Truyện - Tùy bút
Đức Phật Thăm Tỷ Kheo Đang Bệnh
Thích Phước Sơn
17/06/2010 00:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Thế Tôn Chánh đẳng Chánh giác sau khi thành đạo, vì muốn độ người nên an trú tại thành Xá Vệ. Chư Thiên, nhân loại cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán, danh tiếng vang khắp mười phương, mọi loài đều xem Ngài như bậc tối thắng trong các bậc xứng đáng được cúng dường. Chúng sinh nào cầu phước đức, Ngài ban cho phước đức. Chúng sinh nào cầu trí tuệ, Ngài ban cho trí tuệ. Chúng sinh nào khổ não, Ngài làm cho an lạc. Ngài vì chư thiên, nhân loại mà mở cửa cam lồ. Thế nên, 16 nước lớn tại cõi Thiên Trúc lúc bấy giờ không nước nào là không ngưỡng mộ phục tùng . Những ai tự thân chứng kiến được cách an trú của Phật thì đều hiểu rằng đó là cách an trú của chư Thiên, là cách an trú của Phạm Thiên, là cách an trú của Hiền Thánh, là cách an trú cao quý nhất, là cách an trú với trí tuệ tuyệt vời, được hòan toàn tự tại, vô ngại. Thế nên, Đức Như Lai an trú tại thành Xá Vệ.

Thế rồi một hôm, Phật bảo A Nan:

– Ông hãy khóa cửa phòng lại rồi đi với ta, Như Lai muốn đi thăm viếng chỗ ở của chư Tăng.
A Nan đáp:

– Lành thay, bạch Thế Tôn!
Rồi thầy khóa cửa phòng lại đi theo sau Phật, Thế Tôn đi đến một căn phòng bị hư nát, thấy có một Tỷ kheo đang lâm bệnh, nằm trên phân tiểu, không thể đứng dậy nổi, Phật liền nói:

– Này Tỷ kheo! Bệnh tình của ông như thế nào? Cơn đau tăng hay giảm? – Bạch Thế Tôn! Cơn đau chỉ có tăng chứ không giảm. – Hôm nay có ăn được không? – Dạ thưa không được, bạch Thế Tôn! – Hôm qua ăn có được không? – Dạ thưa không được, bạch Thế Tôn! – Hôm kia ăn có được không? – Cũng không được, bạch Thế Tôn! Con không được ăn nay đã 7 ngày. – Có thức ăn mà không ăn được hay không có thức ăn nên không ăn? – Không có thức ăn, bạch Thế Tôn! – Ở đây có Hòa thượng của ông không? – Không có, bạch Thế Tôn! – Có các Hòa thượng khác không? – Không có, bạch Thế Tôn! – Có thầy Giáo thọ của ông không? – Không có, bạch Thế Tôn! – Có các thầy Giáo thọ khác không? – Cũng không có, bạch Thế Tôn! – Phòng bên cạnh không có Tỷ kheo nào sao? – Bạch Thế Tôn! Vì con bị bệnh hôi thối, nên họ đã dời đi nơi khác, do đó, con cô độc đau khổ lắm, bạch Thế Tôn! Con cô đơn lắm. Bạch Thiện Thệ! – Ông đừng sầu não nữa, Ta sẽ giúp đỡ ông. Này Tỷ kheo! Hãy lấy y phục đưa đây, ta sẽ giặt cho.
Khi ấy, A Nan bạch với Phật:

– Bạch Thế Tôn! Y của Tỷ kheo bệnh để đó con giặt cho! – Vậy ông giặt y đi, để Ta xối nước cho.
Thế rồi, A Nan đem y của bệnh nhân ra giặt, còn Thế Tôn thì xối nước. Khi giặt xong, thầy đem đi phơi nắng, rồi thầy bồng Tỷ kheo bệnh đặt nằm trên một tấm ra ở chỗ đất trống, lau chùi phân uế, lại đem giường gối và các vật bất tịnh ra ngoài phòng, rưới nước trong phòng, quét dọn sạch sẽ, dùng khăn lau lau sàn nhà, giặt giũ giường nệm, vá lại ghế dây, rồi đem chúng đặt vào chỗ cũ. Tiếp đến, thầy tắm rửa cho Tỷ kheo bệnh sạch sẽ, rồi bồng thầy đặt nằm lại trên giường.

Khi ấy, Thế Tôn dùng bàn tay mềm mại, sắc vàng óng ánh được kết tinh bằng vô lượng công đức xoa trên trán Tỷ kheo, và hỏi:

– Cơn đau của ông tăng hay giảm? – Bạch Thế Tôn, nhờ ơn Thế Tôn dùng bàn tay đặt trên trán con, nên mọi thống khổ đều tiêu tan hết.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp khiến thầy sinh tâm hoan hỷ. Rồi Thế Tôn tiếp tục thuyết pháp làm cho thầy đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Sau khi Tỷ kheo khỏi bệnh, Thế Tôn bèn đi đến chỗ đông đủ các Tỷ kheo, trải tọa cụ ngồi, rồi đem sự việc trên trình bày lại đầy đủ với các Tỷ kheo. Đoạn, Ngài hỏi thầy Tỷ kheo ở phòng bên cạnh là ai, thì vị ấy đáp:

– Chính là con đây, bạch Thế Tôn!
Do vì thái độ thờ ơ của thầy đối với người bệnh, nhân cơ hội này, Phật muốn nhắc nhở các Tỷ kheo cần phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau nên ngài nói với Tỷ kheo:

– Này các Tỷ kheo! Những người đồng hạnh với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Này các Tỷ kheo! Ví như các con sông Hằng, sông Diêu Phù Na, sông Tát La, sông Mê Hê chảy vào biển cả, liền mất tên cũ mà hòa chung thành một hợp thể, gọi là đại dương. Các ông cũng như vậy, ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ mới là Sa môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc? Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, mỗi người đều khác họ, rồi cùng vượt đại dương đi kinh doanh trên thương trường thì được gọi là người đi buôn trên biển.. Cũng như thế đó, các Tỷ kheo, các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ là Sa môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc? Từ nay về sau, nếy Tỷ kheo bệnh thì Hòa thượng bổn sư phải săn sóc. Nếu không có Hòa thượng bổn sư thì các Hòa thượng khác phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni. Nếu có thầy Giáo thọ thì thầy Giáo thọ phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni. Nếu có người cùng phòng thì người cùng phòng phải săn sóc. Nếu không có người cùng phòng thì người ở phòng bên cạnh phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni. Nếu như người ở phòng bên cạnh cũng không có thì Tăng phải sai người chăm sóc. Tùy theo người bệnh cần bao nhiêu người thì phải sai bấy nhiêu người lo việc nuôi bệnh. Nếu như không săn sóc thì tất cả chúng Tăng đều phạm tội Việt tì ni.
Này các Tỷ kheo! Các ông hãy trở về săn sóc Tỷ kheo ở phòng mình cũng như phòng bên cạnh, nếu như người ấy lâm bệnh.

(Ma Ha Tăng Kỳ luật, quyển 28 – Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 22, trang 455b).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch