PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
---o0o---
QUYỂN THỨ NHỨT
(tiếp theo)
B.- KHAI
CHƯƠNG THÍCH VĂN
(phân ra
làm hai)
1.
Lược Tiêu. Dón nêu 10 nguyên tắc.
2.
Tường thích. Giải rõ mười môn ấy.
1.- LƯỢC
TIÊU
Sắp giải
kinh này chung nêu mười môn:
1.
Giáo khởi sở nhơn: Cái nhơn vì giảng giáo.
2.
Tạng giáo đẳng nhiếp: Gồm thâu tạng, giáo, phần.
3.
Nghĩa lý thâm quảng: Nghĩa lý rất rộng sâu.
4.
Sở bị giai phẩm: Thích hợp các giai phẩm.
5.
Năng thuyên thể tánh: Chuyên bàn về thể tánh.
6.
Tôn thú chỉ qui: Chỉ rõ về tôn thú.
7.
Bộ loại sai biệt: Bộ loại sai khác nhau.
8.
Dịch thích tụng trì: Người dịch, giải, tụng, trì.
9.
Tổng thích danh đề: Chung giải tên kinh này.
10.
Biệt giải văn nghĩa: Giải riêng nghĩa từ văn.
CHÚ
GIẢI: Với sự giải kinh này so theo ý lời Sớ Kinh Hoa Nghiêm lược làm
mười môn: Tám môn trước thuộc về nghĩa môn, hai môn sau là chánh thích về
kinh văn.
Lại nữa
với việc chia 10 môn để giải đây đại đồng tiểu dị với “ngũ trùng huyền
nghĩa” (51) của ngài Thiên Thai vì là chia ra thành 10 môn, thâu lại còn 5
môn, nên có chỗ nhiều và ít vậy thôi.
2.- TƯỜNG
THÍCH
(Giải thích
rõ 10 môn trên)
Trước từ
Giáo khởi sở nhơn đến 10 là Biệt giải văn nghĩa.
GIÁO KHỞI
SỞ NHƠN (phân ra làm hai phần)
1.
Tổng: Giải rõ phần chung.
2.
Biệt: Giải rõ phần riêng.
1. TỔNG
CHÁNH
VĂN: Trước nói rõ phần Tổng là chỉ vì nhơn duyên của một việc lớn
mà đức Như Lai Ngài phải xuất hiện ra thế giới này. Giáo pháp của Ngài
thuyết ra trong một đời, tóm chỗ đại ý: chỉ vì muốn khai thị cái tri kiến
của Phật cho chúng sanh ngộ nhập. Nay kinh này cố ý chỉ ngay cho chúng
sanh: dùng tâm niệm Phật để vào chỗ tri kiến của Phật.
CHÚ
GIẢI: “Ðại sự nhân duyên” (52) là dẫn câu văn trong kinh “Pháp Hoa”.
Kinh kia nói lý do đức Như Lai ra đời, bổn ý Ngài muốn độ tất cả chúng
sanh đều được thành Phật. Vì bất đắc dĩ mà Ngài phải quyền biến nói ba
thừa, đến sau căn cơ của các đệ tử thuần thục, Ngài mới hội ba thừa qui về
Nhứt Thật, mới vừa cái bổn ý của Ngài. Nên biết: Từ nói kinh “Hoa Nghiêm”
về sau, kinh “Pháp Hoa” về trước, trong khoảng thời gian đó tuy Phật
thuyết có nhiều pháp môn cao, thấp, không đồng; nhưng đâu chẳng phải vì
một đại sự nhân duyên đây. Trừ ngoài một đại sự ấy, lại không có một đại
sự thứ hai nữa.
Nay kinh
này nói: “Hễ nhứt tâm trì danh hiệu của Phật A Di Ðà, tức được bực bất
thối chuyển”. Ðây là chỉ ngay tự tâm của phàm phu rốt ráo được thành quả
Phật. Nếu tin chắc như thế, cần gì phải trải qua ba thừa để học, lâu xa
nhiều kiếp để tu, mà chỉ không vượt ra ngoài một niệm, mau chứng quả Bồ
Ðề, đâu không phải là đại sự hay sao?
2.- BIỆT
CHÁNH VĂN: Biệt là chuyên
theo kinh này cũng có mười nghĩa:
1.
Vì lòng đại bi thương xót chúng sanh, nên Phật nói kinh này để làm
cầu bến cho đời mạt pháp.
2.
Vì trong vô lượng pháp môn riêng rút ra một phương tiện tối thắng
này.
3.
Vì chê khổ khen vui để cho chúng phàm phu trong đường sanh tử dấy
lòng ưa cõi vui, nhàm cõi khổ.
4.
Vì giáo hóa dẫn dắt hàng nhị thừa chấp không chẳng tu Tịnh Ðộ.
5.
Vì khuyên các người mới phát tâm hành Bồ Tát Ðạo, nên gắng tới niệm
Phật, để được gần gũi Như Lai.
6.
Vì thâu nạp hết căn lợi, độn thảy đều được độ thoát.
7.
Vì hộ trì người tu hành nhiều chướng nạn, để khỏi bị sa đọa.
8.
Vì chính chỉ ngay nơi cái tâm hữu niệm, đặng chứng vào cái lý vô
niệm.
9.
Vì cách chỉ dạy rất khéo là nhơn cầu vãng sanh mà thật ra là ngộ
quả “vô sanh”.
10.
Vì chỉ rõ đường tắt tu hành, lại đường tắt trong đường tắt nữa.
CHÚ
GIẢI: Với lời giải thích sẽ thấy văn sau mà mỗi bài nổi lên có lớp
lang liên tiếp, dụ như sợi dây chuyền tròng kế nhau luôn.
1.
Bởi chúng sanh mê đắm, Phật vì đó làm cầu bến.
2.
Sở dĩ làm cầu bến được là vì nhờ có phương tiện tối thắng.
3.
Sao là phương tiện tối thắng? Vì có cái tài độ chúng phàm phu.
4.
Không những chỉ độ chúng phàm phu mà cũng độ cả hàng nhị thừa thánh
nhơn nữa.
5.
Chẳng những hàng nhị thừa mà cũng độ cả đến Bồ Tát kia.
6.
Ðâu những riêng độ trong loài người mà cũng phổ độ tất cả chúng
sanh ở các loài.
7.
Chẳng những chỉ độ chúng sanh lúc bình thường, cũng độ cả trong khi
bị chướng nạn.
8.
Tuy rằng độ sanh rộng lớn như thế, thật ra không ngoài một niệm của
chúng sanh đặng vào lý “Vô Niệm”.
9.
Ðã nói hữu niệm đặng lý “Vô Niệm” thì cũng ngay nơi vãng sanh đặng
chứng quả “Vô Sanh”.
10.
Vì gồm suốt chín môn trước, để biết Pháp môn trì danh niệm Phật đây
là đường tắt (trì danh) trong đường tắt (các pháp niệm Phật).
Lại do vì
đường tắt trong đường tắt đây, mới có thể làm cầu, bến cho đời mạt pháp.
Thế là trước, sau thứ lớp; đầu, cuối xoay
vần, cho nên nói: “Cũng như dây chuyền”.
CHÁNH
VĂN: Một: Vì lòng đại bi thương xót nên làm cầu, bến cho chúng sanh đời
mạt pháp là khi Phật thành đạo đã đương thời ác trược, huống chi nhằm đời
mạt pháp, chính ở vào thời kỳ đấu tranh kiên cố, lần hồi thảng mảng (mòn
mỏi) sau lại càng sau, đều nhờ thần lực kinh này cứu vớt chúng - sanh sau
đẻ muộn ở đời rốt, kiếp tàn; như vậy, đâu chẳng phải là lòng từ bi cực
điểm dự phòng để pháp tế độ ư!
CHÚ
GIẢI: Ðã đương thời ác trược là thế giới này, đến khi mà con người ai
cũng sống còn chỉ có hai vạn tuổi, tức đã bắt đầu vào cái thời kiếp trược.
Thuở đức Thích Ca ra đời, người sống chỉ còn trăm tuổi, đã là khá thương!
Vì trải qua đời ác trược đã lâu lắm!
“Chính
vào thời kỳ đấu tranh” là: Năm trăm năm trước nhứt, về thời kỳ giải thoát
kiên cố; dần dần mỗi số; năm trăm năm thứ nhì là thời kỳ tu Thiền định;
500 năm thứ ba, người thông thái học đạo; 500 thứ tư, dựng lập chùa tháp.
Nay chính đương thời kỳ thứ năm là đấu tranh kiên cố (53) lại là đáng
thương!
“Sau lại
càng sau” là nhẫn đến khi mà thời kỳ pháp diệt hết, lại càng đáng thương
hơn nữa. Thế nên Phật nói kinh này, lược kể lòng đại bi có ba điều cảm
khái chí mật thiết:
1.
Thưở Phật còn tại thế, vì rất thương chúng sanh trong số kiếp ngũ
trược ác thế này, nên Ngài nói pháp trì danh niệm Phật là pháp mà chúng
sanh lấy làm khó tin, đây là lòng đại bi thương xót chúng sanh lần thứ
nhứt.
2.
Sau khi Phật diệt độ về sau, kẻ tu hành phần đông là hạng phước huệ
càng ngày càng kém, tội chướng mỗi bữa một thêm nhiều, làm gì mong thấy
được Phật, nên Phật nói kinh này là để chúng sanh đời sau tuy không được
thấy Phật và Phật đã diệt, nhưng pháp trì danh niệm Phật vẫn còn; hễ ai có
lòng tín niệm, thì chóng khỏi đường sanh tử, được vãng sanh thấy Phật Di
Ðà. Ðây là lòng đại bi thương xót chúng sanh lần thứ hai.
3.
Như trong kinh Ðại Bổn nói: Sau Phật diệt độ khoảng lâu xa đến cuối
đời mạt pháp, các bổn kinh to dài dòng, và đạo pháp khó tu, đều lần hồi
tiêu diệt hết, vì chúng sanh không đủ sức để học tu kinh pháp ấy! Chỉ
riêng còn một bổn kinh này ở đời độ sanh, đến rốt sau mới diệt. Thế thì đủ
biết: lúc nước ngập nhẫy trời, còn có thuyền từ cứu vớt, đêm khuya tăm tối
hãy còn đuốc huệ sáng soi. Ðây là lòng đại bi thương xót chúng sanh lần
thứ ba vậy.
Ví như
đấng cha lành lo nghĩ cho đoàn con dại, vì lòng thương vô hạn, dành để lại
nghề nuôi sống, có thể với chắt chít sâu xa, dòng dõi thừa sót, đến nỗi
gia sản điêu tàn, thân hình bần khổ cũng còn chỗ nhờ cậy. Nên nói lòng từ
bi rất tột, phòng để pháp tế độ chúng sanh.
CHÁNH
VĂN: Hai: Ðặc biệt là với vô lượng pháp môn đưa ra một môn phương tiện tối
thắng.
Vào
đạo có nhiều môn vốn không lựa chọn, nhưng với chỗ đèo cao, đồng bằng,
đường cong, nẻo thẳng thì khó, dễ tự phân, nên ở trong vô lượng pháp môn,
chỉ có một môn niệm Phật là phương tiện tối thắng, lược kể có bốn:
1.
Phương tiện thứ nhất: Với kiếp không gặp Phật ra đời, song mà
thường được thấy Phật.
2.
Phương tiện thứ hai: Dầu chưa đoạn hoặc nghiệp cũng được thoát kiếp
luân hồi.
3.
Phương tiện thứ ba: Không nhọc công tu các hạnh khác mà đặng chứng
pháp ba la mật.
4.
Phương tiện thứ tư: Không phải trải qua nhiều kiếp mà chóng được
giải thoát.
CHÚ
GIẢI: Pháp môn là cái thể của đạo, nó kín nhiệm thậm thâm, phải từ cửa
mới bước vào được. Mà lập pháp môn không đồng vì mỗi căn cơ khác nhau nên
nói vô lượng; khéo léo dắt dẫn khiến được nhập môn, gọi là phương tiện. Mà
nói chữ “Thắng” là phương tiện trong phương tiện. Tức trong “Quán kinh”
chỗ nói rằng khác đó là đây.
“Nhiều
môn” là: Có người hỏi rằng: Với những pháp môn khác đều có thể vào đạo
được, hà tất riêng tu môn niệm Phật mới được vãng sanh?
Ðáp: Các
môn tuy nhiều nhưng có khó và dễ khác nhau, thế nên không ngại chi với cái
không lựa chọn mà có thể nói lựa chọn.
Hiểm
đường đèo ải gập ghềnh khó đi. Khúc đường quanh quẹo khó đến là dụ các
pháp môn kia. Bằng thẳng thì dễ đi, là dụ như pháp môn niệm Phật, ai cũng
có thể tu hành được. “Thẳng mau thì dễ đến” là dụ tu pháp môn niệm Phật
mau vượt khỏi đường sanh tử. Như bà Vi Ðề Hi xem khắp cả các cõi Phật
trong mười phương mà chỉ muốn nguyện sanh về thế giới Cực Lạc Phật A Di
Ðà.
Thường
được thấy Phật là trong “Khởi Tín Luận” đã chỉ rõ pháp “Chơn Như Tam Muội”
(54) và hai môn Chỉ (55), Quán rồi. Lại nói có người mới học pháp quán
nầy, tâm còn hèn nhát, cho rằng cõi Ta Bà không được thường gặp Phật. Sợ
tín tâm không vững; đức Như Lai có phương tiện rất hay để nhiếp hộ tín tâm
kia, bảo họ chuyên lòng niệm Phật liền đặng sanh về cõi Phật, thường được
thấy Phật. Như trong tạng Kinh nói: “Chuyên niệm đức Phật A Di Ðà ở thế
giới Cực Lạc Tây Phương, sẽ được vãng sanh không hề lui sụt”, còn kinh A
Di Ðà đây nói: “Bảy ngày nhứt tâm chắc được Phật hiện trước mặt”.
Cho nên
biết rằng trên hội Linh Sơn, Phật Thích Ca đã nhập diệt, còn hội Long Hoa
thì đức Di Lặc (56) chưa ra đời. Trong kỳ khoảng giữa không có Phật ra đời
mà vẫn được thấy Phật, đây là pháp phương tiện tối thắng thứ nhất.
Ðược ra
khỏi luân hồi là: do nơi vọng hoặc sanh hành nghiệp (57), có nghiệp cảm
thụ quả báo, rồi phải trôi lăn qua lại trong sáu đường để chịu khổ mãi
không thôi. Y theo pháp khác tu hành, đến chứng vọng hoặc hết, mới được
thoát ly luân hồi. Nhưng mà trong thời kỳ tu tập đó, với những nỗi đầu
thai chuyển kiếp giữa thế gian cũng chưa chắc giữ cho được khỏi cái khổ
thăng trầm. Duy có pháp môn niệm Phật đây, dầu còn mang nghiệp cũng được
vãng sanh. Vì: một là do sức niệm Phật của mình, hai là nhờ thần lực cao
cả của Phật bảo đảm, nhiếp thọ. Một phen mà được sanh về nước kia liền
vượt ra khỏi ngoài ba cõi, không còn bị luân hồi trong sáu thú. Nên kinh
nói: Chúng sanh niệm Phật, được sanh về đó rồi đều chứng lên bực Bất Thối
Chuyển. Ðây là pháp phương tiện tối thắng thứ hai.
Ðặng pháp
Ba La Mật là các vị phát tâm hành Bồ Tát đạo, có vị đã trải qua trong hằng
hà sa kiếp để tu pháp lục độ, vạn hạnh mà cũng chưa hoàn toàn công hạnh
được! Thế mà nay đây chỉ có nhứt tâm niệm Phật: muôn việc trần tự nhiên
dứt bỏ, tức là pháp “Bố Thí Ba la mật”. Nhứt tâm niệm Phật, các việc ác tự
dứt, tức là “Trì Giới Ba la mật”. Nhứt tâm niệm Phật, lòng được nhu hòa
mát dịu, tức là “Nhẫn Nhục Ba la mật”. Nhứt tâm niệm Phật, vĩnh viễn không
bị thối lui, đọa lạc, tức là “Tinh Tấn Ba la mật”. Nhứt tâm niệm Phật,
không sanh các vọng tưởng, tức là “Thiền Ðịnh Ba la mật”. Nhứt tâm niệm
Phật, chánh niệm rõ ràng, tức là “Bát Nhã Ba la mật”. Suy xét cho cùng tột
thì không ra ngoài nhứt tâm niệm Phật mà muôn hạnh được đầy đủ cả. Như
trong kinh Ðại Bổn, ngài Pháp Tạng có phát nguyện rằng: “Khi ta thành
Phật, chúng hữu tình trong nước ta, nếu không được thần thông tự tại ba la
mật thì ta không lãnh lấy ngôi chánh giác làm chi”. Ðây là phương tiện tối
thắng thứ ba.
“Chóng
đặng giải thoát” là: Trong bộ “Trí Ðộ Luận” nói: Có các vị Bồ Tát tự nhớ
mình thuở trước chê bai pháp Ðại Bát Nhã nên đọa trong ba đường dữ, rồi ra
đi tu, đã trải qua nhiều kiếp. Tuy hành các hạnh khác, nhưng không diệt
được tội, sau gặp bạn tri thức dạy niệm danh hiệu Phật A Di Ðà mới tiêu
được tội chướng siêu sanh Tịnh Ðộ. Lại trong kinh “Thập Trụ”, đoạn kết có
nói: Khi ấy trong pháp hội có bốn ức chúng Bồ Tát, tự biết mình lắm đời về
trước đã chết đây lại sanh kia, liên miên không dứt, là bởi nguồn gốc do
lòng tham muốn; nghĩ thế chán ngán, rồi muốn sanh về cõi nước nào không
còn lòng ham muốn. Phật bảo: “Bên Tây phương cách đây vô số quốc độ có đức
Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, dân chúng trong cõi kia rất thanh tịnh, không
có lòng: dâm, giận, và ngu si, vì hóa sanh bằng hoa sen, chớ không do cha
mẹ sanh đẻ như cõi này. Các ngươi hãy cầu sanh về cõi kia”. Thế nên trong
kinh “Ðại Bổn” nói: “Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh kíp mau an trụ trong
đạo quả vô thượng Bồ Ðề đây thì cần phải phát triển cái nghị lực tinh tấn,
để nghe tu theo pháp môn này”.
Nên biết
rằng: Tu các pháp khác ví như con kiến bò lên núi; tu môn niệm Phật này
cũng như thuyền đi thuận nước, xuôi gió (58); thế sự mau, chậm cách nhau
như trời với vực. Bực cổ đức có nói: “Muốn tu chỉ một đời được chứng quả
thì phải để tâm nơi pháp này”. Ðây là phương tiện tối thắng thứ tư.
CHÁNH
VĂN: Ba: Vì chê khổ khen vui để cho chúng phàm phu trong đường sanh tử,
sanh lòng ưa cõi vui nhàm cõi khổ.
Bởi
các chúng sanh mê quên tự tánh, cam chịu luân hồi, đã từ nhiều kiếp đến
nay mà cũng chưa tỉnh ngộ nên đức Phật mới chỉ bày hai cõi “Khổ”, “Vui”,
mở lập hai môn “Chiết” và “Nhiếp”, chê khổ khen vui, khiến cho ưa vui,
nhàm khổ, tâm Bồ Ðề đã phát, tịnh nghiệp mới thành.
CHÚ
GIẢI: Nếu cứ theo pháp môn bình đẳng mà luận thì có chi là sạch, có
chi nhơ mà hòng ưa, nhàm. Thế làm gì có lập ra hai môn “Chiết” và “Nhiếp”?
Nhưng, nay với chúng phàm phu còn ở trong sanh tử, mê mất chơn tâm rượt
theo cảnh trần, trải lâu chịu đủ cách luân hồi, quay cuồng mãi không biết
bao lần lên xuống, đành lòng cam chịu, chưa từng có một niệm giác ngộ tấn
tu để cầu nguyện giải thoát. Nếu nay đã ngăn không giúp họ sự ưa vui, nhàm
khổ mà lại muốn cho họ giác ngộ ngay nơi tự tâm thì có khác nào ếch ruộng,
cá giếng (59), đã không cho thêm nước mà lại trách nó sao chẳng trồi lên…
thì càng thêm chìm đắm, đối với sự trách có ích gì? Vì thế, nên chính
trong cái lẽ không khổ, không vui mà đức Phật chỉ rõ ra có cảnh khổ cõi
vui, dùng pháp “chiết phục” để diệt trừ mọi nỗi khổ, bày môn “nhiếp thọ”
làm cho được an vui. “Chiết phục” là khuyến khích chúng si mê, làm cho họ
sanh nhàm lìa; “nhiếp thọ” thì nưng dỗ những chúng biếng trễ khiến họ sanh
lòng ưa muốn. Vậy sau những chúng đã ở lâu trong cảnh khổ bùn sình (ngũ
dục) mới chê là cảnh nhơ nhớp, vừa nghe cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm
mới phấn chấn cầu sanh. Chừng đó mới biết rằng: Cõi nầy là đống lửa lớn,
cõi kia là ao nước mát. Thì lẽ tất nhiên là những chúng sanh đã bị lửa
phiền não thiêu đốt từ lâu, nay há chẳng nên tránh cõi này mà về cõi kia
ru. Phương tiện độ sanh lẽ phải như thế, đã sanh về nước kia thấy Phật
nghe pháp, đặng Vô Sanh nhẫn mới ngộ bản tâm mình đây, xưa nay vốn bình
đẳng.
CHÁNH
VĂN: Bốn: Vì để giáo hóa dẫn dắt hàng nhị thừa chấp không chẳng tu Tịnh Ðộ
là bởi do hàng nhị thừa vừa chứng được lẽ “Ngã không” liền sanh lòng đắm
trước (ưa thích), nghe nói đến việc làm cho cõi Phật thanh tịnh là phải
giáo hóa chúng sanh thì lòng họ không ham muốn, nên nay khiến họ hồi bỏ
tâm Tiểu thừa, để hướng về Ðại thừa là phát ý niệm Phật cầu nguyện vãng
sanh.
CHÚ
GIẢI: Vừa chứng được lẽ “Ngã không” là hàng tiểu thừa chỉ mới giác ngộ
được trong thân ngũ uẩn không có cái Ngã làm chủ, chớ chưa biết cả ngũ uẩn
cũng là không nữa nên mới chấp cảnh là có, rồi chỉ muốn tránh cảnh khổ ồn
ào, trốn về cảnh vui vắng lặng. Nếu nghe nói đến cảnh Tịnh Ðộ để cho chúng
sanh niệm Phật sanh về bằng cách hóa sanh thì lòng không ưa thích. Như các
hàng Thinh Văn, không thấy được thần lực Phật Lô Xá Na và không được dự
vào đại hội của các vị Bồ Tát, là vì bổn ý họ không hoan nghinh về chỗ nói
công đức thanh tịnh các cõi Phật trong mười phương. Bực cổ đức nói: “Hàng
tiểu thừa không nhận cái lối nói có cõi Phật khác” ( Di Ðà). Bên Ðại thừa
thì nói có vô số cõi Phật. Ðức Thế Tôn gọi bậc tiểu thừa là hàng “độc
thiện kỳ thân”, (60) cũng kêu là bọn “độn căn A La Hán”. Cho nên Phật dạy
họ quày tâm đoạn diệt (61), tu hạnh Tịnh Ðộ, mới biết lòng bi trí, sức
hạnh nguyện của Phật, Bồ Tát rộng lớn như thế, vô cùng như thế. Tâm không
ngại cảnh, cảnh chẳng ngại tâm, tất cả các pháp bổn tánh nó tự không,
thành thử trọn ngày độ sanh, nhưng trọn ngày không chấp độ. Thế mà những
kẻ chỉ riêng tu Thiền Ðịnh, không nguyện vãng sanh, thật là lầm lắm vậy!!
CHÁNH
VĂN: Năm: Vì khuyên các người mới phát tâm hành Bồ Tát đạo nên gắng tu
niệm Phật, để được gặp Như Lai là bởi bực mới phát tâm hành Bồ Tát đạo
(62), tâm Ðại thừa ấy mới kiến lập nhưng sức thắng nhẫn chưa thành; cũng
như chim con lông cánh còn yếu, chỉ nên chuyền cành và đứa con bé thơ, cần
phải gần bên mẹ; khi mà Bồ Tát đã vào hội chánh định tụ gần gũi đức Thế
Tôn, mới đặng nhẫn lực, chứng pháp “Vô Sanh” trọn thành quả Phật.
Bấy
giờ ngồi thuyền đại nguyện vào biển khổ độ sanh. Như trong Trí Ðộ Luận đã
nói: “Vả chăng tu Bồ Tát đã đến bực lục trụ mà còn thối mất tâm đại thừa,
nhiều kiếp làm Thinh Văn”. Xem như “trứng cá”, “bông xoài” đủ làm gương
soi rõ.
Nên
biết pháp niệm Phật là cha của Bồ Tát vì sanh đẻ ra pháp thân; cho đến cả
Thập Ðịa Bồ Tát trước sau chẳng lìa pháp niệm Phật thì bực sơ tâm Bồ Tát
đâu nên tự cho là đủ, mà không nguyện vãng sanh ư?
CHÚ
GIẢI: Bộ Trí Ðộ Luận nói: “Chúng cụ phược phàm phu (63) dẫu có lòng
đại bi muốn sanh trong đời ác trược để cứu khổ cho chúng sanh, thật là vô
lý. Vì sao? Vì phiền não quá mạnh, mà chưa được sức nhẫn, tâm duyên theo
cảnh sắc, thinh ràng buộc, phần mình đã đọa trong tam đồ, thì đâu có thể
cứu được người?”
Dầu cho
được sanh trong loài người, nhưng đối với quả Phật cũng khó đặng. Vì nhờ
có tu phước đức bố thí, trì giới từ kiếp trước, nay hoặc đặng làm vua, làm
quan, bị cái phước giàu có bắt phải ham sướng mê vui! Ví dầu có gặp thiện
tri thức cũng không chịu tin theo. Vì ngu mê phóng túng, tạo nhiều tội ác,
do đây phải đọa lạc nữa.
Lại dụ
như hai người đối với việc cứu kẻ bị đắm nước: một người vội nhảy ngay
xuống nước để cứu thì cả hai bị chìm luôn. Một người biết dùng phương
tiện: Ði lấy thuyền bè bơi ra cứu vớt, cả hai đều khỏi nạn. Người mới phát
tâm Bồ Tát muốn độ sanh cũng lại như thế. Cần phải gần gũi Như Lai, được
thuyền từ là pháp “Vô Sanh Nhẫn” rồi, mới có thể vào biển khổ cứu độ chúng
sanh, như người kia được thuyền, cứu đặng nạn chết đắm.
Luận ấy
nói: “Ví như đứa bé nếu mà lìa mẹ thì nó sẽ té xuống hầm, xuống giếng,
hoặc khát sữa phải chết. Lại như chim con lông cánh còn yếu, chỉ nên nương
cây chuyền cành, khi lông cánh đã cứng cáp rồi, mới có thể bay liệng giữa
hư không thung dung tự tại được”.
Cũng như
phàm phu chưa có sức nhẫn, chỉ nên chuyên niệm Phật A Di Ðà, cho được
chánh định (tam muội). Lúc lâm chung được chánh niệm, quyết định vãng
sanh, thấy Phật, đủ sức nhẫn rồi, trở lại trong cõi này để cứu độ chúng
sanh.
“Chánh
định tụ” là để lựa riêng biệt với tà định và bất định. Vì phàm phu, tà ma,
ngoại đạo nhứt định không có phần đấy. Bực sơ phát tâm tu hạnh Bồ Tát,
hoặc tấn lên Ðại thừa hay lui xuống Tiểu thừa cũng chưa nhất định. Nay
được An Dưỡng của Phật A Di Ðà rồi, không luận phẩm vị cao thấp, đều đặng
bực bất thối chuyển cả, mới gọi là chánh định. “Chữ “Tụ” là nhóm, tức là
một nhóm người chánh định. Chính trong kinh nói: “Các người bực thượng
thiện nhóm hội”. Vì rằng đã vào trong hội này là được thấy Phật nghe pháp.
“Bồ Tát
lục trụ còn lui mất tâm Ðại thừa” là: ông Thân Tử phát tâm tu hạnh Bồ Tát,
đã chứng được bực trụ thứ 6 (trong Thập Trụ) của Biệt giáo; nhơn gặp lúc
người bà la môn xin tròng con mắt (64) nhẫn không được, liền thối tâm Ðại
thừa, luân hồi trong năm đường (65).
“Nhiều
kiếp làm Thinh Văn” là có nhiều vị như ông Xá Lợi Phất chẳng hạn, đã phát
tâm từ đời Phật Ðại Thông Trí Thắng, do nhẫn không được nên phải lui sụt
tâm Ðại thừa, đọa xuống hàng Thinh văn nhiều kiếp bằng số vi trần điểm đến
nay.
Nên trong
kinh nói: Bầy cá ròng ròng, bông xoài, Bồ Tát sơ phát tâm; ba sự đây trong
cái nhơn thì nhiều, đến chừng kết quả chẳng còn bao nhiêu. Dẫn lời đây để
chỉ rõ bực sơ tâm Bồ Tát cần phải gần gũi đức Như Lai đặng chỗ nương dựa
vững vàng, để khỏi bị lui sụt vậy.
“Pháp
niệm Phật là cha của Bồ Tát”: Trong kinh Hoa Nghiêm quyển thứ mười một
nói: Ông Oai Quang đồng tử nhơn thấy tướng của đức Như Lai mà đặng mười
món mợi ích. Món đầu nói: Ðặng pháp niệm Phật tam muội (66) gọi là pháp
môn “vô biên hải tạng”. Lời sớ kinh ấy nói: “Pháp niệm Phật tam muội là
cha của Bồ Tát nên trước nhất nói đó”. Bởi do Bồ Tát dùng pháp phương tiện
làm cha (67) mà pháp niệm Phật đây chính nhằm thật sự, vì đó là phương
tiện; lại niệm Phật được thành Phật, vì đó là hột giống thân sanh (68).
“Thập Ðịa
trước sau” là: Trong văn Thập Ðịa từ trước đến sau, địa nào cũng nói tất
cả việc ra làm, không rời pháp niệm Phật. Lại nói bực “Viễn Hành” địa (69)
Bồ Tát tuy biết tất cả cõi nước cũng như không có mà hay dùng hạnh thanh
tịnh nhiệm mầu, để trang nghiêm cõi Phật (70). Trong kinh Như Lai Bất Tư
Nghì Cảnh Giới nói: Ông Bồ Tát đến lúc rõ biết chư Phật và tất cả pháp đều
duy một tâm lượng thì đặng sức nhẫn tùy thuận (71), hoặc được vào bực Sơ
Ðịa; đến khi bỏ thân liền sanh vào thế giới “Diệu Hỉ” (72), hoặc sanh
trong cõi Cực Lạc thanh tịnh của Phật, nên ngài Long Thọ là do bực Sơ Ðịa
(73) mới được vãng sanh. Ông Ma Ta Kiệt là do đắc pháp nhẫn mới được vãng
sanh. Chí như đức Văn Thù, Phổ Hiền (74) v.v… cho đến hết thảy các vị đại
Bồ Tát đông lắm không thể kể xiết mà cũng đều phát nguyện vãng sanh, huống
chi bực sơ tâm Bồ Tát mà không cầu vãng sanh ư?
Ngài Vĩnh
Minh nói: “Muốn gá thân nơi đài sen để lìa hẳn cái khổ bào thai nơi bụng
mẹ, sanh về nước Cực Lạc là quốc độ của chư Phật, đã đắc pháp thần thông
du hí (75) thì những người ấy đều là đã hiểu rõ được tự tâm rồi, không vị
nào mà không dạy chúng vãng sanh”.
Ngài
Thiên Như nói: “Các ngươi nếu giác ngộ được tự tâm rồi thì với việc vãng
sanh về Tịnh Ðộ dẫu sức mạnh bằng ngàn trâu, không thể kéo lại được”. Thế
thời ông Sơ phát tâm Bồ Tát tuy là hiểu rõ, nhưng còn cách Phật rất xa,
nên chính phải cầu nguyện vãng sanh không nên trễ vậy.
CHÁNH
VĂN: Sáu: Vì thâu nhiếp cả các căn, lợi, độn cũng đều thoát là bởi các
pháp môn khác, có môn quá cao thời kẻ hạ cơ không phần nhờ, có môn quá
thấp thời không hợp với sức thượng căn, thế nên đức Phật ban đầu nói kinh
Hoa Nghiêm, các bậc tiểu căn như đui như điếc. Ông Ưu Ba Ly đem trí như
lửa đom đóm để xét, kết thêm tội cho hai thầy bí sô. Chỉ có một pháp môn
niệm Phật này, thượng cơ hay hạ căn cũng được gồm thâu, vì đều thích hợp;
khá gọi rằng: Như vị thuốc A Già chữa lành muôn chứng bệnh; lò lớn đúc
thành ngàn món đồ; đâu không phải là cửa từ bi mở rộng, pháp phổ độ không
bỏ sót một căn cơ nào?
CHÚ
GIẢI: “Như đui” là: Ðức Như Lai lúc ở trong rừng Thệ Ða (76) diễn nói
kinh Ðại Hoa Nghiêm, lúc ấy các bực thượng đức Thinh Văn như các ông Thân
Tử, Mục Kiền Liên v.v… lãnh hội không nổi, dụ như đui như điếc, không thấy
không nghe chi cả (77) cho đến bực Tích Hạnh Bồ Tát còn nói là phơi mang
(78). Ðấy rõ biết rằng vì pháp môn cao, đạo lý đại mà căn cơ thì tiểu.
“Kết thêm
tội” là: Trong kinh Tịnh Danh nói: Có hai thầy bí sô phạm giới căn bản
bằng trường hợp vô tâm, đến phát lồ sám hối; ông Ưu Ba Ly y luật Tiểu thừa
để định tội làm cho hai ông chẳng giải đặng lòng nghi (79). Ông Tịnh Danh
quở rằng: “Ngài Ưu Ba Ly! Ngài chớ đem pháp thường làm nhiễu loạn tâm kia,
chồng thêm tội cho hai thầy bí sô ấy”. Ðức Vĩnh Gia (80) phê bình trí soi
xét của ngài Ưu Ba Ly như lửa đom đóm, rằng đã không khai ngộ chỗ mê lầm
của hai ông, mà trở lại làm tăng thêm nữa. Ðây rõ biết rằng vì pháp môn
thấp mà căn cơ thâm, giáo lý lại thiển.
Ngoài ra
như đem pháp Bất Tịnh Quán lầm trao cho anh thợ rèn, pháp Sổ Tức đem dạy
cho người giữ mồ (81) không lợi ích chi cả. Chỗ lập môn kia, đây (Ðại
thừa, Tiểu thừa) cũng lại đều khác; mà căn cơ có cao, thấp, có lớn, nhỏ,
thế nó không hợp hết được.
A Già Ðà
(83) là tên vị thuốc bên Tây Vức; chỉ một vị thuốc ấy, có thể trị lành các
chứng bệnh. Dụ như chỉ một pháp trì danh niệm Phật mà rồi các bịnh: ngũ
dục, tam độc, vô lượng phiền não, cho đến những bệnh cố chấp chênh lệch
của Tiểu thừa, ngoại đạo đều tiêu trừ tất cả.
“Lò lớn”
là: Trong một lò lớn, hầm đúc muôn món đều thành đồ cả. Dụ như: Chỉ một
pháp trì danh niệm Phật, tùy theo căn cơ dầu lợi, dầu độn, là hạnh tu của
mỗi người, chớ cũng đều được vãng sanh về trong chín phẩm, đều đặng bực
bất thối cả.
“Rộng
lớn” là: Trong sách Châu Dịch, quẻ Kiền nói là Ðại Sanh, quẻ khôn nói là
Quảng Sanh. Nay pháp môn trì danh niệm Phật không một chúng sanh nào mà
chẳng độ. Dụ như trời khắp che, đất khắp chở, đều nuôi gồm chứa cả muôn
loài. Lòng chí từ không phân biệt lựa chọn nên gọi là pháp “Phổ Môn”.
CHÁNH
VĂN: Bảy: Vì hộ trì người tu hành nhiều chướng nạn để khỏi bị sa đọa là:
Bởi đời mạt pháp rồi nên người tu hành hay mắc nhiều chướng nạn; nếu một
phen thiếu chánh kiến liền sa ngã vào các đường tà. Nhờ nguyện lực oai
thần đức Phật kia gia hộ cho người tu, ở trong hào quang cao cả che chở,
khỏi bị ma sự quấy rối và Phật Ngài hộ niệm cho mãi đến lúc Ðạo thành. Cho
nên biết rằng hễ chánh niệm phân minh, ma vương không quấy rối, ví như đồ
hình con Bạch Trạch trừ quái, gương báu dẹp yêu (yêu không trốn đặng)
(84).
CHÚ
GIẢI: “Đa chướng nạn” là gì? Người tu hành trong khi ngồi thiền định,
quán tưởng kích phát nên ngũ ấm nó hay sanh ma chướng (85). Như trong kinh
Lăng Nghiêm có chỉ 50 thứ ma. Có câu: “Không sanh tâm tưởng Thánh, gọi là
Thiện cảnh giới; bằng móng tâm tưởng Thánh liền mắc vào bọn tà”. Nên biết
hễ tâm chánh kiến hơi kém thì tà ma lừng lên, đã không ích mà lại còn tổn
hại, muốn tấn lên trở lại sa xuống. Do đây, những kẻ căn cơ thấp kém không
dám học đạo (tham thiền).
Thế mà
nay đây người niệm Phật sẽ nhờ đại nguyện, đại lực của Phật nhiếp thọ, hộ
trì cho. Oai thần của Phật không thể so lường, không có thiên ma nào dám
can phạm đến, dầu có Ma sự sắp đến rồi thì nó cũng tự tiêu diệt.
Lại trong
kinh nói: “Người niệm Phật có hào quang của Phật soi vào mình, ánh sáng
chung quanh cách bốn mươi dặm, nên ma không thể xâm phạm được do vì nhờ
sức Phật A Di Ðà và mười phương Phật thường hộ niệm, mãi từ ngày phát tâm,
cho đến khi thành Ðạo, từ trước đến sau mỗi việc đều lành cả”. Bởi do
chánh niệm phân minh, dầu ma có đến cũng dễ biết dễ trừ; chẳng phải sánh
như hạng người đắm ưa ngồi tịnh, chấp lấy cảnh không, trong tâm không tự
chủ, gặp ma không biết, để đến nỗi nhập tâm ấy vậy.
“Ðồ hình
Bạch Trạch” và “gương báu” là dùng hai dụ đây để rõ ý rằng: Chẳng những
chỉ nhờ sức hộ trì của chư Phật mà là cần nhờ sức niệm của mình nữa. Có
con thần thú (chúa yêu) tên Bạch Trạch biết nói tiếng người rõ được tánh
tình muôn vật, các tà tinh hễ trông thấy bóng nó liền trốn mất. Nên nói:
Nhà nào có đồ hình Bạch Trạch, quyết không có các loài yêu quái như vậy.
Lại con
tinh trên núi, con quỉ ngoài đồng, chúng nó có thể biến đủ thứ hình (86)
để dối gạt mọi người, nhưng nó không thể biến hiện hay là tàng hình trước
gương báu được. Dụ như người niệm Phật: hễ chánh niệm hiện tiền, trí huệ
sáng suốt, tất cả thiên ma, tâm ma (87) đều không dám khuấy phá được.
CHÁNH
VĂN: Tám: Vì chính chỉ ngay nơi cái tâm hữu niệm, đặng chứng vào lý vô
niệm là: Tâm vốn vô niệm mà có niệm thì sai. Nhưng vì chúng sanh từ vô thỉ
đến nay tập quán vọng tưởng quá ư lâu đời, chưa dễ gì vội dứt liền đi
được, nay dạy cho chúng niệm Phật, chính như: Lấy thuốc độc nọ để giải
thuốc độc kia và dùng binh ta để đẩy lui binh địch; bệnh lành, giặc yên,
cũng như thân hết bệnh, lại không có thân mạnh nào khác; tức là: Nguyên kẻ
giặc cướp chính là con ruột của nhà ta.
CHÚ
GIẢI: Trong Khởi Tín Luận nói: “Tâm vốn ly niệm” mà khởi niệm lên để
niệm Phật, đâu khỏi tự làm khuấy rối lại tâm mình ư? Trong Phật Tạng Kinh
nói: “Không cảm giác không quán niệm gọi là: Niệm Phật. Không nghĩ tưởng,
không nói năng gọi là niệm Phật”, mà khởi niệm để niệm Phật, đâu không trở
lại trái với tâm Phật? Nay đây bảo rằng: Bặt các niệm giác quán (vọng
niệm) là thiệt tướng niệm Phật, lý ấy rất đúng. Song tâm tuy ly niệm,
nhưng mà đã bị vô minh nhiễm ô tâm thể, vọng niệm nối chuyền như chứng
bệnh bảy năm (88), dân loạn lâu ngày nên gọi tập quán (thói quen). Nay
muốn gắng gượng dằn ép khiến cho nó lập tức yên tịnh thì ra dứt động về
tịnh, càng dứt càng động. Dầu thô niệm tạm ngừng, nhưng tế niệm vẫn còn
tích tắc. Thế mà nhận cho là phải, đâu chẳng lầm lắm ư?
Ðã còn
địa vị phàm phu, chưa có thể dứt vọng lự, quên duyên trần (89), đâu không
ngay nơi duyên lự ấy để tấn tu, cho nên dùng tâm niệm Phật để tấn công
vọng niệm: Niệm một tiếng Phật đã cải đổi được trăm ngàn muôn ức các tạp
niệm kia vậy. Huống chi vọng từ chơn khởi, như sóng do nước sanh; tức niệm
tức không, rõ ràng bày nguyên bản thể vô niệm. Không phải ngoài vọng niệm
mà riêng đặng quả Bồ Ðề. Nên nói muôn pháp luống dối, chỉ là nhứt tâm, nếu
ngộ được lý nhất tâm, thì mắt ngó đâu cũng đều là Bồ Ðề cả.
Dụ như
thân bệnh, khi lành rồi gọi đó là thân mạnh, dân loạn yên rồi gọi đó là
lương dân. Nếu bỏ vọng niệm để riêng tìm chơn tâm thì khác nào thầy thuốc
làm chết thân người bệnh rồi mới trị lành bệnh, và nhà chánh trị toan giết
cả nước rồi mới an ninh cho dân; đâu có lẽ vậy ru?
CHÁNH
VĂN: Chín: Vì cách chỉ dạy rất khéo là nhơn cầu vãng sanh mà thiệt ra là
ngộ lý vô sanh, bực Thất Ðịa Bồ Tát vừa gọi là đắc cái hiện tướng vô sanh
nhẫn, bực Bát Ðịa mới đặng lý vô sanh. Nếu muốn diệt gấp sự hữu sanh để
cầu lý vô sanh, càng cầu càng xa. Nay phải dùng pháp cầu sanh Tịnh Ðộ mới
ngộ được lý vô sanh, vào chỗ có mà được chỗ không, tức nơi phàm thành bực
thánh, khá gọi rằng : “Lời hay thấu đạo lý, thuốc quý đổi xác tiên”.
CHÚ
GIẢI: “Vừa hiện tướng” là như trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Mười địa,
địa nào cũng đều có nói rằng đặng vô sanh; nhưng chánh thức là về bực Bát
Ðịa mới thiệt đặng, còn Thất Ðịa chỉ nói là tịnh vô lượng, thân, khẩu, ý
mới đặng Vô Sanh Pháp Nhẫn quang minh’’.
Lời sớ
giải thích văn trên của kinh ấy lại nói: Bát Ðịa Bồ Tát mới chính thức
đặng vô sanh pháp nhẫn. Chứ đối với “vô sanh pháp nhẫn” của kinh kia thì ở
đây bực Thất Ðịa Bồ Tát là mới được cái minh tướng của “Pháp nhẫn” nó hiện
tiền, chứ thực ra là chưa thiệt đặng. Như lời sớ trong Quán Kinh nói: “Vô
sanh tức thuộc bực Sơ Trụ”, ý lược đồng như đây. Nhẫn đến Bát Ðịa, lìa tất
cả những điều phân biệt của tâm ý và ý thức, mới gọi là thiệt được bực vô
sanh pháp nhẫn. Vậy nên biết: Với quả vô sanh nhẫn, bực Thánh như Thất Ðịa
còn khó được, huống chi là chúng phàm ư?!
“Càng xa”
là: Nhàm chán sự sanh sống là khổ, vội muốn kíp diệt cái có sanh sống đó
để về nơi cái không sanh, nhưng cái diệt đó nó không phải chơn diệt thì
chỉ thêm hoài công nhọc nhằn, rốt rồi thành ra trôi lăn trở lại. Tỷ như
cái định nghiệp làm trâu chưa hết, dầu phá cho hư cái xe nọ… chủ lại sắm
nữa, lời xưa đã dụ rõ thế.
Kinh này
nói: Chuyên lòng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, đã sanh về nước kia
rồi, hoa nở thấy Phật, tự biết được bổn tâm của mình vốn là không sanh thì
dầu có phương tiện cầu sanh cũng chả ngại gì? Nên có câu: “Tưng bừng cầu
sanh, mà không hề trái với lý vô sanh; trọn ngày nguyện sanh mà tâm vẫn
chưa từng sanh”, thế mới gọi là thiệt được quả vô sanh.
Do nơi
hữu sanh mà tỏ được lý vô sanh nên nói vào chỗ có mà đặng chỗ không; có
sanh là thuộc về phàm phu, nhưng nhờ có sanh mới chứng đặng quả vô sanh,
nên nói: Tức nơi phàm thành được Thánh. Tới đường về nhà, tiềm siêu mật độ
(ai đi nấy đến bằng một cách ngầm kín), khó nghĩ khó bàn, nên nói: “Lời
hay thấu lý đạo”; bỗng chốc đổi dời, như từ nơi đất bằng, bay lên cảnh
tiên, người thường dân trở thành người sang cả, nên nói: “Thuốc quí đổi
xác tiên”. Thế mà bỏ lời hay (lời Phật dạy niệm Phật), chấp lấy lời huống,
bỏ thuốc tiên mà uống lấy thuốc độc, há chẳng đáng thương lắm ru?
CHÁNH
VĂN: Mười: Vì chỉ rõ đường tắt tu hành, lại là đường tắt trong đường tắt.
Ðây có
hai nghĩa: Nghĩa thứ nhứt là các môn học đạo, muôn dặm xa xôi; còn niệm
Phật vãng sanh, xưa kêu là đường tắt. Song, một pháp niệm Phật lại có
nhiều môn. Nay pháp trì danh đây thiệt là trong đường tắt, tắt mà càng
tắt. Ví như: Chim hạc tung mình, đâu kịp đại bàng cất cánh, ngựa Ký ruổi
vó, đâu bằng rồng chúa vươn bay; không gấp không đi mà mau, mà đến, là
tắt trong đường tắt vậy.
CHÚ
GIẢI: Hai nghĩa ấy: 1) So sánh với nhiều môn Tịnh nghiệp. 2) Là lựa
kinh Tiểu Bổn, để riêng biệt với kinh Ðại Bổn giữa Bổn Bộ, nên nói “đường
tắt trong đường tắt”. Ðường tắt là gì? Tức là con đường ngắn đi băng ngang
mau đến, gọi là “tắt”. Ðường ngắn là ví dụ pháp môn niệm Phật, sức làm rất
dễ dàng; mau đến là ví dụ niệm Phật công thành rất mau chóng.
Ngài
Thiện Ðạo đại sư có làm bài kệ nói: “Duy có đường tắt tu hành là chỉ niệm
A Di Ðà Phật, thế thôi”. Nên nói: Tu các môn khác, gọi là: “Dọc ra ba
cõi”, còn niệm Phật cầu vãng sanh, kêu là “ngang ra ba cõi”. Dụ như con
kiến hay con mọt chẳng hạn, ở trong cây tre, đục bề dọc thì phải trải qua
từng mắt, từng lóng khó thông, đục bề ngang thì một lỗ thấu phủng ra ngoài
liền. Thế đem các môn tu khác so với môn tu niệm Phật này thì pháp môn
niệm Phật rất là mau kết quả hơn cũng như thế.
Song pháp
môn niệm Phật lại còn chia ra làm nhiều môn như trong văn sau sẽ giải: Từ
thật tướng niệm Phật, có bốn môn, cho đến muôn hạnh hồi hướng v.v…
Với tánh
“Pháp Thật Tướng”, dầu rằng mỗi người sẵn có, nhưng vì chúng sanh phần
nhiều bị nghiệp chướng quá nặng, số người tỏ ngộ được tánh Phật ấy thì chỉ
phần ít, nên sau đây kể ra vài môn như tu pháp niệm Phật bằng cách “quán
tượng Phật”, đến lúc cất tượng đi, hoặc khi chẳng có tượng trước mắt thì
lại không thấy cái nhơn tu ấy, thành ra gián đoạn. Tu pháp niệm Phật bằng
cách “quán tưởng” thì tâm thô cảnh tế, diệu quán khó thành. Tu pháp niệm
Phật bằng cách làm muôn hạnh thì sự làm quá ư bề bộn, chi cho khỏi nặng
đâu sa đấy.
Duy có
một pháp niệm Phật bằng cách trì danh đây là tiện lợi thẳng tắt. Hễ niệm
Phật được nối luôn liền được vãng sanh. Cổ đức đã nói: “Miễn được thấy
Phật A Di Ðà, lo gì không tỏ ngộ Tánh Phật Thật Tướng”. Thế là không mong
cầu ông “Phật Thật Tướng” mà ông “Phật Thật Tướng” hiện bày rõ rệt nên
pháp môn niệm Phật là đường tắt của pháp tu hành, mà pháp trì danh lại là
đường tắt trong pháp niệm Phật vậy.
Chim hạc
liệng đã hơn chim thường mà đâu bằng chim đại bàng một phen cất cánh; ngựa
Ký ruổi dong tuy hay hơn ngựa khác nhưng đâu kịp rồng bay. Hai vật trên
đều dụ pháp niệm Phật, hai vật dưới đều dụ pháp trì danh niệm Phật vậy.
“Chẳng
mau chẳng đi” là trong kinh Dịch, lời Hệ Từ nói: “Lý của kinh Dịch, không
suy nghĩ, không tạo làm, là cái lẽ vắng lặng, không lay động. Hễ có cảm là
liền thông suốt cả trong thiên hạ, nếu chẳng phải bực chí thần trong thiên
hạ thì ai mà dự biết việc đây? Duy có bực chí thần mà thôi, vì bực Chí
Thần không gấp mà mau chóng và không đi mà đến liền”. Ý nói gấp rồi mới
mau, đi rồi mới đến là cái vật tầm thường.
Thể xủ
quẻ cỏ thi là vẫn vắng lặng, không suy nghĩ, không tạo làm, nhưng hễ có
cảm liền thông, thế mới gọi “không gấp mà mau, không đi mà đến”; có cái
hay mầu nhiệm hơn muôn vật nên gọi “chí thần”. Dẫn lời kinh Dịch đây để
chỉ rõ: Các pháp môn niệm Phật tuy đồng nói vãng sanh, nhưng vì sức tu hơi
khó hơn và thời gian cũng lâu hơn, thế là tỷ phải đi gấp mới đến, mới mau
được. Tu pháp trì danh niệm Phật này thì không kể năm, tháng, không luận
nhiều công, miễn niệm làm sao chỉ trong bảy ngày cho được nhứt tâm, liền
sanh về nước kia. Chả biết sao mà lẽ thần diệu hay đến tột bực như thế
này!
Nên lời
Sao trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện có nói: “Trong Ðại Tạng có trên cả mấy
bổn, hoặc kinh, hoặc luận cũng đều nói cái tu nhân niệm Phật”. Song đều
dạy phải siêng tu, chứa công bồi đức cho nhiều, mới được vãng sanh. Kinh
này chỉ dạy trì danh hiệu được nhứt tâm, liền lên bực bất thối, đâu không
phải tắt mà lại tắt sao ?
CHÁNH
VĂN: Nghĩa thứ nhì là trong Vô Lượng Thọ kể nhiều y báo, chánh báo,
chép đủ các phép tu trì. Nay kinh Di Ðà đây chọn chỗ giản tiện, bỏ chỗ
phiền phức, lấy chỗ tóm tắt, bao gồm chỗ sâu rộng, không nói chi khác, chỉ
dạy pháp trì danh, miễn sao niệm được nhứt tâm là liền sanh nước Cực Lạc.
Nên nói: “Giản dị càng giản dị, nhiệm mầu càng nhiệm mầu, đường tắt trong
đường tắt vậy”.
CHÚ
GIẢI: Với kinh Vô Lượng Thọ sẽ thấy rõ trong hai môn Bộ Loại và Dịch
Thích; bởi đối với kinh này nên người đời kêu kinh kia là Ðại Bổn, vì bộ
tuy đồng nhưng rộng hẹp có khác nhau. Kinh kia vì người ưa rộng, Phật nói
rộng; kinh này vì người ưa hẹp, Phật nói hẹp. Nhưng lời tuy tóm tắt mà lý
rất rõ ràng, sự dầu đơn sơ mà công được bội thắng. Như trong kinh Ðại Bổn
rộng luận việc làm các điều phước thiện, còn kinh này chỉ nói hễ chấp trì
danh hiệu tức là đa phước đa thiện. Kinh Ðại Bổn còn phân ba bực mà kinh
này nói, hễ được sanh về nước kia đều được bực bất thối chuyển nơi quả Bồ
Ðề. Thế nên pháp trì danh niệm Phật chẳng những là chỗ thiết yếu trong các
pháp môn niệm Phật, mà chính là chỗ rất thiết yếu trong bộ kinh Di Ðà nầy.
Nên nói: Pháp trong các pháp thậm thâm vi diệu, pháp nhiệm mầu trong các
pháp nhiệm mầu, đường tắt trong những con đường tắt ấy vậy.
CHÁNH
VĂN: Như trên trong khoa Biệt nói mười nghĩa, lại lấy chín nghĩa
trước là Thông (chung), một nghĩa sau là Biệt (riêng). Gồm luôn cả nghĩa
của phần Tổng văn trước để làm sở nhơn lập giáo của kinh này.
CHÚ
GIẢI: Thông là: Những kinh chung cùng nói rõ về pháp môn Tịnh Ðộ, đều
vì đồng một nhơn đây. Biệt là: Riêng chỉ nói rõ về kinh này, chú trọng
pháp trì danh, do vì dùng pháp trì danh làm nguyên nhân. Tổng là: Tức như
văn trước, tóm nói rõ tất cả các kinh, đều vì một đại sự làm nguyên nhân.
Còn nói
về cái ý mà Phật Thích Ca. Ngài nói ra kinh này là cốt vì: 1) Ðể dạy chúng
sanh niệm Phật; 2) Ðể dạy chúng sanh trì danh niệm Phật; 3) Ðể dạy chúng
sanh niệm Phật bằng cách trì danh mà được vào tri kiến của Phật, cho rõ
nhứt tâm bất loạn, đây là một đại sự mà thôi; vậy nên đây hiệp lại ba cốt
yếu trên để làm chỗ sở nhơn lập giáo của bộ kinh này.
TẠNG GIÁO
ÐẲNG NHIẾP (phân ra làm ba phần):
1. Tạng Nhiếp: Kinh này
thuộc về tạng nào?
2. Giáo Nhiếp: Kinh này
thuộc về giáo nào?
3. Phần Nhiếp: Kinh này
thuộc về phần nào?
1. TẠNG
NHIẾP
CHÁNH
VĂN: Ðã biết Phật nói kinh nầy có nguyên nhân như thế; nhưng chưa
biết kinh đây đối trong Phần Tạng Giáo nó thuộc về đâu ?
Nói về Tạng có hai: 1.
Tam Tạng; 2. Nhị Tạng.
Trước nói: 1. Tam Tạng
là:
a)
Tạng Tu Ða La .
b)
Tạng Tỳ Nại Da .
c)
Tạng A Tỳ Ðạt Ma .
Nay
kinh đây (Di Ðà) thuộc về Tạng Tu Ða La. Bởi các kinh cũng đều có thân
thuộc lẫn nhau, nhưng kinh Di Ðà đây không phải như các kinh kia.
CHÚ
GIẢI: Tiếng Phạm nói: Tu Ða La. Tàu dịch: Khế Kinh, tức là tạng Kinh,
sẽ giải thấy trong đề mục văn sau. Tỳ Nại Da, Tàu dịch là "Ðiều Phục", tức
là tạng Luật. A Tỳ Ðạt Ma, Tàu dịch là: "Ðối Pháp", tức là tạng Luận.
Hai tạng
trên đều có nhiều nghĩa, ở đây không cần lắm nên không dẫn giải. Thuộc về
Tu Ða La là ở trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận, mà kinh Di Ðà đây thuộc về
tạng Kinh .
"Lẫn
thuộc nhau" là như kinh Hoa Nghiêm thuộc về tạng Kinh mà gồm cả tạng Luật
và Luận, vì trong các phẩm Thập Tạng nói rõ về việc Giới Luật; còn các
phẩm Vấn Minh nói rõ về Luận Nghị. Kinh Phạm Võng thuộc về tạng Luật mà
gồm cả tạng Kinh, vì phần trên của phẩm Tâm Ðịa rộng nói ngôi bực của các
vị Bồ Tát. Còn kinh khác so theo đây nên biết.
Kinh đây đã chẳng gồm giới
luật lại cũng không kiêm luận nghị, vì từ đầu chí cuối, chuyên nói về pháp
môn niệm Phật, cầu sanh Tịnh Ðộ, nên nói kinh đây, không phải như các kinh
kia.
CHÁNH VĂN: Nhị
Tạng là:
a) Bồ
Tát tạng.
b) Thinh
văn tạng.
Nay
kinh Di Ðà đây thuộc về Bồ Tát tạng; các kinh cũng có lẫn thuộc nhau,
nhưng kinh đây không phải như các kinh kia.
CHÚ
GIẢI: Tạng Bồ Tát và Tạng Thinh Văn sẽ thấy rõ trong phần "Thích Văn"
sau có giải. Tạng mà phân làm hai là do vì tạng Kinh có Ðại thừa, Tiểu
thừa nên phân ra làm hai hạng để thâu thuộc, đó là pháp. Nếu ước về người
thì có ba bực (tam thừa), cũng phải phân ra ba tạng. Vì bực người Duyên
Giác phần nhiều chẳng nương nơi kinh giáo nên gồm trong bực người Thinh
Văn, cho nên chỉ có hai tạng.
Nay thuộc
về Bồ Tát tạng là vì kinh đây diễn nói pháp Ðại thừa, như: y báo, chánh
báo đều trang nghiêm, tín, nguyện vãng sanh v.v... tất cả đều là hạnh tự
lợi, lợi tha, là bổn phận của Bồ Tát, để giáo hóa chúng sanh, làm cho cõi
Phật được thanh tịnh.
“Lẫn
thuộc” là như kinh Hoa Nghiêm thuộc về tạng Bồ Tát, cũng gồm cả Thinh Văn
tạng, vì kinh kia bao hàm tất cả các bực. Kinh Di Ðà đây bực nhị thừa
chẳng đặng vãng sanh (cõi Tịnh Ðộ) nên nói “không phải như các kinh kia”.
Có người
hỏi: Thế sao trong văn kinh nói: Ðức Phật Di Ðà kia có chúng đệ tử Thinh
Văn ?
Ðáp: Ðây
chỉ tạm có, chớ rốt thì không, đến sau trong phần Thích Văn sẽ biện rành.
Lại hỏi:
Chán bỏ cảnh khổ, tìm về cảnh vui, dường như riêng về phần tự lợi, đâu
phải hạnh Bồ Tát?
Ðáp: Cầu
sanh về Tịnh Ðộ chính là để thấy Phật nghe pháp, đặng vô sanh nhẫn rồi,
trở lại cõi này cứu khổ chúng sanh; ấy là hành hạnh Bồ Tát, chớ không phải
cái đạo của Thinh Văn như trong bộ Thập Nghi Luận ngài Thiên Thai đã nói.
2. GIÁO
NHIẾP
CHÁNH
VĂN: Giáo là y theo Ngài Hiền Thủ
định phân giáo pháp có năm phần là: Tiểu, Thỉ, Chung, Ðốn và Viên. Nay
kinh Di Ðà đây thuộc về Ðốn Giáo, mà cũng gồm cả hai giáo trước là Chung
và Viên.
CHÚ
GIẢI: Năm giáo là:
1. Tiểu
thừa giáo: Nói pháp chỉ chuyên nói "Nhơn Không", (91) dầu có luận nói
"Pháp Không" chút ít, nhưng cũng chẳng mấy rõ ràng; vì y nơi lục thức, tam
độc để thành lập cái căn bổn Nhiễm, Tịnh, (92) nên chưa tột thấu nguồn gốc
của "Pháp Không" (93).
2. Ðại
thừa Thỉ Giáo: Do thời thứ hai chỉ nói "Pháp Không", thời thứ ba nói cả ba
thừa, nhưng không hứa “định tánh Xiển Ðề" (94) được thành Phật, là lời
thuyết pháp chưa tột chỗ cực điểm của bực Ðại thừa, nên gọi là Thỉ Giáo.
Trong đó có người thành Phật, có người không thành Phật, nên lại gọi là:
Phần giáo. Với chỗ nói thì phần nhiều nói về Pháp tướng, ít luận đến pháp
tánh. Dầu có nói tánh, cũng còn là con số tướng. Bởi y nơi tám thức sanh
diệt để kiến lập ra các nghĩa loại có nguyên nhơn: Sanh tử và Niết Bàn.
3. Ðại
thừa Chung giáo: Do chỉ ra lý diệu hữu của Trung Ðạo nên nói “định tánh
xiển đề" đều sẽ thành Phật, mới nói tột chỗ cực điểm của Ðại thừa, nên gọi
là Chung giáo. Vì đúng với thật lý nên lại gọi là Thật giáo. Với chỗ nói
thì phần nhiều luận về pháp tánh, ít luận đến pháp tướng. Dầu có nói đến
"tướng" đi nữa, nhưng cũng hội về "tánh". Bởi căn cứ nơi Như Lai Tạng tánh
nó tùy theo vọng duyên của tám thức để thành lập ra các nghĩa.
4. Ðốn
giáo: Giáo này hoàn toàn không nói đến pháp tướng chỉ nói ròng về Chơn
Tánh, hễ là nhứt niệm bất sanh tức gọi là Phật chứ không trải qua thứ lớp
từng bực gì nữa.
5. Viên
giáo: Giáo này thống nhứt cả bốn giáo trước, Sự, Lý hoàn toàn trọn vẹn.
Bởi lập trường lý luận như thế này: Pháp giới nhiều vô cùng tận, biển tánh
trọn vẹn hợp hòa, không ngăn ngại nhau; với nhơn duyên sanh khởi vì một
tức tất cả; tất cả tức một, tướng tức tánh, tánh tức tướng, tánh tướng
nhiếp lẫn nhau. Như cái lưới ngọc (95) của trời Phạm Vương mỗi ảnh chiếu
trùng nhau, thay nhau làm chủ quan, khách quan bằng cách nhiều đến vô cùng
vô tận.
Năm giáo
nói trên rõ như trong lời Huyền Ðàm kinh Hoa Nghiêm; ở đây sợ nhiều không
dẫn.
Kinh này
thuộc về "Ðốn Giáo". Trong môn nghĩa lý sau có giải.
Cũng gồm
cả trước sau hai giáo là trước thông Chung giáo bởi do tất cả chúng sanh
niệm Phật dù là định tánh Xiển Ðề đều sẽ làm Phật.
Sau gồm
"Viên giáo" là cũng trong môn nghĩa lý có giải.
3. PHẦN
NHIẾP
CHÁNH
VĂN: Phần là mười hai phần giáo như phần Tu Ða La, phần Kỳ Dạ v.v... Nay
kinh này thuộc về hai phần Tu Ða La và Ưu Ðà Na.
CHÚ
GIẢI: Phần là từng phần, bởi vì nhất đại
thời giáo của Phật có chia ra từng phần, đều có chỗ sở thuộc.
"Kỳ dạ"
Tàu dịch "trùng tụng". Ưu Ðà Na Tàu dịch "Vô vấn tự thuyết" trong 12 bộ,
đây sợ nhiều, không dẫn (96). Nói thuộc hai phần: 1. Thuộc phần "Tu Ða La"
vì là Khế kinh. 2. Thuộc phần "Ưu Ðà Na" vì là không đợi ai thưa thỉnh mà
đức Phật ngài tự kêu ông Thân Tử và chúng hội nói cho nghe.
NGHĨA LÝ
THÂM QUẢNG (phân ra làm ba phần):
1. Nhiếp
đốn (Gồm cả Ðốn giáo)
2. Phần
viên (Gồm một phần Viên giáo).
3. Bàng
thông (Lan rộng các giáo).
1. NHIẾP
ÐỐN
CHÁNH
VĂN: Ðã biết rằng kinh này thuộc về Ðốn giáo và có ít phần thuộc về Viên
giáo; chứ chưa biết nghĩa lý hoàn toàn như thế nào.
Trước
nói kinh này thuộc về Ðốn giáo đó, số là bảo: Pháp trì danh liền được vãng
sanh, mau siêu, chóng chứng, vì không quanh co (lâu dài, chậm trễ) nên
kinh Di Ðà chính thuộc Ðốn giáo.
CHÚ
GIẢI: Chính thuộc nghĩa "Ðốn" là: Vì tất cả kẻ phàm muốn chứng lên bực
thánh, sự đó rất khó lắm! Vì đường đạo lý quá xa. Nay chỉ có một pháp trì
danh liền đặng vãng sanh, đã vãng sanh rồi, tức thì đặng bực "Bất Thối".
Khá gọi rằng: Ðời chỉ trọn thành, một đời đặng xong. Ví như đem ngôi báu
trao ngay cho kẻ thường dân, chẳng trải qua gia cấp và cũng không phải như
lối vòng vo của Tiệm giáo thì đâu sánh kịp, nên gọi kinh này thuộc về
nghĩa "Ðốn".
CHÁNH
VĂN: Hoặc có người hỏi thắc mắc rằng: Kinh này Ðốn giáo là tâm không sanh
một niệm gì hết, tức gọi là Phật. Như năm pháp, ba tự tánh đều không tám
thức, hai món vô ngã đều trừ. Thế mà nay Pháp trì danh niệm Phật đây thì
lại có niệm; đã có niệm, thế nào gọi là "đốn" được?
Ðáp:
Do nhứt tâm bất loạn, chính gọi là vô niệm; nếu còn có niệm, chẳng gọi là
nhứt tâm, nhưng đã được nhứt tâm rồi thì pháp nào là pháp chẳng vắng lặng?
CHÚ
GIẢI: Năm pháp là: 1. Danh; 2. Tướng; 3. Vọng tưởng; 4. Chánh trí; 5.
Như như (97).
Ba tự
tánh là: 1. Danh tướng là tánh biến kế chấp, 2. Vọng tưởng là tánh duyên
tha khởi. 3. Chánh trí như như là tánh viên thành thật (98).
Bát thức
là: A lại da, mạt na và sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) hiệp
thành tám thức.
Hai vô
ngã là nhơn vô ngã và pháp vô ngã (99).
Sắp về
trước, cũng đều thuộc vào trong năm pháp cả. Rõ thấy trong kinh Lăng Già
và các kinh, đều không, đều trừ. Cả năm pháp ấy có chỗ gọi rằng: Thân Phật
là vô vi (không hình tướng) không mắc vào các con số, gọi là Phật Thân.
Một niệm không sanh, tức gọi là Tâm Phật; ấy là tôn chỉ của "Ðốn Giáo".
Nay nói niệm Phật thời niệm hiệu Phật thuộc về Danh, còn đối thân Phật
thuộc về tướng, nhớ niệm Phật kia thuộc về vọng tưởng. Dầu cho tịnh niệm
nối nhau, được vào pháp "Tam Ma Ðịa" (chánh định) đi nữa, nhưng cũng còn
thuộc về danh từ "Chánh Trí Như Như".
Vả lại
phân biệt là Phật, thuộc về thức tình. Năng niệm là Tâm, sở niệm là Cảnh,
thuộc về Nhơn và Pháp; thế còn chưa trừ được tướng hữu ngã, huống là với
tướng vô ngã, lẽ nào trừ được ư ?
Chỗ
không, chỗ trừ của Ðốn Giáo kinh này đều có cả. Do vì chỗ có niệm cho nên
họ thắc mắc là chưa phải “Ðốn”; chớ đây chính bảo là vô niệm kia mà! Bởi
do nhứt tâm bất loạn thời chẳng chấp có tâm để niệm, chẳng chấp không tâm
để niệm, chẳng chấp cái tâm bằng cũng có cũng không để niệm, và chẳng chấp
cái tâm bằng chẳng phải có chẳng phải không để niệm. Vậy thử hỏi: lìa bốn
câu ấy ra, lại có gì là niệm? Thế thì tuy gọi rằng niệm Phật, chớ vẫn niệm
mà vô niệm vậy. Niệm mà vô niệm, thế mới gọi là nhứt tâm. Cái tâm như thế
tâm nó cũng không tâm nữa kia, chỉ cưỡng kêu là Nhứt, chứ thật ra tướng
Nhứt cũng còn không, đâu tìm được những con số mà người bảo: 5, 3, 8, 2.
Thế thời lý nhứt tâm bất loạn đây, chẳng khác nào "nhứt niệm bất sanh" đâu
nên nói kinh này chẳng phải là "Ðốn" ?
2. PHẦN
VIÊN
CHÁNH
VĂN: Một phần thuộc Viên giáo là lập trường của Viên giáo, vì trong bốn
món pháp giới, ba món trước chung lẫn cả các giáo, một món sau riêng thuộc
về Viên giáo. Nay kinh này: Viên giáo toàn nhiếp, nó có một phần nhiếp
thuộc về Viên giáo. Bởi vì nó chỉ có ít phần Viên giáo nên gọi thuộc “Phần
Viên".
CHÚ
GIẢI: Bốn pháp giới là: 1. Sự pháp giới; 2. Lý pháp giới; 3. Sự lý vô
ngại pháp giới. Với ba pháp giới này các kinh đều có; 4. Sự sự vô ngại
pháp giới (100) đây, thì đặc biệt nhứt là riêng một kinh Hoa Nghiêm có
thôi, nên gọi là "Nhứt thừa Biệt giáo". Sự và Lý vô ngại thì đồng với
"Ðốn" và "Chung". Còn sự sự vô ngại thì chẳng đồng hai giáo kia (Ðốn và
Chung) vì riêng ngoài nhứt thừa trong "đồng giáo" kia nên gọi là "Biệt"
(riêng) chớ không phải là "Biệt giáo" trong bốn giáo: Tạng, Thông, Biệt,
Viên (101).
Nay kinh
Di Ðà đây có một phần thuộc Viên giáo là do kinh Hoa Nghiêm thì hoàn toàn
là Viên giáo; còn kinh Di Ðà đây chỉ có ít phần thuộc Viên giáo. Ðối với
phần ít ấy, xin sơ lược kể nói ra có 10 nghĩa:
1. Kinh
Hoa Nghiêm nói: cả trong khí giới, từ mảy bụi, mảy lông đến một vật hữu
hình, vô hình đều diễn nói pháp âm mầu diệu. Kinh Di Ðà nói: Nước, chim,
cây, rừng đều rao pháp "Ngũ căn", "Ngũ lực", "Thất giác chi", Bát thánh
đạo" các pháp môn (sẽ rõ ở sau).
2. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Trong mảy vi trần đủ cả mười phương pháp giới huy hoàng vô
tận. Ðây thì như trong kinh Di Ðà Ðại Bổn nói: Với trong một cây "Bảo
Thọ", thấy 10 phương cõi Phật như bóng trong gương.
3. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Chẳng hề cử động ra khỏi chốn Tịch Diệt đạo tràng mà đã đi
khắp pháp giới, nên nói thể tướng vẫn yên lặng như xưa, vốn không hành
động chút gì sai khác, thế mà các pháp giới nhiều như số vô đẳng vô lượng,
đều đã đi khắp tất cả. Ðây thì như trong kinh Ði Ðà Ðại Bổn nói: Ðức Phật
Di Ðà vẫn thường ở tại cảnh Tây phương tịnh độ, mà cũng có ở khắp cả cõi
trong mười phương.
4. Kinh
Hoa Nghiêm nói lời ví dụ rằng: "Cây thuốc chúa" (102) nếu ai thấy cây ấy,
mắt được thanh tịnh, cho đến nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, cả sáu căn không căn
nào mà chẳng thanh tịnh. Chúng sanh thấy Phật cũng lại như thế, là do thấy
đức Phật Viên Giác, (103) nghe pháp Phổ Môn nhờ thần lực, sáu căn mới được
thanh tịnh vậy.
Kinh Di
Ðà nói: Ðức Phật A Di Ðà ngồi nơi cây Bảo Thọ đạo tràng. Với cây báu ấy kẻ
thấy, người nghe, sáu căn đều được thanh tịnh.
5. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Chúng sanh trong tám nạn (104) đều siêu lên bực Thập Ðịa,
kinh Di Ðà nói: Các chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ súc sanh, hễ có
niệm Phật đều được vãng sanh.
6. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Một tức tất cả nên đức Như Lai có thể đối với một thân, để
hiện ra nhiều đầu bằng số vi trần ở trong nhiều cõi Phật bằng số bất khả
thuyết. Trong mỗi một cái đầu, hiện ra vô số lưỡi. Trong mỗi mỗi lưỡi thốt
ra vô số tiếng tăm, cho đến nào văn, tự, câu, nghĩa đầy cả pháp giới. Kinh
Di Ðà thời như trong Ðại Bổn nói: Nước Cực Lạc kia có vô lượng hoa báu,
trong mỗi đóa hoa phóng ra ba mươi sáu ức na do tha trăm ngàn ánh quang
minh; trong mỗi quang minh hiện ra 36 ức na do tha trăm ngàn thân Phật,
khắp vì mười phương chúng sanh để thuyết tất cả pháp.
7. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Ðức Lô Xá Na, Ðức Thích Ca đều hiện ra hai tướng: Thắng
Ứng thân và Liệt Ứng thân (105). Ðây thì như trong Quán Kinh nói: Ðức Phật
A Di Ðà hiện thân cao lớn bằng số 60 muôn ức na do tha hằng hà sa do tuần,
mà lại thấy thân Liệt Ứng bằng một trượng sáu thước trên ao bát công đức
thủy (sẽ giải rõ ở sau).
8. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Ðức Lô Xá Na Phật làm giáo chủ. Ðây thời như Ngài Thanh
Lương nói: Ðức Phật A Di Ðà tức là đức Bổn Sư Lô Xá Na.
9. Kinh
Hoa Nghiêm nói: Kinh Hoa Nghiêm là kinh "Ðại Bất Tư Nghì" còn kinh Tịnh
Danh và các kinh là "Tiểu Bất Tư Nghì", mà kinh Di Ðà thì lại là kinh "Bất
khả Tư Nghì Công Ðức" vậy thôi, chứ chả phân là Tiểu hay Ðại gì !
10. Lập
trường của kinh Hoa Nghiêm là nói: Chính nơi tâm phàm phu để thành ngay
trí bất động của chư Phật. Kinh Di Ðà đây nói: Không ngoài pháp niệm Phật
bằng cách xưng danh mà được Phật hiện tiền. Thế thời kinh Di Ðà bằng bực
với kinh Tịnh Danh và các kinh... đồng một loại với kinh Hoa Nghiêm.
Vì Viên
giáo trọn thâu kinh này (Di Ðà). Kinh nầy một phần thuộc Viên giáo, bởi do
nghĩa có ít phần thuộc Viên giáo, nên mới gọi là "Phần Viên".
3. BÀNG
THÔNG (phân ra làm hai phần):
1. Quán
kinh .
2. Chư
kinh .
QUÁN KINH
CHÁNH
VĂN: Trước nói kinh này thông đồng với kinh Thập Lục Quán đó là bởi có
người chấp rằng 16 pháp quán gọi là Ðịnh Thiện, với chấp trì danh hiệu gọi
là Tán Thiện. Nay vì lẽ thông đồng mà nói, thì trong đây có hai nghĩa: 1.
Tổng 2. Biệt.
Trước
nói Tổng là Kinh Thập Lục Quán cả 16 pháp diệu quán, đều chủ về lý nhứt
tâm. Kinh Di Ðà đây trọng về lý nhứt tâm, chính hiệp với ý kinh kia. Vì
kinh kia nhứt tâm tác quán, kinh này nhứt tâm xưng danh; thế đâu đặng với
cả hai đồng qui về LÝ NHỨT TÂM mà lại tán dương kinh kia, dằn ép kinh này.
Rõ như trong lời Sớ ngài Tịnh Giác đã nói...
CHÚ
GIẢI: “Bàng thông” là không phân biệt Ðốn giáo hay Viên giáo, chỉ lấy
nghĩa lý thông đồng nhau giữa các kinh Ðại thừa mà thôi. Do vì kinh Thập
Lục Quán là kinh chuyên môn nói về Tịnh Ðộ nên dẫn để nói trước.
“Ðịnh
Thiện, Tán Thiện” là: Ngài Cô Sơn phân phán ra cho 16 pháp quán là Ðịnh
Thiện. Ðối với kinh đây, pháp trì danh cho là Tán Thiện (106), chứ đây bảo
rằng: "Nhứt tâm bất loạn" có sự, có lý, chính nơi "Sự nhứt tâm" đã chẳng
phải hoàn toàn Tán Thiện thay, huống chi là "Lý nhứt".
“Chính
hợp với ý kia” là kinh kia dạy tu 3 pháp quán như vầy: Tâm quán không tức
không, quán giả tức giả, quán trung tức trung, vượt hẳn lớp lang thế là
đắc “tam quán nhứt tâm". Kinh Di Ðà này dạy tu niệm Phật bằng cách "chấp
trì danh hiệu" đến khi đặng cái "Nhứt tâm bất loạn" thì cả năng trì, sở
trì đều không thể có, đó gọi là "Không quán". Chính đương lúc không mà
năng, sở rõ ràng, đó gọi là "giả quán". Chẳng phải giả, chẳng phải không
mà thường không, thường giả, bất khả tư nghì, đó gọi là Trung Ðạo quán.
Bởi vì riêng giữ một danh hiệu Phật để niệm liền được nhứt tâm; đã nhứt
tâm thì có gì thứ lớp! Ðây chính là nghĩa ba quán viên tu. Thế thời kinh
kia dùng nhứt tâm quán tưởng làm tôn, kinh đây dùng nhứt tâm trì niệm làm
chủ, vì Quán tức là niệm, niệm tức là quán. Vậy hai kinh chỗ nói đã đồng
nhứt tâm, sao riêng với kinh này chê là Tán Thiện!
Cho nên
pháp môn này tên là pháp “Niệm Phật tam muội", cũng tên là "Nhứt Hạnh tam
muội", cũng tên là "Chư Phật Hiện Tiền tam muội", cũng tên là "Bát Nhã tam
muội", cũng tên là "Phổ Ðẳng tam muội". Nói "Tam Muội" nghĩa là Chánh
Ðịnh. Kinh Di Ðà này đã thông đồng với nhiều pháp tam muội như thế sao dám
chê là Tán Thiện? Nói cho đúng lý: Tu quán tưởng nếu chẳng đặng nhứt tâm
thì pháp quán ấy cũng thành là Tán; tu trì danh nếu được nhứt tâm, pháp
trì danh ấy tức thành là Ðịnh. Ðừng tính ở quán tưởng hay trì danh mà chỉ
tính ở chỗ đặng nhứt tâm cùng không nhứt tâm mà thôi .
Như lời
sớ của ngài Tịnh Giác nói: “Ðối với Quán kinh, ngài Trí Giả đại sư cho ba
món tịnh nghiệp (107) thuộc về Tán Thiện, 16 pháp diệu quán thuộc về Ðịnh
Thiện”; chớ chưa nghe ngài chê pháp trì danh là Tán Thiện bao giờ! Ông Cô
Sơn phê phán kinh Di Ðà là Tán Thiện, theo ý tôi (Vân Thê) không nhận cái
thuyết kia. Và như lời Sớ trong phẩm Phổ Môn giải rằng: "Nhứt tâm xưng
danh có sự, có lý, chuyên niệm đức Quan Âm, lòng niệm không gián đoạn, gọi
là Sự nhứt tâm. Nếu đạt được tâm này, bốn tánh (108) không sanh, vì tương
ưng với pháp Không Huệ gọi là Lý nhứt tâm". Trong phẩm Phổ Môn kia nói
thiếu hai chữ "bất loạn", ngài Trí Giả còn dùng hai chữ "Không Huệ" (huệ
chơn không) để giải; huống chi kinh Di Ðà nói: "Nhứt tâm bất loạn” thì đâu
đặng chê là Tán Thiện?! Theo ý ngu tôi xét: Ngài Trí Giả khi nhập diệt,
còn xướng danh hiệu Tam Bảo, ngài Chương An khi lâm chung cũng niệm Phật A
Di Ðà và niệm hai vị đại sĩ Quan Âm, Thế Chí.
Hai thầy
trò của ngài Trí Giả đồng "xướng danh, niệm danh", như thế thì hẳn không
đặng đem hai chữ "Tán Thiện" để gắn cho pháp trì danh của kinh này. Xét
đó, càng thêm tin chắc.
CHÁNH
VĂN: Kế đây nói nghĩa riêng. Hoặc có người thắc mắc cho rằng:
1.
Kinh Di Ðà đây chỉ nghe danh suông của Phật.
2.
Kinh Di Ðà đây nói thân Phật là Liệt Ứng.
3.
Kinh Di Ðà đây nói hoa sen chừng bằng bánh xe .
4.
Kinh Di Ðà đây nói tội ngũ nghịch không được vãng sanh .
5.
Kinh Di Ðà đây thuộc về hạ phẩm.
Họ nạn
như thế vì họ không biết hai kinh (Quán kinh với A Di Ðà kinh) thật đồng
một nghĩa và họ không biết kinh A Di Ðà lại càng độc yếu hơn nữa .
CHÚ
GIẢI: "Chỉ nghe danh suông" là có người thắc mắc cho rằng: Trong Quán
kinh dạy tưởng tướng hảo của Phật, còn kinh Di Ðà đây chỉ chấp trì bốn chữ
danh hiệu suông, chớ không thấy thân tướng hảo của Phật nên họ cho là Tán
Thiện.
Song
trong kinh này đã nói: "Ðức Phật A Di Ðà cùng các Thánh chúng hiện ở trước
mặt người kia". Ðã nói Phật hiện thời đâu không tướng hảo? Huống cùng
thánh chúng, chủ và bạn đều hiện bày? Số là kinh kia do tác quán thấy
Phật, kinh đây do trì danh thấy Phật, dù chỗ tu nhơn không đồng, chớ chỗ
thấy Phật thì một.
"Thân
Liệt Ứng" là có người nói mắc mỏ rằng: Trong Quán kinh nói thân Phật cao
đến sáu mươi muôn ức na do tha, hằng hà sa do tuần (109), còn kinh này
không nói, họ nghi là "thân Liệt Ứng" cho nên gọi là Tán Thiện.
Song
trong kinh Ðại Bổn nói: Lúc bấy giờ đức Phật A Di Ðà phóng hào quang lớn
chiếu khắp tất cả thế giới. Ông A Nan thấy dung thể của Phật lớn cao vòi
vọi như núi vàng ròng, cao vót lên trên tất cả thế giới. Thế thì trong
Quán kinh chỗ nói còn cuộc hạn trong một thế giới; nay kinh này nói tất cả
thế giới là cao lớn hơn biết bao, đâu nên nói là thân Liệt Ứng!?
Kinh Ðại
Bổn lại nói cây báu nơi đạo tràng (110) của Phật A Di Ðà toàn dùng các món
báu tự nhiên hợp thành, cây báu ấy, không phải thân trượng sáu ngồi dưới
cội cây Bồ đề, thời đâu nên nói là thân Liệt Ứng!?
Lại trong
Quán kinh nói: Phật kia hoặc hiện thân một trượng sáu, hay tám thước; hoặc
hiện thân cao lớn đầy giữa hư không. Thế là tùy cơ cảm của chúng sanh nên
chỗ thấy có lớn nhỏ không nhứt định; thành thử cổ đức nói: “Dầu liệt ứng,
dầu thắng ứng, dầu sanh thân, dầu Pháp thân, nhưng cũng không phải hai
thân”. Huống chi trong kinh đây không thấy nói ra thân Phật lớn, nhỏ chi
cả, sao dám quyết định đặt điều cho là thân Liệt Ứng?
"Hoa sen
chừng bằng bánh xe" là có người bảo rằng: Trong Quán kinh nói: “Hoa sen
lớn mười hai do tuần”; còn kinh đây nói: “Hoa sen nhỏ hạng bằng bánh xe”,
cho nên gọi là Tán Thiện .
Song họ
đâu biết cái nghĩa bánh xe lớn nhỏ không nhứt định. Như trong kinh Ðại Bổn
nói bánh xe lớn đến trăm ngàn do tuần (111), đâu những "mười hai do tuần"
mà thôi; rõ như trong văn sau có biện.
"Tội ngũ
nghịch không được vãng sanh" là có người đưa ra nạn đề rằng: Trong Quán
kinh nói tội ngũ nghịch được vãng sanh; còn kinh Ðại Bổn nói: “Chỉ trừ tội
ngũ nghịch không được vãng sanh”. Họ chê kinh này công tế độ hẹp hòi nên
họ cho là Tán Thiện .
Nhưng họ
đâu biết dưới câu: “Chỉ trừ tội ngũ nghịch" có thêm bốn chữ "phỉ báng
chánh pháp", mới bị trừ ra. Tuy người đủ tội ngũ nghịch (112) mà không
"phỉ báng chánh pháp", vị tất không được vãng sanh?
Bởi do
"phỉ báng" thời không tin, vì không tin nên không được vãng sanh. Sở dĩ có
câu: “Nghi thời hoa sen không nở”, thật thế.
Trong
Quán kinh không nói: "Phỉ báng chánh pháp". Nếu như gồm có phỉ báng ấy
cũng không được vãng sanh vậy. Lại trong Quán kinh về phẩm "Hạ hạ", trong
văn ngũ nghịch nói: “Người phạm tội ngũ nghịch, khi lâm chung niệm danh
hiệu phật mười tiếng liền được vãng sanh”. Thế là pháp Quán tưởng chưa
thành chỉ nhờ mười niệm... Vậy tội ngũ nghịch cũng được vãng sanh đó chính
là nhờ có niệm danh hiệu mới được vãng sanh mà thôi.
Huống nữa
trong kinh Ðại Bổn nói: "Những tội đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng
sanh về trong cõi của ta". Những người đọa trong địa ngục đó không phải là
người ngũ nghịch chớ gì ?
"Chỉ
thuộc về hạ phẩm" là có người thắc mắc rằng: Trong Quán kinh nói về ba
phẩm hạ. Phẩm đầu nói đối với người trí thức, dạy bảo chắp tay, hoặc vòng
tay để niệm "Nam Mô A Di Ðà Phật". Về phẩm thứ ba nói, thiện hữu dạy rằng:
"Nếu người kém trí thức không thể niệm Phật bằng cách chắp vòng tay thì
nên chỉ niệm danh hiệu". Thế thì pháp trì danh được vãng sanh đó dường như
chỉ ở phẩm hạ! Họ đâu có biết pháp trì danh có Sự, có Lý. Lý lại có thấp
có cao. Nay nói người vãng sanh về hạ phẩm đó chỉ là sự thiện, nếu thành
lý quán thời đồng với ba quán viên tu của kinh kia, khế hiệp không hai, lo
gì phẩm vị không cao. Huống chi trong văn hạ phẩm, chính chỉ cho người ác,
người ngu có niệm Phật được về ở đó, chớ không phải nói về người thiện và
người trí trì danh mà cũng ở phẩm hạ đâu. Nên biết hai kinh (Di Ðà và Quán
kinh) vẫn đồng một nghĩa.
“Ðộc yếu”
là lược giải có ba ý:
1. Trong
Quán kinh chép rõ về thân Phật tuy nói rằng thân ấy tức là Báo thân, tức
Pháp thân, nhưng mà với số na do tha (113) hằng sa đó không phải là không
có con số để kể, với hóa thân (ứng hóa hay sanh thân) cao lớn bao nhiêu
(114) còn đợi 13 lời vấn đáp để biện giải điều nghi sau. Kinh đây chỉ nói
quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng. Thế thì không thuộc về các con số
nào mà chỉ ngay về Pháp thân thôi, đây là món độc yếu thứ nhứt vậy.
2. Với 16
pháp diệu quán, tuy rằng: Tâm tức quán, quán tức tâm, nhưng mà trước phải
quán mặt trời, kế quán đến nước, đến đất, đến hàng cây, đến bảo tọa, sau
mới quán vào thân Phật. Thế thì không phải không thứ lớp, biết bao là bộn
bề. Còn kinh này nói: Không cần tu các hạnh nghiệp đó, chỉ chuyên về một
pháp trì danh, thoạt được nhất tâm, liền thấy Phật hiện trước mắt. Ðây là
món độc yếu thứ hai vậy.
3. Sanh
về ba phẩm Thượng có thể dạo khắp mười phương, thừa sự chư Phật; còn hai
phẩm Trung và Hạ không thấy dạy như thế. Chớ kinh đây nói: Trì danh được
vãng sanh liền được mỗi sáng ra đi cúng dường chư Phật khắp mười phương
rồi liền trở về nước kịp trong giờ ăn buổi mai. Ðây là món độc yếu thứ ba
vậy.
Người đời
nghe nói hai kinh đồng một nghĩa còn sanh nghi thay, huống lại nghe nói
kinh này độc yếu hơn càng thêm sợ hãi. Cho nên nói kinh này là pháp mà
người đời "Nan Tín" (khó tin) và cũng nói kinh này là kinh "bất khả tư
nghì công đức vậy".
CÁC KINH
CHÁNH
VĂN: "Lại nói thông đồng trong các kinh" là ý nghĩa của kinh này cùng
thông đồng nhau với các kinh Ðại thừa như kinh Tịnh Danh, kinh Pháp Hoa
v.v... Song người mà đã thấy được chỗ lan rộng thông đồng nhau như thế
thời mới biết nghĩa lý kinh này bao trùm, thâm thúy, rộng xa, chứ không
nên coi như các kinh thiển cận (Tiểu thừa) mà tự mắc tội lỗi !!
CHÚ
GIẢI: Kinh Tịnh Danh, kinh Pháp Hoa v.v... Kinh đây nói: Nhứt tâm trì
danh đặng sanh về nước kia (Cực lạc) tức là đồng với "Tùy kỳ tâm tịnh tắc
Phật độ tịnh". Ðây là nghĩa kinh Tịnh Danh.
Lại kinh
này nói: Nhứt tâm trì danh tức là đồng với “Dụng thân tâm niệm Phật”...
nhẫn đến “một mình vào nhà người nhứt tâm niệm Nam mô Phật, đi khất thực
không bạn cũng nhứt tâm niệm Phật, một tiếng niệm Nam mô Phật, đều đã
thành quả Phật”. Ðây là nghĩa trong kinh Pháp Hoa .
Chữ
"Ðẳng"v.v... là lược dẫn các kinh, như kinh Văn Thù nói tu pháp nhứt hạnh
tam muội, kinh Ðại Phẩm nói: "Nếu người tán tâm niệm Phật... Nhẫn đến hết
khổ, được phước kia không hết". Ðây là nghĩa kinh Bát Nhã.
Như kinh
nói: “Trong 21 ngày cúi đầu lễ niệm danh hiệu các đức Phật trong mười
phương”. Ðây là nghĩa kinh Viên Giác.
Như nói:
Năm trăm (500) người con ông Trưởng giả xưng niệm danh hiệu của bảy lớp (7
đời) Phật (115) bèn đặng thấy thân Phật vàng chói, liền chứng quả A La
Hán. Ðây là nghĩa trong kinh Quán Phật tam muội .
Như nói:
“Ông Bồ Tát tu sáu phép niệm (116) mà phép niệm Phật là thứ nhứt”. Lại
nói: “Buộc lòng niệm nghĩ nhớ Phật, vì nhờ sức nhơn duyên ấy mà đoạn được
phiền não”. Ðây là nghĩa trong kinh Niết Bàn.
Như Phật
bảo phụ vương rằng: “Ngày nay nên niệm Phật A Di Ðà ở thế giới Cực Lạc Tây
Phương thường cần tinh tấn, sẽ được quả Phật”. Lại nói: “Tu mười tâm để
hồi hướng cầu vãng sanh, khi mạng chung ắt được sanh về cõi nước Phật kia
(Phật A Di Ðà)”. Ðây đều là nghĩa trong kinh Bảo Tích.
Chí như
kinh này cũng đồng nhau với nghĩa Viên của kinh Hoa Nghiêm thì đã thấy ở
văn trước rồi .
Với nghĩa
niệm Phật không thể kể xiết. Như trên là chỉ ngay đại ý của một bổn kinh
mà nói thế thôi. Nếu bàn rộng về nghĩa kinh thời như kinh Tịnh Danh nói:
Nơi phương trượng (thất) của ông Duy Ma dung nạp cả ba mươi hai ngàn
(32.000) tòa sư tử. Nay kinh này nói: Cõi Tịnh Ðộ đức Phật A Di Ðà, mười
phương sanh về đó, nhiều như những hột mưa, đều sanh trong ao thất bảo
không hề chật hẹp; tức là nghĩa kinh Tịnh Danh.
Trong
phẩm Như Lai Thần Lực nói: Ðức Phật Thích Ca cùng các Hóa Phật ở mười
phương đồng hiện ra tướng lưỡi rộng dài cho đến cõi trời Phạm Thiên vì để
khen ngợi kinh Pháp Hoa. Kinh này nói: Chư Phật ở sáu phương đều hiện
tướng lưỡi khen ngợi đức Phật A Di Ðà cũng lại như thế, tức là nghĩa kinh
Pháp Hoa. Lược dẫn một phần ít đồng với các kinh Ðại thừa, còn bao nhiêu
nữa sợ nhiều không dẫn nói.
Lại luận
Khởi Tín trong phần nhân duyên, lời Sớ nói: “Bực Thập Tín sơ tâm có bốn
món cơ: Dùng sự lễ bái sám hối để diệt tội giúp cho bực sơ cơ (Thiên nhơn
cơ). Dùng tu tập pháp chỉ quán để giúp cho bậc trung cơ (Thinh Văn cơ và
Duyên Giác cơ). Dùng pháp cầu sanh Tịnh Ðộ để giúp cho bậc thượng cơ (Bồ
Tát cơ). Cơ đầu là những chúng sanh nhiều nghiệp chướng. Cơ bậc trung là
phàm phu, nhị thừa”. Thế thì biết pháp môn Tịnh Ðộ là pháp tu của bậc Ðại
Thừa Bồ Tát. Nghĩa lý bao trùm tổng kết văn trên. Chữ "Tội lỗi" là những
người khinh chê kinh này, tức là khinh chê các kinh Ðại Thừa mắc tội vô
lượng.