Bạch
Cư Dị (772-846) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, quê Thái Nguyên
nhưng dời đến Thiểm Tây và ông sinh ở Hà Nam, xuất thân trong một gia
đình quan lại cấp dưới. Thuở thiếu thời ông cùng gia đình chạy loạn,
sống trong cảnh nghèo khổ bấp bênh. Năm 30 tuổi (802) ông đậu tiến sĩ,
được phong làm Hàn lâm học sĩ, năm sau phong Tả thập di. Năm Nguyên hòa
(815) vì dâng sớ “Xin mau mau bắt giặc, để rửa nhục cho đất nước” nên
ông bị giáng chức làm tư mã ở Giang Châu (tỉnh Giang Tây). Những năm làm
quan ở vùng sâu, Bạch Cư Dị chăm lo làm thủy lợi, dẫn thủy nhập điền,
đắp đê ngăn nước.
Thời gian làm thái thú ở Hàng Châu (tỉnh Triết Giang) ông vận động
nhân dân đắp đê ngăn nước sông Tiền Đường. Trong bài thơ “Biệt châu
dân” ông viết: “Duy lưu nhất hồ thủy, dữ nhữ cứu hung niên” (Chỉ để lại
một hồ nước, cùng mọi người cứu năm mất mùa). Năm 845, sau hơn 40 năm
làm quan, Bạch Cư Dị về hưu tu sửa chùa Hương Sơn, lấy hiệu Hương Sơn cư
sĩ, kết bạn già rất thân với sư Như Mãn và ông tự hào nói “Lòng ở
nơi Thích Phạn, chân ở chốn Lão-Trang”. Năm 846 ông qua đời, hưởng
thọ 75 tuổi, để lại hơn 3 nghìn thi phẩm, trong đó hai bài “Trường hận
ca” và “Tỳ bà hành” lưu truyền ở Việt Nam xưa nay, đến nỗi Ngô Thì Sĩ,
nhà văn thế kỷ XVIII phải thốt lên rằng: “Lũ trẻ chúng tôi tranh nhau
nhòm ngó”.
Trong các thi nhân đời Đường (618-907) sau “Thi Phật” Vương Duy,
Bạch Cư Dị là người chịu ảnh hưởng đạo Phật sâu sắc nhất. Bạch Cư Dị có
quan hệ mật thiết với vị thiền sư nổi tiếng là Mã Tổ Đạo Nhất. Thời kỳ
tráng niên làm quan ở kinh đô Trường An (tỉnh Thiểm Tây), Bạch Cư Dị
thường lui tới và đàm đạo thường xuyên với đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất,
tự nhận mình là bậc môn đệ và nói “Nửa cuộc đời của mình giao du ở trong
chốn Tăng”(Giao du nhất bản Tăng trung). Bốn vị Tăng mà Bạch Cư Dị
thường giao lưu, là Hỷ Chiếu, Mật, Nhàn và Thực. Điển Tịch Thiền Tông mà
Bạch Cư Dị thường đọc là “Ngũ đăng hội nguyên”. Chẳng những kết giao mà
Bạch Cư Dị còn chịu ảnh hưởng thiền pháp bình dị, tự nhiên và dễ hiểu
của Mã Tổ Đạo Nhất. Trong cuộc sống cũng như trong lý luận và sáng tác
thơ ca, Bạch Cư Dị chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền luận “Bình thường tâm
là đạo” (Bình thường tâm thị đạo) của đạo Phật.
“Bình thường tâm là đạo" là hạt nhân tư tưởng thiền tông của Lục Tổ
Huệ Năng được Mã Tổ Đạo Nhất tiếp thu và vận dụng triệt để trong cuộc
sống. “Bình thường tâm” là một loại “thế đạo nhân tâm” phổ biến trong
cuộc sống thường nhật của con người. Đệ tử của Đạo Nhất là Chu Tuệ Hải
có lần hỏi thầy: “Hòa thượng tu đạo hay dụng công là như thế nào?”. Sư
đáp: “Đói thì ăn cơm, nhàn thì đi ngủ”. Trò lại hỏi: “Thế con người đều
dụng công như thầy sao?”. Sư đáp: “Không giống nhau”. Qua đây có thể
hiểu rằng triết lý sống “Bình thường tâm là đạo” của Lục Tổ Huệ Năng rất
đơn giản, dễ hiểu như “đói thì ăn cơm, nhàn thì đi ngủ”. “Bình thường”
là bản thể của cuộc sống thường ngày. Hiểu một cách giản đơn nghĩa là
cái “tâm” lúc nào cũng thanh thản, bình thường và đối với sự việc cũng
luôn luôn bình thường, không có gì quan trọng cấp thiết và vội vã. Mối
quan hệ giữa “tâm” và “sự” là “bình thường”. Đối với sự việc con người
không nên “trú tâm” và cũng không nên “lưu tâm”. Từ “Bình thường tâm là
đạo” dẫn tới mối quan hệ giữa “đạo”, “lý” và “pháp”. Từ “đạo”, “lý” và
“pháp” kết hợp hài hòa đưa đến quan niệm về “tâm”, “tính” và “ngã” (bản
thân). “Phật đạo” cũng từ đó mà hình thành và xuyên suốt trong đời sống
thường nhật của mỗi người. Bạch Cư Dị chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền tông
“Bình thường tâm là đạo” và thể hiện ở các biểu hiện sau đây:
Trước hết, đó là sự nhận thức sâu sắc của Bạch Cư Dị về “bình thường
tâm” đối với đời người, đối với sinh mệnh và đối với cuộc sống của con
người. Do xuất phát của “bình thường tâm”, ông đối xử tốt với người. Ông
chỉ cầu mong “sự” bình an mãn ý mà chẳng màng công danh phát đạt hay
cầu danh trục lợi, chỉ muốn định vị làm một con người bình thường, giản
dị và lạc đạo suốt đời. May mắn hơn Lý Bạch và Đỗ Phủ trên con đường cử
nghiệp, Bạch Cư Dị đậu tiến sĩ và được bổ làm quan sớm nhưng ông không
xem trọng con đường công danh, quan lại vào luồn ra cúi mà chỉ nghỉ đến
“tâm và đạo”. Trong bài thơ “Thường lạc lý nhân cư ngẫu đề thập lục
vân”, ông viết:
“Công chuyết tính bất đồng,
Tiến thoái tính toại thù
Hạnh phùng thái bình đại
Thiên tử hảo văn nho”.
Dịch nghĩa:
“Tính vụng khéo không giống nhau,
Việc tiến thoái thành khác biệt.
May mắn gặp thời thái bình,
Thiên tử ham thích văn chương nho nhã”.
(Hồ Sĩ Hiệp dịch)
Cũng trong bài thơ trên, tác giả diễn tả cuộc sống thanh liêm bình dị
với cảnh “nhà cỏ 5 gian, một con ngựa hai người hầu, bổng năm sáu ngàn,
tiền lương hàng tháng cũng có dư”. Cuộc sống như thế đối với ông là quá
đủ, chẳng còn ham muốn gì hơn. Dù là khi làm quan ông vẫn giữ nếp sống
bình thường, giản dị theo triết lý “Bình thường tâm” của đạo Phật.
Trong bài “Tỳ bà hành”, ông miêu tả cảnh cô đơn, hiu quạnh khi làm
“Giang châu tư mã”. Dù trong hoàn cảnh nào và ở đâu, Bạch Cư Dị cũng tâm
niệm triết lý sâu sắc “Bình thường tâm là đạo” của đạo Phật. Ông luôn
luôn xác định cho mình một lẽ sống của bậc tu hành đắc đạo là “vô cùng”,
“vô sự”, “vô hình” và “vô ưu”. Theo ông, đó là tự định vị của đời người
tốt đẹp nhất mà ai nấy đều phải hiểu. Đối với Bạch Cư Dị, “đạo và đời”
là một. Tâm niệm sâu sắc tư tưởng “bình thường tâm” nên suốt đời Bạch
Cư Dị rất gần dân, nhất là những năm tháng ông bị biếm “làm quan ở cõi
ngoài”. Là một nhà thơ, một tiến sĩ và là quan lại nhưng lúc nào ông
cũng nghĩ về ruộng đồng, dịch bệnh và nước tưới tiêu cho nông dân mùa
màng tốt tươi để nhân dân no đủ.
“Bình thường tâm” đã làm cho Bạch Cư Dị càng yêu mến và cố gắng giữ
gìn sinh mệnh vật chất của cá nhân mình. So với các nhà thơ lớn đương
thời như Hàn Dũ, Mạnh Giao và Lý Giá, Bạch Cư Dị có nhiều suy nghĩ về
cuộc sống hiện tại không vì cuộc sống khổ sở mà bi quan, chán chường mà
trái lại ông quyết tâm can đảm vượt qua. Lạc quan tự tại và bình thản
luôn luôn được Bạch Cư Dị ghi nhớ. Trong bài thơ “Sơ trừ sản tào nhi
ngôn chí”, ông nói rằng:
“Nhân sinh bách tuế kỳ,
Thất thập hữu kỷ nhân.
Phù vinh cập hư vị,
Giai thi thân chi tân.
Duy hữu y dữ thực,
Thứ sự thô quan tâm.
Tuân miễn cơ hàm ngoại
Dư vật tận phù vân”.
Dịch nghĩa:
“Đời người kỳ hạn trăm tuổi,
Bảy mươi tuổi có mấy người?
Phù vinh và trống rỗng,
Đều là khách của bản thân.
Duy chỉ có ăn và mặc,
Việc đơn giản đó mới quan tâm.
Nếu như tránh được cơ hàn,
Vật còn sót lại chỉ là phù vân”.
(Hồ Sĩ Hiệp dịch)
Đời người thật ngắn ngủi như bóng câu qua cửa sổ. Tiếng tăm và địa vị
chẳng qua cũng chỉ là thứ hư không và trôi nổi không tồn tại dài lâu,
còn cơm ăn áo mặc, cảnh cơ hàn thì cứ hiện ra từng ngày và ở mọi lúc mọi
nơi. Bạch Cư Dị làm bài thơ này lúc ông mới 30 tuổi, nghĩa là chỉ một
nửa của cuộc đời, đến khi về già ông càng hiểu rõ triết lý. Phải chăng
nhà thơ muốn ngụ ý để giữ gìn sinh mệnh của mình.
“Bình thường tâm là đạo” là gạt bỏ những điều vụn vặt, phiền toái
trong cuộc sống thường nhật. Trong cuộc sống, Bạch Cư Dị hình như lãng
quên mọi điều phiền muộn uất ức. Trong thơ ông thường nói đến việc ngồi,
nằm và ngủ. Ông có loại thơ “nhàn thích” toát lên nội dung muốn an
nhàn, tự tại, bớt lo nghĩ những điều phiền muộn trong cuộc sống. Bạch Cư
Dị có hàng loạt bài thơ mà đầu đề của nó thấm đượm tư tưởng của thiền
tông như: “Xuân miên”, “Xuân tẩm”, “Vãn vọng”, “Dạ tọa” “Nhàn cư”,
“Thích ý”, “Bắc đình động túc”, “Thôn tuyết dạ tọa”, “Đông viên ngoại
cúc”, “Mao xá” v.v…
Bạch Cư Dị có nhiều bài thơ mà đầu đề có chữ “bạch phát” (đầu bạc)
như: “Sơ kiến bạch phát”, “Bạch phát”, “Anh đào hoa họa thám bạch phát”,
“Bạch phát sinh lai tam thập niên”. Từ xưa đến nay, chưa có nhà thơ nào
diễn tả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày nhiều như Bạch
Cư Dị. Điều đó chứng tỏ ông chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền tông rất sâu
sắc.
Tư tưởng thiền tông chủ trương quan tâm đến xã hội và hiện thực đời
sống của chúng sinh. Phật giáo dạy rằng, “chúng sinh bình đẳng”, mọi
người, mọi giống và mọi cấp trong xã hội đều có quyền bình đẳng về vật
chất và tinh thần. Nhà Phật lấy việc bi phẫn của chúng sinh và cứu vớt
tai nạn của con người làm trách nhiệm của mình. Cái gọi là “tự lợi lợi
tha” (làm lợi mình và làm lợi người khác) hay “tự cứu cứu nhân” (tự cứu
mình và cứu người khác) là những điều mà mọi người phải suốt đời tâm
niệm. Quan tâm đến dân sinh, xã hội thể hiện rất rõ ràng và cụ thể trong
thơ của Bạch Cư Dị. Đặc điểm này thể hiện ông kế thừa truyền thống của
Đỗ Phủ và tiếp thu tinh thần “Bình thường tâm là đạo” của Phật giáo.
Trong "Bức thư gửi Nguyên Cửu" (tức nhà thơ Nguyên Chân), Bạch Cư Dị
viết: “Thơ của Đỗ Phủ là nhiều nhất, đáng lưu truyền có hơn ngàn bài…
nhưng chọn ra những bài như: “Tân An lại”, “Thạch Hào lại”, “Đồng quan
lại” , “Tắc Lô tử” hay “Lưu Hoa môn” với những câu như “Chu môn tửu nhục
xú, lộ hữu đống tử cốt” (cửa son rượu thịt để ôi, có thằng chết lả
xương phơi ngoài đường) thì cũng chưa đến 40 bài". Trong các bài thơ
như “Mại thán ông”, “Đỗ Lăng tẩu”, “Ca nữ”, “Tây lương chi”, “Thương
Dương bạch phát nhân” thể hiện sự quan tâm và đồng cảm sâu sắc của Bạch
Cư Di đối với những con người nghèo khổ và thấp kém trong xã hội đời
Trung Đường.
Cũng vì thấm nhuần nhiều triết lý của đạo Phật nên Bạch Cư Dị có thái
độ xử sự rất đúng với thế giới nội tâm. Ông hiểu rõ mối quan hệ giữa
“tâm” và “đạo”, “bình thường tâm” với “bình thường sự”. Trong cuộc sống
thường nhật hay trong hành sự công việc, ông lấy cái “tâm thức” của mình
để giải hòa mâu thuẫn của cá nhân và xã hội.
Bạch Cư Dị là nhà thơ lớn thời Trung Đường. Ông là nguời kế thừa
truyền thống hiện thực bất hủ của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ được mệnh danh là “Thi
Thánh” thì Bạch Cư Dị được coi là “Thi Phật”. Ông coi Đỗ Phủ là “lão Đỗ”
(bậc đàn anh họ Đỗ) còn tự coi mình là “tiểu Đỗ” (đàn em của Đỗ Phủ).
Đỗ Phủ chịu ảnh hưởng của đạo Nho, còn Bạch Cư Dị gắn bó máu thịt với
đạo Phật. Cuối đời từ quan trở về, dứt bỏ màu áo xanh của chốn quan
trường, ông khoác bộ áo nâu sẫm của Phật ở chốn cửa thiền. Ông bỏ tiền
ra tu sửa chùa Hương Sơn ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam).
Sống đời tu hành, hòa đồng với nhiều Tăng Ni, sư sãi, khắc kinh, tặng
kinh, thắp nhang, bái Phật mặt hướng về phía Tây mà ca kinh niệm Phật.
Thời còn làm quan, ông cùng với dân chúng đắp đê, ngăn nước, trừ hạn
hán. Về già ở chốn cửa thiền, ông mở rộng lòng từ bi, bác ái và làm từ
thiện cho đời. Giúp người không biết mệt mỏi, cả cuộc đời, với ông, đạo
và đời là một. Thơ của ông thấm đậm chất thiền nên được nhiều người ưa
chuộng, trong có có tầng lớp chư Tăng. Ông tự hào nói: “Từ Trường An đến
Giang Tây, ba bốn ngàn dặm, tất cả trường làng, chùa chiền, quán trọ,
đò giang đều có thơ của tôi. Kẻ sĩ, Tăng đồ, sương phụ và kỹ nữ đều đọc
thơ của tôi” (Thư gửi Nguyên Chẩn). Bạch Cư Dị qua đời, người đưa tang
ông trắng cả cánh đồng. Người già khóc như trẻ thơ, sư sãi cung kính
tiếc thương, chùa chiền gõ mõ tụng kinh tiễn đưa một nhà thơ - một con
người mà cả cuộc đời gắn bó với triết lý “Bình thường tâm là đạo” đã đi
vào cõi vĩnh hằng.
PGS. HỒ SĨ HIỆP