Vức có người khi muốn bỏ sanh mạng,
dạy họ trở mặt về hướng Tây; ở trước để một tượng Phật đứng, tượng kia
cũng trở mặt về hướng Tây. Dùng đảnh phan treo trên tay tượng, bảo người
bệnh tay nắm đuôi phan, tưởng vãng sanh theo Phật, và bao nhiêu người cùng
đốt hương, đánh chuông trợ niệm danh hiệu Phật. Chẳng những vong giả được
sanh về trước Phật, mà cũng trọn thành thấy được Phật quang. Nếu với người
xuất thần dạo đi các cõi, đi ở tự tại không ngăn ngại, đó là bực siêu phàm
để ngoài lời luận. Còn hoặc người chưa được như vậy thời phải gắng gổ làm
theo trên đó. Nghĩa là riêng vì trương tượng Phật để trợ việc vãng sanh;
huống chi người kia nhứt tâm bất loạn, cảm Phật hiện ra trước mặt; chớ lo
là ma sự mà tự sanh tâm nghi ngại không nên!
Sớ:
Xứng lý thời tự tánh vọng cùng, chơn lộ là nghĩa “cơn lâm chung Phật
hiện”.
Sao: Vọng
tâm chưa hết thời mờ mờ mịt mịt; đó là cái nghĩa “mạng căn chưa đoạn”. Mê
hoặc dứt, chấp trước không, tình lự tiêu, vọng kiến hết tỷ như người chết
nhà hư, khói tắt tro bay là cái nghĩa “mạng chung” đấy. Các cái mê vọng
hết rồi, không chơn còn đợi gì nữa? Bấy giờ dẫu cầu Phật đừng hiện ra
trước mặt cũng không thể được vậy. Song mà lòng từ của Phật vô hạn đâu đợi
cơn lâm chung mới là hiện ra trước. Thế cho nên có câu: "Luôn luôn hiện
trước kẻ thời nhơn mà kẻ thời nhơn tự chẳng biết" (2).
NGÃ VÃNG
PHẬT XỨ
Người ấy
khi chết tâm chẳng điên đảo liền đặng vãng sanh về nước Cực Lạc của Phật A
Di Ðà.
Sớ:
Văn trên nói chữ "lâm" đấy là mạng gần muốn thác. Văn đây nói chữ "chung
thời" chính là nói cái lúc hơi ấm (3) trong mình sắp hết, thần thức đi ra.
Tâm chẳng điên đảo là do vì nhứt tâm bất loạn nên chẳng điên đảo. Do vì
không điên đảo nên chẳng sanh về chỗ khác. “Liền đặng” là nói sự vãng sanh
rất mau chóng.
Sao: Ðiên
đảo là do người kia khi bình nhựt thuận theo thói vọng tưởng, không tu
chánh niệm, tâm nhiều tán loạn. Như văn trước đã nói: Lúc sắp bỏ hơi ấm
thời một đời chỗ làm lành hay dữ; bấy giờ đều hiện ra trước mặt; tâm thần
lo sợ trăn trở mò mằn co cúm. Người đáng vào trong địa ngục thời tự thấy
đối với núi đao, rừng kiếm, lại xem là vườn huê kiểng (vui thích). Người
đáng đọa trong loài súc sanh thời với bụng ngựa thai lừa lại nhận là nhà
cửa. Dầu cho người làm lành, được sanh cõi người hay cõi trời đi nữa,
nhưng cũng chưa khỏi cái khổ: ghét, thương, cha, mẹ (4); nhẫn đến bực Tiểu
Thánh sơ tâm (5) còn chưa chính biết được chỗ xuất nhập (6) nên chi gọi
rằng điên đảo (7). Nhơn điên đảo đấy nên phải tùy nghiệp thọ sanh trong 3
cõi, 7 thú (8).
Nay kinh
nầy nói: Ðã nhứt tâm bất loạn thời trong sẵn chánh niệm, ngoài cảm Phật
rước; bỏ báo thân nầy liền sanh về nước kia như lời Phật dạy: "Tùy kỳ tâm
tịnh tắc Phật độ tịnh". Lại nói tất cả quốc độ duy có tâm tưởng kềm giữ.
Trọn thành tâm tưởng thanh tịnh thời ắt đặng vãng sanh, hẳn không nghi ngờ
gì nữa (không sợ sanh về chỗ khác).
“Sanh về
chỗ khác” là có ba chỗ: 1. Thế giới Ta Bà đây; 2. Cõi nước Phật khác; 3.
Chỗ biên địa nước kia; nay đều lựa bỏ ra đó. Chữ “tốc” nghĩa là Mau, là
không trải qua thân trung ấm, không cách ngày giờ, nên trong Quán Kinh
nói: “Như trong khi đờn chỉ đã sanh về nước Cực Lạc kia rồi”.
Lại ngài
Trí Giả nói: “Cơn lâm chung mà tâm vẫn ở trong định, tức là cõi tịnh độ.
Khi tâm nó động niệm tức là liền sanh về cõi tịnh độ”. Chỗ nói “tâm ở
trong định” là: Kinh nầy nói “tâm chẳng điên đảo” vậy. Chỗ nói “tâm nó
động niệm” là sau đó nguyện được sanh về nước kia.
Sớ:
Kinh Ðại Bổn nói: “Thân thể của người ở bên nước Tịnh Ðộ, chẳng phải như
thân thể của người ở cõi đời này và cũng chẳng phải như thân thể của chúng
ở trên cõi trời, mà là thân thể ấy đều là những đức chứa các việc lành nên
tự nhiên cảm đặng cái thân thể nhẹ nhàng, bởi hóa sanh trong hoa sen, cũng
không có người nhũ dưỡng”.
Sao:
“Chứa các việc lành” ấy tức là các thân thành tựu bằng đa thiện căn, đa
phước đức, chẳng phải như do tâm ái dục làm nhơn, cảm quả thân bằng tứ đại
làm thể; cho nên chẳng do thai ngục mà là gá chất nơi ao sen thất bảo vậy.
“Cũng không có người nhũ dưỡng” ấy nghĩa là tự nhiên khôn lớn, không phải
như bên đất Bắc Cu Lô Châu còn đợi để đầu ngón tay ra sữa mà làm sự nuôi
nấng.
Sớ: Do
chỗ "nhứt tâm bất loạn” trên thì với những người được vãng sanh kia phân
ra làm cái nhơn tam bối cửu phẩm. Lại chín chắn phân tách ra cũng là vô
lượng.
Sao: “Tam
cửu” là kinh Ðại Bổn nói tam bối, kinh Thập Lục Quán nói cửu phẩm, do nhứt
tâm phân ra có sự và lý. Sự lý cũng lại phân mỗi cái có Thắng và Liệt. Sau
khi được vãng sanh đúng như chỗ căn bổn là cái nhơn tu đó mà chia làm phẩm
vị.
“Tam bối”
là như kinh Ðại Bổn nói: Bực thượng bối là do những người phát tâm Bồ Ðề
chuyên niệm Phật A Di Ðà tu các việc công đức và nguyện sanh về nước kia.
Ðến khi mạng gần thác, Phật và các hàng thánh chúng hiện trước mặt người
đó; người đó liền ở trong ao thất bảo, hoa sen hóa sanh, trụ bực bất thối
chuyển, trí huệ dõng mãnh, thần thông tự tại. Chỗ ở thì là các cung điện
bằng bảy báu ở giữa hư không, cách Phật rất gần”. Thế gọi là: người sanh
bực thượng bối; phối hợp với văn trước thời bực này đặng cả sự và lý nhứt
tâm.
Bực trung
bối là những người không thể tu các công đức lớn mà cũng phát tâm Bồ Ðề,
chuyên niệm hồi hướng. Khi mạng chung sanh về cõi kia, công đức trí huệ
sút hơn bực thượng bối; thế gọi là người sanh bực trung bối. Phối hợp với
văn trước thời bực này vừa đặng sự nhứt tâm có dư, nhưng với lý nhứt tâm
thời chưa đủ.
Sanh bực
hạ bối là những người không thể làm các việc công đức, nhưng cũng phát Bồ
Ðề tâm, một bề chuyên niệm nhẫn đến mười niệm, được sanh về cõi kia; nhưng
cung điện thì chỉ ở trên đất, lại sút hơn bực trung bối; thế gọi là người
sanh bực hạ bối. Phối sánh với văn trước thời bực nầy chỉ đặng sự nhứt
tâm, chớ chưa đặng lý nhứt tâm.
“Cửu
phẩm” là trong Quán Kinh có nói: Với trong ba phẩm thượng, có người sanh
về cõi kia liền đặng trăm nghìn pháp Ðà La Ni; có người sanh về cõi kia
phải trải một tiểu kiếp mới đặng bực vô sanh nhẫn, có người sanh về cõi
kia, còn phải trải ba tiểu kiếp mới đặng bách pháp minh môn, trụ nơi bực
Hoan Hỉ địa. So sánh với văn trước thời phẩm nầy được cả sự và lý nhứt
tâm; nhưng có cao và thấp cho nên thành ba phẩm; đây đồng như bực thượng
bối.
Với trong
ba phẩm trung, có người sanh về nước kia liền đặng quả A La Hán; có người
sanh về nước kia đến nửa kiếp mới đặng A La Hán; có người sanh về nước
kia, trải một kiếp mới đặng quả A La Hán. Phối với văn trước thời ba phẩm
nầy với sự nhứt tâm đầy đủ, Lý nhứt tâm còn kém thiếu, cũng có cao và
thấp, nên thành ra ba phẩm. Lệ nầy đồng như bực trung bối.
Với trong
ba phẩm hạ, có người sanh về nước kia, phải trải 10 tiểu kiếp mới đặng vào
bực Sơ địa; có người sanh về nước kia trải đến sáu kiếp hoa sen mới nở,
phát tâm vô thượng đạo; có người sanh về nước kia, 12 đại kiếp mới phát
tâm bồ đề; phối với văn trước thời 3 phẩm nầy chỉ có sự mà không có lý;
cũng do cao thấp nên thành ra 3 phẩm; lệ như bực hạ bối.
“Chín
chắn phân ra” là như trong văn trước nói: Trong bối phẩm phân ra lại phân
ra thời có trăm nghìn vạn ức vô cùng Bối và Phẩm, đều là do sự nhứt tâm và
lý nhứt tâm chỗ đặng có cao và thấp mà làm ra có thứ lớp nhiều thế.
Sớ:
Như trong Quán Kinh nói: “Bực thượng phẩm thượng sanh là bực người đã đặng
quả vô sanh nhẫn”. Ngài Thiên Thai phán ra cho thuộc về bực Sơ Ðịa, mà
kinh Hoa Nghiêm nói: “Với quả vô sanh nhẫn tự có bực thấp và cao”. Thời
trong phẩm thượng thượng thật có nhiều phẩm; huống nữa là các phẩm trung
và hạ kia!
Sao:
“Thấp cao” là Kinh Hoa Nghiêm nói bực Bát Ðịa trong phần Tịnh Nhẫn, lời Sớ
nói: “Bực Vô Sanh Nhẫn lược có hai nghĩa: 1. Ước về pháp; 2. Ước về hạnh.
Ước pháp thời những cái lý vô khởi tác đều gọi là Vô Sanh; tâm huệ an trụ
trong lý đó nên gọi là nhẫn. Ước hạnh thời Báo thân giới hạnh thuần thục,
trí hiệp với lý, không trụ nơi vô tướng, không chấp nơi vô công, rộng rãi
như hư không, lặng trang như biển đứng; tâm thức vọng hoặc, bặt hết không
khởi, mới gọi là Vô Sanh”. Thuyết trước còn chung các địa, thuyết sau chỉ
riêng về Bát Ðịa; còn bao nhiêu như trong lời tự quyển trước đã có biện.
Cho nên
biết bực Vô Sanh Nhẫn tự có thấp và cao, thời trong phẩm thượng thượng từ
bực Nhứt Ðịa nhẫn đến bực Bát Ðịa đã trùm nhiều phẩm. Với các phẩm kia
khá biết vậy nên chín chắn phân ra cũng đến vô lượng.
Sớ:
Lại tam bối cửu phẩm, hai kinh phối nhau thời mỗi thuyết có chút khác. Như
ngài Phụ Chánh chỗ giải dung thông.
Sao:
Trong Quán kinh lời Sớ nói: “Kinh đây nói cửu phẩm vì khiến cho biết phẩm
vị có cao và có thấp, tức kinh Ðại Bổn nói tam bối”.
Ngài Cô
Sơn nói: “Tam bối trong Ðại Bổn chỉ ngang với sáu phẩm về trước trong Quán
kinh. Vì tam bối thuần nói người hành thiện, không nói đến người ác vậy”.
Ngài Linh chi phân tam bối chỉ đối với ba ngành phẩm thượng; cho nên nói:
“Các thuyết có khác nhau chút đỉnh”.
Ngài Thảo
Am Phụ Chánh giải rằng: “Ngài Thiên Thai nói chín phẩm đồng với tam bối là
so về ngôi thứ đồng nhau, chớ không phải nói bằng cách so về hạnh nhơn
(cái nhơn tu). Thời ngài Cô Sơn, ngài Linh Chi đều không trái với ngài
Thiên Thai. Sở dĩ vì sao? Do ngài Thiên Thai chỉ ước về ngôi thứ thời bối
phẩm ngang đồng. Còn hai ngài kia chỉ ước về hạnh nhơn thời chỉ bằng ngang
với phẩm trung, phẩm thượng. Ngài nào cũng đều có chỗ chứng cứ, nhưng dùng
nghĩa chẳng đồng; cho nên chẳng trái vậy”. Song chắc thật mà luận thời tâm
phiền não chẳng khác tâm bồ đề, trước ác nào ngại gì sau thiện, người ác
đã trở thành người thiện, đâu chẳng phải đồng bực với thánh hiền? Tam bối
cửu phẩm phối hiệp ngang nhau, không chi phải nghi hết.
Sớ:
Lại kinh Hoa Nghiêm nói: “Người niệm Phật ‘số’ cùng ‘tâm’ bằng nhau”
v.v... tức là nghĩa tam bối, cửu phẩm tùy gốc tu nhơn chẳng đồng.
Sao: “Số,
tâm bằng nhau” là: Kinh Hoa Nghiêm quyển 23, ngài Ly Cấu Tràng Bồ Tát nói
lời kệ rằng: “Như người tu pháp trì danh, lấy Phật làm cảnh giới, chuyên
niệm mãi không thôi, thời người đó được thấy Phật. Số, cùng tâm kia bằng
nhau” v.v... Giải rằng: Số cùng đồng bực với tâm nghĩa là tùy niệm tùy
hiện. Tùy niệm có hai nghĩa: 1. Tùy niệm nhiều ít, Phật hiện cũng in như
đó. Như niệm Phật một tiếng, có một vị hóa Phật từ trong miệng bay ra
v.v... 2. Tùy niệm cạn, sâu thời Phật hiện cũng xứng đó, như cơn lâm chung
thấy Phật, có thắng, có liệt v.v... Nhiều, ít, cạn, sâu, tức bối, phẩm
phân biệt. “Người ấy được thấy Phật” tức là đức Phật A Di Ðà hiện ở trước
mặt người đó. “Chuyên niệm” là gì? Tức là nhứt tâm bất loạn.
Sớ:
Lại ngài Chí Nhãn nói hai món tịnh nghiệp cũng là nghĩa tam bối, cửu phẩm.
Sao: Ngài
Chí Nhãn pháp sư nói: “Một môn vãng sanh đây có hai pháp tịnh nghiệp: 1.
Pháp chánh quán thầm soi trong bản tâm của mình. 2. Pháp trợ hành: làm đủ
muôn việc lành. Hai việc đều đặng thời rõ thấu bốn cõi tịnh độ.
Như người
chỉ làm đặng sự thiện, gần thời sanh về cõi Ðồng Cư, còn xa thì làm cái
nhơn cho ba cõi kia. Cho nên biết cõi Tịnh Ðộ chính là cảnh giới của ông
Cứu Lý Bồ Tát đi lên; mà cũng là gồm chứa chúng sanh ngơ ngơ nữa (Cứu Lý:
Ðắc pháp niệm Phật bằng lý nhứt tâm. Ngơ ngơ: Cái nhơn còn xa).
Lại nói
rằng: Bực viên cơ thể đạo (rõ đạo) là phép tịnh nghiệp tối thượng. Nếu
thêm lời nguyện để dắt đường thời liền được dự hàng ưu phẩm (phẩm thượng).
Còn những chúng tối dốt, chỉ niệm Phật phát nguyện thì cũng được sanh về.
Xem một môn Tịnh Ðộ thời vị thánh nhơn không bỏ một ai cả.
Xét câu
nói: “Pháp chánh quán” thời thông cả phẩm thượng, phẩm trung. Câu nói:
“Pháp trợ hành” thời đồng cả phẩm trung phẩm hạ. Lại ngài pháp sư làm lời
luận đây rất đúng; kẻ xem đến chớ nên khinh thường.
Sớ: Có
người hỏi: Với chín phẩm mà tám phẩm dưới từ trong hoa sen hóa sanh ra do
vì phẩm thứ nhứt nói kim cang đài. Nay tham hiệp theo các kinh luận thời
kinh luận nào cũng vẫn nói cả chín phẩm đều thuộc về hoa sen sanh ra.
Sao: Chấp
rằng tám phẩm dưới đều từ hoa sen sanh là họ căn cứ trong Quán kinh văn
thượng phẩm thượng sanh nói: “Người kia tự thấy thân mình ngồi trên đài
kim cang”, bởi trong đó không có hai chữ “liên hoa”, đó là phẩm thứ nhứt.
Cho nên họ nói tám phẩm sau mới là từ trong hoa sen sanh ra. Song trong
kinh luận đã nói đành rành, đều nói rằng người sanh Tây phương, cả chín
phẩm đều từ hoa sen mà sanh ra kia mà; kêu bằng "cửu phẩm liên hoa vi phụ
mẫu...”
Kinh Ðại
Bổn ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Vô ương số thế giới chư thiên nhơn dân
nhẫn đến loài quyên phi xuẩn động, hễ sanh về trong cõi của ta thì đều ở
giữa ao thất bảo, trong hoa sen hóa sanh”. Nói chữ Giai (đều) thời gồm cả
chín phẩm nốt.
Lại nói
các bực đại Bồ Tát phương khác, muốn thấy Phật A Di Ðà thì ở nước kia
trong ao thất bảo, hoa sen hóa sanh; nói bực Ðại Bồ Tát thời ắt không phải
phẩm trung, phẩm hạ.
Lại nói
người đặng sanh bực thượng bối kia, khi mạng muốn thác, Phật cùng các vị
Thánh Chúng đều đến rước về. Người kia liền ở trong ao thất bảo, hoa sen
hóa sanh. Nói bực thượng bối tức là đối ngang với bực thượng phẩm, đều
không có cái ý rằng bực tối thượng chẳng có hoa sen? Lại kinh Pháp Hoa
nói: “Người nghe kinh điển này, y như lời nói trên đây mà tu hành, khi
mạng chung liền sanh về Cực Lạc thế giới. Phật A Di Ðà có các vị Bồ Tát
vây đoanh chỗ ở; người ấy trong hoa sen sanh ra đặng bực Bồ Tát có thần
thông, vô sanh pháp nhẫn”.
Xét rằng:
Ðặng bực vô sanh nhẫn chẳng phải bực thượng thượng phẩm chớ gì?
Lại phẩm
hạnh nguyện, đức Phổ Hiền Bồ Tát dùng 10 lời đại nguyện vương để dắt về
nước Cực Lạc, mà nói rằng: “Cõi Phật kia chúng hội đều thanh tịnh; ta bấy
giờ ở trong liên hoa tốt nhứt sanh ra”. Xét rằng: Ðức Phổ Hiền vãng sanh
chẳng phải bực thượng thượng phẩm hay sao?
Lại kinh
Bảo Tích nói các vị Bồ Tát ở bực thập tâm Hồi Hướng, sau đặng vào trong
hoa sen hóa sanh. Xét rằng bực thập tâm Bồ Tát chẳng phải bực thượng
thượng phẩm hay sao? Lấy đây nghiệm xét ắt chứng rành.
Hỏi: Quả
vậy thời trong văn thượng thượng phẩm, sao lại nói kim cang đài mà chẳng
nói hoa sen? Ðáp: Vì rằng lối hành văn lẫn nhau có và không, chớ nên chấp
nhứt. Do đâu biết thế? Bởi văn thượng phẩm trung sanh cũng nói ngồi trên
cái tử kim đài đó rồi; lại cũng cho rằng từ bảy phẩm dưới mới có hoa sen
sanh hay sao? Huống chi phẩm trung sắp xuống cũng chỉ nói rằng: “Người
ngày khi mạng chung, ví như anh tráng sĩ trong lúc co duỗi cánh tay đã
sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới”, trong văn đều thiếu hai chữ hoa sen,
rồi lại cũng cho rằng: 6 phẩm dưới mới là từ trong hoa sen sanh hay sao?
Xét rằng: Ðã nói không hoa sen là hơn thời phẩm trung, phẩm hạ là phẩm
thua kém, sao cũng chẳng có hoa sen?
Lại với
cái ngành thượng của trung phẩm sắp lên riêng có nói liên hoa đài, thời
cái đài đó nó đồng một loại với kim cang đài và tử kim đài chăng? Hay là
nó đồng một loại với liên hoa ư? Lộn xộn không thứ lớp, tấn thối không căn
cứ; thế rõ biết văn thiếu lẫn mà nghĩa ắt lẫn đủ vậy.
Theo ý
hiểu của tôi (ngài Vân Thê) phẩm nào cũng đều có hoa sen tất cả, hoa nào
cũng đều có đài tất cả. Nhưng mỗi đài đều chẳng đồng nhau vì có tốt, có
xấu, mà cái đài bằng ngọc kim cang thì là cái đài tốt hơn hết đấy thôi.
Như ông
Trần Hoài Ngọc ngân đài vừa qua, kim đài nối đến, khá chứng nghiệm vậy. Vả
chăng chữ Ðài có hai nghĩa: 1. Chữ đài thuộc nghĩa cơ đài, là cái đài nó ở
phía dưới hoa vì nó làm cái nền; như ở đời, người ta chạm tượng Phật, dưới
có làm cái bửu đài, trên đài để những cánh hoa, trên hoa để vị Phật, phải
vậy. 2. Chữ đài thuộc nghĩa phòng đài; là cái đài nó ở trong hoa, vì hoa
bao bọc bốn phía nên gọi là phòng. Như trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa lấy hoa
sen nêu 10 nghĩa Như. Ðến văn “như thị báo” nói: “Ví như hột sen đều ở
quanh giữa cái phòng đài”. Lại nói: “Hột nương ở trong cái đài” thì người
đời thường nói tức là cái gương sen, phải vậy (Liên phòng: buồng sen, vì
nhốt chứa hột sen).
Lại kinh
Hoa Nghiêm văn Thập Ðịa Liên Hoa nói: “Hoa sen kia dùng ngọc lưu ly làm
cọng, gỗ chiên đàn làm đài gương, ngọc mã não làm nhụy, tua vàng Diêm Phù
Ðàn làm lá cánh”. Thế thì đều có nói cọng sen, gương sen, nhụy sen và cánh
sen. Mà kinh Niết Bàn cũng nói: "Ví như cọng, cánh, nhụy, gương hiệp làm
hoa sen”; đây chỗ gọi rằng: Phòng đài đều là cái gương sen, tức là ý nghĩa
rằng: ngọc báu chân thúc ca làm đài gương sen của kinh Pháp Hoa. Xem đây,
thời biết trong Quán kinh về pháp quán hoa tòa, trước dạy: Phải tưởng hoa
sen; kế nói lấy ngọc Thích Ca Tỳ Lăng Già làm cái đài sen. Thế là cái đài
nầy nó ở trong hoa.
Lại nói
mỗi mỗi sắc vàng, mỗi mỗi chỗ biến hóa; hoặc biến làm đài kim cang; hoặc
biến làm lưới báu v.v... Thế thời cái đài nầy lại ở dưới hoa. Cho nên văn
thượng phẩm trung sanh trước nói tử kim đài; kế nói dưới chơn cũng có hoa
sen bằng thất bảo. Thế thời cái tử kim đài nầy ở dưới hoa đã rõ ràng.
Phàm hoa
sen thời ắt có đài (gương), đài ắt có hoa. Nói Kim Cang đài không nói hoa,
hay nói hoa không nói đài; văn trước, sau lẫn nhau bày rõ không nên chấp.
Nhưng những người đặng sanh lên phẩm thượng thượng, một phen vừa gá vào
hoa sen, tức thời hoa nở tức thời thấy Phật, tức thời chứng đạo. Còn các
phẩm sau đó thời hoa nở lần lần muộn, thấy Phật lần lần chậm, chứng đạo
lần lần cách xa. Lấy đây mà phân biệt thời biết chỉ có phẩm thượng thượng
là đặc biệt riêng hơn, nhưng chẳng phải là không hoa sen, vì hễ nói đài
thì đã có gồm cả hoa sen rồi.
Nếu chấp
rằng: Không hoa sen là hơn, có hoa sen là thua, thế là khi dễ sen vậy! Mà
với hoa sen đã là khinh dễ thì sao còn cầu về nước Liên Bang? Mà trong
pháp quán hoa tòa cũng nói Phật ngồi trên hoa sen thời vị Phật đó cũng là
thua hèn ư? Lý đó sẽ nói làm sao cho thông?
Hỏi: Sao ngài Tứ
Minh có nói rằng: “Chín phẩm nước Cực Lạc, tám phẩm từ hoa sen sanh ra” ư?
Ðáp: Ngài Tứ Minh chỉ nói rằng: “Tám phẩm từ hoa sen sanh, chớ ngài chưa
nói không hoa sen thiệt là phẩm nào?” Do vì với phẩm trung, phẩm hạ, ngài
cũng không nói hoa sen. Nếu quả phẩm thượng thượng không hoa sen thời chắc
ngài cũng ắt có nói rành, chớ lẽ nào ngài chỉ mở mối đầu mà rốt cuộc rồi
ngài không nói gì hết là sao vậy?
Hay là chữ Bát
đó là người ta viết lầm cũng chưa biết chừng! Ðâu biết chẳng phải ngài Tứ
Minh nói: “Nước Cực Lạc chín phẩm từ hoa sen sanh ra” ư? Ðợi bực cao minh
biện lại đó.
Sớ: Hỏi:
Ngoài phẩm hạ, lại có thai sanh, là thiệt có hay không? Ðáp: Ðó là vì nêu
lên cho biết rằng: Người niệm Phật mà sức tin không kiên cố; chớ thiệt
không có thai sanh.
Sao:
“Không có thai sanh” đó, kinh Ðại Bổn nói rằng: “Ðức Phật Thích Ca bảo đức
Di Lặc: ‘Nếu có chúng sanh tu các công đức, nguyện sanh về cõi kia mà
không rõ trí Phật, chí ý dụ dự; đến khi mạng chung mới ăn năn lỗi mình. Vì
vậy, sanh về cõi kia mới vào đến chỗ biên địa, thấy thành thất bảo, liền ở
đó, trong hoa sen sanh ra, cũng có tự nhiên khoái lạc như cõi trời Ðao Lợi
nhưng ở trong thành đó trải qua trăm năm không đặng thấy Phật, không nghe
kinh pháp, khổ là vậy đó! Nên gọi là thai sanh, chớ không phải thật có
thai sanh như cõi nhơn gian nầy vậy đâu. Lại dụ như nhà vua (Sát Ðế Lợi),
thái tử của ngài phạm phép bị cầm trong nội cung, ở nhà bằng hoa ngọc, lầu
cao điện ấm, đồ ngọc báu trang sức quí tốt rất đẹp, màn báu giường vàng,
thức ăn mặc, vật xài dùng thảy đều dư giả, mà lấy dây vàng Diêm Phù buộc
xiềng hai chơn, chẳng đặng thong thả; tức dụ như thai sanh vậy.
Lại nói như
người đó biết gốc tội của mình, biết tự hối trách, cầu khỏi chỗ đó, tức
đặng về đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ.
Lại trong kinh
Bồ Tát Xử Thai nói: “Bên Tây phương cách cõi Diêm Phù Ðề đây 12 ức na do
tha, có một cõi tên là Giải Mạn. Quốc độ đó toàn bằng thất bảo, sự vui cõi
đó không chi bằng. Bởi móng ý muốn sanh cõi nước của Phật A Di Ðà, nhưng
còn bị nhiễm đắm nơi cõi đó, không thể đi tới trước đặng”, cũng là đồng
loại với nghi thành và biên địa vậy.
Thế là người
niệm Phật mà lòng nguyện vãng sanh không tha thiết nên mới ra nông nỗi!
Sớ: Hỏi: Ðã
nói rằng niệm Phật trong 7 ngày nhưng mà với người khi lâm chung chỉ có 10
tiếng niệm Phật thì trong giây phút ít quá, như thế làm sao được vãng
sanh?
Ðáp: Chính do
vì nhứt tâm bất loạn như trong luận Trí Ðộ nói. Lại nhờ sức mình và sức
Phật như trong kinh Na Tiên nói.
Sao:
“Luận Trí Ðộ nói”: Chép rằng: “Khi người sắp chết, cái tâm trong giờ phút
rất ít đó niệm Phật, sao cho hơn đặng trọn một đời gắng sức tu hành? Ðáp:
Tuy trong thời gian chốc lát, nhưng tâm lực nó mạnh mẽ, tâm rốt sau đó gọi
là đại tâm”. Phải biết tâm ấy tức là nhứt tâm bất loạn.
Kinh Na Tiên
nói: “Có ông vua hỏi ngài Na Tiên rằng: ‘Với người cả đời tạo ác khi lâm
chung mới niệm Phật đặng sanh về nước Phật, ta chẳng tin lời đó?’ Ngài Na
Tiên đáp rằng: ‘Như người rinh một viên đá lớn để ở trên chiếc thuyền; nhờ
thuyền đá đặng khỏi chìm. Người tuy trước ác, sau nhơn nhờ niệm Phật khỏi
đọa địa ngục mà đặng vãng sanh, cũng lại như vậy”. Thế là tỏ rằng nhờ tâm
lực của mình và nguyện lực Ðức Phật, cả hai giúp lẫn nhau mới thành được
việc.
Sớ: Hỏi: Ðã
nói rằng vãng sanh, người xưa lại nói: “Sanh thời quyết định sanh, đi thời
thiệt không đi”, đó là có sanh không đi qua. Còn nay đây có đi qua để hóa
sanh, thành ra hai nghĩa trái nhau?
Ðáp: Do sanh
trong tâm mình, cho nên qua bằng cách không phải như chơn bước đi qua nên
gọi là “vãng sanh”. Như trong Kinh Hoa Nghiêm lời của ngài Giải Thoát
Trưởng giả đã nói.
Sao: Kinh Hoa
Nghiêm: “Cõi pháp giới trùng trùng, nhưng cũng không ngoài cái tâm”. Kinh
Lăng Nghiêm Phật bảo A Nan rằng: “Mười phương cõi hư không đều ở trong cái
tâm của ngươi”. Thế nên biết sanh về nước Cực Lạc tức sanh nơi tự tâm của
mình; vì tâm nó không giới hạn thì không Ðông, không Tây, thế thì đi đến
chỗ nào? Nghĩa là hình dung ra cái lý: Ðổi uế, làm tịnh, đổi cái cũ thành
cái mới, bỏ một đặng một, tuồng như có chỗ qua, kêu đó là “vãng”, đâu phải
rằng từ đây đến kia, như cái tướng đi qua của trong thế gian khỏi thành
này qua ấp nọ ư?
Câu “Giải Thoát”
là: Kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới, ông Giải Thoát trưởng giả nói:
“Các đức Như Lai kia, chẳng đi đến cõi nầy, ta cũng chẳng đi đến cõi kia,
nhưng hễ muốn nguyện thấy thế giới An Lạc Phật A Di Ðà, tùy ý liền thấy”.
Ðó đã nói rằng:
tùy ý thời không vượt ngoài một niệm, mà đã được sanh sang nước kia. Cho
nên biết rằng: Hình dung cái lý đặng sanh kia nên gọi đó là “vãng sanh”,
mà thiệt ra không chỗ để qua. Với lẽ “không qua mà qua” cũng không ngại gì
nói “có qua”. Xét tột mà luận: Chẳng những không qua, lại cũng không sanh.
Với lẽ “không sanh mà sanh” cũng không ngại gì nói “có sanh”.
Sớ: Hỏi: Với
trong Nội Viện Ðâu Suất, người xưa cũng nguyện sanh về, nay sao riêng chỉ
nước Cực Lạc? Ðáp: Vì với nhơn tu có khó, có dễ, cảnh chứng có thắng, có
liệt, và chủ có thầy có trò.
Lại hỏi: Thế
giới Thắng Liên Hoa rất hơn nước Cực Lạc, sao lại không nguyện về? Ðáp: Vì
nước Lạc Bang ở gần không nên tìm xa.
Sao: Ý người hỏi
là cho rằng: Ðức Di Lặc cũng hiện tại thuyết pháp, chốn Nội Viện cũng
thanh tịnh trang nghiêm, mà không cầu vãng sanh về đó là cớ làm sao? Ðáp:
Có ba nghĩa:
1. Vì cái
nhơn tu khó dễ là: Phàm sanh nội viện phải đủ trí đức, đoạn đức (10), có
hai công đức đó mới kham dự hàng thánh lưu. Ấy là khó, không bằng nước Cực
Lạc: hễ người cầu vãng sanh tịnh niệm thành tựu liền đặng như nguyện,
không luận còn hoặc nghiệp, phải có trí, có đoạn gì vì được đới nghiệp
vãng sanh; ấy là dễ.
Xưa ngài Huyền
Tráng Pháp sư nói: “Với chốn Nội Viện dễ sanh bởi cõi Ðâu Suất cách cõi
nhơn gian số dặm đường có thể tính được; cõi Cực Lạc cách cõi Ta Bà trải
qua nhiều cõi Phật!” Ngài Tráng sư kia chỉ luận về dặm cõi, chớ không luận
về cái nhơn tu; nay kinh nầy luận nhơn tu, không luận dặm cõi. Mỗi nghĩa
đều có chỗ dùng riêng, song luận cho tột lẽ thì lời ngài Tráng sư là vì
căn cơ một loại đương thời; còn lời của kinh nầy là cái đạo để muôn đời
thường làm.
2. Cảnh có thắng
và liệt là: Chốn Nội Viện không khỏi ở trong tam giớI, còn nước Cực Lạc ra
khỏi ngoài tam giới. Chỗ nghi thành của nước Cực Lạc còn không có nữ nhơn,
còn sanh về chốn Nội Viện rủi sanh trật ở ngoài thời bị đắm việc vui ngũ
dục. Cho nên nói sanh nhằm phẩm hạ hạ là một bực chót của nước Cực Lạc còn
hơn trăm lần ở chốn thiên cung.
3. Chủ, thầy trò
là: Phật Di Ðà là bực quả tròn muôn đức đã chứng Như Lai; đức Di Lặc là
ông Bồ Tát bổ xứ còn ở bực Ðẳng Giác. Kinh nói trong nước Cực Lạc kia có
nhiều vị Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ thời biết rằng đức Di Lặc sánh ngang với
đức Quán Âm, Thế Chí đồng hầu bên vị Ðạo Sư (Di Ðà) cũng như thầy trò vậy.
Cho nên đặng thấy Phật Di Ðà rồi tức thấy đức Di Lặc, thấy đức Di Lặc vị
tất là thấy Phật Di Ðà vậy. Lại bực cổ đức có nói: “Trước sanh Tây
phương, sau sanh Long Hoa” cũng có lý lắm. Riêng cầu về Cực Lạc, đâu chẳng
phải ư?
Với thế giới
Thắng Liên Hoa đã rõ thấy trong văn Thọ Mạng trước. Nay nói kinh Hoa
Nghiêm so luận các quốc độ thời kế sau cõi Ta Bà, tức gọi là nước Cực Lạc;
còn xa đó lại càng xa đến trăm vạn vô số thế giới mới nói đến cõi Thắng
Liên.
Thế thời cõi Cực
Lạc là nước ở gần, cõi Thắng Liên là nước ở xa lắm. Dụ như nước Việt mất
mùa, nước Ngô đặng mùa; cất bước là tới ngay nước Ngô, thế nhưng bỏ nước
Ngô không tới mà đi mến nước quá xa cách như nước Yên, nước Tần (11) thì
cũng lầm lắm đó.
Sớ: Hỏi: Tôi
thấy có người một đời niệm Phật khi lâm chung chưa ắt vãng sanh, là sao
vậy?
Ðáp: Bởi họ
chỉ một đời niệm Phật mà chưa phải là nhứt tâm niệm Phật vậy.
Sao: Những bọn
lơ lơ một đời niệm Phật đó mặc dầu là không giải đãi nhưng cũng không tinh
tấn nên chưa đặng nhứt tâm; thành thử không đặng sanh về. Nếu quả chơn
thật dụng tâm mà chưa được thuần nhứt, tuy đời nay chưa đặng vãng sanh
nhưng cũng đã trồng cái nhơn vãng sanh, sẽ qua đời sau ắt thành tựu pháp
niệm Phật tam muội mà đặng vãng sanh.
Như trong kinh
Phạm Võng nói: “Nay tuy chưa đắc giới mà cũng đặng thêm phần lợi ích cho
sự thọ giới đời sau”. Trong Tông môn bảo rằng: “Ðời sau vừa ló đầu ra chỉ
nghe một phần mà biết được một nghìn phần” là nghĩa đây vậy. Dè chớ đổ
rằng: Tôi thấy người kia niệm Phật luống nhọc vô ích, rồi chê lời Phật dạy
cho là không đủ tin!
Sớ: Xứng lý
thời tự tánh vô hình là nghĩa “bất điên đảo”; tự tánh vô cấu là nghĩa
“sanh Cực Lạc Tịnh Ðộ”.
Sao: Ðức Lục Tổ
nói: “Ta có một vật không đầu, không đuôi, không bề lưng, không phía mặt”;
thế thì dù tìm cái tướng ngay của nó còn không thể được, toan lấy cái gì
là xiên là lộn ngược mà hòng kêu là “điên đảo” ư?
Bát Nhã Tâm kinh
nói: “Ðấy là cái tướng chơn không của các pháp vì nó bất cấu, bất tịnh",
thế thì tìm cái tướng tịnh của nó còn không thể được, toan chỉ chỗ nào để
gọi là cõi Ta Bà ư?
Vậy nay nói chỗ
“không điên đảo” đó là toàn thân đã ngồi liên đài nước Cực Lạc. Còn nếu
một niệm điên đảo vừa sanh tức thời đã ở ngay quốc độ Ta Bà! Rõ là tâm
tịnh độ tịnh; vì tức tâm tức độ, tức độ tức tâm thì Tây phương cách đây
chẳng xa.
KẾT
KHUYÊN
Nầy Xá Lợi Phất!
Ta thấy điều lợi ích ấy nên nói lời khuyên bảo nấy. Nếu có chúng sanh
nghe lời đây rồi nên phải phát nguyện sanh về cõi nước kia.
Sớ: “Ích lợi
ấy” là chỉ văn trước “thấy Phật đặng vãng sanh”. “Lời đây” là: Thấy lợi
lớn nầy nên nói lời nhứt tâm trì danh đây vậy. Người không nguyện sanh về
thời riêng phụ lời Phật. Ðây là lớp khuyên thứ hai.
Sao: Lời mà
không lợi ích, Phật Ngài không nói. Nay pháp trì danh liền đặng vãng sanh
đối với chúng sanh có lợi ích lớn nên Phật ngài nói vậy. Bởi vì đã đặng
vãng sanh đó gọi là tự lợi. Sanh về nước kia rồi, nghe pháp đắc đạo, trở
lại cõi Ta Bà có thể rộng ra độ nhiều chúng sanh; đó gọi là lợi tha.
Ðủ hai việc lợi
trên, cho nên nói là “lợi lớn”. Lớp khuyên thứ hai là: ban đầu nói chúng
sanh nghe ấy chỉ là đặng nghe nước kia trang nghiêm tốt đẹp nên khởi tâm
nguyện muốn, mà chưa biết làm như thế nào để đặng sanh đó (là lớp khuyên
thứ nhứt).
Nay Phật mới chỉ
ra cái nguyên do rằng nhứt tâm trì danh thời được Phật đến tiếp dẫn, liền
đặng sanh nước kia thời nguyện lại càng thâm, chí lại càng thiết; cho nên
nói lớp khuyên thứ hai.
Sớ: Lại nữa
nói việc lợi là: rõ lại với việc hại bởi không nguyện vãng sanh là chỉ chỗ
để ưa và nhàm vậy.
Sao: Cõi nầy tu
hành trải nhiều kiếp thăng trầm mà chưa chắc đặng giải thoát, nay dùng
pháp xưng danh niệm Phật chắc được vãng sanh liền lên bực bất thối; so chỗ
lợi chỗ hại rõ như xem chỉ bàn tay. Lợi tức là các việc vui, hại tức là
các việc khổ, nên phải có ưa và nhàm.
Sớ: Lại chữ
"ngã thuyết" (ta nói) chính là rõ về phần giáo có nói rằng không ai hỏi
Phật mà ngài tự nói vậy, nên gọi bằng "vô vấn tự thuyết".
Sao: Phật thấy
lợi ích lớn ấy kíp vì chỉ bày; thế mà còn e các chúng sanh chậm chạp, mất
nhờ chỗ lợi; cho nên ngài không đợi ai thỉnh vấn vậy.
Sớ: Xứng lý
thời tự tánh cụ túc là nghĩa “lợi ích”.
Sao: Thử
xem tự tánh thiếu thốn sự gì? Trên thể Linh Tri (Phật tánh) Phật Di Ðà
cùng các thánh chúng cả ngày hiện trước; trong cõi thường Tịch Quang (pháp
giới tánh), nước Cực Lạc, cõi Tịnh bang không giờ phút nào chẳng vãng
sanh.
Ngặt vì Phật
thấy lợi ấy, chúng sanh như đui. Phật nói lợi ấy, chúng sanh như điếc. Tuy
đã nhọc nNgài mỏi miệng cạn lời, nhưng cần phải chính ta một phen tự thấy
mới được.