Bảy trăm năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Sức sống Thiền linh diệu thức dậy. Thiền Trúc Lâm, thắp sáng hồn dân tộc. Hồn núi. Hồn sông… Bảy trăm năm nay, Phật hoàng vẫn du ngoạn nước non bằng tốc độ ánh sáng. Ánh sáng Thiền Trúc Lâm được luyện trong Rừng Thiền Yên Tử .
Ánh Thiền tràn ngập không gian Việt, hòa sáng sông dài, núi cao, cánh đồng, làng mạc, phố phường, bản xa, góc bể, chân trời… đến với bất kỳ ai biết tĩnh lặng phút giây “Xoay lại tìm mình”. Tiếng ai như gió thoảng, mây bay, như hoa rụng ngoài thềm, như hương rơi nhẹ, như sương khói, long lanh bảy sắc cầu vồng:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền”
(Cư trần lạc đạo-Trần Nhân Tông)
Ta im lặng. Lắng nghe. Từng tiếng, từng câu, rót vào lòng ta những âm thanh bằng/ trắc, thấp/ cao, trầm lắng thành bản nhạc, lời ru. Ta bỗng nhận ra đó là tiếng của Mẹ Cha, của Đất- Trời, nâng ta đi từng bước giữa cuộc thăng trầm hữu hạn. Nhớ khi ta còn lẫm chẫm những bước non tơ, mẹ đỡ phía trước, cha nâng phía sau để bé con không bị ngã. Ta đói cho ăn, buồn ngủ thì ru ấm vòng tay, ngả vào lòng mẹ. Tình Mẹ Cha, an bình, trong sạch, ru ta lớn từ phút nào chẳng rõ. Ta một mình đi trong Trời- Đất, thế gian này. Đi cùng gió, mưa, sấm chớp, lửa thiêu, vần xoay chóng mặt “Bao nhiêu là lớp áo ở trên đời/ Bụt và quỉ ma nói cùng thứ tiếng”(Ngô Đình Miên). Làm sao để không đánh mất mình? Làm sao tránh những bước đi hẫng hụt, mà trong tích tắc, ta sẽ rơi xuống địa ngục trần gian? Mẹ ở đâu? Cha ở đâu? Không thể đỡ ta như ngày xưa thơ bé. Một mình ta đối diện với chính mình.
Bâng khuâng giữa dòng đời trong/đục, Thiện/ Ác nháo nhào, lòng ta rối bời bao âu lo, ham muốn, âu sầu… Cơ duyên từ vạn kiếp, ta bỗng gặp Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Im lặng. Lắng nghe rừng Thiền xanh thắm thiết tình, dạy ta bình tâm, tĩnh trí “Xoay lại tìm mình” để tự cứu mình. Ta là ai? Ta cần gì? Hãy mở con mắt thứ ba ra mà nhìn, kẻ đang mời mọc ta là ai? Là ma hay là Người? Nó kéo ta tới địa ngục trần gian hay vườn hoa ươm nở?
Tiếng Phật hoàng trong gió âm vang: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”. “Tùy duyên” gặp gỡ.“Tùy duyên” tác hợp. Không vụ lợi, mà cần linh cảm, linh giác, nhạy cảm. “Tùy duyên” lựa chọn, đi đâu, làm gì hợp với sức lực, năng khiếu, điều kiện của riêng mình. Không chạy theo ham muốn mù mờ, tham lam quá độ. Không làm những gì trái lòng mình. Không mơ những gì ta không thể. “Tùy duyên” là sắc thái tâm linh. Trời Đất giao thoa nơi hồn ta trong sáng, trao “cơ duyên”, hay “tương hợp” của sự lành muôn kiếp, nâng ta đi…
“Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền”. Phật hoàng dạy ta sống thuận lẽ tự nhiên như đồng hồ sinh học. Không ép xác, căng gân. Không gồng mình giả dối. Không nô lệ cái gì. Không để cái bên ngoài lôi kéo. Không quá lo âu, khổ sở về bất cứ một điều gì. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Sống với hiện tại. Giờ nào việc ấy. Làm việc gì chăm chú vào nó. Không nghĩ lăng xăng, thì tâm không rối loạn, trí tuệ bừng sáng, dẫn dắt ta sống an bình theo lẽ đời tử tế. Cái Đẹp, cái Thiện sẽ đến.
“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm”. Trong mỗi con người đều có Phật tính. Đó là năng lực sáng chói nhất của ta. Là kho báu trong nhà. “Xoay lại tìm mình” năng lực ấy hiện ra. Ung dung tự tại mà sống với cái Tâm của mình. Đường ta, ta cứ đi. Việc ta, ta cứ làm. Chẳng giống ai. Chẳng đua tranh, giành giật. Không bán mua, đổi chác, cúi luồn. Không ô dù che chắn. Không trát phấn tô son. Không huyếnh hoáng, tung hô. Không ảo tưởng hão huyền. Không hại người, hại thiên nhiên, vạn vật. Ta sống thật với lòng ta. Một con người. Một linh hồn trong sáng. Mỗi người phát lộ những điều tốt đẹp mình có. Người người nảy nở, thăng hoa, sáng tạo, dâng quả ngọt cho đời. Châu báu đấy! Con người là tài sản vô giá của thế gian. Con người mới phát huy được khoảng 10% kho báu của mình. Quay về nhà mình mở kho, lấy báu, sống Đẹp một kiếp người hữu hạn.
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền. Ta sống trong cái chợ đời ồn ã, náo động. Cảnh và người vô thường, thay màu từng thời khắc. Nó diễn qua, diễn lại trước mắt ta: đẹp, xấu, thiện, ác, giả dối, lừa đảo, quay cuồng, hỗn tạp. Khi nó quyến rũ, chào mời, lúc cản ngăn, xâm phạm, quấy rối, tàn hại, phá phách... Chưa kể tam độc “tham, sân, si” luôn bốc lửa trong đầu ta. Phải làm sao đây để ta đứng vững, không bị “Đối cảnh” cuốn trôi, đè bẹp, xô ngã xuống lò lửa, vực sâu? Theo tâm lý học hiện đại, một ngày tâm trí mỗi con người phát sinh khoảng 30 đến 50 ngàn ý nghĩ. Nó xoáy lộn, rối như tơ vò. Nó chạy nhăng nhít trong đầu ta như con khỉ chuyền cành. Không lúc nào yên. Toàn là những ý nghĩ giả, những mộng huyễn, những tham muốn mơ hồ, những hờn ghen vô cớ, những đau khổ, hận thù chồng chất từ quá khứ, những tưởng tượng lo âu… Nó làm ta rối loạn, tâm trí chạy theo hết cảnh này, người khác. Ý nghĩ này phát sinh, ý nghĩ kia chồng lấp tít mù, làm cho trí tuệ bị vùi sâu, dẫn đến hành động thiếu chính xác, luôn mắc sai lầm, rồi buồn nản, ốm đau… Nếu ai đó nhìn cảnh, nhìn người diễu trước mặt, hay những tác động bên ngoài xô đẩy… mà vẫn bình tĩnh, không gì làm xáo động được tâm trí. Không đau khổ. Không thù hận. Không si mê. Không tham muốn… trước cảnh và người đẩy đưa, trêu chọc, thì gọi là tâm an trụ, hay bản lĩnh vững vàng. Đó là bản chất của Thiền. “Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền”.
Bài kệ bốn câu “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm, chớ hỏi Thiền” Phật hoàng Trần Nhân Tông đã vạch ra yếu chỉ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Phật tại Tâm. Xoay lại tìm mình. Không đánh mất mình. Mỗi cá nhân xoay lại tìm mình. Cả dân tộc xoay lại tìm mình để tự biết: Ta là ai? Người Việt Nam là ai? Một con người không biết mình là ai, sẽ khó sống trước lẽ vô thường. Một dân tộc không tự biết mình là ai, sẽ không có độc lập, tự do.
Trần Nhân Tông viết: “Đạo lớn quảng đại không hư, không bị ràng buộc thúc. Bản tính lặng yên, trong trẻo, không thiện, không ác. Ai cũng đủ bản tính. Người người đều được viên thành. Phật tính và pháp thân như hình với bóng, lúc ẩn, lúc hiện, không sát, không lìa, ở dưới lỗ mũi, ở ngang lông mày. Vậy mà giương mắt nhìn cũng không thể thấy, có ý truy tầm thì lại không thấy đạo. Ba nghìn pháp môn đều ở trong gang tấc, hằng sa điện dụng có sẵn ở nguồn tâm.”
Bí truyền của Thiền là “nắm lấy hơi thở mọi lúc, mọi nơi”. Hơi thở là cây cầu bắc qua hai bờ tâm lý và sinh lý (Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Khi ta chú ý đến hơi thở, tâm trí không còn hỗn loạn. Cái chấm sáng linh diệu màu đỏ hồng hiện ra “ở ngang lông mày”. Cái chấm sáng đó, là linh hồn ta, hòa vào vũ trụ. Ta với vũ trụ là một. Thiên- Địa- Nhân hợp nhất. Ngày lại ngày tiếp được sức mạnh, năng lượng, tình yêu thương của vũ trụ theo cách đó, ta khỏe vui, an tịnh, đi giữa cuộc đời hữu hạn, vô thường, không sợ hãi. Buồn đau tan biến. Bệnh tật lui dần. Trí tuệ, tình thương phát sáng.
Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện biết phép thở bí truyền này. Ông thở mọi lúc, mọi nơi, đưa không khí vào lá phổi bị cắt bảy lần, còn 1/3, và giữ tâm an trụ, sống hơn tám mươi tuổi, viết gần trăm cuốn sách… Dăm năm nay, cả nghìn sinh viên Đại học Thăng Long đã cùng tôi thực hành Thiền Trúc Lâm Yên Tử trên giảng đường lớn. Bạn thử tập một lần xem sao:
“ Bây giờ và ở đây. Tôi ngồi im lặng… Bỏ lại ngoài kia những ồn ào, náo động, buồn lo… Quên đi mọi nghĩ suy, tính toán, tham muốn, âu sầu… Tôi xoay lại tìm mình. Tôi là ai? Tôi là một linh hồn thánh thiện bình an/ Là năng lượng, sức mạnh và tình yêu thương, trí tuệ/… Trong im lặng/ Tôi thở theo bài vè của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện/ Phình bụng thở vào/ Thót bụng thở ra/ Hai vai thả lỏng/ Êm chậm sâu đều/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/… Tôi đã chìm trong hơi thở của chính mình/ Tĩnh lặng/ Bình an/ Hồn tôi bay lên gặp gió mây trời/ Và vũ trụ mênh mang đã truyền cho tôi một tình yêu viên mãn/ Bây giờ và ở đây”.
Sinh viên bảo: “Đây là Bài ca cuộc đời” là cách thoát đau khổ, là sự cứu rỗi”. Nhiều bạn Thiền hiệu nghiệm, đã truyền cho ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè… nhất là với ai đang bị khổ đau dày xéo, hoặc ốm yếu, lo âu, stress. Bạn dành mỗi ngày ba mươi phút, “siêu” hơn thì chú ý hơi thở mọi lúc, mọi nơi, làm cho “Mỗi bước đi, nở hoa sen” (Thích Nhất Hạnh)…
Gần một nửa nhân loại đã trải nghiệm phép lạ của Thiền hàng nghìn năm nay. Trần Nhân Tông chứng minh sức mạnh Thiền Trúc Lâm Yên Tử trong hai quãng đời tu của mình.
Đọc Cư trần lạc đạo phú (Trần Nhân Tông) ta hiểu ngài vừa làm vua vừa tu Thiền giữa Thăng Long- Kẻ Chợ, trở thành một ông vua thông thái, minh triết, dũng khí, hào sảng, thương yêu nòi giống… bậc nhất trong lịch sử, với hai cuộc chiến, thắng quân Nguyên, với hội nghị Bình Than, Diên Hồng, với lòng cha dứt ruột gả con gái Huyền Trân thơ ngây cho vua Chiêm Thành, đổi lấy hòa bình.
Cuộc đời Trần Nhân Tông (1258- 1308) là sự hiến dâng cao cả hiếm thấy ở trần gian. Thái tử Trần Khâm 21 tuổi lên ngôi hoàng đế, 35 tuổi nhường ngôi, tham thiền, viết sách giáo lý Đạo Phật dân tộc, 41 tuổi lên Yên Tử tu khổ hạnh, sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử, tìm con đường giải thoát cho mình và giống nòi. Đó là trí tuệ phương Đông, được chuyển vào hồn cốt Việt, bằng cách cảm, cách nghĩ, ngôn ngữ thuần Việt, tỏa sáng núi sông, đất Trời, con người Việt Nam, truyền vô lượng kiếp. Không có bất kỳ hệ thống lý luận nào thay thế được.
Bài phú thứ hai Đắc thú Lâm tuyền thành đạo ca (Trần Nhân Tông) là niềm vui đắc đạo trong quãng đời ngài tu khổ hạnh.
Với người tu Thiền, đích cuối cùng là thoát vòng sinh tử, tỉnh thức đón nhận cái chết, lòng hoan hỷ, hồn nhẹ bay. Trần Nhân Tông đã đạt được điều đó. Mấy ngày trước lúc từ giã cõi trần, qua thôn Cổ Châu (Nam Sách- Hải Dương) ngài viết kệ Đề chùa Cổ Châu :
“Số đời một màn kéo/ Tình người đôi mắt trong/ Cung ma chật hẹp lắm/ Cõi Phật khôn xiết Xuân” (Lê Mạnh Thát dịch)
Ngài linh cảm về cái chết trong cảm giác được giải thoát. Kiếp người là một màn kịch ngắn, người và ma dồn đuổi nhau, tình người đẹp bao la, cung ma chật hẹp, về cõi Phật mới gặp Xuân bất tận.
Rạng ngày 1-11- 1308, phút hồn rời xác thân, Phật hoàng Trần Nhân Tông tỉnh thức nhìn bầu trời đầy sao, mỉm cười: “Đến giờ ta đi rồi”. Nói xong, ngài nằm dáng sư tử rồi tịch. Xá lợi của ngài đủ năm màu, niêm cất vào bình quí, một phần được đưa về Yên Tử.
Biết trước sự ra đi của mình, đầu năm 1308, ngài trang trọng lập đàn truyền đăng cho Thiền sư Pháp Loa(1284- 1330). Đệ nhị tổ Thiền Trúc Lâm- Pháp Loa viết sách “Tham thiền yếu chỉ” và dựng chùa, đúc chuông khắp nơi. Giáo hội đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), nhưng mùa kết hạ, tăng sĩ kéo về Yên Tử “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu” . Một tháng trước lúc viên tịch, Pháp Loa truyền đăng Thiền Trúc Lâm cho Huyền Quang. Ngài viết kệ: “Muôn duyên cắt bỏ được thân nhàn/ Hơn bốn chục năm mộng ảo gian/ Nhắn nhủ mọi người đừng viếng hỏi/ Bên này trăng gió cũng thênh thang” . Viết xong, ngài ngồi theo thế kiết già rồi viên tịch.
Huyền Quang (1254- 1334) đỗ Trạng nguyên. Thời thịnh. Vua đi tu. Trạng đi tu. Thời loạn “Chúa chết, Trạng cũng băng hà”. Triều Trần, Đế vương Thiền. Hoàng gia Thiền. Tướng soái Thiền. Quan Thiền. Dân lành Thiền… đã mở ra một thời đại dân chủ, nảy sinh những nhân cách lớn. Huyền Quang bỏ làm quan, đi tu, viết sách, làm thơ, theo Trần Nhân Tông thuyết pháp trong dân. Phật hoàng nhập Niết Bàn. Huyền Quang trụ ở chùa Vân Yên- Yên Tử. Huyền Quang nổi danh tu đức độ, viết sách hay, nên người đời ghen. Năm ngài sáu mươi tuổi, bị vua và triều thần nghi ngờ. Họ “Giăng lưới bắt chim” đưa cung nữ Điểm Bích xinh đẹp lên quyến rũ Huyền Quang. Không mê hoặc nổi Huyền Quang, Điểm Bích đã lập mưu, xin Huyền Quang vàng về cứu cha. Được vàng, nàng về Thăng Long làm bằng cớ, vu cáo Huyền Quang đã “có tình” với mình. Huyền Quang lặng lẽ tỏa sáng nhân cách Thiền tinh luyện của mình, vua quan phải hối hận. Điểm Bích bị đày ra quét chùa. Chuyện nàng Điểm Bích với hai bài thơ tình đối đáp trong văn học cổ Việt Nam, thắm tươi như Rừng Thiền Yên Tử . Sức sống Thiền nơi Huyền Quang đẹp như loài hoa Cúc mà ngài yêu nhất “Thơm phức hằng năm đóa trắng vàng”(Huyền Quang). Ba mươi năm làm quan. Ba mươi năm tu hành. Bốn năm làm giáo chủ. Huyền Quang kết đèn Thiền Trúc Lâm Yên Tử thành Tam tổ Trúc Lâm, sáng Rừng Thiền Yên Tử .
Vì sao Trần Nhân Tông chọn Yên Tử để đi tu? Người ta nghiên cứu những quả núi lâu đời như Yên Tử, Hi Mã Lạp Sơn (Tây Tạng), Phú Sĩ (Nhật Bản)… đều có lực từ trường lớn, tăng thêm lực cho dòng lưu nhân điện trong thân thể những người ngồi Thiền nơi núi đó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nhập định và thành đạo dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Sau khi đắc đạo, Ngài vẫn cùng các đệ tử ngồi Thiền trên núi Linh Thứu. Vạt núi sườn Nam Yên Tử, giúp con người có đầy đủ các điều kiện thiên nhiên để tu Thiền linh diệu: ngồi quay về hướng Nam, lực từ trường tụ hội, mặt dốc hơi nghiêng về phía trước, không khí mát lành, thanh tịnh màu xanh… Yên Tử xưa, An Kỳ Sinh tu tiên, đắc đạo. Thời Lý có Thiền sư Hiện Quang, đầu nhà Trần có các Thiền sư: Đạo Viên, Tiêu Diêu, Đại Đăng… tu đắc đạo. Yên Tử đầy ắp hồn người, hồn núi, khí thiêng, năng lượng Đất- Trời…
Trần Nhân Tông về Yên Tử tu khổ hạnh, đã khơi dòng Thiền các bậc thầy đi trước, sáng lập Thiền Trúc Lâm, biến nơi đây thành Rừng Thiền Yên Tử nổi danh là “phúc địa”, kho báu tâm linh Việt… Trên Yên Sơn cao nhất vùng Đông Bắc (1068m), trải dài ngót hai mươi cây số, còn in bóng Phật hoàng tay cầm gậy trúc phiêu diêu cùng mây lạnh, gió dồn, tiếng sấm sét và tiếng hổ báo gầm: chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, Suối oan cung nữ trầm mình, Đường Tùng, Hòn Ngọc, Tháp tổ, chùa Hoa Yên, Thác Vàng, Ngự Dội, chùa Một mái, Am Diêm, Thác Bạc, Am Hoa, Am Dược, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, An Kỳ Sinh, chùa Đồng… với hàng trăm am, tháp, nhiều di vật cổ quí, giữa một vùng núi rừng xanh trùng điệp, thác đổ, suối reo, chim rừng ca hát, muông thú dạo chơi, trăng, sao, mặt trời, mây gió mơn man bên hàng tùng, rừng trúc, sỏi đá lao xao bài kinh, câu kệ, sách Phật, giường Thiền, hoa Phù Dung, hoa Mai, hoa Mẫu Đơn, hoa Cúc, hoa Ngâu, hoa Hồng, dâng hương sắc… Yên Tử là Bảo tàng sống về Phật hoàng Trần Nhân Tông với Kinh đô Phật giáo Đại Việt. Ngài đã Tạchình tượng con người Việt Nam đẹp nhất, giữa không gian vô tận, vô cùng:
Tạc
Trút bỏ hoàng bào vua hiển Phật
Gửi lại muôn đời một chữ Tâm
Phù Vân sừng sững trùng dương tỏa
Trí tuệ- tình thương, tạc bóng Người
(Mai Thục)
Ngày 14-12-2002. Đại lão Thiền sư Hòa thượng Thích Thanh Từ- người khơi lại Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Đà Lạt những thập niên cuối thế kỷ XX, đọc diễn văn khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử tại chùa Lân- nơi tu hành hoằng pháp của Tam Tổ Trúc Lâm xưa, còn cây đa hơn bảy trăm tuổi, tán lá xum xuê, xanh nguồn Thiền. Trong ba tháng, chùa Lân cổ kính, rêu phong được dựng lại, lộng lẫy như xưa “Lầu son mấy nóc rộng thênh thênh” (Trần Anh Tông) nối chúng ta với Rừng Thiền Yên Tử :
“Yên Tử Non cao Chư Tổ mồi đèn truyền tâm ấn
Trúc Lâm rừng vắng Điều Ngự nối đuốc lập tông phong”
(Thích Thanh Từ)
Rừng Thiền Yên Tử bừng sáng. Bạn ta ở đâu đó đang buồn. Ta mượn câu hát Trịnh Công Sơn, gọi bạn trở về Rừng Thiền Yên Tử:
Đừng buồn sóng ơi!
Đừng buồn gió ơi!
Đừng buồn nắng ơi!
Ta đang bay qua đại dương ngược nước
Về đỉnh núi xanh thắm thiết tình.
Nguồn: newvietart.com