Những ngày đầu đến Huế, tôi tò mò lắm về một “Huế tím”, Huế
của những áng thơ, câu hát mà từ trước đến nay tôi đều được nghe, được
mô tả như một biểu tượng của xứ sở dịu dàng khôn xiết. Ngay cả nhà văn
Hoàng Phủ Ngọc Tường – nhà Huế học cũng đã từng láy đi láy lại nhiều lần
về cái màu tím của Huế, kể cả Huế ở một thời xuống đường tranh đấu, và
Huế ở thời hiện đại, trong những tùy bút nổi tiếng của ông. Nhưng, sau
nhiều năm ở Huế, hình như tôi đã phát hiện ra Huế không chỉ là Huế tím
mà còn có một sắc Huế khác lung linh hơn, thâm trầm hơn và cũng làm tôi
thấy mình được hạnh ngộ nhiều hơn: Huế của những áo lam màu khói.
Ấy là một buổi chiều vào mùa đông, tôi là sinh viên năm thứ nhất khoa
Văn lơ ngơ đi trong giảng đường sư phạm, chợt nhiên tôi nhìn thấy tà áo
màu lam thoáng qua. Áo lam đến giảng đường! Hình như trong tâm trí của
người con gái nhà quê như tôi, một chốn quê rất ít chùa chiền, thì đó là
điều nơi phố thị làm tôi ngạc nhiên nhất. Được trò chuyện cùng với nhà
sư ni cô ngay trên giảng đường đại học, với tôi, lúc đó còn hơn chuyện
hoang đường nữa. Đầu óc ngu dại vì chưa được đi xa, chưa được mở rộng
tầm mắt của tôi vẫn đinh ninh rằng: cuộc sống tu hành và cuộc sống thế
tục là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, muốn tu hành thì phải buông bỏ
tất cả để bước chân vào cửa Không. Không – với tôi là không còn gì lưu
luyến, gắn bó cùng thế sự bên ngoài, là không có chuyện nhà sư học cùng
người thường. Và lúc đó, trong tâm trí của tôi, nhà sư – nôm na đều là
những người ở chùa, đi tu, ăn chay niệm Phật, nói chung đó là một hình
ảnh thật cao xa, thật cách biệt.
Có lẽ vì những ý nghĩ như vậy, nên ngay khi trong lớp học của tôi
hiện diện một ni cô, thì điều đó trở thành một sự kiện. Ban đầu, tôi
nhìn ni cô đó với vẻ “kính nhi viễn chi”, kèm theo rất nhiều tò mò
không dấu diếm. Cô ấy học hành để làm gì nhỉ? Người ta học để lấy bằng
cấp, để đi ra đua tranh với đời. Đã là người đi tu, bằng cấp, danh vọng
đâu còn ý nghĩa. Hay là làm nhà sư… nhàn rỗi quá, mà cô ấy đi học cho
qua ngày tháng…?!!! Những ý nghĩ ấy lướt qua trong tôi, gặp những ý nghĩ
con trẻ nhà quê vụng dại đồng niên, đồng khóa khác, thế là chị trở
thành câu chuyện, thành ngô rang bung ra mỗi lúc thoáng màu áo lam nơi
cửa lớp.
Cửa lớp ở giảng đường và cửa lớp của một ngôi trường đạo hạnh có gì
khác biệt, mà tôi thấy người ni cô học hành chăm chỉ lắm. Người không
khác gì với tất cả bọn tôi, ngoại trừ sự ít nói, sự thung dung và nghiêm
cẩn nhưng không quá nghiêm trọng hiển hiện trên nét mặt. Bạn bè trong
lớp tôi gọi nhà sư nữ ấy là cô. Cô, có lẽ đúng với giới chức của chị.
Nhưng một thời gian sau, hầu như đứa nào cũng gọi cô là chị. Một người
chị gần gũi và thân thiết, không phải vì khoảng cách tuổi tác, mà vì ai
nấy đã bắt đầu cảm nhận được cái thân tình của một người chị trong đại
gia đình lớp tôi, và đôi khi, nó như là cái thân tình của những người em
đối với huynh trưởng trong một đại gia đình Phật tử.
Huế những ngày đó mưa nhiều lắm. Đất trời nhạt nhòa lúc nào cũng như
khói, như sương. Huế buồn và lặng lẽ như một giấc mơ thiếu nữ bất thành
khiến mỗi đứa xa nhà chúng tôi dẫu có tụm năm, tụm bảy, tụ họp nhau lại
vẫn thẫn thờ ngơ ngác. Một hồi còi tàu rúc đâu đó phía cầu Bạch Hổ cũng
làm bao khuôn mặt rã rời một nỗi xa quê. Bây giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên
cảm giác của ngày đầu ở Huế ấy. Ai mới đến Huế lần đầu, trong những mùa
đông mưa, sẽ cũng thấm thía cảm giác xa xôi và đau đáu ấy mà thôi. May
sao, ở giảng đường, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi bắt đầu thấy ấm áp, bớt
trống trải hơn nhờ những chiếc kim đan mà Ni cô đã tập cho chúng tôi
vào những giờ ra chơi. Mùa đông lê thê đầu tiên đã trôi qua trong những
đêm thức nhớ nhà, nhớ mẹ bằng chiếc khăn tôi tự tay đan được. Tôi đã
tặng chiếc khăn – sản phẩm đầu đời mà mình làm ra ấy cho mẹ tôi trong
ngày lễ Vu Lan báo hiếu năm sau, khi chúng tôi được nghỉ hè. Đó cũng là
lần đầu tiên tôi ý thức một cách sâu sắc về ngày lễ Vu Lan hiếu hạnh.
Chúng tôi bắt đầu quen với những bữa cơm chay chị nấu, hiểu được ý nghĩa
của những câu chuyện, những món quà mang hơi hưởng nhà chùa do tay chị
làm lấy trong mỗi kì sinh nhật của mỗi đứa trong lớp, hay mỗi khi ai đó
trong lớp có chuyện vui.
Tôi vẫn thường theo chân chị lên chùa. Những cây thông đàn Nam Giao
reo vi vu cùng tiếng chuông chùa thỉnh lên trầm mặc. Trong không gian
tĩnh mịch và u trầm ấy, những bóng áo màu lam nhẹ nhàng múa lên những
màu sắc tươi tắn của giấy màu, bóng kính. Họ đang chuẩn bị làm lồng đèn
và đèn hoa đăng phóng sinh cho mùa Phật Đản sắp đến. Những góc học tập
giản dị với các tủ sách ngay ngắn chất đầy kinh Phật. Những chú điệu nhỏ
tuổi chắp tay “Mô Phật” rồi thoắt đi đâu đó, thoáng sau, những mâm cơm
chay đã được dọn ra mời khách. Hình như, hôm đó cũng là ngày rằm… Người
đến chùa rất đông nhưng không ai khuấy động không khi yên tĩnh của chùa.
Tôi cũng thấy mình như đang rón rén. Và những lúc ấy, mọi lo toan bề
bộn của một cuộc sống tự lập dường như lắng lại.
Mùa Vu Lan năm ấy lại đến, câu chuyện về Mục Kiền Liên làm chúng tôi cảm
động. Người chị ni cô mời chúng tôi cùng đi xem rước thuyền và thả đèn
phóng sinh trên sông Hương. Hàng trăm chiếc thuyền lộng lẫy được làm bởi
những nhà sư ở các ngôi chùa trong – ngoài thành Huế lặng lẽ trôi trên
sông Hương. Và hàng ngàn chiếc đèn phóng sinh lung linh, hoan hỷ tựa
hàng ngàn bông sen được thả trôi về cuối nguồn. Tôi đã bắt đầu cảm
nghiệm được một đời sống tâm linh thiêng liêng, khởi đi ngay tự chính
tâm mình, qua sự hành trì của những người chân tu với mong ước về một sự
thăng hoa toàn thiện, toàn mỹ hơn cho đời và cho đạo.
Đông qua. Thu tới. Xuân tàn. Những mùa hạ rồi cũng kéo nhau đi. Chúng
tôi đã rời xa giảng đường mỗi người một ngả. Nhưng mỗi lần nhớ Huế,
trong tôi lại vang lên trầm mặc một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông ấy
đánh thức những cảm niệm bí ẩn nào đó vẫn ngủ yên trong tôi, những cảm
niệm mà chính tôi cũng không sao hiểu nổi. Nó khiến tôi ngạc nhiên về
bản thân mình và khiến tôi nhìn thấy sự trống rỗng của mọi ham muốn
trong cuộc sống bấn loạn nhiều tranh đoạt, đua chen. Và những lúc ấy,
tôi lại nhớ tới màu áo lam an bình, dịu nhẹ như khói, như sương, màu áo
đã đưa tôi qua dòng sông vốn vô thủy vô chung của cõi hữu hạn để đến với
bến bờ tâm thức tinh khiết, chảy trôi…
Theo: Liễu Quán Huế/Văn hóa Phật giáo