Tôi đã biết yêu mất rồi. Người con gái nào chưa biết yêu thì chưa
biết khổ, chưa biết hạnh phúc. Tôi bật khóc một mình vì đã biết yêu: yêu
chỉ để yêu. Một thế giới riêng của tôi thôi, cả vui và buồn nữa …
Mỗi buổi sáng thức giấc, nhìn ban mai với những tia nắng ấm tươi, tôi
lại nghĩ về một điều gì đó mới mẻ sẽ đến với tôi trong ngày. Hai người
bạn già cùng nhau tản bộ. Một cô gái miệng cười tươi đưa nhẹ miếng bánh
vào miệng bạn trai với đôi chân bước đi như có nhạc. Vui thật, đẹp thật.
Tự nhiên và chẳng kiểu cách gì. Ai xui? Ai bảo?… Tình yêu là thế!
Tôi đã biết yêu mất rồi. Người con gái nào chưa biết yêu thì chưa
biết khổ, chưa biết hạnh phúc. Tôi bật khóc một mình vì đã biết yêu: yêu
chỉ để yêu. Một thế giới riêng của tôi thôi, cả vui và buồn nữa. Mấy ai
nhận ra rằng mình biết yêu là vui. Bởi người ta thường nghĩ rằng yêu
đơn phương là khổ…
Tôi cũng phần nào cố gắng thoát ra khỏi “cái khổ” ấy. Người tôi yêu
chẳng có gì liên quan đến sự xắp đặt và chọn lựa của tôi từ trước. Những
kinh nghiệm từ điện ảnh, báo chí chẳng giúp gì được cho tình yêu của
tôi, ngoài sự hối hả đến cuồng nhiệt của một người con gái phải tranh
thủ để yêu, vì nghĩ rằng ngồi chờ là lỗi thời, tụt hậu…
Tôi phải tự hạn chế dư luận để kiên nhẫn. Có lúc, tôi rất tự tin rằng
mình xinh xắn, dễ thương. Tôi thờ ơ trước mọi sự theo đuổi. Điều đó quá
dễ. Dễ hơn cả việc tôi đứng trước mặt anh để đón nhận một nụ cười, một
câu hỏi thăm đầy thiện cảm. Tôi vẫn nhận được điều đó mỗi lần giáp mặt
anh… nhưng sao cứ vẫn xa xôi và cô đơn quá đỗi.
Bận bịu vì yêu và khốn khổ vì yêu, gần như thu hết năng lượng nữ tính
của một người con gái. Với vẻ ngoài hình thể luôn nhạy cảm với bất cứ
ánh mắt nào, người con gái thời @ với các danh xưng 8x, 9x… ngày một
giống như những con công khoe sắc. Nhưng anh đối với tôi gần như chẳng
có chút bận tâm nào. Trong lòng anh không có sóng hay đang chỉ là biểu
hiện của những đợt sóng ngầm? Tôi cứ đặt câu hỏi, còn anh vẫn cứ như
anh, nhẹ nhàng và chừng mực.
Duyên là năng lực của tình yêu. Duyên có quyền năng nhiều hơn cái
đẹp. Càng như vậy tình yêu càng khó nắm bắt. Tôi và anh, ước gì từ kiếp
nảo kiếp nao đã nhìn nhau và thương nhau thì hay biết mấy. Nhưng rất có
thể anh cũng đang đơn độc như tôi. Đang dùng hết năng lượng nam tính của
mình để theo đuổi một ai đó.
Một người trưởng thành thường nghĩ nhiều hơn là hỏi. Nếu có hỏi thì
họ lại tự cho mình cái quyền trả lời ngay và phải trả lời theo cái điều
họ thích. Có người phụ nữ nói vui rằng: Người phụ nữ sẽ không thể có một
tình yêu thương thực sự khi không thông qua năng lực của một người đàn
ông. Nghe có vẻ như đàn ông đang trở thành một thứ “cám dỗ” mới của xã
hội, luôn khiến những người phụ nữ phải vội vã yêu, vội vã sở hữu và vội
vả khổ.
Anh là một người nhiều trắc ẩn và “bao đồng” với cả những cục gạch
nằm ngang trên đường. Một thiếu nữ ngang bướng, pha thêm một chút tự
kiêu “đủ dùng” đã trở nên hiền dịu, ý tứ khi gặp anh, khi bắt đầu biết
yêu sự nhẹ nhàng, chừng mực của anh. Và có lúc “đành hanh” nổi lên,
người con gái đó còn muốn “sâu sắc” hơn cả anh mới lạ chứ.
Một ngày kia, được bước đi bên anh, tôi mới hiểu mẹ đầy tràn trong
trí nhớ của anh, Đức Phật từ bi đầy tràn trong cách nghĩ của anh. Tôi
phải lắng nghe trong ganh tị, và mơ hồ nghĩ rằng không biết tôi có một
chút nào trong ký ức của anh không? Câu hỏi thật ngớ ngẩn, nhưng tình
yêu luôn thôi thúc những điều còn ngớ ngẩn hơn thế nữa. Cô đơn có phải
là niềm hạnh phúc riêng biệt nào đó không?
Tôi có thể nhảy múa một cách sôi động, có thể gào thét thật to với
những thứ tình yêu cay đắng trên màn hình karaoke. Nhưng mỗi lúc đi bên
anh tôi lại thấy mình được bảo vệ, được kiểm soát. Tôi cần anh, và lúc
nào cũng như thế, nụ cười ấy, phẩm chất ấy luôn nhẹ nhàng, chừng mực,
bao dung, để tôi không khi nào mất đi những cảm giác an toàn.
Nhưng tôi sợ khoảng cách, khoảng cách về tâm thức, về cái duyên mà
tôi hình dung mình chưa có với anh. Tôi phải cố gắng rút ngắn khoảng
cách ấy. Và bất cứ cử chỉ vội vàng nào lúc này cũng có thể là thất bại.
Và rồi có lúc tôi nghĩ: hay là mình phải đi tìm một người bạn mới, có
thể tôi sẽ yêu và lấy người đó. Nhưng tôi lại sợ lúc ấy tôi sẽ không còn
được làm bạn với anh và tôi sẽ không còn là tôi nữa. Tôi muốn nói thật
nhiều với anh, rằng anh đừng chừng mực và đừng “một mình” mãi như thế.
Nhưng tôi thấy mình thật tức cười. Tôi nghĩ rằng anh đang “một mình”
sao?
Và rồi tôi nghĩ… tại sao người con gái khi yêu lại phải nghĩ nhiều
như thế? Tôi phải chống đối lại anh, phải làm ra những hành động, cử chỉ
để khiến anh bực tức. Nhưng không hiểu sao tôi không thể làm được. Tôi
đã thương cả sự nhẹ nhàng, chừng mực của anh và tôi không muốn anh bị
tổn thương.
“Mẹ ơi! Có bao giờ mẹ làm cho ba cảm thấy cô đơn không?”. Mẹ chỉ mỉm
cười trước câu hỏi của tôi. Mẹ buộc tôi phải đi tìm câu trả lời. Tôi
đoán rằng “không”, nhưng bất ngờ đến chiều mẹ nói với tôi: “Con gái của
mẹ khờ lắm. Ba con phải cô đơn thì ba con mới yêu mẹ. Nhưng con đừng
hiểu cô đơn là buồn nhé”.
Tình yêu ơi! Đức Thế Tôn khi còn là một người chồng đã rời bỏ vợ đẹp,
con thơ trong một đêm trường, để thực hành con đường “cô đơn”. Và sáng
mai Gia Du Đà La thức giấc sẽ khóc hết nước mắt khi không thấy Người:
thấy người mình yêu, thấy chồng mình.
Đức Thế Tôn muốn Gia Du Đà La “trưởng thành” với tình yêu của mình.
Nên Đức Thế Tôn chỉ yên lặng. Chỉ cần Đức Thế Tôn có thể yên lặng trong
định tỉnh thì Gia Du Đà La sẽ thôi không khóc. Cho đến khi Đức Thế Tôn
về nhà. Cho đến khi Gia Du Đà La đến bên ôm chân Người với giọt nước mắt
trong veo lăn dài trên má. Tình yêu của Đức Thế Tôn không bao giờ ngưng
hiện diện. Tình yêu ấy càng rộng lớn hơn trong sự định tỉnh của Ngài.
Cho đến một ngày, anh điện thoại và nói với tôi: “Anh đang nhớ về em
đây!”. Tôi rất muốn hỏi ngay rằng anh đã nhớ tôi như thế nào, nhưng nói
ra thì “vô duyên” quá. Và chỉ một câu nói của anh: “Không hiểu sao càng
yên lặng thì anh càng nhớ em. Em cũng thế, hãy yên lặng nhiều hơn để nhớ
anh em nhé!”, giọt nước mắt của tôi lần đầu tiên chảy ra trong và tinh
khiết đến như thế.
Tình yêu của Đức Thế Tôn! Tình yêu của biết bao con người! Đến đây tôi mới hiểu, hãy cứ biết yêu đi, rằng tình yêu sẽ đến…
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 30 | Nguyễn Phương Anh