Thơ
Ý nghĩa "Vô vị chân nhân” trong thơ thiền Lý-Trần
07/09/2010 22:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lý - Trần là thời đại vàng son của lịch sử Việt Nam. Đây là thời đại phục hưng, đất nước được độc lập chủ quyền, dân tộc được hồi sinh sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Thời này Phật giáo rất thịnh, tư tưởng triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh con người và đời sống văn học. Văn học Phật giáo nói chung, thơ Thiền nói riêng là một bộ phận quan trọng của văn học Lý - Trần, là di sản quý báu của một thời đại đáng tự hào của dân tộc ta. Tìm hiểu giá trị đích thực của thơ Thiền là việc làm rất cần thiết cho nền văn hóa nước nhà, nhất là trong thời đại mở cửa hội nhập hôm nay.

Nếu con người vừa là đối tượng phản ánh vừa là mục tiêu cuối cùng của văn học thì con người thật không địa vị vừa là đối tượng để các thiền sư - thi sĩ chiêm nghiệm, nghiền ngẫm rồi phản ánh; đồng thời lại vừa là mục đích, cứu cánh của thơ Thiền.

Dễ thấy nhất là thơ Thiền Lý - Trần đề cập đến con người thực thể hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là con người tứ đại, bao gồm: địa, thủy, hoả, phong (đất, nước, lửa, gió). Cụ thể là xương, thịt, tóc, tai… thuộc về đất; máu, huyết, tủy… thuộc thủy; hơi ấm, hơi nóng… thuộc hỏa; khí, hơi thở… thuộc gió. Con người tứ đại này không được các tác giả miêu tả theo vẻ đẹp của hình dáng bên ngoài như kiểu Nguyễn Du tả Thuy Kiều, Thúy Vân. Trong cảm quan Thiền đạo, các thiền sư - thi sĩ thời Lý - Trần cho rằng con người tứ đại vốn do các yếu tố xung khắc nhau trong bản chất tạo thành, cho nên thân xác con người không ổn định, không thường hằng. Con người tứ đại luôn bị chi phối bởi quy luật “sinh lão bệnh tử” cũng như vạn vật trong vũ trụ bị quy luật “thành trụ hoại diệt” chi phối. Mãn Giác chỉ với bốn câu, hai mươi chữ đã khái quát toàn bộ quy luật này bằng hình ảnh vô cùng sinh động:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi. (1)

Cũng như Viên Chiếu than rằng:
Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi.
Dịch:
Thân như tường vách đã lung lay,
Lật đật đời người những xót thay.(2)

Theo lý Duyên sinh của Phật giáo, mọi vật trên đời này, kể cả thân người không ngoài nhân duyên mà có, nhân duyên hợp lại thì thành, nhân duyên tan rã thì mất.
Xét đến cùng, thơ Thiền đã chỉ rõ sự vô thường, bất ổn của con người tứ đại nhằm mục đích hướng người đọc quay về nhận lại con người thật không địa vị có sẵn trong mỗi con người. Con người thật không địa vị này chính là “Phật tính” trong lời dạy của Đức Thế Tôn: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (Tất cả chúng sinh đều có tính Phật), là chân tâm thường hằng bất diệt của mọi chúng sinh.

Cốt tủy của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng chính là khai mở cho mọi người liễu ngộ ra được “con người thật không địa vị” này. Đây là mấu chốt của việc giải quyết vấn đề bản thể luận, cũng là cảnh giới cao nhất của giải thoát luận theo triết học Phật giáo.
Con người thật không địa vị chính là hình tượng “nương sinh diện” (khuôn mặt mẹ) của Trần Thái Tông và của Tuệ Trung Thượng sĩ; là “chân diện mục” (khuôn mặt thật), là “đồng tử” (trẻ thơ) của Tuệ Trung thượng sĩ; là “vô vị chân nhân” (con người thật không địa vị), là “đông hoàng diện” (bộ mặt chúa xuân) của Trần Nhân Tông; là “bản lai nhân” (người thuở xưa) của Trần Minh Tông; là “diệu thể” (thể vi diệu) của Đạo Huệ; là “tự tại nhân” (con người tự do tự tại) của Hiện Quang; là “nhàn tăng” (sư nhàn), là “nhất chủng tâm” (một loại tâm) của Huyền Quang.

Thơ Thiền gắn với tư tưởng Thiền và mỹ học Thiền, thường tập trung đề cập những vấn đề liên quan đến bản thể luận và giải thoát luận. Phật giáo Thiền tông quan niệm “vạn vật nhất thể”, “tâm pháp nhất như”; bản thể của mọi chúng sinh bao gồm cả các loài hữu tình và vô tình đều không khác nhau. Xét đến cùng, ngộ nhập, sống trọn vẹn với con người thật không địa vị, với chân tâm Phật tính là mục tiêu lý tưởng cả cuộc đời của các thiền sư - thi sĩ, là sự giải thoát với y nghĩa cao nhất, tuyệt đối nhất. Sự nhất quán này không chỉ thể hiện rõ trong tư tưởng Thiền, mà còn thống nhất trong toàn bộ hệ thống thơ Thiền thời Lý - Trần.
Con người thật không địa vị là bí ẩn sâu kín nhất trong mỗi con người. Nó không phải là con người vật lý, có hình tướng, nhưng không ngoài con người vật lý mà thể nghiệm được. Nó không hình - không tướng, không màu - không mùi, không lớn - không nhỏ, không ngắn - không dài, không trong - không ngoài. Nó bao trùm khắp nơi, không thể nắm bắt, chỉ có thể sáng suốt tịnh tâm mà thể hội.

Nếu con người thật không địa vị trong thơ Thiền Lý - Trần là cái Thể, cái Tính chỉ có thể tịnh tâm thể nghiệm, không thể nắm bắt, phân tích, thì cái Dụng, cái Tướng của nó thể hiện ra là hình mẫu những con người trí tuệ, con người tự tại, con người vô ngã vị tha, con người vũ trụ, con người vô úy, vô ngôn, lãng quên… Đó là những con người có trí tuệ, bản lĩnh, tự tin ở năng lực, sức mạnh của chính bản thân mình, không ỷ lại hay nương tựa vào bất kỳ ngoại lực nào khác, kể cả thần linh. Đó là những con người thông đời liễu đạo, am hiểu Nho Phật Lão, dung thông tư tưởng Tam giáo. Họ sẵn sàng đem trí tuệ và đức độ làm lợi ích cho cộng đồng, có công lớn trong việc an bang định quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước, thiết lập cuộc sống thanh bình thịnh trị, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đúng như lời Lý Nhân Tông khen Vạn Hạnh:
Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm thi.
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.
Dịch:
Vạn Hạnh thông ba cõi,
Lời ông nghiệm sấm thi.
Quê hương làng Cổ Pháp,
Chống gậy trấn kinh kỳ. (3)

Hình tướng của con người thật còn thể hiện ở phong thái ung dung, trầm tĩnh, thanh thoát, tiêu diêu tự tại, hòa minh không mơ tưởng hão huyền ở tương lai. Hiện Quang tuy là người tài năng xuất chúng, danh vang khắp chốn nhưng vẫn:
Vô vi cư khoáng dã,
Tiêu dao tự tại nhân.
Dịch:
Vô vi sống đồng rộng,
Người tự tại thong dong. (4)

Trần Nhân Tông chủ trương tùy duyên mà tự tại. Trong bài kệ kết thúc bài "Cư trần lạc đạo phú", nhà vua - thiền sư phát biểu:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói ăn khát uống mệt ngủ liền. (5)'

Con người vô ngã vị tha (quên mình vì mọi người) thể hiện rõ trong lời khuyên của Lý Nhân Tông với Man Giác: “Chí nhân thị hiện, tất vụ tế sinh, vô hạnh bất cụ, vô sự bất tu, phi duy định tuệ chi lực, diệc hữu tán dương chi công, thả kính nhậm chi”. (Bậc chí nhân thị hiện tất phải tận lực cứu giúp chúng sinh, không hạnh nào không đủ, không việc gì không làm, chẳng những đắc lực về Thiền định lại có công giúp ích nước nhà) (6). Trần Thái Tông đem cả đời mình để chứng minh cho lời nguyện: “tựu nhược dĩ thân vi thiên hạ chi tiên dã.” (Lấy thân mình làm người đưa đường cho thiên hạ - Thiền tông chỉ nam tư) (7).

Con người thật không địa vị của Trần Thái Tông thể hiện ra là một con người có cốt cách siêu việt, nhân phẩm tuyệt vời, trí tuệ hơn người, tài năng trác tuyệt, anh hùng cái thế; tuy ở ngôi nhân chủ mà vẫn sống đơn sơ, áo thô, giày vải, cơm canh đạm bạc, đem cả trí tuệ và sức lực cống hiến cả đời mình cho đất nước, cho dân tộc. Người đã thể nghiệm và sống trọn vẹn với con người thật không địa vị khi cho rằng tuy mỗi người sẵn có con người thật đó trong con người bằng xương bằng thịt nhưng không dễ phát hiện ra, như trong bài kệ:
Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,
Hồng hồng bạch bạch mạc tương mãn.
Thùy tri vân quyện trường không tịch,
Thúy lộ thiên biên nhất dạng san.
Dịch:
“Vô vị chân nhân” thịt đỏ au,
Hồng hồng trắng trắng dối chi nhau
.
Ai hay mây cuốn trời quang tạnh,
Núi hiện chân trời biếc một màu.(8)

Ở đây, “Vô vị chân nhân” cần phải dịch là con người thật không địa vị, chứ không phải là bậc chân nhân chưa thành Phật như có người đã dịch. Vì theo ngữ pháp tiếng Hán, chữ “nhân” là trung tâm ngữ, còn phần trước là định ngữ. Bài thơ này có lẽ tác giả lấy cam hứng từ một đoạn văn trong “Lâm Tế ngữ lục” của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền hiển thị tông phong, khai ngộ cho người hậu học: “Xích nhục đoàn thượng hữu nhất vô vị chân nhân, thường tùng nhữ đẵng chu nhân diện môn xuất nhập, vị chúng cứ giả khán khan.” (Trong thân xác máu thịt đỏ hỏn có một con người thật không địa vị thường cùng các ngươi ra vào, ai chưa rõ, hãy xem cho kỹ)(9). Hình ảnh mặt trời thường sáng nhưng do mây đen che phủ, không thấy được sự quang đãng sáng sủa, nếu mây đen tan đi, cả bầu trời quang tạnh thoáng đãng đẹp như tranh vẽ, phóng tầm mắt nhìn ra, xa xa là một rặng núi với một màu xanh biếc bên chân trời, dụ cho con người thật không địa vị vốn có sẵn trong mỗi con người vô thường, ẩn tàng sự linh diệu và năng lực vô biên, nhưng do con người chấp trước vào thân tứ đại nên trí tuệ bị che lấp. Chỉ cần phá vỡ được thành kiến cố chấp, thì sẽ thể hội được con người kỳ diệu này. Tư nghi vấn “thùy” (ai) vừa như kích thích gợi óc tò mò, vừa như san sẻ lòng mình thúc giục quay về để nhìn thấu rõ khuôn mặt thật của chính mình. Con người này đã được Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện trong hai câu thơ sau:
Tuế tuế hoa tùy tam nguyệt tiếu,
Triêu triêu kê hướng ngũ canh minh.
Dịch:
Độ độ hoa cười xuân tới tiết,
Đêm đêm gà gáy lúc canh năm. (10)

Chữ “tuế” được dùng trùng điệp như quy luật của vũ trụ trong một khoảng thời gian dài, chữ “triêu” trùng điệp chỉ thời gian ngắn hơn. Cặp từ trùng điệp đối nhau này chỉ ra bản chất của hiện tượng vốn dĩ như vậy, chân lý quy luật không khác nhau dù thời gian dài ngắn khác nhau.
Thơ Thiền hay sử dụng kiểu câu nghi vấn, có khi là nhiều câu nghi vấn liên tục với mục đích dồn người học đạo vào đường cùng ngõ cụt của tư duy lô-gích, buộc họ phải nỗ lực tập trung chuyên nhất vào một đối tượng. Như vậy vô hình trung đã đưa người học đạo, tham thiền vào cảnh giới nhất tâm bất loạn. Đó là tiền đề để phá vỡ nghi ngờ, khơi nguồn giác ngộ. Nhà Thiền thường nói “đại nghi đại ngộ, bất nghi bất ngộ” (mối nghi ngờ càng lớn, sẽ đại ngộ, không có nghi ngờ sẽ không thê ngộ). Tuệ Trung thấy rằng:
A thùy hội đắc nương sinh diện?
Thủy tín nhân gian tổng giả danh.
Dịch: 
Khuôn mặt người mẹ ai hay biết,
Mới tin trời, người đều là giả. (11
)

Ai là người nhận rõ được khuôn mặt người mẹ, tức con người thật không địa vị thì sẽ thấu rõ được lẽ thật - giả.
Hay như:
Tiền thất giả thị a thùy?
Hậu đắc giả hựu thị thùy?
Dịch:
Người mất trước đó là ai?
Người được sau lại là ai? (12)

Có lẽ do Tuệ Trung đã triệt ngộ sống trọn vẹn với con người thật nên mới khẳng định rằng:
Mi mao tiêm hoành tỵ khổng thùy,
Phật dữ chúng sinh đô nhất diện.
Dịch:
Cũng nét mày ngang đường mũi dọc,
Phật với chúng sinh mặt khác nào. (13)
Quan niệm Phật và chúng sinh hoàn toàn bình đẳng đều có cùng bộ mặt thật với lông mày ngang đường mũi dọc thật là hy hữu hiếm thấy trong thời cổ trung đại, thời kỳ mà ý thức hệ phong kiến với các thế lực siêu nhiên chi phối bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những lực lượng bất khả xâm phạm này được nhìn nhận là đấng siêu nhiên, bậc bề trên của con người. Thời kỳ này ngay cả vua của một nước lớn như Trung Quốc cũng chỉ dám xưng là thiên tử (con trời), chiếu chỉ vua ban đều phải mở đầu bằng câu Phụng thiên thừa vận (tuân theo mệnh trời) nhưng ở đây Tuệ Trung dám công nhiên khẳng định Phật và tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau. Cái nhìn vượt không gian, thời gian này là cơ sở vững chắc, mang tính nhân văn với ý nghĩa cao nhất, siêu việt thời đại về sự bình đẳng tuyệt đối không chỉ giữa người và người mà còn giữa mọi chúng sinh với Phật, Trời, Thần, Thánh. Bởi vì tất cả đều bình đẳng, không phân biệt, cùng địa vị như nhau. Nói cách khác, đó chính là vô vị chân nhân, tức con nguời thật không địa vị.

Tuệ Trung quả quyết rằng nếu ai đó muốn vượt qua biển si mê, tiến đến bến bờ giác ngộ thì không còn con đường nào khác hơn là phải tham cứu cho thấu rõ đứa đồng tử (trẻ thơ) của chính mình:
Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn,
Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân
.
Dịch:
Muốn nhảy lên cao qua bờ giác,
Hãy tham đồng tử, người trước mặt. (14)
Có người học đạo hỏi thế nào là chân diện mục (khuôn mặt thật) thì được Tuệ Trung trả lời bằng hai câu thơ hóm hỉnh:
Dục thức giá ban chân diện mục,
Ha ha nhật ngọ đả tam canh.
Dịch:
Muốn biết gì là khuôn mặt thật,
Giữa trưa ngủ thẳng đến canh ba. (15)
Nếu muốn tìm cho ra khuôn mặt thực của mình mà hướng ngoại tìm cầu là hoài công vô ích, chỉ tự tại không mong cầu thì dù cho giữa trưa ngủ say đến canh ba nửa đêm cũng không rời nó được, thầm nhân lại cái xưa nay không khác, không cần phải mất công đi tìm ở nơi cùng trời cuối đất.

Đạo Huệ làm rõ hơn mối quan hệ giữa thân tứ đại (sắc thân) thuộc về hình tướng và diệu thể (thể vi diệu) thuộc về thể tính.
Sắc thân dư diệu thể,
Bất hợp bất phân ly.
Dịch:
Sắc thân và diệu thể,
Chẳng hợp chẳng lìa xa. (16)
Sắc thân và diệu thể không phải là một mà cũng chẳng phải là hai, chúng không đồng nhất cũng không tách biệt. Hình ảnh một cành hoa trong lò lửa đánh đổ mọi sự cố gắng tách bạch một cách rạch ròi, thô thiển giữa sắc thân và diệu thể:
Nhược nhân yếu phân biệt,
Lô trung hoa nhất chi.
Dịch:
Nếu người muốn phân biệt,
Lò lửa, một cành hoa. (17)

Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền từng phát biểu: “Nó (diệu thể) vốn vô hình thông suốt cả mười phương. Ở mắt là thấy, ở tai là nghe, ở mũi là ngửi, ở miệng là đàm luận, ở tay là cầm nắm, ở chân là đi lại, ở thân là di chuyển. Vốn la một tinh minh phân làm sáu hòa hợp” (18). Con người đó ứng hiện khắp mọi nơi, không gì che giấu được, không gì có thể chi phối, ảnh hưởng được, như Trần Thánh Tông có viết trong bài Tự thuật:
Hàn thử đáo lai vô sở thức,
Vị tằng phân thượng lão nhân can.

Dịch:
Lạnh đến nóng qua không nhận biết,
Mảy may chẳng bận đến thân ông. (19)
Con người ấy, dù trong hoàn cảnh nào, tình huống nào cũng ung dung tự tại, không gì lay chuyển nổi, nó vốn có sẵn trong mỗi con người chúng ta. Nó là “gia trung hữu bảo” (của quý trong nhà - theo cách nói của Trần Nhân Tông). Khi con người chưa thấu rõ và sống trọn vẹn với nó thì chưa ngộ được quy luật vận động của vạn hữu, nên bị quy luật “sinh trụ dị diệt” hoặc “thành trụ hoại diệt” chi phối. Còn một khi đã nhận ra được con người thật ấy rồi ta sẽ làm chủ được mình, làm chủ được hoàn cảnh, làm chủ được thiên nhiên. Trần Nhân Tông trong bài Xuân vãn đã so sánh sự khác nhau giữa con người chưa giác ngộ và con người đã giác ngộ theo sự trải nghiệm của chính bản thân ông:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Dịch:
Tuổi trẻ chưa từng hiểu sắc không,
Xuân sang hoa nở rộn trong lòng.
Chúa xuân nay đã bị khám phá,
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng. (20)
Thường Chiếu bày tỏ về đặc điểm con người ấy bằng hai câu thơ:
Chiếu diệu thả vô phương,
Tầm chi cánh tuyệt khoáng.
Dịch:
Không phương nào không sáng,
Tìm kiếm bặt tăm hơi. (21)

Đại bộ phận thơ Thiền gắn với con người thật không địa vị, nên hầu như rất ít khi miêu tả tâm tình, mà thể hiện sự chiêm nghiệm, hiển bày, tự bộc. Thế giới thơ Thiền thường được sáng tác và cảm thụ trong sự tĩnh lặng, nó gắn với tư tưởng mỹ học Thiền. Thiền học và phương pháp Thiền định đã hóa thân thành phương thức chiếm lĩnh nghệ thuật, trở thành một kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của thơ ca. Với tư duy nghệ thuật kiểu Thiền - kiểu tư duy trực cảm tâm linh (22), con người thật không địa vị thật sự đã trở thành một đối tượng phản ánh đặc biệt của thơ Thiền, như L. Tolstoi đã xem tâm lý là đối tượng phản ánh, Dostoievsky xem ý thức là đối tượng để miêu tả và thể hiện của văn học.
Có thể nói rằng việc phát hiện ra con người thật không địa vị đã thực sự mở ra một đối tượng mới đầy hấp dẫn và kỳ diệu cho văn học chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, phản ánh và hướng về. Dù câu nói “văn học là nhân học” đã từ lâu được xem như là kinh điển của khoa văn học, nhưng văn học chỉ phản ánh con người, đời sống sinh hoạt, tâm tư, tình cảm, tâm lý, tính cách; mối quan hệ giữa người và người, giữa con người với vũ trụ vạn vật… chứ chưa từng chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu con người thật không địa vị, một đối tượng vô cùng bí ẩn sâu kín trong mỗi con người. Đây là một mảnh đất vô cùng đầy sức hấp dẫn và cuốn hút còn đang bị bỏ ngỏ của văn học. Không thể hiểu hết con người nếu chưa thực sự xem con người thật không địa vị là một đối tượng quan trọng cần được khám phá. Câu hỏi Con người là ai?; Ta là ai? cứ đeo đẳng và ám ảnh nhiều thế hệ ở nhiều thời đại. Phải chăng Mãn Giác đã thấu rõ con người thật không địa vị, sống trọn vẹn với nó, hoàn toàn đã giải đáp được câu hỏi Ta là ai? đạt tới cảnh giới cao nhất của sự tự do và giải thoát, nên dù thân thể sắp bị hủy hoại theo quy luật vô thường, đang ở bên bờ vực thẳm giữa sự sống và cái chết, mà người vẫn ung dung tự tại không hề sợ sệt hay hoảng loạn:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch:
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước một cành mai. (23)

Đặt hai câu này trong toàn bài thơ mới thấy hết cái độc đáo của nó với kết cấu hơi lạ, ít thấy. Bốn câu đầu, mỗi câu năm chữ hình tượng hóa quy luật sinh trụ dị diệt của tự nhiên và quy luật sinh lão bệnh tử của đời người, chỉ sự vô thường chóng vánh, thì hai câu cuối mỗi câu bay chữ như phần nền chắc chắn giữ vững bốn câu trên. Một cành hoa mai tỏa ngát hương trong đêm tối cho dù mùa Xuân đã qua đi. Hình tượng một cành mai có sức cảm to lớn không khác gì cành hoa của Đức Phật Thích Ca trên hội Linh Sơn; như cái mỉm cười của Đại Ca Diếp làm cho Tăng chúng ngơ ngác; như cái đánh đột ngột của Bách Trượng tuyệt đường tư duy lý luận; như tiếng hét đinh tai của Lâm Tế làm tan vỡ si mê cố chấp, khai thông trí tuệ Bát nhã; như cây gậy trong tay của Đức Sơn đập tan mọi vọng tưởng điên đảo mê lầm; như ly trà Triệu Châu mỗi người uống thầm cảm nhận mùi vị riêng của nó. Một cành mai dụ cho chân thân thiền sư, dụ cho con người bất diệt trong con người tứ đại sinh diệt. Con người này vượt qua tham lam, sân hận, si mê; vượt ra ngoài mọi cố chấp, thành kiến, biên kiến; vượt qua mọi giới hạn tầm thường của không gian, thời gian; vượt ra khỏi mọi quy luật hữu hạn là giá trị đích thưc của con người. Đây không chỉ là cái nhìn lạc quan, tin tưởng yêu đời, ca ngợi sức sống mạnh mẽ, kiên định trước định luật vô thường khắc nghiệt của cuộc đời mà chính là sự tự biểu hiện của con người thật không địa vị của Man Giác, đạt đến sự tự do tự tại, an lạc giải thoát với ý nghĩa cao nhất. Đạt đến con người thật không địa vị chính là vươn tới giá trị làm người đích thực, giải phóng con người với ý nghĩa cao nhất, triệt để nhất.

Các vị thiền sư - thi sĩ thời Lý - Trần nói chung, Mãn Giác nói riêng không những đã mở ra một đối tượng mới cho văn học, mà còn dựng lên một tượng đài nghệ thuật mang ý nghĩa nhân văn lớn lao về con người thật không địa vị - con người đích thực trong mỗi con người. Phải chăng những trang vàng lịch sử thời Lý - Trần được viết ra như là sự thể hiện cái tướng, cái dụng của con người này? 

                                                                       TRẦN HOÀNG HÙNG (*).

                                                                                  TP.HCM, tháng 3 năm 2008


(*) Trần Hoàng Hùng (Đại đức Thích Hạnh Tuê), Thạc sĩ Ngữ văn, giảng viên Trường Ngoại ngữ Đông Phương, TP.Hồ Chí Minh - ĐT: 0903 782 790.
(1) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.298.
(2) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.293
(3) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.433.
(4) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.553.
(5) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.510.
(6) Thiền uyển tập anh, bản in Vĩnh Thịnh năm thứ 11 (1775), ký hiệu A 3144; Bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga, NXB Văn Học, HN, 1990, tr.93.
(7) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.29.
(8) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.54.
(9) Lâm Tế ngữ lục, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn, NXB TP. HCM, 2004, tr.201.
(10) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.246.
(11) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.246.
(12) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.285.
(13) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.285.
(14) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.231.
(15) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.237.
(16) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.487.
(17) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.487.
(18) Lâm Tế ngữ lục, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn, NXB TP. HCM, 2004, tr.26.
(19) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.407.
(20) Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, HN, 1989, tr.463.
(21) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.531-532.
(22) Chữ dùng của Nguyễn Công Lý trong Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, NXB ĐHQG TP.HCM, 2002.
(23) Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977, tr.298.

Tiêu điểm:
Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch