PHẬT THÍCH CA NÓI KINH A DI ÐÀ
NGÀI VÂN THÊ LÀM LỜI SỚ SAO
---o0o---
QUYỂN THỨ
HAI
(tiếp
theo)
B. Liệt Chúng Chứng (phân ra làm ba phần)
1. Thanh Văn chúng: các thánh Thanh văn.
2. Bồ Tát chúng: các thánh Bồ tát.
3. Nhơn Thiên chúng: các hạng người
trời.
1. Thanh Văn Chúng (phân ra làm ba
phần)
A. Minh loại số nói: ngành và
số
B. Biểu vị đức: nêu ngôi và
đức
C. Xuất danh hiệu: nói danh hiệu ra.
A. Minh Loại Số
Cùng bực Ðại Tỳ Kheo Tăng một ngàn hai
trăm năm mươi người cu hội.
Sớ: Từ câu này sắp xuống đến câu: "Chư
Thiên đại chúng cu" là chúng thành tựu.
Chữ "Dữ" cũng như nghĩa chữ "Cộng".
Chữ "Ðại" là lựa khác với chữ "Tiểu", có
đủ ba nghĩa: Ðại, Ða, Thắng vì khác với Tỳ Kheo kia. Luận Phật địa cũng có
đủ ba nghĩa.
Chữ Tỳ Kheo là tiếng Phạn, đây giải thích
có ba nghĩa: 1. Khất Sĩ. 2. Bố Ma. 3. Phá ác.
Chữ "Tăng" nói đủ theo tiếng Phạn là
(Samgha) Tăng-già, không nói "Già" là bớt văn. Tàu dịch Tăng Già là “chúng
hòa hiệp”.
“Một ngàn hai trăm năm mươi người” là ba
ông Ca Diếp, thêm ông Mục Kiền Liên, ông Xá Lợi Phất là năm ông, tất cả đệ
tử của năm ông này cộng chung lại thành ra số đó (1250). Trước thì nói bực
thuộc hàng Thanh Văn, sau thì nói số có bao nhiêu.
Chữ "Cu" là hiệp với nghĩa chữ "Cộng" ở
văn trên.
Sao: Chữ "cộng" nghĩa là: Ngài Thiên Thai
giải nghĩa chữ "cộng", bằng bảy chữ "nhứt" gọi rằng: “Xứ nhứt, thời nhứt,
tâm nhứt, giới nhứt, đạo nhứt, kiến nhứt và giải thoát nhứt” (dù bảy chữ
cũng một).
Phật và đại chúng cùng ở nơi Kỳ Viên là ý
chánh của kinh này rộng nói như trên.
“Lựa khác với chữ Tiểu” là: Chẳng phải nói
hàng sơ tâm tỳ kheo tức văn sau chỗ gọi là bực trưởng lão v.v...
Ðại, Ða, Thắng là: Trời, Vua và bực Ðại
nhơn cả đồng kính ngưỡng, chẳng phải đức nhỏ, nên gọi là Ðại.
Nội điển, ngoại điển không bộ nào mà chẳng
suốt thông, chẳng phải ít hiều đâu, nên mới gọi là Ða.
Vượt khỏi trên 96 phái ngoại đạo, chẳng
phải căn cơ kém hèn nên gọi là Thắng. Ðây đều là bực cao tột trong hàng
Tiểu thừa.
“Luật Phật Ðịa có ba nghĩa” là: 1. Bực tối
cực lợi căn chủng tánh ba la mật nên gọi là Ðại. 2. Ðều đặng quả vị Vô
Học(14) nên gọi là Ðại. 3. Trước đặng quả nhỏ, nay đã lên quả vị Ðại Bồ Ðề
nên gọi là Ðại. Ðây đều là nói chung cả bực Ðại thừa.
Tỳ kheo có ba nghĩa là:
1. Khất sĩ: nghĩa là khất thực và khất
pháp. Khất thực là xin ăn, thời tránh xa bốn việc tà mạng, hiệp với bốn
việc chánh mạng. Không kinh dinh sự nghiệp, chẳng cần chứa để, vạn duyên
dứt sạch, nhứt chí chuyên tu. Nhà Tăng phải sống theo đây để nuôi giới
thân huệ mạng, cho nên nói khất thực để nuôi thân.
Khất pháp: là xin Pháp, tức là cầu thầy
hỏi bạn, cần khổ hết lòng thành, học tìm diệu pháp, trông thành quả thánh,
cho nên nói khất pháp để nuôi tâm.
2. Bố ma là như người phát tâm xuất gia,
bọn ma vương nghe sanh lòng sợ sệt; bởi vì lũ nó ưa đắm nhiễm đường sanh
tử mà người xuất gia là người ly dục, quyết tới quả vô sanh, bọn ma sợ mất
bà con của nó nên sanh tâm sợ sệt.
3. Phá ác là: Vì hay phá tâm phiền não
luôn 98 sử thảy đều đoạn tuyệt.
Hoặc thêm hai nghĩa tịnh giới, tịnh mạng
thời thành ra năm nghĩa của Tỳ kheo. Nay nói ba nghĩa là vì nghĩa khất
thực đã gồm nghĩa tịnh mạng, do vì nghĩa phá ác thì đã gồm nghĩa tịnh
giới.
“Chúng hòa hiệp” là: Từ bốn người sắp lên,
nhiều đến vô lượng đều đồng một pháp Yết Ma, không tranh cãi với nhau, như
sữa với nước nên gọi là hòa hiệp chúng.
Ba ông Ca Diếp là: 1. Ưu Lầu Tần Loa Ca
Diếp. Ông này tu ở trong hang Hỏa Long có 500 người đệ tử. 2. Già Gia Ca
Diếp: ông này tu ở trên núi Tượng Ðầu có 300 người đệ tử. 3. Na Ðề Ca
Diếp. Ông này tu ở bên sông Hy Liên có 200 người đệ tử.
Sau tất cả thầy trò đều quy y theo Phật,
cho nên có số 1.000 chúng. Lại ông Mục Kiền Liên và ông Xá Lợi Phất,
hai ông có 250 người đệ tử cũng quy y với Phật, thành ra số 1.250
người.
Một thuyết khác nói: Phật độ ông Da Xá,
thầy trò cả 50 người và năm anh em ông Kiều Trần Như, cộng lại thành số
đấy.
Sớ: Tại sao chỉ nói có 1.250 người? Là vì
số chúng này thường thường tùy tùng, ở chung với Phật.
Sao: “Thường tùy” là: đức Phật xuất hiện
trong thế gian, độ các vị Tỳ kheo chứng quả A La Hán rất nhiều đến vô
lượng, mà sao riêng nói có mấy ông đây? Bởi vì 1.250 ông đây quy y với
Phật trước hết, lại thường không lìa Phật, mãi đến lúc Phật diệt độ, cho
nên đặc biệt nói 1.250 người. Còn bao nhiêu vị khác đi hoằng pháp rải rác
ở bốn phương, tuy là "thiên lý diện đàm", nhưng cứ theo sự tích viết thành
văn, phép thường phải như vậy? Kìa như môn đồ của đức Trọng Ni:
Những trang hiền đạt kể có 3.000 người, mà tại sao riêng kể có 72 ông? Là
cũng bởi vì mấy ông đây thường ở mãi với ngài nơi mé sông Tứ, rồi cùng với
ngài đi qua nước Trần, nước Thái. Ðây cũng là chúng thường tùy vậy.
B.
Biểu Vị Ðức
Ðều là bực đại A La Hán, chúng sở tri thức
(chúng đều quen biết)
Sớ: Câu trên nêu vị; câu dưới nêu đức.
Chữ Ðại là: Lựa khác với hàng tiểu quả
Thanh Văn. Tiếng Phạn (arhàn) A La Hán, đây dịch có ba nghĩa: 1. Ứng cúng.
2. Sát tặc. 3. Vô sanh. Tức là ba quả của Khất Sĩ, Bố Ma và Phá Ác như
văn trước.
Chữ “tri thức” là: Nghe danh trọng đức là
"Tri", thấy hình kính phụng là "Thức".
Một thuyết khác nói: Thấy hình là "Tri",
thấy tâm là "Thức". Một thuyết nữa nói: "Tri" tức là "Thức" vì cũng có
thể có thể làm tri thức trong chúng mà cũng là bực dìu dắt chúng.
Sao: “Lựa khác” là: Quả thánh ban đầu đến
quả thánh thứ tư đều là quả vị của hàng Thanh Văn. Nay nói đại A La Hán là
nêu quả thứ tư của hàng Thanh Văn.
“Ứng cúng” là: Kẻ phàm phu không giới đức,
ba quả thánh trước có giới đức, nhưng còn nhỏ, chưa đáng kêu là 'ứng
cúng'. Nay hạnh tốt đã thành, vượt ngoài ba cõi, đáng hưởng sự cúng dường
ở cõi nhơn thiên; cho nên luận Cu Xá nói: “Cúng dường cho vị A La Hán,
đặng phước báo hiện tại”. Vị này làm ruộng tốt cho cõi nhơn thiên trồng
quả phước, hưởng của cúng dường không hổ, nên gọi là “ứng cúng”.
Nhắc lại trước khi bưng bình bát đã hẹn
làm cho chúng sanh được phước; nay đã chứng đạo, lý phải thọ của cúng nên
gọi là quả khất sĩ.
Song Phật cũng gọi là Ứng Cúng. Nhưng vị A
La Hán chỉ thuộc về ứng cúng cõi nhơn thiên. Còn Phật thời chẳng những ứng
cúng ở cõi nhơn thiên mà còn ứng cúng ở cõi Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ
Tát cúng dường nữa.
“Sát tặc” là: Giặc phiền não cướp giựt của
công đức và hại mạng trí huệ.
Ba quả thánh trước tuy đoạn Kiến hoặc
(hiểu biết sai) nhưng Tư hoặc (nghĩ lầm) vẫn còn. Nay quả thứ tư này chẳng
những đoạn Tư hoặc mà bảy mươi hai phẩm cũng đều đoạn hết, thân tâm được
yên tĩnh. Như dẹp hết giặc rồi thì thiên hạ được thái bình nên gọi là Sát
Tặc.
Nhắc lại, trước kia do ác làm giặc, bây
giờ ác diệt được rồi, nên gọi là quả Phá Ác.
“Vô sanh” là: Kẻ phàm phu không biết bao
lần sanh tử. Bực sơ quả (Tu Ðà Hoàn) còn bảy lần sanh tử. Bực nhị quả (Tư
Ðà Hàm) còn một lần sanh lại cõi Dục giới. Bực tam quả (A Na Hàm) không
sanh lại cõi Dục giới, nhưng mà còn sanh ở cõi Sắc giới. Nay quả thứ tu (A
La Hán) này, duyên sanh đã hết, chẳng thọ thân hậu hữu nên gọi là "vô
sanh".
Nhắc lại, trước kia nguyện ra khỏi sanh tử
khiến ma khởi tâm sợ. Nay chứng quả Vô Sanh nên gọi là quả Bố Ma.
“Nghe danh thấy hình” là thân, sơ một đối
đãi. Chữ "tri" là đối với bực La Hán, người ta tai nghe thời tâm mến muốn
thấy. Chữ "thức" là người ta mặt thấy thời phụng sự chẳng trái nghịch.
“Thấy hình thấy tâm” là cao, thấp một đối
đãi. Chữ “tri” đấy thời mặt đối trước hình dung. Chữ thức là thầm hiểu lẫn
trong ý (tha tâm thông). Như hai ông thầy đến ra mắt Phật, một ông chết
giữa đường. Phật nói ông chết đó là thấy ngài trước; ấy là nghĩa thấy tâm
vậy.
“Tri tức là thức” đó cũng như nói: “Tương
tri, tương thức” (hiểu nhau, biết nhau). Giới đức cao, danh vọng trọng,
tiếng tăm lừng lẫy trong thiên hạ, người người đều nghe biết, ai ai cũng
đều hay, nên nói: “Chúng sở tri thức”. Một thuyết khác nói: Ở trong
cả chúng, bực nầy được nhiều người hay, nhiều người biết, đáng làm tai mắt
cho cõi người, cõi trời, gọi là bực dìu dắt trong chúng. Nay người ta gọi
thiện tri thức cũng có nghĩa: 1. Ðối với ác mà nói, do vì chỗ ta hiểu biết
có thiện, có ác. Mà nay đây chỉ là ông tri thức thiện. 2. Ông nầy có cái
biết rõ ràng cái hay đặc biệt, người khác chẳng bì kịp nên gọi ông là bực
rất thiện giữa tri thức.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh không nhiễm là
nghĩa A La Hán; tự tánh không mê là nghĩa tri thức.
Sao: Nguồn tâm vốn vắng lặng thời các
nhiễm toàn không; tâm thể vẫn sáng tỏ; thời các mê đâu có. Kinh Pháp Hoa
bảo đó là chơn A La Hán. Luận Khởi Tín gọi là ông “chơn thật thức
tri”.
Những hạng người (Tiểu thừa) đắm nơi không
làm vắng lặng, móng niệm mới biết, gọi là “danh tự A La Hán” và “hư vọng
tri thức”. Thế cho nên tà kiến cùng chánh kiến đồng một thể; thiện, ác
đồng một môn. Dứt tâm vọng mới thấu nguồn chơn, họa may mới làm sa môn
được.
C. Xuất Danh Hiệu (phân ra làm hai
phần)
1. Chúng danh: Tên riêng của
chúng.
2. Tổng kết: Lời chung kết.
1. Chúng Danh
Bực trưởng lão là: Ông Xá Lợi Phất, ông Ma
Ha Mục Kiền Liên, ông Ma Ha Ca Diếp, ông Ma Ha Ca Chiên Diên, ông Ma Ha
Câu Si La, ông Ly Bà Ða, ông Châu Lợi Bàn Ðà Dà, ông A Nan Ðà, ông La Hầu
La, ông Kiều Phạm Ba Ðề, ông Tân Ðầu Lô Phả La Ðọa, ông Ca Lưu Ðà Di, ông
Ma Ha Kiếp Tân Na, ông Bạc Câu La, ông A Nâu Lâu Ðà.
Sớ: Trưởng lão là: Ðức người hạnh lớn,
giới lạp cao. Lại đức với lạp, chỉ đủ có một cũng chung gọi là trưởng lão;
luôn sau 16 vị tôn túc...
Sao: Lạp là thọ giới Cụ Túc, một năm gọi
là một lạp; vì giáp một năm chỉ đặng một lạp, cũng nói là một hạ, chính
đồng một ý nghĩa đây. “Chung gọi” là trên nói đức và lạp đều trọng nên
được tôn xưng “trưởng lão” đã đành. Ðây nói một đức trùm chúng, hay một
lạp trước người, cũng được kêu là Trưởng Lão.
Như trong luận Tỳ Bà Sa phân về loại:
Thượng tọa pháp tánh (tuổi đạo), thượng tọa sanh niên (tuổi đời). Lại bản
kinh nhà Ðường dịch Cụ Thọ là đủ cả đức và lạp. Bản kinh nhà Ngụy dịch Huệ
Mạng là chuyên nói về đức.
Dầu rằng chỉ có đức hay chỉ có lạp cũng có
thể được xưng Trưởng Lão; mà ắt hơn lấy đức mà không lạp, chớ chưa có ai
chỉ có lạp mà không đức bao giờ!
“Luôn sau này” là nói bực trưởng lão,
chẳng những một mình ông Xá Lợi Phất mà cả đến ông A Nâu Lâu Ðà cũng đều
gọi là bực Trưởng Lão, đều là bực thượng thủ giữa đệ tử của Phật.
Sớ: Ông Xá Lợi Phất (Sariputra) là tiếng
Phạn nói (Sàri) Xá Lợi, tiếng Tàu dịch là Thu Lộ. Tiếng Phạn nói “putra”,
ta đọc Phất, Tàu dịch là Tử. Cho nên nói “Thu Tử”, cũng nói “Thân Tử”,
cũng nói là “Châu tử”... Trong các đệ tử Phật, ông này trí huệ đệ nhứt.
Xưng đệ nhứt là chỉ bày một đức mà thôi. Sách Luận Ngữ nói: “Người quân tử
chẳng phải như một món đồ”, huống hồ là bực La Hán (có nhiều biệt tài vì 6
thần thông biến hóa).
Sao: “Thu Tử”: Mẹ ông là người thân hình
đoan chánh, mắt trong như mắt chim Thu; vì đặt tên theo mẹ nên nói ông là
con của bà Thu Lộ hay là con của bà Xá Lợi...
“Thân tử” là ý nói ông là người có cái
thân đoan chánh.
“Châu tử” là ý nói ông là người mắt trong
sáng. Còn bao nhiêu hiệu nữa nay đây chẳng gấp nên không dẫn nhiều. Mấy
ông sau cũng đều lệ theo (là mỗi ông đều có nhiều danh đức riêng, đây dẫn
một vài ông thôi).
“Trí huệ”: Khi ông ở trong thai mẹ là đã
giúp cho bà mẹ biện tài giỏi hơn người cậu. Lúc được tám tuổi, ông lên tòa
cãi lẽ, 16 đại quốc nghị luận không hơn. Ông học Phật pháp trong bảy ngày
đã thông suốt, cho nên nói ông là “trí huệ đệ nhứt”.
“Chỉ bày một đức” là: Nói chẳng phải ngoài
ông Thân Tử ra mà trí huệ các vị A La Hán kia đều kém đâu. Chẳng riêng một
mình ông Thân tử đủ trí huệ mà các vị kia không đủ!?
Bởi vì mỗi một vị chỉ nói một đức để nêu
pháp môn của Phật là vô lượng. Lại cũng chỉ dẫn những cái tài đặc biệt của
mấy ông ấy.
Như kinh nói ông Xá Lợi Phất ngồi thiền
yên lặng, ngài Mục Liên muốn phá phép định của ông, đứng dậy ráng hết thần
lực mà chẳng lay động được một cái chéo áo của ông.
Xưa nay ai cũng thường tán thán ngài Mục
Kiền Liên là thần thông đệ nhứt, ai dè ông Xá Lợi Phất thần thông đến thế
này!
“Người quân tử chẳng phải như món đồ” là:
Ðức Khổng Tử nói: “Như chiếc ghe không thể đi trên bờ, cái xe không thể
chạy dưới nước; đấy là món đồ vậy. Người quân tử có đủ tài năng, chẳng tệ
như một món đồ. Ðâu đặng nói: Thầy Nhan Hồi, thầy Mẫn Tử Khiên không văn
chương, thầy Tử Du thầy Tử Hạ là người thiếu đức hạnh”. Người quân tử còn
thế, huống bực đã siêu phàm nhập thánh, pháp "Tam Minh"(15) tỏ rạng, pháp
"Lục Thông" (16) rỗng suốt, gọi là bực Lậu Tận A La Hán ư? Nên chi nói:
“Chỉ tỏ bày một đức”.
Sớ: Bắt đầu nói ông Xá Lợi Phất, bởi vì
kinh này duy có bực trí mới hiểu và tin nổi.
Sao: Trong kinh nói: “Phật vì chúng sanh
thuyết pháp khó tin đây”. Khó tin thời duy có bực trí huệ sâu xa mới tin,
không nghi, cho nên trước nhứt nói ông.
Hoặc người hỏi nạn: Trong "Bát Nhã Tâm
kinh", Phật bảo một mình ông Thân Tử thời biết cái trí của ông ấy rõ lại
lý Không, chớ không tại pháp Tịnh Ðộ? Ôi! Sắc, tức là không, không tức là
sắc, đâu chẳng nói cõi Tịnh Ðộ tức là không, không tức là Tịnh Ðộ hay sao?
Nếu bác cõi Tịnh Ðộ thời chẳng phải là chơn không; chẳng rõ lý chơn không
thời chẳng phải là người chánh trí. Huống chi trí ông Thân tử quyết chẳng
như thế.
Sớ: Ông Ma Ha Mục Kiền Liên là: Chữ "Ma
Ha" đây dịch là Ðại. "Mục Kiền Liên" dịch là Thái Thúc Thị. Một thuyết
nữa nói: Lai Bặc, ông này có thần thông đệ nhứt.
Sao: Mục Kiền Liên là họ, Câu Luật Ðà là
tên. Câu Luật Ðà là tên của một thứ cây. Theo tục lệ, cầu vị Thần ở nơi
cây này mà được kết quả sanh ra ông, nhơn đó, lấy tên cây đặt tên ông là
Câu Luật Ðà. Lại họ nầy trùng họ nhiều lắm nên thêm chữ Ðại để cho riêng
biệt.
“Thần thông” là như Phật lên cõi Trời Ðao
Lợi thuyết pháp, bị con độc long phà hơi độc để ngăn Phật. Các vị Tỳ kheo
kia xin dẹp con độc long, Phật không cho. Ông Mục Kiền Liên hóa thân lớn,
nhỏ... Con độc long kia sợ hoảng, bèn chịu thua (17). Lại như bọn ngoại
đạo luyện phép để dời núi, ông kiềm chế không cho núi lay động (18). Cả
dòng họ Thích đầy trong một thành, ông thâu vào trong bình bát, đem để
trên cõi trời Phạm Thiên (19) và việc nắm xe ông Kỳ Bà, cùng đốt nhà trời
Ðế Thích (20) v.v... các việc đều dùng phép thần thông cả, cho nên nói ông
là thần thông đệ nhứt.
Sớ: Ông Ma Ha Ca Diếp, đây (Tàu) dịch: Ðại
Qui Thị. Một thuyết khác nói là Ẩm Quang. Ông nầy tu hạnh Ðầu Ðà đệ
nhứt.
Sao: Ðại Qui Thị là đời trước ông đi học
đạo gặp con Linh Qui đội bản đồ ra sông, nhơn lấy đó đặt họ. Tên Tất Bát
La, cũng là tên cây, vì cầu tự nơi cây ấy. Nói thêm chữ Ðại cho khác với
mấy ông trùng tên như ba ông Ca Diếp kia v.v...
Ẩm Quang là do đời trước ông là người thợ
làm đồ vàng, bạc cùng với một người nữ thanh tịnh đồng phát tâm lấy vàng
quang phết tượng Phật, bèn cảm được quả báo đời đời thân ông như sắc
vàng. Sắc vàng chói ngời loáng phủ các sắc khác, cho nên tên ông là Ẩm
Quang (ánh sáng nuốt các ánh sáng kia).
Tiếng Phạn “Ðầu Ðà”, Tàu dịch Ðẩu Tẩu,
hoặc nói Ðào Thải, Ðầu Ðà, có 12 hạnh: 1. A lan nhã: Ở nơi vắng vẻ. 2.
Thường đi khất thực, cho đến hạnh thứ 12 chỉ có ba y. Do khổ hạnh đây,
quét hết việc trần lụy, lóng sạnh thân tâm.
Ca Diếp tuổi già mà không bỏ hạnh Ðầu Ðà,
Phật thương ông yếu đuối, khuyên ông nghỉ, thế mà ông cũng vẫn giữ hạnh
Ðầu Ðà mãi như cũ. Ðức Phật ngài rất khen: "Có hạnh Ðầu Ðà, pháp ta mới
còn lâu", cho nên nói ông là Ðầu Ðà đệ nhứt.
Sớ: Ông Ma Ha Ca Chiên Diên là họ, Tàu
dịch là Văn Sức. Một thuyết nữa nói là Bất Ðịnh; một thuyết nữa nói là
Phiến Thằng và một thuyết nữa nói là Ly Hữu Vô v.v... là người ở nước Nam
Thiên Trúc, họ Bà La Môn. Ông này nghị luận đệ nhứt.
Sao: Văn Sức là lời lẽ có vẻ văn chương
trôi chảy. Phàm người nghị luận, tâm tuy hiểu lý đó, song cứ nói tầm
thường chẳng có văn chương, hay câu lối rời rạc không chải chuốt thời lời
không đạt được ý. Như vậy không phải là người nghị luận giỏi!
Bất Ðịnh là ý lanh lẹ của người giỏi nghị
luận, dầu nói xuôi nghe cũng được hay luận ngược lời lẽ cũng nghe xuôi,
khéo cả.
Phiến Thằng là vì mẹ muốn đi cải giá, bị
con còn bé (là ông) buộc ràng, tỷ như cây quạt có dây đai máng níu lại
khỏi bị gió bay. Lại chữ Phiến Thằng có nghĩa là: Phá những cái nóng nực;
kéo ngay những cái cong vạy. Cũng là ý nói không mắc về bên Ðoạn (chấp
không) và không lạc về bên Thường (chấp có), mở bày lý trung đạo vì để
thoát ly hai bệnh chấp có và chấp không.
Như bọn ngoại đạo hỏi: Xét vì người chết
đi rồi không thấy trở về, nên cho rằng không có đời khác. Nghĩa là người
chết chịu khổ, lẽ phải trở về cho hay! Cái này đành ở đó chịu, không trở
về, cho nên quyết chắc là không có đời khác.
Ông đáp: Kìa như người tội bị giam trong
lao ngục, vậy có về được không!
Lại hỏi: Còn người sanh lên cõi trời sao
cũng không về?
Ðáp: Giả sử người rớt dưới cầu xí, bấy giờ
đã lên được rồi vậy thử hỏi, người kia có chịu trở xuống chỗ dơ đó nữa
không?!
Như vậy, món món tất cả nghĩa mầu đều nói
được hết. Trong kinh Tăng Nhứt A Hàm, Phật khen ông là người khéo phân
biệt các nghĩa để diễn bày đạo giáo, cho nên nói ông là bực nghị luận đệ
nhứt.
Sớ: Ông Ma Ha Câu Si La, Tàu dịch Ðại Tất,
là cậu ông Xá Lợi Phất.
Ông nầy đáp, vấn đệ nhứt.
Sao: Ðại Tất là theo hình trạng đặt tên.
Người cậu ai? Là em ruột của mẹ ông Thân Tử; ngày trước nghị luận giỏi
hơn chị. Lúc chị mang thai ông Thân Tử thì cơ biện luận lanh chóng, ông
không thể bì kịp. Ông (Ðại Tất) nổi giận đi học đến nỗi không rảnh để cắt
móng tay. Ðọc thuộc 18 món kinh sử...
Ðáp vấn là do vì ông quá siêng năng nên
được bốn pháp biện tài. Hễ gặp ai hỏi thời đáp được liền, cho nên nói ông
là bực đáp vấn đệ nhứt.
Sớ: Ông Ly Bà Ða, Tàu dịch Tinh Tú. Một
thuyết nữa nói là Thất Tú. Ông này "vô đảo loạn" đệ nhất.
Sao: Tinh Tú là: Theo tục cầu con nơi ngôi
sao này mà được sanh, nhơn lấy đấy đặt tên ông. Thất Tú là: Trong
hai mươi tám ngôi sao, ngôi sao "Thất" nầy thuộc về ngôi sao thứ 13. Hoặc
vì lễ cầu nơi ngôi sao nầy. "Vô đảo loạn" là vì tâm chánh nên không điên
đảo, tâm định nên không tán loạn, cho nên nói: "Vô đảo loạn đệ
nhứt".
Sớ: Ông Châu Lợi Bàn Ðà Dà, Tàu dịch Kế
Ðạo. Một thuyết khác nói là Tiểu Lộ Biên. Ông này chỉ thuộc có nửa bài kệ
mà được tỏ ngộ chứng quả La Hán.
Sao: Kế Ðạo là: Khi mẹ ông mang thai ông,
theo phong tục Ấn Ðộ phải về nhà cha mẹ ruột để sanh đẻ, đi nửa đường sanh
ông, vì lẵng nhẵng trong khoảng giữa đường nên đặt tên ông là Kế
Ðạo.
Tiểu Lộ Biên là: Mẹ ông sanh hai người con
mà người nào cũng sanh ở giữa đường cả nên nói ông là Tiểu Lộ Biên, cho
khác với khác với anh ông là Ðại Lộ Biên.
“Nửa bài kệ” là: Ông xuất gia mà căn tánh
ngu ám, ở chùa quá lâu, nhưng không biết chi hết. Người anh vào đạo trước,
quở ông là vô tri, đuổi ông huờn tục. Ông dựa cửa chùa khóc than rơi lụy.
Ðức Phật thấy vậy thương, thâu dùng lại cho học hai chữ: Tảo Chửu (21).
Mỗi ngày ông đọc hai chữ, nhưng nhớ một chữ này, lại quên một chữ kia. Ðọc
mãi lâu rồi thoạt ngộ, cấu sạch, hoặc trừ, ông chứng được quả A La Hán.
Sớ: Nan Ðà, Tàu dịch là Thiện Hoan Hỷ, là
ông Phóng Ngưu Nan Ðà.
Sao: Phóng Ngưu (22) Nan Ðà là: Có đến 3
ông Nan Ðà: 1. A Nan Ðà. 2. Tôn Ðà La Nan Ðà và ông này nữa là 3 ông. Do
dùng chữ Phóng Ngưu để cho khác với hai ông kia.
Sớ: A Nan Ðà, Tàu dịch Khánh Hỉ, lại dịch
Vô Nhiễm. Ông này là em con nhà chú của Phật. Ông có tài đa văn đệ
nhứt.
Chính kinh này thời ông A Nan cùng trong
đại chúng đồng nghe giáo pháp môn Tịnh Ðộ, nhưng chỉ một mình ông đủ sức
tổng trì, nhớ dai không quên, ông kiết tập thành tạng Kinh.
Sao: Khánh Hỉ là ngày sanh ông nhằm ngày
Phật thành đạo. Vua, bá quan và nhân dân một mặt nghe thái tử Sĩ Ðạt Ta
con là nhà bác thành Phật, một mặt lại nghe trong cung, nhà chú sanh ra
hoàng tử, cả hai đều tốt, cả hai điều khó được mà nay đồng thời đều được,
cả nước vui mừng nên đặt tên ông là Khánh Hỉ.
Lại người thấy tướng ông, người nghe tiếng
nói của ông, người trông oai nghi của ông, không một ai là chẳng hoan
hỉ.
“Vô Nhiễm” là ông theo Phật lên cung Trời,
xuống cung rồng, tâm không vui đắm, cũng là một việc đặc sắc.
“Em con nhà chú của Phật”: Phật là con vua
Tịnh Phạn, ông A Nan là con vua Bạch Phạn; vì hai vua là anh em ruột.
Ða văn: Là ông A Nan làm "thị giả" cho
Phật ba mươi năm, với những pháp Phật nói, ông chẳng quên một chữ. Kinh
Niết Bàn khen ông là bực Ða Văn đệ nhứt. Lại ngài Ca Diếp khen rằng: “Pháp
của Phật như nước biển cả mà đều chảy dồn về trong tâm ông A Nan!”
“Ðồng nghe riêng nhớ”: Chính nêu ông là
người "cường ký" (nhớ dai) hơn các bực kia, cho nên nói ông là bực Ða Văn
đệ nhứt.
Sớ: Ông La Hầu La, Tàu dịch Phú Chướng,
cũng dịch Chấp Nhựt. Ông này "mật hạnh đệ nhứt".
Sao: Phú Chướng là tên thần A Tu La. Vì
khi sanh ông nhằm lúc thần A Tu La đang lấy tay che ánh sáng mặt nhựt, mặt
nguyệt nên đặt tên ông là Phú Chướng và cũng tên là Chấp Nhựt. Song,
Chướng có 2 nghĩa: 1. Phật bị ông làm chướng, không xuất gia được sớm, do
vì thái tử (Phật) chưa có con (là ông) nên xin đi tu, đức phụ vương chẳng
cho. Thái tử phải chỉ vào bụng vợ để giới thiệu, vua mới biết đã có thai,
mới toại bổn chí; thế thì đức Phật bị ông làm chướng. 2. Do đời trước ông
lấp hang chuột sáu ngày nên nay mắc quả báo, phải ở trong thai mẹ 6 năm.
Thế là ông tự làm chướng lấy ông.
“Mật hạnh” là trong kinh nói: “Mật hạnh
của ông La Hầu La duy có ta (Phật) biết được thôi”. Duy có Phật biết được
thì đủ rõ các hàng Thinh Văn, bực Bồ tát còn không thể biết, huống chi
chúng phàm phu làm gì biết được. Bởi nhiều hạnh tốt mà người chẳng biết
nên chỉ nói ông là bực mật hạnh đệ nhứt.
Sớ: Ông Kiều Phạm Ba Ðề, Tàu dịch Ngưu Thi
(trâu nhơi). Ông này thọ của chư thiên cúng dường đệ nhứt.
Sao: Ngưu Thi là: Trong đời quá khứ ông
khinh nhái một thầy sa môn già móm nhai mấp mấp, nay mắc quả báo cái
miệng ông nhai mấp mấp như mồm trâu nhơi. Lại vì mắc quả báo làm trâu năm
trăm đời. Loại trâu ăn rồi; sau lại thường nhơi. Cái dư báo đó ông chưa
hết, cho nên đặt tên là Ngưu Thi (trâu nhơi).
“Chư Thiên cúng dường” là thời kỳ Phật và
chúng tăng chịu quả báo ăn lúa ngựa (23), chỉ một mình ông riêng ở trên
cõi trời, nơi vườn Thi Lợi Sa hưởng thọ của trời cúng. Lại kẻ phàm phu
không biết xem kính đức hạnh, chỉ thấy tướng nhơi của ông, phần nhiều
khinh dễ, sợ họ chê cười mắc tội, Phật dậy ông thường ở trên cõi trời, chư
thiên kính phụng nên chỉ nói ông là người thọ hưởng của chư thiên cúng
dường đệ nhứt.
Sớ: Ông Tân Ðầu Lô Phả La Ðọa, ba chữ
trước Tàu dịch Bất Ðộng (là tên); ba chữ sau, dịch Lợi Căn (là họ).
Sao: Tên trước họ sau là vì họ kia tới 18
phái, nên ông này kêu tên trước họ sau, là để khác với mấy ông trong các
phái kia. Luật Nại Da nói: “Ông Trưởng giả tên Thọ Ðề lấy cái bát bằng gỗ
chiên đàn để trên đầu cây cột phướn, rồi giao hứa với Tăng chúng rằng: ‘Vị
nào có thể dùng thần lực lấy được, tôi xin hiến cái bát ấy’. Tôn giả hiện
thần thông bay lên lấy bát. Phật nghe quở trách, rồi bắt buộc không cho
ông nhập diệt, để kéo dài thân sống lâu mãi ở qua đời mạt pháp, đặng chứng
làm ruộng phước lớn cho trai chủ, chúng sanh cúng dường gọi là gieo giống
lành vậy”.
Sớ: Ông Ca Lưu Ðà Di, Tàu dịch là Hắc
Quang (da đen láng ngời).
Sao: Hắc Quang là vì nhan sắc ông xấu và
đen. Lại sắc đen chói bóng, khác với đen thường thành thử ông đi khất thực
ban đêm, người thấy kinh hãi! Do đó Phật mới chế giới cấm không cho đi
đêm.
Sớ: Ông Ma Ha Kiếp Tân Na, Tàu dịch là
Phòng Tú (ông này biết việc tinh tú đệ nhứt).
Sao: Phòng Tú là ngôi sao thứ tư trong 28
ngôi sao. Cha mẹ cầu khấn nơi ngôi sao này mà được kết quả sanh ra ông.
Một thuyết khác nói: Khi ông mới đi xuất gia, muốn đến ra mắt Phật, nhưng
đi nửa đường lại bị mưa, ghé ăn và ngủ nhờ trong nhà anh thợ đồ gốm, tình
cờ có một thầy tỳ kheo cũng đến ngủ chung trong nhà ấy (Tỳ kheo kia là
Phật hóa hiện). Ðêm ấy ông nghe ngài thuyết pháp, ông liền đắc đạo. Thế
thời chữ Phòng Tú cũng là một nghĩa ngủ đậu trong nhà người thợ làm đồ
gốm.
“Tri tinh tú” là không cần mượn cái "triền
cơ ngọc hoành" mà thông hiểu "thiên văn tinh tượng", cho nên nói tri tinh
tú đệ nhứt.
Sớ: Bạc Câu La, Tàu dịch là Thiện Dung,
(ông này thọ mạng đệ nhứt).
Sao: Thiện Dung là vì nhan mạo ông đoan
chánh. “Thọ mạng”: Vì ông đến 160 tuổi, cho nên nói ông là thọ mạng đệ
nhứt. Do đời trước ông giữ giới bất sát, được sống lâu, không chết yểu, 91
kiếp đều thọ như thế. Lại đời trước ông từng cúng trái A Lê Lặc cho một
ông tăng có bệnh, do đó cảm được năm món bất tử.
Khi mới sanh, ông hiện những tướng lạ. Bà
mẹ tưởng là yêu quái, đem để trên cái bàn ram nướng cho chết mà ông cũng
không chết. Lại để trong cái chõ nấu cho chết mà ông cũng không chết. Lại
đem ông thả giữa sông cá lớn nuốt, rồi cá bị người đánh lưới bắt, thợ chài
lấy dao mổ cá, bày ông ra mà không tồn hại chi hết. Nói lại: 1. Lửa không
thể nướng. 2. Nước sôi không thể nấu. 3. Nước sông không thể chìm. 4. Cá
nuốt không chết. 5. Dao cắt không hại nên gọi là năm món bất tử.
Lại ông ưa chỗ vắng vẻ, lòng ít ham muốn,
thâu nhiếp sáu căn nên sau khi ông diệt độ, cái tháp của ông còn không
chịu thọ tiền của vua cúng (24). Do lúc bình thường ông ưa chỗ vắng vẻ,
không chịu ở trong chỗ đông người, vì sợ nhiễm những tiếng thị phi, đây
cũng xưng là đệ nhứt.
Sớ: Ông A Nâu Lâu Ðà, một tên nữa A Na
Luật Ðà, Tàu dịch Vô Bần, cũng dịch Vô Diệt; cũng dịch Như Ý. Ông này có
phép thiên nhãn thông đệ nhứt.
Sao: Vô Bần là thuở trước nhằm thời có nạn
đói khát, ông đem cơm lúa tắc cúng cho một vị Bích Chi Phật nên được hưởng
phước 91 kiếp, của cải nhẫy đầy, hưởng dụng đến nay không hết, cầu điều
chi đều được như ý, cho nên có nghĩa Vô Bần, Vô Diệt, Như Ý; cả ba nghĩa
đã dịch.
Phép "thiên nhãn thông" đệ nhứt là ông đã
xuất gia mà tánh hay ưa ngủ, mỗi thời Phật thuyết pháp, ai nấy chăm nghe
còn ông thì vẫn cứ gật gù ngủ, không biết là gì hết. Phật quở trách ông và
tỷ dụ như loài ốc, sò. Ông tự giận lấy mình, liền phát chí tinh tấn trong
bảy ngày đêm, mắt không nhắm mí, bị mù hai con mắt. Phật bèn dạy ông tu
tập phép "Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cang Tam Muội", ông liền chứng pháp
thiên nhãn thông, thấy suốt cõi Ðại Thiên thế giới cũng như thấy trái để
trong lòng bàn tay, cho nên nói ông là: “Thiên nhãn thông đệ nhứt”.
2. Tổng Kết
Như thị đẳng chư đại đệ tử (như thế hết
thảy các đệ tử của Phật)
Sớ: “Như thị” là kết văn trước. Chữ “Ðẳng”
là chỉ các ông kia. Chữ Ðại là gồm nghĩa chữ Ðại văn trước. Chữ “đệ tử”
là học sau thầy là Ðệ, sự hiểu biết do thầy sanh ra là “tử”. Cái thắng hội
như đây nên gọi “Nan đệ, nan huynh, khéo làm khéo thuật”.
Sao: “Kết văn trên” là kể các ông khác.
Ðây trước kết 16 vị Tôn giả; sau kể một nghìn hai trăm năm mươi
người.
“Gồm nghĩa chữ đại văn trước” là chữ “đại
đệ tử” văn đây, tức là văn trước chữ “đại Tỳ kheo, chữ đại A La Hán”; lấy
một chữ Ðại văn đây gồm luôn nghĩa hai chữ Ðại trong văn trước
vậy.
“Học sau thầy” là vì thầy biết trước, trò
biết sau, như anh trước em sau vậy. “Sự hiểu do thầy sanh ra” là vì nhờ
thầy mở bày, nuôi dưỡng mới thành pháp khí; chỗ gọi rằng: “Từ miệng Phật
sanh ra, sẽ nối thạnh giống Phật”. Như cha mẹ sanh con, con sẽ thờ nối Tổ
Tiên.
“Nan huynh, nan đệ” là: Xưa nói ông Nguyên
Phương khó làm anh, ông Quí Phương khó làm em. Nghĩa là anh em đồng có tài
trí hơn người, không ai hơn, thua. Nhưng ở đây không lấy ý đó, chỉ lược dụ
Phật là anh, các vị A La Hán là em, vì cả hai trong đời đều khó đặng mà
nay đều đặng.
“Khéo làm, khéo thuật” là: Xưa nói ông vua
Văn Vương, ông Vương Quới làm cha, cha làm ra trước; ông Võ Vương làm con
mà con nối theo sau. Nhưng nay cũng chẳng dùng ý đó, chỉ lược dụ Phật là
cha, các vị A La Hán là con vì thầy trò đạo hiệp.
Sớ: Xứng lý thì tự tánh, tâm vương, tâm
số, dung thông, là nghĩa Phật cùng đệ tử cu hội.
Sao: Ngài Thiên Thai nói: “Tâm vương là
Như Lai, tâm số là đệ tử”. Nay giải nghĩa: Tâm vương là tám thức tâm
vương. Tám thức tâm vương đây, thiện ác luân chuyển do nó làm chủ tể, ví
như ông vua cai trị dân chúng, ông thầy dạy dỗ học trò.
Tâm số là 51 món tâm sở. Năm mươi mốt tâm
sở đây có 3 nghĩa: 1. Thường y nơi tâm vương để phát khởi.
2. Tương ưng với tâm vương.
3. Hệ thuộc với tâm vương. Vì nó đối với
tám thức tâm vương kia, cũng như tôi chầu vua, đệ tử hầu thầy.
Lại Ngài Trí Giác nói: “Mười vị đại Thanh
Văn đều là số mười pháp thiện của tâm mình” (10 vị: Từ 1 Ða văn đệ nhứt
đến 10: thiên nhãn đệ nhứt).
Luận Tỳ Ðàm lời kệ nói: 1. Tâm dục. 2. Tâm
tưởng. 3. Tâm cánh nhạo. 4. Tâm huệ. 5. Tâm niệm. 6. Tâm tư. 7. Tâm giải
thoát. 8. Tâm tác ý cùng cảnh giới (xúc). 9. Tâm Tam ma đề (định). 10. Tâm
thống. Nên biết ông Ðại Ca Diếp là "tâm số dục" do vì chỉ còn giữ cái phép
xuất ly, phát tâm thiện dục xuất thế gian, bỏ tâm ác dục của thế gian.
Ông Phú Lâu Na là "tâm số tướng": Do vì
tướng thời mới phân biệt biện tài, không ngăn ngại.
Ông Ca Chiên Diên là "tâm cánh nhạo": Do
vì vấn đáp lời lẽ qua lại nhiều lý do đắp đổi lẹ làng, luận nghị không
cùng. Nhẫn đến "tâm huệ" là ông Xá Lợi Phất, "tâm niệm" là ông Ưu Ba Ly,
"tâm tư" là ông La Hầu La, "tâm giải thoát" là ông Thiện Kiết, tức là ông
Tu Bồ Ðề, "tâm tác ý" là ông A Na Luật, "tâm tam ma" là ông Mục Kiền Liên,
"tâm thống" là ông A Nan v.v...
Chữ Thống là thọ, có ý nghĩa lãnh
nạp.
“Phàm tâm vương phải đủ tâm số”: Tâm số
quyết phải qui tùng tâm vương. Cả hai giúp đỡ lẫn nhau mới được khai ngộ.
Song dầu tâm vương, dầu tâm số, cũng chẳng ra ngoài một cái tâm mình, miễn
mình đặng nhứt tâm thời gồm cả tâm vương và tâm số.
2. Bồ Tát Chúng (phân ra làm ba phần)
A. Minh loại: Nói về
loại.
B. Liệt danh: Nói về
tên.
C. Tổng kết: Chung kết.
A. Minh Loại
Tinh chư Bồ Tát Ma Ha Tát (Và các vị Bồ
Tát lớn trong hàng Bồ tát)
Sớ: Chữ “Tinh”: Nương theo văn trước, nói
Phật thuyết kinh này, chẳng những hàng Thinh Văn dự hội, mà cả đến bực Ðại
Sĩ cũng đồng nghe pháp "trì danh niệm Phật" này.
Chữ Bồ Tát là tiếng Phạm, nói đủ là Bồ Ðề
Tát Ðỏa (nay nói có hai chữ Bồ Tát là bớt văn). Tàu dịch là Giác Hữu Tình.
Chữ Giác Hữu Tình lại còn có 3 nghĩa, lại cũng có nghĩa là Dõng Mãnh mà
cầu. Chữ Ma Ha Tát, Tàu dịch "Ðạo đại tâm chúng sanh"; do vì đủ bốn nghĩa
Ðại. Lại kinh Pháp Hoa có 6 nghĩa Ðại, Luận Phật Ðịa ba nghĩa đại, cũng
không ngoài bốn nghĩa. Chữ Bồ tát Ma Ha Tát, cũng như nói: Bực Ðại Bồ Tát
trong hàng Bồ tát vậy. Vì lựa khác với bực Tiểu Bồ tát.
Sao: “Chẳng những hàng Thanh Văn” nghĩa là
bực Ðại thừa, Tiểu thừa, tất cả hiền thánh đồng nghe kinh này, chớ lầm
tưởng rằng cõi Tịnh Ðộ là chỗ các bực Bồ tát chẳng màng đâu!
Chữ “Giác hữu tình” là đồng chứng chỗ Phật
chứng, đó gọi là Giác. Nhưng vô minh chưa hết gọi là “tình”.
Lại có ba nghĩa là: 1. Nghĩa “bi, trí sở
duyên”; gọi rằng chữ Giác là chỗ tu đạo Phật. Chữ Tình là chỗ độ các chúng
sanh. Nghĩa là trên dùng trí mà cầu quả Phật, dưới dùng lòng bi cứu độ
chúng sanh.
2. Nghĩa “năng, sở hiệp nhứt”, gọi rằng
chữ Giác là cái quả sở cầu (bị cầu). Chữ “hữu tình” là những người năng
cầu. Nghĩa là lấy tâm của mình mà cầu ngộ lý Phật.
3. Nghĩa “lợi sanh là gấp”, gọi rằng rộng
Giác ngộ cho tất cả loài hữu tình. Nên có câu: “Chưa hay độ mình, trước lo
độ người” là nghĩa đây vậy. “Dõng mãnh cầu” là: Hàng Thinh Văn cầu về nơi
vắng lặng để an hưởng riêng phần mình, đức Phật gọi là anh chàng giải đãi.
Còn bực Ðại Sĩ (Bồ Tát) quyết chí chứng được quả Bồ Ðề, nên nói ông là
tướng đại cường tinh tấn và dõng mãnh.
“Chữ Ðại có 4 nghĩa”: Lời sớ của ngài
Thanh Lương nói:
1. Nguyện đại, vì cầu cho được quả Bồ
đề.
2. Hạnh đại, vì thành tựu được hai lợi (tự
lợi và lợi tha).
3. Thời đại, vì trải qua 3 vô số kiếp,
cũng cố gắng tu cho thành.
4. Ðức Ðại, vì đầy đủ các công đức
bực nhứt thừa.
Kinh Pháp Hoa nói sáu nghĩa đại
là:
1. Tín đại pháp (tin pháp Ðại
thừa)
2. Giải đại nghĩa (hiểu nghĩa đại
thừa)
3. Phát đại tâm (Phát tâm đại
thừa)
4. Xu đại quả (tới quả đại thừa)
5. Tu đại hạnh (tu hạnh đại
thừa)
6. Chứng đại đạo (chứng đạo đại
thừa).
Nhưng mà Tín, Giải và Phát, ba đại đây gồm
trong 1 nghĩa Nguyện Ðại thứ nhứt. Xu gồm trong nghĩa Thời đại thứ ba. Tu
gồm trong nghĩa Hạnh đại thứ hai. Chứng gồm trong nghĩa Ðức đại thứ
tư.
Trong luận Phật địa có ba nghĩa đại là: 1.
Số đại. 2. Ðức đại. 3. Nghiệp đại. Song Ðức đại thời dễ biết, còn Số
đại, tức là ý nghĩa Nguyện đại; Nghiệp đại tức là ý nghĩa Hạnh đại, cho
nên nói không ngoài 4 ý là vậy. “Lựa ra chẳng phải bực Tiểu” là như đức
Văn Thù, đức Di Lặc v.v... đều bực Ðại thừa Bồ tát ở trong địa vị Thập Ðịa
Bồ Tát, Ðẳng Giác Bồ Tát, chớ chẳng phải Bồ Tát sơ tâm ở 5 phẩm là Tín,
Trụ, Hạnh, Hướng Bồ tát.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh chơn vọng dung
thông là nghĩa Bồ tát.
Sao: Chơn tánh thời chẳng biến mà tùy
duyên tám thức, là nghĩa giác ngộ cho loài hữu tình. Vọng thức thời làm
thành các việc mà bản thể vẫn không dích mắc là nghĩa loài hữu tình có
tánh giác. Chơn và vọng chẳng lập riêng, chỉ là nhứt tâm. Thành cái tâm
đại đạo đây, gọi là Ma Ha Tát.
B.
Liệt Danh
Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, ngài A
Dật Ða Bồ Tát, ngài Càn Ðà Ha Ðề Bồ Tát, ngài Thường Tinh Tấn Bồ Tát.
Sớ: Văn Thù Sư Lợi, Tàu dịch Diệu Thủ,
cũng dịch Diệu Cát Tường, cũng dịch Diệu Ðức.
Pháp Vương tử là Phật là ngôi Pháp Vương,
Bồ tát vào ngôi chánh của Pháp, gọi là Pháp vương tử.
Lại hàng Bồ Tát bắt đầu nói ngài Văn Thù
là so nghĩa như văn trước: Với hàng Thinh Văn, Phật kêu là ông Xá Lợi
Phất.
Sao: Văn Thù Sư Lợi, cũng dịch Mạn Thù
Thất Lợi, hay là Diệu Thủ v.v... Chuẩn theo tông Hoa Nghiêm, nêu ba pháp
môn: Tín, Hạnh và Trí. Diệu Thủ là pháp môn Tín vì Tín là đầu muôn hạnh,
muôn đức. Diệu Cát Tường là pháp môn Hạnh vậy.
Luận Phật Ðịa nói: “Ðược tất cả thế gian
thân cận cúng dường và tán thán nên kêu Ngài là Diệu Cát Tường”.
Lại đức Chơn Ðế nói: “Ðối giữa kẻ oán,
người thân, ngài luôn luôn làm việc lợi ích, không làm việc tổn não, cho
nên gọi ngài là Diệu Cát Tường”. Lại khi sanh ngài có mười điềm tốt: Từ
món thứ nhất là hào quang sáng đầy nhà cho đến thứ 10 là voi mọc sáu ngà
(25) nên kêu ngài là Diệu Cát Tường. Ðó là tức "Giải" mà "Hạnh".
“Diệu đức pháp môn” là Trí vậy. Kinh nói:
“Trí là mẹ chư Phật”, là thầy đức Thích Ca đâu chẳng phải Diệu Ðức (đức
mầu nhiệm), đó là tức "Hạnh" mà "Giải".
“Vào ngôi chánh của pháp” là đức Như Lai
nương theo lý trung đạo nghĩa đệ nhứt, mà những Bồ tát vào được địa vị
đấy, gọi là nối thạnh dòng Phật, được kế vị làm Phật, cũng như đấng Ðại
Quân thể theo đức nguơn ở ngôi chánh, đã sanh thái tử, nay ở Ðông cung rồi
sẽ nối ngôi chánh (lên làm quốc chủ) nên gọi: Pháp vương tử, lại gọi là
Phật tử, ý đây cũng thế.
Phàm Bồ Tát đều là Pháp Vương Tử, sao gọi
riêng một mình ông Văn Thù? Tổ Kinh Khê nói: “Ðối trong hàng vương tử, về
đức thời nhường cho ngài Văn Thù”.
Lại các kinh cũng nói: “Vì ngài Văn Thù
thường làm bậc thượng thủ cho tất cả hàng Bồ Tát”.
Lệ như ngài Xá Lợi Phất là ông Thân Tử trí
huệ đệ nhứt, ngài Văn Thù bực đại trí độc tôn (như văn trước đã rõ). Vì
kinh này duy có bực trí mới tin lãnh nổi. Lại phân biệt mà luận thời ông
Thân Tử là bực quyền trí, ngài Văn Thù là bực thật trí.
Quyền Trí nói về sự có sanh Tịnh Ðộ; Thật
trí nói về lý không sanh Tịnh Ðộ. Kẻ độn căn từ "quyền" vào "thật". Người
lợi căn thì "quyền" "thật" đều đồng thời dung thông.
Nếu suy cho tột gốc để mà luận, kinh Bất
Tư Nghì Cảnh Giới nói: “Lại có trăm nghìn vạn ức Bồ Tát thị hiện làm thân
Thinh Văn cũng đến ở trong pháp hội, tên các vị kia là Xá Lợi Phất” v.v...
Thế thời ngài Văn Thù, ông Thân Tử, đồng một bực trí huệ thậm thâm. Càng
biết kinh này chẳng phải người thiển trí mà có thể tin nổi.
Sớ: A Dật Da, Tàu dịch Vô Năng Thắng (tức
là ngài Di Lặc Bồ Tát).
Sao: Di Lặc, Tàu dịch Từ Thị (là họ), A Dật Ða (là tên). Nói cho đủ thời
phải nói Từ Vô Năng Thắng. Do vì khi ngài ở trong thai mẹ, đã có từ tâm
cho nên lấy đó mà đặt là họ Từ. Lại về đời quá khứ, ngài gặp đức Ðại Từ
Như Lai, ngài nguyện đồng hiệu đó, liền được pháp Từ Tâm tam muội. Lại đời trước ngài làm thầy bà la môn,
hiệu Nhứt Thế Trí, tu tập hạnh Từ trong tám nghìn năm. Lại thời kỳ Phật
Phất Sa, ngài với đức Thích Ca Như Lai đồng phát tâm Bồ Ðề, thường tu tập
pháp Từ định. Lại kinh Tư Ích nói: “Chúng sanh thấy ngài liền được pháp Từ
Tâm tam muội”.
Lại kinh Bi Hoa nói: “Ngài phát nguyện ủng
hộ chúng sanh trong kiếp đao binh”. Thế là lòng từ chan chứa đương đời,
lòng bi tràn ngập đến đời sau. Vì lòng từ tột bực vượt khỏi kẻ phàm phu và
Tiểu thừa nên gọi Ngài là Vô Năng Thắng (không ai hơn).
Sớ: Lại ngài Di Lặc đã nghe kinh này, chắc
hội Long Hoa (26), ngài sẽ nói kinh này nên biết kinh này lưu thông vô
tận.
Sao: Hỏi: Sao biết chắc như thế? Ðáp: Kinh
Pháp Hoa nói: “Cổ Phật đã phóng quang ấy là vì nói kinh đây”. Nay lại Phật
cũng phóng quang ấy nên biết chắc cũng nói kinh đây thời mỗi đức Phật nào
cũng nói kinh Pháp Hoa vậy. Mà kinh này đây (kinh Di Ðà) là pháp độ sanh
cần kíp, chư Phật đồng tán thán. Chư Phật đã đồng tán thán, chắc là chư
Phật cũng đồng tuyên nói kinh này, cho nên biết kinh nầy, hội Long Hoa
chắc chắn sẽ nói, có nghi chi đâu?!
Sớ: Càn Ðà Ha Ðề, Tàu dịch là Bất Hưu
Tức.
Sao: Bất Hưu Tức nghĩa là: Tu các hạnh tốt
nhiều kiếp như số cát sông Hằng, vậy sau mới được thọ ký. Vì trải nhiều
kiếp như thế mà không hề thôi, nghỉ.
Sớ: Thường Tinh Tấn: Có hai nghĩa: 1. Ngài
Thiên Thai nói: “Vì thấy pháp tánh thường trú (còn hoài) nên tu pháp Vô
Tác và Chánh Cần”. 2. Kinh Bảo Tích nói: “Vị Bồ Tát này vì một chúng sanh
khó độ, trải vô lượng kiếp, theo dõi chẳng thôi, chúng sanh ấy cang cường
không chịu nghe lời giáo hóa, thế mà ngài chẳng có một tâm niệm buông bỏ”;
thật là tinh tấn rất tột bực.
Sao: Hai nghĩa là:
1. Tự lợi: Mình chưa sanh tâm thiện, làm
sao cho thêm lớn tâm thiện, đã sanh thiện phải khéo giữ gìn. Chưa sanh tâm
ác, ngăn ngừa đừng sanh, đã sanh tâm ác lỡ rồi, mau mau trừ diệt, gọi là
tứ chánh cần (4 việc siêng năng). Mà nói thấy tánh là Vô Tác thời rõ biết
pháp tánh vốn không phải thiện, không phải ác. Tuy nói rằng “tu thiện”,
nhưng không tu mà tu. Tuy nói rằng: “bỏ ác” nhưng không bỏ mà bỏ. Nghĩa
là: Vì một vọng niệm không sanh, tức là chơn tinh tấn.
2. Lợi tha: Vì độ nhiều chúng sanh cũng
chưa lấy làm khó; nay nói chỉ vì một chúng sanh, mới thiệt là khó. Trong
giây phút vì một chúng sanh cũng chưa lấy gì làm khó, nay nói tới vô lượng
kiếp mới thiệt là khó. Nhiều kiếp mà nhằm người dễ hóa độ cũng chưa lấy
làm khó, nay nói còn một người không chịu sự hóa độ mà không buông bỏ mới
thiệt là khó. Không buông bỏ, cũng chưa lấy gì làm khó; nay nói rằng:
Không một tâm niệm buông bỏ mới thiệt là khó. Tinh tấn như thế mãi, không
mảy may nào lui sụt, cho nên nói là “thường”.
Lại ngài Bất Hưu Tức tức là ngài Thường
Tinh Tấn; ngài Thường Tinh Tấn tức là ngài Bất Hưu Tức. Hai vị Bồ tát đây,
tuy rằng cái tên khác nhau, nhưng vẫn đồng một đức tánh.
C.
Tổng Kết
Dữ như thị đẳng chư đại Bồ Tát (Cùng các
vị đại Bồ Tát như thế nữa)
Sớ: Kết văn trên chiếu lệ bao nhiêu nữa
cũng đồng như trước. Vì chánh ngay kinh này thì tiêu biểu ba môn: Tín,
Hạnh và Nguyện, làm thành cái nhơn cõi Tịnh Ðộ.
Sao: “Ðồng như trước” là: Kết văn trên:
đức Văn Thù, đức Di Lặc v.v... “chiếu lệ bao nhiêu nữa” thời như đức Phổ
Hiền, đức Quan Âm, tất cả các hàng Bồ Tát nữa cũng như vậy.
Tín, Hạnh và Nguyện: Ngài Diệu Thủ (Văn
Thù) là tiêu biểu pháp môn: Tín. Bởi cầu sanh Tịnh Ðộ do tâm Tín làm đầu
tiên. Kinh nói: "Nhược hữu tín giả, thị dã" (phải có lòng tin mới
được).
Ngài Tinh Tấn là tiêu biểu pháp môn Nguyện
và Hạnh. Tinh là bất tạp. Tấn là bất thối. Bất tạp là: Kinh nói: “Nhứt tâm
bất loạn”. Bất thối là kinh nói: “Bất thối chuyển Bồ đề”. Ngài Bất Hưu
Tức tức là nghĩa Bất Thối.
Lại ngài Di Lặc là Từ Hạnh, ngài Càn Ðà là
Phạm Hạnh. Trong Quán kinh nói: “Từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh”. Vì
thành cái nhơn cõi Tịnh độ, thời kể bày các vị Bồ tát, không có một vị nào
mà chẳng trồng nhơn Tín, Hạnh, Nguyện.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh không chỗ nào
chẳng chiếu, ấy là nghĩa Văn Thù đại trí. Tự tánh không chỗ nào chẳng dung
tha là nghĩa Di Lặc đại trí. Tự tánh vô cùng vô tận là nghĩa ngài Bất Hưu
Tức, là Thường Tinh Tấn. Còn bao nhiêu nữa so theo đây nên biết.
Sao: “So theo đây nên biết” là: Tự tánh
quảng đại là nghĩa Phổ Hiền, tự tánh viên thông là nghĩa Quan Âm v.v...
Như văn trên, tùy nói một môn, để nêu danh hiệu các ngài. Nếu mỗi ngài đều
đủ hết, tức là danh tự lẫn thông, cho nên nói “tâm tức là danh tự” vậy
(tâm chỉ có danh tự, không có hình tướng). Hiểu như thế, tức là ở trong
một tâm chánh quán, thấy đủ tất các vị Bồ Tát. Nay chúng ta thấy phàm phu,
không thấy các vị Bồ Tát là do vì mất tâm chánh quán. Cho nên nói: “Bồ Tát
như trăng mát, thường dạo khắp hư không. Chúng sanh lòng trần sạch, bóng
Bồ Ðề hiện ở trong”.
1.
Nhơn Thiên Chúng
Cập Thích Ðề Hoàn Nhơn, Ðẳng Vô Lượng Chư
Thiên Ðại Chúng Cu (Và các trời Thích Ðề hoàn nhơn, Thiên thần nhiều đến
vô lượng đến cu hội giữa đại chúng).
Sớ: Chữ Cập là nối văn trước nói: Pháp môn
Tịnh độ này chẳng những các bực thánh dự hội mà tất cả chúng phàm phu cũng
đồng nghe nữa. Chữ Thích Ðề Hoàn Nhơn Tàu dịch Năng Thiên Chủ. Nói chữ
Ðẳng lại cũng nói “vô lượng” là vì nói chung hết tất cả các hàng chư Thiên
vậy. Nói chữ “đại chúng” là vì gồm hết tất cả các chúng sanh vậy. Chữ
“cu” là chung kết luôn các vị Bồ Tát cho đến các văn sau.
Sao: Văn trên nói chữ “tịnh chư Bồ Tát” là
một đối đãi với nhau giữa Tiểu thừa và Ðại thừa. Văn đây nói chữ “cập chư
thiên đại chúng” là một đối đãi với nhau giữa Thánh và Phàm, nghĩa là:
Thánh, Phàm đồng nghe kinh này, chớ lầm rằng: Cõi Tịnh độ là chỗ kẻ phàm
phu chẳng được nghe hay về ở!
Thích Ðề Hoàn Nhơn là: Nếu nói
cho đủ thì phải nói “Thích Ca Ðề Bà Nhơn Ðề”, Tàu dịch Thiên Chủ, rõ có 5
tên, sợ nhiều không nói.
Nhắc lại: Thời kỳ Phật Ca Diếp
nhập diệt, có một người nữ phát tâm làm tháp, lại có 32 người phụ giúp,
nay người nữ đó được làm vua trên cõi Trời Ðao Lợi, thống nhiếp cả 4
phương 32 cõi trời. Lại trong kinh A Hàm nói: Người nữ đó khi còn làm
người thật hành việc đốn thí (bố thí triệt để), nay làm đặng ông chủ, cho
nên nói là Thiên Chủ.
Chữ Ðẳng là: Luôn 32 trời bạn,
nhẫn đến còn nhiều trời dân nữa vậy. Chữ “vô lượng” là: Nói thêm cho hết,
thời gồm cả cõi trời Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, hết thảy các cõi
trời.
Song, chữ Thiên là trời, mà
tiếng “trời" có nhiều nghĩa: Trời là ngày vì ngày rất dài; Trời không buồn
rầu vì thường hưởng sự vui; Trời là đèn sáng vì chẳng có tối tăm.
Chữ “đại chúng” là: Trên chư
thiên, sắp xuống thì là người và thần A Tu La, chung hết tất cả chúng sanh
trong 6 đường vậy. Một thuyết nữa nói: Gồm văn trước, các hàng Bồ tát và
Thinh Văn, đồng kêu là ‘đại chúng’.
“Chung kết” là: Văn trước nói:
“Cùng các chúng đại Tỳ Kheo cu hội”. Văn đây chữ “Cu” là cũng nói cùng với
các vị Bồ tát, chư thiên, và đại chúng đồng “cu hội” vậy.
Hoặc có người gạn hỏi: Chúng ở
cõi trời Vô Sắc thời không tai, không thân, còn loài ngạ quỉ, địa ngục
thời rất tối, rất khổ, đâu cho dự hội mà nghe kinh này? Song chúng sanh ở
cõi trời Vô Sắc là không sắc thân thô, chớ không phải là không sắc thân
tế. Cho nên khi đức Phật, ngài nhập Niết Bàn, các người ở cõi trời Vô Sắc
rơi nước mắt như mưa. Thời có thân đến, có tai nghe cũng là vô ngại. Ðến
như các nơi địa ngục, ngạ quỉ trừ những người nghiệp nặng, hoặc ngăn cách
chẳng thông, còn như những kẻ nghiệp nhẹ chưa chắc là mất phần.
Huống lại hào quang đức Phật soi
vào đâu, dù là địa ngục hoặc thiên tử tức Diêm La Vương cũng chứng đặng
pháp Ðốn và Viên. Thế thì Phật thuyết kinh này, hào quang chiếu khắp 10
phương, đâu biết loài ngạ quỉ và địa ngục chẳng được nghe ư?!
Sớ: Xứng lý thời tự tánh thấu
trên, suốt dưới là nghĩa La Hán, Bồ Tát, chư thiên, đại chúng đồng cu hội.
Sao: Pháp này là pháp bình đẳng, không có
phân biệt cao thấp. Trên thời suốt đến chư Thánh, trên cũng được dự hội.
Dưới thời suốt đến lục phàm, dưới cũng được dự hội. Bởi cả pháp Tứ Ðế,
pháp Thập Nhị Nhơn Duyên, pháp Tứ Ðẳng, pháp Lục Ðộ, pháp Ngũ Giới, pháp
Thập Thiện và Vạn Hạnh, nhẫn đến tám vạn bốn nghìn, các cửa trần lao lăng
xăng, duy có một cái tâm này, vì ở trong tánh chơn thật không sai không
khác. Mặc dầu long, xà (rồng, rắn) hỗn tạp (lộn lạo), Phàm, Thánh giao
tham (đua chen), nhưng ở trong đó, Phật pháp vẫn trụ trì (như như) xưa sao
nay vậy (bình đẳng).