Rồi đến tiếng
solo thanh thoát của những chú chim chìa vôi trên nền trầm của tiếng gáy
cu cườm. Rồi không gian vỡ oà bởi cơ man nào tiếng của muôn chim.
Ngoài
kia, những cánh đồng lúa xanh mướt mênh mông bát ngát kéo dài đến tận
chân trời được viền bởi bóng tím sẫm của dãy Terai. Bồng bềnh bên trên
dãy núi ấy là những chỏm tuyết trắng của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ.
Và trùm lên tất cả là bầu trời xanh ngăn ngắt không một bóng mây.
Không khí tinh khiết đến mức có thể nghe được sương đêm thoang thoảng
bay lên trong nắng sớm khi mấy con nai vàng dẫm khẽ khàng lên những lá
cỏ như sợ làm phiền buổi tọa thiền sáng sớm của những bậc chân tu.
Nắng
lấp lánh trên mình nai, chúng đưa đôi mắt nâu to dịu dàng nhìn bóng
những ngôi chùa thấp thoáng qua rặng cây rồi lặng lẽ đi vào khu đồng cỏ.
Nepal là một thiên đường cho chim và những người yêu quý chim muông...
Đồng cỏ với những khoảng nước ngập sau mùa mưa, gió chờn vờn
trên những chùm hoa cỏ trắng xoá. Nơi đây Thu cũng đã kịp gọi sếu về làm
tổ.
Người ta thường nghĩ rằng gọi loài chim Sarus Crane này là sếu
nghe có vẻ quê mùa và gọi chúng là “hạc” thì sang hơn, tôn quý hơn. Thật
ra hạc là một từ Hán Việt, còn sếu là từ thuần Việt. Chưa chắc “hạc” đã
hơn “sếu”, mà nói đúng ra, “sếu” còn tôn quý hơn, xưa hơn và chính xác
hơn “hạc”.
Tên “sarus” xuất xứ từ “sarasa” của Sanskrit nghĩa là
“loài chim ở hồ”. Từ “sarasa” này vay mượn từ ngữ căn “sar” của hệ ngôn
ngữ Austro-Asiatic (ngôn ngữ của người Naga chủ nhân đầu tiên của Lục
Địa Ấn Độ và cũng là ngôn ngữ của tổ tiên người Việt cổ). Theo tên gọi
này, tên Việt nôm na của chúng: “sếu” (theo hệ ngôn ngữ Austro-Asiatic)
là chính xác và cổ xưa hơn từ “hạc” có lẽ đến vài ngàn năm.
Một
số sách lịch sử Phật giáo khi phiên dịch ra tiếng Việt từ nguồn Hán
tạng có kể câu chuyện Đức Phật Thích Ca và chim thiên nga. Theo đó thì
khi còn là một thiếu niên, một hôm trong vườn ngự uyển, hoàng tử
Siddartha bắt gặp một con thiên nga bị thương bởi một mũi tên của
Devadatta.
Siddartha nhổ mũi tên ra và cứu chữa cho chú chim tôi
nghiệp. Nhưng Devadatta khi phát hiện được đã lên tiếng đòi con chim do
mình bắn được. Cả hai không ai chịu ai và đi đến tranh cãi gay gắt.
Theo
truyền thống dân chủ cộng hòa của gia tộc Sakya, vụ việc được đưa ra
Mote Hall (Nhà hội nghị, như Quốc hội ngày nay) cho cả hai trình bày lý
lẽ của mình và để toàn bộ các thành viên nam của gia tộc phán quyết.
Siddartha
đã được quyền giữ chú chim kia khi lý luận rằng “Sinh mạng con chim
thuộc về người cứu nó chứ không phải về kẻ tước đoạt nó!”
Theo
học giả Hemraj Shakya, người tinh thông các ngôn ngữ cổ như Brahmi,
Sanskrit, Pali – cây đại thụ uy tín trong giới nghiên cứu về lịch sử và
văn hoá cổ đại của Ấn độ và Nepal, thiên nga hoặc ngỗng trời ở vùng này
không có, mà con chim trong câu chuyện trên chính là chim sếu, một loài
chim đặc hữu của quê hương Đức Phật Thích ca.
Theo các nhà khoa học,
loài sếu này phân bố khắp miền Bắc Ấn; tuy nhiên ở Nepal chúng chỉ sinh
sống ở Kapilavastu (quê cha của Đức Phật) và khu vực xung quanh
Lumbini.
Vùng này ngoài Đức Phật Thích Ca còn là quê hương của
hai vị Phật trong quá khứ là Kanaka Muni và Krakuchanan, cả hai nơi đều
được Đại Đế Asoka dựng cột đá đánh dấu.
Không phải ngẫu nhiên mà
chim sếu được khắc trên trụ đá ở Niglihawa, theo khám phá của riêng tôi,
đây là trụ đá Asoka duy nhất được khắc hình ảnh động vật-một cách thức
tôn vinh loài chim thiêng ở quê hương các Đức Phật của Asoka. Chính xác
thay các kinh sách cổ khi nói rằng chim sếu tụ hôi nơi có thánh nhân.
Nepal
là một thiên đường cho chim và những người yêu quý chim muông. Xứ sở
này có khoảng 900 chủng loại chim, chiếm 8% chủng loại chim của thế
giới. Chín chủng loại được đưa vào danh sách bảo tồn của Chính phủ Nepal
bao gồm sếu, cò trắng, và cò nâu.
Xứ này có luật bất thành văn
rằng mọi người phải yêu quý muông thú không giết hoặc ăn thịt chim hoang
dã, mà thật ra cũng không cần luật vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của
mỗi người và được nhắc nhở giáo dục thường xuyên trong tất cả mọi cấp
lớp của trường học.
Vì thế, ngay cả ở nơi trung tâm đô thị như thủ
đô Kathmandu người ta vẫn có thể nhìn thấy hàng đàn cò trắng, cò nâu đậu
dày đặc theo các bờ sông hay làm tổ trên các cây cổ thụ.
Vùng
Lumbini (Lumbini Zone) là phần mở rộng của Đồng bằng sông Hằng với một
số con sông nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo là con
sông Dầu (Telar Khola) đã được Ngài Huyền Trang mô tả trong hồi ký “Tây
Du Ký” (không phải tiểu thuyết Tây Du ký của Ngô Thừa Ân).
Vùng
Lumbini rộng khoảng 140.000 ha, cao độ từ 95m đến 1200m trên mực nước
biển. Khí hậu bán nhiệt đới, với mùa nóng dài hơn mùa lạnh và có bốn
mùa: xuân, hè, thu (mưa) và đông. Nhiệt độ vào mùa hè thường trên 30º C
có thể lên đến 38-39 và mùa đông rơi xuống trên dưới 15º C.
Mùa mưa từ tháng 6,7, 8 và có thể kéo dài sang cả 9-10. Vào mùa thu thì ngày ấm và đêm lạnh.
Tổng
diện tích đất do con người sử dụng chiếm đến 68% (cư trú và canh tác).
Đồng cỏ chiếm 6% diện tích đất dọc theo bờ sông và trong khu bảo tồn
Lumbini, đấy chính là nơi sếu làm tổ và kiếm thức ăn chính.
Con sông
Dầu chảy xuyên qua khu vực bảo tồn Lumbini và vùng đất ngập nước do nó
tạo nên trong khu vực Lumbini được quy hoạch thành khu bảo tồn sếu của
Nepal.
Sarus Crane hay sếu đầu đỏ của vùng này cùng một chủng loại
với sếu đầu đỏ ở vùng Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Đây là loài sếu cao
nhất, khi đứng thẳng từ chân lên đến đỉnh đầu vào khoảng 2m, sải cánh
khi dang ra hết cỡ rộng đến 2,5m.
Sếu trưởng thành nặng từ
7-10kg, toàn thân phủ một lớp lông xám nhạt, ở đỉnh đầu không lông với
da mịn mướt màu xanh ve chai, toàn bộ lông đầu và phần trên của cổ màu
đỏ huyết dụ. Chân có màu đỏ nhạt. Chim mái thường nhỏ hơn chim trống
chút ít. Chim non có bộ lông tơ vàng ánh trên đầu và thân mình sậm hơn
màu nâu quế.
Sếu đầu đỏ là loài chim không thiên di, chỉ di chuyển
giữa các vùng thức ăn vào thời gian chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa.
Chúng là loài chim thân thiện với con người đến mức gần như không sợ
người, kể cả nơi có mật độ dân cư cao như vùng Bắc Ấn.
Tuy nhiên
cũng phải nói thêm rằng điều này vì địa phương này có truyền thống
“chung sống hòa bình” giữa các giống loài trải qua vài ngàn năm. Tuổi
thọ một con sếu có lẽ lên đến nửa thế kỷ (người ta đã thấy một con sếu
được nuôi từ nhỏ với người sống đến hơn 40 năm).
Ở Ấn độ và
Nepal, sếu được coi là chim thiêng và không bao giờ xâm phạm đến chúng.
Chim non thì mừng rỡ chạy đến khi người ta vẫy tay, quấn quýt với người
cho chúng ăn như những chú cún con.
Và cũng như chó, chúng rất hung
dữ với người lạ bước vào ngôi nhà của chủ chúng, (thêm một điều buồn
cười là chúng rất ghét chó, hễ bất cứ con chó nào lảng vảng trong sân là
nó rượt đuối chạy toé khói).
Môi trường sống của sếu là những cánh
đồng nước ngập theo mùa, đồng cỏ, ruộng lúa, hồ nước. Trái với quan niệm
ban đầu của chúng tôi rằng sếu là loài “ăn chay”, trong thực tế sếu ăn
khá nhiều loại thức ăn, cỏ, cây thủy sinh, rễ, củ, các loại hạt, động
vật không xương sống, côn trùng, động vật nhỏ…
Tôi bắt gặp một
điều thú vị ở Lumbini. Theo quy hoạch, chính phủ Nepal lập ra làng Đức
Phật (Buddha Nagar) để tái định cư những gia đình sinh sống trong khuôn
viên Vườn Lumbini. Ở làng này vào mùa Thu, cứ chiều chiều lại có một
con sếu hoang đi đến từng nhà để khất thực. Đến trước mỗi cửa nhà, nó
dừng lại gật gật đầu mấy cái như chào chủ nhà rồi đứng đợi người ta cho
thức ăn. Nó không khất thực duy nhất một nhà mà mỗi nhà chỉ ăn chút ít
rồi sang nhà khác dọc theo một con đường dài chừng 50m.
Tôi thường
ngồi uống trà sữa khoảng giữa con đường đó để đợi nó. Nó đến rất đúng
giờ, tầm 4 giờ chiều mỗi ngày. Tôi lấy bánh bich-quy đưa cho nó. Sếu
khéo léo dùng chiếc mỏ dài gắp từng cái bánh trong tay tôi, đặt xuống
đất và dùng mỏ bẻ làm hai miếng rồi mới từ tốn ăn từng miếng; sau đó mới
gắp cái bánh khác. Lần nào nó cũng chỉ nhận 5 cái bánh quy rồi thôi.
Sau khi ăn xong, sếu cúi đầu chào tôi vài cái rồi mới thong thả đi sang
nhà kế bên nhận thức ăn.
Không ai biết nó từ đâu tới cũng như bao
nhiêu tuổi. Làng này mới thành lập trên dưới 15 năm và từ những năm đầu
người ta nói là đã thấy con sếu kia về khất thực.
Sếu thường được coi
như biểu tượng của sự chung thủy, người ta tin rằng chúng kết đôi với
nhau một lần cho suốt cuộc đời, và nếu một trong hai mất đi, con còn lại
sẽ nhịn ăn đến chết.
Vô cùng trùng hợp, mùa sếu kết đôi và làm
tổ lại rơi vào đúng mùa lễ hội lớn nhất trong năm của Tiểu Lục địa Ấn
Độ: Dashain và Tihar. Mùa lễ hội này quan trọng như Tết Nguyên Đán của
người Việt.
Khi vào mùa làm tổ, sếu bắt cặp và biểu diễn những
điệu luân vũ kèm theo bản hợp ca ngập tràn hạnh phúc. Tiếng hoan ca của
chúng là một tràng những âm thanh phức hợp, hoà điệu lần lượt giữa tiếng
chim trống và chim mái. Cứ mỗi tiếng gáy của chim trống thì chim mái
gáy theo hai tiếng ngắn. Cả hai vươn người trong một tư thế hoàn mỹ, đầu
ưỡn về sau, mỏ há vươn lên bầu trời như muốn gửi thông điệp yêu thương
tới toàn vũ trụ.
Rồi chim trống vươn xoè cánh lên cao trong khi chim
mái thì xếp cánh yểu điệu duyên dáng bọc lấy thân mình để múa “Vũ điệu
kết đôi”. Đôi sếu lướt trên cỏ như những vũ công ballet rồi rung lắc
thân mình như những vũ nữ múa bụng, rồi cúi chào nhau, rồi bay bỗng lên
không trung, rồi nhặt những cọng cỏ ném yêu vào nhau, rồi vỗ cánh hân
hoan...kéo dài hàng vài chục phút...
Đó là cảnh tượng thiên nhiên kỳ
thú nhất mà tôi từng được chứng kiến, khi có hàng vài chục đôi sếu cùng
múa ca trong một buổi hoàng hôn mùa thu.
Vào khoảng tháng chín
sếu bắt đầu làm tổ. Tổ chim sếu làm bằng các loại cây cỏ của vùng nước
ngập, kể cả lúa. Sau khi chọn nơi làm tổ (các đôi sếu cũ thường làm tổ ở
ngay chính cái tổ của năm trước), giữa một vùng ngập nước đến gần đầu
gối, cặp sếu bắt đầu dùng mỏ nhổ quang quẽ cỏ, sậy, lúa xung quanh một
diện tích 5-6 mét vuông và chất thành một gò nhỏ đường kính khoảng gần
2m.
Khi làm tổ, cặp sếu đi theo chiều kim đồng hồ, nhổ và quăng thật
chính xác các cây cỏ vào nơi làm tổ. Cứ kết thúc một vòng thì chim
trống lại leo lên dẫm cho đống cây cỏ nén xuống thật chặt. Nhìn từ xa tổ
sếu giống như một cù lao nhỏ nhô lên khỏi mặt nước 50-60cm trên đỉnh
hơi lõm xuống.
Sếu làm tổ giữa mặt nước như vậy có lẽ nhờ nước để
điều hoà nhiệt độ, mát vào giữa trưa và ấm vào ban đêm. Và cũng có
nguyên nhân nữa là để phòng tránh các thiên địch của trứng và chim con
như: chồn, cáo, chuột, rắn…
Không một nông dân nào phàn nàn khi sếu
nhổ trụi một khoảng lúa 4, 5 mét vuông trên ruộng của họ để làm tổ, trái
lại còn vui mừng khi thấy sếu chọn ruộng của họ để làm tổ. Theo họ đó
là một điềm lành, sếu sẽ mang lại may mắn và no ấm cho gia đình họ trong
năm kế tiếp.
Vì thế không có chuyện phá tổ sếu hoặc xua đuổi
sếu. Điều này ngoài tín ngưỡng cổ xưa của vùng này là tôn kính sếu, còn
có một tình yêu thương lẫn nhau giữa sếu và người.
Chim mái thường
đẻ hai trứng rất cân bằng âm dương, một sẽ là trống và một là mái. Trứng
chim được ấp trong vòng 30 đến 35 ngày. Chim trống thường đi vòng quanh
để bảo vệ cho tổ trong khi chim mái ấp và ấp thay chim mái khi con này
đi ăn.
Khi trời nắng chúng dùng mỏ đảo trứng để sức nóng toả đều quả
trứng. Trứng chim chiều rộng có đường kính khoảng 10 cm, chiều dài
khoảng 13cm đường kính trục, nặng khoảng trên dưới 300g, vỏ màu trắng có
vân xám nhạt.
Ăn trứng và thịt sếu là điều cấm kỵ (taboo) theo
tín ngưỡng dân gian toàn vùng, vì thế không bao giờ có việc bất cứ kẻ
nào dám ăn thịt hay trứng của loài chim thiêng này, kể cả vào mùa đói
kém nhất.
Trong thời gian khảo sát thực địa ở Lumbini, tôi đã tiếp
cận với các tổ sếu để quan sát và tìm hiểu kết cấu tổ cũng như cân đo
trứng sếu. Khi chúng tôi lội qua cánh đồng ngập nước để đến gần tổ của
chúng, đôi sếu tỏ vẻ giận dữ chứ không sợ hãi.
Chúng chạy vòng quanh
ở khoảnh cách 5-6 m, con chim trống giang rộng đôi cánh lên, mỏ há lớn
phát ra những âm thanh chói gắt, chim mái thì ở khoảng cách xa hơn nhưng
cũng không kém phần kích động. Khi cân đo trứng sếu tôi đã phải rất cẩn
thận dùng bao tay phẫu thuật vì sợ trứng ám hơi người sẽ bị đôi sếu mổ
thủng bỏ đi.
Sau khi ấp trên dưới một tháng thì trứng nở. Vỏ trứng sau khi nở sẽ được chim bố mẹ mang đi quẳng thật xa khỏi tổ.
Tập
tính của sếu là giữ khu vực xung quanh tổ thật sạch, khi có bất kỳ cọng
cỏ cây nào trôi gần đến tổ là nhặt quẳng đi thật xa (phòng chống rắn
chăng?).
Trong vài ngày đầu, chim non được bố mẹ đút thức ăn, khoảng
một tuần tuổi chúng đã có thể theo bố mẹ đi kiếm ăn. Khi có nguy hiểm,
chim bố mẹ kêu to báo động một cách đặc biệt, các chú chim con liền đứng
im bất động cho đến khi bố mẹ đến gần dùng mỏ dụi dụi lên thân mình báo
hết nguy hiểm rồi dẫn chúng đi tiếp.
Kỷ niệm đặc biệt nhất ở
Lumbini của tôi là cứu sống một chim sếu con vào mùa thu 2005. Năm ấy
mùa mưa kéo dài hơn thường lệ. Tôi làm một cái chòi dã chiến trên bờ
ruộng để quan sát tổ của một đôi sếu.
Sau một tháng, chỉ có một
trứng nở, trứng còn lại bị ung và bị chim bố mỏ bỏ vứt đi. Chim sếu nở
được một tuần thì gặp một cơn mưa lớn. Mưa dầm dề từ suốt từ nửa đêm 19,
rạng ngày 20/10/2005. Kèm theo là cơn rét cắt da đột ngột, ở Lumbini
đang từ 30 độ bỗng rớt xuống chỉ còn trên dưới 20 độ C. Rét kèm với mưa
nên càng thấm.
Đây không phải là cơn mưa lớn nhất, nhưng là cơn mưa
dai nhất và lượng nước nhiều nhất mà tôi từng gặp ở Lumbini (cuối cùng
thì sau đúng ba ngày trời mới tạnh hẳn).
Ngày đầu tiên đôi sếu bố mẹ
đứng chụm vào nhau che cho chú sếu con không đi kiếm ăn như thường lệ.
Ngày thứ hai, đôi lúc một con nháo nhác chạy đi một lúc chắc là tìm thức
ăn rồi vội vã quay về đổi chỗ. Vào lúc chập choạng tối ngày thứ ba,
chúng tôi nghe tiếng sếu kêu thảm thiết vội vàng đội mưa chạy ra. Đôi
sếu đang tất tả bỏ đi. Không thấy chú sếu con một tuần tuổi đi theo.
Đoán
có chuyện chẳng lành tôi và hai người địa phương giúp việc vội chia ra
tìm. Người thì chặn mấy người Nepal đi bắt cá lại, xét giỏ đựng cá, kẻ
soi đèn pin kiếm trong từng bụi cỏ. Mãi một lúc sau mới thấy chú sếu con
nằm gục trong đám cỏ ven bờ ruộng, lông tơ ướt bẹp, người tím ngắt, mắt
đã lờ đờ.
Chúng tôi vội vã mang vào nhà của một người địa phương
gần đó, thấm khô, rồi sưởi ấm chú bằng bóng đèn tròn. Được một lúc chú
thở hắt ra rồi ngáp ngáp. “Sống rồi!” May quá. Một lát sau chú bắt đầu
kêu khẽ mấy tiếng. Cả đêm ấy bọn chúng tôi thức trắng trông chừng chú.
Nửa
đêm, vợ chồng sếu quay về tìm con, kêu thảm thiết. Tờ mờ sáng, chúng đi
lảng vảng quanh ổ kêu than nẫu ruột. Trời vẫn mưa và lạnh quá nên chúng
tôi không dám trả con cho chúng ngay. Cứ cách nửa giờ một lần chúng tôi
bẻ bich-quy thành mẩu nhỏ mớm cho chú sếu con. Mãi đến chiều trời bớt
mưa, chúng tôi mới thả chú sếu con về với bố mẹ. Chúng mừng rỡ ríu rít
bên nhau rồi dắt nhau đi khuất trong màn mưa lất phất.
Thu đã
về ở Khu Vườn Thiêng Lumbini. Năm nay nắng gắt chen lẫn những cơn mưa
lớn kéo dài. Tôi lại tìm về nơi chốn bình an ấy để lại được ngắm điệu
luân vũ yêu thương của đàn sếu, để được tặng thức ăn cho con sếu khất
thực và hoà nhập tâm hồn vào không gian huyền diệu của một trong những
nơi linh thiêng nhất trên Trái Đất nơi đã đón nhận bước chân đầu tiên
của Đức Từ Phụ của chúng ta.
Bài & ảnh Nguyễn Phú (Nguyệt san Giác Ngộ 175)