Trong tinh thần của quyển sách này, chúng tôi chú
trọng trình bày những nguyên tắc căn bản về công phu thiền tập, để các
thiền sinh có những bước đầu vững chắc trên đường tu. Những chi tiết về
tọa thiền nói riêng và thiền tập trong mọi lĩnh vực nói chung, sẽ được
đề cập đến một cách cụ thể trong một quyển sách khác[1].
Nguyên tắc chung khi tọa thiền là dùng chánh niệm
làm căn bản. Từ lúc thực hiện các nghi thức lễ Phật, sau đó chuẩn bị
nhập thiền… cho đến khi xả thiền, chúng ta đều đặt tâm ngay thời điểm
hiện tại. Thường chúng ta có thái độ vội vàng khi chuẩn bị, xem lúc tọa
thiền mới là lúc tu, mà không hiểu rằng, những hành động sửa soạn cho
những giờ ngồi thiền cũng là những nghi lễ thiêng liêng không kém. Cho
nên, trong lúc động dụng nói năng, nếu chúng ta có chánh niệm, thì khi
tọa thiền chúng ta càng dễ đạt được kết quả tốt.
Thời khóa công phu không cố định, tùy thuộc hoàn
cảnh gia đình và sức khỏe của mỗi thiền sinh. Nói chung, cần sắp xếp giờ
tọa thiền vào lúc chúng ta rảnh việc, trong nhà tương đối yên tĩnh, lại
không quá khuya. Cũng không nên tọa thiền ngay sau khi ăn no, vì ảnh
hưởng đến tiêu hóa và dễ bị hôn trầm. Tại các thiền viện thuộc Thiền
phái Trúc Lâm, mỗi ngày tọa thiền 2-3 lần, mỗi lần 1-2 giờ. Quý vị cư sĩ
vì bận bịu gia duyên, số giờ và số lần tọa thiền có thể ít hơn, nhưng
tối thiểu cũng phải một lần mỗi ngày.
Chướng ngại trong công phu tọa thiền, đáng kể nhất
là hôn trầm và trạo cử. Đối với hôn trầm, ngoài lý do ăn uống nói trên
và sức khỏe (thiếu ngủ, quá mệt mỏi do công việc, đau
ốm...), còn do chúng ta chưa nắm vững phương pháp tọa thiền. Một số
thiền sinh, bình thường không buồn ngủ, thậm chí khi nằm trên giường
cũng trằn trọc không ngủ được, nhưng chỉ ngồi thiền một lát là rơi vào
vô ký hay hôn trầm. Chúng ta thường gọi là “bị ma ngủ tấn công”.
Lúc ấy, nên mở mắt lớn ra và thở mạnh vài hơi, rồi chỉnh thân lại ngay
ngắn, tiếp tục tọa thiền. Nếu vẫn còn buồn ngủ, nên đứng dậy đi thiền
hành vài vòng hoặc ra rửa mặt cho tỉnh táo. Luôn luôn có quyết tâm,
không chịu thua “con ma ngủ”, như thế một thời gian sẽ khắc
phục được chướng ngại này.
Trạo cử gồm khẩu trạo, thân trạo, ý trạo. Khẩu trạo
là miệng nói liên tục không ngừng, thân trạo là đứng ngồi không yên, ý trạo là tâm nghĩ ngợi
lung tung, hết chuyện này đến chuyện khác. Khi tọa thiền thì miệng
không nói nên không có khẩu trạo, nhưng còn thân và ý thì cần phải công
phu. Thân có yên thì tâm mới an định. Mọi cảm giác đau tê ở chân tay,
nóng bức ngứa ngáy hay khó chịu ở thân... là những khổ thọ. Chánh niệm
trên các khổ thọ ấy mà không tìm cách tránh né hay đè bẹp nó, một thời
gian các khổ thọ sẽ được chuyển hóa. Lúc tâm an định, chúng ta thấy thời
gian qua rất nhanh, các cảm giác khó chịu ở thân sẽ không còn nữa,
chứng tỏ có sự liên hệ chặt chẽ giữa thân và tâm. Điều này giải thích
tại sao nhiều vị Thiền sư đạt định sâu, những nhu cầu bình thường của cơ
thể như ăn ngủ, bài tiết... đều giảm hay mất, nên có thể tọa thiền liên
tục vài ngày đến vài mươi ngày.
I. NHẬP THIỀN
1. Chuẩn bị
phương tiện
a) Trang phục: Trang phục
cần rộng rãi, thoáng mát, thoải mái. Nếu tọa thiền trong chánh điện, tu
sĩ mặc áo dài, cư sĩ nên có áo tràng lam để giữ sự trang nghiêm. Ở nơi
lạnh, nên mặc đủ ấm. Nếu trời quá nóng bức, có thể dùng quạt nhưng tránh
để gió thổi từ sau lưng ót dễ làm nhiễm cảm.
b) Nơi chốn: Nếu có điều
kiện, nên có một nơi tọa thiền riêng biệt để tránh bớt ngoại duyên.
Trong thiền phòng, thiết kế một bàn thờ Phật đơn giản nhưng trang
nghiêm; không nên bài trí nhiều tranh tượng rườm rà. Nếu không có nơi
riêng biệt, chúng ta có thể chọn cho mình một chỗ ngồi vào giờ nào đó
trong ngày, sao cho thích hợp hơn cả. Về ánh sáng, không nên để đèn quá
nhiều vì dễ sanh loạn tưởng, cũng không quá tối vì dễ gây hôn trầm.
c) Dụng cụ tọa thiền, gồm có:
- Một tọa cụ vuông, mỗi cạnh độ
0,6m, trải phía dưới, dùng để lót chân và hai gối khỏi bị đau và lạnh.
Có thể lấy vải hay chăn mền xếp gọn lại để thay thế, nếu không có tọa
cụ.
- Một bồ đoàn tròn, đường kính
độ 0,2m, bề cao tùy vóc dáng từng người mà thay đổi cho thích hợp. Bồ
đoàn không nên mềm quá hay cứng quá. Dùng để kê mông hơi cao cho cột
sống lưng được thẳng.
- Một khăn lông hay gối nhỏ để chêm dưới bàn tay, nếu lòng bàn chân quá
lõm. Mục đích để hai bàn tay ở vào vị trí thích hợp cho hai vai được
ngang bằng nhau.
Có người chủ trương, ngày xưa đức Phật chỉ dùng cỏ
trải làm tọa cụ chứ không có bồ đoàn, nên bây giờ chúng ta cũng nên theo
đúng như thế. Thật ra, dụng cụ chỉ là phương tiện hỗ trợ cho tư thế,
làm sao cho chúng ta ngồi đúng phương pháp để công phu trong thời gian
dài mà không bị chướng ngại hoặc bệnh hoạn sau này. Dụng cụ phải thích
hợp với cấu tạo cơ thể của từng người, không nên cứng nhắc theo một
khuôn mẫu nhất định.
2. Tư thế tọa
thiền
Có nhiều tư thế, chúng ta có thể lựa chọn sao cho
thích hợp với tuổi tác, sức khỏe và vóc dáng của mình.
a) Kiết già: Còn gọi là
Toàn già hay tư thế Hoa sen. Đây là tư thế ưu thắng nhất vì khí huyết dễ
lưu thông, thân vững vàng do có ba điểm tựa (xương
cùng-cụt và hai đầu gối), nên có thể ngồi lâu được. Thuận chân nào
thì gác chân ấy lên trước, nhưng thống nhất thì chân trái gác lên đùi
phải, sau đó chân phải gác lên đùi trái. Tư thế này phù hợp với người
trẻ, chân dài, các khớp linh động.
b) Bán già: Gác chân này
lên đùi chân kia, tùy bên nào thuận hơn. Chân trái đặt lên trên, gọi là
tư thế Hàng ma; chân phải ở trên là tư thế Kiết tường. Tư thế này phù
hợp với người mập, chân ngắn, hoặc tập tọa thiền khi đã lớn tuổi nên
xương khớp không còn linh hoạt như lúc trẻ.
c) Các tư thế khác: Đối với
người có bệnh ở xương khớp, có thể ngồi xếp bằng bình thường hoặc theo
kiểu Miến Điện (xếp bằng nhưng hai bàn chân đều đặt trên
tọa cụ). Cũng có thể ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt sát mặt đất,
xương sống thẳng, không tựa vào lưng ghế. Người Nhật Bản có một tư thế
đặc biệt là ngồi trên hai gót chân. Chúng ta không quen thì thấy mỏi
nhanh và đau, nhưng nếu quen cũng có thể ngồi được lâu và vững.
3. Cách nhập
thiền
a) Điều thân: Ngồi lên bồ
đoàn, sao cho xương cùng đặt ngay giữa bồ đoàn. Nghiêng người qua lại
vài lần rồi ngồi theo tư thế tọa thiền thích hợp. Cởi nút áo cổ, nới dây
thắt lưng. Chỉnh các nếp áo quần để khỏi cấn chân. Xếp các vạt áo ngay
ngắn.
Bàn tay phải để trên bàn tay trái, kê gối nhỏ dưới
bàn tay nếu lòng bàn chân quá trũng. Hai đầu ngón tay cái chạm nhẹ vào
nhau. Hai bàn tay đặt lên lòng bàn chân sao cho đầu ngón tay cái nằm
ngay chiều rốn. Hai cánh tay không khuỳnh ra cũng không ép sát quá,
khuỷu tay vừa chạm vào hông là được.
Thân cúi xuống ngẩng lên 3 lần, lúc đầu mạnh sau
nhẹ dần. Chỉnh thân theo các tiêu chuẩn sau đây:
- Lưng thẳng vừa phải, không ưỡn ngực cũng không
cong lưng. Ưỡn quá sẽ tức ngực, quá cúi sẽ dễ sinh hôn trầm và hơi thở
không được thông suốt. Tốt nhất là ngồi một cách tự nhiên thoải mái.
- Chóp mũi hướng ngay rốn và hai đầu ngón tay cái.
Hai trái tai đối chiếu thẳng xuống vai. Các mốc này giúp đầu không bị
nghiêng, không quá cúi hoặc quá ngẩng lên.
- Mắt khép độ 2/3, tầm nhìn không quá 0,6 - 1m từ
hai chân. Mắt nhắm hay mở cũng có thể thay đổi tùy người và tùy lúc.
Người hay loạn tưởng, hoặc trong phòng ánh sáng hơi chói, bị mỏi hay xốn
ở mắt, có thể nhắm mắt lại. Nếu dễ vô ký, hôn trầm, nên mở mắt lớn hơn.
- Gương mặt tươi, bình thản.
b) Điều tức: Thở 3 hơi
dài, lúc đầu mạnh sau nhẹ dần. Hít vào bằng mũi, tưởng rằng:
“Không khí trong sạch theo hơi thở tỏa lan khắp
châu thân”.
Thở ra bằng miệng, tưởng rằng:
“Bao nhiêu phiền não, cấu uế, bệnh hoạn đều
theo hơi thở ra ngoài”.
Sau đó, ngậm miệng lại, lưỡi để tự nhiên. Từ đây về
sau chỉ hít thở bình thường bằng mũi.
II. TRỤ THIỀN
Đối với người sơ cơ, nên lần lượt công phu theo 3
phương pháp, xem như ba giai đoạn tu tập: Sổ tức, Tùy tức và Tri vọng.
Khi phương pháp này được thực hiện thuần thục, chúng ta mới chuyển sang
phương pháp khác. Không nên nóng vội mà đốt giai đoạn, hoặc tự cho mình
có căn cơ đặc biệt nên xem thường những giai đoạn đầu tiên. Chúng ta nên
nhớ, những phương pháp Sổ tức và Tùy tức, tuy mới nhìn tưởng là đơn
giản, nhưng thật sự là căn bản cho toàn bộ quá trình tu tập của chúng
ta. Nếu xây nhà mà không có nền móng vững chắc, ngôi nhà không thể bền
vững cùng năm tháng, và càng xây cao bao nhiêu thì càng dễ sụp đổ bấy
nhiêu.
1. Sổ tức:
Đây là phương pháp đếm hơi thở, có 2 cách:
- Nhặt: Hít vào đếm 1, thở ra đếm 2, hít vào đếm
3... lần lượt đến 10 rồi trở lại từ 1.
- Khoan: Hít vào và thở ra đếm 1... lần lượt đến 10
rồi trở lại từ 1.
Nếu trong lúc đếm mà quên hay lầm số, phải đếm trở
lại từ 1. Khi đã đếm thuần thục không lầm, mới chuyển qua giai đoạn kế
tiếp.
2. Tùy tức:
Tùy tức là theo dõi hơi thở: Thở vào ta biết mình
đang thở vào, thở ra biết mình thở ra; thở vào ngắn biết thở vào ngắn,
thở ra ngắn biết thở ra ngắn; thở vào dài biết thở vào dài, thở ra dài
biết thở ra dài. Luôn luôn chúng ta ý thức rõ mình đang thở, hơi thở thế
nào biết như thế đó, không bắt buộc hơi thở phải theo ý mình. Trong khi
theo dõi hơi thở, ta dễ trực nhận mạng sống rất mong manh, chỉ có trong
hơi thở; nếu thở ra không hít vào là không còn tồn tại. Khi thân đã mất
thì những tư tưởng tình cảm hiện khởi cũng không còn. Quán sâu xa,
chúng ta sẽ thấy rõ lý vô thường của thân và tâm. Từ đó hiểu một cách
sâu sắc, vô thường là chân lý tuyệt đối đúng cho mọi nơi mọi lúc, từ cá
nhân cho đến toàn thể vũ trụ.
Chánh niệm trên hơi thở, công phu của chúng ta sẽ
tiến triển theo 3 trình tự: Lúc đầu, có sự
liên hệ giữa tâm và hơi thở, vì tâm luôn luôn duyên theo hơi thở không
rời. Sau đó, hơi thở trở thành gạch nối giữa
thân và tâm, chúng ta cảm giác được sự tươi mát sảng khoái lan tỏa toàn
thân. Cuối cùng, là trạng thái an định, có sự
hợp nhất giữa thân và tâm. Lúc này, hơi thở rất nhẹ, như có như không,
nghĩa là thở theo “tức tướng”.
Khi Tùy tức thuần thục, chúng ta bước sang giai
đoạn Tri vọng. Tuy nhiên, không phải khi qua giai đoạn này là bỏ luôn
Tùy tức. Phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng bất cứ lúc nào,
nhất là khi vọng tưởng lẫy lừng, hết lớp này nổi lên lớp khác, hoặc lúc
chúng ta có nhiều việc phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, khiến tọa
thiền mà tâm vẫn bất an. Lúc ấy, áp dụng phương pháp Tùy tức sẽ có kết
quả tốt.
3. Tri vọng:
Con người thường cho rằng những tình cảm, ý nghĩ
chợt biến chợt hiện trong đầu là tâm của mình. Do chấp tâm ấy là thật
nên ai nói hay làm trái ý, chúng ta liền nổi sân hận. Vì thế, phiền não
cứ còn mãi không thôi. Bây giờ, nhờ quán chiếu thấy rõ thân tâm này chỉ
do duyên sinh chứ không thật có, không phải là mình, chúng ta đã tiến
được một bước trên đường đạo.
Khi được Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma nhận làm đệ tử, Ngài Thần
Quang một hôm thưa cùng Tổ:
- Tâm con không an, xin Hòa thượng dạy cho con phép
an tâm.
Tổ bảo:
- Đem tâm ra, ta an cho.
Ngài Thần Quang sửng sốt, nhưng lời Tổ dạy, đâu dám
không vâng theo. Ngài lục tìm tâm giây lâu không thấy, bèn thật thà
thưa:
- Con tìm tâm không được.
Tổ liền nói:
- Ta đã an tâm cho ngươi rồi!
Ngay đây, Ngài Thần Quang liền ngộ. Rõ ràng, phương
pháp an tâm chỉ đơn giản là nhìn lại chính mình, xem những ý tưởng lăng
xăng mà mình cho là “tâm” đó, phát xuất từ đâu và đi
về nơi nào. Nhìn thẳng nó, nó liền mất. Do vậy, tâm được an. Tựu trung,
chỉ cần biết cái gọi là “tâm” chỉ là vọng
tưởng hư dối, không lầm theo nó. Chúng ta không có ý đè nén, dẹp trừ
vọng, mà chỉ thắp sáng chánh niệm lên vọng tưởng. Chúng ta cũng không có
ý buông vọng, vì ý niệm “buông” đã là một động tác
của tâm. Đây là một điều khá tế nhị, chúng ta cần phân biệt rõ để khỏi
lầm lẫn trong công phu, giữa “Biết vọng không theo” và “Biết
vọng liền buông”. Thực ra “không theo” là một hành vi của
ý thức, nhưng không có chủ ý, chỉ biết nó là vọng mà không tác ý gì
trên nó. Ngược lại, “Buông” là một hành vi cụ thể, có tác ý, có
đối tượng rõ ràng, nên ý niệm “Buông” lại là một vọng tưởng
nữa, dù vi tế hơn.
Lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng là một căn bản thứ hai
cho phương pháp Tri vọng. Nhiều thiền sinh tự hỏi: “Cứ mãi miết thực
hành pháp Biết vọng không theo, rồi khi vọng hết, mình còn cái gì?”.
Câu chuyện sau đây là câu trả lời minh bạch:
Khi tăng chúng biết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã truyền y
bát cho cư sĩ Huệ Năng, liền đuổi theo để dành lại. Thượng tọa Huệ Minh
theo kịp, thấy y bát để trên bàn thạch, dùng sức cầm lên vẫn không nhúc
nhích, biết có điều huyền diệu bên trong, nên thỉnh Ngài ra nói pháp.
Ngài từ trong lùm cây bước ra, bảo:
- Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên
chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói.
Huệ Minh im lặng giây lâu. Lục Tổ bảo:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái
gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Huệ Minh ngay câu nói đó liền ngộ.
Câu chuyện này cho thấy, nếu tâm không còn kẹt hai
bên (thiện-ác, đúng-sai, hay-dở...), mọi vọng niệm dứt
sạch, hoàn toàn rỗng rang lặng lẽ, lúc ấy mình còn lại gì? - Lúc ấy,
vẫn còn cái hằng biết, biết nhưng không phân biệt chia chẻ. Nhận ra được
điều này, chúng ta bắt đầu chợt cảm nhận về một cái gì đó rất gần nhưng
cũng rất xa, một điều rất bí mật nhưng cũng khá rõ ràng. Tùy phước
duyên và tùy sự tinh tấn của mỗi người mà lời giải đáp đến nhanh hay
chậm.
Phương pháp Tri vọng có thể chia ra 2 cấp độ, từ
thấp đến cao: Pháp biết vọng và Tánh biết vọng.
a) Pháp biết vọng: Khởi đầu,
chúng ta áp dụng Tùy tức để tâm bớt loạn động. Sau đó, chúng ta nhận
diện các vọng niệm. Khi vọng khởi lên liền biết, không theo nó, tự nhiên
nó biến mất; vọng lặng thì tâm thanh tịnh. Cứ tiếp tục như thế, vọng
thưa dần và im bặt.
Thực hành pháp này, chúng ta còn phân biệt năng và
sở: Vọng là sở, người biết vọng là năng. Đây là pháp môn đối trị, còn
trong tương đối, nhưng rất cần thiết cho những hành giả còn đang điều
phục tâm. Có điều chúng ta nên lưu ý: Thường thì chúng ta chỉ ý thức
trên “cái vọng”, nên khi vọng
khởi liền biết; nhưng không có ý thức trên “cái
không vọng”. Vì thế, chỉ lom lom nhìn từng vọng khởi lên để
điểm mặt, như người đấu sĩ trên đấu trường, cứ chờ địch thủ tấn công
chiêu nào thì đỡ chiêu nấy rồi thôi, mà không biết phản công lại để dành
ưu thế. Như vậy thì biết đến bao giờ mới kết thúc được trận đấu? Nói rõ
hơn, chúng ta chỉ biết đợi có vọng, không theo nó, vọng biến mất rồi
được an, nghĩa là chỉ có định. Chúng ta không biết an lập ngay cái định
để có trí huệ. Lúc không còn vọng niệm, mọi sự vật hiện tượng xảy ra
xung quanh, ta đều biết. Biết nhưng không có ý niệm lưỡng phân, nên cái
biết ấy không phải là ý thức mà là trí tuệ, đây là cái biết của trực
giác. Lúc có sự chiếu soi của trí tuệ, chúng ta phải khéo léo hội nhập
vào đó. Tâm an định tức sinh trí huệ - mới nghe tưởng là Định và Huệ
riêng rẻ, nhưng thực sự không hai, tức Định tức Huệ. Đây là tinh thần “An
tâm tại vọng tình, Định Huệ đồng thời” của Lục Tổ.
Một vấn đề khác, lúc làm việc nói năng, ta thường
thấy ít có vọng tưởng. Nhưng khi tọa thiền, vọng tưởng lăng xăng sinh
diệt không ngừng. Thật ra, do lúc tọa thiền, các duyên bên ngoài tạm
cắt, chúng ta tỉnh giác theo dõi những tâm hành sinh diệt, nên nhận rõ
từng vọng niệm dấy khởi. Nói khác đi, do niệm khởi lên trong vùng ánh
sáng của chánh niệm, nên tất cả niệm đều hiện bày rõ ràng. Sức tỉnh giác
càng mạnh, mọi ngõ ngách sâu kín của tâm thức càng lộ rõ.
b) Tánh biết vọng: Khi công phu
tăng tiến, một lúc nào đó chúng ta nảy ra một mối nghi: Vọng là đối
tượng nhận thức, cái hay biết vọng là chủ thể nhận thức; cả hai đồng
thời có mặt khi vọng dấy khởi. Lúc không có vọng, ta ở trong trạng thái
lặng lẽ, trạng thái này cũng là một đối tượng nhận thức. Như vậy, vọng
và không vọng là hai trạng thái thay đổi luân phiên nhau; còn cái chủ
thể nhận thức tức cái biết có vọng và không vọng ấy, thực chất là gì?
Cái biết này luôn luôn hiện hữu, không sinh không diệt. Ví như sóng
biển, có lúc chìm lúc nổi, lúc to lúc nhỏ, lúc trong lúc đục, nhưng mặt
biển vẫn thênh thang và hằng hữu. Ngoài ra, sóng và biển đều cùng bản
chất là nước; muốn tìm nước, cứ ngay sóng mà tìm chứ không đợi sóng lặng
mới có nước. Sóng biển như vọng tâm, nước biển dụ cho chơn tâm. Vọng và
chơn chỉ là hai mặt của một thực thể, do có vọng mới lập bày ra chơn,
thật sự chúng không hai không khác. Đây là liễu vọng. Biết được bản chất
thật sự của vọng, chúng ta không cần đè nén, dẹp trừ vọng mà ngay vọng
nhận được chơn. Không còn phiền não để loại trừ, không có Bồ đề để chứng
đắc. Tức vọng tức chơn, phiền não tức Bồ đề, đúng tinh thần Bất nhị của
Đại Thừa Phật giáo.
Thiền tông chủ trương “Kiến tánh thành Phật”;
nhưng vì căn cơ chúng sinh phần nhiều thấp kém, nên lại lập bày phương
tiện “tiệm tu”. Vì thế, các vị Tổ sư đã chỉ rõ từng cấp độ tiến
triển của tâm, như các hình ảnh tượng trưng trong mười bức tranh chăn
trâu. Trâu chỉ cho tánh giác hằng hữu nơi mỗi người, bản chất là trâu
trắng, nhưng do thức tình vọng tưởng phủ che bao nhiêu đời kiếp, nên
mang toàn một màu đen, lại ngang ngạnh chạy ngược chạy xuôi, ăn lúa mạ
của ruộng người (chạy theo sáu trần tạo nghiệp). Muốn
điều phục trâu, phải dùng dây vàm là giới luật, roi vọt chăn giữ là cái
biết vọng; luôn luôn chăm chăm nhìn, theo dõi từng vọng niệm dấy khởi mà
không chạy theo nó, đó là chăn trâu. Công phu chăn và thuần hóa con
trâu ngông cuồng thật gian nan, khó nhọc và đòi hỏi sự kiên trì, siêng
năng, giống như người đã nhận ra tánh giác nhưng còn phải dày công bảo
nhậm, cho tự tánh luôn hiển bày, thanh tịnh. Thường xuyên tỉnh giác, bào
mòn tập khí như thế, một ngày nào đó tâm sẽ thanh tịnh rỗng rang, lúc
cần khởi niệm thì đó là dụng của tự tánh, lúc bình thường lại trở về với
thể tánh chân thường. Mọi việc làm của chúng ta tự nhiên khế hợp với tự
tánh, dụng công mà không dụng nên hằng dụng, chính là Vô công dụng hạnh
của các Bậc Bồ tát. Thiền sư Vĩnh-Gia Huyền-Giác nói:
“Khéo khéo lúc dụng tâm
Khéo khéo không tâm dụng
Không tâm khéo khéo dụng
Thường dụng khéo khéo không.”
Vì không có tâm dụng nên không có năng dụng và sở
dụng, nhưng không dung túng vọng tưởng nên hàng ngày vẫn khéo khéo dụng
công. Dù thường ngày dụng công nhưng không chủ ý khởi vọng niệm, không
trừ vọng tâm, cũng không tâm phân biệt người dụng và đối tượng dụng, nên
vẫn khéo khéo không. Đây là điều rất sâu xa khó hiểu, không thể dùng ý
thức để đo lường, mà phải tự mình đặt chân đến đoạn-đường-tâm ấy mới
thầm hội được.
III. XẢ THIỀN
Xả thiền theo thứ tự ngược lại với lúc nhập thiền:
Trước nhất là xả tâm, kế đến là xả hơi thở, sau đó là xả thân. Mọi động
tác đều phải từ tốn, nhẹ nhàng, tâm vẫn bám chặt vào từng động tác. Cần
tránh những cử chỉ thô tháo, vì tuy gọi là giai đoạn xả thiền, nhưng
thực chất ta vẫn luôn có chánh niệm trong mọi thời điểm, nghĩa là đang
thiền tập trong tư thế động. Thời gian xả thiền mất khoảng 10-15 phút,
tùy theo chúng ta tọa thiền lâu hay mau. Các động tác xoa bóp thân thể
rất quan trọng và cần thiết để máu huyết lưu thông tốt, ngừa một số bệnh
thấp khớp và thần kinh ngoại biên, hoặc có thể làm giảm đau các khớp đã
bị bệnh sẵn.
Sau đây là trình tự trong giai đoạn xả thiền:
a) Xả tâm: Đọc thầm bài
kệ hồi hướng:
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo.
b) Xả hơi thở: Thở 3 lần từ
nhẹ đến mạnh (ngược với lúc nhập thiền), hít vào bằng
mũi và thở ra bằng miệng.
Lúc hít vào, tưởng rằng “Máu huyết theo hơi thở
lưu thông khắp châu thân”.
Thở ra, tưởng rằng “Bao nhiêu phiền não, cấu
uế, bệnh hoạn đều theo hơi thở ra ngoài”.
c) Xả thân: Lần lượt làm
các động tác sau:
- Chuyển động hai bả vai, mỗi bên 5 lần, luân phiên
nhau.
- Đầu cúi xuống ngước lên 5 lần, xoay qua trái qua
phải 5 lần, rồi cúi xuống ngước lên một lần nữa cho quân bình.
- Co duỗi các ngón tay 5 lần.
- Chuyển thân từ nhẹ đến mạnh 5 lần, lần cuối úp
hai bàn tay lên đầu gối, ấn mạnh xuống.
- Chà xát hai bàn tay vào nhau cho ấm lên, bắt đầu
xoa mặt, tai, gáy và cổ, mỗi nơi 20 lần. Sau đó, dùng mười đầu ngón tay
cào nhẹ trên đầu, từ trước ra sau 5 lần.
- Dùng bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay trái
và bàn tay trái xoa từ nách xuống hông phải, làm đồng thời như vậy trong
5 lần. Kế đến, đổi tay làm ngược lại trong 5 lần.
- Lòng bàn tay phải đặt lên ngực, lưng bàn tay trái
đặt nơi lưng; hai tay đồng thời xoa theo chiều ngang ở 3 vị trí: Thượng
tiêu (trước ngực), Trung tiêu (giữa ngực
và bụng, tức vùng thượng vị), Hạ tiêu (vùng bụng
dưới); mỗi nơi 5 lần.
- Hai bàn tay chà xát mạnh ở vùng thận, thắt lưng,
mông và dọc theo đùi đến đầu gối. Tùy theo sự đau tê nhiều hay ít mà xoa
bóp lâu hay mau. Động tác này có thể giúp phòng chống chứng đau dây
thần kinh hông (lâu nay gọi nhầm là thần kinh tọa).
- Chà xát hai bàn tay vào nhau cho nóng rồi áp lên
mắt. Có thể chà hai ngón tay giữa hoặc các lớp cơ dưới những ngón tay (nơi thịt gồ lên). Nơi lớp cơ dưới ngón tay út (đối diện với lớp cơ dưới ngón tay cái) là dễ nóng và đặt
vào mắt thuận tiện nhất. Làm như vậy 5 lần.
- Bắt đầu xoa bóp hai chân, lúc này chúng ta vẫn
còn ngồi trên bồ đoàn. Tay nắm các đầu
ngón chân kéo xả chân để bàn chân đặt xuống tọa cụ. Xoa bóp kỹ hai chân
và lòng bàn chân cho đến khi bớt đau tê mới duỗi thẳng hai chân ra. Cúi
người xuống, hai cánh tay duỗi thẳng, sao cho các ngón tay chạm vào đầu
ngón chân. Cúi xuống ngẩng lên 3 lần.
- Cuối cùng, bỏ bồ đoàn ra, tiếp tục xoa bóp những
chỗ còn đau tê, hoặc những vùng thường ngày mình bị đau nếu có.
Sau khi xả thiền, nếu cùng cộng tu trong thiền
đường, nên ngồi lại, xếp bằng ngay ngắn. Chờ tất cả mọi người hoàn tất
việc xả thiền, sẽ cùng đi kinh hành hoặc tụng kinh theo nghi thức thống
nhất trong thiền viện.
IV. THIỀN
HÀNH VÀ KINH HÀNH
Đây là một phương pháp thiền tập. Bình thường, mỗi
ngày chúng ta cần đi tản bộ khoảng 30 phút - 1 giờ, nhất là đối với
những người làm việc văn phòng, ít vận động chân tay hoặc có nếp sống
tĩnh tại. Đi bộ cũng là một môn thể dục nhằm phòng được bệnh loãng
xương, một bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi.
Chúng ta có thể thiền hành ở bất cứ đâu: dọc bờ
biển, trên đường vắng, quanh sân chùa, trong phòng hoặc trên sân
thượng... Hai tay buông thỏng tự nhiên, đánh đàng xa nhẹ nhàng, chân
bước từng bước chẫm rãi. Tâm chú mục vào một cảnh vật nào đó trước mắt
nhưng không khởi niệm trên đó, hoặc duyên theo hơi thở hay chánh niệm
trên từng bước chân...
Phương pháp kinh hành có những chi tiết khác hơn.
Chúng ta thường đi kinh hành trong thiền đường, trong chánh điện, là
những nơi tôn nghiêm. Hai tay chắp búp sen hoặc đặt trước bụng, bàn tay
này để trên bàn tay kia hay các ngón đan vào nhau. Thân giữ thẳng khi
đi, đầu không nghiêng qua ngó lại, mắt nhìn xuống cách khoảng 1m - 1,5m.
Tâm không duyên theo các pháp, khi niệm khởi lên liền biết, không theo.
Nếu kinh hành với nhiều người, chúng ta nên xếp hàng ngay thẳng, trang
nghiêm. Nói chung, cần giữ tinh thần hòa chúng trong mọi nghi thức để có
sự đồng bộ và nhịp nhàng.
[1] Phương pháp thiền tập