PHẦN HAI
Phần hai cũng gồm 4 chủ đề với phương pháp phát triển "quán niệm hơi
thở" ể tiến tới "tuệ quán" tức là thọ niệm xứ gồm cả định và tuệ.
Chủ đề 5
"Cảm giác hỷ, tôi hít vô
Cảm giác hỷ, tôi thở ra".
Chủ đề hành thiền này và những thiền đề tiếp theo thuộc hệ thống thiền
quán có chủ đề vì chúng liên hệ với quá trình tâm lý của những người đã
chứng đạt các bậc thiền nhờ sự tu tập trước kia.
Có hai cách diễn tả về "cảm giác hỷ" trong khi thiền sinh chứng đạt
định tâm bằng phương pháp "quán niệm hơi thở". Thứ nhất, khi thể nhập
thiền vị thứ nhất và bậc thiền thứ hai, thiền sinh cảm giác hỷ nhờ
thành tựu trong sự chứng đạt đầy đủ các thiền đề (chủ đề hành thiền).
Thứ hai, vượt lên từ hai bậc thiền đầu (I và II) mà trong ấy hỷ có mặt,
thiền sinh chú ý hỷ vốn liên hệ với các thiền vị và nhận thức rằng hỷ
là vô thường. Ngay trong lúc thông hiểu tính chất vô thường của hỷ nhờ
tuệ quán, thiền sinh cảm giác hỷ một cách không lầm lộn.
Về quán điểm này, Patisambhidà, I, 187 diển tả như sau : "Do hít vô
dài, thiền sinh chứng đạt định tâm và nhận thức rằng tâm ý đang hướng
về một điểm. Do hiểu biết và định tâm ấy mà hỷ phát khởi. Do hít vô
ngắn và thở ra ngắn… do hít vô, thở ra và cảm giác toàn thân…, an tịnh
thân hành … mà hỷ phát khởi".
Như vậy thiền sinh cảm giác hỷ và toàn thân thấm nhuần hỷ suốt quá
trình hành thiền qua những giai đoạn : quán niệm, cảm giác, minh sát,
tin tưởng, tinh tấn, chú ý, định tâm… Vì thế mà chủ đề diễn tả :
"Cảm giác hỷ, tôi hít vô
Cảm giác hỷ, tôi thở ra".
Chủ đề 6
"Cảm giác lạc, tôi hít vô
Cảm giác lạc, tôi thở ra".
Thiền đề này vốn liên hệ với ba thiền vị đầu (I, II, III) trong đó
thiền sinh cảm giác lạc phát xuất từ đối tượng của quán niệm hơi thở và
nơi sự nhận thức rõ rệt của tâm ý. Về chi tiết, chủ đề này không khác
chủ đề trên.
Chủ đề 7
"Cảm giác tâm hành, tôi hít vô
Cảm giác tâm hành, tôi thở ra".
Với thiền đề này, thiền sinh nhận thức đầy đủ tâm hành vốn liên hệ với
các thiền vị. Danh từ tâm hành ở đây áp dụng cho hai uẩn : thọ (lạc,
khổ và trung tính tưởng (nhận thức đối tượng qua 6 giác quan).
Chủ đề 8
"An tịnh tâm hành, tôi hít vô
An tịnh tâm hành, tôi thở ra".
Với thiền đề này, thiền sinh tu luyện nhằm làm cho các yếu tố tâm lý
trở nên an tịnh và tinh tế. Các yếu tố tâm lý vốn quấn chặt thọ và
tưởng, trong khi thọ và tưởng lại liên hệ hỷ, lạc. Tuy nhiên, lạc lại
hệ thuộc thọ và có khả năng ràng buộc thiền sinh trong các thiền vị và
làm trở ngại cho thiền sinh trong sự chứng đạt cao hơn. Do đó, các yếu
tố tâm lý hệ thuộc thọ là những tình cảm mà tính chất là thô kệch thấp
kém. Vì thế thiền sinh phải nhận thức tính chất của chúng là vô thường
và phát triển tuệ quán và như vậy vượt khỏi những cảm giác cảm tình vui
thích tầm thường trong các thiền vị. Vì thế chủ đề diễn tả :
"An tịnh tâm hành, tôi hít vô
An tịnh tâm hành, tôi thở ra".
Bốn thiền đề trên được phát triển trong trình tự của Thọ niệm xứ. Và vì thế chúng thuộc phần hai của Bốn niệm xứ.