BẤT TĂNG BẤT GIẢM
Ước mơ thâm thiết của các
bà mẹ Á Đông là mong được hủ hỉ với con cái suốt đời, dẫu rằng phải nai lưng
phục vụ chúng cho đến mức hơi tàn sức kiệt cũng vẫn hài lòng. Thế nhưng, ước mơ
“tầm thường” của thím Wong có vẻ đã bị đe dọa trầm trọng, kể từ khi hai cậu con
lớn chọn những trường nổi tiếng thuộc miền Đông Bắc Mỹ xa xôi để tiếp tục bậc
đại học rồi biền biệt không về nhà, “năm khi mười họa” chúng mới điện thoại về
thì để chỉ nhằm than thở đang cơn túng thiếu cần tiền chi viện, chớ ngoài ra,
chẳng cậu nào thực lòng nhớ tưởng đến bà mẹ già đang mòn mỏi trông ngóng tin
con từng giờ từng phút. Thím vừa chua xót vừa ngay ngáy lo sợ cô con gái út sẽ
bỏ nhà đi mất nữa, nên thầm dặn lòng sẽ dùng “trăm phương ngàn kế” để ràng rịt
cô gái suốt đời mới được. Thoạt tiên, thím thuyết phục Lucy chọn đại học Cựu
Kim Sơn, ngôi trường chỉ cách nhà có 20 phút lái xe, nên cô vẫn tiếp tục sống
với gia đình đi học như thời trung học. Tuy vậy thím vẫn chưa thực sự an tâm,
thím nghĩ mình cần phải chọn rể cùng chủng tộc và cùng sống tại Cựu kim Sơn,
thì con gái mới không bỏ đi đâu được. Thím rao vòng vòng trong cộng đồng người
Hoa, móc nối những gia đình có con trai xứng đôi, để úp mở tạo điều kiện cho
chúng gặp nhau. Mặt khác, thím cũng thận trọng theo dõi đám bạn trai của con
từng li từng tí, canh chừng từng chàng trai, mà hể thấy cậu nào khác màu da,
thì bằng cách nầy cách khác thím chê bai và kê khai đủ “tội” để “hất cẳng” ra,
đứa da vàng mắt xếch “tướng tá tạm tạm dễ coi” thì tán tụng thổi phòng để “lôi
kéo” vào. Sau bao năm miệt mài tranh đấu, xử dụng đủ mọi phương pháp cứng mềm:
nói sùi bọt mép, nhỏ bao giọt nước mắt, làm mặt giận, mặt hờn…để lung lạc con,
kết cuộc rồi, thím cũng thành công như ý nguyện. Lucy tỏ vẻ khắng khít với anh
chàng sinh viên cùng trường, cũng gốc gác Trung Hoa, nên thím Wong vui như mở
cờ trong bụng, thím khuyến khích hai đứa chánh thức kết hôn, hi vọng sớm có
cháu ngoại ẫm bồng. Một hôm, nghe loáng thoáng hai đứa bàn đến những địa điểm
du lịch hấp dẫn, thím đoán “cá đã ăn câu” rồi, chắc mẻm là chúng đang chuẩn bị
đám cưới và tuần trăng mật, nên thím hừng chí “thừa thắng xông lên” gạ gẫm:
“Sau đám cưới, nếu David về đây thì hai con có thể dọn vô phòng cũ của hai anh
cho rộng rãi. Còn phòng của Lucy bây giờ thì để dành sẵn cho cháu ngoại của má!
Hì! Hì! Nè, hãy ráng sanh con sớm sớm cho vui nhà vui cửa nhé!” Đề nghị hấp dẫn
nầy, đáng lẽ phải được thằng rể hoan hô nhiệt liệt, nhưng thằng David, tuy mặt
mày người Hoa, nhưng lòng dạ rặt ròng Mỹ, hắn nghĩ sao nói vậy chẳng kể lớn nhỏ
gì hết, và sẵn đang bực bội lối sống đại gia đình cổ lỗ sĩ mất tự do, nên buột
miệng cười hô hố, rồi phang liền một câu “xanh dờn”: “Giỡn hoài bà già! Tụi nầy
phải thử chung sống vài năm rồi mới tính chuyện cưới hỏi chứ? Còn cái con Lucy
nó đâu còn bú, đâu cần vú em… mà bà đòi giữ riết trong cái nhà nầy mãi vậy
bà?”. Thím Wong cứng họng chẳng nói thêm lời nào, chửi tiếng Hoa thì hắn không
hiểu, cầm bằng tranh luận bằng tiếng Mỹ thì chỉ có nước thua thiệt nhục nhã mà
thôi. Thím chỉ biết dùng tình cảm mẹ con để lung lạc Lucy, cấm tuyệt con bé
không được giao du với giống mất dạy đó nữa. Ngờ đâu, chỉ trong vòng hai tuần
thì Lucy bỗng lặng lẽ cuốn gói dọn đến chung cư của tình nhân, rồi vài tháng
sau, chúng đưa nhau đi lập nghiệp ở một tiểu bang xa lơ xa lắc, không dành cho
thím một cơ hội cỏn con nào để xen vào đời sống riêng tư của chúng nữa.
Thua
buồn, vợ chồng thím Wong tìm đến cộng đồng người Hoa trong Hội cao niên để có
cơ hội họp mặt với những người đồng hương cùng lứa tuổi, đang trăn trở bởi nỗi
niềm cô đơn tại xứ người, để hàn huyên tâm sự, hoài niệm lại mảnh quê hương yêu
dấu ở bên kia bờ Thái bình dương. Nếp sống bận rộn mới mẻ nầy đã giải tỏa phần
nào nỗi chua xót thầm kín chất chứa trong lòng thím, nhất là những khi thím
khám phá được những bà mẹ đồng bệnh để “xổ bầu tâm sự”, và để cùng “hòa tấu”
màn chửi đổng cái “xã hội cà chớn” và nền “văn hóa mất dạy” của tụi bọn Mỹ cho
bỏ ghét. Quê hương rất dễ gợi nhớ qua mùi vị, nên nhóm thân hữu cứ tranh nhau
tổ chức tiệc tùng, bà nào cũng trổ tài nấu nướng, toàn là những món đặc sản,
càng khó tìm gia vị càng quý giá. Mùa lễ Tạ Ơn năm 1959, thím Wong tẩn mẩn bỏ
ra mấy ngày trời rình rang chuẩn bị cơm nước để long trọng mời đám bè bạn mạc
chược: vợ chồng Tchao, Shu và Liu tham dự tiệc liên hoan. Tuy nhân danh lễ Tạ
Ơn theo truyền thống Hoa Kỳ, nhưng trên bàn tiệc chỉ toàn là món ăn Á Đông,
chẳng có bóng dáng chú gà lôi nào hiện diện cả. Có lẽ chính nhờ đặc điểm nầy,
mà đám thực khách hồ hởi ra mặt. Thím Tchao, khoái chí nếm muỗng “súp” măng tây
vi cá nấu với cua còn nghi ngút khói phù hợp khẩu vị mình, bèn hét toáng lên:
-
Oái chà! Món “súp” nầy chị nấu thật tài tình! Tôi có thể đoan chắc rằng, trong
khắp thành phố Cựu Kim Sơn nầy, kể các nhà hàng sang trọng cũng không đầu bếp
nào nấu nướng tuyệt vời như chị!
-
Nhất hạng là chị Wong mà!, thím Liu cũng hụ hợ tán dương.
Thím
Wong cười hể hả: “Tui cũng vụng lắm! Chỉ ráng sức theo đuôi mấy chị mà thôi!”.
Thím Shu, cũng vội vã góp ý:
-
Chị quá khiêm cung thôi, chớ nghệ thuất nấu nướng của chị độc đáo không ai chối
cãi được. Điểm đặc biệt là mừng lễ Tạ Ơn mà chị cho ăn toàn món Trung Quốc
thuần túy, mới mà điều đáng hoan hô nhiệt liệt chớ! Tôi không hiểu nỗi tại sao
bọn Mỹ có thể ăn mãi cái món gà lôi nhạt nhẽo mà có thể chịu được kìa!
Chú
Liu, ra vẻ nghiêm trang trịnh trọng lên tiếng:
-
Có thể nói nghệ thuật nấu nướng là một kết tinh đặc trưng của văn hóa. Nước
mình có cả mười ngàn năm văn hiến dĩ nhiên phải cao tột hơn một nước mới lập
quốc vài trăm năm như Hoa Kỳ. Chẳng lạ gì, mà thực đơn của bọn Mỹ bất quá chỉ
là những món hamburger, hot dog ngấy thịt… chớ tìm đâu ra được món ăn trang
nhã, phẩm chất thanh cao thâm trầm như trong nghệ thuật nấu nướng của nước mình
cho được!
Nghe Liu chê bai văn hóa
Mỹ phù hợp với cõi lòng thầm kín của mình, thím Wong liền chụp ngay cơ hội bằng
vàng, chửi đùa:
-
Còn nói gì đến cái nền văn hóa mất gốc của nước nầy! Aên uống thì phàm phu tục
tử, nói năng thì ngổ ngáo hỗn hào, không nhân nghĩa, không lễ giáo… chỉ có
tiền, tiền, tiền… mà thôi!
-
Chị phán đúng phóc hà! Người Mỹ họ tệ lắm! Họ thô lỗ, chớ đâu có đạo đức lễ
nghĩa nhân hậu như người mình, một dân tộc nghìn đời được nuôi dưỡng và thấm
nhuần bởi nền giáo lý tam cương ngũ thường Khổng Mạnh, a chị!, chú Tchao góp ý.
Chú
Shu lắc đầu ngầy ngậy ra vẻ phản đối, rồi lên tiếng:
-
Chuyện gì chớ cho rằng người Trung Hoa mình thấm nhuần đạo đức lễ nghĩa thì tôi
không dám tin a!
Chú
trầm ngâm giây lát, rồi lừng khừng tiếp lời:
-
Tự hào là dân tộc lễ nghĩa làm sao được chớ, khi mà một vị tu sĩ, có thể nói là
bậc đạo đức cao tăng tại lục địa vừa nằm xuống, thì ở tại đây, có nhóm cả trăm
người Hoa đã hùa nhau xuống đường, giăng biểu ngữ hô hào lên án, bịa chuyện vu
vơ để phỉ báng chửi bới! Đúng là cộng đồng mình bày trò vô liêm sĩ, chớ đạo đức
ở chỗ nào đâu?
Thím
Wong thoạt nghe giọng “đâm bang” của chú Shu mà nóng mặt, thím muốn sừng sộ
ngay, chừng nghe rõ ra, bỗng “hạ hỏa”, buồn hiu đáp:
-
Anh Shu than phiền cũng phải! Một kẻ đại gian ác, khi đã nằm xuống rồi, người
đời còn thứ tha không nỡ chê trách nữa, vậy mà đối với một vị cao tăng, trọn
đời hi sinh cho đạo pháp như Hòa Thượng Hư Vân(*), mà có những kẻ bạo mồm đặt
điều vu khống rồi ồn ào xuống đường la ó xỉ vả, trong nhóm đó lại có một đại sư
mặc áo tràng hung hăng cầm loa hét vang, đúng là diễn thứ trò hề quái gở cho
người địa phương chê bai đàm tiếu. Thiệt là xấu hổ quá chừng hà!
Thím
Tchao đang dồn hết tâm lực ngồm ngoàm thưởng thức con chim bồ câu ra ràng dòn
rụm, dường như không để ý với những lời bàn ngang tán dọc của bè bạn, bỗng lên
tiếng:
-
Uả có vụ ồn ào hấp dẫn như vậy, mà sao tôi không hay biết mảy may gì ráo kià?
À, mà đầu đuôi nội vụ như thế nào vậy? Các anh chị!
Chú
Wong ôn tồn giải thích:
-
Hòa Thượng Hư Vân là vị cao tăng nổi tiếng từ thời Dân Quốc. Hòa thượng nhất
quyết ở lại đại lục để tiếp tục hoằng pháp tại đạo tràng Chân Như, núi Vân Cư,
tỉnh Giang Tây và từ trần tại đây vào đầu thu năm nay. Đại Sư Tuyên Hóa chùa
Vạn Phật, vốn là đệ tử của Ngài đã tổ chức đại lễ tưởng niệm, thì bị một số
người phá rối bằng cách xách động đồng bào biểu tình lên án hòa thượng Hư Vân
là kẻ phản quốc vì đã chạy theo nhà nước cộng sản…
Liu
ra giọng mỉa mai cắt ngang:
-
Hừ! “Không có lửa sao có khói. Trống treo ai dám đánh thùng. Nị không ai dám dở
mùng chung vô!”. Tôi nghe nói lão Hư Vân được Bắc Kinh trọng vọng lắm mà!
Thím
Liu cũng hùa theo chồng:
-
Nghe nói ổng xây dựng ngôi chùa vĩ đại, nuôi chúng cả ngàn người, nếu không
dính líu với nhà nước, không làm thầy tu “quốc danh” thì làm sao sống được với
những kẻ vô thần?
Shu
nóng mặt nhưng gắng giữ vẻ bình tĩnh đáp:
-
Người ta cố tình chụp mũ Ngài, chớ Ngài ở lại là chấp nhận gian khổ, đói rách
để hoằng dương đạo pháp mà thôi. Thật vậy, vào năm 1952, lực lượng công an
huyện Khổng Nguyên đã tràn vào chùa Vân Môn bắt giữ, đánh đập vu cáo tăng sĩ
chứa chấp vũ khí phản động, riêng Ngài đã bị chúng tra tấn tàn nhẫn ngất xỉu
nhiều lần nằm liệt như xác chết trong 2 tháng trời, mãi cho đến khi cả thế giới
lên án mới được chánh quyền trung ương can thiệp ra lịnh giải tỏa. Năm sau, nhà
nước cưỡng bách Ngài lên Bắc Kinh hi vọng xử dụng Ngài làm bù nhìn cho tổ chức
Phật Giáo mệnh danh “Liên Hội Phật Giáo Trung Quốc” nhưng bị Ngài vạch rõ âm
mưu nên bọn chúng bèn đày Ngài lên Lô Sơn “dưỡng bệnh”. Ở Lô Sơn Ngài nghe tin
tổ đình Chân Như, núi Vân Cư bị tàn phá hoang vắng, nên xin được đến đó tu tập.
Đẩy được Ngài trụ vào chỗ khỉ ho cò gáy, chúng yên tâm Ngài sẽ lâm cảnh “thân
tàn ma dại”, đói rách rục xương ở đó. Ngờ đâu, Phật tử khắp thế giới gởi tịnh
tài nườm nượp về cúng dường, tăng chúng trong nước len lỏi tìm về đạo tràng của
Ngài hợp sức công quả khai khẩn đất hoang đểø tự túc mà tu tập, do đó, chẳng
bao lâu Ngài đã kiến tạo được một đạo tràng vĩ đại tại núi Vân Cư. Thấy đạo
tràng sung túc, đất đai khai phá mầu mỡ, chánh quyền địa phương lại chụp mũ rồi
giam giữ Ngài nhằm chiếm đoạt tài sản Vân Cư. Một lần nữa, nhờ thế giới tự do
cực lực phản đối, cuối cùng trung ương đảng buộc lòng hạ lệnh phóng thích Ngài.
Tóm lại, hành hoạt của Ngài quang minh chánh đại, có như bọn người lớn họng vu
cáo đâu?
-
Anh ở Hoa Kỳ mà lại rành chuyện lục địa quá ha! Anh nói ổng không dính líu gì
với nhà nước, vậy ai cử ổng đứng ra tiếp đóùn phái đoàn Phật Giáo Tích Lan vậy
anh?, Liu ra giọng mỉa mai.
Shu
cũng hậm hực giải thích:
-
Theo tôi hiểu thì vào năm 1953 khi phái đoàn Phật Giáo Tích Lan mang ba bảo vật
là: xá lợi Phật, bối diệp tạng kinh, cây bồ đề tặng cho Phât Giáo Trung Quốc,
thì lúc đó, với tư cách là cố vấn danh dự Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc, Ngài
đã được cử ra tiếp đón. Năm sau, khi Hiệp Hội Phật Giáo nầy bị nhà nước giải
tán để thành lập tổ chức khác mang tên Liên Hội Phật Giáo Trung Quốc, thì chính
Ngài đã chỉ trích và từ chối gia nhập tổ chức nầy, nên liền sau đó, Ngài bị
cưỡng bách đi Lô Sơn, rồi đến Vân Cư…
Nhận
thấy không khí có phần căng thẳng, chú Wong vội hoà nhã cất tiếng:
-
Anh Liu à! những người sinh sống trong một chế độ độc tài đảng trị tại lục địa,
thường xuyên bị rình rập kiểm soát, bị giam cầm, tra tấn, thủ tiêu, bất cứ lúc
nào, thì khó mà công khai “chống cộng” ồn ào kiểu như bọn chúng mình được. Giới
tu sĩ trong nước, vì đại nguyện hoằng pháp có khi phải chấp nhận hòa hoãn, nép
mình, khổ nhục đắng cay để mà sinh hoạt, có lẽ mình cũng thông cảm được phải
không anh?
Rồi
mĩm cười nhìn chú Shu, Wong tiếp lời:
-
Những vị cao tăng như Ngài Hư Vân, bao lần bị chụp mũ phỉ báng tồi tệ, bị giam
cầm tra tấn đến bất tỉnh, đạo tràng bị đập phá, cưỡng đoạt… vậy mà, lúc nào
Ngài cũng vẫn an nhiên tự tại, đại hùng đại lực hoằng dương đạo pháp… đạo đức
của Ngài lúc nào sáng ngời, có chế độ nào, có đoàn thể nào làm lu mờ nỗi đâu?
Vậy thì vụ hoan hô đả đảo nhỏ nhít tại Cựu kim Sơn có nghĩa lý gì mà mình phải
lưu tâm, phải ụ nầy đi, để có thể dành trọn thời giờ lưu tâm thưởng thức những
món ăn độc đáo của bà xã tôi chớ!
Thím
Tchao cười hô hố:
-
Ừ nhỉ! Đồ ăn ê hề, món nào cũng hấp dẫn đặc biệt, mà các ông anh bà chị cứ nhởn
nhơ bàn chuyện tào lao, rủi ro tôi lỡ dại vét sạch, thì ráng mà chịu nghen,
đừng than trách nhé!
Chú
Tchao đang ngoạm cái đùi vịt nấu tiêu béo nguậy, cũng đành ngưng lại nhắc nhở:
-
Ê! Chúng mình phải “đánh mau, quét dọn mạnh”, rồi vào sòng mạc chược nữa chớ!
X
X X
Chủ khách bắt đầu tưng bừng thù tạc, thân mật chuyện trò
toàn những đề tài thuộc loại “xe cán chó” vô thưởng vô phạt, tranh nhau kể
chuyện tiếu lâm vui vui, và dường như đã quên hẳn vụ hoan hô đả đảo gay cấn lúc
ban đầu. Tiệc vừa tàn thì vợ chồng chú Liu liền vội vã kiếu từ, viện lẽ thình
lình có bạn phương xa viếng thăm. Sòng mạc chược thiếu tay, nên vợ chồng chú
Tchao cũng xin lui gót sớm, dĩ nhiên, là sau khi họ đã gạ gẫm gia chủ để “thu
vét” vài món ăn hạp khẩu về nhà.
Khi
chỉ còn lại hai gia đình, thím Wong mới thân mật lên tiếng:
-
Hai anh chị có biết anh Liu thuộc thành phần quá khích không? Tánh ảnh lại đa
nghi lắm, ai lơ mơ là ảnh “chụp mũ” liền hà!
- Dĩ nhiên là tôi biết rất rõ. Aûnh có sẵn trong tay tờ
báo, và chính ảnh đã giựt giây vụ vu khống phỉ báng Ngài Hư Vân, chớ còn ai
nữa!
Thím
Shu tái mặt, cằn nhằn:
-
Mèn đét ơi! Oâng đã biết rõ như vậy, mà sao ông còn bày đặt đôi co tranh luận
với hắn làm gì?
Chú
Shu, chắt lưỡi rồi đủng đỉnh trả lời:
-Tôi
nào thích cãi cọ với ai mà chi. Chỉ vì mình nghe người ta lên án sai lầm một
bậc chân tu, mình cảm thấy có bổn phận phải trình bày sự thật vậy thôi. Chớ
đúng ra đối với bậc chân tu đạo hạnh sáng ngời như Ngài Hư Vân, thì dù có kẻ
tâng bốc thổi phòng hay có người chà đạp xỉ vả, thì cái đạo đức của Ngài cũng
như như không tăng không giảm, không nhơ không sạch gì cả! Biếtø vậy, nhưng
tánh tôi chuộng sự thật, cứ trình bày sự thật, còn thiên hạ tin hay không tin
tùy họ!
-
Đối với bậc tổ sư thì dĩ nhiên chẳng ai hoạnh họe gì được rồi! Lo là lo cho
phận tép riêu của mình kìa! Anh ngang bướng bày tỏù ý kiến khác hắn, hắn chụp
mũ, phun nọc đọc, xỉa xói suốt đời, thì mình chịu đời sao cho thấu?
-
Mình hả! Mình là thứ vô danh tiểu tốt ở xứ nầy, nên dẫu ai thương mình cố nâng
cái danh mạt hạng của mình lên thì nó cũng không lên được tí nào, còn cầm bằng
họ chà đạp đè xuống, nó vốn đã sát mặt đặt đất rồi, cũng không xuống thêm được
nữa! Hì! Hì! Không thêm bớt, không dơ sạch, không thơm thúi gì cả mà bà!
Qua
lời giải đáp “trớt quớt” của đức lang quân, bỗng nhiên thím Shu trực nhận được
rằng “cái danh” vốn không có tự tánh, danh đã không thì mũ chụp cũng là không,
khen chê, thương ghét… cũng đều như vậy cả. Thấy được điều đó, thím cảm tưởng
như đã vượt thoát khỏi sợ hãi, xa lìa được mọi mộïng tưởng điên đảo… Thím mĩm
cười. Thầm lặng trong lòng thím bỗng nghe rộn rả câu chú đà la ni nổi lên lảnh
lót như một bài ca nhiệm mầu: “Gate. Gate. Paragate. Parasamgate. Bodhi Svaha.”
Tháng 12.2003
Ghi
chú:
*
Hòa Thượng Hư Vân (1840-1959) là vị thiền sư lỗi lạc nhất trong lịch sử Phật
Giáo Trung Hoa cận đại. Ngài xuất gia năm 19 tuổi, thọ cụ túc giới với hòa
thượng Diệu Liên, chùa Cổ Sơn, Quảng Châu. Ngài trải qua một thời gian dài tu
khổ hạnh trong chốn thâm sơn, kế đó, do sự hướng dẫn của bậc thiện tri thức,
Ngài đến núi Thiên Thai, am Long Tuyền thọ pháp với đại sư Dung Cảnh trong vòng
bảy năm. Ngài hạ sơn vào năm 36 tuổi, hành cước chiêm bái khắp các đại tùng lâm
và thánh tích từ Trung Quốc đến Tây Tạng, Bhutan, Tích Lan, Miến Điện. Đặc biệt
trong thời gian nầy Ngài đã dành hơn 3 năm tam bộ nhất bái từ Phổ Đà sơn đến
Ngũ Đài sơn và đã đảnh lễ xá lợi Phật tại chùa A Dục Vương, mỗi ngày ba ngàn
lạy trong 2 năm trời, tất cả để báo trọng ân sanh thành dưỡng dục. Ngài đã
trùng tu hàng trăm ngôi cổ tự, đáng kể nhất là chùa Chúc Thánh, Kê Túc sơn, tổ
đình Tào Khê (chùa Nam Hoa), tổ đình Vân Môn (chùa Quang Thái), tổ đình Vân Cư
(chùa Chân Như).
Sau
khi Hoa lục đã nhuộm đỏ, Ngài vẫn đại hùng đại lực tiếp tục hoằng dương Phật
Pháp. Đao tràng Vân Môn bị kềm kẹp và cô lập, nhưng nhờ tăng chúng tận lực canh
tác nên vẫn duy trì nếp sống thịnh vượng khiến cho chánh quyền huyện Khổng
Nguyên khó chịu ra lịnh đàn áp. Lực lượng công an tràn vào chùa, chụp mũ phản
động tăng chúng rồi bắt giam tra tấn tu sĩ, tịch thu tài sản, ngăn cấm đi lại
và hành lễ. Riêng Ngài, dù đã ngoài 111 tuổi mà vẫn bị chúng tra khảo tàn nhẫn,
chết đi sống lại bao lần. Cả tháng sau, biến cố nầy mới lọt ra ngoài, đến tai
chư tăng chùa Đại Giác, tỉnh Triết Giang, rồi chuyển ra nước ngoài. Nhờ thế
giới tự do lên tiếng, sau ba tháng khủng bố tàn khốc, chánh quyền Bắc Kinh mới
ra lịnh lực lượng công an địa phương rút lui. (Trong biến cố nầy, Sư trụ trì
Diệu Vân bị đánh chết, cả chục tăng sĩ bị mất tích, chưa kể số bị thọng thương,
gảy tay chân không ít. Chùa lại bị cướp sạch lương thực, tăng sĩ phải vào rừng
đốn củi, gánh qua chợ huyện bán để sống còn.)
Hai
năm sau, chánh quyền trung ương lại cưỡng bách Ngài ra Bắc Kinh tham dự Hiệp
Hội Phật Giáo Trung Quốc. Ngài nhất quyết không nhận chức Hội Trưởng, nhưng họ
cũng đề cử Ngài cùng đức Đạt Lai Lạt Ma, đức Ban Thiền Lạc Ma làm Hội Trưởng
danh dự. Vài tháng sau, Ngài được mời đứng ra hành lễ, thọ nhận 3 bảo vật: xá
lợi Phật, bối diệp tạng kinh và cây bồ đề con do Phái đoàn Phật Giáo Tích Lan
trao tặng. Năm sau, chánh quyền lại giải tán Hiệp Hội Phật Giáo, rồi cho thành
lập một tổ chức khác hoàn toàn do đảng viên lãnh đạo lấy tên là Liên Hội Phật
Giáo Trung Quốc. Vì Ngài công khai viết bài nhận định nhan đề “Biểu tướng tăng
đồ trong thời mạt pháp” để chỉ trích âm mưu phá đạo của họ, nên bị cưỡng bách
đưa đến Lô Sơn.
Thời gian ngắn sau đó, khi nghe tin đạo tràng Vân Cư bị chiến tranh
tàn phá hoang vắng, Ngài đau lòng xin chánh quyền đến đó tu tập nhằm phục hưng
chốn nầy. Ngài chốn gậy, cùng ba đệ tử lần mò leo núi, dựng am tranh, phát
hoang trồng trọt tu tập. Không bao lâu, tăng chúng hàng ngàn người ở khắp nơi
len lỏi tìm về tu học, cùng lao động sản xuất và phát triển Vân Cư thành một
đạo tràng vĩ đại như xưa. Đến năm 1958, chánh quyền trung ương phát động phong
trào học tập cải tạo, Ngài bị địa phương mang ra đấu tố, với một danh sách 10
tội trạng như: tham ô, phản động, giả đạo đức… Các đệ tử thân tín của Ngài bị
phân tán, Ngài bị biệt giam, và đạo tràng Vân Cư bị lục soát và chiếm đoạt. Lần
nữa, nhờ thế giới tự do lên tiếng phản đối, Ngài lại được phóng thích.
Ngài
đã an nhiên thị tịch tại Vân Cư vào ngày 13 tháng 8 năm năm 1959, thọ 120 tuổi.