PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
*******
QUYỂN THỨ BA
Ðất Cổ Hàng chùa Vân Thê Sa Môn Chu Hoằng
thuật lại.
THIÊN NHẠC VŨ HOA (phân ra làm bốn phần)
1.
Thiên nhạc (nhạc trời)
2.
Kim địa (đất vàng)
3.
Vũ hoa (tuôn hoa)
4.
Tổng kết (tóm kết)
THIÊN NHẠC
Lại nầy nữa Xá Lợi Phất! Cõi nước của
Phật kia thường trỗi nhạc trời.
SỚ: Văn trước kể ao báu, văn
đây nói trên đất bằng vàng, có hoa trời, nhạc trời xen lẫn chói hực. “Nhạc
trời” là khác với nhạc đời vậy. “Thường trỗi” là không hở dứt vậy.
Sao: “Khác với nhạc đời” là kinh Ðại Bổn
nói: Cõi trời thứ nhứt có 4 vua Trời và các vị Thiên nhơn đem trăm ngàn
món hương hoa, trăm ngàn tiếng âm nhạc để cúng dường Phật và các vị Bồ
Tát, chúng Thinh Văn. Cõi trời thứ hai, trời Ðế Thích (đức Chúa Trời) và
32 vua trời, với cả các đức Chúa Trời ở Dục giới cho đến trời thứ bảy là
cõi trời Phạm (Phạm Thiên), tất cả các trời đều đem hoa thơm, nhạc hay của
mỗi cõi lần lựa gấp bội phần, đem dâng cúng Phật và đại chúng.
Lại nói: “Cũng có tự nhiên muôn
món kỹ nhạc, không món nào là chẳng phải tiếng nói pháp, thanh tao thảnh
thót, rõ hay thanh nhã; tất cả các tiếng tăm khác không thể sánh kịp”.
Quán Kinh nói: “Có vô lượng các
vị trời và thần trỗi tiếng nhạc trời. Lại có các món đồ âm nhạc, như treo
tòn ten ở trên hư không, tợ hồ các bửu tràng của trời Ðế Thích, không ai
khảy mà nó tự kêu”. Vì thế những tiếng nhạc của các vị thiên nhơn đánh
kia, không phải trong nhơn gian này có được. Cho nên nói “khác với nhạc
đời” vậy.
“Không hở dứt” là: Nhạc đời cần
người, có đánh, có nghỉ. Nhạc Trời tự kêu, cho nên nói “thường trỗi” vậy.
Nay người niệm Phật, ngày lâm chung, có nhạc trời rước trên không, chính
cõi Tịnh Ðộ mới có nhạc trời thường trỗi vậy (Trời: thiên nhiên, tự nhiên,
nghĩa là sẵn sàng).
SỚ: Xứng lý thời tự tánh có
muôn đức dung hòa là nghĩa thiên nhạc.
Sao: Tự tánh như thật không thời chẳng
dính một mảy trần; như thật chẳng không thời lẫn bày muôn đức, điều hòa và
xuôi thuận chẳng trái, đằm thắm một mực không sai. Mức nhẫn tấn (nhẫn
nhục, tinh tấn) vừa chừng cao thấp như tiếng quyên reo, tiếng trì trỗi.
Chỉ Quán đều thành Ðịnh Huệ thời tiếng khánh dứt, tiếng chuông khua. Giọng
từ bi thương mà không hại, nhịp hỷ xả, vui mà không đắm (1). Thiên nhạc
như thế, chẳng những không khua, lại còn không tiếng. Tiếng Võ lặng, tiếng
Cung trầm nhưng vang cả trời, rền cả đất.
Kim Ðịa
Vàng ròng làm đất.
Sớ: Văn đây noi theo trước để khởi văn
sau, nói Cực Lạc thế giới trên thời có nhạc trời, dưới đất có vàng la
liệt. Mà ở trên đất vàng ròng ấy, chẳng những tai nghe tiếng nhạc trời,
mắt cũng được thấy hoa trời nữa.
“Vàng ròng” là nói trên đất bằng
ngọc lưu ly xen thêm thứ vàng ròng. Song cũng nhiều thứ báu, không nhứt
định (vì tùy công đức tu niệm Phật đến đâu được đến đó).
Sao: “Xen thêm vàng ròng” là gì? Như trong
Quán kinh nói: “Thấy đất lưu ly trong ngoài ánh suốt. Dưới có trụ kim
tràng bằng ngọc kim cang thất bảo, đỡ đội trái đất lưu ly. Hình tràng có
tám khía, bằng trăm món báu hiệp thành. Mỗi thứ ngọc báu phóng ra hàng
nghìn tia sáng. Mỗi mỗi ánh sáng có tám vạn bốn nghìn màu sắc, chói hực
trên quả đất lưu ly như ức nghìn mặt nhựt. Trên quả đất lưu ly, có các dây
bằng vàng ròng, lộn lạo xen nhau. Lại có bảy thứ ngọc báu làm giới hạn
chừng ngằn rành rẽ”.
Cứ đây thời quả đất vốn là lưu
ly mà vàng ròng lại là món trang nghiêm để cản lót, ngăn ranh trên mặt đất
vậy.
Kinh Ðại Bổn nói: “Cõi kia tự
nhiên (sẵn có) bảy món báu, thể tánh nó mềm mại ấm áp, xen nhau làm đất.
Hoặc chỗ thì thuần một món báu, ánh hòa quang chói vọi, vượt khỏi mười
phương, rộng rãi, thênh thang không thể cùng tột. Ðất đều bằng phẳng không
có núi Tu Di và các non, biển, hầm, hố, giếng, hang và các chỗ u ám”.
Cứ đây, thời cũng có thể nói:
Cõi đất kia chỉ toàn là bằng vàng ròng. Bởi vì nước kia rộng lớn, chẳng
những một góc vàng ròng hay lưu ly. Ðó là chỉ nói một, hoặc hai món báu đó
thôi. Thật ra cả các món báu hợp thành cõi đất, thế thì sẽ còn ngọc báu
nhiều đến vô cùng!
Sớ: Xứng lý thời tự tánh chơn như bình
đẳng là nghĩa đất vàng.
Sao: Chơn Như thời không tạp, không uế,
không đổi, không dời, trải muôn kiếp mà thường mới. Bình đẳng thời chẳng
tăng, chẳng giảm, chẳng thấp là chỗ nghìn bậc thánh, chung nơi (đi). Phật
Tỳ Xá Như Lai nói: “Trước phải bình cái tâm địa thời thế giới mới bình”
(2). Như ông Xá Lợi Phất tâm có cao thấp mới thấy rõ cõi này gò nổng, hầm
hố. Cho nên chỗ đi của mỗi người là vàng ròng, đâu đợi đức Như Lai lấy
ngón chơn nhấn dưới đất (3).
Vũ Hoa (phân ra làm ba phần)
1.- Thiên vũ diệu hoa
(Trời rải bốn thứ hoa quí)
2.- Trì dĩ cúng Phật
(chúng đem hoa cúng Phật)
3.- Cúng dĩ tự thích
(cúng rồi tự vui sướng)
Thiên Vũ Ðiệu Hoa
Ngày đêm sáu thời trời rải hoa Ðà-La.
Sớ: Nói trên quả đất vàng ròng đây thường
rải hoa tốt đẹp vậy. Cõi kia không núi Tu Di và mặt nhựt, mặt nguyệt mà
nói sáu thời là lấy hoa nở chim kêu làm chừng vậy.
Hội niệm Phật ở non Lô Sơn dùng
cái đồng hồ hình hoa sen là phỏng theo ý kinh này.
Sao: Cõi này mặt nhựt, mặt nguyệt xoay
vòng quanh núi Tu Di mà phân ra ngày đêm. Như vị trí Châu Thiệm Bộ chính
ngay phía Nam núi Tu Di, ban ngày, lúc hừng sáng là mặt nhựt đi đã đến
phân nửa Ðông Châu; kế nó vòng qua Nam Châu. Lúc cuối ngày là mặt nhựt đi
đã đến phân nửa Tây châu. Ban đêm, lúc đầu hôm là mặt nhựt nó đi đã đến
phân nửa Tây châu; kế nó vòng qua Bắc châu; lúc cuối đêm là mặt nhựt đi đã
đến phân nửa Ðông châu. Mặt nhựt đi giáp một vòng như thế là phối với 12
giờ, 6 giờ ban ngày, 6 giờ ban đêm là một ngày vậy. Nước kia đã không núi
Tu Di, lại không mặt nhựt, mặt nguyệt, sáng mãi không tối, ngày đêm không
phân biệt, chỉ lấy hoa nở, chim kêu làm ngày; hoa xếp, chim đậu (nghỉ) làm
đêm vậy. Song với mặt nhựt, mặt nguyệt có hay không? Thì các bản dịch nói
chẳng đồng, như bản dịch đời nhà Hán nói: “Mặt nhựt mặt nguyệt ở giữa
hư-không”. Bản dịch nhà Ngô cũng như nhà Hán. Nhưng ngài Vương Nhựt Hưu
lại nói: “Ở giữa hư không mà không vận chuyển”. Bản dịch nhà Tào Ngụy
chẳng nói có hay là không. Còn bản dịch nhà Ðường và nhà Tống quyết định
rằng không có. Nếu hòa hợp lại để nói thì là mặt nhựt, mặt nguyệt tuy có,
nhưng do vì hào quang của Phật và thánh chúng che lấp ánh sáng thì dù có
cũng như không vậy. Song mà xét cho tột lý, không có là phải hơn. Vì sao?
Từ cõi trời Ðao Lợi sắp lên, còn không cần ánh sáng của mặt nhựt, mặt
nguyệt, huống chi nước Cực Lạc?
Hay là bản dịch đời nhà Hán,
trên hai chữ "nhựt nguyệt" thiếu hai chữ "không có" cũng chưa biết được?!
Vậy nhờ bậc cao minh giải rõ cho!!
“Ðồng hồ hình hoa sen” là: Tổ
Huệ Viễn lập hội nhóm chúng niệm Phật tại non Khuôn Lô, chạm cây làm hình
hoa sen đủ 12 cánh, dẫn giọt nước chảy vô ao hồ, chia phiên niệm Phật. Mỗi
một giờ là nước ngập một cánh; ngày đêm 6 thời, thiền tụng không trễ. Các
bậc hội viên tu niệm Phật được vãng sanh rất nhiều. Người đời nay phân
thời tu Tịnh nghiệp là gốc của tổ Huệ Viễn căn cứ nơi kinh này.
Sớ: “Mạn Ðà La” là tên hoa trên trời, đây
dịch là Thích Ý, lại dịch Bạch Hoa. Trời rải hoa là khen ngợi đạo đức như
sự tích ông Không Sanh (Tu Bồ Ðề) và trời Ðế Thích.
Sao: “Bạch hoa” là gì? Hoa trời nhiều thứ,
như Mạn Thù Sa là thứ hoa đỏ; nay chỉ nói có một thứ hoa trắng là bớt văn
cho gọn. Cũng có thể nói phương Tây thuộc Kim, lấy nghĩa là nghiệp trắng
sạch.
“Thích ý” là gì? Hoa trời xinh
tốt, làm vui đẹp ý người vậy.
Kinh Ðại Bổn nói: “Tất cả chư
thiên đều đem trăm nghìn hoa thơm trên cõi trời, đến cúng dường đức Phật
kia, các vị Bồ Tát, cùng chúng Thinh Văn”.
“Khâm khen” là gì? Người đời làm
lành, các vị trời hoan hỷ, huống chi nước kia đức Như Lai, các vị Bồ Tát
và Hiền Thánh toàn là bậc Thượng Thiện cùng nhau nhóm hợp nên trời, thần
khen ngợi rải hoa, lẽ cố nhiên, phải vậy. “Như ông Không Sanh (Tu Bồ Ðề)
và trời Ðế Thích”: ông Không Sanh (Tu Bồ Ðề) yên ngồI, trời Ðế Thích rải
hoa. Ông Tu Bồ Ðề hỏi: “Ai ở trên không rải hoa đó?” Ðáp: “Tôi là Thiên
Ðế. Do vì tôn giả nói pháp Bát Nhã rất hay!”
Xem đây nên biết, những người
vãng sanh về Tịnh Ðộ là bực đều đặng nhứt tâm bất loạn thời các vọng niệm
chẳng sanh, muôn pháp vắng lặng, tức là khéo nói pháp Bát Nhã, cảm động
đến các trời, còn nghi chi nữa?
Sớ: Lại hoa có hai thứ: 1) Hoa trời, 2)
Hoa cây. Nay chỉ nói hoa trờI là vì hoa trời gồm cả hoa cây vậy.
Sao: “Hoa trời” là từ trên trời rải xuống,
nghĩa như văn trước đã giải.
“Hoa cây”: Kinh Ðại Bổn nói:
“Bốn phương tự nhiên nổi gió, reo ra năm trăm thứ tiếng thổi các hoa cây.
Hoa tiết ra mùi hương lạ theo gió bay khắp bốn phương, bay đến chỗ các vị
Bồ tát, Thinh Văn đại chúng. Hoa rơi xuống đất, chứa dày bốn tấc, sáng
ngời chói mắt, thơm tho không chi bằng. Ðến lúc hoa hơi héo, tự nhiên gió
thổi cuốn đi”. Thế thì cõi kia cũng có rải hoa cây, cho nên nói “hoa trời
đã gồm có hoa cây” là thế.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh mở tỏ nghĩa là
hoa đẹp.
Sao: Tự tánh còn mê như hoa còn búp; tự
tánh thoạt ngộ, như hoa nở xòe. Lại màu sắc rực rỡ, không vẽ mà thành, mùi
thơm bát ngát, chẳng đi mà đến. Hoa rải tự nơi không, chẳng trồng mà mọc,
chẳng hái mà tự nhiên rơi xuống. Tự tánh thần linh thông đạt cũng lại như
thế!
Trì Dĩ Cúng Phật
Chúng sanh cõi kia thường mỗi
bữa sáng sớm, mỗi người lấy cái y kích, hứng đựng các thứ hoa đem đi cúng
dường 10 muôn ức Phật ở phương khác. Ngay trong giờ ăn sớm, về đến nước
mình.
Sớ: Văn đây nói trời rải hoa, chúng sanh
lấy đi cúng Phật. “Chúng sanh” là chừa Phật ra, còn thì đều là chúng sanh.
“Sáng sớm” là một trong sáu giờ vậy. “Y kích” là cái đựng hoa. Cúng Phật
rồi trở về nước còn trong thời ăn sớm là vì bay đi bằng phép thần túc
thông vậy.
Sao: “Chừa Phật ra” là duy có một mình
Phật, riêng xưng là bậc Ðại Giác, còn từ bực Bồ Tát sắp xuống, nhẫn đến kẻ
sơ tâm phàm phu vãng sanh về nước kia đều kêu là “chúng sanh”, với Phật
tương đối.
“Một trong sáu thời” là sáng sớm
là thời trước nhứt trong một ngày. Lấy buổi sáng sớm đi cúng Phật là để tỏ
lòng chí kỉnh vậy.
Lại lúc sáng là lúc khí đêm còn
thảnh mảnh (tươi vui). Sáng sớm cúng Phật là dùng tâm còn trong sạch vậy.
Chúng sanh nước kia, tuy ngày
đêm nhứt tâm (bất loạn) vốn không thanh trược; nhưng người chưa chứng lên
bực Phật còn có chút vô minh, chạm việc gặp duyên, chi cho khỏi xúc động;
cũng lấy lúc vừa rạng sáng, gọi là tâm thảnh mảnh. Cũng có thể là tùy
thuận phương này mà tạm nói là sáng sớm vậy.
“Thường” là gì? Vì mỗI bữa vẫn
thường như vậy, vì không nhàm mỏi.
“Mỗi người” là vì mỗi người đều
như thế, vì không ai siêng năng, không ai lười biếng. “Ðồ đựng hoa”: Ngài
Chơn Ðế nói: “Y kích là cái đồ đựng hoa của người ngoại quốc; hoặc nói cái
y khâm (giỏ lam), cũng như lấy vạt áo đựng hoa”. Nói “phương khác” là từ
nước mình đến phương khác; đây không nói nước mình là bớt văn. “Mười muôn
ức đức Phật”: Mỗi một đức Phật là một cõi Ðại Thiên, 10 muôn ức là nói chỗ
rộng xa vậy.
“Thời ăn” là bữa ăn sớm mai;
sáng sớm đến bữa ăn buổi mai là thời rất ít. Lấy thời rất ít cúng Phật rất
nhiều là nói sự đi rất chóng vậy.
Như Kinh Ðại Bổn nói: “Các vị Bồ
Tát nương oai thần của Phật chừng trong một bữa ăn khắp đến 10 phương vô
lượng thế giới cúng dường các vị Phật. Ðồ hoa hương, kỹ nhạc, y phục bảo
cái, tràng phan, vô số đồ cúng. Hoặc muốn dưng hoa thời ở giữa hư không
hóa thành cái bửu cái bằng hoa. Khắp 40 dặm nhẫn đến sáu trăm, tám trăm
dặm, đều y theo ý muốn lớn nhỏ, đứng dừng giữa hư không. Cái thế nó đều xủ
xuống, dùng thành pháp cúng dường. Lại dùng tiếng rất hay để khen ngợi đức
Phật, nghe lãnh kinh pháp. Ðã cúng dường xong, thoạt nhiên bay bổng, về
đến nước mình còn chưa đến giờ ăn sớm.
Cứ đây, thời có đủ thứ những đồ
cúng dường, lại hóa tràng hoa thành những tán cái và cúng rồi nghe pháp
nữa.
Văn đây chỉ nói dùng hoa cúng
dường đều là bớt văn vậy.
Thế nào là thần túc? Như kinh
Ðại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, người trong cõi
của ta đều đặng pháp Thần Túc Thông, trong một phút trải qua trăm nghìn
vạn ức số na do tha thế giới”.
Lại nguyện rằng: “Liền đặng pháp
túc mạng thông”. Lại nguyện rằng thiên nhãn thông. Lại nguyện rằng thiên
nhĩ thông. Lại nguyện rằng tha tâm thông.
Thế thì biết, người sanh nước
kia, sáu phép thần thông tự tại không những bay đi mà thôi; nhưng đây
không nói cũng là bớt văn vậy.
Sớ: Xét pháp thần túc thông đây, các vị Bồ
Tát về bực Thập Trụ, Thập Hạnh mới có như trong kinh Hoa Nghiêm nói.
Sao: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bực Bát Trụ Bồ
Tát trong một giây phút dạo đi giáp vô số thế giới”.
Lại trong kinh Thập Hạnh, lời
tụng nói: “Cõi Phật vô biên không có số đếm, vô lượng chư Phật ở trong đó.
Các vị Bồ Tát ở trong đó thân cận cúng dường sanh tâm tôn trọng”. Thế thời
với pháp thần túc nay đây hàng Tiểu thừa đâu dễ kịp ư?
Hỏi: Thế thời ba món ý sanh thân
sẽ thuộc về bực nào?
Ðáp: Kinh Lăng Già nói ba món
chia ra thuộc Thinh Văn, Bồ Tát và bực Ðại Thánh (4).
Thời biết người sanh về nước
kia, tùy chỗ tu của mình đều có chỗ sở chứng, lệ như trong văn cửu phẩm.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh tự trang nghiêm
là nghĩa “đựng hoa cúng dường”. Tự tánh tự biến khắp là nghĩa “mười muôn
ức cõi Phật”. Tự tánh tự lặng không là nghĩa “thời ăn về kịp”. Tự tánh tự
trụ là nghĩa “nước mình”.
Sao: “Tự trang nghiêm” là tâm vốn đủ trùm
muôn đức; trở lại dùng muôn đức để nghiêm tâm. Ðức mà không khoe chỗ đức,
nghiêm mà không trụ chỗ nghiêm, đó mới chính là chơn thật cúng dường.
Kinh Tư Ích nói: “Người mà hay
cúng dường cho Phật thời người ấy thông đạt lý vô sanh”.
Kinh Bảo Võ nói: “Kẻ nào tư duy
đúng như lý, tức là cúng dường đức Như Lai đó vậy”. “Tự biến khắp” là do
tự tâm khắp tất cả xứ, tức là đều dâng thờ mỗi vị Phật, không bỏ luống qua
vậy.
Cho nên kinh Duy Ma nói: “Ðồng
thời cúng dường, không trước, không sau”. “Tự lặng không” là : Tâm thể vốn
vắng không, không thì không tới, không lui. Cho nên chỉ thời ăn về kịp,
chỉ đối với sự vất vả lặn lội ở phương này mà thôi. Thật ra thời không
vượt ra ngoài sát na (một niệm) đã trở về nước rồi.
“Tự trụ” là nguồn tâm vắng lặng,
thường trụ không dời đổi; đó là cái chỗ: quê xứ ruộng đất để an thân lập
mạng của mỗi người.
Kinh Kim Cang nói: "Huờn chí bổn
xứ" tức như kinh này nói: "Huờn đáo bổn quốc”. Ðấy mới đáng gọi là vụ bổn,
gọi bằng quân tử vụ bổn; người quân tử chuyên về việc gốc là bổn phận.
Cúng Dĩ Tự Thích
Ăn cơm rồi đi kinh hành.
Sớ: Nương văn trên nói giờ ăn, cho nên kế
đây nói việc ăn. “Ði kinh hành” là nghĩa xoay vòng không dứt. Về rồi ăn,
ăn rồi đi là cái dáng thảnh thơi, tự thích vậy.
Sao: “Ăn cơm” là gì? Kinh Ðại Bổn nói:
những người được vãng sanh đến giờ ăn cơm, với các bình bằng bạc, bằng
vàng, mỗi món bát báu tùy ý muốn thứ nào, tự nhiên nó hiện ra thứ nấy;
trăm món ẩm thực dẫy đầy trong đó. Chua, mặn, ngọt, lạt, đều theo sở
thích, không dư không thiếu, không vì sự ăn quá lượng. Ăn rồi tự tiêu, chứ
không còn cặn phẩn. Hoặc người ăn bằng cách thấy sắc nghe hương, tưởng lấy
làm cách ăn, tự nhiên no đủ, không đắm thèm chi, thân tâm nhẹ nhàng. Ăn
xong rồi, các đồ nó tự biến hóa đi, đến giờ ăn nó lại tự hiện ra.
“Xoay vòng” là như đường canh
suốt đường chỉ, thoi dệt liên kết, qua lại không thôi vậy. “Ăn rồi lại đi”
là: 1.- Do điều hòa thân thể, đừng để ngưng trệ. 2.- Ðiều hòa tâm trí, chớ
cho buông lung. “Thảnh thơi” là ý nói rảo bước tự rỗi. Người đời ăn rồi,
nếu không giong ruổi việc trần thời cũng mải mê giấc ngủ; còn ở nước kia,
ăn rồi đi tản bộ bằng cách kinh hành, là với cái thể dạng giải thoát, cái
trạng thái tiêu diêu, khá tưởng thấy vậy.
Sớ: Chỉ nói ăn cơm, không nói đến áo mặc
v.v... Chỉ nói đi kinh hành, không nói đến ngồi nằm v.v... cũng là bớt văn
vậy.
Sao: “Áo mặc” là kinh Ðại Bổn, ngài Pháp
Tạng nguyện rằng: “Khi ta thành Phật người trong cõi của ta, ý muốn có áo
mặc thì nó tùy theo niệm liền đến, không cần cắt may, nhuộm đập giặt xả.
Lại còn có vô lượng đồ y phục tốt đẹp như: mão, ngọc, vòng, xuyến, hoa
tai, chuỗi anh lạc, tràng hoa dây chuyền, các ngọc báu rực rỡ, trăm nghìn
sắc đẹp, tự nhiên hiện ở nơi mình”.
Lại nguyện rằng: “Còn có vô
lượng như ý diệu hương, hương thoa, hương bột thơm tho bát ngát khắp cả
nước Phật kia”. Nên biết không nói áo mặc vì nói cơm ăn là gồm áo mặc và
tất cả đồ nuôi sống.
Không nói đến sự ngồi nằm đó,
kinh giáo có chia ra bốn pháp tam muội: 1.-Thường hành Tam muội; 2.-
Thường tọa Tam muội; 3.- Bán hành bán tọa Tam muội; 4.- Phi hành phi tọa
Tam muội (5).
Chính trong văn đây thời chỉ có
pháp thứ nhứt, song trong hai bộ (Ðại Bổn và kinh này) đều nói người vãng
sanh ngồi trong hoa sen.
Kinh Ban Châu Tam muội thời nói
đứng, nên biết: vì nói pháp đi đã gồm pháp ngồi và luôn bốn oai nghi vậy.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh thường định là
nghĩa ăn cơm. Tự tánh thường huệ là nghĩa đi kinh hành.
Sao: Lấy thiền duyệt làm món ăn cho nên
thiền định có nghĩa ăn. Trí hay vận chuyển cho nên huệ có nghĩa đi, như
trong Luận lời tụng nói: “Yêu thích mùi pháp của Phật, lấy pháp thiền tam
muội làm món ăn”. Lại Luận Phật Ðịa nói: “Trong cõi tịnh độ, chư Phật, Bồ
Tát hay giảng thuyết, hay thọ dụng pháp vị Ðại thừa”. Lại nữa, để trì thân
chánh báo thọ dụng mùi vị chơn như, hay giữ gìn giới thân huệ mạng khiến
không đoạn hoại và nuôi lớn muôn pháp lành nên có nghĩa gọi là ăn.
Lại Kinh A Hàm, luận Duy Thức
v.v... đều nói năm món ăn ra khỏi đời: 1.- Thiền duyệt; 2.- Nguyện; 3.-
Niệm; 4.- Giải thoát; 5.- Pháp hỷ. Nghĩa là do pháp thiền định nuôi dưỡng
tinh thần, nhẹ nhàng vui đẹp, đó tức là nghĩa ăn. Sức nguyện giữ gìn chánh
pháp thời pháp thân tăng trưởng, tức là nghĩa ăn. Sức niệm nhớ rõ thời
Thánh Ðạo hiện tiền, tức là nghĩa ăn. Giải thoát là hết chướng nghiệp, hẳn
hòi được lợi ích, tức là nghĩa ăn. Món pháp hỷ là tu đắc pháp thì mừng
trong tâm dẫy đầy nên no bằng rất vui mừng, tức là nghĩa ăn.
Văn đây chỉ nói pháp thiền định
là nói một gồm bốn vì trong pháp thiền định, không pháp nào mà chẳng thâu
nhiếp. Kinh Duy Ma nói: "Người chưa phát ý Ðại thừa, ăn món cơm này, đến
chừng phát ý Ðại thừa, mới tiêu; người đã phát ý đại thừa, đặng quả vô
sanh nhẫn rồi mới tiêu. Người đặng vô sanh nhẫn, đến nhứt sanh bổ xứ mới
tiêu”.
Kinh Hoa Nghiêm, văn Cụ Túc Ưu
Bà Di nói: "Nếu các vị Bồ tát nhứt sanh bổ xứ ăn cơm của ta, đều ở dưới
cây Bồ Ðề, thành bực chánh giác”. Ðều là lý tự tánh chơn như vô tận, mà
làm món ăn vậy.
“Ði kinh hành” là: Kinh Trì Thế
nói: “Chỗ đi của Ðức Như Lai là chỗ không đi. Chỗ không đi ấy là Chơn Huệ
vậy”.
Cho nên biết, cầm thìa (muỗng),
buông đũa, mỗi miếng không rơi; giở cẳng, động thân, mỗi bước đạp nhằm...
Ðâu đặng vùi đầu ăn cơm, luống qua một đời, ngắm nước xem non, uổng công
muôn dặm.
Tổng Kết
Nầy Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành
tựu công đức trang nghiêm như vậy.
Sớ: Kết văn trên: Nhạc trời, hoa trời v.v…
món món trang nghiêm đều do hạnh nguyện công đức của Phật kia, mới đặng
thành tựu như thế.
Sao: Nguyện là như kinh Ðại Bổn, ngài Pháp
Tạng nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, từ đất sắp lên, đều có vô lượng món
tạp bảo, trăm nghìn món hương để hiệp cộng lại làm nên cảnh trang nghiêm
ấy”.
Lại nguyện rằng: “Khi ta thành
Phật, 10 phương vô ương số thế giới, chư thiên, nhơn dân, nghe danh hiệu
Ta, thắp đèn rải hoa cúng dường”.
Lại nguyện rằng: “Khi Ta thành
Phật, các vị Bồ tát trong cõi ta dùng hương hoa v.v... các món đồ cúng,
muốn đến thế giới phương khác để cúng dường các đức Phật, chừng trong bữa
ăn liền đặng khắp đến”.
Lại nguyện rằng: “Khi ta thành
Phật, người trong cõi của ta, chừng khi muốn ăn ngay trong bát báu, tự
nhiên có trăm món đồ ẩm thực nó hiện ra ở trước. Ăn rồi liền hóa đi”.
Ðến nay Ngài thành Phật, mỗi mỗi
lời nguyện của ngài thảy đều thành tựu.
Hạnh là như kinh Ðại Bổn nói:
“Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo đã phát nguyện rồi, trời mưa hoa mầu mà rải trên
đó”.
Lại nguyện rằng: “Hoặc làm thầy
tỳ kheo; hoặc làm vị vua trời; hoặc làm vị vua người, là Luân vương. Hoặc
quan đại thần, thường đi đến chỗ Phật, dâng thờ cúng dường”.
Lại nguyện rằng: “Trong tay
thường hóa ra đồ y phục, đồ ẩm thực tràng phan, bảo cái, tất cả tiếng âm
nhạc”. Ðến nay ngài thành Phật. Như văn trên: Nhạc trời, hoa trời v.v...
các phước báo cũng đều thành tựu.