Pháp môn tu tập
16 chủ đề thiền quán niệm hơi thở
30/01/2010 12:08 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục

PHẦN BỐN

Phần bốn cũng là phần chót của phương pháp quán niệm hơi thở gồm bốn chủ đề thuộc phần IV quán pháp trong Bốn niệm xứ :

Chủ đề 13

"Quán niệm vô thường, tôi hít vô
Quán niệm vô thường, tôi thở ra".

Chủ đề này liên hệ đạo lý vô thường. Vô thường là tính chất thiên nhiên của 5 uẩn, sanh diệt, và đổi thay nơi con người, cả thân thể lẫn tâm thức. Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm mỗi uẩn (sắc thân, cảm giác, nhận thức, ý chí, hiểu biết) là vô thường.

Chủ đề 14

"Quán niệm ly dục, tôi hít vô
Quán niệm ly dục, tôi thở ra".

Ly dục có hai nghĩa :
- Giải thoát mọi ràng buộc do tham đắm cuộc đời giả dối, mong manh.
- Giải thoát hoàn toàn là Niết bàn. Xa lià tham dục là điều kiện tất yếu dẫn đến giải thoát hoàn toàn. Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm ly dục với hai nghĩa trên.

Chủ đề 15

"Quán niệm khổ diệt, tôi hít vô
Quán niệm khổ diệt, tôi thở ra".

Có hai loại khổ diệt : khổ diệt giai đoạn, chỉ cho sự trừ bỏ lần lần các lậu hoặc trong những thiền cảnh khác nhau : khổ diệt vĩnh viễn chỉ cho sự tiêu diệt hoàn toàn khổ đau trong khi đạt được mục đích cuối cùng (Niết bàn). Thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm hai loại khổ diệt trên.

Chủ đề 16

"Quán niệm xả ly, tôi hít vô
Quán niệm xả ly, tôi thở ra".

Xả ly trong chủ đề cuối cùng này được áp dụng trong tuệ quán và chánh đạo với hai ý nghĩa : trừ bỏ và vượt ra.

Trong tuệ quán, theo quá trình phát triển lần lần, thiền sinh trừ bỏ những tâm ý nhiễm ô do nhận thức lầm lạc gây nên bởi chấp trước các pháp hữu vi, thiền sinh hướng tâm đến Niết bàn và do đó vượt qua những giai đoạn tu chứng thấp kém và những chấp trước vốn là những trở ngại cho sự chứng đạt Niết bàn.

Chánh đạo là con đường đưa đến nơi cao cả, vì thế cũng đưa đến sự trừ bỏ các lậu hoặc và sự hướng tâm đến Niết bàn ; xả ly trong chánh đạo là sự vượt qua tất cả những điều kiện thuộc thế gian. Như thế, xả ly có hai nghĩa : trừ bỏ và vượt qua. Tu tập chủ đề này, thiền sinh vừa hít vô thở ra vừa quán niệm xả ly với hai nghĩa trên.

Phần bốn của phương pháp quán niệm hơi thở này thuộc tuệ quán, trong khi đó ba phần trên thuộc cả định tâm lẫn tuệ quán.

Như vậy, phương pháp quán niệm hơi thở gồm 4 phần, 16 chủ đề, mỗi phần liên hệ với 1 phần trong Bốn niệm xứ, mỗi niệm xứ được khai triển trở thành một hệ thống độc lập về thiền định Phật giáo, là phương pháp tu hành chủ yếu có khả năng đưa đến giác ngộ giải thoát. Với ý nghĩa này, phương pháp quán niệm hơi thở quả là phương pháp căn bản cho giác ngộ giải thoát. Điều này được Phật minh xác trong đoạn kinh sau đây :

"Các Tỳ kheo, phương pháp thiền định và quán niệm hơi thở là cho Bốn niệm xứ được thành tựu. Khi Bốn niệm xứ phát triển thì Bảy giác chi được thành tựu. Khi Bảy giác chi được thành tựu thì giác ngộ giải thoát được thành tựu". (Mn, III, 82).

Hơn nữa, ai có tu tập phương pháp thiền định này thì biết rõ sự dừng nghỉ của những hơi thở cuối cùng như Phật nói rõ trong đoạn kinh sau đây :

"Rahula, khi quán niệm hơi thở phát triển theo cách thức này thì những hơi thở cuối cùng được biết khi chúng dừng nghỉ, chứ chúng không dừng nghỉ một cách không hay biết" (Mn, I, 425).
Điều này có nghĩa là những người tu tập phương pháp quán niệm hơi thở,lúc chết hay biết sự dừng nghỉ của hơi thở cuối cùng ; do đó, có thể chết một cách tự tại trong tư thế nằm, ngồi hoặc đi tùy theo ý muốn. Tuệ Trung Thượng sĩ chết rồi lại ngồi dậy khuyên dạy thân quyến, rửa tay, uống trà rồi lại viên tịch trong tư thế nằm một cách yên lặng ; Điều Ngự Giác Hoằng Trần Nhân Tông, sau khi dạy bảo đệ tử, viên tịch theo tư thế ngồi của sư tử ; một Đại đức ở chùa Cittalapabatta (Sri Lanka) viên tịch trong lúc đi kinh hành nơi hành lang tu viện.

Những thiền sinh tu tập phương pháp quán niệm hơi thở một cách đúng đắn chắc chắn thành tựu được nhiều lợi ích tức khắc như sức khoẻ, quân bình… dứt bỏ được các dây ràng buộc và chứng đạt bốn thiền vị căn bản để hướng đến Niết bàn giải thoát an lạc trong quả vị A la hán, và nếu muốn có thể thực hiện giác ngộ hoàn toàn, bằng cách thành tựu sung mãn Bảy giác chi, trong quả vị Phật Đà.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch