Một nhà thơ đã viết:
“Hỡi Thượng Đế, xin cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang”.
Mang số phận kẻ tha hương, một ngày nhìn lại nỗi cô
đơn trống vắng của mình, nhà thơ muốn tìm an ủi nơi Thượng Đế. Chỉ mới ý
thức mình chịu một kiếp đi hoang mà ông đã thấy đau khổ cùng cực, thì
nếu ngẫm lại lời Đức Phật dạy về thân phận con người, chúng ta có những ý
nghĩ gì?
Tất cả chúng sanh đều như gã cùng tử trong Kinh
Pháp Hoa. Cha là trưởng giả nhưng con lại lang thang làm kẻ không nhà,
chịu nhiều tai ương thống khổ. Mọi người chúng ta, ai cũng có một quê
hương thanh bình an lạc, một gia tài đồ sộ tự do sử dụng; nhưng lại quên
đi, để rồi trong vô lượng kiếp đắm chìm trong luân hồi sinh tử. Đây là
số phận đau thương của con người.
Chư Phật - Bồ tát
đã yên ổn nơi quê hương muôn thuở, nhìn chúng sanh còn lặn hụp trong
biển khổ trầm luân, nên khởi lòng đại từ đại bi, phát đại nguyện ra tay
tế độ. Chúng ta bây giờ có duyên cùng Phật pháp, được thấm nhuần ơn pháp
vũ của các Ngài, cũng nên lên đường trở về quê hương. Muốn thế, trước
tiên chúng ta phải biết rõ đường hướng, sau đó trang bị đầy đủ tư lương;
để cuộc hành trình, dù xa diệu vợi, nhưng cũng có ngày đưa chúng ta đến
đích cuối cùng.
I. NỘI DUNG VÀ
KẾT QUẢ CỦA CHÁNH NIỆM
Trong chữ Hán, Niệm ( )
gồm hai phần: trên là chữ hiện tại ( ),
dưới là chữ (tâm: lòng dạ,
tư tưởng), nguyên nghĩa là đặt tâm vào giờ phút hiện tại. Muốn
khẳng định nghĩa này người xưa thêm vào chữ chánh, tức chánh niệm, để
phân biệt với thất niệm là tâm dong ruổi theo trần cảnh ngoại duyên.
Như vậy, nội dung thứ nhất của chánh niệm là an trú
tâm vào thời điểm tại đây và bây giờ, để nhận rõ những sự vật hiện
tượng xảy ra xung quanh ta. Đây là sự thấy biết không qua phân tích, suy
luận, so sánh - là hành vi của ý thức, thấu suốt tất cả các pháp trong
tận cùng uyên nguyên của chúng. Vì không qua lăng kính phân biệt nhị
nguyên, nên sự soi sáng các pháp bằng chánh niệm là cái thấy biết như
thật, đúng ý nghĩa của “Như thị tri, như thị kiến” trong Kinh
Pháp Hoa, của “Tuệ tri” trong Kinh Niệm Xứ, của “Cái Biết”
theo chư vị Tổ Sư Thiền ngày xưa và Thiền phái Trúc Lâm ngày nay.
Nội dung thứ hai của chánh niệm, là sự dừng lại để
trở về. Con người chúng ta thường nhớ nghĩ về quá khứ và mơ mộng đến
tương lai. Dù kỷ niệm buồn đau hay vui sướng, chúng ta đều mãi nâng niu
ôm ấp nó. Chúng ta cũng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn hôm nay,
và ấp ủ hy vọng ấy như một nguồn an ủi trong cuộc sống. Tâm chúng ta
luôn luôn chạy theo những gì đã qua hoặc chưa đến mà quên mất giờ phút
hiện tại đang là, không biết rằng mảnh đất thực tại mới là nơi có thể an
trú vững chãi. Thực tập chánh niệm là dừng tâm dong ruổi lại, không
chạy đuổi theo những bóng dáng không thật ấy nữa mà xoay về chính mình.
Mục đích là nhận diện rõ những tâm hành sinh diệt, cùng những biến đổi
từ thô đến tế của các bộ phận trong cơ thể. Đây là tinh thần phản quan
tự kỷ, giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về thân và tâm mình, chỉ
là duyên sinh giả hợp, không thực có, không thường còn. Chúng ta sẽ thao
thức muốn biết đâu là con người thật xưa nay của mình, đâu là quê hương
muôn đời bí mật mà từ lâu mình quên lãng.
Dù chúng ta theo pháp môn nào, chánh niệm vẫn là
nền tảng trong việc tu hành. Trong pháp môn Tịnh Độ, tâm hành giả gắn
chặt vào Lục tự Di-Đà đến nhất tâm bất loạn; Mật tông trì câu chú đến
Tam mật tương ưng; nhà Thiền áp dụng cách miên mật theo dõi hơi thở hay
vọng niệm dấy khởi... Các pháp môn tuy có những phương tiện tu tập khác
nhau và không sử dụng cùng một từ ngữ, nhưng tựu trung đều là tinh thần
của chánh niệm. Có thể nói, chánh niệm là con đường đúng đắn để trở về
cố hương, còn thất niệm là sống kiếp cùng tử không nhà.
- Phật dạy:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
An trú trong hiện tại
Do vậy sắc thù diệu.
Nếu không truy tìm về quá khứ hay ước vọng về tương
lai, tỉnh thức và an trú trong hiện tại, chúng ta không bị trần cảnh
chi phối. Sắc diện trở nên tươi nhuận vì đời sống nội tâm sung mãn. An
lạc là kết quả đầu tiên khi thực hiện chánh niệm. Vì sao được như thế? -
Khi ý thức không phiêu lưu vào thế giới của điên đảo mộng tưởng, dừng
tâm lại để nhận định rõ thực tại, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng hạnh
phúc vì có thể thưởng thức mọi điều hay đẹp của thiên nhiên, vì hoàn
cảnh của mình còn tốt hơn bao nhiêu người khác, vì chúng ta là chủ nhân
của toàn thể vũ trụ bao la. Chúng ta sẽ rất hồn nhiên đi trong cuộc đời,
vượt lên trên tất cả mọi điều thăng trầm, vinh nhục, đắc thất. Chúng ta
sẽ thấy giải thoát là tự nhiên và có sẵn ngay trong thế giới phàm tục
này; và mọi hành động, mọi cử chỉ của chúng ta đều là những nghi lễ
thiêng liêng trong tôn giáo. Chúng ta sẽ có rất nhiều thời giờ để tu, vì
chánh niệm có thể thực hiện trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, vào
bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Nhiều người cho rằng, tu Thiền là phải làm ra vẻ
đạo mạo khác người, mọi lời nói hành động đều phải chứng tỏ cho mọi
người biết mình là thiền giả. Không cần phải giả trang tăng tướng như
thế. Có an lạc nội tâm, tự nhiên chúng ta có được phong cách bình thường
và lặng lẽ của một người đi trong dòng đời mà không bị sóng đời xô đẩy.
Bình thường không phải là tầm thường, đây là sự hồn nhiên và khéo tùy
duyên tương ưng với tự tánh. Có an lạc nội tâm, chúng ta sẽ thấy mỗi
phút giây là một viên ngọc quí. Trong đời tu, có bao nhiêu phút giây an
trú trong thực tại là chúng ta có được bấy nhiêu viên ngọc quí. Như thế,
có phải ngay trong hiện đời, chúng ta đã nhiều lần bước từng bước trên
đất thất bảo không? Những hình ảnh lung linh huyền diệu trong các kinh
điển Đại thừa như nước tám công đức, đất bảy báu, cây bằng vàng ròng...,
đã hiển hiện trong thực tế, và Tịnh Độ cũng chính là cõi Ta Bà.
Kinh Pháp Hoa kể về một kẻ cùng tử bỏ cha đi hoang,
nhưng người cha lúc nào cũng thương nhớ đứa con hư của mình. Chúng sinh
quên Phật, nhưng Phật không bao giờ bỏ chúng sinh. Chúng ta quên mất tự
tánh bản lai do chạy theo trần cảnh, sống bằng thức giác, nhưng bản tâm
thanh tịnh ấy vẫn hằng hữu nơi mỗi người. Theo trần cảnh quên bản tâm (bối giác hiệp trần) là chúng sinh, đắm chìm trong sinh
tử; nếu quay lưng với trần cảnh sống lại với bản tâm (bối
trần hiệp giác) là đồng với chư Phật. “Thủy lưu quy đại hải,
Nguyệt lạc bất ly thiên”. Nước chảy mãi, cuối cùng cũng về biển cả;
trăng dù lặn cũng không ra khỏi bầu trời. Sóng không rời khỏi biển chân
như, cũng như trăng không ra được bầu trời tự tánh; như bóng theo hình,
như vang theo tiếng. Tự tánh vốn thanh tịnh nhưng bị khách trần làm ô
nhiễm, như gương vốn trong và sáng, do bụi bặm bám đầy nên không soi tỏ
được mọi vật. Lâu nay chúng ta cứ buông lung tâm ý và nhìn sự vật bằng ý
thức phân biệt nhị nguyên, nên không thấy được sự thật tuyệt đối hằng
hữu của chính mình và của vạn pháp. Giờ đây, lắng sâu tâm thức, theo dõi
từng hành động của thân và từng chuyển biến sinh diệt nơi tâm, vào một
thời khắc nào đó, tự nhiên cánh cửa bí mật trong lòng muôn pháp sẽ mở
toang. Chúng ta sẽ thấy một cách thấu thể mọi sự mọi vật trong tận cùng
nguồn cội của chúng. Chúng ta sẽ biết rõ bộ mặt thật xưa nay của chính
mình. Nó không có hình tướng nên không bao giờ sinh diệt, lúc trải rộng
thì trùm khắp vũ trụ vô biên, khi thu lại chỉ trên đầu ngọn cỏ. Nó không
biết nhưng không có gì là chẳng biết (Bát Nhã vô tri nhi
vô bất tri).
Mọi pháp như dòng sông, trôi chảy mãi không ngừng,
nhưng chứng ngộ là chứng vào sát-na bất động. Thời điểm chứng ngộ chỉ
trong một sát-na nhưng có tính cách vĩnh hằng, nên gọi là “Một niệm
muôn năm”. Nhà Thiền có từ “Sát na tam-muội”. Tam muội là
chánh định, chánh định này cũng vĩnh viễn ở trong “sát-na-bất-động-hiện-tại”
ấy; và Chánh niệm là phương tiện thù thắng nhất để chúng ta có thể nhảy
thẳng vào rồi an thân lập mệnh nơi Sát-na bất động đó. Kinh Phổ Diệu
diễn tả sự chứng ngộ của Đức Phật khi sao Mai vừa mọc, một ngày của hơn
hai ngàn năm trăm năm trước: “Bỗng nhiên trong một niệm bừng lên, Bồ
tát phóng chiếu trí giác vào toàn thể thế gian và chứng đắc giác ngộ
tối thượng”.
II. MỘT SỐ
ĐIỀU KIỆN TRONG CÔNG PHU
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ sự quan trọng của
một cuộc sống có kỷ cương, có phép tắc, có giới luật, nhất là đối với
người xuất gia. Nếu không có kỷ luật tu hành, chúng ta khó khắc phục
được dục vọng phiền não. Bởi vì, vọng tưởng ý dục như con trâu điên, có
thể dụ dỗ, lôi kéo ta vào đường ma lối quỷ. Nhiều người muốn thực hiện
sự trở về, nhưng tập khí ngàn đời cứ đưa đẩy họ vào đường luân lạc, vì
không khéo tổ chức một cuộc sống khuôn khổ, nề nếp. Vì thế, lúc sắp nhập
Niết-bàn, Đức Phật đã dạy các vị đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy.
Trong tranh chăn trâu của nhà Thiền, giới luật cũng được tượng trưng
bằng sợi dây buộc mũi.
Một số người hiểu Thiền một cách sai lạc, cho rằng
lời dạy “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, Hồn nhiên mặc áo xiêm” hoặc “Đói
ăn mệt ngủ” của các Thiền sư có nghĩa là, Thiền chủ trương tự do
thoải mái, không cần theo phép tắc lễ nghi. Thật ra, tự do không phải là
buông lung phóng dật, muốn làm gì thì làm. Tự do không thể tách rời kỷ
cương, đạo lý - dù trong đời sống thường nhật hay trong nhà đạo. Kinh
Lăng Nghiêm nói: “Nếu không gìn giữ giới luật, dù đạt được Thiền
định, cũng rơi vào lưới ma”. Đối với các vị Tổ sư, do đã nhận ra và
hằng sống với Phật tánh của chính mình, nên cái “hồn nhiên”,
cái “tùy duyên” ấy phát xuất từ tự tánh và biểu hiện ra hành
động. Các Ngài sống một cách tự do tự tại, ngược-xuôi thuận-nghịch gì
cũng đều hợp đạo lý. Còn chúng ta, khi chưa hoàn toàn sống được với bản
tâm thì không bao giờ quên những giới luật phải gìn giữ, không bao giờ
được đồng hóa sự phóng khoáng tự tại của những bậc đã chứng ngộ với sự
phóng túng tự do của kẻ phàm phu tục tử.
Mặt khác, đạo Phật là một tôn giáo nhưng không nặng
về thần quyền, mà trả lại cho con người những giá trị vốn có; con người
là chủ nhân của vũ trụ và của chính mình. Vì vậy, đạo Phật là đạo tự
lực và có tinh thần nhân bản rất cao. Thông thường, gặp chuyện đau khổ
hay bất như ý, chúng ta hay đổ lỗi cho người khác, mà quên nhìn lại xem
mình có lỗi không. Phật dạy, từ vô lượng kiếp, do thân miệng ý của chúng
ta đã tạo biết bao nhiêu nghiệp thiện ác, rồi theo nghiệp thọ sanh, lẩn
quẩn mãi trong vòng sinh tử. Những điều gọi là may mắn hay rủi ro,
những người gọi là ân hay oán đến với mình, đều chiêu cảm từ nhân mình
đã gieo thuở trước. Có nhân, cộng thêm những duyên hỗ trợ, nhất định
phải có quả. Lý Nhân-Quả là một chân lý muôn đời, nên người hiểu đạo
luôn có tinh thần trách nhiệm và tự lực, không cầu nguyện ơn trên nào
ban phước, cũng không bao giờ đổ lỗi cho ai.
Điều kiện thứ ba, không thể thiếu trong việc tu
hành, nhất là trong công phu thiền tập, là sự nhiệt tâm tinh cần và ý
chí xung thiên. Người tu chúng ta phải luôn thao thức với nỗi hoài nghi:
“Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, đó cũng
là thực tướng của vũ trụ vạn hữu. Chúng ta làm sao thấu triệt được thực
tướng ấy?”. Luôn canh cánh bên lòng câu hỏi ấy để đêm ngày tinh tấn
tu hành, không nề khó khăn gian khổ, mới mong có ngày ta tìm được câu
trả lời. Thiền sư Linh-Vân mất 30 năm mới ngộ được tự tánh, khi thấy hoa
đào nở; Quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai, tham vấn qua 54 vị thiện
tri thức mà pháp duyên chưa hợp, đến hội Pháp Nhãn, nhờ “giọt nước
nguồn Tào” mới hoát nhiên đại ngộ; Thiền sư Huệ Lăng Trường Khánh
tới lui trong hội của Ngài Tuyết Phong đến 20 năm, ngồi rách 7 cái bồ
đoàn, đến khi cuốn rèm mới tự nhiên tỏ ngộ lý Thiền. Người xưa căn cơ
bén nhạy, tu hành thanh tịnh mà còn phải mất bao nhiêu công sức và thời
gian như thế. Chúng ta ngày nay đang trong thời mạt pháp, chịu nhiều cám
dỗ của những thú vui trần tục, quay cuồng theo nếp sống thác loạn thiên
về vật chất, thì nếu không có tâm kiên cố và trường viễn, liệu có thể
nào đặt chân đến cửa nhà Thiền?
III. ÁP DỤNG
VÀO ĐỜI SỐNG
Chánh niệm có thể áp dụng cho tất cả mọi người, ở
mọi nơi mọi lúc, khi tĩnh cũng như khi động. Trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), ngoài việc tọa thiền sẽ được đề cập
trong phần riêng, chúng ta có thể chánh niệm trên các hình tướng của
thân hoặc những vọng tưởng sinh diệt của tâm. Tất cả đều là tinh thần
của chữ BIẾT. Biết mà không phân biệt đẹp-xấu,
hay-dở, hơn-thua...; đó là cái biết bằng trực giác không qua trung gian
suy luận. Ví như tấm gương sáng, có thể phản chiếu tất cả
sự vật để trước nó, nhưng không lưu ảnh một vật nào; ánh sáng chánh
niệm cũng soi rọi vào tất cả các pháp, từ thô đến tế, từ ngoài vào
trong, rõ ràng thường biết nhưng hoàn toàn khách quan, không phân tích
so sánh.
Trong lao tác, chánh niệm là làm việc gì chỉ biết
việc ấy. Công việc ta làm trong chánh niệm sẽ kỹ lưỡng và có năng suất
rất cao. Những tai nạn lao động xảy ra trong các nhà máy thường do công
nhân không chú tâm vào việc làm, lúc thao tác trên máy móc mà tâm trí để
tận đâu đâu. Đối với những việc làm đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ, sự
tập trung cao độ, thì chánh niệm là điều kiện thiết yếu. Nếu có dịp đến
các phòng thư pháp, chúng ta có thể thấy rõ sức định tâm của người viết
dường như tuôn trào lên ngọn bút, rồi thể hiện ra trang giấy.
Đối với những cơn đau ở thân, chánh niệm được áp
dụng như thế nào? - Đau là phản ứng của cơ thể đối với một kích thích
tác hại đến từ bên ngoài hoặc bên trong, là hệ thống báo động cảnh giác
cho chúng ta biết có điều gì không ổn. Đây là phản ứng cần thiết để
chúng ta tìm cách loại trừ nguyên nhân gây đau; nhưng nếu cơn đau tăng
quá sức chịu đựng, có thể gây choáng và đe dọa mạng sống con người. Đau
là một phạm trù rất rộng lớn và đa dạng, nhưng cơ chế chung là do một
tổn thương trên cơ thể tác động vào các dây thần kinh cảm giác của những
tế bào đặc biệt thuộc hệ thần kinh, gọi là Neurone. Các Neurone này có
mặt khắp nơi trên da và các bộ phận trên cơ thể, khi bị kích thích, sẽ
truyền tín hiệu đau dọc theo dây thần kinh tủy sống đưa lên não. Hệ thần
kinh trung ương có vai trò quyết định trong tất cả các hoạt động sinh
lý, trong đó có cơn đau. Cho nên, sự lo lắng, sợ sệt quá độ sẽ làm mất
thăng bằng nơi hệ thần kinh cao cấp, làm gia tăng cảm giác đau đớn;
ngược lại, sự thư giãn, chủ động chấp nhận và nhận diện rõ tiến trình
xảy ra của cơn đau sẽ tạo ra những điểm hưng phấn mới trên vỏ não, lấn
át được các điểm hưng phấn gây đau có trước. Đây là cơ chế tác dụng của
chánh niệm đối với cơn đau.
Mặt khác, chánh niệm đến với cơn đau còn bằng hai
tác dụng mà chỉ có các thiền sinh nhiều công phu tu tập mới nhận rõ. Một
là tác dụng chuyển hóa, như ánh nắng mặt trời chiếu vào nước đá. Mặt
trời tác động thế nào lên nước đá để biến nước từ thể rắn sang thể lỏng?
- Mặt trời không làm gì cả, ánh nắng chiếu đến một cách tự nhiên, bất
bạo động, và sức nóng trong nắng đã bao trùm cục nước đá, làm nước đá từ
từ chuyển thể. Cũng vậy, chúng ta chỉ dùng ánh sáng chánh niệm soi rọi
cơn đau từ lúc bắt đầu, tồn tại rồi biến mất; Chánh niệm sẽ bao trùm,
nhận diện và cuối cùng chuyển hóa được cơn đau. Tác dụng thứ hai, đối
với người đã nhận được bản tâm thanh tịnh của chính mình, tức là “cái biết đau”, chánh niệm soi rõ cơn đau thuộc về thân,
không ảnh hưởng đến tánh Biết thường hằng. Đây là cái thấy của Ngài Trần
Thái Tông lúc bệnh. Khi Tuệ Trung Thượng Sĩ gửi thư đến hỏi thăm, Ngài
viết vào cuối trang hai câu kệ đáp lại:
Viêm viêm thử khí hãn thông thân,
Hà tằng hoán đắc nương sanh khố.
Dịch:
Hơi nóng hừng hực toát mồ hôi,
Chiếc khố mẹ sanh chưa từng ướt.
Đối với những phiền não, đau khổ tuyệt vọng ở tâm,
chánh niệm có tác dụng chuyển hóa rõ rệt. Trong đời thường, ít nhất một
lần chúng ta cảm nhận được niềm an ủi, khi đang buồn bực, đau khổ mà
được đến gần bạn thân hay người mình thương yêu, tin cậy. Người ấy không
cần nói gì, chỉ cần ngồi cạnh ta, nắm tay ta, ta đã thấy vơi đi, nguôi
đi nỗi đau tưởng chừng khó chịu đựng nổi. Chánh niệm ở đây cũng có vai
trò tương tự như thế. Điều này có vẻ khó hiểu và khó tin, nhưng nếu đã
trải qua nhiều thời gian thực tập chánh niệm, chúng ta sẽ tự kinh nghiệm
lấy. Ngoài ra, chúng ta đã từng biết, phiền não khổ đau cũng chỉ là
những tâm hành sinh diệt, những vọng tưởng hư dối. Chánh niệm trên vọng
tưởng là tinh thần của: “Quán tâm trên tâm” trong Kinh Niệm Xứ,
của “Biết vọng không theo” trong Thiền Tông Việt Nam
cuối thế kỷ 20. Biết đó là vọng, tự dưng vọng biến mất; ngay khi ấy, tâm
liền an.
Thực tập chánh niệm và quán niệm trên thân, tâm,
cảnh còn giúp chúng ta ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống
thường nhật, đặc biệt với 8 gió lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc (hưởng lợi lộc, bị hao tốn, bị miệt thị, được khen ngợi, được
tôn sùng, bị khinh rẻ, chịu khổ nhọc, được vui sướng). Bằng ánh
sáng chánh niệm thấy biết một cách “như thị”
về thân, chúng ta nhận rõ nó không có chủ tể, vì nó hoạt động, vận hành
các bộ phận ngoài ý muốn của ta; nó là duyên sinh vì do nhiều tế bào
hợp lại mà thành; nó luôn biến đổi trong từng giây phút. Do vậy, nó là
Vô ngã. Ngã không có thật thì những sở hữu của Ngã (Ngã sở)
càng không thật. Từ đó, những vọng chấp đắm luyến về thân-tâm-cảnh đều
không còn. Ngay cả trong phút giây cận kề cái chết, chúng ta vẫn thấy an
định, tỉnh táo, không tham đắm lưu luyến bất cứ thứ gì trên đời. Đây là
tiền đề của sự giải thoát sanh tử.
Như vậy, chúng ta thấy rõ, bất cứ ở đâu và lúc nào,
chúng ta cũng thực hiện được chánh niệm. Cách công phu này không hạn
cuộc cho đối tượng xuất gia hay tại gia; không phân biệt giới tính,
trình độ học vấn và địa vị xã hội; cũng không nhất định phải theo thời
khóa, tình hình sức khỏe hoặc công việc hằng ngày. Kết quả công phu cũng
không lệ thuộc thời gian lâu hay mau mà tùy vào hiệu quả khi dụng công.
Một người tu suốt đời mà luôn thất niệm thì không bằng người chỉ tu vài
năm mà thực tập chánh niệm tinh cần. Trong Kinh Niệm Xứ, Đức Phật hạn
định thời gian đạt được Thánh quả cho những hành giả thực hiện chánh
niệm và quán niệm trên bốn lĩnh vực Thân-Thọ-Tâm-Pháp, dài nhất là 7 năm
nhưng ngắn nhất chỉ có 7 ngày. Hai mốc thời gian cách nhau quá xa,
chứng tỏ thời gian ấy chỉ có tính cách ước lệ, và tùy thuộc từng người.
Nếu chúng ta có nhiệt tâm tu hành, đầy đủ tri kiến như thật, nắm vững
pháp tu và ứng dụng có kết quả, thì chỉ cần một thời gian ngắn là thấy
cuộc đời mình đã biến chuyển, thăng hoa. Còn nếu không nhiệt thành với
đạo, tu hành giải đãi, lúc tiến lúc lùi, thì biết đến bao giờ chúng ta
mới xong được việc lớn?
Quê hương ta không ở một nơi nào xa xôi, cũng không
xuất hiện vào một ngày mai vô định. Chúng ta không thể dùng ý thức để
tưởng tượng, để nắm bắt, vì quê hương ấy không ở ngoài bản thân ta,
không phải là đối tượng nhận thức của ta. Đó chính là con người thật
muôn thuở của mình. Chỉ cần dừng lại bước chân chạy đuổi về tương lai
hay truy tìm về quá khứ, nhận chân được thực tại vĩnh hằng chúng ta đã
an ổn trên đất quê hương. Thiền sư Huyền Giác nói:
Bất ly đương xứ thường trạm nhiên
Mích tức tri quân bất khả kiến.
Trúc Thiên dịch:
Tìm kiếm đã hay không thấy được
Mà luôn trước mắt vẫn thường nhiên.
Không lìa chỗ ấy mà thường lặng lẽ; nếu cất công
tìm kiếm thì không thể nào thấy được. Nhưng nếu không có công phu đi “tìm” thì cũng chẳng xong. Đây là
một điều rất khó khăn và bí hiểm mà mỗi người chúng ta phải khéo thầm
nhận lấy!