Đọc qua lịch sử chúng ta biết nhiều về
hạnh động thù nghịch của Đề-bà-đạt-đa đối với đức Phật như thế nào. Không phải
chỉ xảy ra trong thời đức Phật còn tại thế mà còn lắm nhiều kiếp khác
nữa. Ông tạo cơ mưu ám hại giết chết Phật, bày chước độc, phỉ báng thanh
danh. Tiền thân Đề-bà-đạt-đa là người xấu, xan lẫn kinh pháp, trao đổi
kinh pháp với giá quá đắt, luôn là nhân vật đối nghịch, đối kháng, ra sức hãm
hại Bồ tát (tiền thân của đức Phật). Tuy
nhiên, trong phẩm Đề-bà-đạt-đa, kinh Pháp Hoa, thì đức Phật lại xem Đề-bà-đạt-đa
là người bạn tốt, là bậc thiện tri thức, là người bạn không thể thiếu trên bước
đường tu tập để đạt giác ngộ của mình.
Điều chính mà chúng ta luận bàn ở đây
không phải nói tới những điều bất thiện, hành động thù nghịch của Đề-bà-đạt-đa
mà chính là sử dụng cái không đẹp, không tốt ấy vào quá trình tu học để đạt
giải thoát của mình. Có thể ví những hành động của Đề-bà-đạt-đa là rác, là phân
thì hoa nở (tượng trưng cho sự giác ngộ) cần phải có rác, có phân. Hoa có nở
đẹp cuộc đời hay không là nhờ rác dơ, phân bẩn đó. Vì thế mới có câu: Phiền não
tức Bồ đề. Muốn thành chánh quả không thể chốn chạy nghịch cảnh. Một mình lập
am, lập cốc, đóng của luyện tu, chánh quả ắt khó thành.
Đã là cuộc đời luôn có mâu thuẫn, luôn có
thuận duyên và nghịch duyên. Có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu, ngoại cảnh
hay tự thân đều cùng chung quy luật ấy. Đừng nghĩ rằng mình làm thiện thì luôn
có cái thiện cái tốt đến ngay với mình, và đừng cầu mong chuyện không may, kẻ ác
tránh xa mình. Nhân quả trong Phật giáo không phải quá đơn giản như người ta
tưởng, nó vận hành theo nhịp độ thời gian nên làm cho nhân quả khác thời, khác
giống và không cố định.
Có lửa cao mới biết tuổi vàng, có chở nặng
mới biết sức mạnh của con long tượng. Có kẻ ác như Đề-bà-đạt-đa thì sức
tinh tấn của chư Phật trong quá khứ, sức nhẫn nhục của chư Phật ở hiện tại mới
thành tựu đến đỉnh cao: “Ba-la-mật”. Nếu người biết học đạo, kẻ ác
cũng có thể là thầy ta được. Ta sẽ học với họ cái mà ta vĩnh viễn
phải chừa.
Khi thực tập tu, chúng ta không nên lựa
chọn bạn để tu, hãy xem việc người hiền ở với mình, hay ai đó khắc khẩu ở với
mình là điều bình thường. Chúng ta luôn có khuynh hướng chọn bạn để học, để tu;
chọn người nào đó hợp tính với mình, người nào đó mà mình thấy thương, có cảm
tình; còn kẻ nào khó chịu, không hợp với nhãn quan của mình, thì mình tránh xa.
Thế thì làm sao có thể thực tập hạnh nhẫn nhục hay thực tập hạnh từ bi cho
được. Nếu còn thấy người an ủi vỗ về, giúp đỡ là người ơn; còn người thử thách,
la mắng là kẻ phá hại; còn thấy người ơn, kẻ hại là còn thấy hai. Mà còn thấy
hai thì không thể nào nhận ra tri kiến Phật như kinh Pháp hoa đã dạy. Ta thường
chê phân là hôi thúi, nhưng để có hoa nở làm đẹp cuộc đời thì không thể thiếu
phân được.
Bồ Tát có khi thị hiện là một người tốt để
hầu giúp chúng ta vững trãi, không thối thất tâm bồ đề; cũng có khi thị hiện là
người ác để giúp kẻ đang bị mắc kẹt trong khi tu tập. Cái tốt hay cái ác của Bồ
tát đều mong giúp chúng ta thẳng tiến trên con đường giải thoát. Cái nhìn còn
có sự phân biện giữa thiện hạnh và nghịch hạnh thì chưa thể tiến tới tri kiến
Phật, chưa thể công thành quả mãn. Vì thế, đức Phật đã nói Đề-bà-đạt-đa là
thiện tri thức, là người bạn tốt của Ngài không chỉ trong đời này mà còn nhiều
kiếp trước nữa. Nhờ có thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa mà đức Phật viên mãn công
hạnh Bồ tát, được thành Phật.
Vì thế, trên con đường tu học của mình,
nếu có một Đề-bà-đạt-đa thứ hai, thứ ba… thì hãy xem đó là một sự may mắn, đó
là người bạn tốt để mình tiến nhanh trên con đường giải thoát vậy.