Cơn bão số 5 vừa đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung. Trời
mưa rỉ rả suốt mấy ngày chúng tôi ghé tham quan thành phố Đông Hà và
thị xã Quảng Trị. Ấy vậy mà... vừa bước chân sang đất nước Triệu Voi thì
trời lại nắng chang chang. Không khí càng oi bức ngột ngạt khi công an
cửa khẩu Lao Bảo từ chối cấp visa cho hai vị trong đoàn vì passport gần
hết hạn. Nhưng rồi mọi việc sau đó cũng kịp thời giải quyết ổn thỏa.
Qua khỏi biên giới Việt - Lào,
chuyến xe khách vượt hơn 200 cây số đường trường mới đưa chúng tôi đến
tỉnh Savanakhet. Đường xá có chỗ gập ghềnh, có đoạn tương đối tốt, song
cảm giác an toàn và sự tĩnh lặng của cảnh vật khiến người mới đến lần
đầu đã thấy cõi lòng thanh thản vô ưu. Đất nước của hoa Chăm-pa, của
những ngày lễ hội tưng bừng trong năm được bao bọc bởi núi rừng mênh
mông hùng vĩ. Suốt chặng đường, tôi mải miết dõi theo những khu rừng
thưa vụt nhanh qua tầm mắt; những cánh đồng lúa nước tốt xanh mượt mà;
Những căn nhà sàn nhỏ bé bình dị như tâm hồn chủ nhân bao đời của nó.
Người ta bảo: Đến Lào để tận hưởng không gian ngút ngàn cây xanh cỏ dại,
để cùng sống chậm theo dòng thời gian trôi qua muôn sắc màu thanh bình
yên ả. Quả thật như vậy.
Năm giờ chiều chúng tôi mới đến thị xã
Savan, thủ phủ của tỉnh Savanakhet. Tỉnh Savanakhet là trung tâm kinh tế
lớn thứ hai của Lào, còn được mệnh danh là thành phố thiên đường, nơi
mua sắm du lịch hấp dẫn vì có vị trí nằm bên dòng Mê Kông, tiếp giáp
tỉnh Mukdahan của Thái Lan. Chiếc cầu hữu nghị khánh thành năm 2006 tạo
thêm mối thâm tình thông thương giao hữu giữa hai quốc gia lân cận.
Chú
Lệ, anh họ của Sư cô Minh Lạc trong đoàn - sang Lào định cư đã hơn hai
mươi năm. Chú thường giúp đỡ đưa đón chư Tăng Ni mỗi khi quý vị từ Việt
Nam sang Lào tham quan du lịch. Ra đón chúng tôi từ ngã ba rẽ qua thị
xã, người Phật tử nhiệt thành tỏ rõ sự vui mừng khi gặp quý thầy cô từ
quê nhà sang. Chú đưa chúng tôi về nhà mình giới thiệu, sau đó mới chở
chư Ni về chùa Diệu Giác nghỉ ngơi, còn quý thầy thì qua chùa Bảo Quang.
Thật thú vị khi được ở trong ngôi chùa mang đậm phong cách truyền thống
Việt trên đất nước Lào. Sư cô Đàm Luân, trụ trì chùa Diệu Giác tánh
tình hiền hậu lại nhiệt tình mau mắn. Chỉ mấy ngày lưu lại chùa mà chị
em chúng tôi thân tình tự nhiên như đã từng quen biết. Cha mẹ Sư cô gốc
là người Thanh Hóa, họ di cư sang Lào từ đầu thập niên năm mươi của thế
kỷ trước. Sanh ra và lớn lên tại đất nước Triệu Voi, Sư cô không những
thông thạo tiếng mẹ đẻ mà cũng am hiểu nhiều phương ngôn thổ ngữ quê
nhà. Tu sĩ người Việt sống trên đất Lào, sự tu học giữ gìn theo thanh
quy Đại thừa Bắc tông, ăn chay và tụng kinh tiếng Việt nhưng vẫn tuân
thủ giới luật của Giáo hội Lào. Quá ngọ không dùng bữa, không chạy xe
máy và cả ô tô trên đường.
Chúng tôi không phải là khách Ni duy
nhất của chùa Diệu Giác. Mấy ngày trước có quý thầy và chư Ni từ Huế
sang làm lễ quy y cho Phật tử người Việt trong vùng. Buổi lễ quy y tổ
chức tại chùa Bảo Quang tối hôm đó. Theo lời Sư cô Đàm Luân, tỉnh
Savanakhet có hai ngôi chùa Việt. Chùa Diệu Giác Ni và chùa Bảo Quang
Tăng đều do cộng đồng người Việt góp sức xây dựng từ thập niên ba mươi
của thế kỷ hai mươi. Tăng Ni từ Việt Nam qua Lào thường tìm đến hai chùa
này lưu trú để tiện tham quan chiêm bái Phật tích các nơi. Sự ân cần
chu đáo của sư trụ trì chùa Diệu Giác khiến chúng tôi luôn cảm thấy
thoải mái an lạc như đang ở tại chùa mình.
... Một buổi sáng, tôi dậy sớm tản bộ
quanh con đường trước cổng chùa. Đi bộ vừa để hít thở khí trời trong
lành mát dịu, vừa muốn mục kích các vị sư Lào đi khất thực. Chùa nằm
ngay ngã tư nhưng suốt ngày yên vắng, ít tiếng xe cộ. Lúc này, có nhiều
phụ nữ đem chiếu và ghế nhỏ ra để bên vệ đường. Trên ghế đặt một cái thố
to bằng nhôm hoặc bằng mây có nắp đậy. Thoạt nhìn, tôi ngạc nhiên vì
không biết họ buôn bán thứ gì vào sáng sớm tinh mơ mà đường phố vắng
tanh thế này. Nhưng khi nhận ra bên trong thố là những vắt cơm và thức
ăn, thì tôi chợt hiểu. Họ trải chiếu quỳ xuống, yên lặng đợi các vị sư
khất thực đi ngang qua để dâng thức ăn cúng dường. Phẩm vật đơn sơ, ánh
mắt chân thành kính cẩn... bức tranh cuộc sống toát lên một vẻ đẹp thánh
thiện tạo nguồn cảm xúc sâu xa cho du khách phương xa một lần tìm đến.
Trời
sáng dần... từ góc đường, nơi có ngôi chùa Lào tọa lạc cạnh dòng Mê
Kông hiền hòa thơ mộng bỗng xuất hiện một đoàn sư áo vàng cam đang đi
tới. Tôi đưa máy ảnh vừa tầm ngắm nhưng rồi thất vọng khi thấy họ rẽ
sang con đường khác. Không lâu sau, lại có một đoàn sư khác. Lần này các
vị đi ngang qua chùa Diệu Giác. Dẫn đầu là vị sư lớn tuổi, theo sau là
các chú đạo nhỏ. Mấy chú mỉm cười khi thấy tôi chụp hình. Đoàn khất sĩ
chậm rãi dừng lại nhận phẩm vật của chư thiện tín cúng dường rồi tiếp
tục thẳng bước trên đường. Cảnh sắc ban mai tỏa sáng trong màu y đỏ rực.
Không gian tĩnh lặng mà thanh thoát diệu kỳ biết bao.
Sau mấy ngày lưu lại chùa Diệu Giác và
chiêm bái nhiều ngôi chùa Lào trong thanh phố, chúng tôi lại lên đường
sang tỉnh Mukdahan của đất nước Thái Lan. Xe ra khỏi thị xã Savan không
bao lâu đã đến cửa khẩu Lào, qua cầu là tới cửa khẩu Thái. Thủ tục nhập
khẩu của hai nước thật đơn giản mau lẹ. Ngồi trong xe, tôi quay người ra
sau, cố chụp cho được chiếc cầu Hữu Nghị bắt qua dòng Mê Kông nối liền
hai tỉnh vùng ven biên giới. Nhịp sống bên đất Thái trù phú nhộn nhịp
hơn hẳn. Những chiếc xe buyt, xe tuk- tuk màu sắc cũng tươi tắn rực rỡ
hơn.
Đoàn ghé thăm ngôi chùa Việt trong thành
phố cũng mang tên Diệu Giác. Chùa Diệu Giác do Sư cô Huệ Mỹ người miền
Tây Nam bộ mới sang trông coi mấy năm nay. Trong chùa có một phòng thư
viện, giúp mọi người lui tới tìm hiểu trau giồi học tập ngôn ngữ tiếng
Việt. Người Việt cũng có mặt ở Thái từ thời chống Pháp. Những khu người
Việt được hình thành và hội người Việt lập ra đã góp phần bảo tồn bản
sắc văn hóa quê hương và trợ giúp nhau khi hữu sự ở nơi đất khách quê
người.
Phật giáo Thái Lan và một số nước như
Lào, Myanma, Campuchia... đều theo truyền thống Theravada (Tiểu thừa Nam
tông). Tu sĩ Nam tông đi khất thực mỗi buổi sáng, thọ dụng ngũ tịnh
nhục, quá ngọ không ăn. Một năm hàng thiện tín của họ có mười ngày chay
vào đầu tháng Chín (Tháng ra hạ của tu sĩ Nam tông, cũng như tháng Bảy
bên mình). Lúc chúng tôi đến đúng vào mười ngày chay nên có nhiều hàng
quán chay. Tham quan lễ Phật xong, chú Lệ đưa chúng tôi đến dùng trưa
trong một quán cơm chay người Hoa. Quán chay của người Hoa nằm lọt thỏm
trong khu người Việt. Tu sĩ và Phật tử Việt ăn chay nhiều nên quán buôn
bán đông khách quanh năm.
Đến
bất cứ đâu, từ chùa cho đến khu dân cư, quán ăn và các đường phố lớn,
chúng tôi đều nhìn thấy người ta trưng bày di ảnh của đức vua và hoàng
hậu. Người dân Thái tôn sùng vua của họ ngang bằng với kính Phật. Cũng
phải thôi. Phật giáo mang lại cho họ nguồn sống tâm linh an lành tự tại.
Đức vua là người có công lớn đưa nền nông nghiệp Thái Lan phát triển
giàu mạnh cho đến ngày nay. Hình ảnh đức vua chính là biểu tượng thiêng
liêng của dân tộc Thái. Đất nước của những nụ cười tràn ngập sắc màu an
lạc và niềm tin tôn giáo.
Ngôi chùa Hoàng gia tọa lạc trên một
ngọn núi, cách tỉnh Mukdahan hơn trăm cây số. Vì ở Thái chạy xe bên trái
nên chú Lệ nhờ người bạn, cũng là người Việt định cư ở Lào quen đường
chở giúp. Từ chân núi, chúng tôi đã nhìn thấy đỉnh tháp nhô cao chót
vót. Xe chạy lên chùa theo con đường tráng nhựa vào tới tận cổng sau.
Chùa do một vị công chúa, chị của đức vua đương thời phát tâm bảo trợ
cúng dường. Chùa xây chưa xong thì bà tạ thế. Nhiều công trình vẫn còn
đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.
Chùa Hoàng gia nên lối kiến trúc cũng
thật là nguy nga tráng lệ. Có bốn cổng tam quan trông ra bốn hướng Đông
Tây Nam Bắc, có cả ngàn tượng Phật đặt ở hành lang chạy quanh vòng tường
có mái che lợp ngói. Tượng Phật ngồi trên chiếc bệ cao sơn vàng đính
hạt cườm xanh nổi bật. Trong khuôn viên rộng thênh thang có rất nhiều
cây xanh thảm cỏ, có hồ phun nước, có trụ đá dùng để tôn trí các vị Bồ
tát và thần linh. Tất cả đều tỏa sáng một màu vàng thật ấn tượng. Mấy
ngôi bảo tháp lớn thì màu trắng với những đường viền hoa văn vàng ánh.
Tháp có lớn nhỏ nhưng kiểu dáng thì giống nhau. Vì không đủ thời gian
nên chúng tôi chỉ vào lễ Phật ở ngôi tháp lớn. Tháp có nhiều cửa, mỗi
cửa có tam cấp đi lên và có sáu tầng, mỗi tầng thờ một tượng Phật chính ở
trên cùng nhiều pho tượng nhỏ hơn bên dưới. Tôi lên tới tầng hai chụp
hình rồi ngồi lại chiêm nghiệm tượng Phật, nên không theo đoàn lên các
tầng trên. Tầng thứ sáu là nơi thờ xá lợi Phật và các vị đại đệ tử.
Chiêm
bái những ngôi chùa mang tầm vóc quy mô vĩ đại cứ khiến người ta phải
luôn miệng trầm trồ thán phục. Suốt chuyến tham quan, đầu óc tôi lại
miên man với ý nghĩ: Ở đâu những giá trị tâm linh được tôn tạo giữ
gìn... thì ở đó niềm tin về lẽ sống chơn thường sẽ không ngừng tỏa
sáng.
Vũ trụ vô thường. Sắc thân huyễn mộng.
Tâm nguyện rộng lớn của người tạo lập rồi cũng sẽ theo dòng thời gian
trôi xa vào cõi miên trường vĩnh cửu.
Một chuyến đi... đọng lại biết bao điều.
Thế giới này hữu hạn nhưng niềm tin về những điều chân thiện mỹ sẽ mãi
lan xa và... lan xa mãi.