Truyện - Tùy bút
Câu Chuyện Về Một Họa Phẩm Đắt Giá
18/06/2014 00:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính mời quý vị, quý bạn, quý Phật tử thưởng thức một truyện ngắn thực pha lẫn hoang đường, vừa có tính huyền bí vừa có tính cách triết lý, để thấy cuộc đời này tưởng như thực nhưng không có gì thực cả. Tất cả do tâm thức biến hiện. Thần linh chỉ là trò che mắt chúng sinh.

Việc phát hiện ra bức tranh cuối cùng của nhà danh họa Lê Thành đã đẩy cả đất nước vào một cơn sốt. Họa sĩ Lê Thành chết cách đây hai mươi năm lúc ông khỏang ngòai sáu mươi và đã cống hiến cả đời mình cho nghành hội họa. Ở tuổi bốn mươi, tranh của ông không được chú ý cho lắm. Ông đã toan từ giã cái nghiệp của một họa sĩ tự do để xin làm cho một hãng chuyên vẽ quảng cáo. Nhưng với sự an ủi, khuyến khích và nâng đỡ của bạn bè, ông cố gắng cầm cự với cái túng, cái nghèo mà không đi làm. Nhưng không hiểu sao tranh của ông ở tuổi năm mươi bỗng được người ta chú ý. Song điều trớ trêu là không phải giới thưởng ngọan trong nước chú ý mà là những du khách ngọai quốc đủ thứ từ Mỹ, Nhật, Pháp đến Canada. Họ mua tranh của ông về làm quà tặng cho bạn bè, trưng bày trong nhà cũng có, do đó ông bắt đầu nổi tiếng. Ở vào giai đọan này đời sống ông tương đối dễ chịu, tiền bạc rộng rãi để có dịp an ủi bà xã, bọn nhỏ và bù khú với bạn bè. Cái tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng” muôn đời vẫn là thế đó. Nằm cạnh một thiên tài gần nửa cuộc đời không hề hay biết cho đến khi Tây, Nhật nó khen bà con ta mới quýnh lên. Đầu tiên là giới truyền thông đổ xô tới phỏng vấn và bốc ông lên tận mây xanh.. Rồi sau đó là các nhà sưu tầm tranh tìm đến gạ gẫm, đặt cọc trước để ông vẽ tranh. Nhưng tới mức này thì mình làm sao cạnh tranh được với các lái tranh Mỹ, Nhật?  Cho nên hầu hết tranh của ông vẽ vào những năm cuối cùng của cuộc đời đều lên máy bay, bay về Paris, Nữu Ước, Tokyo hết.

Khi các lái tranh quốc tế hay tin ông mất đi thì họ mới làm một cuộc triển lãm ở Paris. Lúc đó thì các nhà phê bình mới thấy ông quả là một họa sĩ lớn của thời đại. Tranh ông pha trộn giữa các trường phái vừa hiện thực, siêu thực vừa trừu tượng, thỉnh thỏang chấm phá vài nét kỷ hà thật độc đáo. Màu sắc tranh của ông được mô tả là linh động và tỏa ra một cái gì đó rất lãng mạn, êm đềm nhưng làm người xem phải suy nghĩ về chiều sâu triết lý của nó. Dĩ nhiên tới mức này thì tranh ông lên giá vùn vụt, thậm chí có bức được trả tới giá vài trăm ngàn đô-la. Và người ta cũng còn đổ xô về Việt Nam để lùng kiếm tranh ông khiến gây cảnh mua bán tranh giả cười đau khóc hận. Vậy nếu như việc phát hiện ra bức tranh cuối cùng của đời ông có gây cho đất nước một cơn sốt cũng là lẽ thường, nhất là ở một xứ nhỏ bé như Việt Nam.

Đây cũng cần phải nói rõ bằng cách nào người ta đã tìm ra bức tranh ông vẽ vào giai đọan cuối cùng của đời ông? Số là năm nào cũng vậy, cứ vào mùa hè ông đều xách mầu, giá vẽ và khung vải, đáp máy bay ra Nha Trang ở chung với một người bạn, vừa để nghỉ hè, tắm mát vừa sáng tác. Mùa hè  cách đây hai mươi năm thì cũng lập lại một thói quen như vậy. Với tình trạng tài chánh của ông lúc bấy giờ sẽ có người thắc mắc hỏi tại sao ông không ở khách sạn hoặc thuê mướn một biệt thự cho yên tĩnh? Nhưng tính ông lại thích bù khú với bạn bè. Vả lại ông thường nói, ở với bạn bè có cái thú là mình có thể ăn nói vong mạng mà chẳng sợ mất lòng ai vì thằng bạn thân nó có đem chuyện mình nói cho người khác hoặc hại mình bao giờ? Hơn thế nữa ông bạn lại là một nhà thơ thích sống trầm mặc; con cái ở bên Tây, bên Mỹ hết cả nên ông về đây mua một căn nhà, sát bờ biển, vừa đủ ở để dưỡng già. Một nhà thơ ở với một họa sĩ thì chẳng có gì phiền tóai, chứ ông ở chung với một ông bạn nhạc sĩ, đàn ca tối ngày thì chắc ông sẽ điên lên và xách giá vẽ đi chỗ khác. Ngòai ra ông bạn này tính khí cũng hơi bất thường. Tiếp đãi bạn vài ngày xong, ông trao chìa khóa nhà cho bạn rồi lang thang khắp vùng, sáng đi chiều về, có khi đi biền biệt cả tuần không biết chừng cho nên họa sĩ Lê Thành tha hồ vẽ tranh.

Tuy nhiên sự sáng tác nhiều khi cũng lắm cái trớ trêu. Lắm lúc nguồn hứng khởi ở đâu nó cứ ào ào chạy tới, có lúc dù không khí êm đềm, vắng lặng, gợi cảm mà ý tứ nó cứ trơ ra cho nên người ta thấy ông chỉ nguệch ngọac. Một ngày có khi chỉ vẽ vài giờ rồi ông quăng cọ đi dạo mé biển hoặc ra ngòai phố tán dóc chơi. Nhưng cuối cùng thì với tài năng của ông, một bức tranh mới cũng được khai sinh. Nhưng rủi cho ông, trước hôm lên máy bay trở lại Sài Gòn, ông bị một cơn chấn động tim. Ông bạn thi sĩ vội vã đưa ông vào bệnh viện cấp cứu rồi xin phép bác sĩ đưa ông về Sài Gòn chữa trị. Nhưng số mệnh của ông đến đây là hết. Chỉ ít ngày sau ông vĩnh viễn ra đi. Sau khi ở lại ít ngày để tham dự đám tang, người bạn thi sĩ quay trở lại Nha Trang và trong lúc vội vã cũng quên thông báo cho gia đình Lê Thành hay là ông có sáng tác một bức tranh hiện vẫn còn để tại Nha Trang.

Trở lại căn nhà mình, ông thi sĩ thấy bức tranh còn đó nhưng bạn ông không còn đó nữa. Đêm ấy ông đem tranh của bạn ông ra đặt tại hàng ba, lúc này cũng đã chan hòa với ánh trăng. Ông cứ vừa uống rượu, vừa ngắm tranh vừa ngâm thơ ông ổng cho đến khi rượu quật ông ngã nằm trỏng trơ dưới sàn gỗ. Ông cứ nằm đó ngủ tỉnh bơ cho dù sương đã xuống nặng và nước thủy triều đã kéo sát vào bờ và những đợt sóng vỗ vào những tảng đá nghe ầm ầm. Hôm sau, có lẽ phải quá trưa ông mới tỉnh dậy. Ông đem bức tranh ra công ty chuyên chở, nhờ đóng gói chở về Sài Gòn. Vì ở lâu trên đất Mỹ cho nên ông nhiễm thói quen đảo ngược họ tên. Thay gì gửi Bà Lê Thành, ông lại viết Bà Thành Lê. Còn về địa chỉ, như một định mệnh hoặc do men rượu còn chuyếnh chóang, thay vì viết 1115 Đường Trần Hưng Đạo, ông viết lộn thành 1511 Đường Trần Hưng Đạo. Gửi hàng xong, ông lảo đảo quay về nhà  tiếp tục ngâm thơ, uống rượu, nhớ bạn cho đến khi ông bị cảm thương hàn nhập lý phải chở ông vào nhà thương và tháng sau thì người ta cho biết ông cũng lại ra người thiên cổ.

Còn bức tranh, với cái tên và địa chỉ vô tình viết sai, cho nên nó đã chui tọt vào  kho hàng của Bà Thành Lễ bán bàn ghế, giường tủ nằm cách đó một dãy phố. Có lẽ vì quá bận rộn với đồ gỗ đủ lọai nằm ngổn ngang cho nên cũng chẳng ai để ý đến chiếc thùng gỗ mỏng nằm ở một góc kho. Do đó tấm tranh vẫn còn đó cho đến hai mươi năm sau.

Ở Việt Nam người ta chỉ có thói quen bán “sold” tức bán hạ giá các lọai quần áo, giầy dép, sách vở cũ nhân dịp Tết chứ không có thói quen bán đại hạ giá “big sale” hoặc bán đổ bán tháo “clearance” bàn, ghế, giường, tủ như ở Mỹ. Tình cờ có thằng cháu từ Mỹ về thăm. Nó thấy trong kho bà chứa đủ thứ hàng không tiêu thụ được, nó hỏi sao dì không chịu bán đổ bán tháo đi để gỡ lại chút đỉnh còn hơn tiền để đó là tiền vứt đi. Nghe nó nói thể kể ra cũng có lý cho nên bà bèn quát tháo người làm phải đem lau chùi lại những đồ cũ ế ẩm và treo bảng bán đại hạ giá 50%. Thế là chiếc thùng gỗ mỏng bám đầy bụi, chữ viết trên đó đã phai mờ được lôi ra. Sau khi dùng xà-beng tháo mấy thanh gỗ, ai ngờ lại lòi ra một bức tranh. Bà Thành Lễ vốn chẳng hiểu ất giáp gì về tranh ảnh nhưng cũng thấy ngồ ngộ cho nên ra lệnh đóng khung treo lên tường để vừa làm đồ trang trí, vừa mua vui cho khách.

Với tấm bảng đại hạ giá 50%, vả lại đây cũng là dịp sắm Tết cho nên bà con ta đổ tới, mua cũng có, ngắm cũng có, trong đó có một ông trông có vẻ đạo mạo, trạc ngòai năm mươi. Sau khi đảo qua một vòng tiệm, ông dừng lại ngắm bức tranh treo trên tường. Ngắm một hồi lâu, có khi lấy tay sờ, có khi ông lấy chiếc kính lúp trong túi ra kê sát vào tấm tranh, nhất là chữ ký nằm ở góc dưới. Ông nghiêng đầu qua tả, qua hữu rồi vò đầu bứt trán. Cuối cùng thi ông tiến tới bên Bà Thành Lễ hỏi:

- Thưa bà, bà mua bức tranh này ở đâu, hồi nào ạ?

Bà Thành Lễ thành thực đáp:

-          Cách đây khỏang hai mươi năm. Không phải tôi mua, mà có lẽ một người bạn nào đó tặng tôi hoặc khách hàng muốn trả nợ tôi bằng cách này không biết chừng.

Ông khách đứng tuổi lại hỏi:

-          Thế bà có ý định bán bức tranh này không?

Bà Thành Lễ cười nhẹ đáp:

-          Không, vả lại tôi thấy treo ở đó cũng hay cho nên muốn giữ làm kỷ niệm.

Nghe nói vậy người đàn ông nói lời cám ơn, tần ngần ít phút rồi quay gót. Ngày hôm sau ông ta quay trở lại với ba người đàn ông khác. Họ đứng sát vào bức tranh, lấy kính lúp ra rọi, ngắm tới ngắm lui rồi bàn tán cả giờ đồng hồ. Nét mặt của họ tỏ ra rất đăm chiêu và cẩn trọng. Người đàn ông đứng tuổi đó không ai khác hơn là Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật của Thành Phố Sài Gòn. Còn ba người kia là các chuyên viên giảo nghiệm và định giá tranh. Bốn người bàn tán như vậy hơn cả tiếng đồng hồ rồi mới bỏ đi. Sáng hôm sau bốn người này lại xuất hiện cùng với bức thư của Ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa gửi bà Thành Lễ. Cùng lúc đó thì báo chí trên trang nhất đều loan đi một tin làm chấn động cả nước đó là Bộ Văn Hóa vừa khám phá ra một bức tranh vẽ vào cuối đời của họa sĩ Lê Thành. Bức tranh có thể giá cả triệu Mỹ Kim nhưng không cho biết bức tranh hiện ở đâu. Sau khi xin gặp Bà Thành Lễ, tự giới thiệu mình, ông và ba người đàn ông được mời vào văn phòng làm việc riêng của bà. Sau khi trình bày cặn kẽ câu chuyện, Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật trao phong thư của Ông Bộ Trưởng Văn Hóa cho bà, đại lược nói hiện bà đang làm chủ bức tranh trị giá cả triệu đô-la. Đó là một cái may nhưng tính mệnh của bà cũng có thể bị đe dọa và nhất là nguy cơ đánh cắp bức tranh chuyển ra ngọai quốc. Hơn thế nữa nếu địa điểm này bị lộ ra ngòai, người ta sẽ kéo đến đây gây phiền phức cho công chuyện làm ăn của bà. Do đó Bộ Văn Hóa đề nghị trong khi chờ đợi thương lượng mua lại bức tranh, bà nên đem nó vào khu vực an tòan của Ngân Hàng Thái Bình Dương, phí tổn bao nhiêu chính phủ chịu. Nghe thư trần tình vậy, Bà Thành Lễ thấy câu chuyện không còn là điều rỡn chơi nữa, bà run run đáp:

-          Quý ông tính vậy cũng  phải!

Khi Bà Thành Lễ nói dứt câu, Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật quay điện thọai và khoảng nửa tiếng đồng hồ sau một chiếc xe bít bùng chạy tới với một tóan an ninh và một vị luật sư của Bộ Văn Hóa. Tấm tranh được hộ tống đưa ra xe rồi tất cả cùng đi tới trụ sở chính của Ngân Hàng Thái Bình Dương. Ngày hôm sau, không biết tin tức do ai xì ra mà báo chí, truyền hình đều đồng lọat loan tin chủ tiệm đồ gỗ Thành Lễ hiện đang là chủ nhân của bức tranh này. Thậm chí có báo còn loan tin giật gân là chính phóng viên ABC gì đó đã được nhìn tận mắt bức tranh và hứa sẽ đăng hình để cống hiến độc giả.

            Sau hơn một tháng thương lượng, Bộ Văn Hóa ra một thông báo với nội dung Bà Thành Lễ chịu bán lại bức tranh cho Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật với giá năm trăm ngàn Mỹ Kim, nhưng chỉ lấy một trăm ngàn, phần còn lại coi như cúng vào tài sản quốc gia. Bộ Văn Hóa còn cho biết sau một tuần lễ chuẩn bị, sẽ mở cửa cho công chúng tới thưởng ngọan. Tin này loan đi như một trái bom nổ. Báo chí, truyền thông tha hồ được dịp khai thác. Tiểu sử, hình ảnh của họa sĩ được đăng tùm lum khắp nơi. Thế vẫn chưa đủ, người ta còn tổ chức những buổi phỏng vấn trên đài phát thanh, đài truyền hình cho mời con cháu, bạn bè họa sĩ, các nhà bình luận văn hóa, nghệ thuật lên nói thêm về chi tiết cuộc đời, tính tình, cách ăn ở, về những kỷ niệm với ông, thật có mà phịa thêm ra cũng có. Thậm chí có một bà năm nay đã ngòai sáu mươi, không biết có phải vì muốn “chơi nổi” hay không mà dám đứng ra tự nhận mình là “người tình bé nhỏ” của họa sĩ lúc ông còn sanh tiền và chính “nàng” mới là nguồn cảm hứng để ông sáng tác.

            Trong tuần lễ mở cửa cho công chúng thưởng ngọan, người ta ước lượng có cả chục ngàn người kéo tới để ngắm tranh. Sau ngày này người ta cứ tưởng câu chuyện sẽ từ từ lắng dịu. Nhưng không! Vấn đề văn học nghệ thuật một khi nó còn nằm trong vòng thảo luận, đối thọai, bàn cãi giữa mấy ông làm văn nghệ, làm báo thì nó khác. Nhưng khi nó đã lan ra tới quần chúng, tới trà đình tửu quán, nó lan tới tiệc tùng, đám giỗ, đám cưới thì trở nên vô phương kiểm sóat. Ngòai ra, đối với các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản người ta làm chủ nhiều bức tranh vô giá, hoặc trị giá cả chục triệu Mỹ-Kim thì chẳng sao cả. Nhưng đối với một nước nhỏ bé như Việt Nam thì nó lại trở thành niềm tự hào, hãnh diện của dân tộc cho nên câu chuyện trở nên thời thượng và người ta bàn luận lan man không biên giới. Rồi không hiểu xuất phát từ đâu nảy ra một luồng ý kiến: Đồng ý bức tranh là báu vật của quốc gia nhưng tên nó là gì? Xe có số, người có tên, truyện ngắn, tiểu thuyết đều có tựa đề chẳng lẽ báu vật của Việt Nam mình không có tên sao? Nếu không tên thì phải đặt tên cho nó chứ. Không tên thì “quê” lắm! Thế là cả nước lại dấy lên một cơn sốt mới, không phải bàn tán về giá trị nghệ thuật của búc tranh mà là tìm cho nó một cái tên.

            Thôi thì không biết bao nhiêu buổi hội thảo, phỏng vấn, bài viết, gặp gỡ, bút chiến quanh vấn đề cái tên của bức tranh. Thậm chí có nhà bình luận văn học trong lúc quá hăng say đã quy chụp cho người bạn thân của ông cái mũ “phá họai văn hóa quốc gia” chỉ vì người bạn đề nghị một cái tên khác với cái tên của ông. Cuối cùng thì cả nước chia thành hai khuynh hướng đối nghịch nhau. Một phe do Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật cầm đầu. Một phe do nhà biên khảo kiêm bình luận văn học cầm đầu. Theo Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật thì nếu nhìn bức tranh từ trái sang phải thì mới đầu cụ họa sĩ Lê Thành vẽ một con lăng quăng, cạnh con lăng quăng là con tôm rồi con cá. Cạnh con cá là con trông giống như như con cá thòi lòi khổng lồ với hai cái mang lòi ra như hai cái chân. Kế đó là con cá sấu rồi con khủng long rồi sư tử rồi con vượn, con khỉ dã nhân và cuối cùng kết thúc bằng con người, biểu tượng bằng người đàn ông vạm vỡ tóc dài, râu ria lởm chởm của thời tiền sử. Tất cả những hình thể này được vẽ trong một cái quầng trắng tựa như một đám mây khổng lồ. Dưới đám mây là hằng trăm cánh tay giơ lên với hằng trăm khuôn mặt diễn tả đủ thứ tình cảm phức tạp của con người như: vui, buồn, giận dữ, thống khoái, khổ đau, kinh hoàng, ngạc nhiên, thất vọng, khóc, cười, ca hát, điên lọan, reo vui, la ó, phẫn nộ, chửi rủa v.v…Vậy theo quan điểm của ông, ý nghĩa của bức tranh đã nằm ràng ràng ra đó và cái tên của bức tranh phải là TIẾN HÓA. Còn nhà biên khảo kiêm bình luận văn học lại cho rằng có luật lệ nào buộc người ta phải nhìn từ trái qua phải? Ngòai ra Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật chỉ là dân hành chánh. Nghề của ông là mua bán, quản trị và trưng bày tranh cho dân chúng xem. Còn việc tìm hiểu về triết lý, giá trị nghệ thuật xin để các họa sĩ, các nhà bình luận văn học. Nhờ ông tí! Theo ông, một cách nghiêm túc nhất bức tranh cần phải được nhìn từ phải qua trái. Nếu nhìn theo chiều này thì đây là sự SUY ĐỒI chứ không phải tiến hóa. Ngòai ra ông này còn diễn dịch thêm: Phải chăng những cánh tay chới với giơ lên kia chẳng phải là sự kêu cứu về khuynh hướng mỗi ngày mỗi suy đồi của con người? Cử thử nhìn ra ngòai xã hội mà xem. Con gái mới mười ba, mười bốn tuổi đã mang bầu. Ca sĩ thì tóc dài cửi trần như khỉ dã nhân hát trên sân khấu. Còn lịch dâm ô, ảnh dâm ô, phim dâm ô được chiếu và bày bán khắp nơi. Nếu cái đà này tiếp diễn thì chỉ vài chục năm nữa thôi con người sẽ sống nhầy nhụa như lòai bò sát, lăng quăng. Vậy SUY ĐỒI mới là cái tên đúng đắn nhất dành cho họa phẩm.

            Để giải quyết dứt khoát vụ xung đột ý kiến này, Bộ Văn Hóa đã chấp nhận đề nghị cho mở một cuộc họp tay đôi giữa hai phe, với số đại biểu ngang nhau cùng với sự chứng kiến của truyền thông, báo chí. Buổi họp hôm đó diễn ra hết sức căng thẳng. Dù đã cho biểu quyết đến hai lần mà số phiếu vẫn ngang nhau. Vị đại diện Bộ Văn Hóa quá chán nản toan tuyên bố hoãn cuộc họp lại tới một ngày khác thì một lời đề nghị cất lên:

-          Thế tại sao không cho rút thăm?

Kể ra đề nghị này cũng có lý lắm. Một vài môn thể thao cũng phải giải quyết thắng bại bằng rút thăm. Vậy việc chọn một cái tên cho một bức tranh sao không thể giải quyết bằng cách rút thăm? Chính vì thế mà sau khi ý kiến này được đưa ra người ta nghe thấy nhiều tiếng xầm xì có vẻ tán đồng. Trong lúc vị chủ tọa toan quyết định cho rút thăm thì từ trong hàng đại biểu một cụ nghiêm trang đứng dậy nói:

-          Thưa quý vị, cái gì rút thăm thì được. Còn đây là chuyện văn hóa của nước nhà mà rút thăm thì thế giới nó cười vào mũi cho. Vả lại trong bốn ngàn năm văn hiến có ghi chép chuyện rút thăm bao giờ?

            Mặc dù các đại biểu khác cũng nóng lòng muốn giải quyết vụ này cho rồi nhưng ai cũng thấy ý kiến của cụ có phần xác đáng. Nhưng cũng chính vì sự xác đáng này mà hội nghị một lần nữa lại đi vào bế tắc cho nên tất cả đều không nén được tiếng thở dài. Cả hội trường bỗng trở nên im lặng, ngột ngạt. Ngay lúc đó từ ngòai cửa một thanh niên bước vào.

            Trong khi chờ đợi nghe anh chàng này nói gì chúng ta thử tìm hiểu xem lý lịch của anh ta như thế nào? Anh ta tên Sinh, năm nay khỏang ba mươi tuổi, có đầu óc phóng khoáng, thông minh, ứng phó lanh lợi, có nhiều tài, có đầu óc khôi hài nhưng chỉ tội thích sống nhàn, làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu cho nên tới bây giờ vẫn chỉ là một thứ “nghệ sĩ lang thang”. Chờ đợi ở hành lang từ sáng tới giờ nóng ruột, thấy hội nghị bế tắc cho nên Sinh lên tiếng góp ý chơi. Anh ta lớn tiếng nói:

-          Quý vị bàn tán thế này chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù sờ voi. Sao không hỏi thẳng tác giả? Tác giả nói tên gì thì bức tranh tên ấy có phải nhanh và gọn không?

Nghe một thằng cha căng chú kiết nào đó lớn lối giữa hội nghị như vậy một số đại biểu lộ vẻ bất bình toan đuổi ra ngòai nhưng một số thấy tuy có vẻ điên khùng nhưng không phải không có lý cho nên cố kiên nhẫn hỏi:

-          Đồng ý là như vậy nhưng cụ Lê Thành chết cách đây hai mươi năm rồi. Làm cách nào để nói chuyện với người chết?

Sinh cười lớn đáp:

-          Trời đất! Dân tộc chúng ta có nghệ thuật đánh đồng thiếp. Bao nhiêu chuyện oan khiên, bao bí mật của người chết đem đi còn hỏi được huống hồ tên của một bức tranh. Nếu qúy vị đồng ý, tôi sẵn sàng chịu ngồi đồng xuống hỏi cụ Lê Thành. Tôi chẳng thuộc phe phái nào cả. Chỉ vì danh dự của cả nước mà hy sinh chịu làm việc nguy hiểm này thôi.

            Sinh vừa nói dứt lời thì cả hội trường cùng ồ lên một tiếng, nhưng không phải để phản đối mà là tán thưởng. Thế là cuộc họp đang từ xung đột ý kiến bỗng chuyển sang làm thế nào tổ chức một buổi đánh đồng thiếp để giải quyết vụ này cho rồi. Bởi vì bây giờ sự cuồng nộ của dân chúng đã lên cao. Giả sử phiên họp này chẳng đi đến kết quả gì cả, dân chúng sẽ nói cái ông Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa chỉ là thứ ăn hại đái nát, còn đám bình luận văn học chỉ là quân phá thối thì hậu quả tai hại không biết là dường nào. Thà có giải pháp còn hơn không có giải pháp. Không có giải pháp là đồng hóa với hỗn lọan.

 

♦ ♦ ♦

 

            Theo lời đề nghị của mấy cụ cao niên trong phiên họp nói trên, cùng sự góp ý của mấy chuyên viên Bộ Văn Hóa, khỏang hai tuần lễ sau buổi đánh đồng thiếp được tổ chức tại một ngôi đình cổ kính, trang nghiêm. Chính giữa sân đình trải một chiếc chiếu hoa thật rộng. Bốn góc chiếu là bốn chiếc cọc trên có cắm bốn cành phan tượng trưng bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc treo đầy những bùa chú. Theo lời truyền tụng thì khi pháp sư bắt đầu ra tay thì gió sẽ thổi lồng lộng. Cành phan bay theo chiều nào thì hồn xuất về ngả đó. Khi hồn quay về để nhập lại xác phàm thì gió sẽ đổi chiều. Vậy người ta cứ nhìn vào cành phan là biết diễn biến của buổi đánh đồng thiếp. Quan khách được ngồi theo hình chữ U của ba mép chiếu bao gồm đại biểu của hai phe có ý kiến trái ngược nhau về tên của bức tranh và một đạo quân đông đảo báo chí, truyền hình và một vài hãng thông tấn ngọai quốc hiếu kỳ. Mép chiếu thứ tư hướng về sân đình chỉ kê hai chiếc ghế đẩu dành cho pháp sự và bà cốt. Bên cạnh đó là chiếc bàn nhỏ dành cho thừa phát lại trên có đặt tờ giấy cam kết của Sinh, cam đoan không kiện cáo hay làm khó dễ Bộ Văn Hóa nếu có chuyện không may xảy ra. Sự hiện diện của thừa phát lại còn cho thấy cuộc đánh đồng thiếp là hợp pháp và nếu Sinh có mệnh hệ nào thì đó không phải là một âm mưu khuất lấp. Khi tiếng trống thùng thùng vang lên thì ông đồng, bà cốt và Sinh từ mé hậu liêu bước ra. Cả ba thắp nhang lạy tạ Thành Hòang làng trước sân đình rồi Sinh bước tới ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu. Pháp sư lấy từ trong chiếc tráp ra ba lá bùa rồi căn dặn Sinh:

-          Lá bùa thứ nhất dùng để mở cửa Địa Phủ. Khi tới bức thành cao ngất cứ dán lá bùa này vào thì cửa tự nhiên mở ra cho nhà ngươi. Lá bùa thứ hai để mở cửa Địa Phủ ra về. Nếu làm mất đạo bùa này thì nhà ngươi vĩnh viễn làm con dân của Địa Phủ. Lá bùa thứ ba để soi đường, dẫn lối cho hồn ngươi nhập vào xác phàm. Cứ giơ đạo bùa này ra phía trước thì sẽ thấy một đốm sáng nhỏ như con đom đóm soi đường. Nếu mất đạo bùa này thì nhà ngươi như đi trong sương mù, không tìm thấy đường về và vĩnh viễn trở thành hồn ma không nơi nương tựa. Sau chót, điều này phải nhớ kỹ. Đạo bùa của ta chỉ linh nghiệm trong một tiếng đồng hồ. Nếu xuống đó nhà ngươi ham vui, thơ thẩn không về, khi bùa hết linh, hồn ngươi không nhập được với xác, đó không phải lỗi của ta hay của bà cốt.

            Nghe pháp sư dặn thế thì tất cả đều kinh hãi, còn Sinh thì ôm chặt ba đạo bùa vào lòng. Còn pháp sư thì lấy mấy ngón tay bấm bấm như thể xem giờ rồi đưa mắt ra hiệu cho bà cốt. Bà cốt lanh lẹ lấy một vuông nhiều điều trùm lên đầu Sinh và cuộc đánh đồng thiếp bắt đầu.

            Bằng tiếng thét làm mọi người giật bắn mình, pháp sư một tay bắt ấn, một tay lúc chỉ lên trời, lúc chỉ vào người Sinh. Còn bà cốt thì chạy quanh chiếc chiếu như chiếc đèn cù, miệng lẩm nhẩm đọc những câu thần chú. Rồi từ từ pháp sư bước chân theo phương vị bát quái, tay cầm  bó nhang khoa lên đầu Sinh lúc này đã phủ kín bằng vuông nhiễu đỏ. Đây là giai đọan quan trọng vì pháp sư đang trổ hết thần lực để xin Địa Phủ cử sứ giả về rước hồn người đang ngồi đồng.

            Còn về phần Sinh, sau tiếng thét của pháp sư, chàng thấy người mình nhẹ hẳn đi rồi tòan thân đang ở tư thế ngồi xếp bằng, từ từ cất lên cao. Chàng thấy sương mù và khói trắng ở đâu ùn ùn kéo tới cho nên cảnh vật chung quanh mờ dân, mờ dần. Khi thân hình đã nhấc lên khá cao thì chàng chuyển sang thế đứng, chưa biết làm gì thì nghe một tiếng quát lớn bên tai “ Chạy về hướng Tây!” Thế là chàng ù té chạy. Chạy được một đỗi chàng thấy đầu óc bắt đầu tỉnh táo. Nhìn hai bên là cả một vùng đồi núi chập chùng ẩn hiện trong làn sương trắng. Và chàng cứ tiếp tục cắm đầu cắm cổ chạy như thế có lẽ cũng gần nửa tiếng đồng hồ thì tới một bức thành cao ngút trời. Vì thành xây bằng đá hoa cương cho nên nó hòa lẫn vào mây cho nên ở xa không sao nhìn thấy. Nhớ lời dặn, chàng lấy đạo bùa dán lên mặt đá. Vùa dán xong một cái thì bức tường từ từ chuyển động và tách ra thành một lối đi và chàng lách mình vào.

            Kể từ đây, vì là ranh giới của Địa Phủ cho nên phong cảnh hoàn toàn đổi khác. Nhà cửa mọc sát như những đô thị Thời Trung Cổ. Đường đi rất hẹp chỉ đủ để hai người tránh nhau. Ánh sáng mờ mờ nhưng không tối lắm và tuyệt nhiên không thấy bóng người qua lại. Chàng cứ đi theo con đường nhỏ ngoằn ngòeo. Đi một đỗi chàng thấy phía trước là một cụ mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp, thắt lưng nhiễu đỏ ngồi trước một chiếc án thư, nét mặt rất trang nghiêm. Khi thấy chàng đến gần, cụ già lên tiếng hỏi:

-          Nhà ngươi tên gì và muốn gặp ai?

Chàng mau mắn đáp:

-          Thưa cụ, con tên Sinh và muốn gặp cụ họa sĩ Lê Thành.

Nghe nói vậy, cụ già chỉ vào cái phòng nhỏ bên cạnh, nói:

-          Ngươi ngồi đó chờ ít phút, quan lớn sẽ ra ngay.

            Tuân theo lời chỉ dẫn chàng bước vào. Trong phòng khách vỏn vẹn chỉ có hai chiếc đôn và một án thư trên đó có hai ngọn bạch lạp. Chàng lựa một cái đôn ngồi xuống chờ. Chỉ ít phút sau chàng nghe thấy tiếng chân người và từ trong bước ra một cụ già ăn mặc giống hệt cụ già ngồi trước cửa, có khác hơn là cụ già này mặt mũi hiền từ hơn, tay phe phẩy chiếc quạt lông và ngực có đeo một tấm thẻ ngà chứng tỏ cụ là một quan chức dưới Địa Phủ. Khi cụ già đã đến gần, Sinh đứng dậy lễ phép thưa:

-          Thưa cụ con tên Sinh, hân hạnh được gặp cụ.

Cụ già niềm nở chìa tay ra nói:

-          Ta là Lê Thành, ngồi…ngồi xuống. Đừng khách sáo.

Đợi cụ Lê Thành an vị đâu đó Sinh lên tiếng:

-          Con có câu truyện quan trọng muốn thưa với cụ…

Sinh chưa nói hết câu thì cụ già đã cắt ngang:

-          Lúc nào trên trần gian mà chẳng có chuyện quan trọng. Chuyện quan trọng trên đó giống như chuyện con nít đái dầm, trẻ em vòi quà.

Không dám có ý kiến chi với nhận xét của cụ, Sinh lễ phép thưa tiếp:

-          Thưa cụ, trên đó bây giờ họ đang cãi nhau lọan xà ngầu về cái tên của bức tranh cuối cùng cụ để lại !

Nghe Sinh nói vậy, cụ Lê Thành vuốt râu cười khà khà rồi thân mật vỗ vai Sinh, nói:

-          Chú mày chưa được người ta ái mộ, chưa được nổi tiếng nên chưa biết đấy thôi. Chứ nổi tiếng rồi dù có vẽ bậy ra đó người ta vẫn cứ khen nức nở như thường. Ta thực sự chẳng có chủ đích gì khi vẽ bức tranh đó cả. Ngươi về nói với trên đó…bức tranh đó ta vẽ đại ra. Tên nó là Họa Phẩm Vẽ Đại…ta không nói dối đâu.

            Nghe cụ Lê Thành nói vậy Sinh muốn bật ngửa người ra đằng sau. Tuy nhiên sợ cụ họa sĩ có tính đùa giai cho nên chàng vớt vát:

-          Chắc cụ thương con mà nói đùa vậy thôi. Tác phẩm của cụ đang là báu vật của đất nước, tài của cụ ai dám phủ nhận.

Nghe nói vậy cụ Lê Thành lại vuốt râu cười khà khà, nói:

-          Trần gian chỉ thích lời nói dối mà không tin lời nói thật. Ngươi cứ tưởng hễ là thiên tài rồi thì không bí đề tài à? Hôm đó quả thật ta bí rị đề tài. Ta có thói quen đem theo một cái túi trong đó đựng cả trăm thứ hình mẫu từ cây cỏ, hoa lá đến rắn rết, ba ba, thuồng luồng, chim chóc, cá tôm, đàn ông, đàn bà, thiếu nữ v.v…Khi nào bí đề tài ta cứ thò tay vào túi, bốc ra cái nào thì ta vẽ cái đó. Ngươi không tin ta sao?

            Với cuộc sống buông thả của típ “nghệ sĩ lang thang” quả thật Sinh rất thích tính tình phóng khoáng của cụ Lê Thành. Nhưng trót mang trên người một sứ mạng cho nên chàng vẫn cứ cho rằng ngòai biệt tài hội họa, cụ Lê Thành còn có đầu óc khôi hài cho nên chàng cố năn nỉ:

-          Xin cụ cho con một cái tên gì cũng được.

Nghe nói vậy cụ Lê Thành đứng dây, phất chiếc quạt lông, nói:

-          Họa Phẩm Vẽ Đại! Tên nó là như thế. Ta đã nói rồi. Ngươi không chịu tin sao? Nhà ngươi đứng lên, về ngay đi. Nếu chậm trễ bùa hết linh thì nhà ngươi vĩnh viễn làm con dân của Địa Phủ này. Đi nhanh lên!

            Nghe nói thế Sinh thất kinh hồn vía, không dám lằng nhằng nữa. Chàng lễ phép vái chào cụ rồi quay lui. Tới bức thành chàng mau lẹ dán lên đó đạo bùa thứ hai. Khi cánh cửa nứt ra, chàng lách mình ra ngòai. Ra tới ngòai, mặc dù còn bán tín bán nghi về những gì cụ Lê Thành nói nhưng dù muốn dù không đây cũng chính là lời từ miệng cụ nói ra. Lát nữa đây khi trở về dương thế, chàng chỉ cần thành thực trình bày hết thì chắc mọi người phải tin …và sau đó ung dung lãnh thưởng và từ rày về sau sẽ không bao giờ chơi cái trò dại dột này nữa. Nghĩ tới đây Sinh cảm thấy vô cùng phấn khởi và co giò phóng đi. Chàng cẩn thận giơ đạo bùa thứ ba ra như lời căn dặn của pháp sư. Một đốm sáng lập lòe phía trước như soi đường dẫn lối. Nhưng mới chạy được vài chục bước, mồ hôi trong người Sinh tháo ra. Chàng dừng lại, ngồi xuống một tảng đá bên đường, ôm đầu kêu than:

-          Không được! Không được! Hiện giờ dân chúng đang coi bức tranh của cụ là báu vật của đất nước. Nếu bây giờ ta nói đó chỉ là họa phẩm vẽ đại thì họ sẽ điên lên! Chà! Chà! Hơn thế nữa hai nhóm người kia nghe ta nói vậy khác nào ta bảo họ là lũ điên khùng, làm chuyện ruồi bu. Họ sẽ xúm lại đổ lỗi cho ta nói láo. Họ sẽ chụp cho ta cái mũ “phá họai văn hóa quốc gia” lúc đó ta ăn nói làm sao? Ai làm chứng cho ta? Chà! Chà! Ta là sứ giả được gửi đi. Cụ là thần linh. Nay thần linh nói ngược với ý muốn của quần chúng. Để bảo vệ giá trị của bức tranh, để bạo vệ cụ, người ta sẽ chém đầu sứ giả để cho thấy thần linh bao giờ cũng đúng, cũng vĩ đại. Còn ngược lại, nếu họ tin ta, tức là họ sẽ đạp đổ thần linh. Chà! Chà! Khó quá! Thần linh muốn tồn tại cũng phải nói theo khát vọng của quần chúng chứ?

            Bằng lời than như thế Sinh muốn trách khéo cụ sao không uyển chuyển một chút, có mất mát gì đâu? Nhưng rồi giữa giây phút bế tắc tột cùng đó, Sinh đột nhiên ngửng đầu dậy, bật cười, vỗ đùi đến đét một cái rồi nói:

-          Sinh ôi! Mi cứ tưởng mi thông minh nhưng thật ra rất chậm hiểu! Này nhé, có gì đâu? Bây giờ ta quên béng lời nói của cụ đi. Bởi ta có nói thật cũng chẳng ai tin. Khi đó ta sẽ bịa ra lời nói khác. Khi về dưới dương thế chỉ có mình ta. Ta muốn nói gì thì nói. Bố ai biết được? Lúc đó ta chính là cụ. Ta chính là thần linh.

Thống khóai với ý nghĩ mình là thần linh, Sinh bật cười khúc khích rồi lẩm bẩm nói tiếp:

-          Ta đã là thần linh rồi thì ta có quyền ban phúc, giáng họa. Ta muốn cho nhóm nào đúng là nhóm ấy đúng. Phải rồi! Nhưng nói theo nhóm người mạnh chắc ăn hơn bởi nhóm yếu chống ta cũng chẳng được. Nhưng nhóm nào mạnh nhỉ? Đúng rồi! Nhóm của lão Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ  Thuật của Bộ Văn Hóa là nhóm của chính quyền. Chính quyền thì phải mạnh rồi. Ta phán cho nhóm này thì chắc ăn như bắp!

Tóm được ý nghĩ này Sinh như người mở cờ trong bụng, bật cười khóai trá, đứng dậy co giò phóng đi như bay. Nhưng cũng giống như lần trước, mới chạy được khỏang vài chục bước thì mồ hôi trong người lại rịn ra. Sinh dừng lại, ngồi phệt xuống ven đường, ôm đầu kêu lên:

-          Không được! Không được! Mới đầu ta cứ tưởng nhóm của lão giám đốc mạnh, nhưng nhóm của thằng cha biên khảo kiêm bình luận văn học là nhóm quen thân với truyền thông, tức là nhóm báo chí. Nếu hắn bị thua thì báo chí sẽ bênh hắn. Truyền thông đấu với chính quyền chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Có khi truyền thông ăn đứt chính quyền ấy chứ? Trường hợp truyền thông Mỹ vật ngã Tổng Thống Nixon, Tổng Thống Bush còn sờ sờ ra đó. Chà chà! Khó thật!

            Với ý nghĩ chua chát đó, Sinh ôm đầu rên như người lên cơn sốt. Nhưng rồi với bản chất lanh lợi thóat hiểm trong đường tơ, kẽ tóc, cũng giống như lần trước, Sinh đột nhiên ngửng đầu dậy, vỗ đùi đến đét một cái rồi nói:

-          Đồ ngu! Có thế mà không nghĩ ra! Này nhé, nếu hai bên sức mạnh tương đương thì thần linh dại gì mà theo bên nào? Thần linh phải đứng cửa giữa chứ. Ta sẽ nói sao để phe nào cũng thấy đúng, cũng thấy cần ta. Hì! Hì! Như thế tên của bức tranh sẽ là…Phải! Tên của bức tranh sẽ là…Hì! Hì!

Với ý nghĩ này Sinh phá lên cười như nắc nẻ, vươn vai đứng dậy rồi cứ theo đốm sáng phía trước chạy  như giông như gió. Chạy được một đỗi chàng nghe thấy tiếng lốc cốc, leng keng, tiếng la, tiếng thét bèn dừng lại. Ngay dưới sân đình chiếc xác phàm của Sinh đang ngồi đó, trên đầu phủ mạnh nhiễu điều. Biết mình đã về tới nơi, chàng nhào tới ôm đại làm chiếc xác phàm té bổ ngửa về phía sau.

 

♦ ♦ ♦

            Trên sân đình, kể từ lúc chàng Sinh xuất hồn đi thì mấy cành phan lất phất bay về phía Tây. Khoảng tiếng đồng hồ sau thì gió đổi chiều và ai cũng hiểu rằng hồn của Sinh đang từ Địa Phủ trở về dương thế. Nhưng không hiểu sao gió đang thổi đều đều như thế, cành phan đang bay lất phất thì bỗng rủ xuống, im bặt. Bộ mặt của pháp sư đang đỏ gay bỗng xạm hẳn xuống. Mồ hôi trong người ông tháo ra và tất cả mọi người chung quanh đều hiểu rằng đây là giây phút tử sinh kề cận. Nếu vì một lý do gì mà bùa hết linh, tính mạng của Sinh đi đứt là chuyện đương nhiên, mà thầy pháp cũng có khi té hộc máu vì  “phù thủy lụy âm binh” cũng là chuyện thường. Đây chính là lúc Sinh ngồi phệt xuống ven đường trong phần mô tả ở trên, không chịu chạy làm cho cành phan xìu hẳn xuống. Trước tình thế nguy cấp đó, pháp sư miệng la hét, tay bắt quyết, chân đạp xuống đất như giận dữ ra lệnh cho bà cốt đốt đạo bùa thứ tư - đạo bùa trấn sơn của ông. Rất may mà Sinh tìm ra lời giải đáp rồi co giò phóng chạy như bay cho nên cành phan trên này bắt đầu bay lất phất làm cho cả trăm con người cùng ồ lên một tiếng vì vui mừng mà cũng vì thán phục pháp sư. Khi thấy Sinh đang ngồi bất động trên ghế mà té bổ ngửa ra đằng sau thì mọi người biết rằng hồn đã về với xác. Bà cốt mau mắn đỡ Sinh dậy, lấy chiếc khăn lau mặt cho Sinh rồi hỏi như dỗ dành:

-          Hồn đã đi đến nơi, về đến chốn đó à?

            Sinh khẽ gật đầu. Vì đây là giây phút quan trọng nhất của buổi đánh đồng thiếp cho nên người ta cùng đổ xô tới. Máy quay phim chạy rè rè, máy thu băng được bật lên, các ký giả thì chuẩn bị ghi chép. Còn bà cốt thì nhẹ nhàng hỏi tiếp:

-          Hồn xuống dưới đó gặp những ai?

Từ nơi miệng Sinh thốt ra câu trả lời:

-          Hồn gặp cụ họa sĩ Lê Thành.

-          Thế cụ Lê Thành nói gì?

            Sau câu hỏi này thì mọi người nín thở để chờ đợi câu trả lời. Từ nơi miệng của Sinh thốt lên giọng nói nhai nhái giống giọng cụ Lê Thành:

-          Này ta bảo cho các người biết. Bức tranh đó ta đã để hết tâm trí để vẽ trong ba tháng trời. Nó là họa phẩm đắc ý nhất của ta. Tên nó là…là…TIẾN HÓA SUY ĐỒI. Nhớ không? Tên nó là TIẾN HÓA SUY ĐỒI!

            Chiếc sân đình đang nghẹt thở, im lặng bỗng cùng rộ lên một tiếng. Người ta khoa chân múa tay, người ta nhảy nhót, người ta reo hò mừng rỡ vì báu vật của đất nước đã có một cái tên. Trong mớ hỗn độn đó Ông Giám Đốc Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật chạy tới ôm chầm lấy nhà biên khảo kiêm bình luận văn học rồi xúc động nói:

-          Bác ôi! Bọn mình có mắt cũng như mù. Bọn mình chỉ nhìn thấy phân nửa ý nghĩa của cụ Lê Thành thôi! Đúng vậy! Đúng vậy! Tên bức tranh phải là TIẾN HÓA SUY ĐỒI !!! Nhìn từ trái qua phải cũng được. Nhìn từ phải qua trái cũng được. Cụ Lê Thành thánh thật bác ạ!!!

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch