Thời gian thấm thoát trôi nhanh. Mới đó mà đã là những ngày cuối năm!
Vào
thời khắc này có người nhìn lại quá khứ, để định đặt một hướng đi mới
cho tương lai. Nhưng cũng có người chỉ thích dành những giây phút cuối
cùng trong năm để tìm về những kỷ niệm. Và tôi, tôi cũng muốn được làm
một người trong số đó – sống lại dĩ vãng của một thời chẳng bao giờ gặp
lại, ôn lại một quãng đời đã mãi mãi trôi xa...
Dòng
ký ức đưa tôi trở về với suối Yến, chùa Hương. Nơi, lần đầu tiên tôi và
bạn bè có được cái vinh hạnh theo chân một người, tôi gọi người đó là
Sư phụ, vì người thật sự là một nhà sư. Thật ra, tôi gọi như thế là gọi
theo bạn bè, bởi vì hồi đó tôi chưa có đủ cơ hội để có thể hiểu hết nội
dung của danh xưng này. Mãi về sau, khi đã được gần gũi với người một
thời gian dài, được người giảng giải về nhiều điều trong Phật pháp thì
tôi mới thấy được cái ý nghĩa cao quý mà thiêng liêng trong cách gọi
này.
……
Sư
phụ của tôi, Người chưa đến chùa Hương bao giờ, thế mà qua cái nhìn
cũng như những hiểu biết của người đối với quang cảnh ở đây tôi tưởng
chừng như người đã từng ở đây trong một tiền kiếp xa xôi nào rồi.
Đưa
tay chỉ những cây hoa gạo đỏ, mọc hoang dã, rải rác trên suốt dọc đường
hai bên bờ suối Yến, Sư phụ hỏi tôi: “Con có thấy những cây hoa gạo kia
không?” Tôi gật đầu: “Dạ có.”
Tôi
đã nhiều lần đến đây và cũng đã nhiều lần đứng ngắm say mê những chùm
hoa gạo đỏ. Tôi thích loại cây này vì dáng cây hiên ngang, vì bông hoa
mập mạp, vì sức sống mãnh liêt, vì hoa có màu đỏ – màu tôi yêu thích
nhất, và vì bông hoa gạo khi rụng, thì khác hẳn. Chúng không rơi nhè
nhẹ, là đà êm tai như những loài hoa khác, mà trái lại, chúng rơi như
tia chớp, xoáy tròn, thẳng đứng và phát ra tiếng động.
Những
bông hoa gạo, trong tôi, là như thế. Tôi chưa kịp chia sẻ những cảm
nghĩ của mình với Sư phụ thì người đã cất tiếng: “Con hãy nhìn xung
quanh mà xem, mưa phùn lất phất, bầu trời ảm đạm, huyền phiêu trong
sương khói, muôn ngàn hoa cỏ sũng nước, chỉ có hoa gạo đỏ rực rỡ trên
những thân cây bơ vơ. Những bông hoa đậu trên cành trông như những ngọn
nến lập loè trên cây, ngọn lửa lung linh này soi tỏa cho nhân loại trên
mọi con đường đến với cửa Phật; năm cánh hoa như những đài sen, nhụy hoa
như những bó hương cắm trên lư, trông thật tao nhã, thanh thoát!”
Sư
phụ nhặt lên một bông hoa, rồi nói tiếp: “Người xưa cho rằng, vì gốc
của những cây gạo cổ thụ, xù xì có nhiều u cục, hang hốc, là nơi trú ngụ
của những hồn ma. Thân cây gạo lại thẳng và có nhiều mấu, trông lớp lớp
như những bậc thang, để cho những hồn ma có thể trèo lên những tầng cao
mà hòa mình vào vũ trụ. Rất nhiều cây hoa gạo được trồng ở chùa và
những nơi linh thiêng, để các cô hồn lang thang, được nương tựa bóng của
Thần, Phật mà mong siêu thoát. Vì thế người dân thường hay thắp hương ở
những gốc cây gạo! Cây gạo, theo tư duy liên tưởng của dân gian, thì
gạo có nghĩa là no đủ, bông gạo trắng dùng để may chăn gối, tượng trưng
cho sự êm ấm. No đủ và êm ấm là điều mong ước giản dị, là niềm an ủi dịu
dàng, sưởi ấm những nhọc nhằn đeo bám suốt cuộc đời của người dân quê
chất phác.”
Nói đến đây tôi thấy Sư phụ trông có vẻ bồi hồi. Một lúc sau, người mới nói tiếp, giọng nói nghe vẫn ấm nhưng dường như thấp thoáng một nỗi buồn nào đó: “Ngày xưa, khi còn trẻ, thầy cũng là một nhà nông.”
Tôi trố mắt nhìn người. Tôi kinh ngạc.
Làm
sao mà loài hoa dân dã có mầu đỏ rực lên như lửa cháy khôn nguôi, lại
có quả bông trắng thanh khiết, hiến tặng cho đời những giấc ngủ thanh
bình, êm ả và những giấc mơ thoát tục! Làm sao mà từ đôi tay đã từng lấm
trong bùn non để chăm bóm cho từng cây mạ con trở thành cái nuôi sống
con người, lại có thể hiến tặng cho cuộc đời những dòng thư pháp tuyệt
vời như thế! Làm sao mà đôi vai đã từng oằn xuống dưới sức nặng của
những bó lúa được mùa, lại còn có đủ vô vàn nghị lực để tiếp tục gánh
chịu những khổ đau muôn đời của thế nhân! Làm sao mà trong cái dáng
người tưởng như mộc mạc, giản đơn kia, lại có thể hun đúc một tấm lòng
suốt đời chỉ nghĩ đến những buồn vui của người khác! Làm sao mà trong
cái phong thái an nhiên tĩnh tại tưởng như đã xa lánh hết mọi phiền não
trên thế gian, lại hằng cưu mang không biết bao nhiêu cảnh đời khốn khổ
của chúng sinh! Làm sao mà trong ánh mắt điềm nhiên, tưởng như đã lạnh
lùng trước những đổi thay biến dịch của kiếp người, lại tỏa ra một cái
nhìn cảm thông, ấm áp đủ sức để sưởi ấm những trái tim băng giá! Làm sao
mà giọng nói khiêm cung nhẹ nhàng tưởng chừng yếu đuối kia, lại có thể
khiến cho không biết bao nhiêu người phải buông đao để quay về cửa Phật!
Làm sao…! Làm sao…! Quả tình tôi không thể nào hiểu hết được những điều
bí nhiệm, huyền vi trong cái thế giới tưởng chừng như quá nhỏ hẹp này.
“Còn
những ngôi tháp kia nữa,” Sư phụ tôi đưa tay chỉ về phía bên kia, “Đẹp
quá, đẹp quá!” Tôi dõi mắt nhìn theo. Những ngôi tháp cổ có đáy hình
vuông, xây toàn bằng gạch màu nâu đỏ, cổ kính rêu phong, đượm nét thời
gian. Tôi cứ tròn mắt ra nhìn. Vậy là đẹp ư? Tôi vốn không có nhiều khái
niệm về chùa, tháp. Thậm chí tôi còn không biết tại sao người ta xây
tháp nữa. Tôi cứ nghĩ xây tháp là để trang trí thêm cho cái đẹp của kiến
trúc nhà chùa.
Có
lẽ vì thấy bộ dạng ngớ ngẩn của tôi mà Sư phụ tủm tỉm cười rồi nhẹ
nhàng giải thích: “Tại sao họ xây tháp? Và tại sao những ngôi tháp đó
lại rất đẹp? Con nên biết rằng, bản chất của một người Phật tử là tính
khiêm cung, cho dù xuất gia hay tại gia cũng vậy. Con đừng nhìn thấy
những con người áo quần lam lũ, mặt mũi xanh xao, gầy gò yếu đuối mà lại
coi thường. Chính trong cái dáng dấp lam lũ, xanh xao, gầy gò, khiêm
cung đó lại hàm chứa một sức sống vô cùng mãnh liệt. Giá trị của một nhà
sư không nằm trong những ngôi chùa nguy nga tráng lệ, trong sự tích lũy
tài sản của cải cho bản thân, trong những sự nghiệp tiếng tăm cho riêng
mình, mà là trong tâm nguyện và hạnh nguyện của vị đó. Tâm nguyện của
một người xuất gia là làm thế nào để có thể giúp mình, giúp người thoát
khỏi khổ đau. Và hạnh nguyện của một người xuất gia là hoằng pháp lợi
sinh. Chính vì thế mà sau khi nằm xuống, ngay cả đối với những vị sư đã
từng nổi tiếng một thời, thì chỗ dành cho họ cũng chỉ là những ngôi tháp
nhỏ khiêm cung như con đang thấy. Con đừng thấy những kiến trúc đơn sơ
bình dị được làm chỉ từ những viên gạch nung như vậy mà coi thường. Nó
có vẻ đẹp riêng của nó, một vẻ đẹp mà những người nào không có một đời
sống tâm linh phong phú, một cái nhìn thanh cao thoát tục, thì không thể
nào biết được giá trị của nó. Con thấy đó! Chỉ là những viên gạch nung
bình thường, không có những chạm khắc tỉ mĩ hoa hòe, nhưng chúng lại nói
lên được cái chân chất, mộc mạc, bình dị, hòa đồng của cuộc đời một nhà
sư từ khi còn sống cũng như khi đã mất. Chỉ những người không có trí
mới đi tìm kiếm khỏa lấp cái trống rỗng trong cuộc sống vô vị của mình
bằng những hình tướng lòe loẹt, thô tháo bên ngoài.”
Nghe
đến đây tôi chợt nhớ đến bức chân dung người Thầy của sư phụ tôi (ở
chùa sư phụ tôi, người ta thường gọi vị sư này là Hòa thượng Khai sơn
hay, đơn giản và thân thiết hơn, họ chỉ gọi là Cố). Bức chân dung chụp
một vị sư già, khoác một chiếc áo dài màu xám. Không phải là chiếc áo
vàng rực rỡ, không có chiếc mũ thêu chạm cầu kỳ, mà chỉ là một gương mặt
hiền hòa bình dị, với một nụ cười an nhiên, thanh thoát không thể nào
tả được. Ông có cặp lông mày dài, trắng như tuyết, phất phơ, bay bay...
trông cứ như ông Tiên vậy! Vâng! Hầu như tất cả các bức chân dung tôi
chiêm ngưỡng được trong căn phòng khách của Sư phụ tôi đều có chung một
tính chất như thế. Tôi thấy hình một sư cụ già, ngồi bên một ngọn đèn
dầu le lói, và một con mèo nằm yên lặng cạnh bên. Tôi cũng thấy hình một
vị sư già với bộ áo cánh vải bình thường, ngồi trên một chiếc chõng
tre, với ấm chè bằng đất, và một chú tiểu mặt mũi ngây thơ, vòng tay
đứng hầu ở phía sau; … Tất cả đều toát lên một cái gì đó rất bình dị,
rất mộc mạc, rất khiêm cung, rất hiền hòa, nhưng rất sâu thẳm. Đến bây
giờ tôi mới hiểu được trong cái hiền hòa sâu lắng đó là cả một tâm
nguyện và hạnh nguyện cao ngút ngàn.
Những
ngày tôi được sống gần sư phụ là những ngày hạnh phúc. Mỗi lần lên chùa
tôi đều được thưởng thức những món ăn rất ngon. Tôi cứ nghĩ thầm. Ở
chùa thật thích. Không khí đã yên tỉnh, thường được nghe Sư phụ nói
chuyện về đạo về đời, được Sư phụ chỉ dạy về thư pháp, lại còn được ăn
bao nhiêu là món ngon và lạ miệng nữa chứ. Nhưng…. Một hôm tôi lên chùa
mà không báo trước. Lúc đó Sư phụ tôi đã dùng cơm rồi. Tôi lẵng lặng đi
xuống nhà bếp, tự tìm kiếm thức ăn. Trong nhà bếp lúc đó đã vắng người,
chỉ còn bà dì vãi đang lúi húi làm gì đó ở một góc phòng. Tôi chào Dì
rồi ngồi vào bàn ăn. Nhìn mấy đĩa rau và mấy chén nước tương, tôi hỏi
Dì: “Hôm nay chùa mình ăn đơn giản như thế này thôi hả Dì?” “Ngày mô mà
chẳng ăn như ri, Cô. Không ăn tương, rau thì lấy chi mà ăn?” “Thế Sư phụ
cũng ăn như thế này à,” tôi hỏi. “Thì Ôn (ở chùa Sư phụ tôi, mọi người
thường gọi Sư phụ tôi là Ôn) cũng ăn như rứa thôi. Chỉ khi mô có khách
thì Ôn mới dặn phải mua thêm đồ thôi.” Tôi nghe mà thấy xót xa trong
lòng. Tôi không thể nào ngăn được mình đừng nghĩ đến hình ảnh những nhà
sư ăn mặc sang trọng ngồi trong những chiếc xe hơi bóng loáng đắt tiền,
những khuôn mặt phì nộn hí hửng với những tài khoản kếch sù ở trong ngân
hàng, những Thiền thất lộng lẫy với đủ mọi thứ thiết bị tiện nghi hiện
đại.
“Con
qua đây xem chiếc tháp này này.” Tôi giật mình, cắt đứt dòng suy tưởng.
Tôi bước chân theo Sư phụ mà lòng cứ mãi bồi hồi. Dưới mưa xuân, vẻ đẹp Hương Sơn hiện
ra huyền ảo, đâu đó vang tiếng chuông chùa, xen kẽ giọng trầm ấm đều
đều của Sư phụ. Tôi vừa lắng nghe, vừa tập bước đi những bước chân chầm
chậm, điềm đạm đầu tiên của đời mình. Theo từng bậc thang phủ đầy rêu
xanh, tôi lần theo tiếng mõ, câu kinh, tự tìm kiếm cho chính mình một
khoảng không gian tâm linh vời vợi.
………..
Đêm
qua, tôi mơ thấy mình quay lại chùa Hương! Từ xa ngắm nhìn, cây gạo
sừng sững đứng giữa đất trời, vươn mình chở che những linh hồn bơ vơ,
không nơi nương tựa… Cũng như Sư phụ, đã dành cả cuộc đời để minh chứng
cho thế gian thấy rằng, cuộc đời chỉ là một giấc mộng, nhưng trong giấc
mộng đó Sư phụ đã làm hết những gì người có thể làm, để làm
vơi đi phần nào những phiền muộn của thế nhân. Đến hôm nay thì Sư phụ
đã đi rồi, đã đi rất xa. Đã gần năm tháng rồi thế mà tôi thấy mình vẫn
không sao quen được với ý nghĩ này. Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, Sư phụ đi đâu
đó, rồi trong nay mai sẽ về thôi!!! Cầm sắc đỏ hoa gạo, tôi thả xuống
dòng suối Yến. Tôi chắp tay, nguyện cầu cho Sư phụ, dù đang ở vào bất kỳ
không gian thời gian nào trong thế giới bao la vô tận này, thì Người
vẫn luôn nhận được thật nhiều những bông hoa Mộc Miên, những bông hoa
mộc mạc như tâm thức của những người nông phu, quê mùa, rơm rạ.
Sư
phụ ơi! Con ước ao, cứ mỗi lần về thăm quê nhà, con lại có dịp viếng
thăm những ngôi tháp cổ kính rêu phong, được ngồi dưới gốc những cây hoa
gạo đỏ. Con sẽ ngồi đó và nhớ về Sư phụ. Và con sẽ không khóc. Vì trong
cái bóng râm tỏa mát của lá cành, trong dáng chở che uy nghi của những
tòa tháp cổ, con vẫn còn có thể hình dung một khuôn mặt từ hòa mà rắn
rỏi, một phong thái nhàn nhã mà kiên cường, một nụ cười bình dị mà bao
dung. Tất cả những điều này, cho dù thời gian con có cơ duyên gặp được,
chẳng phải là dài, nhưng cũng đủ sâu để trở thành một niềm an ủi lớn,
một nguồn sinh lực mới cho con, giúp con hiên ngang đứng vững trước
những sóng gió của cuộc đời, trước những đổi thay của tình người. …
Sư phụ ơi! Con nói là con sẽ không khóc nhưng khi viết đến đây thì con không thể nào có đủ bình tâm để viết tiếp được nữa.
…….
Những
dòng chữ bắt đầu nhòe đi trước mắt tôi. Ngoài kia từng cơn bão tuyết
lại rít lên, tìm cách len lỏi vào bên trong căn phòng nhỏ bé. Không biết
những ngọn lửa leo lét từ chiếc lò sưởi kia có giúp tôi ngăn được cái
giá lạnh của xứ người. Tôi cố mở to mắt, gắng gượng viết nốt những dòng
chữ cuối cùng. Tôi biết đây là cơ hội cuối cùng cho tôi được viết về
Thầy mình. Ngày mai tôi lại lao đầu vào những cạnh tranh trên thương
trường-những tính toán khốc liệt và lạnh lùng, không chừa một lối thoát
êm ả nào cho những tâm hồn yếu đuối. Tôi gục đầu xuống bàn.
Sư phụ ơi! Sao Người lại ra đi vội vàng như thế…
Leiden, những ngày cuối đông
Diệu Thúy