Tịnh độ
Kinh Di Đà Sớ Sao
Châu Hoằng Liên Trì Đại Sư sớ giải Sa Môn LÊ PHƯỚC BÌNH dịch
27/10/2553 23:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ

NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO

---o0o---

QUYỂN THỨ HAI 

Ðất Cổ Hàng chùa Vân Thê  Sa Môn Chu Hoằng thuật lại.

Tổng Thích Danh Ðề (phân ra làm hai phần)

1.  Ðề nghĩa: nghĩa của kinh này.

2.  Dịch nhơn: người dịch ra chữ Tàu.   

 

1.  Ðề Nghĩa:

          Như nghĩa tám môn trước đã kể bày, được biết đại ý trong một kinh rồi. Bây giờ muốn giải thích lối văn, trước phải nói tổng đề, làm cho mạch văn có lề liếp; nên kế đây tổng thích danh đề.

 

PHẬT THUYẾT A DI ÐÀ KINH

          Sớ: Ðề nghĩa có bốn: 1. Phật năng thuyết; 2. Chính đương thuyết;  3. Phật bị thuyết; 4. Tổng kết tên ai thuyết.

          Nghĩa là đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi này nói kinh này kể y báo, chánh báo trang nghiêm, tín, nguyện được vãng sanh về nước Phật A Di Ðà ở cõi kia. Tổng quát đại ý, lần lượt sẽ chia ra giải như sau đây:

          Sao: "Tổng quát" là: Trước lược nêu toàn văn, để cho mạch văn thông suốt, ý nghĩa đầy đủ, sau tuần tự mỗi mỗi giải riêng. Ðầu đề chỉ nói tên Phật, mà sau đây lại nói cả y báo, chánh báo v.v... là gì? Trong Quán kinh dạy:  “Nói Phật là đủ, cho nên nói Phật là gồm thâu tất cả”. 

 

Sớ: Lần lượt chia ra giải: Chữ "Phật" nói đủ theo tiếng Phạn là: Phật Ðà (bực đã giác ngộ), Tàu dịch là Giác Giả vì đủ ba nghĩa Giác; lại dịch: Trí Giả. Bởi vì không chỗ nào mà ngài chẳng biết. Lại chữ Phật là một hiệu trong mười hiệu (từ Như Lai, Ứng Cúng v.v... cho đến Thế Tôn).      Lại trong kinh Thập Ðịa nói: “Chữ Phật có mười nghĩa”. Tổ Thiên Thai Trí Giả nói: “Chữ Phật có sáu nghĩa”; còn kinh Hoa Nghiêm nói: “Phật có đủ mười thân”. Cho nên nói đức Phật là Trời trên các hàng trời; Thánh trên các bực Thánh. Phàm chỗ nào nói riêng một chữ Phật tức là chỉ ngay đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni vậy.     

 Sao: Chữ Phạn: nghĩa trong sạch. Ðối với chữ Tàu nói Phạm là nghĩa văn chất đều có đủ.

Chữ "Cụ" là Cụ Túc. Nói đủ theo tiếng Phạn (Brahma) thì nói Phật đà (Buddha). Nay không nói chữ "Ðà" là bớt văn. Nếu dịch theo tiếng nước Tàu thì ta đọc là bực Giác, vì đối với chúng sanh mê mà nói ngài là Giác.Song Giác có ba nghĩa: 1. Tự giác khác với phàm phu. 2. Giác tha khác với Nhị thừa. 3. Giác mãn khác với Bồ tát.

Ba giác đầy đủ nên nói Ngài là Tự, Tha, Giác mãn.

Lại ly vọng tâm là Tự Giác; ly sắc trần là Giác Tha; ly cả hai: vọng tâm, sắc trần, gọi là Giác Mãn cũng là nghĩa tam giác. Lại nói là Trí Giả; Trí tức là nghĩa Giác.  

Câu "không chỗ nào mà ngài chẳng biết" là trong Luận Trí Ðộ nói:  “Ngài biết tất cả chúng sanh và chẳng phải số chúng sanh, thường và vô thường (1), vì cái trí của Ngài không chỗ nào mà Ngài chẳng biết, nên xưng tụng Ngài là ông  "Ðắc Nhứt Thế chủng trí",  tức là nghĩa Giác mãn....         

Câu "Mười hiệu" là đức Thế Tôn đủ cả muôn đức, không thể nói cho hết. Nay chỉ lược nói từ hiệu Như Lai cho đến hiệu Phật cộng có mười hiệu, mà Phật chính là một hiệu trong mười hiệu. Vì có đủ mười đức đây, là chỗ tôn chủ của cả thế gian và xuất thế gian nên gọi là Thế tôn.    

Nói Phật có mười nghĩa là: Ðủ hai trí căn bản trí (2) và hậu đắc trí (3), đoạn hai chướng phiền não chướng (4) và sở tri chướng (5). Giác chơn đế (6) và tục đế (7), đặng hai lợi: tự lợi và lợi tha. Và hai ví dụ: Mộng giác và Hoa khai, hiệp làm mười nghĩa.   

Chữ "Phật" có sáu nghĩa: Ðầu tiên là lý tức Phật (nói tất cả chúng sanh sẵn có Phật tánh), rốt sau là cứu cánh tức Phật (nói quả vị Diệu Giác).  Số là ban đầu thì toàn giác, bị toàn mê chặng giữa. Giác mà chưa thiệt Giác, rốt sau mới thiệt hoàn toàn không chỗ nào mà không giác. Nay nói chữ Phật đây là chỉ ngay ông Phật cứu cánh toàn giác vậy (8).

Phật có mười thân là: Thứ nhứt Chánh Giác Phật đến thứ mười Tùy Nhạo Phật, rõ đủ trong phẩm Ly thế gian. Mười thân Phật đây, duy trong kinh Hoa Nghiêm có nói (9).       

Song tóm chỗ đại yếu, dầu mấy thân cũng chẳng ra ngoài nghĩa Giác Mãn, cho nên nói mười thân được viên mãn, ngôi Chánh Giác mới thành tựu, gọi là Viên Mãn Phật.   

"Trời trên các hàng trời" là: Trời có bốn cảnh giới: 1. Trời thế gian:  Các vị vua trong nước. 2. Trời sanh Thiên: Các Trời trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới. 3. Trời Tịnh Thiên: Các thánh Tứ quả: Bích Chi Phật. 4. Trời Nghĩa Thiên: Các thánh Thập Trụ Bồ tát.       

Với bốn trời nói trên đây, Phật đều siêu vượt hơn cả nên nói Phật là Trời trên các hàng Trời.         

“Thánh trên các hàng Thánh” là: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, tuy đã chứng quả Thánh mà chưa hơn. Duy có Phật là quả cực điểm nên nói:  Phật và Thánh trên các hàng Thánh. 

Tức đức Thích Ca là: Với đời quá khứ, đời vị lai, hãy nêu lên ông Phật chi? Tức đức Thích Ca hiện ngồi chốn đạo tràng nên chỉ xưng một mình ngài vì trong một cõi không hai vị Phật, dụ như: Ðế vương triều đại thời xưa, phải xưng gọi có một quốc hiệu, còn với nhà cầm quyền thời nay thì chỉ xưng gọi ngay là đấng Chí Tôn, cũng bởi cớ trong một nước không có hai vua, hay hai ông quốc chủ.   

Như vậy thì đủ hiểu: Phàm chỗ nào nói một chữ Phật tức chỉ ngay cho thái tử Tất Ðạt Ða tu thành Phật hiệu Thích Ca là Phật thứ tư trong Hiền kiếp (kiếp hiện tại) này vậy.       

 

Sớ: Chữ (Thuyết) là đẹp, là vui đẹp trong lòng, vì bốn biện tài tuyên diễn từ 12 bộ kinh luôn đến bốn món Tất Ðàn đều là nghĩa thuyết cả.    

 Sao: “Vui đẹp trong lòng” là gì? Bản nguyện độ sanh của Phật nhằm cơ thuyết pháp vui đẹp trong lòng. Như trong kinh Ðại Bổn nói: “Ðức Thế Tôn muốn thuyết kinh này, trước khi nói, các căn đã ửng đỏ, gương mặt vui tươi khác thường”. Huống chi nay pháp trì danh niệm Phật đây đã nhằm cơ mà thuyết, sự vui thích biết chừng nào.    

Bốn pháp biện tài là: Nghĩa biện, Pháp biện, Từ biện và Nhạo thuyết biện tài. Cả 4 món đều không ngần ngại nên nói là thuyết.      

Bộ Trung Luận nói: “Các đức Phật y hai Ðế (Chơn đế và Tục đế) để vì chúng sanh thuyết pháp”. Có trí: Từ (lời) không ngại, vì lấy trí thế gian để nói về sự sai biệt, có trí nhạo thuyết (thích nói) không ngại vì lấy trí đệ nhứt nghĩa để nói về sự hay khéo.  

Trong đây không nói hai điều: Nghĩa biện và Pháp biện, là vì nói hai pháp sau này gồm luôn cả hai pháp trước. Bởi Từ biện và Nhạo thuyết biện đã gồm nhiếp Nghĩa biện và Pháp biện rồi.  

Mười hai bộ kinh (phần giáo) v.v... là pháp bị thuyết.       

Chữ "Tất Ðàn" hiệp cả tiếng Hoa và tiếng Phạm là Biến Thí. Ðã dùng bốn môn: Thế giới; Vị Nhơn; Ðối Trị; và Ðệ Nhứt Nghĩa làm bốn điều lợi ích chúng sanh là: Hoan hỉ, sanh thiện, diệt ác và vào Ðạo.    

Mười hai bộ kinh với tất cả các pháp, tùy trường hợp mà thuyết có vô lượng phương tiện. Song tóm tắt cũng chẳng ngoài: thế giới, luôn bốn thuyết Tất Ðàn làm cho người đặng hoan hỉ... bốn điều lợi ích mà thôi. Xem cơ trao pháp, văn kia nhiều và rộng, lược nói không hết.

 

Sớ: Phật thuyết là: Vì lựa riêng giữa năm người thuyết.      

 Sao: Năm người là Phật (1), Bồ Tát (2), Trời (3), Tiên (4), hóa nhơn (5). Năm người đây đều thuyết kinh được. Nhưng nay nói rõ kinh nầy là vị chí thánh lập lời, chính lời kim khẩu của Ngài thuyết, chẳng đồng với các hàng Bồ Tát còn ở khoản tu nhơn. Trời thuộc loại phàm, Tiên xen với ngoại đạo, hóa nhơn chẳng phải thiệt người. 

Dụ như lời chiếu của vị thiên tử đâu có đồng với hàng bá quan tể tướng cùng lời các ông vua trong các nước nho nhỏ. 

 

Sớ: A Di Ðà là nêu rõ đức Phật ở cõi kia. Tiếng Phạm "A" dịch "Vô".  Tiếng Phạm Di Ðà dịch "lượng". Nghĩa là, công đức của Ngài không thể cùng tột. Cho nên nói rằng: Vô Lượng. Như trong kinh nói:  “Thọ mạng vô lượng, quang minh vô lượng” là trong những vô lượng, chỉ nói vài việc, gồm các công đức kia vậy.     

Sao: Vô lượng có hai nghĩa:               

1. Ðông nhiều không có số lượng.               

2. Rộng lớn không có hạn lượng.       

Lại có hai nghĩa:             

a. Vô lượng là một trong 10 con số lớn (kinh Hoa Nghiêm có đủ).  

b. Vô lượng là lại vô cùng tận.       

Chỉ nói có vài việc là: Với vô lượng chẳng những thọ mạng và quang minh mà thôi. Rõ như trong văn sau có biện.    

 

Sớ: Chữ kinh. Tiếng Phạm nói Sutra (Tu Ða La), Tàu dịch: “Khế kinh”, có Thông và Biệt hai nghĩa. Chữ Khế cũng có hai nghĩa. Chữ Kinh lại có nhiều nghĩa. Kinh tuy có nhiều nghĩa, nhưng chẳng ngoài bốn nghĩa là: Quán, Nhiếp, Thường và Pháp.          

Sao: Thông, Biệt là: Những giáo pháp bị Phật thuyết chung kêu là:  Tu Ða La, đó là nghĩa Thông. Nếu chia ra thời: Kinh là Tu Ða La, Luật là Tỳ Nại Da, Luận là A Tỳ Ðàm; đó là nghĩa Biệt.         

Chữ "Khế", có hai nghĩa là: 1. Khế lý: Lời nói hợp với đạo lý. 2. Khế cơ:  Giáo pháp hợp với căn cơ. Nay bỏ chữ Khế chỉ nói chữ Kinh là bớt văn vậy.          

Chữ "Kinh", lại có nhiều nghĩa là: Kinh Hoa Nghiêm, lời sớ dẫn tạp tâm có năm nghĩa: 1. Xuất sanh;  2. Hiển thị;  3. Dũng tuyền;  4. Thằng mặc;  5.  Kiết man. 

Luận Phật Ðịa nói có 2 nghĩa:  1. Quán xuyến;  2. Nhiếp trì.       Phương đây (Tàu) có bốn nghĩa: 1. Thường; 2. Pháp; 3. Cảnh; 4.  Ðiển, cho nên nói có nhiều nghĩa.     

Câu “Không ngoài bốn nghĩa” là chỉ cho bốn chữ Quán, Nhiếp, Thường và Pháp. Bởi vì chữ kinh, bên Tây Vức dịch là Tuyến (sợi chỉ).  Tuyến có nghĩa là Quán Trì. Quán là xâu xỏ, những giáo lý bị thuyết. Trì là: Thâu giữ những chúng sanh được giáo hóa khỏi đọa. Hai nghĩa đây gồm đủ năm nghĩa:  Xuất sanh, Hiển thị v.v... nói trên. Nhưng kinh điển phương này (Tàu) cũng kêu là Kinh. Kinh là nghĩa Tuyến. Song nước Tàu không quý chữ Tuyến nên chỉ nhận chữ Kinh lại thêm chữ Khế. Thường: Xưa cho vậy là đúng đắn. Lại chữ  "Thường" là:  Xưa nay không đổi. Chữ Pháp là: Gần xa đồng tôn. Chữ "Thường" là: Lâu mà vẫn tuân hành theo, có nghĩa chung nói, tức là Cảnh (con đường).        

Chữ "Pháp" là: Pháp tắc chơn chánh có nghĩa nhứt định, tức kêu là Ðiển (khuôn mẫu). Cũng có hai nghĩa: Thường và Pháp đây gồm đủ hết bốn nghĩa kia (Thường, Pháp, Cảnh, Ðiển). Thế thời cõi kia (Ấn Ðộ) nói Quán và Nhiếp cũng như phương này (Tàu) gọi Thường và Pháp; hiệp chung lại mà nói: “Ở trong bốn chữ, đều đủ nghĩa Kinh vậy”. 

 

Sớ: Lại chữ "kinh" còn có hai nghĩa Thông và Biệt. Một chữ "Kinh" gọi là Thông (chung). Còn năm chữ "Phật Thuyết A Di Ðà" gọi là Biệt (riêng). Chí như  Giáo, Hành và Lý, Thông và Biệt cũng thế. Ba chữ đây (Giáo, Hành, Lý) tức phối với ba đức (Pháp thân, Bát Nhã, Giải thoát) viên dung cụ túc. Như Ngài Thiên Thai nói: “Vừa nghe đầu đề tên kinh, công đức đã vô lượng”. Bằng phối với ba đại, thời Phật là thể đại, Vô Lượng Thọ là tướng đại, Vô Lượng Quang là dụng đại như trong phần giáo đã nói.   

 Sao: Giáo, Hành, Lý là gốc do nơi Lý mà lập Giáo; y nơi Giáo để tu hành, nhờ tu hành mà rõ được Lý. Các kinh đều đủ cả ba: Giáo, Hành, Lý, nên gọi là "thông" (chung). Bằng chuyên chỉ riêng kinh này thì hai chữ:  "Phật thuyết” là Giáo. Bốn chữ "chấp trì danh hiệu" là Hành. Ba chữ: "A Di Ðà" là Lý. Theo đây khác với trên nên gọi kinh này là "Biệt" (riêng).    

Phối với ba đức là. 1. Lý tức là Pháp thân;  2. Giáo tức là Bát Nhã; 3.  Hành tức là Giải Thoát.         

Lại Lý thông cả Hành và Giáo thì Pháp thân tức là Bát Nhã và Giải Thoát, cho đến hành thông cả Lý và Giáo, hay theo Giáo thông cả Lý và Hành chẳng hạn. Nói một tức là ba; so trên nên biết.  

Thể, Tướng và Dụng: Chữ Thể là Tổng Thể, nghĩa là nói Phật thì đủ biết, cho nên lấy chữ "Phật" làm thể.     

Chữ Tướng là trong Thể sẵn đủ các Tướng. Thể vô tận, Tướng cũng vô tận, cho nên lấy ba chữ "Vô Lượng Thọ" làm Tướng.      

Chữ Dụng là trong Thể phát sanh Dụng. Thể chiếu tới đâu Dụng cũng chiếu tới đó, cho nên lấy ba chữ "Vô Lượng Quang" làm Dụng, hoặc Thông hoặc Biệt cũng so như trên. 

 

Sớ: Các kinh lập danh đề, phần nhiều lấy cả ba món Nhân, Pháp và Dụ. Hoặc có kinh dùng một, hoặc có kinh dùng hai. Kinh này riêng dùng một Nhân (người). Người lại có hai, vì người chứng quả trong hai cõi, thiệt ra thời cả ba: Nhân, Pháp và Dụ đều dung thông.

 Sao: Một hai là như kinh "Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm" đầy đủ cả ba: Nhân, Pháp và Dụ. Kinh Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân có Nhân và Pháp, không Dụ. Kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" có Pháp, Dụ mà không Nhân. Kinh "Bồ Tát Anh Lạc" có Nhân, Dụ mà không Pháp. Kinh “Ðại Bát Nhã" có Pháp mà không Nhân, Dụ. Kinh "Phạm Võng" có Dụ mà không Nhân và Pháp. Nay kinh này đây chỉ có Nhân mà không Pháp và Dụ. Các kinh khác đều so theo đây, sẽ rõ.

Người chứng quả trong hai cõi là Bồ Tát tại Nhân, Như Lai tại Quả, nên Phật gọi là quả nhân. Nay đức Phật Thích Ca ở phương này (Ta Bà) giới thiệu Phật A Di Ðà ở nước kia (Cực Lạc).    

“Dung thông” là vì nói một tức ba. Như kinh Di Ðà này mặc dầu riêng thuộc một nhân. Nhưng có Nhân mới nói Pháp, có Nhân mới lập Dụ. Tuy rằng lời thiên, nhưng nghĩa viên, chung đồng lẫn suốt lý cố nhiên như vậy.     

 

Sớ: Nguyên kinh nầy tên là "Xưng Tán Bất Khả Tư Nghì Công Ðức Nhứt Thế Chư Phật Sở Hộ Niệm". Nay, ngài La Thập cải đính lại có hai nghĩa: 1. Phật nhiếp vô tận nghĩa cố. 2. Bỉ Phật nhơn sở nhạo văn cố.         

Sao: “Nhiếp vô tận” là như văn trước nói Phật là đủ, thời tất cả công đức đều từ Phật mà ra, vì Phật là bất khả tư nghì. Lại Di Ðà là vạn đức hồng danh, tất cả chúng sanh trong mười phương ba đời đều ưa thích. Trên từ chư Phật đều tán thán, dưới đến ngạ quỉ súc sanh cũng đều ham mộ quy y; chính là bất tư nghì công đức.        

 Sớ: Sớ sao là gì?  Lời sớ để giải nghĩa kinh; lời sao để giải lại nghĩa của lời sớ cho dễ hiểu.          

 Sao: "Sớ": Xưa nói có hai nghĩa: Riêng bày và ghi nhớ. Nay nói nghĩa kinh đây được rõ bày mà khuất ẩn, ghi nhớ mà chẳng sót và quên. “Sao" xưa nói có hai: Tóm lấy và biên chép. Tóm lấy thời riêng bày chỗ thiết yếu.  Biên chép tức ghi nhớ cho rõ ràng. Chữ "ký" là trông mong. Phàm nghĩa kinh khó hiểu, nhờ lời sớ giải thông. Lời sớ khó hiểu, nhờ lời sao nói ra rành mạch, trông mong mỗi người hiểu rõ nghĩa kinh!

 

Sớ: Xứng lý thời tự tánh Giác là nghĩa chữ "Phật". Tự tánh giác vô lượng là nghĩa "A Di Ðà". Tự Bổn, Thỉ đều giác là nghĩa hai người chứng quả trong hai cõi.  Tự tánh thể giác khắp soi là nghĩa thuyết kinh, sau cũng lệ theo đây.  

 Sao: Xứng lý là do tức sự tức lý, chỗ gọi rằng gồm thâu muôn loài, tức là nhứt tâm, thời y báo, chánh báo đâu chẳng phải tự tánh? Lại tức lý là sự y nơi lý mà thành. Như kinh "Tịnh Danh" nói: "Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh". Nay kinh này nói: “Nhứt tâm bất loạn” tức tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ, là tông chỉ trong bộ kinh này, nói tóm hiệp với lý, nên gọi là xứng lý.    

Chữ Giác là nghĩa tổng. Trong thể chữ Giác rộng lớn thênh thang vô cùng tận là nghĩa biết Bổn, Thỉ có hai nghĩa. Luận theo trước sau mà nói:  Thời Phật A Di Ðà là cổ Phật, đức Thích Ca là Phật mới thành, thế thì Phật kia là Bổn, Phật đây là Thỉ; tức tự tánh bản lai sẵn có Phật là "Bổn', bị vô minh che lấp nay mới phá hoặc chứng trí là 'Thỉ'. Luận về nhơn quả mà nói:  Thời Phật đây (Thích Ca) dạy bảo vãng sanh mới được thấy Phật A Di Ðà, là đây Bổn kia Thỉ, tức là tự tánh sẵn có trí thành Phật là Bổn. Y nơi Bổn trí mà tìm Phật trí mới đặng thành Phật là Bổn, Thỉ lẫn Thông, thường giác bất muội, sáng cả trời, chói soi cả đất, xưa suốt nay, thường nói kinh trăm ngàn muôn ức pháp hội, như vậy.     

Hỏi: Lời sớ sao kinh này chính là phát huy công đức trì danh, khắp khuyên mỗi người cầu sanh về cõi kia, thế sao cứ mỗi mỗi tiêu qui về tự tánh, thế là phương pháp trì danh trở thành lời cực tắc (quá cao), rõ ràng Tịnh Ðộ là tâm, hà tất bỏ đây nguyện về kia làm gì?    

Ðáp: Ðây chính là trùm cả hai căn, phá cả hai hoặc như trong bài tự trước đã rõ. Bởi do độn căn chấp nơi sự tướng mà cho là đủ. Xem kinh này khiến cho họ biết 'sự ' còn có 'lý', chớ chấp sự mà bỏ lý. Người lợi căn chuộng lý tánh mà chấp không, xem kinh này khiến cho họ biết lý còn ở trong sự, chớ nên bỏ sự chỉ tìm lý.    

Lại kinh này vốn vì mượn hai chữ danh hiệu của Phật kia để chỉ rõ tự tâm của mình, cũng đồng ý với kinh Thập Lục quán. Thời những người muốn ngộ tâm mình, chính phải niệm Phật cầu vãng sanh.  

Lại, vị Bồ Tát còn phải gần Phật như trong khoa Giáo Khởi trước đã nói. Thế thời người đã ngộ tâm mình, cũng chính phải niệm Phật cầu sanh, có chi phải nghi vậy?!    

Lại, kinh 'Duy Ma' nói: “Tuy biết cõi nước của chư Phật cùng với chúng sanh là không, vì nhơn duyên giả có, nhưng thường tu Tịnh Ðộ và giáo hóa chúng sanh” cho nên lo là lo với tâm mình mà mình chẳng ngộ vậy thôi. Nếu tâm mình mà mình đã tỏ ngộ rồi thời không có một Pháp nào ra ngoài tự tâm. Bấy giờ tức tâm là cảnh, tức cảnh là tâm, vãng sanh về Tịnh Ðộ, ra mắt Phật Di Ðà, đã chẳng ngại chi với duy tâm, mà cũng không hệ gì với tự tánh!    

Lại hỏi: Người xưa nói kinh Hoa Nghiêm là kinh cực giáo tối thượng thừa, đều có thể tu theo phép quán hạnh để rõ các pháp môn thì chẳng nói chi; còn từ kinh Phương Ðẳng sắp xuống (trong Tiểu thừa) cũng bảo tu pháp quán hạnh làm sao được?    

Cổ đức đáp: Các kinh liễu nghĩa (Ðại thừa) cùng kinh bất liễu nghĩa (Tiểu thừa) cũng đều là liễu nghĩa cả vì chỉ có một cái tâm mà thôi.  

Căn cứ theo đây, thời bực viên cơ đối với các kinh giáo, kinh giáo nào mà chẳng viên; những bậc đã nhận được lý tâm khi gặp sự thì sự gì chẳng đúng lý?

2.- Dịch Nhơn 

Ðời Dao Tần, ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch

Sớ: Dao Tần là nêu cái đời. Tam Tạng là rõ cái đức, La Thập là tên ngài.  Một chữ 'dịch' là kết thành người năng dịch.         

 Sao: Chỗ xuất sư: từ đầu chí cuối đã đủ ở văn trước, đây không chép lại nữa. Xưa nói ngài La Thập đã làm pháp sư dịch kinh từ bảy đức Phật đến nay. Song đây cũng nói lược và lấy bảy đức Phật mà nói tóm thôi. Nếu luận cho đúng thời từ Phật Tỳ Bà Thi cho đến Phật Thích Ca, trước sau chỉ trải có hai đại kiếp Trang Nghiêm (quá khứ) còn trên chín kiếp, đã trải biết mấy muôn vị Phật, và chư Phật trong 6 phương không vị nào mà chẳng tán thán kinh này. Thế thì từ một muôn vị Phật trở lại đây, chắc cũng đều có nói kinh này và chắc cũng đều có người dịch (?)    

Mà trong kinh nói 'Mẹ Phật' là nói mỗi đời vị Phật nào giáng sanh, ta (bà Ma Gia) đều làm mẹ đấy. Con Phật thì nói: “Mỗi đức Phật ra đời, ta (La Hầu La) đều làm con đấy”. So đó, thời biết ngài La Thập làm pháp sư dịch kinh, chẳng những bảy lớp Phật! Mà kinh này lưu thông lâu xa, đối với đây càng thêm tin. 

 

Sớ: Xứng lý thời tự tánh dung thông rỡ rỡ, là nghĩa tiếng Trung Hoa dịch nơi tiếng Phạn.         

 Sao: Tức Phạn dùng thành Trung Hoa, thời Hiển chẳng ngoài Mật.  Chính Hoa chưa từng chẳng phải Phạm là nghĩa Mật vẫn ở bên Hiển. Ngay trong tối có sáng, ngay trong sáng có tối, tối sáng, lẫn nhau lớp lớp, xen vào thể mầu dung thông, không đồng và chẳng khác (bất nhứt bất dị).          

 

Riêng Giải Văn Nghĩa (phân ra làm ba phần)

1.  Tự phần (phần tựa của kinh).                       

2.  Chánh tông phần (phần chánh của kinh).              

3.  Lưu thông phần (phần lưu thông).                

 

1.  Tự Phần (phân ra làm hai phần)

A.  Ngũ cú chứng (5 câu làm chứng tín).                     

B.  Liệt chúng chứng (kể chúng làm chứng).

 

Ngũ Cú Chứng.

(Lời ông A Nan thuật giữa chúng hội)

Chính ta nghe như vầy: Một thuở nọ đức Phật ngự tại nước Xá Vệ, nơi rừng cây Thái Tử Kỳ Ðà và vườn ông Cấp Cô Ðộc.  

 

Sớ: Riêng giải văn nghĩa: Ðã biết cái ý chung của đề rồi, nhưng chưa biết trong đó từ đầu chí cuối, lối văn như thế nào? Nay mới phân từng bài, giải từng câu khiến nghĩa văn tự Bát Nhã thông thấu lý thật tướng Bát Nhã.  Bởi vì tạm dùng lời hữu tận lược bày lý vô tận.  Ở trong ba phần, nay thuộc về Tự phần nghĩa phần của kinh này.        

Chữ Tự là  kể bày và mối mang vậy. Nghĩa là: Chưa vào chánh văn, trước kể bày cái mối mang của kinh này. Có hai lời tự: Chứng Tín và Phát Khởi.  Nay duy có lời tự chứng tín. Phàm Chứng Tín đều đủ sáu món thành tựu. Nay thuận theo văn, cân chỗ nhiều và ít, lại phân làm hai; trước nói Ngũ Cú Chứng, sau nói Liệt Chúng Chứng, hiệp lại thành sáu.  Ðây lại lệ theo trước tổng quát đại ý; sau mới chia ra để giải.    

Nghĩa là: Với pháp như thị (như vậy) ta theo Phật để nghe. Một thuở kia, đức Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp nơi Kỳ Viên tại nước Xá Vệ. Vì lời đây là Phật dạy ông A Nan nói như vậy.         Câu: “Như thị ngã văn' có 3 nghĩa: 1. Nghĩa đoạn nghi. 2. Nghĩa tức tránh (dứt sự tranh cãi). 3. Nghĩa giản tà (để hiển chánh).  

 Sao: “Văn tự Bát Nhã” nghĩa là đối với thật lý Bát Nhã không thể nói được, nhưng nay nhờ lời nói mà rõ đặng nên đức Phật dùng văn tự nói kinh.  Nay mượn văn tự mà giải thích. Song văn tự nó vốn không; tức là Chơn Như thật tướng. Cho nên ba món Bát Nhã văn tự, quán chiếu, thật tướng đều là dung thông lẫn nhau, không ngại gì với văn tự vậy.

Lược bày là lời nói không hết ý, nên nói rằng: “lược sáu món thành tựu”. “Phân phối hai khoa” là lệ như: ngũ uẩn và lục căn, hoặc hiệp sắc khai tâm, hoặc hiệp tâm khai sắc, tùy theo chỗ hợp không nhứt định một Pháp nào. “Phật dạy” là: trong bộ luận Trí Ðộ nói: “Khi Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài có dạy ông A Nan rằng: “Tất cả đầu kinh đều để câu: 'Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại' nước nào xứ nào”. Ðó là do ông A Nan vì vâng theo lời trối dạy của Phật. 

“Ðoạn nghi” là khi ông A Nan kiết tập, trong chúng khởi ba điều nghi:  1. Nghi Phật sống trở lại. 2. Nghi ông A Nan thành Phật. 3. Nghi Phật ở phương khác đến nhập cho ông. Nay nghe nói câu: 'Như thị ngã văn' ba điều nghi liền dứt hết.      

“Tức tránh” là: Nói chữ “ngã văn” là không phải tự A Nan bịa nói ra.   “Giản tà” là nói chữ “như thị” là để khác với chữ A Ưu của ngoại đạo.  Như trong Luận Phật Ðịa nói pháp như thị. Ta trước từng nghe ý lánh sự lỗi lầm, tăng giảm, riêng khác, cũng là nghĩa ngăn dứt việc tranh cãi với nhau. 

 

Sớ: Chữ Như Thị là Tín thành tựu, như trong Luận Trí Ðộ nói:  “Hai chữ 'Như thị' lại làm hai nghĩa”. Có nhiều cách giải: Nếu cứ theo tông lựa nghĩa nhứt định; luận đứng về tông đây (Tịnh Ðộ tông) như:   Nhứt tâm bất loạn là Như; cứ thế mãi không sai là Thị.  

Sao: Luận Trí Ðộ nói: “Biển cả Phật pháp, tin là vào được”. Với việc tin thì nói việc ấy như thế (như Thị); với điều không thể tin thì nói: việc ấy không phải như thế (bất như thị).        

Ngài Triệu Công Giản nói: “Như Thị là lời tín thuận vậy”. Cho nên người đời tin chịu, cũng nói rằng Như Thị. “Lại có hai nghĩa” là chia hai chữ “như thị” ra đều có giải thích riêng. “Có nhiều cách giải”: Có chỗ nói vị “Thánh nhơn thuyết pháp rõ bày lý chơn là Như, duy lý chơn như là Thị” như ngài Lưu Cầu đã nói. Có chỗ nói: “Chữ Như là lời đúng lý, chữ Thị là lời không quấy” như ngài Sanh Công đã nói.  Có chỗ nói: “Ðức Như Lai thuận theo căn cơ mà ứng hiện là Như, tất cả chúng sanh đều cảm mến là Thị” như ngài Dung Công đã nói. Có chỗ nói: “Lý thật tướng, trước sau chẳng khác là Như; đúng như lý mà thuyết là Thị” như ngài Thiên Thai đã nói. Có chỗ nói: “Chữ Như là lý chơn không, chữ Thị là lý diệu hữu, để chống phá hai lối chấp Thường và Ðoạn của ngoại đạo như ngài Thanh Lương Chiết Trung và lời của các nhà giải đã nói. Còn các thuyết nữa sợ phiền không dẫn. Hai chữ "Như Thị" giải như trên đều có ý nghĩa, đại khái thì đồng, tiểu tiết có khác hẳn, nhưng không trái nhau.    

Do theo Tông để định nghĩa của hai chữ "như thị" là tùy Tôn mà định. Nay kinh này, lấy chữ nhứt tâm làm tông.

Bởi do chấp trì danh hiệu nhứt tâm bất loạn, nhứt tâm thời không sanh, không diệt, không tới không lui, vắng lặng trong trẻo thường còn nên gọi là Như. Lại nhứt tâm ấy, lìa bốn lỗi (10) diệt trăm điều quấy (11) nên gọi là Thị.  Nếu nói khác với đây, không được gọi là Thị. 

 

Sớ: Chữ Ngã văn là  Văn Thành Tựu vậy. Chữ Ngã là Tự Ngã, chữ Văn là Thân Văn. Tự Ngã Thân Văn, vì chẳng phải riêng lành với người khác và chẳng phải đọc suông lời của người xưa (12).   

Sao: “Tự Ngã Thân Văn”: Chữ Tự là để lựa riêng không phải mình, chữ Thân là không phải vắng mặt, nghĩa là chính thân mình hiện diện để vâng lãnh lời vàng của đức Thế Tôn truyền dạy.

Chữ “riêng” là ông Mạnh Tử nói: “Ta chưa được cái hân hạnh làm học trò đức Khổng Tử. Ta chỉ riêng học đạo lành với các người khác thôi”.     Giải rằng: Vì ông Mạnh Tử chẳng phải là thiệt thấy đức Khổng Tử.  Ông thọ học với người cháu nội của đức Khổng Tử thầy Tử Tư mà riêng vâng lãnh đạo kia, để tu thân ấy vậy. 

“Ðọc suông lời của người xưa” là: Chúa Tề Hoàn Công đọc sách ở nhà trên, người thợ đẽo bánh xe bình phẩm rằng chỗ chúa đọc bất quá nhai bã xác của cổ nhơn thôi.

Giải rằng: Vì chúa Hoàn Công chẳng phải chính mình đối trước mắt cổ nhơn. Cổ nhơn đã chết lâu rồi, bây giờ chỉ đọc suông lời để lại kia vậy thôi.           

Nay ông A Nan chính thân gặp mặt vị Chí Thánh, không phải riêng lãnh với ai hết. Ðây là hiệp với hai chữ Tự Ngã ở đoạn trên.         

Chính tai ông A Nan nghe lời chí giáo, chớ chẳng phải ông đọc suông lời cổ nhơn, hiệp với hai chữ "Thân văn", ai cũng phải tín thọ không ai dám nói gì nữa (vì A Nan được trực tiếp với Phật).

 

Sớ: Thánh nhơn là vô ngã, sao nay lại xưng ngã? Luận Trí Ðộ nói có ba nghĩa: 1. Vì tùy thuận theo thế gian.  2. Vì phá tâm tà kiến.  3. Vì không chấp là vô ngã.  

Do ba nghĩa đây đều có nói ngã cũng chẳng ngại gì. Lại pháp thân Phật là Chơn Ngã, cũng có thể xưng ngã được.  

 Sao: Sau đây lại phân hai chữ "ngã văn" ra làm hai. Giải riêng như trước.       

1. Tùy thuận theo thế gian, nghĩa là trong phương diện thế gian pháp nói ngã đó, chẳng phải nói cái Chơn Ngã trong Ðệ Nhứt Nghĩa. Nay tùy thuận theo thế gian mà nói, vốn không có thật thể, thời chẳng trái với cái ngã của Ðệ Nhứt Nghĩa.       

2. Phá tâm tà kiến, nghĩa là tà ngã và danh tự ngã. Người thế tục đủ hai ngã trước. Kẻ học đạo có hai ngã sau. Thánh nhơn chỉ còn một ngã chót.  Vì thuận theo thế tục mà xưng ngã (ta), chỉ là cái ngã bằng danh tự, thật không phải tà và mạn, nên không lỗi lầm gì!      

3. Không chấp là vô ngã. Vì các vị thánh nhơn biết tất cả pháp đều không, lý thật tướng là vô ngã, nhưng chẳng chấp không, chẳng chấp vô ngã. Lại trong luận Du Già có bốn nghĩa; chỗ đại khái đồng như đây.  Nghĩa thứ ba nói: “Nếu quyết định là vô ngã thời còn có ai tu học và người ắt sanh tâm sợ” cho nên không chấp là vô ngã, mà cứ nói ngã.    

Lại trong Quán kinh lời sớ nói: “Vô ngã thời vô văn; vô văn thời việc hóa đạo phải tuyệt”. Vì muốn truyền hóa bất tuyệt nên mượn cái danh giả mà tạm nói rằng ngã (ta).   

Pháp thân Phật chơn ngã. Ðứng theo phương diện Bản Giác mà luận thời ông A Nan cũng thông với cái ngã pháp thân vậy. Bởi vì trong pháp vô ngã có cái chơn ngã, tức là cái ngã của pháp thân. Như cái ngã trong bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của kinh Niết Bàn thì đối với hai chữ vô ngã có ngại chi?!   

 

Sớ: Chữ Văn là: Nhĩ căn phát ra nhĩ thức, bỏ biệt theo tổng, nên nói là “ngã văn” (ta nghe).        

Trong kinh Ðại Thừa có ba nghĩa: 1. Nghĩa Thỉ giáo thì không nghe.  2. Nghĩa Chung giáo nghe mà không chấp là nghe. 3. Nghĩa Ðốn giáo không nghe mà không chỗ nào là không nghe.        

Nếu luận theo đúng tông chỉ thời vị thánh nhơn truyền pháp dùng cái chơn ngã và vô ngã không hai. Cái diệu nhĩ bằng chẳng phải đồng hay khác giữa căn và cảnh để nghe pháp môn vô chướng ngại giữa Ta Bà và Cực Lạc vậy thôi.        

 Sao: Bỏ biệt theo tổng đó là do không nói nhĩ văn (lỗ tai nghe) mà lại nói là ngã văn (ta nghe). Bởi do nói "ta" thời tổng thâu hết các căn, các thức, v.v... lấy tổng gồm biệt, cho nên nói: Ngã văn.         

Câu “Thỉ giáo” v.v... là như nói Ta đã không phải là ta thì dầu nghe cũng chẳng ai nghe. Ðây là đại ý của Thỉ giáo về Ðại Thừa sơ môn.   

Như nói: “Từ các nhơn duyên giả hợp, cho nên không”. Không hoại các giả danh; tức không nghe mà nghe, nghe mà không chấp là nghe. Ðây là đại ý của Chung giáo về Ðại thừa.      

Như nói: “Năng, sở đều yên lặng; người nghe và pháp bị nghe đều vắng lặng”. Không nghe mà không chỗ nào là chẳng nghe, lìa nghĩ tưởng, mà tự rõ bày đại ý của Ðại thừa Ðốn giáo.  

Câu: "Ngã vô ngã" là sanh mà chẳng tính nơi sanh, chẳng tính sanh mà có sanh cùng khắp, ấy tức là pháp thân.   

"Căn và cảnh" là nghe nói Phật A Di Ðà, năng văn (người nghe) và sở văn ( Phật bị nghe). Không hai và cũng chẳng phải đồng và khác.

"Ta Bà và Cực lạc" là nói y báo và chánh báo cõi Ta Bà toàn là ở tự tâm của nước Cực Lạc vì do kinh này có phần thuộc về Viên giáo, nên phải qui về pháp tánh.

 

Sớ: Có người hỏi: Phật thành đạo đã lâu, ông A Nan mới xuất gia, đâu đặng nói “ngã văn”?        

Xưa đáp có bốn nghĩa cho nên nói "Văn" cũng không ngại. Lại A Nan có ba ông. Nếu ông này không nghe thì ông kia nghe cũng chẳng ngại chi. 

 Sao: Người nghi rằng: Phật thành đạo nói pháp trước đã trải qua hai mươi năm thì ông A Nan mới xuất gia, lại mười năm sau, Phật mới dạy làm thị giả (hầu Phật). Mặc dầu được hầu gần Phật, nhưng mà những kinh Phật thuyết ba mươi năm về trước, ông làm sao nghe đặng mà đều gọi Ngã Văn?           

Xưa đáp có bốn nghĩa là: 

1. Lần lựa nghe: như kinh Báo Ân nói: “Với những kinh ông chưa nghe thời ông theo các thầy Tỳ Kheo để nghe lại”, hoặc các vị Thiên tử nói lại, như lời lưu thông cho hàng Hoằng Quảng Bồ Tát mà Phật đã dẫn trong kinh Niết Bàn.

2. Phật nói lại: Như Kinh Báo Ân chép: “Ông A Nan nhơn Phật dạy làm thị giả, ông yêu cầu ba việc, mà việc thứ ba là kinh nào ông chưa nghe, ông thỉnh Phật nói lại”...

3. Ông A Nan tự thông, như kinh Kim Cang Huệ nói: “Ông A Nan đã chứng pháp Tánh Giác Tự Tại tam muội, cho nên những kinh ông chưa nghe có thể tự ông nhớ thuộc”. Như kinh Niết Bàn cũng nói. Hoặc có khi ông ở trong pháp hội, hoặc có khi ông không ở trong pháp hội, tự nhiên, ông cũng hiểu rõ được cả.     

4. Ngài Thanh Lương chiết trung phê bình ba thuyết trên, nói: “Ông A Nan chính là bực Ðại Quyền Bồ tát ảnh hưởng hoằng truyền”. Như kinh Bất Tư Nghì Cảnh Giới nói: “Ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên nhẫn đến ông A Nan v.v... đều là bực Ðại Quyền bồ tát hiện thân Thinh Văn”. Chấp chi danh tích nhỏ mà nói không nghe! 

Ba ông A Nan là:  

1. Tên Hoan Hỷ. Ông này kiết tập tạng kinh Thinh Văn.   

2. Tên Hỷ Hiền. Ông này kiết tập tạng kinh Duyên Giác.  

3.  Tên Hỷ Hải. Ông này kiết tập tạng kinh Bồ Tát. 

Thế thời ông A Nan dùng sức đại thần diệu để tùy cơ dạy bảo chúng sanh. Vậy nên biết nhứt đại thời giáo của đức Như Lai, ông A Nan này không nghe thời ông A Nan kia nghe, có chi mà phải chấp rằng nghe cùng không nghe mà làm chướng ngại?    

 

Sớ: Chữ "nhứt thời" là thời thành tựu. Thầy trò hợp nhau, đương khi kẻ nói, người nghe xong rồi tức gọi là một thời. Do vì kẻ nói, người nghe không nhứt định nên không nói năm, tháng, ngày, giờ nào; bởi mười phương thời giờ bất nhứt, hai cõi (Ấn Ðộ và Trung Hoa) ngày mùng một tháng giêng chẳng đồng nhau. Luận đúng tông chỉ kinh nầy thời trong khi kẻ nói, người nghe, tâm cảnh bặt dứt, thánh và phàm hợp nhau, y báo, chánh báo dung thông, một và nhiều bằng bực; đây là cái thời mà các pháp còn đối đãi đi đôi, như thế đều thông nhứt làm Một, thì gọi là “nhứt thời” vậy.

 Sao: "Kẻ nói người nghe không nhứt định" là: Hoặc người nói là người đã chứng pháp "Ðà La Ni" (pháp tổng trì) thời trong một phút thông một chữ, có thể nói hết tất cả pháp môn. Hoặc người nghe là người đã đặng nhĩ căn thanh tịnh, ở trong 1 phút, nghe một chữ, có thể nghe suốt hết cả, bao nhiêu cũng chẳng chướng ngại. Hoặc kẻ nói chỉ ít thời người nghe thành nhiều thời. Hoặc kẻ nói nhiều thời, người nghe thành ít thời. Kẻ nói thần lực dài ngắn tùy chỗ thích hợp; người nghe căn khí lợi độn chẳng phải một.  Người xưa nói: Ðối với 3 thừa, 6 phàm, 4 thánh chỗ thấy biết: pháp thân, báo thân và hóa thân cùng năm, tuổi dài, vắn, thành Phật đã lâu hay mau mỗi mỗi chẳng đồng, cho nên nay chỉ lấy trong khi Phật và đệ tử, thầy trò cơ cảm gặp nhau, kẻ nói người nghe xong rồi thì gọi đó là "nhứt thời" thôi.     

"Mười phương thời giờ": Hễ nói mười phương là khắp cùng ngang dọc. Dọc thời thấu đến cõi trời (cõi Tứ Thiên một ngày bằng dưới cõi người năm mươi tuổi). Ngang thời rộng khắp cả bốn châu (canh ba của châu Nam Thiệm Bộ bằng khi giờ ngọ của châu Bắc Cu Lô) nên không nhứt định là thế.   

“Hai cõi ngày chánh sóc” là: Ngày đầu năm kêu là ngày “chánh sóc”, nước Chấn Ðán (nước Tàu), cõi Ngũ Thiên (Ấn Ðộ) không thống thuộc nhau. Nhà Châu lập tháng giêng vào tháng Tý (tháng 11 âm lịch). Nhà Hạ lập tháng Giêng vào tháng Dần (tháng Giêng ta).

Hồi đó nước Chấn Ðán thuộc nhà Châu (1134 -247 trước Tây lịch) mà Phật ở nước Xá Vệ (Ấn Ðộ). Xá Vệ lập tháng Giêng vào tháng Dần, lại nhằm tháng Giêng nhà Hạ (2205 - 1786 trước T.L) thì ra tháng Giêng cõi Ngũ Thiên thành ra tháng ba nước Chấn Ðán; tháng hai của Ấn Ðộ nhằm tháng tư của nhà Châu. Nước Tàu thuở đó cũng không thể nhứt định được, cho nên chỉ nói nhứt thời thôi.     

Y và chánh là: Vì Phật cùng tâm và cảnh là nhứt tâm bất loạn, vì không tâm năng niệm, sở niệm. Phàm Thánh là cùng những bậc Thượng Thiên Nhơn đồng hội về một chỗ, nước, chim, cây rừng đồng thuyết diệu pháp.     

Một và nhiều là: Vì một Phật thuyết kinh thì sáu phương Phật đồng khen ngợi (tán thành).

Như trên, mỗi món bằng hai pháp đối đãi đều hiệp thành một mùi thanh tịnh, tức lấy thời ấy làm nhứt thời.       

 

Sớ: Chữ Phật là chủ thành tựu. Nghĩa chữ Phật giải thấy rõ ở văn trước. Do vì một thời kỳ đó chúng sanh cùng nhau sùng bái nên gọi là ông chủ. Lại làm chủ trên địa vị trọng yếu giữa sáu món thành tựu. 

 Sao: “Cùng nhau sùng bái” là Phật ra đời là một thời kỳ. Trong một thời kỳ đó, sáu cõi phàm, ba bực Thánh và tất cả chúng sanh, cùng nhau sùng bái tôn Phật làm ông Pháp Chủ, cũng như vạn dân, bá quan, qui đầu về một ông quốc chủ trong nước.  

“Ông chủ trong sáu món thành tựu”: Trông về trước thì trong buổi dự hội của ông chủ là "Thời thành tựu". Nghe lời của ông chủ là "Văn thành tựu"; lãnh lời dạy của ông chủ là "Tín thành tựu". Trông về sau: Chỗ ở của ông chủ là "Xứ thành tựu". Những người do ông chủ giáo hóa là "Chúng thành tựu", là sáu món thành  tựu, nhưng cũng qui trọng về nơi Phật, cũng là cái ý nói Phật là đủ hết.     

 

Sớ: Câu “tại Xá Vệ Quốc Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên” là xứ thành tựu". Chữ "tại" là Ngài Thiên Thai giải chữ "tại" cũng như ý chữ trụ, phân ra có bốn: 1. Thiên trụ 2. Phạm trụ 3. Thánh trụ 4. Phật trụ. Tùy chỗ hợp, chỗ Phật ở là trụ, nhẫn đến Thiên Trụ (ở trên cõi trời) thiệt thời thân Phật không nhứt định ở một chỗ nào mà không chỗ nào là không ở. 

 Sao: “Tại”, tức ý “Trụ”: Trong luận Ðại Phàm nói: “Phật ở chỗ nào dầu tạm hay ở lâu, đều thành ý tại”. Nay không luận ở lâu hay ở tạm, cứ ngay chỗ đức Phật thuyết kinh tức gọi là “tại”.  

Dụ như trong đời, vị quốc chủ đi tới đâu, tức gọi là tại chỗ đó vậy. Có bốn trụ là: Phật độ chúng sanh, tùy theo chỗ thích hợp mà trụ, hoặc hiện thân trụ trên cõi Trời. Nghĩa là: Cái nhơn về cõi Trời Lục Dục, tức là đem dạy pháp bố thí trì giới thiện tâm mà trụ, hoặc hiện thánh trụ cõi Phạm Thiên. Nghĩa là: Cái nhơn về cõi Sơ Thiền đến cõi Phi Tưởng, tức là đem dạy pháp Tứ Vô Lượng Tâm (13) mà trụ. Hoặc hiện thân trụ ở cõi thánh.  Nghĩa là: Cái nhơn về hàng tam thừa thì đem dạy ba pháp tam muội mà trụ.  Hoặc hiện thân trụ ở cõi Phật thì dùng định Thủ Lăng Nghiêm, 100 pháp tam muội mà dạy bảo pháp  thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng để mà trụ. 

Với ba cõi trên là tùy theo ý người khác cảm mà ngài trụ (ứng) còn mỗi cõi sau, tùy ý Phật ngài tự trụ.  

Hỏi:  Phật sao còn trụ cõi trời? 

Ðáp: Ẩn thân cao quí ở chỗ thấp hèn là vì cớ độ sanh. Không ở mà không chỗ nào không ở là vì bản thể không chỗ nào là không ở; vì bản thể viên thông nên không chỗ nào là không ở. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân Phật không đến, nhưng không chỗ nào mà không đến. Vì sao? Bởi vì hư không không có thân. Ðức Như Lai cũng thế. Khắp tất cả các pháp, khắp tất cả các cõi nước của tất cả chúng sanh, chẳng đến, nhưng không chỗ nào mà không đến”. Vì thể cũng như tâm thanh tịnh, vắng lặng, dụ như hư không nên chỗ nào cũng đều có đầy đủ. Song mặc dầu Phật ở nước Xá Vệ mà hiện thân Liệt Ứng để độ hàng liệt cơ, nên nói thiên trụ (ở cõi trời). Nhưng đúng như thật mà luận, tức ngay nước Xá Vệ cũng có thể gọi là “Phạm trụ”.  Thánh trụ hay Phật trụ nào lại chẳng được?         

 Sớ: Tiếng Phạm Sravasti cũng nói "Thất La Phiệt Tất Ðể", dịch theo tiếng Trung Hoa là Văn Vật. Vì lấy đức đặt tên nước.  Hoặc nói là Văn (nghe, đồn) vì dùng tên người để đặt tên nước.      

 Sao: Ðức, là: Do nước giàu đủ bốn đức: 1. Trần đức: Vì cảnh ngũ trần có nhiều món mỹ lệ. 2. Tài đức: Vì thất bảo, trân kỳ, không món nào mà chẳng có. 3. Thánh đức: Vì ba tạng thánh pháp đều đầy đủ. 4. Giải thoát đức:  Vì nhiều người được giải thoát, không nhiễm ngũ dục. Do đấy tiếng khen ngợi rung động khắp cùng 5 cõi Thiên Trúc nên gọi là nước Văn Vật.   

“Lấy tên người đặt tên nước” là gì? Vì nhiều người hiền đức cho nên trong nước lấy tên người làm trọng.   

 Sớ: Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên là tiếng Phạm (Jeti hay Jeta) Kỳ Ðà cũng nói Thệ Ða. Nói Kỳ không nói chữ Ðà là bớt văn. Hai chữ Kỳ Ðà  Tàu dịch Chiến Thắng. Chữ Cấp Cô là nêu cái đức, tức là ông Tu Ðạt Ða. Chữ Viên dịch âm theo tiếng Phạm “Tăng già lam ma”, Tàu dịch là:  “Chúng Viên” cũng như tiếng Việt “chỗ chúng tăng ở”.    

Số là thái tử Kỳ Ðà cúng rừng cây, ông Cấp Cô mua miếng vườn, gồm cả hai tên người nên nói:  Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên.        

 Sao: “Chiến Thắng” là vua Ba Tư Nặc, khi sanh thái tử, vua cùng ngoại quốc giao chiến được thắng trận, vui mừng nên đặt tên (Chiến Thắng) đó cho con.      

Tu Ðạt Ða là tiếng Phạm, Tàu dịch là “Nhạo Thí”, quan đại thần của vua Thắng Quân (quân đánh giặc được thắng trận). Vì ông ưa làm việc bố thí nên được thành tên tốt (Nhạo Thí).

Chữ “Cấp Cô Ðộc” là: kẻ nhỏ không cha mẹ là "cô" (mồ côi), người già không con cái là "độc" (trơ trọi). Nay những người không có chỗ nương, không ai nuôi, tức gọi là Cô Ðộc. 

Riêng luận hai chữ Cô Ðộc, đức Khổng Tử nói: “Người quân tử ra ơn khắp giúp là cần gấp”. Thầy Mạnh thuật: “Vua Văn Vương làm việc chánh trị ở ấp Kỳ, giúp kẻ mồ côi trước hết; thế đâu chẳng phải lòng tự phổ cập. Nhưng với kẻ gấp thì giúp trước, huỡn thì giúp sau vậy”.      

Chỗ chúng ở mà nói rằng "vườn" là vì rừng rậm mát mẻ, những người học đạo nên nương đỗ nơi đó.        

“Kẻ cúng cây, người mua vườn” là: Kinh Niết Bàn nói: ông Trưởng giả tên Tu Ðạt, gốc người ở nước Xá Vệ, ban đầu chưa biết Phật. Nhơn dịp đi cưới dâu, vào thành Vương Xá, ghé nhà ông San Ðà Na thấy Phật sanh lòng tin, mới thỉnh Phật về nước Xá Vệ. Phật sai ngài Thân Tử (Xá Lợi Phất)đi lựa chỗ chúng ở. Lựa đặng vườn cây của thái tử Kỳ Ðà. Ông trưởng giả hỏi giá, thái tử nói chơi rằng: “Ông đem vàng trải giáp đất, tôi sẽ bán cho”. Ông trưởng giả y lời, chở vàng đến lót. Thái tử cảm mến và khen ngợi, liền bán đất, còn cây trong vườn là vật sở hữu của thái tử cúng luôn cho Phật để lập tinh xá. Trưởng giả và thái tử đua nhau phát tâm, lập thành việc tốt ấy, cho nên đồng nêu tên của hai ông.    

 

Sớ: Bằng nói rõ theo giáo lý của kinh này đều có chỗ nêu, lệ thường như lối thích kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.    

 Sao: “Nói rõ theo kinh” này là: Như nước Xá Vệ là nước rất tốt, là nêu pháp môn Tịnh Ðộ này rộng rãi thênh thang vì pháp rất tối thượng.  Chính ngài Từ Ân nói: “Thành Vương Xá là thành rất tốt, thành này vì tốt hơn các thành kia, vì kia nêu kinh Pháp Hoa là pháp thù thắng hơn các pháp”.  Sau cũng lệ (so) theo đây.      

Kỳ Thọ là cây rất đẹp, để tiêu biểu cõi Tịnh Ðộ bóng mát, che chúng sanh thường khỏi nóng nực.  

Vườn ông Cấp Cô là vườn rất xinh để tiêu biểu cõi Tịnh Ðộ an ổn chúng sanh, hằng hưởng những sự vui. Thái tử Kỳ Ðà là dòng giống tốt để tiêu biểu cõi Tịnh Ðộ hễ người sanh về đó rốt ráo thành Phật, nối thạnh dòng Phật.        

Ông Trưởng giả Tu Ðạt là người rất tốt để tiêu biểu cõi Tịnh Ðộ ai sanh về đó, được vào nhóm người chánh định, cu hội với một hạng người thượng thiện. Như kinh Hoa Nghiêm món món nêu pháp có nhiều cách rõ lý nhứt tâm đều là ý đây vậy.  

 

Sớ: Xứng lý thời tự tánh rổng suốt 10 phương là nghĩa ông A Nan nghe Phật thuyết pháp. Tự tánh không lìa tự tánh là nghĩa Phật trụ tại rừng Thái tử Kỳ Ðà, vườn Cấp Cô Ðộc. 

 Sao: Tâm nghe suốt mười phương là ông Khánh Hỷ (A Nan) hiện nay đương kết tập. Chơn Phật ngồi trong nhà (trong tâm) là đức Thích Ca vốn chẳng chỉ ỡ cõi Tây Càn (Ấn Ðộ), quày sự nghe để nghe lại tánh mình, quày ông Phật lại để thành ông Phật của mình, mới biết: Một hội Kỳ Viên nghiễm nhiên chưa giải tán, đâu những hội Linh Sơn!?