PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
*******
QUYỂN THỨ BA
(tiếp theo)
CHÚ-THÍCH
KINH A DI ÐÀ SỚ SAO
QUYỂN THỨ BA
1. "Vui mà không đắm": Sách Luận Ngữ, đức
Phu Tử nói: "Thơ Quan Thơ vui mà không đắm, thương mà chẳng hại". Lời chú:
Ðắm: vui quá độ mất điều chánh đáng. Hại: vì quá ưu thương mà hại nơi hòa.
2. "Thế giới mới bình": Ðương đời đức Phật
Phổ-Quang, ông Trì Ðịa Bồ Tát tu hành: bồi đắp che bằng mặt đất trên đường
lộ. Ðến thuở đức Tỳ Xá Như Lai, có nhà vua trong nước rước Phật chứng tiệc
chay. Bấy giờ Bồ Tát vẫn đương bình trị địa giới để đợi Phật đi qua. Như
Lai đến rờ đầu Bồ Tát và dạy rằng: Phải lo bình lấy tâm địa thì tất nhiên
thế giới sẽ bình theo, vì cảnh không ngoài tâm.
3. "Tâm có cao thấp": Kinh Duy Ma chép: Xá
lợi Phất nói: Tôi thấy thế giới đây có gò nổng, hầm hố, gai góc, cát sạn,
các núi đất đá, nhơ nhớp đầy nhẫy”. Trời Phạm Vương phê bình: “Ðó là tự
Nhơn-giả tâm còn cao thấp, không nương nơi Phật huệ; thành thử thấy thế
giới nầy bất tịnh thế thôi”. Nhơn đó, Phật dùng ngón chơn bấm xuống đất
tức thì đại thiên thế giới hiện thành cõi tịnh bửu nghiêm.
4. "Ba thứ ý sanh thân": 1. Chánh thụ ý
sanh thân: cái thân nầy sống bằng cái vui pháp tam muội, thân này thuộc về
các thánh Thanh Văn. 2. Tánh ý sanh thân: sống bằng cách biết tự tánh của
các pháp, thân nầy thuộc về các thánh Bồ Tát. 3. Vô hành tác ý sanh thân:
sống bằng cách đều sống với các chủng loại, thân nầy thuộc về của các đức
Phật.
5. "Bốn thứ tam muội": 1. Pháp tam muội
thường đi: kinh Ban Châu dạy lập một kỳ hạn 90 ngày, chuyên tâm niệm danh
hiệu của Phật A Di Ðà. Cũng gọi là Phật Lập tam muội, nghĩa là trong 90
ngày đó không được ngồi nằm, chỉ đứng niệm Phật. 2. Thường Tọa tam muội:
kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã dạy rằng: chín mươi ngày làm kỳ hạn, chuyên tâm
buộc về lý pháp giới, chớ không kiêm đến sự tướng, cũng gọi là Nhứt Hạnh
tam muội, nghĩa là chuyên một hạnh niệm Phật bằng cách quán xét lý pháp
giới. 3. Bán hành bán tọa tam muội: tu pháp này không nhứt định kỳ hạn,
hoặc 21 ngày, hoặc bảy ngày, hoặc 10 ngày để niệm Phật bằng cách lạy các
pháp sám Phương Ðẳng, Pháp Hoa... Ba pháp trên đồng là quán xét lý thật
tướng. 4. Phi hành phi tọa tam muội: trong các kinh về phép tu này chẳng
chuyên đi và ngồi, đều thân thuộc về pháp đây, tức là tùy theo tự ý tam
muội. Một pháp nầy chỉ thuộc sự quán.
6. "Ðọa loài chim này": Nguyên trước thì
đức Thích Ca và ông Ðiều Ðạt cả hai cùng đọa làm con chim Cộng Mạng, gọi
là "báo đồng thức dị", nghĩa là vẫn đồng một cái báo thân mà thức tánh lại
khác nhau. Thành thử một đàng làm Ðiều Ðạt thì ưa ngủ mãi, một đàng làm
Thích Ca thì ưa thức. Bên thức nhơn kiếm được quả thơm ngon để ăn; bên ngủ
thức dậy ganh ghét chỉ trích rằng: Sao lại dối ta kiếm ăn một mình và nghĩ
bụng để kiếm trái độc hại đi cho rồi. Nên sau khi ăn độc quả, hai mạng đều
chết luôn!
7. "Tiếng đờn người Do": Người Do tức là
Tử Lộ. Ðức Phu Tử nói: “Người Do khảy đờn sắt có ích gì với nhà cửa ta?”
Lời chú rằng: Tiếng đờn của Do nó bất hòa, vì nghe ra nó xẵng quá, không
có hòa rập với tiếng đờn của ai cả! "Tiếng nói nước Trịnh": Ðức Khổng Tử
nói: “Buông bỏ tiếng nói của nước Trịnh, xa lìa lời của người nịnh”. Vì
tiếng ấy lừa dối và tà; người ấy là miệng lời lanh lợi và hại.
8. "Huỳnh Chung, Ðại Lữ": Âm nhạc có 12
tiếng luật: 6 tiếng thuộc Dương là: 1. Huỳnh Chung; 2. Thái Thốc; 3. Cô
Tẩy; 4. Nhuy Tân; 5. Di Tắc; 6. Vô Dịch; 6 tiếng thuộc Âm là: 1. Ðại Lữ;
2. Giáp Chung; 3. Trọng Lữ; 4. Lâm Chung; 5. Nam Lữ; 6. Ứng Chung.
9. "37 đạo phẩm": xin xem cái biểu đồ ở
phần kỷ niệm sách Khánh Anh Văn Sao sẽ dễ hiểu hơn.
10. "22 căn": 1. Ðức tin; 2. Tấn tới; 3.
Nghĩ nhớ; 4. Lòng định; 5. Huệ sáng; 6. Lòng lo; 7. Lòng mừng; 8. Cực
khổ; 9. Vui sướng; 10. Xả bỏ; 11. Nhãn: mắt; 12. Nhĩ: tai; 13. Tỷ: mũi;
14. Thiệt: lưỡi; 15. Thân: mình; 16. Ý: nghĩ; 17. Nam căn: ngọc hành; 18.
Nữ căn: âm hộ; 19. Căn chưa biết muốn biết; 20. Căn đã biết 21. Mạng căn
và 22. Căn đủ biết.
11. "Năm món tà mạng": 1. Mong vì lợi
dưỡng mà giả dối hiện ra các tướng lạ lùng như là: ngủ ngồi, ăn ớt, tịch
cốc, đi đầu trần, cữ cơm ăn mì, ăn bông chuối, dị đoan, mê tín, dối gạt kẻ
tín tâm, tham cầu lợi dưỡng không nghe lời cha mẹ, phản nghịch với thầy tổ
bổn tông v.v... 2. Cốt vì lợi dưỡng mà tự khoe công phu đức hạnh của mình
ra để người kính trọng, như là: Thánh thần mách bảo như thế nọ, Diêm chúa
mời hỏi như thế kia v.v... 3. Chuyên nghề bói quẻ, coi tướng, coi số,
dùng làm cơ quan thuyết pháp bằng cách cát hung, họa phước xui hên để thủ
lợi. 4. Lợi dụng mưu thần chước quỉ, bùa ngải thư ếm, dọa nạt hăm he, cho
người khiếp sợ lo lót. 5. Khoe nói kẻ kia dâng hộ vật kia, người nọ cúng
dường món nọ, ông A có đạo tâm lắm vì đã cúng tiền mặc áo Phật, bà B có
lòng thành lắm vì hằng bữa hộ đồ ăn cho chúng tăng. Quan lớn kia cả nhà
được phước đức nhiều lắm vì thường ngày về chùa lạy xá lợi của Phật luôn
v.v... Nói những lời ấy để cảm động lòng người, để đặng lợi dưỡng. Bởi
sanh nhai bằng cách không chánh đáng, nên bảo là tà mạng, trái lại là
chánh mạng.
12. "Năm ngôi": 1. Ngôi tư lương: 10 tín,
10 trụ, 10 hạnh, 10 hồi hướng. 2. Ngôi gia hành: 4 căn hành. 3. Ngôi
thông đạt: sơ địa nhập tâm. 4. Tu tập vị: sơ địa trụ tâm đến thập địa
xuất tâm. 5. Ngôi cứu cánh: Phật vị.
Với 5 ngôi trên, có chia làm ba
a tăng kỳ để chỉ rõ lối tu nhơn chứng quả của 41 vị tu Phật. Xin xem cái
biểu đồ ở Nguyên Nhơn Luận.
13. "Nhứt bộc thập hàn": Một ngày dang
nắng, 10 ngày dang lạnh, là ví dụ sự học hỏi, tu dưỡng của người, làm và
nghỉ không thường. Thầy Mạnh nói: “Mặc dầu có vật dễ sống nhứt trong thiên
hạ mà một ngày đem phơi nắng, mười ngày để dang lạnh cũng chưa có thể sống
nổi. Việc tu học cũng thế! Nếu một bữa học, 5, 10 bữa không thì sự kết quả
thành công cũng khó mà thành được”.
14. "Ngũ dục", cũng kêu là ngũ trần: 1.
Sắc; 2. Thinh; 3. Hương; 4. Vị; 5. Xúc. Người đời vì 5 thứ ấy mà làm cho
chơn lý bị vùi lấp đi nên gọi là trần. Lại ngũ dục là: 1. Tài. 2. Sắc. 3.
Danh. 4. Thực. 5. Thụy miên. Người đời bị 5 món ấy nó khêu gợi lòng tham
muốn nên gọi là dục. Luận Trí Ðộ nói: “Thương cho chúng sanh thường bị năm
dục làm hại vì tham cầu không thôi. Bởi 5 dục hễ đặng thì càng khốn như
lửa hơ ghẻ ngứa, 5 dục vô ích như chó nhăn đuốc lửa; 5 dục thêm giành như
chim giành mồi, 5 dục đốt người như cầm đuốc nghịch gió; 5 dục hại người
như đạp rắn độc, 5 dục không thật như mơ được vàng, 5 dục chẳng lâu như
mượn phải trả. Người đời ngu si, quá tham 5 dục đến chết không buông nên
mãi luân hồi, chịu vô lượng khổ”.
15. "Tám gió": Sách Thuyết Văn chép: “Gió
đông là gió minh thứ, gió đông nam là gió thanh minh; gió nam là gió cảnh;
gió tây nam là gió lương; gió tây là gió xương hợp; gió tây bắc là gió bất
châu; gió bắc là gió quảng mịch; gió đông bắc là gió dung điều”.
16. "Tám thứ gió thanh": Là gió trong của
tám phương: 4 phương 4 góc. Kinh Quán vô Lượng Thọ nói: “Tám thứ gió trong
từ ánh sáng ra”. Tổ Thiên Thai nói: “8 thứ gió ấy, bên Tịnh Ðộ hẳn không
thời tiết” v.v...
17. "Diệt Tận Ðịnh": Tiếng Phạm
Nirodhasamàpatti. Lại tên là diệt Thụ Tưởng Ðịnh, là pháp thiền định diệt
hết tâm sở, tâm vương của thức thứ 6, không cho nó phát khởi hiện hành.
Các Thánh đã chứng quả Bất Huờn nhẫn lên, vì mượn cái tưởng vào Niết Bàn
nên vào tu cái định nầy, rất lâu là ngồi định luôn 7 ngày, thuộc về cảnh
giới trời Phi Tưởng. Còn chúng ngoại đạo tu vào cái định vô tâm, gọi là vô
tưởng, thuộc về trời Tứ Thiền. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, cuốn 2 nói:
“Diệt tận định ấy là các thánh nhơn lo vì cái tâm nó lao lự lắm nên tạm
dứt cái tâm thức đi, để đặng cái pháp hữu vi phi sắc tâm bổ vào chỗ tâm,
nghĩa là diệt hết cái thụ tâm sở, cái tưởng tâm sở nên gọi là Diệt Thụ
Tưởng Ðịnh".
18. "Trống trời": Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Các đức Chúa Trời ở cõi Tam Thập Tam thiên, lúc nào đắm say 5 thứ dục
lạc, phóng túng tánh tình thì cái trống trời nó thốt tiếng ra, để rao bảo
các Chúa Trời rằng: Cái vui ấy là vô thường, vì vui là cái nhơn sẽ đưa đến
cái khổ; vậy chớ nên buông lung”.
19. "Tiếng sấm rừng báu": Lôi âm tỷ như
cung trời Ðao Lợi; bảo lâm so như trống trời cũng là cảnh vật nói pháp để
cảnh tỉnh trời người.
20. "Công đức và tánh công đức": Hư không
công đức ấy. Luận Vãng Sanh lời tụng rằng: “Vô lượng báu lẫn xâu, lưới
giăng giữa hư không, mỗi thứ linh reo lên tiếng, kêu ra tiếng pháp rất
hay”. Tánh công đức ấy, lời tụng rằng: “Ðạo chánh, từ bi lớn, vì sản xuất
các căn lành”.
21. "...vô biên quang": Kinh Vô Lượng Thọ
nói: Ðức Vô Lượng Thọ Phật có uy thần quang minh là bực nhứt... thế nên
đức Vô Lượng Thọ Phật hiệu là: Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô
Ngại Quang Phật, Vô Ðối Quang Phật, Diệm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh
Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Ðoạn Quang Phật,
Nan Tư Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật và Siêu Nhựt Nguyệt Quang Phật. Cả
12 Phật trên đều là mỗi tên hiệu riêng của đức Phật A Di Ðà.
22. "Số thọ trăm năm": Cái thời kỳ Phật
Thích Ca ra đời nhằm kiếp giảm của tiểu kiếp thứ 9. Bấy giờ số trung bình
tuổi sống mỗi người là một trăm tuổi; từ đó về sau: Cứ một trăm năm là
giảm 1 tuổi... đến nay đã giảm mất 25 năm rồi vì từ Phật ra đời đến nay đã
trải qua là 2516 năm, thế thì hiện nay (năm Quí Tỵ 1953) số trung bình mỗi
người còn được 75 tuổi.
23. "8 vạn tuổi": Là số thiếu của "8 vạn 4
nghìn". Với giữa thời kỳ tăng lấy tuổi sống của mỗi người đủ 8 vạn 4 nghìn
tuổi là rất dài; lấy tuổi sống của mỗi người còn 10 tuổi là rất ngắn.
Luận Cu Xá nói: “Từ 10 tuổi đến 8 vạn, lại
từ 8 vạn đến 10 tuổi. Như tiểu kiếp thứ chín nầy, về thời kỳ giảm, thuở
con người sống còn 60.000 tuổi là cái thời Phật Câu Lưu Tôn ra đời.... Cứ
giảm xuống 100 năm là giảm 1 tuổi... mãi xuống thuở mà con người sống còn
100 tuổi là cái thời Phật Thích Ca ra đời. Luân Vương ra đời nhằm thuở
người sống đủ 8 vạn 4 nghìn tuổi, vì là thời tăng, đọc theo tiếng Phạm
Cakravartiraja, dịch: Chuyển Luân Thánh Vương. Luận Cu Xá cuốn 12 nói:
“Châu Nam Diêm Phù Ðề nầy về thời tăng, con người sống đủ 8 vạn tuổi. Bấy
giờ có vị Chuyển Luân Thánh Vương ra đời, thân có 32 tướng tốt. Từ 8 vạn 4
ngàn tuổi của mỗi người sống là cái thời của Luân Vương ra đời; đến thời
giảm: từ mỗi người sống còn chỉ tám vạn tuổi sắp xuống đến chỉ còn 10
tuổi. Trong thời gian đó chẳng có Luân Vương vì những hạnh phúc giàu, vui,
sống lâu của chúng sanh ở thế giới nầy đều bị tổn giảm mà độc ác phiền não
càng tăng thạnh, phi căn khí của đại nhơn, nên không có Luân Vương ra đời.
Thiên Ðế Thích: Trời nầy ở trên đảnh núi
Tu Di, thân tướng dài một do tuần, sống lâu một ngàn tuổi, một ngày ở đấy
bằng một trăm năm ở dưới nhân gian.
24. "Pháp vương": Pháp là vạn pháp, Vương
là tự tại. Ðối với vạn pháp, Phật đều sáng suốt, tự tại vì không còn một
pháp nào làm chướng ngại nên gọi Pháp Vương. Kinh Duy Ma phẩm Phật Quốc
nói: “Ðối với các pháp được tự tại, thế nên cúi đầu lạy thánh nhơn ngôi
tột gọi là Pháp Vương”. Phàm nhơn ngôi tột gọi là Luân vương.
25. "Số tăng kỳ": Ðọc đủ là A Tăng Kỳ, dịch:
vô số, tiếng Phạm. Asanikhya. Cách đếm: muôn muôn là một vẹo (ức), muôn
vẹo là triệu. Một A Tăng Kỳ là: một ngàn muôn muôn muôn muôn muôn muôn
muôn muôn triệu. Tiếng Phạn lại là: Asamikhyya tức là
100.000.000.000. 000.000.000.000.000.
26. "10 con số lớn": Chưa kịp thấy, xin
nhờ vị nào rộng thấy bổ cho.
27. "Số lạc xoa", tiếng Phạn: Laksa. Một
lạc xoa là 10 vạn. Một trăm lạc xoa là một cu chi, cu chi có 3 hạng: một
là mười vạn; hai là trăm vạn; 3 là nghìn vạn.
28. "Số vô lượng": Sách Nhiếp Ðại Thừa
Luận Thích cuốn 8 nói: Không thể sánh vì để biết đặng là vô lượng, vì quá
nhiều quá lớn, chẳng kể lường. Một vô lượng là
100.000.000.000.000. 000.000.000.000.000.
29. "Ta Bà 1 kiếp, Cực Lạc 1 ngày đêm":
Kiếp có 3 hạng: 1. Tiểu kiếp kể có 16 triệu năm (16.000.000 năm). 2. Trung
kiếp kể có 3 trăm hai chục triệu năm (320.000.000 năm). 3. Ðại kiếp: kể có
một nghìn 2 trăm 80 triệu năm.
30. "Một Ðại kiếp": Kể có 1.280.000.000
năm.
31. "Con cháu Vương lão sư": Uy Âm Vương
Phật là đức Phật trước nhứt ra đời thuở không kiếp mới thành; còn về trước
thì chưa có Phật xuất thế, nên chỉ trong Tông môn chỉ về chỗ trước nhứt là
nói rằng Uy Âm Na Bạn nghĩa là trước Phật Uy Âm, đó là chỉ chỗ thật lý. Về
sau Phật Uy Âm, đó là chỉ môn Phật sự. Ðấy là mượn để tỷ dụ về chỗ rõ đạo,
ngõ biết rằng chỗ sở đắc chẳng từ nơi ai. Nghĩa là sở đắc ấy cực kỳ lâu xa
trước hơn hết. Vì cho Phật tánh là cái có từ trước, còn Phật sự là việc ở
sau.
Vương Lão Sư: Ðất Trì Châu Nam Tuyền, ngài
Phổ Nguyện Thiền Sư họ Vương, thường tự xưng là Vương Lão Sư. Ngài Hoàng
Bá đến tham học nơi Nam Tuyền, bữa nọ đến thời cơm trưa, bưng bình bát tới
trước ngồi lên chỗ ngồi của Nam Tuyền. Nam Tuyền tới sau, thấy thế hỏi:
‘Trưởng lão này hành đạo tu trong khoảng năm nào?’ Sư Hoàng Bá đáp: ‘Trước
Phật Uy Âm’. Nam Tuyền bình rằng: ‘Cũng còn là con cháu của Vương Lão Sư
nầy! Vì là cái chỗ ta đã ngồi từ trước rồi’ (Nếu hiệp về lý tánh thì Phật
tánh sẵn có từ vô thỉ, không những từ Uy Âm ra đời).
32. "Ô Ba Ni Sát Ðàm": Tiếng Phạn
Upanisad, dịch: Gần ít, rất nhỏ, là một con số đã cùng cực; Ðại Luận dịch
là “vi tế phần”, là phân tích đã đến chỗ tột, còn số Lân Hư nữa là hết.
33. "Xóm Trang Nhạc": Ðối với Ðới Bất
Thắng, thầy Mạnh bảo rằng:
“Ở tại nước Sở, quan đại phu muốn cho con
mình nói tiếng nước Tề, vậy khiến người nước Tề dạy nó nói, hay là sai
người nước Sở dạy nó nói ư?”
“Sai người nước Tề dạy nó nói”.
“Chỉ có một người nước Tề dạy nó học nói
tiếng nước Tề, mà chung quanh nó phần nhiều là người nước Sở, hằng giờ
toàn nói tiếng nước Sở thì dù cho hằng ngày đánh để buộc nó nói tiếng nước
Tề cũng chẳng thể được. Còn như đem nó để ở giữa xóm Trang Nhạc bên nước
Tề chừng vài năm, dù mỗi ngày đánh buộc nó không nói cũng không thể đặng”.
Tỷ rằng chúng sanh vãng ở giữa nhóm chư thượng thiện nhơn thì đã dễ lại
mau thành bực người bên nước Cực Lạc.
34. "Vô ương số": do tiếng "A Tăng Kỳ" mà
dịch là Vô hoặc dịch là Vô Ương. Vô ương cũng như vô tận tức là vô cùng
tận.
35. "Bần mẫu sanh lên": Thuở xưa có một cụ
già, hết sức nghèo khổ, đến đỗi không có cái chòi để che thân nên thường
vùi núp nơi đống cỏ rác của chúng nhơn ở chợ đem đổ bỏ. Hằng ngày đi kiếm
đồ dư thừa cặn cáu của nhơn dân vứt bỏ đem về ăn!
Tổ Ca Diếp thấy thương muốn tạo phước cho
nên đến xin vật ăn. Bần mẫu đem đồ cặn bã mới lượm về dâng cho Tổ. Tôn giả
hỏi: ‘Bà nguyện được chi?’ Bà lão thưa rằng: ‘Già này chỉ muốn trả rồi
kiếp nghèo khổ là được siêu sanh lên cõi trời, là chí nguyện thế thôi’.Vài
ngày sau bà mãn phần, thần thức được sanh lên cõi trời Ðao Lợi, hưởng phúc
hơn các trời trong cõi đó.
36. "Nhạc thần trị ngục": Vua nước Tỳ Sa
đánh với vua nước Duy Ðà Thỉ, nhưng vũ lực chẳng bằng, phải bại trận. Nghĩ
giận mà thề rằng: Qua đời sau ta làm Diêm chúa nơi địa ngục để trị bọn
quân thù đó. Còn 18 vị đại thần kia cũng đồng nguyện như thế để theo giúp
việc. Hiện nay Diêm chúa ở địa ngục đó tức là vua nước Tỳ Sa trước kia;
còn 18 vị chủ ngục hiện nay cũng nguyên là 18 quan đại tướng quân trước
đó. Ðó là tùy nguyện v.v...
37. "Hiệp như phù tiết": Thầy Mạnh bàn
rằng: “Chỗ đắc chí của vua Thuấn, vua Văn Vương được thi hành nơi Trung
Quốc. Nó phù hợp nhau như cái ấn tiết”. Phù tiết làm bằng ngọc, hoặc tròn
hay vuông theo ý định của đôi bên, giữa thì khắc chữ bằng thứ chữ triện
xưa, rồi phân ra làm hai, mỗi bên cầm giữ một nửa. Sau mỗi khi có tờ giấy
gởi qua lại, đóng con dấu ấy, đem so mà đôi bên nó đều vừa vẹn in hịch với
nhau, thế là tin rằng thật sự của đôi bên, khỏi bị giả mạo, nên nói “hiệp
như phù tiết”, nghĩa là hợp đồng với nhau.
38. "Cùng tử": Một dụ trong 7 dụ của kinh
Pháp Hoa. Cả chúng sanh 3 giới tỷ như kẻ cùng tử vì chẳng có của cải bằng
pháp tài công đức. Kinh Pháp Hoa phẩm Tín Giải nói: Thí như người lúc tuổi
còn nhỏ bỏ cha trốn đi, ở lâu nước khác. Bốn năm chục năm, đến lúc đã lớn,
càng thêm cùng khổ, rong ruổi 4 phương để van xin ăn mặc... Bài thí dụ ấy,
bọn 4 người giữa ông Tu Bồ Ðề... là 4 thánh Thinh Văn sau khi lãnh được
công đức Ðại thừa, mới tự nói tỷ mình như cùng tử... Kinh Lăng Nghiêm cuốn
nhứt nói tỷ như cùng tử bỏ cha trốn đi. Ông Lưu Thủy giải lời sớ rằng:
“Hẳn không công đức pháp tài để nuôi pháp thân huệ mạng nên gọi cùng tử!”
39-40. "Long môn, Dinh Châu": Bên nước
Tàu, đời Ðông Hán có ông Lý Ưng là người chuộng cái khí tiết thanh bạch
cao thượng, ít giao thiệp với ai. Người nào mà được ông thâu nạp, họ lấy
làm vinh diệu như được lên chốn Long Môn; tỷ dụ người có danh vọng rất cao
cả là Long Môn. Thư của Lý Thái Bạch dâng cho Hàn Kinh Châu có 2 câu:
“Nhứt đăng Long Môn giá trọng bách bội!” Ðời Ðường vua Thái Tông mở cái
quán Hằng Văn, dùng các ông Ðỗ như Hối, Ngô thế Nam, Chữ toại Lương... cả
18 người làm chức học sĩ. Người ta khen tặng là rất vinh hạnh, vì được
tuyển vào. Dinh Châu là hòn núi giữa biển Ðông. Sử Ký nói: “Giữa biển có 3
núi thần tiên là Bồng Lai, Phương Trượng và Dinh Châu” (các hòn đảo nước
Nhựt Bổn ngày nay) mà người Tàu xưa cho là chỗ ở của các ông tiên biết
bay!
41. "Cầu vào hội Liên Lục": Ngài Trường Lô
Trách thiền sư hiệu triệu tổ chức thành lập lên hội Liên Hoa Thắng để phổ
khuyến niệm Phật. Ban đêm ông nằm mộng: có người khăn đen áo trắng, vóc
dạng thanh tốt, chắp tay thưa rằng: “Xin cho tôi vào Liên Hoa Thắng hội
của ngài”. Thiền sư hỏi: “Tên chi?” “Phổ Huệ”. Biên rồi. “Gia huynh tôi
là Phổ Hiền cũng nhờ ngài biên vào”. Ðến chừng thức giấc dậy, thiền sư nhớ
lại trong phẩm Ly Thế Gian của kinh Hoa Nghiêm có danh đức của hai vị Bồ
Tát ấy, thành thử đem hai đức Bồ Tát đứng đầu hội.
"Chọn xóm có nhơn": Sách Luận Ngữ, đức Phu
Tử nói: “Xóm nào mà nhân dân lòng đều có nhơn mới là thuần phong mỹ tục;
người mà chẳng chọn chỗ ở có điều nhơn thì đâu phải là có trí!”
42. "Ðạo nhơn khó thục, đạo khác khó
thành": Với ngũ cốc là thứ giống rất tốt vì loài người sống nhờ nó, nên đã
tặng cho nó một danh rất quí báu là "hột ngọc"! Thế mà, nếu với việc làm
mùa không chuyên thục, thì trái lại, nó chẳng bằng giống Ðề Bái là thứ lúa
lép, lúa ma! Ôi! Với việc tu nhơn cũng thế: Cốt tu làm sao cho được chuyên
thục đó mà thôi!? Chớ đừng tưởng rằng: Với cái đạo tu nhơn cho là khó
chuyên thục rồi bỏ đi, lại tính tu qua cái đạo gì khác cho có thành. Ý là:
Tu trì danh niệm Phật khó chuyên thục rồi thôi đi, để tu pháp gì khác cho
mau thành! Thì ra người như thế đó, dù tu học cái gì cũng bất thành! Vì
với cái nọ đã lam nham thì dầu cái kia cũng trật vuột như nhau!