Ánh trăng huyền diệu, mầu nhiệm ấy đã hiện hữu trên nhân gian
hơn hai ngàn năm-theo tháng năm dài mà không ngớt chiếu soi , đem ánh
sáng đạo pháp thiêng liêng đưa đường dẫn lối cho tất cả chúng sinh tiến
dần về phía an lành, hạnh phúc vĩnh cửu!
Cảm nhận được ánh sáng miên viễn nhiệm mầu ấy-người làm thơ thường đón
trăng Rằm Tháng Tư với những rung cảm khác thường-vừa trong sáng tươi
mát, vừa ẩn chứa bao nỗi niềm gởi gắm không nguôi của kiếp nhân sinh vô
thường, đau khổ! Nhà thơ Chơn Ngữ đã mở đầu bài thơ " Tình Trăng" rất
sâu sắc, mới la:
"Rằm tháng Tư
trăng Vesak huyền diệu
mãi sáng soi bên đời
Ngàn năm sau
vẫn vậy
ánh trăng Rằm
rất tươi..."
Nguyên Hạnh cũng có được nỗi đồng cảm về " Trăng Vesak"qua bài tứ tuyệt
lục bát thấm đẫm đạo vị:
"Trăng rằm Vesak mênh mang
Trang kinh lần giở chảy tràn suối khe
Hôi chuông ngân vọng tỉnh mê
Trăng ngàn độ lượng đi về trú chân"
Nhà thơ Kiều Trung Phương-qua cảm nhận tinh tế và mới lạ, đã từng xem
Trăng là " Thiền Trăng"trong bài thơ cùng tên -tạo được xúc cảm mạnh nơi
người đọc:
"Tâm nhiên tịnh
đóa hoa thiền
trăng cửa Phật
gió đầy hiên
chan hòa
.... Chuông không-thức
tỉnh buông mình
Bên thềm trăng nở
hương quỳnh trắng
Đêm..."
Khởi đi từ mùa Trăng Vesak đầu tiên cách nay hơn 25 thế kỷ tại vườn Ca
Tỳ La Vệ-ánh trăng Rằm Tháng Tư Vesak đã không ngớt tỏa chiếu sưởi ấm,
xoa dịu, đem lại muôn vàn an lạc cho biết bao chúng sinh hữu duyên trên
cõi nhân gian đầy khổ đau phiền lụy này! Nhận được nguồn ân huệ vô biên
nhiệm mầu ấy-Trần Minh Nguyệt đã " Thâm Tạ Ân Phật" qua bài Đường Thi
đỉnh đạt , thâm tình:
"Thắp nén Tâm hương trước cửa Thiền,
Kính dâng Chư Phật cõi vô biên...
Đài sen thất bảo-vui thiền định,
Cõi Phật vô ưu-hết muộn phiền!
Cứu độ chúng sinh bao khổ nạn...
Dẫn đường hồn nhỏ tới Tây thiên.
Tam thừa giác ngộ Tâm khai sáng,
Pháp nhũ ân sâu khắp đại thiên..."
Tu sĩ Tâm Chơn trong bài thơ "Việt Nam Ngày Đại Hỷ"-gồm 5 doạn ngũ ngôn
tứ tuyệt-đã bày tỏ niềm hân hoan tự hào của người con Phật đón chào ngày
Phật đản sinh-VHT xin được trích giới thiệu đoạn cuối:
..."Chợt nghe trong ba cõi
Ngào ngạt sắc hương từ
Ánh hiện đóa Vô Ưu
Từng sát na Phật đản!"
Nhà thơ NgànThương-trong mỗi bước chân đi giữa mùa trăng Vesak đều cảm
nhận dược niềm an vui trong sáng diệu kỳ:
"Khánh đản năm nay-tưng bừng hoành tráng
Vesak diễn ra nơi "thành phố Hòa Bình"
Mạng mạch tình thương
nối cùng thế giới
con chắp tay quy ngưỡng trước đài sen
(...)Có bao giờ vui thế, hởi em thương
hai nghìn năm-Đản Sinh chúc phúc
với muôn người
từng bước an nhiên..."
( Từng Bước An Nhiên )
Tiếng chuông từ " Tòng Lâm Tự" ( Phước Hiệp/ Tuy Phước) trong đêm Trăng
Rằm Tháng Tư-đã đem lại cho người thơ Trần Ba niềm an vui thật giản dị,
mà cũng thật chân tình:
"Mặt Trăng đã chếch ngang đồi
Từ "Tòng Lâm Tự" vọng lời chuông ngân
Áo Lam hòa ánh trăng Rằm
Nương về Bến giác-ngàn năm ơn Người!"
Nhà thơ Nguyễn Miên Thượng trong bài " Thênh Thang Đạo Pháp" đã bày tỏ
tấm chân tình với niềm pháp hỷ son sắc :
"Tỏa ngát hương hoa quyện ánh Rằm
Câu kinh, tiếng kệ hợp hòa âm
Đài Sen ngưỡng vọng dâng thành ý
Chánh điện an lành nở thiện tâm(...)"
Cảm nhận của người con Phật nhân ngày Phật đản sinh thật sâu đậm, thật
vô cùng; bởi vì-cũng bắt đầu từ ngày ấy-ngày trọng đại mà Nhà thơ Tống
Anh Nghị đã gọi là " Ngày Nở Hoa Cuộc Đời"-cõi nhân gian u tối đã được
nhận ánh sáng Đạo Vàng của Bậc Đạo Sư- Người thơ Nguyệt Linh cũng đã sâu
sắc nhận ra điều chân thật ấy-qua bài thơ " Rằm Tháng Tư-Thơ Dâng
Người"/ VHT xin dược trích giới thiệu đoạn kết:
(...) "Tháng tư
trăng sáng, lòng thành
dâng hương lễ Phật đản sanh
cứu người
Chuông chùa
ngân vọng muôn nơi
Thiền duyên một cõi
ơn Người
ngàn năm!"
Nguồn pháp nhũ lan tỏa từ ngày Phật đản sinh thật mênh mông, thật mầu
nhiệm-mỗi người tùy căn duyên, có những cảm nhận rất riêng. Nhà thơ Phạm
Văn Phương trong bài thơ " Sen Thơm Ngày Tịnh" đã thể hiện thật gần
gũi, thiết tha với đời sống:
"Sen thơm ngày tịnh, đồng mông
Lòng yên như nước: gương trong làu làu
Hỏi rằng Cực lạc nơi đâu?
Thưa: trong tiếng trẻ đùa nhau quanh mình! "
Theo giáo lý nhà Phật- " Vô ngã là Niết Bàn"-nhà thơ Chúc Mai, đã cảm
nhận được điều cốt lõi qua lời thơ thấm đẫm thiền vị:
"Qua cầu nắng xế ngang vai
Chuông trên vách đâ ngân dài mênh mông
Cửa thiền đôi cánh sắc không
Nắng vàng mây trắng dòng sông nhiệm mầu
Ta từ vô thủy gặp nhau
Tiếng chuông vô ngã qua cầu gió bay!"
( Vô Ngã )
Lê Thiện Điền trong " Lưu Hương" đã cảm nhận được hương vị an lạc nơi
chốn thiền môn an tịnh:
"Cửa Phật bốn mùa Xuân sẵn có
Ưu đàm tám tiết nở hoa tươi
Nơi đây không đượm màu nhân thế
Chỉ có an vui trọn kiếp người!"
Bài thơ " Cái Còn Như Đã Mất" của Hoàng Bảo Lâm gồm 11 đọan thơ ngũ ngôn
tứ tuyệt-đã tâm sự thật nhiều về đời sống đạo pháp, về lòng ngưỡng vọng
chư Phật, và cảm nhận riêng của chính mình trong cuộc sống " cuối đời
tìm thanh thản"! Nhân đây,cũng xin được nhắc lại cùng quý thân hữu-thơ
xin viết không quá 5 đoạn-nhưng càng ngắn-sâu sắc/ mới lạ-càng dễ sử
dụng! VHT chỉ xin được trích giới thiệu một đoạn kết:
(...) "Nén nhang thơm lạy Phật
Từ bi chốn hồng trần
Phát tâm tư-chánh niệm
Xua tan vết lăng trầm!"
Bạn Hoàng Thị Ngọc Diệp thân, đã nhận dược đủ 3 bài thơ bạn gởi! Rất vui
là từ thành phố Vinh xa xôi Bạn đã nhiệt tình đóng góp những cánh hoa
Thơ cho VHT. Thơ Bạn rất chân tình/nhưng cũng nên chú ý đến kỹ thuật (
nhất là dùng từ mới/ chính xác/trọn vẹn hơn). VHT xin giới thiệu bài "
Chùa Phật Quang" để chia sẻ cùng Bạn về ngôi chùa xinh đẹp đầy kỷ niêm
không quên nhân ngày Phật đản:
"Gió thổi sáo, suối ngân nga
Tiếng chim lảnh lót-khúc ca thanh bình
Nụ Xuân nở ánh bình minh
Chuông chùa vang vọng-đậm tình nhớ thương! "
Xin chân thành cám ơn Quý thân hữu đã dành cho mảnh đất chung này nhiều
cánh hoa Tâm thắm đượm hương sắc !Đó cũng là tấm lòng tưởng nhớ hướng về
ngày Đức Thế Tôn đản sinh của người con Phật! Rất mong Quý Bạn gởi cho
những sáng tác mới phù hợp với chủ đề-phù hợp với tôn chỉ " Quê Hương-
Đạo Pháp-Dân Tộc"...
Nhân ngày vui trọng đại hôm nay-xin được gởi đến Qúy Đạo Hữu-Thi Hữu lời
cầu chúc : " Mãi Mãi An Vui Trong Tình Thưong Yêu Vô Bờ Của Đức Phật" !
Lập Tâm tinh thất Mùa Phật đản 2554
Theo: Tạp chí Vô Ưu - số 40