Truyện - Tùy bút
Chuyện câu Bồ Đề và Thánh đế Kalinga
03/02/2010 08:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Kha-linh, Thánh đế Chuyển Luân Vương...” 


Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về việc Tôn giả Ànanda cử hành lễ cúng dường cây Bồ-đề. 


Trong lúc đức Như Lai du hành vì mục đích thâu nhận những người đủ cơ duyên để thọ giới, dân chúng thành Xá-vệ tiến đến Kỳ Viên, tay cầm đầy vòng hoa thơm ngát, thấy không có nơi nào khác để tỏ lòng ngưỡng mộ sùng kính, lieàn đặt hoa bên cổng vào Hương phòng của đức Phật rồi ra đi. Việc này đã gây được niềm hoan hỷ rất lớn. Song Trưởng giả Cấp Cô Ðộc nghe được chuyện ấy; khi đức Như Lai trở về, vị trưởng giả liền đến thăm Tôn giả Ànanda vaø nói: 
– Thưa Tôn giả, tinh xá này không được cúng dường trong lúc đức Như Lai đi du hóa, và không có nơi nào cho dân chúng dâng hoa thơm để tỏ lòng sùng bái. Xin Tôn giả từ bi thưa với đức Như Lai về vấn đề này để Ngài cho biết xem có thể tìm được nơi nào dùng vào mục đích này chăng ?  


Vị Tôn giả sẵn sàng làm theo, và thưa đức Phật :
– Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu loại bảo tháp? 
– Này Aønanda, có ba loại.
– Bạch Thế Tôn, đó là các loại nào ? 
– Bảo tháp thờ kim thân, bảo tháp thờ các vật thường dùng hay mang trên người và bảo tháp thờ các kỷ vật khác.
– Trong lúc Thế Tôn còn tại thế, có thể xây một bảo tháp được chăng ? 
– Không được, này Ànanda, không thể xây một bảo tháp thờ kim thân, loại tháp đó chỉ được xây khi nào một đức Phật diệt độ (đắc Niết-bàn vô dư y). Một bảo tháp thờ kỷ vật cũng không đúng đâu vì mối liên hệ chỉ tùy thuộc vào tâm tưởng mà thôi. Còn cây Ðại Bồ-đề đã được chư Phật sử dụng, nên rất đáng làm nơi chiêm bái, dù chư Phật còn tại thế hay diệt độ. 
– Bạch Thế Tôn, trong thời gian Thế Tôn đi du hóa xa xôi, ngôi Ðại Tinh xá Kỳ Viên này không có nơi nương tựa, và dân chúng không có nơi nào để có thể tỏ bảy lòng quy ngưỡng. Xin Thế Tôn cho phép con trồng một hạt giống từ cây Ðại Bồ-đề (ở Bồ-đề Ðạo tràng) ngay trước cổng Tinh xá này được chăng ?
– Dĩ nhiên nên làm như vậy lắm, này Ànanda, và nó cũng sẽ là một nơi an trú cho Ta như trước kia.  


Tôn giả này nói lại chuyện ấy với Trưởng giả Cấp Cô Ðộc, bà Visàkkà và vua (Pasenadi). Sau đó tại cổng Tinh xá Kỳ Viên, Tôn giả đào một lỗ để trồng cây Bồ-đề và nói với vị Ðại trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên) : 
– Tiểu đệ muốn trồng một cây Bồ-đề trước Tinh xá Kỳ Viên, xin tôn huynh kiếm cho tiểu đệ một quả Bồ-đề có được chăng ? 


Vị Trưởng lão kia rất sẵn sàng đồng ý, liền bay qua không gian đến tận vùng đất có cây Bồ-đề ấy. Ngài lấy đặt dưới tấm y một quả Bồ-đề đang rụng ra khỏi thân cây nhưng không rớt xuống đất, và mang nó về giao cho Tôn giả Ànanda. Vị Toân giả này báo tin cho vua xứ Kosala biết là mình sắp trồng cây Bồ-đề. Vì thế buổi chiều vua đến cùng một đám tùy tùng đông đảo, sau đó, ông Cấp Cô Ðộc và bà Visàkhà cũng đến cùng một đám người mộ đạo nữa. 


Ở chỗ caây Bồ-đề sắp được trồng, Tôn giả Ànanda đặt một chiếc bình vàng, dưới đáy có lỗ, đựng đầy đất tẩm nước hương thơm ngát. Tôn giả bảo : 
– Tâu Ðại vương, xin hãy trồng hạt giống Bồ-đề này.  


Và Tôn giả trao hạt ấy cho vua. Song vua nghĩ rằng vương quốc này không ở trong tay mình mãi được, nên để cho ông Cấp Cô Ðộc trồng, liền giao hạt giống cho vị trưởng giả đại phú kia. Sau đó ông Cấp Cô Ðộc xới đất thơm lên và thả hạt giống vào. Vừa luùc hạt rơi ra khỏi tay vị ấy, ngay trước mắt mọi người, vọt lên một cây Bồ-đề con, to cỡ bằng đầu lưỡi cày, cao chừng năm mươi cubit (1 cubit = 0,45cm) tứ phía nảy ra năm cành lớn dài 50 cubit, như thân cây ấy. Cây đứng sừng sững như thế quả là  một chúa tể rừng xanh, một phép lạ hy hữu thần kỳ.  


Vua tưới quanh thân cây những bình bằng vàng, bằng bạc, tất cả tám trăm bình đựng đầy nước tỏa hương thơm ngát, tươi đẹp với vô số hoa sen xanh. Bao giờ cũng vậy, vua ra lệnh đặt một dãy dài bình bát đựng đầy thực phẩm và một sàng tọa làm bằng bảy báu vật, có lớp nhủ vàng rảy lên, rồi đựng một bức tường bao quanh vùng ấy, lại xây một nhà canh cổng làm bằng baûy báu vật. Vua bày tỏ lòng sùng kính đặc biệt trọng thể như vậy đối với cây Bồ-đề. 


Trưởng lão Ànanda đến gần đức Như Lai thưa với Ngài : 
– Bạch đức Thế Tôn, vì lợi lạc của chúng sanh, xin Thế Tôn thị hiện ngay dưới cây Bồ-đề con vừa mới trồng này sự chứng đắc Vô thượng Chánh Ðẳng Giác mà Thế Tôn đã thành tựu dưới gốc cây Bồ-đề trước kia. 
– Này Ànanda, ông nói gì thế ? Không có nơi nào khác có thể chịu đựng nổi sức mạnh của Ta nếu Ta ngồi nơi đó để chứng đắc quả vị mà Ta đã chứng đắc trong khu vực có cây đại Bồ-đề trước kia đâu. 


Tôn giả Ànanda lại nói : 
– Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì lợi lạc của chúng sanh mà dùng cây Bồ-đề này làm nơi nhập đại định, bao lâu mặt đất chốn này đủ sức chịu đựng sức mạnh của Thế Tôn.  


Bậc Ðạo Sư liền sử dụng nơi mới trồng cây Bồ-đề ấy để nhập đại định suốt một đêm.
Tôn giả Ànanda liền báo tin với vua và mọi người khác, rồi gọi nó bằng tên “Hội Bồ-đề”. Và cây này do Tôn giả Ànanda trồng nên được đạt tên là cây Bồ-đề của Ànanda. 


Vào thời ấy, Tăng chúng bắt đầu nói đến việc trên tại Chánh pháp đường :
– Này Hiền hữu, ngay đức Như Lai còn tại thế, Tôn giả Ànanda đã xin trồng một cây Bồ-đề và cử hành đại lễ cúng dường. Uy lực của Tôn giả ấy thật cao cả thay.
Bậc Ðạo Sư đi vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận điều gì. Các vị thưa với Ngài. Ngài bảo : 
– Này các Tỷ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda hướng dẫn hội chúng loài người trên khắp bốn châu thế giới cùng các đám tùy tùng đông đảo mang đến vô số vòng hoa thơm và mở hội Bồ-đề trong vùng đạo tràng quanh cây Bồ-đề kia đâu. 
Nói xong Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Một thuở nọ, trong vương quốc Kalinga tại kinh thành Dantapura, có một vị vua mệnh danh là Kalinga cai trị. Vua có hai vương tử tên là Mahà-Kalinga và Culla-Kalinga. Thời ấy các nhà tiên tri đã đoán rằng vị thái tử sẽ cai trị sau khi vua cha băng hà, còn vị vương đệ sẽ trở thành nhà tu khổ hạnh, sống đời khất sĩ; tuy thế con trai vị ấy về sau lại sẽ làm một đấng Chuyển luân Thánh vương  (Ràja Cakkavatti)1  


Thời gian trôi qua khi vua cha băng hà, thái tử lên ngôi báu, còn tiểu đệ làm Phó vương. Vị vương đệ cứ nghĩ rằng con trai mình sau này sẽ là một Chuyển luân vương, nên sinh lòng kiêu mạn về cớ đó. Vua không chịu được chuyện này liền ra lệnh cho một vị sứ thần truy bắt Phó vương Kalinga. Vị sứ giả kia đi đến bảo :
– Tâu Ðiện hạ, Ðại vương muốn sai bắt ngài, vậy ngài hãy lo cứu mạng mình. 


Vương tử  này liền chỉ cho vị sưù thần được giao trọng trách này thấy chiếc nhẫn có dấu hiệu riêng của mình, một tấm thảm thật đẹp và một cây kiếm : Có ba bảo vật tất cả. Rồi vương đệ bảo : 
– Khanh phải nhận ra vương nhi của ta nhờ những tín vật này và phò vương nhi lên ngôi báu.
Cùng với những lời dặn dò này, vương tử vội trốn vào rừng. Tại đó chàng dựng một am thất ở một nơi tươi đẹp, vừa ý và sống như người tu khổ hạnh trên một bờ sông. 


Lúc bấy giờ trong vương quốc Madda ở kinh thành Sàgala, vua Madda vừa hạ sanh một công chúa. Về phần công chúa này, cũng như vương tử kia, các nhà tiên tri đoán rằng nàng sẽ phải làm nhà tu khổ hạnh, song con trai nàng sẽ thành một Chuyển luân vương. Các vị vua ở Jambudìpa (Diêm-phù-đề tức Ấn Ðộ2) nghe tin đồn ấy liền đồng một lúc đến bao vây kinh thành. 


Vua nghĩ thầm : “Nay ta gả con gái ta cho một quốc vương nào thì các vị vua kia sẽ nổi giận. Vậy ta phải cố gắng cứu mạng con gái ta.” 


Vì thế vua cùng hoàng hậu và công chúa cải trang trốn vào rừng, và sau khi dựng một am thất hơi xa bờ sông, phía trên thảo am của vương tử Kalinga, họ cùng sống tại đó như người tu khổ hạnh, ăn toàn những thứ cây trái lượm hái được. 


Hai vị cha mẹ muốn con gái được an ổn, nên để nàng ở lại trong am, rồi đi ra hái trái rừng. Trong lúc hai vị đi vắng, nàng lượm đủ các loại hoa kết thành vòng hoa. Bấy giờ trên bờ sông Hằng có một cây xoài nở hoa đẹp, tạo thành một cái thang thiên nhiên. Nàng trèo lên đó, đùa chơi và tìm cách thả vòng hoa xuống nước. 


Một ngày kia, vương tử Kalinga vừa bước ra khỏi nước sau khi tắm thì vòng hoa nọ vướng lên tóc chàng.
Chàng nhìn hoa và bảo : 
– Một nữ nhân nào đã kết hoa này, song đó không phải là một nguời đàn bà trưởng thành mà là một cô gái còn thơ dại. Ta phải đi kiếm nàng mới được. 


Thế là chàng đâm ra si tình, đi lên phía thượng lưu sông Hằng, cho đến khi chàng nghe nàng ca hát bằng một giọng ngọt ngào trong lúc ngồi trên cây xoài. Chàng đến gần gốc cây, vừa thấy nàng liền bảo : 
– Này giai nhân, nàng là loài gì thế ? 
– Thưa công tử, thiếp là người. Nàng đáp.
– Thế thì hãy xuống đi. Chàng bảo.
– Thưa công tử, không được, vì thiếp thuộc dòng dõi Sát-đế-lỵ.
– Thưa cô nương, ta cũng vậy, xin nàng bước xuống. 
– Thưa công tử, không được, thiếp không xuống đâu. Lời nói không làm nên một Sát-đế-lỵ; nếu quả thật ngài là một vị Sát-đế-lỵ xin hãy kể cho thiếp nghe những bí mật của nghi lễ truyền thống kia.  


Sau đó hai người nói cho nhau nghe những chuyện truyền kỳ trong dòng họ. Rồi công chúa bước xuống và hai bên kết giao với nhau. 


Khi cha mẹ nàng trở về, nàng kể cho hai vị nghe chuyện vương tử của vua Kalinga, vì sao chàng vào rừng với đầy đủ mọi chi tiết. Hai vị bằng lòng đem gả nàng cho chàng. Trong thời gian sống chung sắc cầm hòa hợp, công chúa thụ thai và sau mười tháng, nàng hạ sanh một nam tử đầy đủ tướng mạo tốt lành, phước đức và đặt tên là Kalinga. Cậu trai lớn lên, học tập đủ mọi nghệ thuật taøi năng từ thân sinh và tổ phụ chàng.  


Về sau cha chàng nhìn theo cách kết hợp của các ngôi sao và biết được vương huynh đã băng hà. Vì thế ông gọi con trai vào và bảo : 
– Này con, con không nên phí cuộc đời trong rừng già buồn tẻ, vì vương huynh ta, Ðại vương Kalinga ấy, đã qua đời. Vây con phải về Dantapura và kế vị vương quyền của dòng họ ta. 


Sau đó, người cha trao cho con các vật  mang theo mình : chiếc  nhẫn có tín hiệu, tấm thảm và thanh kiếm rồi bảo : 
– Này con, trong kinh thành Dantapua ở phía kia có một vị đại thần vốn là bề tôi thân tín của cha. Con hãy đến nhà vị ấy, đi thẳng vào phòng riêng, đưa cho ông thấy ba vật này rồi nói cho ông biết con là con của ta. Ông sẽ đưa con lên ngai vàng. 


Chàng trai giã từ cha mẹ và ông bà, và nhờ thần lực công đức của chàng, chàng bay qua không gian, xuống nhà vị đại thần nọ, đi thẳng vào phòng riêng của vị ấy.
– Công tử là ai ? Vị quan hỏi.
Chàng đáp : 
– Ta là con trai của Tiểu vương Kalinga.  


Rồi chàng rút ba tín vật ấy ra. Vị quan liền bảo tin cho cả hoàng cung, các triều thần liền trang hoàng kinh thành và giương chiếc lọng hoàng gia lên đầu chàng. Sau đoù vị Tế sư của triều đình tên là Kàlinga – Bhàvadvàja dạy chàng Mười Pháp mà một Chuyển luân Thánh vương phải thành tựu và chàng học tất cả mười phận sự ấy. 


Thế rồi vào một ngày rằm tức ngày Trai giới, từ Cakkadaha xuất hiện cho vua Bánh xe báu (Bảo luân), từ dòng họ Uposatha xuất hiện Voi báu, từ giống quí tộc Valàha xuất hiện Ngựa báu, từ Veppulla xuất hiện Bảo Châu, kế là Nữ vương báu cùng đám tùy tùng thị nữ và Vương tử báu dần dần xuất hiện. 


Sau đó vua thống trị toàn cõi địa cầu. 


Một ngày kia ngài được đám tùy tùng hộ tống suốt ba mươi sáu dặm đường, ngự trên bảo tượng toàn trắng, cao như đỉnh núi Kelàsa. Trong cảnh uy nghi lộng lẫy, ngài trở về thăm song thân chốn cũ. Nhưng khi muốn vượt qua vùng đất quanh cây đại Bồ-đề, bảo tọa vinh quang của chư Phật, nơi đã trở thành trung tâm điểm của vũ trụ, thì voi báu không thể nào qua được : vua cứ thúc voi mãi, song voi vẫn không thể nào vượt qua.
*
Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ đầu : 
1. Kha-linh Thánh đế, Chuyển luân vương,
Chân chánh, ngài cai trị cõi trần,
Một thuở đến Bồ-đề đại thọ,
Trên mình voi báu đại oai thần. 


Do đó, vị Tế sư của triều đình cùng du hành với vua thầm nghĩ : “Trên không gian chẳng có gì cản trở cả, tại sao đức vua không giục voi qua được ? Ta muốn đến xem sao.” Từ trên không hạ xuống, vị này chiêm ngưỡng bảo tọa vinh quang của chư Phật, và khu vực quanh cây đại Bồ-đề. 


Thời ấy tương truyền rằng trong khoảng chừng một dặm vuông ấy không bao giờ có một ngọn cỏ mọc, dù chỉ bằng một sợi lông nhỏ, mặt đất như thể cát mịn, bốn bề là thaûo mộc, cát đằng và đại thọ chẳng khác nào chúa tể sơn lâm sừng sững như đang chiêm ngưỡng, đồng quay mặt về hướng bảo tọa Bồ-đề. Khi vị Bà-la-môn Tế sư quan sát chỗ này, lại suy nghĩ : “Ðây là nơi chư Phật đã đoạn tận mọi dục tham của trần thế nên không ai có thể vượt qua được, dù cho đó chính là Sakka (Ðế Thích) Thiên chủ đi nữa.” Và tiến về phía đức vua, vị Tế sư tâu với ngài các đặc tính của địa phận quanh cây Bồ-đề, cùng thỉnh cầu Thánh vương ngự xuống voi.
*
Ðể giải thích vấn đề này, bậc Ðạo Sư ngâm các vần kệ sau : 
2. Vị Tế sư tâu với Thánh vương,
Là con nhà khổ hạnh hiền nhơn,
Khi ngài chuyển vận xa luân báu,
Ðảnh lễ ngài xong, hướng dẫn đường : 


3. “Ðây các thi nhân vẫn tán dương,
Xin ngài ngự xuống, tấu Hùng vương,
Nơi đây chư Phật-đà vô thượng
Chánh Giác viên thành tỏa ánh quang. 


4. Tương truyền rằng ở chốn phàm trần,
Ðây chính là linh địa thánh thần,
Thảo mộc, cát đằng, cùng đại thọ
Ðứng quanh trong dáng điệu tôn sùng. 


5. Xuống đây, xin đảnh lễ trang nghiêm,
Vì đến miền xa tận hải biên,
Trên đại địa cầu nuôi vạn vật,
Nơi này là đất thánh thiêng liêng. 


6. Ðại vương đầy đủ mọi loài voi
Thuần chủng nhờ cha mẹ tốt đôi.
Ngự giá đến đây, voi vẫn muốn
Tiến lên, song chẳng bước gần nơi. 


7. Ngự trên mình bảo tượng thuần nòi,
Thánh ý tùy nghi, cứ thúc voi,
Song chẳng cách nào voi bước nữa,
Ðến đây, voi phải đứng yên thôi.” 


8. Vua nghe lời nói vị tiên tri,
Vừa phán truyền cho bảo tượng đi,
Vừa thúc gậy sâu vào bảo tượng :
“Nếu vầy, ta sẽ thấy liền khi.” 


9. Bị thúc, voi kêu thét tựa kèn,
Như cò lanh lảnh, hạc vang rền,
Chuyển rung, liền ngã vì hùng lực
Ðè nặng sườn, không thể đứng lên. 


Vì cứ bị đức vua thúc  mãi, thúc mãi, con voi không thể nào chiụ được cơn đau đớn, nên phải chết ngay. Song đức vua không biết là voi đã chết, cứ điềm nhiên ngự trên lưng voi. Một lát sau Tế sư Kalinga-Bhàradvàja nói : 
– Muôn tâu Thánh thượng, vương tượng đã chết rồi, xin Thánh thượng ngự qua voi khác.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ mười để giải thích việc này : 
10. Quốc sư lo sợ lúc nhìn voi
Ðã chết, lòng kinh động thốt lời : 
“Xin tìm voi khác, tâu Hoàng thương,
Bảo tượng ngài nay bỏ mạng rồi.”
*
Nhờ công đức và thần lực của vị Thánh vương, một con voi khác thuộc chủng loại Uposatha xuất hiện trước đức vua và đưa lưng ra mời. Vua ngự trên lưng nó. Lúc ấy thi thể vương tượng kia liền ngã xuống đất.
Bậc Ðại Sư ngâm vần kệ để giải thích việc này : 
11. Vua hãi kinh nghe tấu việc này,
Ngự lên voi khác, bỗng liền ngay
Thi hài bảo tượng kia nhào xuống,
Lời thật tiên tri đã hiển bày. 


Lập tức vua ngự xuống tứ trên không gian, và chiêm ngưỡng vùng đất quanh cây Bồ-đề. Trước việc thần kỳ kia vừa thị hiện xong, đức vua tán thán vị tế sư Bhàradvàja qua vần kệ : 
12. Thế này, với vị Tế sư mình,
Ðại đế Kha-linh bảo : “Thực tình
Mọi việc khanh am tường thấu suốt,
Hiền khanh thấy tất cả duyên sinh.” 


Song bấy giờ vị Bà-la-môn kia không muốn nhận lời tán thán trên, mà vẫn giữ vững nguyên vị trí khiêm tốn của mình, ông tán thán công đức chư Phật và ca tụng hết lời.
*
Bậc Ðạo Sư lại ngâm kệ để giải thích vấn đề : 
13. Quốc sư từ chối sự tuyên dương
Và tấu như vầy với Thánh vương :
“Thần chỉ biết điềm cùng tướng triệu,
Còn chư Phật giác ngộ hoàn toàn. 


14. Phật-đà tri kiến đạt toàn chân,
Ðiềm triệu, các Ngài chẳng chú tâm,
Chư Phật toàn tri nhờ tuệ quán,
Thần là học giả chẳng uyên thâm”.
*
Vua nghe nói về công đức của chư Phật, nên lòng đầy hoan hỷ, liền ban lệnh cho người trần thế đem thật nhiều vòng hoa thơm đến cúng dường vùng đất quanh linh thọ Bồ-đề suốt bảy ngày đêm liền.
*
Bậc Ðạo Sư ngâm đôi vần kệ để giải thích việc này :
15. Thánh thọ Bồ-đề, chúa cúng dường
Với bao âm nhạc thật du dương,
Các vòng hoa đẹp thơm ngào ngạt,
Ngài lại xây quanh một bức tường. 


16. Thế rồi Thánh đế ngự ra về,
Mang đến hoa đầy sáu vạn xe,
Làm lễ cúng dường, vì Ðại đế
Kha-linh sùng Thánh địa Bồ-đề.
*
Sau khi đã làm lễ cúng dường trọng thể Ðại thọ Bồ-đề như trên, đức vua thăm song thân, rồi rước hai vị về thành Dantapura sống cùng ngài. Tại đấy ngài chuyên bố thí và làm các phận sự khác, cho đến khi mạng chung ngài được tái sanh vào cõi Trời Ba mươi ba.
*
Sau khi chấm dứt Pháp thoại trên, bậc Ðạo Sư bảo : 
– Này các Tỷ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda làm lễ cúng dường cây Bồ-đề, mà ngày xưa cũng vậy. 
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân :
– Vào thời ấy Ànanda là vua Kalinga, và Ta chính là vị quốc sư Kalinga Bhàradvàja kia.
*
* *

Chú thích:
1) Ràja cakkavatti (Chuyển Luân vương): Vị vua cai trị toàn cầu bằng chánh pháp chứ không bằng đao trượng.
2) Jambudìpa (Diêm-phù-đề): xứ của cây hồng đào, tên cũ của Aán Ðộ. Anh dịch là: The Country of Rose-apple Trees.

Nhận xét:

Bồ-đề Ðạo tràng là Thánh địa thiêng liêng đã được biết bao áng văn thơ ca tụng từ ngàn xưa và đây là một ví dụ. 


Sau khi đức Phật thành Ðạo, Ngài thọ hưởng Giải thoát lạc và Niết-bàn lạc trong nhiều tuần tại vùng đất đã chứng kiến sự Giác Ngộ của Ngài ngay dưới gốc cây Assatha (một loại cây sung). 


Ngài đã không ngừng chiêm ngưỡng cây cổ thụ vĩ đại và thầm cám ơn cây cao bóng cả đã che chở Ngài như một nơi an trú tốt lành suốt thời gian Ngài chiến đấu quyết liệt để đạt Phật quả.
Chính đức Phật đã tỏ lòng quý trọng quý trọng vùng đất đặc biệt này nên các đệ tử của Ngài cũng đều ngưỡng mộ cây cổ thụ được mệnh danh là cây Bồ-đề ở Bồ-đề Ðạo tràng như một biểu tượng của sự Gíac Ngộ. 


Sau đó các vị đệ tử xuất gia cũng như tại gia đều thỉnh cầu Ngài cho phép họ đem một hột giống của cây Bồ-đề về trồng tại Kỳ Viên để làm một địa điểm chiêm bái thiêng liêng, đặc biệt là những lúc đức Phật du hóa phương xa. 


Từ đó Hội Bồ-đề do Tôn giả Ànanda khởi xướng ra đời đáp ứng nhu cầu ấy tâm linh của các đệ tử thời đức Phật. Nhân dịp này, đức Phật kể một chuyện Tiền thân của Ngài, cho thấy từ trong quá khứ, chư Phật cũng đã viên thành Chánh giác tại Thánh địa Bồ-đề, cho nên vùng này đã trở thành một nơi thiêng liêng mà tất cả mọi loài cỏ cây sinh vật đều tỏ thái độ tôn trọng. 


Thuở ấy, Bồ-tát tiền thân đức Phật còn là một vị Tế sư Bà-la-môn cũng đã khuyên một vị Chuyển luân vương đến chiêm bái Thánh địa này với hương hoa cúng dường và sau đó Ngài ra lệnh thần dân cử hành đại lễ tại Thánh địa Bồ-đề. 


Ngày nay, Bồ-đề Ðạo tràng là nơi quy tụ chùa đền của Phật tử khắp thế giới đến đây để tỏ lòng tôn sùng Thánh địa đã chứng kiến sự Giác Ngộ vô thượng của đức Phật đem lại ánh sáng trí tuệ và từ bi cho toàn thể muôn loài. 


Ngoài ra, các học giả Tây phương còn nhận thấy ảnh hưởng của chuyện Tiền thân này trong nhiều nền văn học nhân gian ở Âu Á: những chi tiết về các tín vật của vị vương tử và cách công chúa thả vòng hoa xuống dòng suối đưa đến mối kỳ duyên giữa nàng và vị vương tử ấy là những sự kiện thường gặp trong các cổ tích nhân gian của nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Ðiều này chứng tỏ các chuyện Tiền thân đức Phật đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều đất nước vượt xa ngoài biên giới Ấn Ðộ từ ngàn xưa. 


Nhân dịp lễ đức Phật Thành Ðạo cũng là dịp đầu xuân Nhâm Ngọ, tôi xin gởi đến các đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền Thân đầy hương đạo mầu nhiệm này để cùng nhau tưởng nhớ một trong bốn Thánh địa thiêng liêng mà đức Phật đã từng in dấu chân trong thời Ngài còn trụ thế: Vườn Lumbini, nơi đức Phật đản sanh; Bồ-đề Ðạo tràng, nơi Ngài chứng đắc Vô thượng Giác Ngộ; Vường Nai, nơi Ngài Sơ chuyển Pháp luân, và rừng Sàla ở Kusinàrà, nơi Ngài diệt độ trong Niết-bàn tối hậu.

Tiền thân Kalinga-Bodhi)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch