Truyện - Tùy bút
Thiện Tri Thức
Diệu Ngọc
06/10/2011 08:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


(Ghi chú trước khi vào bài: Bài này ghi lại một câu chuyện thật nhưng tên các nhân vật đã được đổi khác. Tuy nhiên nếu có một trùng hợp nào thì đó là ngoài ý muốn của người viết.D.N.)

I

- Ê! Bắt gặp tại trận có người đang hái hoa lén.....

Tôi giựt mình quay lại, Ðạt đã đứng đó tự bao giờ... Tôi cười chữa thẹn:

- Xí !... Bộ người ta sợ lắm sao..?

Cả hai đứa cùng cười, Ðạt hỏi:

- Bữa nay nghĩ học, sao không theo Bác gái đi chợ ăn hàng mà còn ở đây hái hoa?

Tôi đáp:

- Bộ tưởng người ta hay ăn hàng lắm sao... Thôi, tôi về đây...

- Nói đùa chút cho vui, đừng giận... Ðây, cho thêm một cái bông hồng màu vàng đây... Chịu chưa...?

Tôi nhanh tay đón lấy cái hoa hồng vàng từ tay Ðạt rồi quay lưng bỏ đi về phía lan can giữa nhà tôi và nhà Ðạt để leo trở về nhà mà không nói tiếng nào....

Nhà Đạt và nhà tôi là hai căn phố lầu sát vách nhau, sân thượng nhà Đạt và sân thượng nhà tôi được ngăn ra bởi một hàng lan can bằng song sắt tuy hơi cao nhưng tôi và Đạt vẫn thường bắt ghế leo qua lại không khó. Tôi và Đạt học cùng lớp, tuổi bằng nhau, nhà lại ở sát nhau nhưng chúng tôi không thân nhau lắm dù Đạt nuông chìu tôi hết lòng... Biết tôi thích bông hồng, Đạt đi xin ở đâu đó đem về mấy chậu bông hồng và cho quyền tôi leo qua cắt đem về cắm ở bàn học bất cứ khi nào... Cho nên dù có mặt Đạt ở đó hay không tôi vẫn có thể hái hoa mà không phải e ngại.

Có một lần tôi hỏi Đạt:

- Hôm qua thấy một cái bông hồng vàng sắp nở ở đây sao bây giờ đâu mất rồi?

Đạt cười:

- Cắt cho má Đạt cúng Phật rồi, hôm nay là ngày rằm mà....

Sau này có khi tôi nghĩ lại, lúc đó chúng tôi đều ở cái tuổi mười bốn, mười lăm mà sao Đạt đã mang vẻ... “một ông cụ non” vậy? Ít khi nào tôi thấy Đạt ra khỏi nhà để gọi là... đi chơi... mà bạn bè của Đạt thì chả mấy khi tôi thấy có ai đến với Đạt... Đi học thì thôi nhưng về nhà là ngồi riết ở bàn học, hoặc là nằm trên ghế xếp kê ở sân thượng say mê đọc sách. Trái ngược lại với tôi, tôi lại thích đi chơi, đi phố ăn quà, đi cinê, đi tắm biển, những lúc theo gia đình bạn đi picnic tận ngoài mấy cái đảo nhỏ ngoài khơi là tôi thích nhứt. Hai chúng tôi tánh ý trái ngược nhau như thế cho nên việc học cũng... trái ngược.!

Đạt lúc nào cũng nhất lớp về tất cả các môn, ngoại trừ môn thể dục là hắn ta đứng bét mặc dù hắn cũng thuộc hạng lớn vóc. Còn tôi thì... trong số mười người đứng đầu trong lớp chả bao giờ có tên tôi.!

Má tôi sợ tôi học hành thua súc bạn nên có nhờ một cô dạy kèm, một tuần ba lần, tôi ớn nhứt là khi bà cô này họp lại với Bà vú của tôi, hai người cứ lấy gương “Cậu Đạt” ra mà... “lên lớp” tôi mãi không thôi. Mấy lúc như vậy tôi cứ nghĩ thầm là phải chi không có Đạt ở gần bên thì đâu có bị rầy như vậy!

Nhưng khi nghĩ lại thì... có Đạt ở gần bên vẫn hơn, vì tôi còn có chỗ nhờ cậy khi làm bài không kịp để nộp hay bị bí về một bài nào đó...

Có một lần tôi vô tình nghe được Bà vú nói to, nói nhỏ với cô dạy kèm cho tôi:

- Tội nghiệp cậu Đạt, nhỏ vậy mà có chí, ham học lại hiếu thảo với Mẹ... Hôm trước, tôi nghe bà Hai má cậu ấy nói cậu ấy muốn vô chùa ở, bà ấy khóc quá chừng, cậu Đạt là con trai duy nhứt mà... Dễ gì bà ấy chịu rời ra... Tôi chưa có hỏi cậu ấy vô chùa để làm gì... Không lẽ cậu ấy còn trẻ vậy mà lại muốn đi tu...? Dù sao thì khi nghe vậy tôi cũng nghĩ thầm... Ông cụ non đó đi tu là phải rồi...

Thời gian rồi cũng qua nhanh, mới đó mà đã đến kỳ thi cuối cùng của những năm học dài lê thê của bậc Trung học.... Rồi những ngày thi đầy căng thẳng cũng đã qua đi...

Bữa đi xem kết quả, tôi và đám bạn không ai ngạc nhiên khi thấy Đạt đã đậu với hạng ưu... Còn tôi, chỉ cần đậu là tôi mừng... Nhưng người mừng hơn tôi có lẽ là bà vú của tôi, còn má tôi lúc sau này đã về quê lo công việc làm ăn...! Tôi đi thi nhưng bà vú lo còn hơn tôi vì bà ấy đã lỡ nói... “Con mà thi rớt thì vú trốn luôn chớ không dám về quê nhìn mặt má con đó...” Cho nên khi đã biết kết quả kỳ thi bà hối thúc tôi chuẩn bị về quê để bà khoe thành tích với má tôi...

Tôi còn đang suy tính không biết có nên theo bà vú về quê nghĩ hè trước khi vào Sàigòn học tiếp hay không thì một tin... có thể nói là tin động trời do bà vú báo cho tôi biết: Bà Hai, Má Đạt cho biết là Đạt sắp cưới vợ mà lại cưới gấp...

Lúc đầu tôi tưởng là bà vú nói phỉnh tôi cho vui, nhưng khi hỏi lại thì đó là sự thật. Tôi nghĩ, còn một tuần nữa là làm lễ cưới thì chắc người ta đã trù tính lâu lắm rồi... Vậy mà mình ở sát một bên nhà lại không hay biết... Mà người Đạt sắp cưới làm vợ lại là Nga, người học cùng lớp với tôi và Đạt... Đồng ý là tôi và Đạt lúc đó đã ở vào cái tuổi mà mấy bà má thường nói là tuổi có thể dựng vợ gã chồng được rồi nhưng sao người ta lại gấp rút vậy...! Cũng đồng ý là nhà Đạt thuộc hạng khá giả nhưng chưa có công ăn việc làm mà cưới vợ về ăn bám gia đình thì chắc chắn không phải là chuyện tốt mà Đạt thì chả lẽ lại không biết điều đó?...

Nhưng thắc mắc của tôi đã được bà vú giải toả sau đó vài ngày: Cô Nga đã có mang cho nên phải cưới gấp chớ không thôi thì cái bụng lớn lên càng khó coi và chắc chắn là không nên...

Trước đó, có một thời gian tôi thấy hai người... có vẻ thân nhưng tính tình của Nga hoàn toàn trái ngược lại với Đạt, chắc vì vậy mà lúc sau này tôi thấy hai người không còn thân thiết như lúc đầu. Nga là con của Bà Năm bán bánh canh ở con hẽm phía trong nhà tôi và nhà Đạt chừng một trăm thước, tôi và các bạn kể cả Đạt, cũng đều biết Nga thường đi chơi với mấy cô cậu con nhà có tiền, thường đi ăn, đi nhảy đầm, gần như những buổi dạ vũ của các Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân và Hải Quân bọn Nga đều có mặt... Có lẽ chính vì vậy mà thứ hạng của Nga trong lớp không khá lắm!

Đám cưới Đạt diễn ra trong sự ngạc nhiên của tất cả bạn bè trang lứa, nhưng bà vú và cô giáo dạy kèm tôi thì thất vọng ra mặt. Tôi nghĩ, vậy cho bà hết nói... “Cậu Đạt cao lớn đẹp trai, tính tình điềm đạm lại học giỏi” để lên lớp tôi...

Như vậy trong cái việc Đạt cưới vợ có hai người hả dạ là Má Đạt và... tôi... Má Đạt thì mừng vì con trai của bà không còn lý do gì để đòi vô chùa nữa, còn tôi thì hả dạ khi thấy bà Vú và cô giáo bị Đạt làm cho.... quê độ....

Ngày mai là ngày cưới của Đạt, ngày hôm sau tôi và bà vú sẽ về quê, tôi đã có nói với bà vú nhắn tin về cho má tôi hay là chờ dự đám cưới Đạt xong rồi chúng tôi sẽ về. Tôi dự định sẽ ở suốt ba tháng hè với má tôi vì khi tôi đã vào Sàigòn rồi thì có lẽ phải lâu lắm mới về thăm được. Dĩ nhiên, cho dù tôi đi đâu thì nếu má tôi không bảo bà vú cũng sẽ tự nguyện theo sát một bên để làm... “thần hộ mạng” cho tôi. Nói gì thì nói, vú gần gũi tôi nhiều hơn má tôi cho nên tôi thương vú như thương má tôi không khác...

Chiều đó tôi lên sân thượng đưa mắt nhìn bâng quơ qua sân thượng nhà Đạt thì... Ô kìa, “cậu Đạt” vẫn nằm trên ghế xếp đọc sách như không có chuyện gì.Tôi thật bái phục con người điềm tỉnh quá mức đó. Ngày mai đám cưới mà bây giờ còn có thể bình tỉnh để đọc sách, kể cũng lạ!

Năm tháng trôi qua...

Trai lớn lên thì cưới vợ, gái lớn lên thì lấy chồng...

Ngày cưới của tôi, tôi không mời được Đạt vì khi đó má Đạt đã theo người chị lớn của Đạt về sống ở ngoại ô thành phố. Còn Đạt đã dời đi nơi khác trong thời gian tôi ở xa, nhà Đạt bây giờ do người cậu của Đạt ở, tôi và Đạt không còn liên lạc nhau. Sau này, khi có dịp về lại ngôi nhà cũ, tôi thường ra sân thượng để ngắm trăng và nhớ lại những ngày thơ ấu, trong đó có tôi và Đạt... Rồi nhớ lại chuyện đám cưới Đạt, thật là một bất ngờ cho mọi người. Quả thật, trên đời thường có những việc xảy ra mà chúng ta không thể ngờ được mà tôi thì hay gặp phải những bất ngờ như vậy!

Rồi mấy năm sau, trong một dịp nghĩ phép, tôi dẫn con về quê chồng để thăm ba má chồng tôi, lại đúng vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng bảy. Sau một hồi hàn uyên tâm sự má chồng tôi bảo:

- Ngày mai sẽ có một buổi thuyết pháp ở chùa, con có muốn đi đến đó để nghe với má không?

Tôi chưa kịp đáp thì bà tiếp:

- Ở chùa gần nhà mình bây giờ có một ông thầy đi học Phật từ Ấn Độ mới về, ông ấy còn trẻ mà giảng pháp hay lắm, ai cũng thích nghe, má đã được nghe mấy lần rồi, sẵn dịp rằm tháng bảy, ông ấy thuyết giảng về Vu Lan, hai mẹ con mình đi nghe cho biết.

Tôi đáp nhanh:         - Dạ, ngày mai con đi với má.

Đường từ nhà đến chùa không hơn nữa tiếng đồng hồ đi bộ, nhưng tôi nghe bà nói ở chùa có một cái hồ sen rất to, tôi ngõ ý muốn đi sớm để ngắm sen nở trong hồ vào buổi sáng. Tôi tưởng tượng, còn gì đẹp cho bằng những cánh sen màu trắng tinh anh với nhụy vàng điểm mấy hạt sương còn lung linh đọng...

Hai mẹ con tôi tới chùa thì mặt trời chưa lên khỏi ngọn cây, vừa qua khỏi cổng chùa tôi đã sửng sờ vì một vườn hoa hình tròn, đủ các loại, hoa hồng, hoa cúc, hoa lài, hoa thược dược, hoa huệ...v...v... mà cây nào cũng trĩu nặng với những chùm hoa đã nở hết độ, như thi nhau khoe sắc để mong được cắt dâng lên cúng Phật. Tánh tôi đã mê hoa nay nhìn thấy một rừng hoa, tôi mê mẩn, hết vuốt đóa hồng nhung đỏ thẫm đến nâng niu cành huệ với những búp hoa to làm oằn nhánh. Đi vòng theo con đường lát gạch chung quanh vườn hoa để vào sân chùa, sát mặt tiền chùa là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ đã rêu phong với thời gian, người ta chưng bày những con thú được uốn bằng cây kiểng thật to, thật đẹp và rất sống động.

Ngoài những khóm hoa đang khoe sắc rực rỡ ở mặt tiền, hơi chếch về bên phải là một cái hồ rất rộng toàn hoa sen. Giữa hồ sừng sửng một tượng Phật Bà Quan Âm màu trắng thanh thoát đứng trên một hòn non bộ, soi mình trên mặt nước hồ sen trong như gương. Có lẽ hòn non bộ này cũng có tuổi bằng với ngôi chùa cho nên trên những gộp đá đã phủ màu xanh rong rêu, từ xa nhìn không khác cảnh thật với những tượng đá nhỏ xinh xinh mang hình ngư, tiều, canh, độc.

Trước một rừng sen trắng đang phơi mình trên mặt hồ, tôi không còn để ý đến má chồng tôi đang đi nhanh vào hậu điện vì có ai đó đang vẫy tay gọi.

Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ thuyết pháp cho nên tôi có quá nhiều thì giờ để đi vòng quanh hồ, hết ngắm cái hoa này lại nhìn cái hoa khác, rồi nhìn toàn cảnh ngôi chùa. Cảnh trí quanh đây có vẻ tịch mịch và trang nghiêm làm sao...

Vì đây là một ngôi chùa cổ, cổng tam quan và tiền đình chùa được chạm trổ những hoa văn và hình tượng của lối kiến trúc xa xưa. Đặc biệt là chùa tọa lạc trên một khu đất thật rộng, hai bên hông chùa người ta trồng đủ lọai cây ăn trái. Nằm cuối về phía sau còn có một nơi có thể gọi là cái nghĩa trang nho nhỏ với năm bảy ngôi mã đá được quét vôi trắng. Có lẽ là nơi an nghĩ của các vị sư đã có công lập nên ngôi chùa này từ thời xa xưa.

Tôi còn đang miên mang ngắm nhìn những đóa sen trắng tinh anh đang bị cơn gió nhẹ buổi sáng làm lung lay trên mặt hồ thì bổng giựt mình vì mấy tiếng chuông vang lên từ chánh điện, tôi đi vội vào vì đoán đã đến giờ thuyết pháp, mọi người đã ngồi đâu vào đó. Vì lạ người lạ chỗ, tôi đang đứng xớ rớ ở phía sau thì nghe tiếng má chồng tôi gọi, tôi nhón chân lách người đi lên phía trước để ngồi gần bà. Bà chưa kịp giới thiệu tôi với một bác ngồi kế bên có lẽ là quen thân với bà thì bổng mọi người im tiếng và đồng loạt đứng lên. Tôi đứng dậy và ngước mắt nhìn lên kịp lúc thấy một vị sư từ trong hậu điện bước ra trong dáng điệu thật khoan thai. Tôi trố mắt:

 - Ô kìa... sao lại là Đạt? Vị sư trẻ vóc dáng cao to với gương mặt trắng hồng đang đứng vào phía sau bục thuyết trình, tươi cười chào đám đông, đó không phải là Đạt thì ai vào đây?

Vừa lúc đó thì Đạt cũng trông thấy tôi, mặc dù cố trấn tỉnh trước đám đông nhưng trên gương mặt Đạt tôi đọc được sự ngạc nhiên bất ngờ. Phải rồi, Đạt làm sao ngờ được tôi từ miền Trung xa xôi đã lưu lạc đến tận xứ sở của sông Tiền sông Hậu này. Có lẽ Đạt cũng thấy được vẻ ngạc nhiên của tôi cho nên Đạt nhìn tôi cười thật nhẹ mà tôi nghĩ, ngoài tôi không ai nhận ra được Đạt đang cười với tôi. Không ngạc nhiên sao được vì gần mười năm trước tôi đã dự đám cưới Đạt và vợ Đạt đã có mang trước khi cưới rồi cơ mà...

Mặt đối mặt mà trong lòng tôi còn ngờ. Đạt đang đứng trên bục giảng trước mặt tôi uy nghi đạo mạo đúng là dáng dấp của bậc chân tu. Với cái dáng dấp đó tôi sẽ không đủ can đảm để xưng hô bằng hai tiếng “tôi” và “Đạt” như thường tình trong thế tục ngày nào mà một sự kính trọng lẫn thân thiết từ đâu chợt dâng lên trong lòng làm tôi đã không ngượng miệng mà xưng hô hai tiếng “Thầy” và “con” khi Đạt tiếp tôi trong văn phòng cũng là phòng tiếp khách của Đạt sau thời giảng pháp.

Đầu óc tôi còn đang chật cứng bởi những hình ảnh thời xa cũ thì tiếng Thầy vang lên kéo tôi về với hiện tại.

Vì bây giờ là mùa Vu Lan nên Thầy giảng và nhắc nhở các Phật tử về công ơn của các đấng sinh thành. Thầy giảng về gương hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên và những lời Phật dạy về phương cách báo đáp ơn dưỡng dục của cha mẹ khi cha mẹ còn tại thế cũng như khi đã quá vãng...

Lời Thầy rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu nhứt là những thí dụ Thầy đưa ra thật gần gũi với đời sống hiện tại, ai cũng có thể hiểu được một cách dễ dàng. Trong thời đại này, do nhu cầu tiện nghi vật chất, do tập quán xã hội đương thời, người ta mãi bon chen vì danh, vì lợi mà có thái độ quá hời hợt về những gì gọi là hiếu kính ông bà, cha mẹ....

Tiếng Thầy vang lên thật trầm ấm, dễ lôi cuốn người nghe. Rồi trong một phần của bài giảng, Thầy có đề cập đến “Phép lễ lạy sáu phương” trong đó ý nghĩa của lễ lạy hướng về phương Đông là để lễ kính, tưởng nhớ đến công lao dưỡng dục của các đấng sanh thành. Vì phép “Lễ lạy sáu phương” không phải là chủ đề chính của buổi thuyết pháp hôm nay cho nên Thầy chỉ nói phớt qua mà tôi hiểu và còn nhớ đại ý là:

Khi còn tại thế, có một lần Phật dạy cho một thanh niên Bà-La-Môn về ý nghĩa của “Sáu phương lễ lạy”... Lễ lạy phương Đông là để lễ kính, tưởng nhớ công ơn của cha mẹ; Phương Nam là Thầy dạy; Phương Tây là vợ con; Phương Bắc là bạn bè; Phương dưới là những người lao công và phục vụ cho mình; Phương trên là hàng Tu sĩ, các bậc xuất gia.

Thầy nhấn mạnh, lễ lạy Phương Đông không có nghĩa đơn thuần là quay mặt về phương Đông mà làm lễ, lễ lạy về hướng Đông là để nhắc nhở chúng ta về cách đối xử có đạo đức đối với cha mẹ... Kinh dạy, con cái đối với cha mẹ phải chu toàn những bổn phận như: Nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo; Giữ gìn tốt gia phong và truyền thống gia đình; Làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; Giữ gìn, bảo quản, không phun phí tài sản do cha mẹ để lại; Khi cha mẹ qua đời, cử hành tang lễ cho chu đáo.

Đối lại, cũng theo trong kinh Phật dạy, cha mẹ cũng có bổn phận và trách nhiệm đối với con cái, dạy dỗ cho con biết điều thiện lẽ ác, khuyến khích làm điều tốt, ngăn chận không cho làm điều xấu, ác; Hướng dẫn con học nghề để nuôi thân; Cưới vợ gả chồng khi con đã khôn lớn....

Lễ phương Nam là để nhắc nhở chúng ta cách đối xử có đạo đức với các bậc thầy dạy của mình, gặp Thầy chào hỏi một cách nghiêm trang, kính cẩn; Phục vụ Thầy hết lòng nếu cần; Siêng năng học tập để không phụ lòng Thầy...v...v... Ngược lại, Thầy cũng phải có bổn phận và trách nhiệm đối với học trò, đem hết kiến thức của mình tận tình trao truyền cho học trò; Dạy cho học trò biết sử dụng kiến thức đó một cách có lợi; Cố gắng chỉ dẫn tận tình cho học trò thực hành thật tốt những nghề đã học..v...v.

Lễ phương Tây là để nhắc nhở chúng ta về cách đối xử có đạo đức giữa vợ chồng: Bổn phận làm chồng phải biết tôn trọng vợ, không nên tỏ ra bất kính đối với vợ; Để cho vợ nắm giữ quyền hành trong nhà; Trung thành, chung thủy với vợ....v...v...

Ngược lại, người vợ cũng phải làm hết bổn phận của mình đối với chồng; Đối đãi tốt với bà con họ hàng nhà chồng; Giữ gìn tốt tài sản; trung thành, chung thủy với chồng; Hoàn tất công việc nội trợ một cách tốt đẹp...v...v..

Lễ phương Bắc là để nhắc nhở chúng ta về cách đối xử với bạn bè: Đã là bạn bè thì phải biết hổ tương đối đãi nhau cho có đạo đức như bố thí, giúp đở bạn khi cần; Nói với nhau bằng những lời ôn tồn; Làm mọi việc có lợi cho bạn; Không lường gạt bạn; khi gặp hiễm nguy không né tránh; Kính trọng gia đình bạn...v...v...

Lễ lạy phương dưới cho đúng cách là khi lễ lạy chúng ta phải nhớ cung cách đối xữ có đạo đức với kẻ làm công, phục vụ cho mình chẳng hạng như: Khi giao công việc phải tùy theo sức cán đán công việc của người làm; Tạo điều kiện ăn uống thích hợp, công bằng, trả tiền công hợp lý; Biết chia xẻ vui buồn...v..v.. Ngược lại đối với người làm công phục vụ cho người khác cũng phải biết khéo làm mọi công việc được giao phó; giữ gìn thanh danh cho chủ; Thức dậy trước khi chủ thức, đi ngủ sau khi chủ đã ngủ..v...v..

Sau hết lễ lạy phương trên là để nhắc nhở chúng ta về phép đối xử có đạo đức với các vị đã xuất gia, tu hạnh xuất thế gian: Các hành động nơi thân, lời nói và ý nghĩ phải thể hiện bằng lòng từ; Đem hết lòng thành hiến dâng những vật dụng cần thiết để cúng dường... Ngược lại các bậc xuất gia cũng có những bổn phận đối với mọi người như: Ngăn chận, khuyên răn không làm điều ác; Khuyến khích làm điều thiện; Thuyết pháp bằng tâm từ bi; Chỉ bày phương pháp tu tập...v...v..

Buổi thuyết pháp được chấm dứt, bằng những câu hỏi do các Phật tử đưa ra, phần lớn đều liên quan tới Vu Lan và Báo Ân. Thầy đã trả lời một cách thỏa đáng và dễ hiểu làm mọi người rất hài lòng. Sau đó Thầy thay mặt nhà chùa mời các Phật tử xuống trai đường dùng cơm chay.

Mọi người lần lượt đi xuống trai đường, tôi nôn nóng muốn hỏi thăm Đạt nhiều điều nên đã cố tình trì hoản để được đi sau cùng và Đạt hình như đã hiểu được nên bước về phía hai mẹ con tôi. Tôi chấp tay cuối đầu chưa kịp lên tiếng chào trước thì Đạt đã nhanh miệng:

- Không gặp lâu quá mà trông chị không thay đổi gì nhiều...

Tôi lật đật cắt ngang lời Đạt để giới thiệu:

- Đây là bà nội của mấy cháu....

Cả má chồng tôi và Đạt đều ngạc nhiên nhìn tôi, Đạt cười vui:

- Không ngờ Bác đây lại là chỗ thân tình...

Má chồng tôi cười:

- Vậy cũng là chỗ quen biết, cũng may, tôi rủ nó đi nghe pháp chớ nếu không thì nó đâu có biết Thầy đã về đây...

Đạt hướng mắt về phía sau và nói:

- Mời Bác và chị xuống trai đường dùng cơm chay rồi mời chị lên văn phòng sẽ nói chuyện nhiều.

Tôi và má chồng tôi cuối đầu chào Thầy rồi bước xuống trai đường...

 

II

Vì hôm nay là ngày lễ lớn, Phật tử các nơi trong vùng tựu về chùa rất đông cho nên trai đường không đủ chỗ ngồi cho mọi người, hai mẹ con tôi lại vào sau cho nên... mỗi người một dĩa bưng ra ngồi ở các băng ghế đá trong vườn sau chùa cùng với một số người khác, ngồi dưới các bóng cây càng mát chớ có sao. Tuy trong lòng đang có nhiều thắc mắc về Đạt nhưng tôi cũng còn thưởng thức được bữa cơm chay thật ngon, mẹ chồng tôi thì tỏ ra rất quý Thầy, luôn miệng tán thán thầy, trẻ mà rất đạo mạo, học cao hiểu rộng nhưng tánh tình rất xuề xòa, gần gũi giúp đỡ Phật tử tận tình. Tôi kể cho bà nghe về tuổi thơ của tôi và Đạt...

Sau bữa cơm mẹ chồng tôi bảo:

          - Con đi gặp Thầy, má cần bàn một số công việc với mấy bà trong bếp...

Cửa văn phòng không đóng cho nên vừa thấy tôi Đạt cười và bảo:

          - Mời chị vào đây... và ra dấu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhứt trước bàn viết của Đạt.

Căn phòng chưng bày đơn giản như tính tình của Đạt mà tôi biết ngày xưa, ngoài cái tủ kinh sách và cái bàn viết chỉ có một cái bàn nhỏ đủ để một khai trà và một bình bông nho nhỏ mà ai đó vừa mới thay mấy cành hồng. Chỉ có một chiếc ghế duy nhứt dành cho khách mà tôi đang ngồi, tôi biết Đạt ít tiếp khách ở đây, tính Đạt là như vậy, Đạt thích đến với người ta hơn là chờ người ta tìm đến với Đạt.

Sau một hồi xã giao, Ðạt như đọc được ý nghĩ của tôi, Ðạt nhìn tôi cười nhẹ và nói lại điều mà Đạt đã nói khi nãy:

          - Chị thật không thay đổi gì... dù đả có gia đình, có cháu bé rồi, mà tánh vẫn nóng nãy như xưa. Nhìn chị, tôi biết chị ngạc nhiên và nóng lòng muốn biết về chị Nga lắm phải không?

Nghe Đạt nói tôi nghĩ thầm: Sao lại là “chị Nga” ? Hồi trước Đạt cưới Nga, tôi có dự đám cưới mà? Nhưng tôi không phải thắc mắc lâu vì Đạt đã nói tiếp:

          - Chị thắc mắc cũng phải thôi, vì tôi không tiết lộ cho ai biết kể cả má tôi làm bà già giận và buồn tôi không ít. Thình lình Đạt hỏi: - Chị có còn nhớ anh Trí không?

Tôi gật đầu và nói:

          - Có phải anh chàng Trí ưa lái xe jeep mỗi chiều thường đến cổng trường, tụi này thường quở cái mặt anh chàng có vẻ như đểu đểu đó không ?....

Đạt đua tay chận tôi:

          - Chị không nên xét đoán bề ngoài...

Tôi tự mĩm cười với chính mình với cái ý nghĩ rằng không hiểu sao từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ, đối với Đạt, lúc nào tôi cũng cảm thấy bị lép vế. Đạt có thể “rầy” tôi bất cứ lúc nào...

Chợt có tiếng con chim sâu ríu rít trên cây mận ngoài kia, Đạt đưa mắt mông lung nhìn ra cửa sổ như cố nhớ lại dĩ vãng và kể tiếp:

          - Hồi đó anh Trí và chị Nga thương nhau, chị Nga đã có mang với anh Trí gần hai tháng rồi mà gia đình anh Trí lại nhứt quyết không chịu cưới chị Nga cho anh Trí... Chị cũng biết mà, tánh tình như chị Nga thì mấy ông bà già đời nào lại chịu cưới về làm dâu. Chuyện còn chưa giải quyết được thì má chị Nga lại lâm bệnh nặng, nếu bà biết được con mình vừa thi rớt, vừa có mang thì sợ bà không chịu đựng nỗi, nên anh Trí và chị Nga có tìm tới và tâm sự với tôi, có ý nhờ tôi tìm cách giúp nếu để càng lâu thì không thể giấu. Vì dù sao thì tình bạn của tôi và chị Nga cũng còn đó và sở dĩ trước kia tôi kết bạn với chị Nga cũng chỉ vì muốn kéo chị ấy trở về với việc học, đừng chạy theo những người ham vui mà thôi...

Sau khi nghe họ kể lể, không hiểu sao lúc đó tôi lại có cái ý nghĩ hơi ngộ nghĩnh là tôi sẽ làm đám cưới với chị Nga rồi sau đó sẽ giải quyết tiếp.... Tôi bắt hai người phải hứa chắc với tôi là phải cố gắng ăn ở với nhau...

Đám cưới xong tôi đưa chị Nga vào Sài gòn còn anh Trí thì thu xếp với gia đình rồi xin thuyên chuyển vào sau. Riêng phần tôi thì tôi đã có chọn cho tôi con đường đi, cho nên khi chuyện của anh Trí và chị Nga tạm ổn, tôi vào chùa xin xuất gia... Tội nghiệp cho má tôi, tôi đã giấu bà.

Tôi chận lời Đạt:

          - Sao thầy...

Không cho tôi nói hết câu, Đạt đở lời:

          - Chị đừng trách tôi, tôi nói là tôi giấu bà tức là tôi không nói chớ không phải là tôi dối bà, vì nếu phải nói thì tôi sẽ nói thật cho nên trong hai năm sau đó tôi chỉ liên lạc thơ từ chớ không về thăm. Còn chuyện tôi xuất gia, tôi cũng không tiết lộ vì tôi biết bà cứ nghĩ rằng nếu tôi xuất gia đi tu thì coi như bà đã mất tôi cho nên trong những cái thơ gởi về, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho bà rất kỹ. Vậy mà bà cũng buồn và trách tôi nhiều khi tôi về thăm bà trước khi lên đường sang Ấn Độ để tu học...

Sau đó có lẽ nhờ những lá thư dài của tôi từ Ấn Độ gởi về nên bà đã có thay đổi, đến khi tôi tốt nghiệp trở về thì bà đã không còn buồn nữa và bây giờ thì bà đã trường chay, sớm tối kinh kệ tại gia...

Những dịp lễ Tết anh Trí và chị Nga thường đưa cháu Bảo Châu về thăm bà để tỏ lòng biết ơn đối với tôi... Nhưng chị cũng nên biết chuyện ơn nghĩa để mãi trong lòng không phải là một điều tốt...

Sau lần gặp lại đó, tự nhiên tôi cảm thấy gần gũi và kính phục Đạt hơn và cũng từ đó mỗi khi có dịp về thăm quê chồng là tôi đến Chùa lễ Phật và thăm Ðạt, tôi học hỏi ở Đạt thật nhiều. Chính Đạt đã mở cho tôi con đường tìm về với giáo lý Phật, đó là một thiện trí thức của tôi...

Thời gian qua nhanh....

Tôi đã dẫn hai con trở về quê cũ ở miền Trung cũng được gần hai năm rồi...

Về nhìn cảnh cũ tôi lại nhớ “Thầy Đạt” và những ngày xa xưa thì....

Bổng một hôm, sau khi đưa hai con đến trường trở về tới nhà tôi thấy có một người mặc quân phục đang đứng trước cửa nhà nhìn vào trong như đang tìm ai, tôi bước tới định hỏi “ông tìm ai” nhưng chưa kịp mở miệnhg thì người đó quay lại...

Tôi sững sốt, sao lại là Đạt?

(Con người này mang lại cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.!!)

Không để cho tôi ngạc nhiên lâu hơn nữa, Đạt lên tiếng trong khi cả hai chúng tôi đi qua cái sân nhỏ để vào nhà:

          - Sẵn dịp đi công tác miền Trung, tôi ghé nhà thăm cậu thì cậu tôi nói chị đã về đây từ năm ngoái, tôi sang đây thăm chị...

Tôi mời Đạt vào nhà, tận tay đưa cho Đạt ly nước mát, tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên và nghĩ thầm... Tướng Đạt cao lớn, mạnh khỏe lại đóng bộ quân phục với hai bông mai vàng óng ánh trên cổ áo, trông rất oai phong lẫm liệt, nếu mà không có cái đầu trọc có lẽ khối cô mê mết...

Qua câu chuyện tôi biết được Đạt đã vào quân đội và là một Tuyên úy Phật giáo với quân hàm Trung úy. Lần này sẵn đi công tác ngang đây nên ghé thăm nhà. Vì vậy chúng tôi chỉ có đủ thì giờ hỏi thăm nhau qua loa rồi Đạt lại đi, Đạt có gởi lời thăm má chồng tôi, Đạt từ giả ra xe, Đạt đến và đi như một cơn gió thổi......

Việt Nam mấy tháng đầu năm 1975 là thời gian rất căn thẳng, ai cũng cảm thấy có một cái gì đó làm cho ngột ngạt, tình hình chiến sự thật bi đát như mọi người ở lứa tuổi của tôi đều biết nhưng đó không phải là đề tài của bài viết này cho nên tôi xin trở lại với thiện tri thức của tôi!

Trong lúc mà muôn người như một đều bị dằn vật giữa hai tiếng “đi” và “ở” thì Đạt đã tìm tới thăm tôi, thời gian đó chồng tôi không mấy khi mà có mặt ở nhà vì anh cũng là một sĩ quan trong quân đội.

Sau một hồi trò chuyện Đạt có hỏi tôi là gia đình tôi có tính chuyện gì không? Tôi hiểu ý Đạt cho nên tôi nói:

          - Chúng tôi không có ý định ra đi, chồng tôi nói, anh đã từng sống ở nước ngoài nhiều năm nên anh thấy rằng sống ở đâu đi nữa, cho dù vật chất có thừa thải cũng không bằng sống trên quê hương của mình. Hơn nữa, nếu thật sự nước nhà có hòa bình thì lại càng nên ở lại để đem tài sức ra góp một tay xây dựng đất nước...

Đạt cũng tán đồng ý đó.

Nhưng tiếc thay! Khi đất nước đã có hòa bình (cứ cho là như vậy) thì những tấm lòng yêu nước đặt không đúng chỗ, những trái tim có nhiệt tình với đất nước bị coi là những trái tim đập sai nhịp đó đã bị dồn vào những trại tập trung để trở thành những người tù không có bản án..!! Trong số đó có chồng tôi và Đạt.!.....

Sau mấy tháng không nhận được tin tức của chồng, tôi bắt đầu lo và cũng bắt đầu tập nói láo như họ (VC) để nói với... các con, để an ủi chúng là ba chúng sẽ về.. sẽ về...!

Rồi vào một buổi chiều, có một người bộ đội VC đến gỏ cửa nhà tôi, khi thấy tôi ra anh ta hỏi:

          - Có phải chị là người nhà của Thầy Giác Không không?

Tôi nói “phải” thì người bộ đội đó đưa cho tôi một gói giấy rồi lên xe đạp đi ngay... Tôi vội vã trở vào nhà mở ra xem, thì ra trong gói giấy đó có một hộp sữa đặc, nửa kí đường và mãnh giấy nhỏ có giòng chữ ghi vội: “Quà này cho hai cháu, có gặp ba của Bé lúc đi lao động bên ngoài, trông vẫn khoẻ”... như vậy rồi chấm hết... không biết có phải vì vội vàng hay vì bị ra điều kiện mà Đạt không cho tôi biết địa điểm để đi thăm, đó mới là điều tôi cần...? Cũng có thể Đạt sợ rằng nếu tiết lộ địa điểm rồi tôi sẽ nóng ruột rồi dẫn con đi thăm thì sẽ rắc rối....?

Quả thật, sáu năm sau, khi Thầy được thả về tôi có hỏi thì Thầy nói đó là vì lý do an toàn cho tôi nhứt là không gây nguy hiễm cho chồng tôi trong trại... và Thầy cũng cho biết Thầy đã “tặng” cho tên bộ đội cái đồng hồ đeo tay của Thầy nó mới chịu đem quà đi như vậy...

Tôi trách Thầy sao không để lại mấy thứ đó mà dùng cho có chất bổ thì Thầy cười bảo:

- Các cháu cần hơn, ở nhà chùa tôi ăn chay quen rồi, vô tù cũng ăn chay ngày hai bữa cơm rau và ... nước muối, đâu có khác gì nhau nên tôi chịu được.

Ở trên tôi đã không nói sai chút nào là trong bất cứ hoàn cảnh nào Thầy đến với tôi Thầy đều đem cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ chuyện cưới vợ giùm, chuyện đi tu, chuyện vào quân đội cho tới chuyện... người ở trong tù lại gởi quà thăm nuôi người ở ngoài...!!

Ngày Thầy đến thăm mẹ con tôi khi Thầy vừa ra tù, tôi đã mời Thầy ở lại dùng bữa cơm với ba mẹ con tôi. Thầy vui vẻ nhận lời nhưng tôi không nghĩ Thầy nhận lời vì câu nói của tôi:

          - Nhà con cũng chỉ cơm rau chớ không có thịt cá gì cả...

Thầy đã ở lại với ba mẹ con tôi cho đến chiều, Thầy dặn dò tôi đử thứ, nghe Thầy nói mà tôi có cảm tưởng là tôi được Thầy ban cho một bài pháp...

          - Đã là người con Phật, dù có đi chùa hay không có điều kiện để đi chùa cũng nên cố gắng giữ cho được năm giới, đó là căn bản, giữ được năm giới thì không khác nào có Phật ở bên mình.... Phải nhớ và coi câu niệm Phật là cái phao sẽ giúp mình trong mọi cảnh trái lòng....Phải đạy bảo con cái cho nghiêm, đừng vì chúng không có cha lúc này mà chiều chuộng con quá đáng sẽ tạo thói quen không tốt sau này.... Trong hoàn cảnh nào cũng phải chu toàn bổn phận làm con, làm dâu. Nhứt là đối với bên chồng, đừng để người ta nghĩ rằng người ta đã mất con bây giờ lại mất dâu và mất cháu... Vắng chồng người vợ đau khổ một, chứ bậc cha mẹ đau khổ 10.... ...Phải chung thủy và phải biết an ủi chồng, mang thân tù tội đã khổ rồi nếu gây thêm cái cảm tưởng bị vợ ruồng rẩy thì sẽ khổ đến bực nào.... Nhứt là sau này khi anh ấy mãn tù về, hoàn cảnh xã hội đã đổi khác, cái oai hùng của một Phi công khu trục không còn, anh sẽ có mặc cảm là người sống bên lề xã hội thì đừng gây tạo thêm cho anh ấy có cái mặc cảm anh ấy người sống bên lề gia đình...

Thầy nói rất nhiều, nghe Thầy nói mà xúc động trào dâng trong tôi và nước mắt tôi đã chảy ra khi nào tôi cũng không hay biết, nếu hai con tôi đi học chưa về tới thì có lẽ tôi sẽ để như vậy chớ không buồn lau nước mắt... Tôi cảm động quá...

Thầy cho biết, vì hoàn cảnh của Thầy lúc này không trở lại chùa được cho nên mai này Thầy sẽ tìm một nơi vắng vẽ để mà tu, nếu có duyên thì sau này sẽ còn có cơ hội gặp lại nhau... Trước khi chia tay Thầy trao cho tôi một số tiền và nói là để tôi lo cho hai cháu. Thầy cũng cho biết đó là tiền của gia đình Thầy từ ngoại quốc chuyển về để Thầy làm phương tiện vượt thoát ra nước ngoài, nhưng Thầy vẫn không có ý định ra đi và Thầy cũng không cần phải giữ nhiều tiền bên mình. Thầy nói đùa:

          - Làm thầy chùa mà giữ tiền chi cho nhiều....

Nhìn dáng Thầy thong dong bước ra khỏi cửa lòng tôi buồn vô hạn, tôi cảm thấy như có một cái gì trân quý đang rời khỏi tầm tay...

Thế rồi từ đó về sau tôi không còn gặp lại Thầy hay nghe tin tức gì về Thầy....

Bây giờ thân mang cuộc sống ly hương có đủ điều kiện hằng đêm tới chùa tụng niệm rồi nghĩ về những điều Thầy đã dạy trước đây và lòng tôi vẫn còn bồi hồi khi nhớ đến Thầy.

Hôm nay ngồi ghi lại câu chuyện này để nhớ về một người bạn thời thơ ấu và cũng là một người Thầy lúc trưởng thành...

Tôi thầm cám ơn chư Phật, tôi nghĩ chư Phật đã đưa duyên cho tôi để những lúc gặp cảnh trái lòng, khổ sở đến cùng cực đều có người tốt đến giúp đở và chỉ vẽ cho tôi giữ vững tinh thần đi đúng con đường của người con Phật.

Đối với tôi, Thầy Giác Không là một Đại Bồ Tát, đến không hay, đi không thấy dấu...

Mùa Đông Quý Mùi

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch