Ngài
Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông có trước tác bài Cư trần lạc đạo
phú, dài mười hội, cuối bài phú có bốn câu kệ. Xưa nay, bài phú dài ít
người thuộc, nên khi nhắc Cư trần lạc đạo thường khiến mọi người nhớ đến
bài kệ:
Cư
trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xa hề khốn tắc miên
Gia trung
hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Thực ra, mười hội dài của bài phú cũng chỉ nói đến những quan điểm
của người tu giữa chốn trần ai này, cùng các điểm khai ngộ lý thiền.
Những nội dung ấy, tóm gọn trong bốn câu kệ cuối. Cho nên, người học đạo
và khách yêu thơ cùng những ai nghiên cứu tư tưởng của Cư trần lạc đạo
phú cũng có thể thông qua bài kệ trên để chia sẻ với tác giả.
Bài kệ trên, dịch nghĩa là thế này:
"Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn,
mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối diện với
cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa”.
(Thơ văn Lý Trần -
tập 2 - NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội - 1989. Tr.510).
Nội dung của bài kệ còn phản ánh phong thái của thiền gia, nên từ
trước đến nay đã có nhiều bản dịch thơ bài kệ trên. Tác giả Huệ Chi
trong tập sách dẫn trên dịch như sau:
Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên
Báu
sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh, hỏi gì thiền.
Lại có dị bản:
Ở đời vui đạo, thả tùy duyên,
Ðói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Của
báu trong nhà, thôi tìm kiếm,
Ðối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền!
(www.duongsinh.net)
Thực ra, với ngụ ý của Tổ Trúc Lâm trong bài kệ trên, đem diễn dịch
ra dù là văn xuôi hay thơ cũng còn có nhiều chỗ đáng bàn. Chẳng hạn câu
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” dịch thành “Đối diện với cảnh mà vô tâm,
thì không cần hỏi thiền nữa”, cũng có người cho là chưa ổn. Bởi cái ý
“mạc vấn thiền” có thể hiểu đơn giản là “đừng hỏi thiền”. Và lý do để Tổ
bảo “đừng hỏi thiền” là “đối cảnh vô tâm”, thì còn khó nói hơn. Trong
bản dịch văn xuôi và thơ trên đây, dù chuyển ngữ thành “đối diện với
cảnh mà vô tâm”, hay “vô tâm trước cảnh”, thì hai chữ “vô tâm” đều chưa
được dịch. Oái ăm thay, chính hai chữ “vô tâm” mới là quan trọng của cụm
từ “đối cảnh vô tâm”. Thành ra, việc đọc hiểu thơ thiền của Tổ sư từ
thế kỷ XIV đến nay vẫn còn có chỗ để ngỏ.
Sở dĩ có đôi điều dài dòng về việc dịch bài kệ Cư trần lạc đạo, là vì
chúng tôi bắt gặp hai bản dịch bài kệ trên ở diễn đàn www.duongsinh.net, nhưng người dịch
lại có ý xem điều mình viết ra như là một cách họa lại bản dịch, chứ
không phải cung cấp thêm bản dịch mới. Cả hai bản họa đều nhằm chia sẻ
quan điểm “cư trần lạc đạo” của Tổ sư thiền, lại có những kiến giải thú
vị.
Một bản của nickname Vanphapquitam, như sau:
Ở đời vui đạo, chẳng tùy duyên.
Ðói đến chưa ăn, mệt chẳng
phiền.
Của báu trong nhà, không tìm kiếm.
Ðối cảnh hữu tâm, cứ
hỏi Thiền!
Và một bản họa khác của nickname Ba Gàn:
Ở đời chơi đạo, đạo tùy duyên
Đói đến vừa ăn, mệt quẳng liền
Trống
rỗng không nhà, hòa bản tánh
Đối cảnh thông tâm, đấm cửa Thiền!
Đọc hai bài thơ trên, thấy không khí giống một cuộc đối đáp của khách
thiền, nên người học đạo cũng lây niềm mến mộ. Và có lẽ, trên đường cầu
đạo, nếu gặp thiện tri thức với những đối đáp ngắn gọn, có khi là mượn ý
của Tổ sư ngày xưa, nhưng gợi mở ít nhiều cho quá trình tu học, cũng là
nhân duyên lớn vậy.
Trở lại với bài họa của Vanphapquitâm, tác giả đang có ý muốn nói
khác đi so với Tổ Trúc Lâm. Tất nhiên, nói khác hoặc có khi là nói ngược
hẳn lại với ý người đối thoại là chuyện thường tình của nhà thiền, bởi
không gian đối thoại tương đồng giữa hai thiền gia là không gian riêng
biệt, là một sự đồng cảm trên cơ sở giác ngộ, chỉ mượn ngôn ngữ làm
phương tiện. Do vậy, ngôn ngữ trong nhà thiền cũng như cái bắt tay,
tiếng hét, nhát gậy đánh… đều là phương tiện để diễn tả những trạng
huống thông ngộ. Khi Tổ Trần Nhân Tông nói “ở đời vui đạo hãy tùy
duyên”, tức ngụ ý người tu nên có khả năng ứng xử hợp lý (tùy) với mọi
tình huống (duyên) xảy ra trong cuộc đời này. Đây cũng là chủ trương
chung của nhà thiền, vừa giữ tinh thần nhập thế, vừa dùng việc nhập thế
ấy như một phương tiện để tiến tu. Tác giả Vanphapquitam phát biểu: “Ở
đời vui đạo, chẳng tùy duyên”, hai câu khác nhau ở chỗ thay chữ “hãy”
bằng chữ “chẳng”, và vì thế, ý của Vanphapquitam thành ra không rõ.
“Chẳng tùy duyên”, tức là không cùng khế hợp với sự vật, tức là tách
người tu ra khỏi cuộc sống này chăng? Nếu thế, mà vẫn dùng “ở đời vui
đạo” thì câu này mâu thuẫn nội tại mất rồi. Và đọc ba câu tiếp theo của
Vanphapquitam thì thấy tác giả dường như đang diễn đạt với ý chủ quan
cho một cách ứng xử chủ động của người tu: Khi đói mà chưa có cái để ăn
thì dẫu có mệt cũng chủ động đừng phiền (câu 2); khi đã biết trong nhà
có của báu rồi thì chủ động không tìm kiếm (câu 3); Trước cảnh cứ chủ
động khởi tâm và hỏi thiền (câu 4). Đây là chúng tôi chủ quan hiểu như
thế, xin không lạm bàn, để nhường cho các bậc hiểu đạo. Chỉ nêu ra nhận
định về chủ ý và chủ động của Vanphapquitam, như một bắt gặp mới trong
khuôn khổ “nói lại” hoặc “họa theo” bài Cư trần lạc đạo.
Và bài của nickname Ba Gàn lại mang phong vị hoàn toàn khác, là sự
ứng đối nhịp nhàng trong tương quan với bài nguyên tác của Tổ Trúc Lâm.
“Ở đời chơi đạo, đạo tùy duyên” cũng là đề cập tu đạo giữa cuộc đời,
nhưng ý thơ này không còn bóng dáng của người tu. Tổ Trúc Lâm nói “thả
tùy duyên” là vẫn còn bóng dáng của người tu nơi ấy. Ý thơ “Đói đến vừa
ăn, mệt quẳng liền” cũng tương tự ý “đói thì ăn, mệt thì ngủ” của Trần
Nhân Tông, dù là một bên nói “mệt thì ngủ”, một bên nói “mệt thì không
ăn nữa”.
Câu thơ thứ ba, Tổ Trúc Lâm dùng hình tượng “của báu ở ngay trong
nhà” để chỉ bản tâm ở mỗi người, thì Ba Gàn diễn đạt ý vô ngã: “Trống
rỗng không nhà, hòa bản tánh”. Tổ bảo “của báu ở nhà”, Ba Gàn bảo “không
cả nhà, hòa với bản tánh”, quả là một ý xướng họa tương đắc vậy.
Và câu cuối, khi mọi người trước nay lướng vướng chỗ “đối cảnh vô tâm
mạc vấn thiền” của Tổ, thì Ba Gàn họa bằng một ý mới “đối cảnh thông
tâm đấm cửa thiền”. Ý thơ của Tổ dẫu dùng chữ “vô tâm” nhưng vẫn còn
“đối cảnh”, ở đây Ba Gàn họa bằng ý “đối cảnh thông tâm”, thành ra tâm
và cảnh không còn phân biệt. Bởi tâm thông với cảnh nên bản tánh vượt
lên trên cả hai trạng thái: “đối cảnh” và “nhập chung với cảnh”, để thể
hiện tính chủ động: “đấm cửa thiền”. Khi tâm thông với cảnh, thì cửa
thiền chính là sự “mở toang” như thế chăng?