Thím Phan hân hoan mở toang hai
cánh cửa bước vào phòng chứa hàng trăm bộ y phục móc san sát nhau, say sưa ngắm
nhìn từng bộ không bao giờ thấy chán. Thím ngắm nghía cho niềm vui sướng được
gia tăng, chớ thật ra, dẫu nhắm mắt lại chẳng những thím vẫn hình dung rõ ràng
vị trí từng món, mà còn có thể mô tả vanh vách màu sắc, kiểu cách, hiệu brand
name nào, giá cả ra sao nữa! Đối với thím, chưng diện mua sắm là một "nghệ
thuật", và thím rất tự hào về tài nghệ siêu đẳng của mình. Người nắm vững
được nghệ thuật mua sắm, ngoài khả năng tài chánh, còn phải có óc thẩm mỹ để
phân biệt những đường nét sắc sảo, kiểu cách trang nhã, màu sắc tươi mát, hòa
hợp đúng điệu với vóc dáng của mình, mặt khác, lại cần có khả năng hiểu biết phẩm
chất từng tư liệu sản xuất, sành sỏi ngọn ngành từng nhản hiệu tiếng tăm,
"đánh hơi" chính xác chuyển hướng của thời trang, và sau cùng lại
phải chịu khó lục lọi khắp các cửa hàng, thì mới mong khám phá được món vừa ý.
Thím ngần ngừ trước bộ "lễ phục hải quân" trắng, viền xanh, nút màu
vàng to, đượm nét thanh lịch và uy nghi. Nhìn bộ y phục nầy cơn giận ngày nào
bỗng hâm nóng trở lại. Thím giận là giận cô bán hàng kỳ thị kém lịch sự, đáng
lẽ thím quăng trả rồi hầm hầm bỏ đi thì mới phải, nhưng tiếc công so đo lựa
chọn thím đành bấm bụng trả tiền mà nỗi bực tức cứ đeo đẳng mãi. Thím chợt nhớ
bộ nầy đã mặc dự tiệc mừng thượng thọ của một người đồng hương mấy tháng trước,
e có kẻ thấy rồi thì nguy to, nên thím đưa mắt tìm cái khác. Thím thoạt nghĩ
đến chiếc váy ngắn (mini jupe) đỏ, đơn giản mà trẻ trung. Hôm mang chiếc váy
nầy về nhà, thím bị cái "ông chồng cổ lỗ sĩ" trêu ghẹo là "củn
cởn quá", khiến thím đổ quạu. Sau đó, dù chú đã nỉ non giã lã, mà giờ nầy
nhớ lại, nỗi hờn giận vẫn còn vương vấn trong lòng. Cuối cùng, thím chú ý đến
bộ áo đầm kín cổ, dài phết gót màu rượu chát, vừa quí phái, vừa xinh xắn. Rồi
thím lại ngần ngừ trước chiếc "xường xám" màu nước biển, với cành hoa
cẩm chướng thêu tay khéo léo, mà thím đã may mắn khám phá hai hôm trước tại một
cửa tiệm chuyên bán hàng sản xuất tại lục địa. Thím đang săm soi ngắm nghía,
chợt lanh mắt thấy con hai đuôi lắp ló, thím phủi xuống thảm, rồi chà xác nó
tan nát. Dù vậy, cơn giận vẫn chưa nguôi, thím dặn lòng phải mua thêm long não,
và nhớ xịt thuốc tiêu diệt hết giống phá hoại áo quần nầy mới được. Đắn đo mãi
vẫn phân vân trước hai bộ y phục xinh đẹp, thìm bèn cầm cả hai bước ra, ỏn ẻn
hỏi chồng:
-
Anh ơi! em mặc áo nào hợp hả anh?
Chú
Phan than thầm mụ vợ già mà ngỡ vẫn còn trẻ trung, thịt chảy xệ ra mà đòi mặc
xường xám bó chật thiệt chẳng ra thể thống gì. Tuy vậy, nếu nói thật thì mất
lòng vợ nên chú đành gật gù lên tiếng.
-
Ơ! áo nào em mặc cũng đẹp cả, "mỗi cái một vẻ, mười phân vẹn mười"
mà. Ơ! độ rày trời trở lạnh, em nhớ mang áo ấm kẻo bệnh thì nguy!
Nghe
chồng nhắc trời lạnh, thím đành mặc áo đầm kín cổ, mà vẫn còn tiếc cái xường
xám, nên lầm bầm:
-
Trời lạnh lẽo! chưng diện chẳng thoải mái tí nào!
Vợ
chồng Phan chuẩn bị dự tiệc tất niên tại nhà họ Tô, một trong hai người bạn
thiết, đã kết giao với chàng hơn mười mấy năm trời, từ lúc họ vừa đặt chân đến
xứ Hoa Kỳ, sau khi vượt thoát khỏi Hoa lục trong cơn quốc nạn. Người Hoa sinh
sống tại vùng Cựu Kim Sơn tuy đông đảo, nhưng tìm được người đồng hương cùng
nói thổ ngữ Tiều Châu, từng là viên chức của chế độ Dân Quốc, lại cùng đam mê
cờ tướng... là một điều hiếm có. Vì vậy, tuy chẳng hề lập thệ kết nghĩa anh em,
mà tình nghĩa bằng hữu của bộ ba "tướng, sĩ, tượng": Tô, Triệu, và
Phan, rất ư là thâm trọng. Tháng nào họ cũng hợp mặt uống trà, đánh cờ và đàm
đạo. Hàng năm lại có tiệc tất niên để có dịp nhắc nhở về mảnh đất chôn nhau cắt
rún ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Hợp mặt thì có dịp đấu hót vui vẻ mà lại có
lý do chánh đáng chưng diện, nên thím Phan trang điểm cực kỳ cẩn thận, chú hối
thúc mãi, thím mới chịu kết thúc màn "sắm tuồng" để lên đường.
Chiếc
xe BMW mới toanh lăn bánh êm ru, thím Phan ngã người lún sâu vào ghế nệm da lim
dim thích thú. Thím giựt mình nhỏm dậy khi thấy con chó lông xù của người hàng
xóm phóng uế sân trước nhà thím. Thím lầm thầm rủa: "con chó bẩn thỉu ăn
hại nầy sao không bị xe mười bánh cán chết cho người ta nhờ!". Giận chó
ghét chủ, cái mặt mâm xấu xí của mụ hàng xóm Hải Nam chờn vờn hiện ra trong tâm
khảm của thím. Thế rồi, bao nhiêu chuyện khó ưa của mụ ta cứ thế mà tuôn tràn
ra, nó chỉ vụt biến mất khi thím giật nẩy mình chợt thấy một kẻ bụi đời băng
ngang đường bừa bãi, thím hốt hoảng la: "Thắng! thắng!". Thím lầm
bầm: "Sao lại có cái hạng người gì biếng nhác, chẳng chịu làm lụng chi cả!
chỉ có nước ăn bám vào xã hội, thảo nào thuế nước nầy chẳng cao?". Quả tim
vẫn còn đập thình thịch, thím lại điếng người thấy chiếc xe thể thao lách ẩu,
cắt ngang xe chú, khiến chú phải thắng gắp mới tránh tai nạn. Thím nổi giận xúi
chồng: "Anh bóp còi mắng nó đi anh!". Phan cười hì hì rồi bỏ qua.
Sống ở thành phố Cựu Kim Sơn đường hẹp xe đông nầy, Phan đã quen với cảnh thiên
hạ lái xe cẩu thả, chèn ép, giựt dọc rồi, nên chẳng nghĩ đến việc bóp còi chửi
thề làm gì. Khi đi ngang khu bệnh viện San Francisco General Hospital, Phan
chợt xúc động nhớ đến một người bạn đang thoi thóp chờ chết trong đó, chàng
chép miệng thở than:
-
"Bạn bè lứa tuổi mình, theo năm tháng mà rơi rụng lần lần... Năm trước lão
Vĩnh Phát bỏ mạng, năm nay thì chú Trần quản lý cũng sắp đi đoong rồi"!
Trần
Thủ cũng thuộc bang Tiều Châu, làm quản lý tiệm thực phẩm đồ biển, chăm chỉ làm
việc cho đến khi té xỉu, chở vào bệnh viện thì mới khám phá ra bệnh ung thư cổ
họng và gan đến thời kỳ trầm trọng. Tuần trước vợ chồng thím ghé thăm, bệnh
nhân đã nằm liệt giường, không nói năng ăn uống chi được. Bác sĩ đã phải khoét
một lỗ dưới cổ, đúc ống cao su thẳng vào bao tử để tiếp tế thức ăn. Hồi tưởng
đến hoàn cảnh thảm thương của con bệnh, thím bùi ngùi phụ họa:
-
Tội nghiệp chú Trần quá! anh há! Sống như vậy thà chết còn hơn! Ơ! anh à! chú
Trần tuy làm quản lý tiệm hải sản, nhưng tự tay chú đâu có sát sanh, mà tại sao
chú phải chịu quả báo ung thư cổ ghê gớm như vậy?
-
Ơ! theo một vài nhà nghiên cứu thì dân Tiều Châu mình, đời đời có thói quen ăn
cháo thật nóng nên tỉ lệ ung thư cổ tương đối cao hơn giống dân khác! Đó lối
giải thích khoa học, còn theo tin tưởng của tổ tiên ta, thì bệnh tật phát sinh
từ những nhân duyên trong hiện kiếp hoặc tàng trữ từ kiếp trước, nhưng vấn đề
tiền kiếp nhân quả thì ngoại trừ những bậc cao tăng đắc được túc mạng thông, có
mấy ai tường tận. Ôi! mình làm sao dám lạm bàn chuyện nầy hở em!
Chú
lặng yên một lúc, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chú lại vui vẻ lên tiếng:
-
A! có chuyện nầy lạ nè! Tại xứ Hoa Kỳ, có một người tên Edgar Cayce, theo đạo
công giáo nhưng lại tin tiền kiếp và nhân quả. Không biết kiếp trước ông tu
hành như thế nào, mà kiếp nầy ông ta có thể định tâm thấy kiếp trước của thân
chủ, tìm ra nguyên nhân để trị bịnh. Ông truy tiền kiếp của vài người bị bệnh
béo phì thấy trong kiếp trước họ lâm vào hoàn cảnh đói khát, suốt ngày tơ tưởng
ước mơ chuyện ăn uống, nên kiếp nầy họ cứ thêm ăn, ăn không ngừng rồi sanh
bệnh. Theo Ông ta thì người kiếp trước có những liên hệ mật thiết với thực phẩm
sẽ quây quần với thực phẩm, họ cảm thấy hợp với ngành nghề thực phẩm: họ buôn
bán, dự trữ, nấu nướng và có nhiều trường hợp họ thích ăn, ăn thật nhiều rồi
sanh ra bệnh béo phì... Theo thuyết nầy, thì mình chỉ có thể suy luận rằng chú
Trần kiếp trước đã có những liên hệ sâu xa với hải sản, nên kiếp nầy chú mới
làm quản lý tiệm hải sản như vậy...
-
Thuyết nầy cũng có lý a! Thảo nào quí thầy khuyên người tu pháp môn tịnh độ thì
phải tha thiết, một lòng hướng về cõi tịnh độ thì mới có thể vãng sanh được!
-
Khâm phục! khâm phục! bà xã tui tinh thông giáo lý quá chừng chừng hà! Vậy theo
quan điểm đó mà lập luận thì ai tha thiết quyến luyến với vải vóc lụa là thì họ
cũng tạo ra cái nhân duyên để kiếp sau quây quần với y phục phải không em? Như
em, kiếp sau em dám làm chủ nhân ông một hãng xưởng sản xuất y phục nổi tiếng
khắp thế giới chớ chẳng phải chơi đâu?
Thím
nghe chồng tán hươu vượn mát lỗ nhĩ, cười hì hì đáp:
-
Không cần lớn lắm đâu! chỉ được cỡ như Liz Clairebone, Ellentracy... là chưng
diện cũng đã đời rồi...
-
Ậy! đấy là mình lạc quan mơ mộng nói chơi thôi! Chớ phân tích kỹ thì tuy cùng
có những liên hệ mật thiết với vải vóc mà mỗi người lại có những nghiệp duyên
riêng. Kẻ đại phước có thể làm chủ nhân, phước kém lần lần thì làm quản lý, thợ
may, người bán hàng..., còn kẻ bạc ác thì cũng có thể gần gũi với vải vóc dưới
dạng một con hai đuôi, con dán..., phải không em?
Lời
nói bông đùa của chồng bất ngờ khiến thím hồi tưởng lại giây phút thím giận dữ
tàn sát con hai đuôi chui rúc trong bộ xường xám mà chột dạ! Thím nghĩ con hai
đuôi có thể là thân tương lai của thím lắm, nếu như thím cứ tiếp tục đam mê áo
quần và không biết vun bồi phước đức. Suy tư nầy ám ảnh thím mãi, khiến thím cứ
quanh quẩn nhớ nghĩ cặn kẽ từng hành vi tư tưởng của mình từ khi bước vào phòng
y phục cho đến khi nổi giận thằng trẻ tuổi lái xe thể thao hung bạo. Càng quán
sát kỹ, thím càng ngạc nhiên thấy tâm ý của thím lăng xăng như khỉ vượn, vọng
tưởng "thương ghét giận hờn" cứ liên tục nối tiếp nhau không ngừng
nghỉ. Thím Phan vốn là một Phật tử thuần thành, quí chùa mến đạo, thím tham gia
tọa thiền, rồi lại qui ngưỡng pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ. Thím
yên chí rằng mình có căn tu, tâm sẵn thanh tịnh, nên dù chọn pháp môn nào thím
cũng tin chắc mình sẽ đạt được thành quả tốt đẹp. Bây giờ thím mới giựt mình
nghiệm rõ rằng, dù tọa thiền hay niệm Phật, mà tâm thím loạn động như bão biển
như thế nầy thì có ích lợi chi đâu! huống chi, tuy thím tự nhủ mình tha thiết
nguyện sinh về cõi tịnh độ, nhưng thật tâm thím chỉ lẩn quẩn thương ghét cõi ta
bà: thím quyến luyến chồng con, đắm nhiễm nhà cửa xe cộ, đam mê quần áo, son
phấn, và nồng nhiệt bon chen vui sống phủ phê ở chốn văn minh phù phiếm nầy...
Thì ra, tuy thím niệm Phật ngày đêm mà tâm cứ "loạn cào cào", còn ái
dục thì dính mắc sâu đậm như dán keo "super glue", không buông bỏ
được chút nào cả. Chư cổ đức đã răn dạy rất rõ: "Ái bất trọng bất sanh ta
bà. Niệm bất tục bất sanh tịnh độ". Thím làm sao vãng sanh tịnh độ nếu vẫn
tiếp tục lối tu tập hời hợt hình thức như cũ. Khám phá được khuyết điểm của
mình, thím nguyện phen nầy phải thường quán sát tâm mình để vọng niệm giảm dần,
thím phải thực sự buông bỏ những thứ cám dỗ của cõi ta bà hầu có thể dốc lòng
tha thiết niệm Phật cho đến khi được nhất tâm bất loạn.
Mụ
vợ mãi chìm đắm trong cơn suy tư không quấy rầy càng hay, chú Phan thoải mái
lái xe bon bon qua cầu Golden Gate, đến thành phố Belvedere, đậu hẳn xe tại nhà
bạn, rồi mới ôn tồn nhắc nhở:
-
Tới nhà anh Tô rồi em!
Thím
Phan bừng tỉnh, mở cửa xe bước ra ngoài, thì xe họ Triệu cũng vừa trờ tới, nên
thím dừng lại chờ bạn, tíu tít chào hỏi.
Thím
Triệu ngắm nghía thím, đoạn trầm trồ:
-
Chời! bộ áo đầm sang trọng quá mức! Xem chị trẻ hẳn ra!
Thím
Phan khoái chí cười hỉ hả, nhưng vẫn ra giọng khiêm tốn đáp:
-
Ơ! cũng thường thôi chị ạ!
Đoạn
thím mới "bỏ nhỏ":
-
Em mua nó ở Fifth Saks Avenue á! chỉ có hai trăm năm mươi sáu đồng hà chị!
Thật
ra, thím mua chiếc áo đầm nầy với giá "sale" năm mươi sáu đồng tại
một "out-let" chuyên bán sản phẩm có tì vết của các hiệu nổi tiếng.
Tì vết mình mua mình biết chớ mấy ai thấy được nên "tội gì" thím
không nổ cho sướng miệng. Thím chiếu cặp mắt "nhà nghề" quan sát y
phục bạn, biết rõ bộ nầy bán tại tiệm Ross chỉ có ba mươi tám đồng, nên mống
niệm chút khinh khỉnh trong lòng. Thím lại nhận thấy bạn đã lớn tuổi mà mặc áo
đầm bông lòe loẹt, củn cởn, lòi cặp giò ốm nhom đen đủi, nên chỉ phô bày ra nét
quê mùa chớ chẳng "sexy" hấp dẫn gì cả. Tuy vậy, thím cũng giả vờ
thích thú rồi khen đáp lễ:
-
Trang phục của chị trẻ trung xinh xắn làm sao á! chị lựa khéo lắm! đẹp lắm!
Rồi
thím thì thầm với bạn mẩu chuyện "cấm bọn đàn ông nghe":
-
Chị biết không? Ở tiệm Đại Đồng, hàng lục địa mới về! đủ loại đủ kiểu vừa đẹp
vừa rẻ! Em mới "tảo thanh" cách nay hai ngày, chọn được cái xường xám
thêu khéo không thể tả! chị nên đi lựa nhanh kẻo trễ!...
Thím
Triệu thích chí gật đầu lia lịa, nhưng chưa kịp bàn bạc gì thêm thì gia chủ đã
vồn vã bước ra đón khách. Triệu và Phan thân mật xáp vào ngồi quây quần với
Nghĩa và Danh, hai người em trai của họ Tô. Họ vừa lai rai lon bia, vừa theo
dõi trận đấu bóng bầu dục hào hứng trong truyền hình. Hai người đàn bà thì tự
nhiên bước thẳng vào bếp, tay bắt mặt mừng với nữ gia chủ và hai cô em dâu, rồi
hội nhập ngay vào không khí ồn ào vui vẻ như cái chợ ở đây. Người ta nói chỉ
cần có ba người đàn bà là đủ để họp chợ, huống chi ở đây có đến năm bà. Họ tung
tăng đấu hót đủ mọi đề tài, từ chuyện tình ái lăng nhăng của bàn dân thiên hạ,
chuyện vàng bạc hột xoàn, chuyện xe hơi nhà lầu, họ chuyển sang đề tài ăn uống,
rồi đến nghệ thuật nấu nướng. Ai cũng muốn chứng minh mình là tay biết nhiều,
sành sõi đủ mọi thứ, thành thử họ cứ tranh nhau bàn cãi sôi nổi, dường như, nếu
được đấu hót suốt cả tuần lễ, chắc họ cũng chưa cạn hết ý. Điều đáng phàn nàn
là đã mấy phen thím Phan ấp a ấp úng gợi đề tài trang điểm ra, nhưng bọn họ cứ
vô tình mải mê thảo luận chuyện khác, thành thử thím chẳng có cơ hội thuận tiện
nào để khoe bộ y phục sang trọng và "nổ" cho sướng miệng cả!
Cơm
nước sẵn sàng. Chủ khách vừa cụng ly mừng nhập tiệc, bỗng beeper của chú Triệu
kêu tít tít. Nhìn hàng số hiện trên beeper, Triệu băn khoăn nói: "Có chuyện
gì gấp mà mấy đứa nhỏ gọi kìa!". Chú vội rời bàn ăn, gọi điện thoại đến
người nhắn, rồi mặt mày chú bỗng xanh dờn, chú run rẩy thốt từng câu đứt
khoảng: "Trời! Trời!... thằng Xến hả!... bệnh viện nào? đường Clarendon
phải không...?". Cả đám lo lắng nhìn chú Triệu, trong khi thím quính quíu
nắm tay chồng hỏi:
-
Chuyện gì vậy anh?
Chú
phều phào:
-
Con báo tin thằng Xến bị tai nạn lưu thông, mạng sống rất nguy ngập, hiện đang
chở vào UCSF Medical Center cứu cấp...
Nghe
tin đứa em út của mình lâm nạn, thím Triệu hét lên hai tiếng "Trời
ơi!", rồi ngất xỉu.
Cả
bọn xúm lại xoa đầu, giựt tóc mai cho thím tỉnh dậy. Vừa mở mắt, thím đã bù lu
bù loa khóc lóc hỏi chồng:
-
Anh ơi! anh nhắm thằng Xến qua khỏi không anh!
Chú
Triệu đã lấy lại bình tĩnh thường nhật, lên tiếng an ủi vợ:
-
Chắc không đến nỗi nào em à! Em đừng lo lắm! Anh phải đến bệnh viện ngay mới
được. Em mệt, em ở lại đây với các bạn nhé!
-
Không! em nóng ruột lắm! em nhất định đi theo anh hà!
Chú
Phan lên tiếng:
-
Để tôi lái xe đưa anh chị đi nhé!
- Cám
ơn Phan! Tôi đủ bình tĩnh lái xe! anh phải ở lại thù tạc với anh chị Tô, bỏ đi
hết sao cho tiện!
-
Chị còn yếu lắm! anh nên ngồi cạnh săn sóc chị! Tôi đưa anh chị đi, rồi trở lại
cũng dư kịp mà!, Phan nài ép bạn.
Phan
đưa vợ chồng Triệu ra đi, bữa tiệc tất niên chỉ còn lại bảy người gượng gạo
tiếp tục trong bầu không khí nặng nề. Cũng thức ăn đó, lúc nảy nó thơm tho hấp
dẫn làm sao, mà giờ đây thím Phan cảm thấy nhạt nhẽo như nhai miếng cao su. Đầu
óc thím quay cuồng bởi những hình ảnh của thằng Xến từ ngày nó còn là thằng bé
con kháu khỉnh, thím vẫn thường nựng nịu cho quà bánh, cho đến ngày nó trở
thành một thanh niên cường tráng, tốt nghiệp bằng tiến sĩ kỹ sư, tương lai sự
nghiệp đầy hoa mộng. Ràng ràng mới tuần trước đây, thím còn bắt gặp nó đang hân
hoan choàng eo ếch tình nhân, thả rểu ở khu bến tàu rất ư là hạnh phúc. Thế mà
giờ nầy, con người tràn đầy nhựa sống đó chỉ còn là một cái xác máu me nhầy
nhụa... thê thảm quá! Nước mắt ràn rụa, thím Phan buông đũa thở dài:
-
Tội nghiệp thằng Xến quá!
-
Chết như nó kể ra quá ghê rợn, chớ suy cho cùng chúng mình có ai thoát khỏi
giai đoạn lìa trần đâu?, Nghĩa bùi ngùi phụ họa.
Thím
Tô tán đồng:
-
Theo tôi! chết nhanh chóng dù sao cũng dễ chịu hơn tình trạng nhức nhối kéo
dài, nửa tỉnh nửa mê, rên la kêu gào, sống chẳng ra con người nữa, mà chết cũng
không xong... Ngay như khi đã già cả lẫn lộn, thân xác còm cõi tiều tụy, mà cứ
sống hoài sống mãi cũng là một cực hình. Bởi vậy, sau lần viếng bệnh viện dưỡng
lão chứng kiến cảnh tuổi già khổ nhục, tôi chỉ còn nghĩ đến chuyện tu hành chớ
chẳng còn tha thiết điều gì trên cõi đời nầy nữa!
-
Chị em mình đứng tuổi rồi! còn ham muốn gì nữa mà chẳng lo tu!... Điểm rắc rối
là làm sao biết pháp môn nào hiệu nghiệm nhất để tu tập đây? Chẳng biết anh chị
tu tập đạt được kết quả tốt đẹp gì không? Chớ phần tôi, thú thật tôi đã chạy
theo thiền theo tịnh bao năm rồi, mà chẳng thấy đi đến đâu! tâm vẫn vọng động,
vẫn tham sân si chất ngất... Lúc nào ơ hờ quên thì thôi, mà chợt nhớ tới cái
chết gần kề, đôi khi tôi bỗng lo sợ đến thất thần!
Chú
Tô ôn tồn góp ý:
-
Tâm trạng của chị cũng chẳng khác gì nỗi băn khoăn của tôi mấy năm về trước!
Ngày đó, tôi sửng sờ nhìn bà cụ già tuổi ngoài chín mươi, nhăn nheo gầy còm lắt
choắt, nằm lăn dưới đất khóc lóc đòi ăn như đứa bé lên ba, mà chua xót rụng
rời. Nghĩ đến ngày tàn của mình, tôi khủng hoảng tìm phương pháp tu tập. Mặc dù
trong mấy mươi năm qua, tôi đã bỏ rất nhiều thời giờ nghiên cứu luận đàm, thiền
tịnh mật duy thức thiên thai hiền thủ..., pháp môn nào cũng lơ mơ thử qua,
nhưng thực ra tôi chẳng hề dấn thân tu tập. Vì vậy, khi cấp bách muốn tu cho có
kết quả thì lại ngờ nghệch chẳng biết lối nào. Nghe tôi than thở, anh Phan mới
rủ tôi đi chùa Vạn Phật, thỉnh ý hòa thượng Tuyên Hóa. Ngài trích dẫn pháp từ
của tổ Hư Vân[1] và phán dạy:
"Trên
con đường tu, quan trọng nhất là tín tâm phải kiên cố. Kẻ tín tâm thiếu kiên cố
lơ mơ tu tịnh vừa nghe thiền đốn ngộ "chỉ thẳng chân tâm thấy tánh thành
Phật" vội bỏ tịnh theo thiền, lại nghe kinh điển cao siêu vội bỏ thiền
theo giáo, đoạn nghe mật nhiệm mầu vội bỏ giáo chạy theo trì chú... thì càng tu
càng thêm chướng ngại chớ chẳng ích lợi gì. Ngược lại, nếu lập chí vững chắc,
phát tâm dõng mãnh, đã tịnh thì tâm tâm niệm niệm lục tự Di Đà liên tục cho đến
khi được nhất tâm bất loạn, đã thiền thì phải sống chết bám giữ câu thoại đầu
sao cho tâm kết thành phiến, công phu thuần phục như vậy thì mới mong thoát
khỏi căn trần, đại dụng hiện tiền, con đường giải thoát của thiền tịnh đâu có
gì sai khác!". Ôm ấp lời dạy của Ngài, từ đó, tôi phát nguyện một lòng
niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ, và chí thiết tu tập ngày càng tinh tấn. Điểm
đặc biệt, là khi đã phát tâm chí thành niệm Phật, tôi có cảm giác mình đón nhận
được hồng ân chư Phật gia bị nên thân tâm ngày càng nhẹ nhàng thư thái.
-
Ủa! ngày xưa tôi nghe anh bàn luận về thiền cao siêu lắm mà! sao bây giờ anh
chuyển sanh tịnh độ như vậy?, thím Phan thắc mắc.
Tôi
ôn tồn đáp:
-
Thật ra, lúc nào tôi cũng tôn quý thiền tông, nhưng cái nhìn của tôi không còn
một chiều như ngày xưa nữa. Thuở mới phát tâm, vừa học lóm được vài sáo ngữ
thiền tôi những tưởng sở học Phật Pháp của mình cao siêu lắm, thậm chí tôi tự
cao tự đại xếp mình vào hàng thượng căn chỉ cần tu một kiếp là đã thừa sức ngộ
đạo thành Phật rồi. Thế nhưng, khi tìm hiểu sâu rộng và thực sự bước vào ngưỡng
cửa thiền, tôi mới hiểu ngộ đạo chân chánh là chuyện vô cùng hiếm hoi, trong
khi nhộ nhập ma đạo lại rất dễ dàng. Ngày xưa, người đệ tử xuất gia theo thầy
học đạo bao năm trời, khi thầy xét đã hội đủ giới đức cần thiết thì mới trao
câu thoại đầu để tham quán, rồi thường trực theo dõi để hướng dẫn đệ tử, vậy
mà, số người bỏ ra cả đời để tu thiền có mấy ai đạt được đạo mầu đâu? Ngày nay,
sách vở và băng thuyết giảng thiền tràn ngập, người ta theo đó nghiên cứu rồi
rủ nhau tu thiền, không cần thầy hướng dẫn, cũng chẳng màn quan tâm đến căn cơ,
đức hạnh gì cả. Chẳng lạ gì có người mới tọa thiền vài ba tháng, tham sân si
ngập tràn, mà mở miệng toàn nói chuyện chứng đắc, hiu hiu đặt mình ngang hàng
với chư Phật với chư tổ, rồi nặng lời bài xích phỉ báng pháp môn khác... Thấy
người rồi nghĩ đến mình, tôi tự biết đức mỏng, tham sân si sâu dầy... nên tu
thiền chắc khó thoát khỏi lưới ma, nên tuy hằng khâm phục thiền nhưng chỉ đứng
vòng ngoài vỗ tay tán thưởng mà thôi!
-
À! thì ra là như vậy! Thế rồi anh chọn tịnh độ vì đó là lối tu tắt dễ dàng
chăng?, thím Phan lại chất vấn.
-
Tôi thiết nghĩ, đúng ra, tu ở cõi ta bà tuy hiểm nghèo nhưng nhờ gặp đủ mọi
nghịch cảnh nên có thể tiến bộ nhanh hơn tu tại cõi tịnh. Thí dụ như ở trung
phẩm hạ sanh tại cõi Cực Lạc, hành giả sau khi được chư bồ tát Quán Thế Âm, Đại
Thế Chí thuyết pháp phát tâm bồ đề chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn, rồi phải tu
liên tục một tiểu kiếp thì mới có thể chứng được quả vị A La Hán. Trong khi ấy,
tại cõi ta bà, từ quả vị Tu Đà Hoàn tiến đến A La Hán có thể đắc liền ngay
trong hiện kiếp, cùng lắm cũng chỉ kéo dài đến bảy kiếp người mà thôi. Có thể
hình dung, cõi ta bà như là một cánh rừng rậm bao la, hành giả tu ở đây phải
leo trèo đạp chông đạp gai phát tâm đại hùng đại lực mở đường tìm đến bờ giải
thoát. Con đường đạo gian nan hiểm trở nầy lại chính là con đường chim bay nên
thời gian tu có thể rất ngắn, mà cũng có thể dài vô tận nếu như hành giả sa
chân ngã gục hay bị lầm đường lạc lối. Tu tịnh độ là nương theo lời dạy chư
Phật, theo lối đi ít gập ghềnh và tương đối ngắn để ra khỏi rừng rậm ta bà đến
xa lộ Cực Lạc. Đến đây rồi, thì đường đi quang đãng, phương hướng rõ rệt, lại
được tam thánh dắt dìu, nên cứ từng bước vững vàng mà tu cho đến khi thành đạt,
không còn lo sợ chuyện sa chân đọa lạc nữa.
Tóm
lại, theo tôi con đường tịnh độ là con đường tu an toàn chớ không hẳn là lối tu
tắt.
Nghĩa
lại góp ý:
-
Em đồng tình với anh, là mấy chữ "lối tu tắt" không ổn lắm, nhứt là
khi nghe, em cảm giác nó hời hợt làm sao á! người ta có thể hiểu lầm mà có thái
độ thiếu nghiêm chỉnh khi nghiên cứu pháp môn tịnh độ đó anh!
Thím
Phan lại hỏi:
-
Tóm lại, anh chọn pháp môn tịnh độ, vì đó con đường tu an toàn nhờ có thể dựa
hẳn vào tha lực của Phật A Di Đà phải không anh?
-
Ơ! quan niệm tha lực cũng dễ bị hiểu lầm lắm! Thật ra, dù tu bất cứ pháp môn
nào người hành giả cũng phải "tự mình đốt đuốc lên mà đi" phải kiên
trì tu tập mới đạt được kết quả. Công năng đầu tiên của câu niệm Phật là tu sửa
thân tâm sao cho tham sân si giảm lần, vọng niệm bớt sanh khởi..., tâm thanh
tịnh thì mới có thể đạt đến trình độ niệm Phật nhất tâm bất loạn mà vãng sanh
được... Tóm lại, tu tịnh độ tuy nương vào tha lực nhưng tự lực cũng vẫn là yếu
tố then chốt trong sự tu tập. Không biết vận dụng tự lực để tha thiết chuyển
hóa, thì pháp môn niệm Phật tu sửa tâm cao siêu sẽ biến thành lối tu mê tín,
cầu đảo, van xin... do đó, càng tu tâm càng vọng động điên đảo, chẳng ích lợi
bao nhiêu!
Danh
vốn ít nói mà lần nầy cũng góp ý:
-
Ủa! vậy mà từ lâu em cứ tưởng thiền là lối tu thuần tự lực còn tịnh thì hoàn
toàn tha lực chớ!
-
Thật ra, suy cho cùng pháp môn nào cũng phối hợp tự và tha lực. Ngay như thiền
tuy đặt nặng tự lực, nhưng yếu tố tha lực cũng vô cùng vô tận. Người hành giả
nương theo giáo pháp của chư Phật, chư tổ lại được đàn na tín thí - nói cho đủ
là cả pháp giới chúng sanh - yểm trợ thì mới có thể tu hành được. Thiếu sự yểm
trợ của chư Phật, chư Bồ Tát và pháp giới chúng sanh thì một niệm an lành còn
không có, huống chi nói đến chuyện tọa thiền và giác ngộ. Kẻ tu thiền nếu tự
cho mình là bậc thượng căn tài trí phi phàm, tự tu tự ngộ, không nương nhờ vào
tha lực nào cả, rất dễ sanh tâm cống cao ngã mạn mà rơi vào ma đạo.
-
Hay quá! nếu không nghe anh giải thích, chắc em cứ nhìn thiền tịnh qua những
nhận xét nông cạn như cũ!, Danh lên tiếng.
-
Anh trình bày rõ ràng lắm! Tuy vậy, anh vẫn chưa trả lời thẳng câu hỏi của tôi
là nguyên nhân nào đã thúc đẩy anh quyết định chọn pháp môn tịnh độ vậy anh
Tô?, thím Phan lại vặn hỏi.
-
Tôi cũng chất vấn người bạn tu tịnh độ y chang như vậy thì ảnh đáp: "Tịnh
độ là pháp môn thù thắng được chư Phật, chư Bồ Tát và chư tổ nhiệt liệt tán
thán, chư tôn túc luận giải minh bạch, lại đưa ra những bằng chứng vãng sanh
rất cụ thể, tôi nghĩ anh là người học rộng hiểu biết chắc chắn anh đã từng
nghiên cứu qua, tôi lập lại cũng bằng thừa. Phần tôi, tôi thích thuyết nghiệp
báo nhân duyên, nên cũng nhìn pháp môn tịnh độ theo thuyết nầy. Tôi nghĩ niệm
Phật với Tín, Hạnh, Nguyện là tạo nên nhân duyên thanh tịnh, mà nhân đã thanh
tịnh thì quả phải là quả thanh tịnh; nói khác, nghiệp tức chánh báo thanh tịnh
thì trụ xứ tức y báo phải là cõi tịnh độ. Vì vậy mà tôi tin chắc rằng nếu tôi
niệm Phật chân thành thì đương nhiên tôi sẽ được vãng sanh". Nhờ sự hướng
dẫn của anh bạn, đúng ra, là do lòng cảm phục đức hạnh của anh ta, mà tôi đã
tìm được đường hướng tu tập phù hợp với căn cơ của tôi.
-
Người đó là ai? ai vậy anh?, thím Phan hỏi dồn dập.
-
Cũng chẳng phải ai xa lạ đâu chị. Người đã chuyển hóa tôi chính là "Ông
xã" của chị đó!
Thấy
thím Phan trố mắt lộ vẻ không tin, Tô mĩm cười tiếp lời:
-
Đó là sự thật chị à! Tụi nầy giao du với nhau đã hai mươi năm trời, tính nết
xấu tốt thế nào làm sao dấu nhau được. Tôi vốn quý đức khiêm cung nhân hậu của
ảnh. Tôi lại để ý thấy từ ngày ảnh tu tịnh độ, thì dường như phiền não biến dạng
dần, con người ảnh ngày càng tươi mát, thanh thản hơn. Anh tiếp xúc hài hòa với
tất cả mọi người, kể cả thành phần bất hảo! Có lẽ, dưới con mắt của anh ấy, ai
cũng là người tốt cả, vì ảnh có bao giờ hờn giận, chê trách ai đâu! Đức hạnh
của ảnh như vậy đáng cho tôi tâm phục lắm chớ!
Nghe
bạn khen chồng, thím Phan thích thú lỗ mũi nở phồng, nhưng thím giả vờ như
không quan tâm lắm. Thím đối đáp vài câu vớ vẩn đưa đẩy sang câu chuyện khác,
rồi lặng yên mà lòng miên man nghĩ ngợi: "Ông xã của thím tuy đứng đắn
trung hậu, nhưng chuyện tu tập thật ra còn thua sút cả thím, thế sao chú Tô lộ
vẻ khâm phục như vậy kìa? Tô đùa giỡn chăng? Mình phải hỏi ông xã cho ra lẽ mới
được?...". Thế nhưng buổi tiệc đã tàn, thím chờ đợi sốt cả ruột mà cái ông
chồng "ăn cơm nhà, vác ngà voi, lo chuyện tào lao thiên hạ", mãi đến
hơn quá khuya mới chịu "dẫn xác" trở về. Chú vắn tắt cho biết Xến bị
thương nặng ở đầu, ngực và gãy hai chân. Vết thương đầu nguy hiểm nhất, bác sĩ
đã cố gắng giải phẩu, nhưng kết quả vẫn còn mù mịt..., mạng sống mong manh lắm.
Chú chờ bàn giao vợ chồng Triệu cho đám con cái họ, mới an tâm lui gót thành
thử về trễ. Vợ chồng Tô nài ép Phan ăn miếng cơm, nhưng Phan mệt nuốt không
trôi, chỉ uống tí nước rồi viện cớ hôm sau phải đi làm, để xin phép chia tay.
*
* *
Xe
vừa lăn bánh, thím đã ron ren dọ hỏi:
-
Anh à! bấy lâu nay anh có tu tập gì không anh?
-
Ơ! thì khoảng mười năm về trước đó, sau khi viếng chùa Vạn Phật về, hai vợ
chồng mình đồng phát nguyện tu tịnh độ, chẳng lẽ bà lại quên?
Dĩ
nhiên là thím không quên, nhưng chuyện đó xưa quá rồi. Thím đâu có ngờ chú vẫn
chặt lòng chặt dạ với pháp môn tịnh độ, trong khi đó, cũng cùng thời gian nầy
thím đã thử vòng vòng biết bao lối tu rồi: thím bỏ tịnh sang thiền, từ thiền
nhảy sang lối tu lạ của bà Vô Thượng Sư, đoạn chạy theo phong trào nhân điện để
"cứu nhân độ thế", và hiện thì đang ngấp nghé bước vào ngưỡng cửa mật
tông. Thím vẫn còn ngờ vực chồng, nên hỏi tiếp:
-
Ủa! ông vẫn còn tu Niệm Phật à! tu gì mà "êm ru bà rù" chẳng nghe tăm
hơi chi cả vậy?
Ơ!
tu nghĩa là sửa thân tâm thì cứ lẳng lặng mà sửa, chớ đâu phải đóng kịch mần
tuồng mà quảng cáo rùm beng, vậy bà!
-
Ậy! tôi thắc mắc chỉ vì có mấy thuở tôi nghe ông tụng niệm đâu? thời khắc tu
tập của ông như thế nào mà tôi chẳng hay biết gì cả?
-
Lạ thật! hôm nay bỗng nhiên bà lại nổi hứng truy tôi dữ quá nghen? Bà không
thấy, bởi vì mỗi sáng trong khi tôi dậy sớm để lễ và niệm Phật thì bà còn ngủ
yên. Ngoài ra, thì tôi thầm niệm Phật suốt ngày: trong khi lái xe, đi bộ, săn
sóc vườn hay làm thợ..., niệm thầm thì làm sao bà hay biết!
Thì
ra chú thức dậy sớm để công phu, thế mà, mỗi sáng thức dậy trễ, thấy có trà cà
phê pha sẵn, thím đinh ninh ông chồng già sanh tật rọ rạy ngủ không được phải
bò ra nấu nước để nhâm nhi. Thím bẽn lẽn hỏi:
-
Anh gia công tu tập bền bỉ như vậy mà có ngộ đạt được điều gì cao siêu chưa?
anh kể thiệt cho em nghe đi!
-
Ơ! anh nào có đạt được cái gì lạ đâu? có một điều là những chuyện mà ngày xưa
mình nổi sân hay buồn phiền thì nay mình có thể bình tĩnh đón nhận, kẻ thù
người ghét lần lần cũng không còn, thời giờ nào cũng là thời an vui niệm Phật
cả nên nỗi chán chường bực dọc biến dạng dần, và lòng cũng cảm thấy thanh thản
nhẹ nhàng hơn...
-
Ủa! chỉ niệm Phật thôi mà cũng thay đổi nhường ấy sao anh?
-
Ơ! niệm với tâm buông lung hờ hững thì câu niệm Phật sẽ trở thành vô dụng,
ngược lại, nếu thành tâm tha thiết niệm Phật, lúc nào câu niệm Phật cũng tỏ
rạng trong tâm, thì vọng niệm làm sao sanh khởi, bụi trần còn nơi nào bám víu.
Niệm Phật với chánh niệm thì hoa công đức sẽ đua nhau rộ nở. Đó là nói lý
thuyết để nghe mà thôi, chớ như anh thuộc thành phần căn cơ kém chỉ nhờ siêng
niệm Phật nên dễ được nhắc nhở mà sửa tâm. Như khi đang thầm niệm Phật chợt
khám phá niệm tham, sân, si manh nha, anh bèn tự nhủ: "Mình đã nguyện vãng
sanh về tịnh độ mà sao còn tham luyến cõi ta bà, còn tính chuyện hơn thua tranh
chấp với người ta làm gì kìa?"; sắp mở lời bất nhã, thì anh tự cảnh cáo:
"Tầm bậy quá rồi, miệng mình là nơi cất tiếng xưng tán hồng danh Phật,
mình phải lựa lời ngọt ngào hòa ái để trang nghiêm, chớ đâu có thể ăn nói bừa
bãi được!". Tầm thường nhất như khi phải chờ đợi ở bãi đậu xe mấy tiếng
đồng hồ để em tung tăng mua sắm, lòng anh vẫn an vui thư thái vì anh nghĩ:
"Hên quá! bà xã mình ưu ái dành cho mình thời giờ đặc biệt nầy để dốc lòng
niệm Phật! cám ơn bả quá mức!". Đó! anh cứ nương theo câu niệm Phật mà
gắng công sửa tâm lần lần, nhờ vậy, anh cảm thấy có tiến bộ đôi chút.
Thím
Phan hồi tưởng lại quãng đời vợ chồng mấy năm sau nầy với niềm xúc động sâu xa,
lẫn lộn nửa thương yêu nửa nhột nhạt. Đàn bà vốn nhạy cảm, thím đã khám phá
ngay biến chuyển tâm tư của chồng. Có thế nên thím mới thường khoái chi rêu rao
với bè bạn: "Ê! người ta nói già sanh tật coi bộ đúng thiệt nghen! Ông xã
tui, độ rày bỗng nhiên sanh tật dễ, ỗng chiều chuộng tôi rất mực, dẫu tui có
làm trời làm đất gì ổng cũng cười hề hề hết hà!". Yên chí chồng sanh tật
dễ, thím lấn lướt chồng mỗi ngày một chút, chồng vui vẻ không phản đối thì thím
càng nộ nạt áp đảo hơn nữa... Giờ nầy, hiểu ra mọi việc, thím bỗng thương và
quí chồng vô hạn. Thím nguyện sẽ noi gương chồng tu tập để chuyển hóa con người
của thím. Suy nghĩ tới lui thật chín chắn, đợi đến khi chú lái xe đậu hẳn trong
nhà xe, thím mới thỏ thẻ:
-
Anh à! em nhất định rồi! lần nầy em sẽ tu, tịnh độ như anh mới được!
Thím
tưởng khi nghe lời tuyên bố hào hứng nầy chú sẽ mừng rỡ hoan hô bà vợ hai tay
lẫn hai chân, ngờ đâu, chú im lặng đôi chút như chẳng hề nghe thấy, rồi mới
lừng khừng lên tiếng can gián:
-
Ái chà! Cho tôi xin đi bà! vợ chồng mình bấy lâu nay chung sống tương đối vui vẻ
hạnh phúc rồi! Thôi thì mình cứ theo nếp đó mà tiếp tục, bày đặt thay đổi chi
cho rắc rối vậy bà!
"Chú
có thái độ khinh khỉnh lạ lùng quá, chắc chú xem nhẹ khả năng tu của
thím", thoáng nghĩ điều đó cơn giận bốc lên ngùn ngụt khiến thím run rẩy
cả toàn thân. Bình thường có lẽ thím đã dãy tê tê gây gổ rồi, nhưng lần nầy
không biết do động lực nào kềm hãm, thím chỉ mở cửa xe bước ra đóng cái rầm,
rồi ngoe nguẩy bỏ đi một nước. Thím vùng vằng đến bộ ghế nệm nằm phệt xuống thở
dài thườn thượt, nước mắt rưng rưng...
Chú
Phan rón rén ngồi cạnh vợ, vuốt ve an ủi, rồi cất tiếng ngọt ngào:
-
Em à! anh can ngăn em thật ra cũng có chút lý do. Anh chưa nêu rõ lý do vì nghĩ
em sẽ giận anh nhiều hơn mà thôi!
Thấy
mụ vợ vẫn bùng thụng không thèm trả lời, chú tiếp tục phân bua:
-
Bây giờ, nghĩ lại anh thấy thà nói rõ một lần rồi năn nỉ em, còn hơn là để em
ấm ức hoài vì chẳng hiểu ngọn ngành. Nè! em nghe kỹ coi anh có nói thêm bớt hay
sai trái gì không nghen! Phải nhìn nhận là em tu đủ thứ hết, nhưng chỉ tu hùng
hổ "nước nạp"[2][2] vài ba tháng
rồi bỏ cuộc. Khởi sự theo pháp môn nào, y như rằng, em hăng say ca ngợi pháp
môn đó, chỉ trích chê bai pháp môn khác, gặp ai cũng cao giọng thuyết giảng để
lôi kéo người ta theo về phe của em. Em à! nói chuyện đạo mà không đúng lúc, đúng
người, đúng căn cơ... thì tội nghiệp cho lỗ tai người ta lắm, huống chi em có
thói quen là hay nổi hứng bất tử khoác lác càn bướng rằng mình đã chứng đắc thứ
nầy thứ nọ để "nộ" người. Em ngồi thiền chưa xẹp tọa cụ, áo quần son
phấn se sua, tham luyến đua đòi đủ thứ, vậy mà em dám hí hửng cho rằng tâm em
an lạc, dứt trừ hết vọng tưởng rồi! Em tập tễnh ngồi chồm hỗm bịt lỗ tai theo
bà Vô Thượng Sư mấy tuần thì đã "sứa"[3][3] lên rằng em
đã nghe được âm thanh cõi Phạm thiên. Em mới chạy theo nhân điện vài bữa là đã
khoe ngồi thiền điện chạy rần rần, tự chữa bịnh cho mình chẳng ra hồn mà mở
miệng "dao to búa lớn" nào là "cứu nhân độ thế" nào là
"phổ độ chúng sanh". Tóm lại, nếu em tu như vậy đó thì anh trăm ngàn
lần van xin em đừng tu, bởi càng tu thì tâm càng vọng động chớ chẳng ích gì.
Thôi! chẳng thà em cứ nhởn nhơ vui sống, đua đòi chạy theo thời trang..., em có
hứng chí "nổi cho xôm tụ" thì lối nổ mua vui đó cũng không đến nỗi
chết ai, còn lối "nổ" khoe khoang chứng đắc khẩu nghiệp nặng nề kiếp
kiếp đọa lạc, nguy hiểm khôn lường.
Chú
nhìn thím thăm dò phản ứng rồi mới ngập ngừng tiếp lời:
-
Sự thực là như vậy đó em! Chớ nếu như em bình thường tu sửa thân tâm thì đó là
điều quý hóa anh phải mong cầu chớ sao lại cản ngăn!
Thím
Phan chới với rụng rời. Tự thuở giờ thím chỉ được chồng rót vào tai toàn bằng
lời lẽ âu yếm ngọt ngào, lần nầy, chú lại thẳng thừng vạch rõ khuyết điểm của
thím thậm tệ như vậy, thím làm sao chịu đựng nỗi. Có lẽ do những biến cố dồn
dập trong ngày ảnh hưởng, nên tuy giận hờn tức tưởi mà thím không dẫy nẩy đôi
co đàn áp chồng như thường lệ. Thím chỉ lặng lẽ suy tư để tự quán sát mình, nhờ
vậy thím thức tỉnh lần lần. Thím hiểu là những điều chú nói không có gì quá
đáng, thím phải phục thiện thay đổi lối tu toàn diện, nếu như thím không muốn
bị đọa lạc. Vì thế, thím quyết định phen nầy sẽ dõng mãnh mà âm thầm tu niệm
cho chồng thán phục mới nghe.
Nghĩ
sao làm vậy, thím vừa thay đổi quần áo vừa thầm niệm lục tự Di Đà. Mới niệm
được năm câu, trong khi đem máng bộ đồ đầm trong phòng chứa y phục, thím chợt
nhớ tiệm Đại Đồng quảng cáo đại hạ giá 50% vào ngày mai, phấn sáp Lancôme tại
Dillard chỉ cần mua hai mươi lăm đồng thì có quà cả trăm... thế rồi tâm thím cứ
nhởn nhơ quay cuồng với lụa là son phấn... Mãi đến khi xong xuôi mọi việc, thím
chuẩn bị chúc chồng ngủ ngon, thì mới sực nhớ rằng đang niệm Phật bỗng buông
lung thả tâm lang thang đi theo những chuyện không đâu mà chẳng hay. Thím thẹn
thùng hỏi chồng:
-
Anh ạ! đang niệm Phật mà tâm rong chơi thì phải dùng phương pháp gì để khắc
phục vậy anh?
-
Niệm Phật lần chuỗi đỡ lắm. Trong khi đang niệm dẫu tâm có rong chơi, nhưng nhờ
tay còn lần chuỗi miệng còn máy móc nhóp nhép, nên dễ giựt mình tỉnh lại, mà
đem tâm về với câu niệm Phật. Niệm Phật thầm không chuỗi, hễ tâm đi chơi thì đi
tuốt luốt quên mất đường về. Trong trường hợp nầy, mỗi người nên tự tìm cái gì
làm chuẩn để thỉnh thoảng nhắc nhở mình kiểm soát lại thân tâm. Phần anh, cứ
mỗi giờ đồng hồ tay của anh kêu "tít" một tiếng, nghe tiếng kêu nầy
anh liền kiểm soát lại mình, xem "con trâu tâm" của mình lang thang ở
đâu? có phá làng phá xóm chi không? Anh nghĩ nếu mình có đồng hồ treo tường,
loại mười lăm phút gõ chuông một lần, để nương vào tiếng chuông thức tỉnh tâm
thì cũng tốt!
Thím
hăng hái:
-
Đúng lắm! ngày mai em phải đi mua ngay mới được!
-
Em à! niệm Phật mà tâm đi chơi cũng là chuyện bình thường! Vấn đề quan trọng là
khi khám phá ra thì mình phải biết hổ thẹn mà khẩn thiết đem tâm về với câu
niệm Phật. Nếu tha thiết hành trì như vậy, bền bỉ từng phút từng giờ, ngày nầy
sang ngày khác, năm nầy sang năm khác... thì chắc chắn thân tâm sẽ được chuyển
hóa.
Nghe
chồng an ủi, thím Phan lên tinh thần, tự nhủ: "thua keo nầy thì bày keo
khác, lo gì!". Phen nầy, thím quyết định sẽ thầm niệm Phật một trăm câu
trước khi ngủ mới được. Thím niệm được mươi câu thì chợt thấy cửa sổ còn mở nên
bước đến đóng lại. Bầu trời đêm đẹp quá! Vầng trăng lưỡi liềm lửng lơ trên đỉnh
núi thơ mộng lạ! Niệm buông lung lại đến với thím. Cảnh trăng đỉnh núi vô tình
khơi dậy kỷ niệm buổi ban đầu gặp gỡ của người con gái đang xuân với chàng
thanh niên họ Phan trên đỉnh Cổ Sơn, Phước Kiến khoảng hơn bốn mươi năm về
trước. Lòng xuân phơi phới thím khẽ ngâm nga:
"Cái
thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm
chưa dễ đã ai quên!..."
Rồi
những kỷ niệm ngày xưa êm ấm tuần tự quay về tràn ngập tâm khảm của thím, thím
lâng lâng lên giường yên ngủ trong giấc mộng thần tiên.
Tháng 05.1998
Ghi chú:
1.
Hòa thượng Hư Vân (1840-1959) là một vị thiền sư lỗi lạc nhất của nước Trung
Hoa cận đại. Ngài xuất gia năm 19 tuổi, thọ cụ túc giới với hòa thượng Diệu
Liên, chùa Cổ Sơn, Quảng Châu. Kế đó, do sự hướng dẫn của bậc thiện tri thức
Ngài đến núi Thiên Thai, am Long Tuyền thọ pháp với pháp sư Dung Cảnh trong
vòng 7 năm và được thầy cho hạ san năm 36 tuổi. Sư hành cước khắp các đại tùng
lâm và thánh tích Trung Hoa, cùng các nước Tây Tạng, Bhutan, Tích Lan, Miến
Điện. Đặc biệt trong thời gian nầy sư đã dành hơn 2 năm lễ lạy xá lợi Phật tại
chùa A Dục Vương, 3 năm tam bộ nhất bái từ am Pháp Hoa, núi Phổ Đà đến núi Ngũ
Đài để báo đáp ân sanh thành dưỡng dục. Trong thời gian nầy, Ngài đã trải qua
hai lần đại định và đã hốt nhiên ngộ đạo vào năm 56 tuổi, nhân khi nghe tiếng
một chung trà bể. Ngài đã trùng tu hàng trăm ngôi cổ tự, đặc biệt nhất là những
công trình kiến thiết vĩ đại tại chùa Chúc Thánh, Kê Túc Sơn, và các tổ đình
thiền tông: chùa Nam Hoa (Tào Khê), chùa Quang Thái (núi Vân Môn) và chùa Chân Như
(Vân Cư).
Ngài
đã đại hùng đại lực hoằng dương Phật Pháp trong thời kỳ tôn giáo bị
đàn áp nặng nề tại Hoa Lục. Ngài bị công an địa phương bao vây chiếm
Vân Môn, tra tấn dã man, nằm liệt giường như đã chết hẳn đến mấy
lần, mà cuối cùng vẫn sống lại một cách mầu nhiệm, khiến những kẻ
chai đá phải đem lòng kín nể. Ngài bị đày đến chốn hoang vu ( núi Vân Cư, Giang Tây), thế nhưng, chỉ một thời gian sau, Ngài đã trùng
tu chốn ấy thành một đạo tràng tôn nghiêm vĩ đại, với hàng ngàn tăng
chúng tu tập. Ngài thị tịch năm 120 tuổi.
Tuy
đắc ngộ thiền tông, nhưng tùy duyên Ngài vẫn xương minh tịnh độ và
các pháp môn khác. Phần
trích dẫn trong truyện là pháp nhũ của Ngài cho các tu sĩ tịnh độ,
nhôn ngày giổ thứ hai của tố
Ấn Quang, năm 1952, tạ Thượng Hải. Do đó, các đại đệ tử của Ngài
hòa thượng Tuyên Hóa, Hoa Kỳ, Pháp sư Khoan Tịnh, núi Cữu Tiên, Phước
Kiến, Hoa Lục, vẫn giữ truyền thống hoằng dương tịnh độ tông.
Giáo
sư John Blofeld, trong quyển The Wheel of Life cho biết đã có duyên đến
chùa Nam Hoa hầu chuyện với Ngài. Tác giả đã nêu thắc mắc, là tại
sao ở chốn thiền môn chính thống như Nam Hoa, lại có thờ Phật A Di Đà
và giữ các thời khóa tụng niệm. Ngài đáp: “Thiền và Tịnh độ đâu
có gì khác biệt”... “Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Đức A Di
Đà, biết chú tâm vào hồng danh nầy, khi làm ruộng, lúc nghỉ ngơi, khi
gặt lúa, lúc lùa trâu vào chuồng, họ trì niệm cho đến lúc nhất tâm
bất loạn, thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt,
có chúng sanh, có chư Phật, sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ được
thực tại mầu nhiệm ngay. Dù người ta nói đó là tha lực tiếp dẫn
cúa Đức A Di Đà, gọi là thiền, hoặc gọi là Nhất Tâm, thì điều nầy
có gì khác biệt đâu? Cái khả năng giải thoát mà người ta cho rằng
vốn ở bên ngoài ( tha lực), thật ra vẫn ở bên trong (tự lực),
lúc nào cũng sẵn có kia mà...” (Phần ngoặc kép nầy được trích nguyên văn
từ quyển Ngọc Sáng Trong Hoa Sen, bản dịch
của Nguyên Phong)
2.
Nước nạp: giai đoạn đầu; chỉ có nước nạp nghĩa là chỉ hăng hái lúc đầu mà thôi.
Tiếng lóng nầy phát xuất từ giới đấu gà chọi. Trước khi cho gà so tài, hai bên
cho hai con gà xáp lại vờn mặt nhau vài lượt cho chúng hăng lên, rồi mới thả
xuống cho giao đấu chánh thức. Giai đoạn vờn mặt nầy gọi là nạp gà. Gà nước nạp
là loại gà lúc mới vờn nhau tỏ vẻ rất hung hăng, nhưng khi giao đấu thật thì
hèn kém chạy dài.
3.
Sứa: tiếng lóng ám chỉ lời nói ba hoa thánh tướng của kẻ say.