Truyện - Tùy bút
Ngũ Phúc lâm môn
Thích Thiện Phước (Dịch)
05/01/2012 00:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

MẠNG SỐNG LÀ CÂU ĐỐ Ư?

Từ xưa đến nay, mạng sống chính là một vấn đề vô cùng thần bí, trừ người dốc hết tâm trí tu hành có được sở đắc, nếu không thì ai ai cũng đều không biết giây phút nào chúng ta đối mặt với tử thần. Có lẽ là sang năm hoặc 20 năm sau, có lẽ là hôm nay hoặc một tiếng đồng hồ sau … Tùy lúc mà có thể bị tai nạn vì xe cộ, động đất hoặc bị những bệnh hoạn trong thân thể … thật là đáng sợ ! Nhân vì chúng ta không biết thời hạn khi mình chết, cho nên phải đem câu thành ngữ “triêu bất bảo tịch” (buổi sớm không bảo đảm tới chiều) để cảnh tỉnh chính mình trong mọi thời khắc, thật là vô cùng xác đáng !

Trong kinh “Bốn Mươi Hai Chương”, Đức Thế Tôn dạy các đệ tử rằng: “Nhân mạng chỉ tại hô hấp gian” (mạng người chỉ trong một hơi thở), ý nói một khi hơi thở không còn ra vào nữa thì đã chuyển sang đời khác rồi! Trong tất cả chúng ta, đừng nên cho rằng mình sẽ sống mãi mà không bao giờ chết! Thế nên, nhân lúc tuổi còn trẻ, hãy nỗ lực học tập và dụng công tu hành để được giải thoát. Nếu không, giờ chết gần kề giống như con cua trong chảo nước sôi thì làm sao còn cứu kịp nữa !

Biết rõ được sự thật của mạng người là vô thường thì có ích lợi rất lớn đối với chúng ta. Nhân vì thể hội được mạng người là vô thường, là không thật có nên những sự phóng đãng và tham ái không còn cơ hội để khởi lên nữa. Vì vậy, việc tỉnh giác về mạng sống con người là vô thường thì đó là đầu mối của trí tuệ và cũng chính là bước chân đầu tiên để vượt khỏi biển khổ sanh tử vậy ! Thảo nào ở trong “Phật Môn Nhật Khóa”, Bồ Tát Phổ Hiền đề tỉnh chúng ta rằng:

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm dần

Như cá cạn nước

Nào có vui gì !

Nên siêng tinh tấn

Như lửa cháy đầu

Chỉ nhớ vô thường

Chớ nên buông thả”

NHỮNG THÀNH TỰU Ở THẾ GIAN KHÔNG NHẤT ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN SANH TỬ:

Giàu sang, học thức, địa vị, dung mạo đẹp đẽ … phần lớn đều không có tương quan đến vấn đề sanh tử. Cho dù có giàu sang như bậc vương hầu, học thức ở thế tục có sâu rộng như biển cả, địa vị cao như công khanh và dung mạo đẹp như nàng Tây Thi đi nữa, nhưng khi đại nạn đến, cũng vẫn không tránh khỏi cảnh lúng túng không biết nương tựa vào đâu. Nếu cho rằng giai nhân, tài tử được sống lâu như thế thì thật không hiểu được câu nói: “Tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh” (Từ xưa đến nay, những người đẹp phần nhiều là có số phận hẩm hiu). Cho nên, không thể nhân vì mình được dung mạo đoan trang đẹp đẽ mà sinh ra lòng kiêu ngạo; không thể vì chúng ta tuổi còn trẻ mà cho là Diêm La Vương lại chẳng biết đường đến tìm. Nên biết “Thây chết ở trong quan tài không nhất định là người già. Trên con đường mưu sinh của nhân loại, có người đi chưa đến điểm cuối của cuộc đời mà đã nằm xuống”. Cho nên, người xưa răn nhắc chúng ta rằng: “Mạc vị lão lai phương niệm Phật, cô phần đa thị thiếu niên nhân” (Chớ bảo tuổi già mới niệm Phật, mộ phần lắm kẻ tuổi xuân xanh).

Chúng ta rất khó biết trước được khi nào mình sẽ từ bỏ cõi nhân gian này: Có người chết ở trong bào thai, lại không được sinh ra trước khi chết; có thai nhi vừa sinh ra nhân vì bị nhiễm bệnh vàng da vàng mắt, bệnh giang mai, bệnh máu đông chậm mà từ bỏ cõi đời; có đứa bé sống đến ba – bốn tuổi thì bị xe cán chết; có người sau khi trưởng thành, nhân vì chuyện ngoài ý muốn mà phải bị thương vong.

Ta không nên cho mình thông minh và tài trí mà xem thường người khác. Nhân vì thông minh mà chết yểu thì trường hợp này rất nhiều. Ví như khi tôi còn học tiểu học, có vị lớp trưởng tên Âu Dương, học hành giỏi nhất, nhưng đến năm thứ 5 cấp tiểu học thì sanh bệnh viêm phổi mà qua đời. Năm thứ 6 cấp tiểu học, có người bạn đồng học họ Liễu nhân bị bệnh nhọt độc trên cổ mà chết đi.

Song tín ngưỡng theo tôn giáo cũng không hẳn là được trường thọ trăm năm. Ví như ở Bình Đông, có một người thanh niên dốc hết lòng thành tín ngưỡng Cơ Đốc giáo. Anh ta vừa tốt nghiệp Đại học chưa được bao lâu thì nhân vì bị sự cố máy bay mà phải mất mạng. Khi tôi đọc sách ở Nghiên cứu Sở, hôm nọ gặp một vị quản lý xí nghiệp tên là Đỗ Hữu Sanh, anh vốn là một tín đồ của Đạo giáo, lại cũng đã từng học qua trường Phật học. Nhưng thật không may, khi anh ta giao du ở San Hô Đàm, trong lúc qua sông, bỗng dưng sẩy chân trượt té mà chết đuối. Trong trường hợp này, chẳng phải là Phật giáo không linh nghiệm mà là do sự công phu của mình không đến nơi đến chốn ! Lại vì không tận tâm tận lực tu học nên mới không có phương pháp chuyển biến được định nghiệp vậy !

Tôi đã nêu ra những câu chuyện nói trên với mục đích chính là muốn nhắn nhủ mọi người rằng học vấn và tài năng ở thế tục chỉ có thể giải quyết được một vài vấn đề khó khăn nhỏ nhoi trong cuộc sống hiện tại, chứ thật ra không giải quyết được chuyện lớn sanh tử. Từ xưa đến nay, các tông giáo đều tận tâm tận lực để tìm cầu sự giải đáp về vấn đề “sanh tử sự đại” (việc lớn của sanh tử), nhưng chỉ có Phật giáo mới giải quyết được một cách triệt để về vấn đề này mà thôi ! Những người tín ngưỡng theo Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo và Ma Môn giáo, tuy được sanh lên thiên đàng hưởng phúc vui, nhưng không thể thoát ly ra khỏi “sáu nẻo luân hồi” triền miên vô tận này. Đối với nghĩa lý, giáo pháp của Phật giáo tuy đã hoàn toàn thiện mỹ, nhưng không phải chỉ có tin theo sự tướng và hình thức bên ngoài là đủ mà còn phải duy trì, lý giải và thực hành thì mới có thể giải quyết được vấn đề sanh tử một cách xác thực nhất, đồng thời cũng thực chứng được chân lý vĩnh hằng vô tận của đức Phật. Chúng ta cũng không nên cho rằng khi đã tin theo tôn giáo thì Diêm Vương không biết đường tìm đến. Đừng vì như thế mà thờ ơ cho qua ngày qua tháng. Chúng ta phải biết rằng “định nghiệp rất khó chuyển”. Đây là sự thật, chỉ trừ phi ở trong Phật pháp mà tu tập đến mức độ có lối ngộ nhập thì mới được tự tại trong sanh tử. Đến lúc này thì đối với vấn đề sanh tử kể như là chuyện ngoài lề. Nếu không được như vậy thì chúng ta nên đem hết thân mạng mà nỗ lực tu tập, mảy may cũng không được biếng trễ.

Trong kinh “Bốn Mươi Hai Chương”, Đức Phật dạy: “Phù vi đạo giả như ngưu phụ trọng hành thâm nê trung, bì cực bất cảm tả hữu cố thị, xuất ly ứ nê nãi khả tô tức. Sa môn đương quán tình dục thậm ư ứ nê, trực tâm niệm đạo, khả miễn khổ hỷ” (Nói đến người học đạo, giống như con trâu mang nặng đang đi trong bùn lầy, dù rất mỏi mệt nhưng không dám nhìn ngó hai bên, đợi đến khi ra khỏi bùn lầy rồi thì mới được an tâm nghỉ ngơi. Thầy sa môn nên quán tình dục thật đáng sợ hơn là bùn lầy, phải chuyên tâm tu tập thì mới được khỏi khổ vậy).

DINH DƯỠNG, VẬN ĐỘNG VÀ THỌ MẠNG:

Các vị không nên cho rằng chỉ cần ăn uống cho đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động cho cơ thể khỏe mạnh thì thọ mạng chắc chắn sẽ được diên trường. Nói đến vấn đề dinh dưỡng và vận động thì đây chỉ là điều kiện phụ để kéo dài tuổi thọ chứ không phải là nguyên nhân chính yếu, bởi vì hiện tại rất nhiều người có dinh dưỡng rất tốt lại cũng thường vận động nhưng lại chết yểu. Ví như có rất nhiều con em sống trong cảnh giàu sang quyền quý, thường ăn cao lương mỹ vị, mặc quần áo lụa là, lại còn chơi bời lêu lổng nhưng thọ mạng thì chẳng bao lâu. Lý Tiểu Long là một ngôi sao điện ảnh thời cận đại, mỗi ngày đều luyện võ thuật để vận động cho thân thể cường tráng nhưng sao lại chết sớm?

 

Thọ mạng dài hay ngắn, sự cao thấp về đạo đức và tri thức có lúc cũng không hẳn thành một tỷ lệ tuyệt đối. Ví như Đạo Chích có đến 9000 tên tùy tùng chuyên làm xằng làm bậy, hoành hành khắp thiên hạ, vậy mà hắn sống tương đối lâu. Còn Hạng Thác mới có 7 tuổi mà đã làm bậc thầy của Khổng Tử, thế nhưng lại chết yểu !

Chúng ta cũng không nên căn cứ vào số mạng dài hay ngắn để đoán định phẩm hạnh tu hành của một người. Ví như thầy Nhan Hồi vốn là người học trò tâm đắc nhất của Khổng Tử. Tâm niệm của thầy ấy suốt ba tháng đều không lìa điều nhân, không bao giờ thầy ấy phạm lỗi đến lần thứ hai và cũng không bao giờ khoe khoang những việc lành, nết tốt của mình. Thế mà thầy ấy lại chết non !

Các vị lại không nên cho rằng số mạng của thầy Nhan Hồi ngắn ngủi là vì không đủ chất dinh dưỡng. “Nhan Hồi nhất đan, tự nhất biều ẩm nhi tự đắc kỳ lạc” (Nhan Hồi một giỏ cơm, một bình nước mà vẫn cảm thấy an vui). Đây là hạnh tu của thầy. Nếu như thầy Nhan Hồi thật sự không đủ dinh dưỡng thì đức thánh Khổng và các bạn đồng học của Nhan Hồi nhất định sẽ chăm sóc và giúp đỡ. Vậy nói cho cùng thì nguyên nhân thọ mạng ngắn ngủi của thầy Nhan Hồi nếu như không phải là do nghiệp lực của kiếp trước ảnh hưởng đến thì cũng là bậc đã đạt được mức “tự tại trong sanh tử, dạo chơi chốn nhân gian”, thị hiện ra sanh tử để cảnh tỉnh người đời về đạo lý “Mạng sống là vô thường” và để khuyến dẫn họ tinh tấn tu hành.

Nếu nói vì “một giỏ cơm, một bầu nước” mà tạo nên hiện tượng mạng sống ngắn ngủi, thế thì ở trong “kinh Phổ Diệu và kinh Nhân Quả” chép rằng: “Khi Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni chưa thành đạo thì Ngài đã từng tu khổ hạnh sáu năm ở núi Tuyết, mỗi bữa Ngài chỉ ăn một hạt mè và một hạt lúa mạch”. Vậy thì sao thọ mạng của Ngài lại kéo dài đến tuổi 80?

Quyển “Đại Mỹ Bách Khoa Toàn Thư” đã từng ghi lại một thực nghiệm về khoa học có liên quan đến việc ăn uống và kiện khang như sau: “Các khoa học gia đem loài chuột phân làm hai nhóm: Nhóm chuột A mỗi ngày đều được ăn no đủ, còn nhóm chuột B thì chỉ được ăn chút ít về thực vật. Kết quả cho thấy nhóm chuột A không những sống lâu hơn nhóm chuột B mà bộ lông trên thân của chúng còn bóng mượt lên”.

Trong tâm lý học, cũng có thực nghiệm tương tự. Ví như đem loài chuột trắng phân làm hai nhóm: Nhóm chuột trắng bên A mỗi ngày sau khi cho ăn no rồi dùng nhạc để kích thích chúng, còn nhóm bên B thì để chúng nhịn đói. Kết quả phát hiện nhóm chuột trắng bên A bị loét bao tử nhiều hơn so với nhóm bên B. Đây cũng nói rõ nguyên nhân sinh ra bệnh loét bao tử chủ yếu là tinh thần, chứ không phải do đói khát.

Trong tự nhiên, chúng ta rất dễ tìm được chứng cứ ăn ít mà được trường thọ. Ví như loài rùa mỗi ngày chỉ ăn rất ít rau cỏ, nhưng lại có thể sống trên 100 năm. Còn loài sư tử, cọp… mỗi ngày ăn rất nhiều thịt nhưng thọ mạng lại ngắn ngủi. Thực trạng xã hội cũng thế, ở trong thiên hạ chắc chắn không có người nào vì ham hố ăn uống mà lại trường thọ. Ta thấy rất nhiều bà lão ở trên núi hoặc ở những vùng quê hẻo lánh, mỗi ngày họ chỉ ăn rau quả. Cuộc sống tuy rất đơn giản, nhưng có nhiều người sống đến ngoài tuổi 90. Bạn thử giải thích xem có lạ không chứ?

NHÂN VÀ DUYÊN ĐỂ SỐNG LÂU:

Mạng sống thọ hay yểu cùng với sự giàu sang, địa vị, học thức, tốt xấu … vốn không có liên quan với nhau. Nhưng nó có quan hệ đến tâm từ bi, tục ngữ có câu “nhân giả thọ” (người có lòng nhân ái thì được sống lâu), thật không sai tí nào cả ! Đem tâm nhân hậu và khoan dung để đối đãi với người thì nhất định sẽ được quả lành. Người đời nay trường thọ chắc hẳn là do kết quả ở đời quá khứ hoặc đời hiện tại có tâm từ ái đối với động vật. Người đời nay mạng sống ngắn ngủi tất nhiên là do kết quả của đời trước hoặc đời này giết hại loài vật.

Người đời nay làm việc thiện như đi chùa lễ Phật, nghe kinh, bố thí, phóng sanh … mà mạng sống ngắn ngủi thì đó là do quả báo của những nghiệp ác mà họ đã gây từ thuở quá khứ nên họ phải cam chịu quả báo xấu ác. Còn những nghiệp thiện của đời này chính là hạt giống mới gieo xuống thửa ruộng công đức chưa ra hoa kết trái.

Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường thấy những người cả đời làm lành mà bị ác báo, luôn gặp khó khăn trên đường hành đạo, nào là bị ngoại duyên bức ngặt, cuộc sống luôn bị người chèn ép, những điều mình mong muốn thì không thực hiện được, thể xác thì bệnh hoạn, tâm linh thì phiền muộn rối rắm …, cả trăm ngàn nghịch cảnh. Vậy các bạn đừng nên oán trời, trách người; cũng đừng than vắn thở dài, bi lụy xót xa. Trời ơi ! Sao tôi làm lành mà không được quả tốt? … Nên biết rằng đó là những nghiệp ác ở đời quá khứ của mình đã gây tạo mà cảm vời ra. Vậy nên phải mau mau sám hối, niệm Phật tinh tấn, nỗ lực, hết lòng tu tập để mong cho nghiệp chướng mau được tiêu trừ.

Chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên lý của “tâm địa” giống như khi chúng ta khai khẩn đất hoang để gieo trồng hoa mầu, điều trước tiên là phải diệt trừ sạch những hạt giống cỏ dại. Nếu không, chúng sẽ sanh trưởng rất nhanh, làm cho những hoa mầu của chúng ta gieo trồng không thể lớn lên được.

Sau đây, tôi xin nói rõ về những nhân duyên của sự trường thọ:

Nhân trường thọ:

Nguồn gốc của nhân trường thọ được hình thành từ lòng nhân ái, tâm từ bi cứu hộ những động vật, tự mình phóng sanh, khen ngợi khuyên bảo người làm việc phóng sanh và thí xả những thực phẩm mình ăn cho loài vật.

Duyên trường thọ:

Hình thành từ tâm bình lặng, chí khí hòa mục với mọi người, không nóng nảy giận hờn, môi trường sống có khuôn phép, biết điều tiết được việc ăn uống, sinh hoạt có giờ giấc, không lao nhọc quá độ …

Nhân chết yểu:

Giết hại động vật, ngược đãi với mọi người …

Duyên chết yểu:

Luôn luôn hờn mát, suốt ngày chỉ lo ăn uống, làm việc lao nhọc quá sức, kết bạn với kẻ ác …

NHỮNG CHỨNG CỨ CỦA NGƯỜI LÀM ĐIỀU NHÂN ĐỨC ĐƯỢC KÉO DÀI TUỔI THỌ

Sa di cứu đàn kiến khỏi bị chết yểu:

Kinh Thí Dụ chép: “Thuở xưa, tại khu rừng nọ, có năm thầy sa môn tu tập, trong ấy có một vị chứng được sáu phép thần thông. Ngài có một người đệ tử sa di mới 8 tuổi. Vị sa môn này có được túc mạng thông nên biết chỉ còn 7 ngày nữa là tuổi thọ của chú sa di sẽ hết. Ngài bèn nghĩ rằng nếu như chú sa di chết đi thì cha mẹ của chú nhất định sẽ cho là mình không trông nom lo lắng, rồi phiền muộn, trách cứ … Ý nghĩ vừa thoáng qua thì trong lòng bắt đầu bồn chồn và cảm thấy khó chịu.

Nhân đây mà thầy sa môn bảo chú sa di rằng: “Cha mẹ giờ đây chắc nhớ con lắm, vậy con nên trở về thăm viếng, tám ngày sau hãy trở lại”. Lúc bấy giờ, chú sa di vô cùng mừng rỡ vì ít được dịp may như vậy. Thế là chú đảnh lễ và từ biệt thầy sa môn.

Tiểu sa di đi được nửa đoạn đường thì trời bắt đầu mưa to. Trông thấy bên đường, nước mưa đang chảy vào hang kiến, chú sa di bèn lấy đất lấp miệng hang lại khiến cho nước không chảy vào nữa.

Sau khi chú sa di trở về nhà, suốt mấy ngày không hề có việc gì xảy ra. Mãi đến rạng ngày thứ 8, chú lại về đến chỗ của thầy sa môn. Vị sa môn ngạc nhiên thấy sa di vẫn bình an trở về, lấy làm lạ bèn nhập định quán xét nguồn cơn thì mới biết là tiểu sa di nhân vì cứu đàn kiến mà tuổi thọ được tăng thêm.

Thầy sa môn hỏi: “Con vừa làm xong một công đức thật to, thế con có biết đó là công đức gì không?”.

Tiểu sa di ngơ ngác đáp: “Bảy ngày qua, con đều ở trong nhà, nào có làm công đức gì đâu!”.

Thầy sa môn lại nói: “Con lẽ ra chỉ sống được tới ngày hôm qua, nhưng vì nhờ công đức cứu đàn kiến nên bây giờ thọ mạng của con kéo dài đến tuổi 80”.

Tiểu sa di nghe thầy mình nói nguyên do của “thiện hữu thiện báo” (làm lành được hưởng quả lành) thì càng thêm tin tưởng và trong lòng vô cùng hoan hỉ. Thế là kể từ đó, chú sa di dũng mãnh và nỗ lực dụng công tu hành, không lúc nào bê trễ. Ít lâu sau, chú chứng được thần thông và thánh quả (kinh Pháp Cú Thí Dụ, chương 7).

Lưu Cảnh phóng sanh được trường thọ:

Vào triều nhà Minh, có một người tên Lưu Cảnh, phụ thân là một vị quan Đại ti khấu rất nổi tiếng. Lưu Cảnh thuở nhỏ vốn là người yếu đuối, nhiều bệnh tật. Cảnh có cả thảy bốn người anh đều lần lượt qua đời ở độ tuổi thanh xuân. Nhân đây, cha Cảnh vô cùng lo lắng cho sự an nguy của đứa con duy nhất còn lại của mình. Thế là ông mời rất nhiều thầy bói đến nhà để xem tướng, nhưng thật không may là mọi người đều nói rằng Cảnh sống không quá tuổi 19.

Nghe nói ở Tứ Xuyên có một vị tướng sĩ nổi tiếng tên Chu Sĩ Liên vừa đến kinh thành, Đại ti khấu họ Lưu bèn mời tướng sĩ họ Chu đến nhà để xem tướng cho Cảnh. Chu tướng sĩ nhìn thấy dung mạo của Cảnh thì nói rằng: “Ngươi sẽ có một nguy ách rất khó qua năm 19 tuổi, nhưng xin ngươi đừng tuyệt vọng, hãy nghe lời ta mà nỗ lực sám hối nghiệp chướng, rộng chứa âm đức thì có thể chuyển được vận xấu”.

Năm ấy, Lưu Cảnh được 17 tuổi. Sau khi nghe lời của Chu tướng sĩ tiên đoán, từ đấy về sau, Cảnh quyết tâm bỏ những việc làm ác, rộng làm việc lành, lại đem thuyết “công quá cách” và “Thái thượng cảm ứng thiên” để làm khuôn phép, mỗi ngày đều phản tỉnh tự răn và nghĩ ra một thiện niệm rằng: “Ở trên vách tường phía Đông, khuyên một vòng màu đỏ. Ở trên vách tường phía Tây, khuyên một vòng màu đen”.

Đối với giới sát và phóng sanh, đặc biệt thực hành không dám mảy may bê trễ. Như vậy trải qua 3 năm, cuối cùng thì vẫn bình an và vượt qua được cửa ải khó khăn vào năm 19 tuổi.

Ngày nọ, Lưu Cảnh ở trên một con thuyền vượt qua sông Trường Giang, nhìn thấy ông chài bắt được một con rùa thật to, Lưu Cảnh thấy vậy khởi lòng từ mẫn, bèn mua và đem thả. Con rùa kia dường như rất có linh tính, nó luôn luôn theo sau mạn thuyền để đưa tiễn anh ta đến 5 – 6 dặm, vẫn còn lưu luyến mãi không thôi.

Ngay đêm hôm ấy, Lưu Cảnh dừng chân trong một quán trọ, mộng thấy một vị đạo nhân, thân mặc áo đen, dáng người vừa thấp vừa to bè đến trước mặt Cảnh, nói rằng: ”Công tử rộng làm các việc lành, ngót ba năm liền không bê trễ. Bây giờ, anh đã được trường thọ và tăng thêm phúc lộc rồi đấy, nhưng thân thể của anh còn ốm yếu lắm, thật khó mà chịu nổi những cơn nóng lạnh thâm nhập. Bần đạo hiện có chút diệu thuật muốn truyền trao. Nếu công tử y theo đây mà thực hành thì sẽ được bình an, không bệnh hoạn”. Đạo nhân nói xong, bèn dạy Lưu Cảnh lẽ yếu chỉ của việc điều tức.

Khi tỉnh lại, Lưu Cảnh mới biết vị đạo nhân ấy chính là thần qui đến báo ơn. Thế là từ đó, Cảnh bèn y theo phép dụng công trong mộng mà thực hành. Chẳng bao lâu, thân thể ngày một khỏe mạnh hơn. Sau này, Cảnh mời Chu Sĩ Liên đến kinh thành để đa tạ ân tình chỉ dạy năm xưa.

Chập tối hôm ấy, Cảnh và Chu tướng sĩ cùng nằm ngủ trên một chiếc giường. Chu Sĩ Liên ngủ thiếp đi, đến nửa đêm lại tỉnh dậy thì phát giác được là hơi thở của Cảnh vô cùng nhẹ nhàng vi tế.

Đến rờ rờ đất ngày hôm sau, khi ngủ dậy, Chu tướng sĩ bèn nói với Đại ti khấu họ Lưu rằng: “Xin hỏi mấy năm gần đây, công tử của ông sao tướng tá thay đổi nhiều quá vậy? Đêm hôm qua, tôi cùng Cảnh ngủ chung trên một chiếc giường thì mới biết cậu ta đã học được phương pháp hô hấp của thần Ô Qui. Đây không chỉ rất có ích cho thân thể mà lại phước thọ miên trường nữa. Thật là Lưu Cảnh làm thiện được phước báo vậy !”.

Về sau, Lưu Cảnh sống đến 98 tuổi, con cháu đều là những bậc hiền tài. Quả thật đúng với lời tiên đoán của tướng Chu Sĩ Liên vậy !

PHẢI NUÔI DƯỠNG TÂM TỪ BI TỪ THUỞ ẤU THƠ:

Tâm từ bi là nền tảng căn bản của các hạt giống lành. Nói đến lòng từ bi, đại khái được chia làm hai phương diện:

Cứu giúp người sống trong cảnh nghèo khổ và khó khăn.

Phải giữ gìn hết sức chu đáo giới sát và thường phóng sanh

Loại tâm từ bi thứ nhất là đối với loài người, còn loại thứ hai là đối với động vật.

Cử chỉ tốt đẹp cứu giúp người sống trong cảnh nghèo nàn khốn khổ so ra thì được mọi người trong xã hội tiếp thu được, còn việc giữ giới sát và thường phóng sanh thì tương đối khó khăn. Vấn đề chủ yếu là thông thường người ta không rõ ý nghĩa của việc làm đó nên rất ít người xiển dương.

Một người nếu muốn trường thọ thì không những cứu giúp người bần cùng khốn khổ, mà còn phải có tâm từ bi thương yêu bảo hộ các loài động vật nữa. Ví như nhìn thấy đứa bé vì không hiểu biết nên bắt giết chuồn chuồn, bươm bướm, ong mật, kiến, sâu bọ, chim non …, dùng đủ mọi hình thức để giết chết và ngược đãi các loài động vật để làm trò đùa. Như thế, chúng ta phải có trách nhiệm khuyên dạy, cấm ngăn hoặc dạy cho chúng hiểu đâu là thiện, đâu là ác. Nhân vì việc làm này không những chỉ tổn thương đến mạng sống mà còn tăng thêm tập khí sát sanh. Mai này, khi lớn lên, những hành động ấy vốn đã nhiễm sâu vào tạng thức, chúng rất dễ trở thành những con người không có lòng nhân ái, thậm chí dẫn đến giết người.

Đỗ Phủ là một đại thi hào triều Đường. Ông đã từng nhìn thấy những đứa bé vì vui đùa mà giết hại sinh vật mà đau xót cảm than  rằng:

Nguyên văn:

Can qua binh cách đấu vị chỉ

Phượng hoàng, kỳ lân an tại tai

Ngô đồ hồ vi túng thử lạc

Bạo diễn thiên vật thánh sở ai

Dịch nghĩa:

(Can qua gươm dáo đấu chưa dừng

Phượng hoàng, kỳ lân nào dửng dưng?

Ta lầm loạn theo vui thú ấy

Giết sạch muôn loài thánh lệ rưng)

Không những như thế mà chúng ta còn phải dạy dỗ con cái không giết hại loài vật. Nên dạy chúng nuôi dưỡng lòng từ bi ngay từ thuở nhỏ. Nếu khi gặp loài động vật lâm vào cảnh khốn cùng, ví như thấy thiêu thân lao vào lửa, côn trùng bị bắt, chim sẻ bị thương, loài kiến bị đạp, cá tôm mắc lưới, thú bị rượt … đều nên khởi lòng từ bi, tận tâm tận lực dùng mọi phương cách để cứu hộ chúng.

Ngoài ra, không được tùy tiện đem nước sôi đổ ở trên đất, nhân vì trên và trong đất có vô số loài sinh động vật đang sống. Việc làm này không chỉ thương hại đến tánh mạng của chúng, đồng thời cũng khiến cho chúng ta gặp ác báo là mạng sống ngắn ngủi, thường hay bệnh hoạn ốm đau.

Đức Phật dạy chúng ta rằng: “Bình không, chậu không, hủ không, khạp không … đều phải để úp trên đất, không được để ngữa, nhân vì để ngữa thì lúc mưa xuống, nước ứ đọng lại lâu ngày sẽ sanh trùng, đến khi chúng ta dùng hủ, nếu chẳng cẩn thận, đem nước đổ đi thì những ấu trùng sẽ bị chết khô”. Đây cũng là một phương thức sát sanh vậy!

Lại nhân vì bộ phận chứa nước ấy tích tụ chừng một hai ngày thì muỗi liền đẻ trứng vào trong đó, rồi sanh ra rất nhiều ấu trùng. Đến khi trời nắng, chúng sẽ bị chết khô ngay. Tương tự với đạo lý này là cũng không nên dùng nước dơ có trùng mà tưới hoa hoặc rau cỏ.

Trong thực nghiệm, ngành khoa học đã cho biết: “Nếu chúng ta sử dụng nhiều thuốc sát trùng như DDT chẳng hạn thì sẽ dẫn đến bệnh ung thư gan”. Vì vậy, ở trong gia đình, chúng ta cũng không nên sử dụng thuốc sát trùng. Giả như có thể nói rằng nhang muỗi cũng rất độc hại, nghe nói sử dụng nhiều nhang muỗi thì sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh não của trẻ em. Vậy muốn phòng ngừa ruồi, muỗi, gián … thì chúng ta phải khai thông cống rãnh, sắp đặt đồ đạc cho gọn gàng ngăn nắp và cửa sổ phải có rèm che. Đây chính là biện pháp căn bản.

Nhân vì nếu dùng thuốc sát trùng để giết hại loài động vật thì sau ắt sẽ nhất định hại đến sức khỏe của mình.

Trong kinh, Đức Phật dạy: “Người giết hại chúng sanh sẽ bị quả báo nhiều bệnh tật, mạng sống ngắn ngủi”. Ngày nay, khoa học cũng chứng minh rằng: “Nếu sử dụng thuốc sát trùng thì sẽ tổn hại đến sức khỏe; phá hoại hệ sinh thái; gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và hoàn cảnh chung quanh chúng ta”.

Chúng ta phải nên phát huy lòng nhân ái. Điều kiện thiết yếu để phát huy lòng nhân ái là cần phải phóng sanh và thí thực. Phóng sanh tức là bất kỳ ở các chợ, đường sá …, gặp những loài động vật như chim, cá, rùa … bị nhốt, trói hoặc sắp bị giết hại thì chúng ta phải tận tâm tận lực dùng mọi phương kế để cứu hộ chúng và làm cho chúng được tự do. Nói đến thí thực thì chia làm hai loại:

Một là thí thức ăn cho chim, cá … hay những động vật khác ở nơi hoang dã, ví như mỗi ngày rải một ít hạt lúa ở bên chùa hoặc ngoài tăng phòng cho chim ăn để cho chúng khỏi đói mà phải đi tìm ăn những côn trùng nhỏ bé. Đây cũng là cơ hội làm giảm sát sanh không hình tướng hay cũng chính là phương pháp tích tụ âm đức vậy !

Hai là thí thức ăn cho loài ngạ quỷ hoặc những cô hồn vất vơ vất vưởng không nơi nương tựa. Loại thí thực này cần phải niệm chú thì mới có hiệu nghiệm. Nhân vì có những loài ngạ quỷ cổ nhỏ như lỗ kim, khi ăn thức ăn không thể vào được. Nếu ta đọc lời chú thì nương vào oai lực của Tam Bảo khiến cho cổ họng của loài quỷ ấy mở rộng ra, cho dù ăn uống không ngon thì cũng khiến cho thức ăn biến ra rất nhiều hoặc khiến cho thức ăn biến thành mỹ vị. Ở các kinh “Thiền Môn Nhật Tụng”, “Phật Môn Nhật Tụng” hoặc “Tảo Vãng Khóa Tụng Bản” … đều có ghi rất rõ về những chú này. Ví như: Chơn ngôn phá địa ngục, chơn ngôn triệu thỉnh, chơn ngôn mở oan kết, chơn ngôn diệt định nghiệp, chơn ngôn diệt nghiệp chướng, chơn ngôn mở rộng yết hầu, chơn ngôn biến thực, chơn ngôn cam lộ thủy …

Kinh Ưu Bà Tắc chép: “Mỗi ngày, khi ăn cơm, trước tiên phải cúng dường mười phương chư Phật và chư Bồ tát, kết duyên cùng các bậc thánh hiền để đời sau chúng ta dễ gần gũi mà tiếp nhận sự giáo hóa của các Ngài. Khi cúng dường xong, nên dùng một cái muỗng, dùng bảy hạt cơm, nếu bún thì dài chừng một tấc, đem ra bên ngoài để cúng dường quỷ thần, lại tụng lời kệ chú như sau:

Nguyên văn:

Pháp lực bất tư nghì

Từ bi vô chướng ngại

Thất liệp biến thập phương

Phổ thí châu sa giới

Án độ lợi ích tóa ha

Dịch nghĩa:

Sức pháp chẳng nghĩ bàn

Từ bi không ngăn ngại

Bảy hạt biến mười phương

Thí khắp cùng pháp giới

Án độ lợi ích tóa ha (ba hoặc bảy lần)

2. Nguyên văn:

Đại bàng kim xí điểu

Khoáng dã quỷ thần chúng

La Sát quỷ tử mẫu

Cam lộ tất sung mãn

Án mục đế tóa ha

Dịch nghĩa:

Chim đại bàng cánh vàng

Khoáng dã các quỷ thần

Mẹ con quỷ La Sát

Thảy đầy đủ cam lộ

Án mục đế tóa ha

(Ba hoặc bảy biến và đàn chỉ ba lần)

 

Nguyên văn:

Nhữ đẳng quỷ thần chúng

Ngã kim thí nhữ cúng

Thử thực biến thập phương

Nhất thiết quỷ thần cộng

Án mục lực lăng tóa ha

Nguyện dĩ thử công đức

Phổ cập ư nhất thiết

Ngã đẳng dữ chúng sanh

Giai cộng thành Phật đạo

Dịch nghĩa:

Các vị chúng quỷ thần

Ta nay thí cho ngươi

Thức ăn biến mười phương

Tất cả quỷ thần thảy

Án mục lực lăng tóa ha (ba hoặc bảy lần)

Nguyện đem công đức này

Hồi hướng cho tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo

Nếu các vị muốn hiểu rõ điển cố và lời kệ chú của pháp thí thực này thì xin xem trong kinh “Cứu Diện Nhiên Ngạ Quỷ Đà La Ni”, kinh “Niết Bàn” và trong “Tỳ Nại Da Tạp Sự”.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch