Một người nông dân nhờ một vị Tăng tụng kinh cho vợ anh ta
vừa mất. Sau thời kinh, anh hỏi:
- Ngài có tin rằng vợ tôi hưởng được phước đức của
thời kinh không?
- Chẳng những chỉ vợ của gia chủ mà tất cả chúng sinh
đều được hưởng. Vị Tăng trả lời.
- Nếu ngài bảo mọi chúng sinh đều được phước, vậy thì
họ sẽ giành hết vì vợ tôi rất yếu đuối. Xin ngài chỉ tụng kinh cho vợ
tôi thôi.
Vị Tăng giải thích rằng hồi hướng công đức cho tất cả
chúng sinh thì phước đức của mình tăng lên đến vô lượng.
Người nông dân kết luận:
- Ðó là một giáo lý cao thượng, nhưng xin ngài dành
cho một ngoại lệ. Có tên láng giềng thô bạo hằng xử tệ với tôi. Xin ngài
loại nó ra khỏi cái thành phần chúng sinh kia nhé.(Theo 101 câu
chuyện thiền)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Có một lần nghe pháp thoại, vị pháp sư giảng về
phương thức bố thí, nhấn mạnh đến pháp tùy hỷ thí, tức là sự ca ngợi,
vui vẻ, hân hoan với hành động bố thí của người khác. Đặc biệt là nếu
thực tập được hạnh tùy hỷ thí này thì dù mình không cần bỏ ra bất cứ tài
vật gì mà phước đức của mình lại bằng với người bố thí kia. Nghe lạ
quá, mà cũng dễ thực hành quá vì đâu cần làm gì tốn kém hay vất vả, chỉ
cần ca ngợi và vui vẻ với hạnh bố thí của người khác là được. Nhưng thực
tế thì không giản đơn như vậy, vì đối với hầu hết chúng ta khi thấy
người khác làm được nhiều việc tốt, tự nhiên mình lại thấy lòng đố kỵ
không vui.
Vì sao ta lại không vui với việc tốt của người khác,
phải chăng đó là biểu hiện của chấp ngã, phản ứng của cái tôi ích kỷ,
hẹp hòi? Cũng như khi ta làm phước thì chắc chắn được phước. Đúng ra,
nếu ta biết hồi hướng phước báo ấy cho tất cả mọi người, nguyện đem tất
cả phước đức có được chan rải đến mười phương chúng sinh để hết thảy
cùng hưởng, thì phước đức của ta được nhân lên gấp ngàn vạn lần, có thể
nói là đến vô lượng. Nhưng mà nghĩ đến việc những người khác không làm
gì cả mà lại hưởng phước của mình thì thật khó chịu. Đó là chưa kể đến
trường hợp trong tập thể chúng sinh ấy có không ít người mà ta đã nguyện
"không đội trời chung", thì việc hồi hướng phước báo cho hắn là điều
không thể chấp nhận được.
Như người nông dân trong câu chuyện, vẫn biết hồi hướng công đức cho
chúng sinh là tốt, nhưng vẫn khẩn khoản xin vị Tăng một ngoại lệ là loại
tên hàng xóm thù nghịch ra khỏi danh sách chúng sinh được hồi hướng.
Điều đó cho thấy khó có thể sẻ chia hoặc làm bất cứ điều gì tốt đẹp hay
lợi ích cho người mà ta đã có nội kết thù oán, dù chỉ là tâm nguyện. Vì
chỉ cần nhớ nghĩ đến người ấy, ta đã thấy căm ghét rồi thì làm sao mà
"cho" được. Trong khi ta "cho" người cốt để cho mình mà còn chưa làm
được thì khó thể cho đi một cách vô tư (ba la mật). Thế mới biết chấp
ngã rất sâu nặng và gây khổ đau cho chúng sinh biết dường nào.