Trong một năm, thời khắc
thiêng liêng đầy xúc cảm, đó là đêm giao thừa, thời điểm giao thoa giữa năm cũ
và năm mới, cảm xúc giữa cái cũ và cái mới. Đối với thế giới phàm tục và thế
giới siêu nhiên hòa quyện vào nhau, dường như có sự giao cảm vào thời khắc đó.
Đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người dân Á Đông nói
chung và dân tộc Việt Nam
nói riêng. Nét đẹp truyền thống đó được giữ gìn, tô bồi từ nghìn xưa đến nay,
tạo nên một cái Tết Nguyên Đán cổ truyền, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một mùa xuân nữa lại về trên
quê hương đất Việt. Chúng ta đang trưởng thành trong gia tài văn hóa tâm linh
của dân tộc, cũng chính là gia tài văn hóa tâm linh của Đạo Phật, được tô đậm
từ hơn hai ngàn năm lịch sử. Đối với người học Phật, trong những ngày Tết, thay
vì say sưa trong men rượu, vọng ngoại theo những thú vui thường tục, chúng ta biết
trở về chùa lễ Phật, nghe pháp, hướng đến niềm vui tâm linh là điều đáng trân
trọng. Chúng ta đang trưởng thành trong đạo pháp thì phải biết rằng, trong mình
có một kho tàng quý báu. Chư Phật đã nói tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh
tịnh thường nhiên, nhưng vì mê chấp mà lăn lóc trong ba cõi sáu đường, trầm
luân sinh tử. Chỉ khi nhận được mình có viên ngọc trong chéo áo, đem ra dùng
thì liền giàu có.
Mùa xuân là mùa của một
sức sống mới. Cây cỏ hoa lá khoác lên mình chiếc áo màu xanh mơn mởn, căng tràn
nhựa sống. Đây là sự thay đổi tất nhiên, chuyển biến xoay vần theo định luật vô
thường của vũ trụ. Người học đạo chúng ta cũng vui xuân nhưng bằng một trạng
thái nhẹ nhàng, tinh tế, đầy đạo lý hơn. Bởi niềm vui chân thật không nằm trong
cảm thọ của giác quan, mà là sự an tịnh của tâm thức. Chúng ta giao cảm với cái
tinh túy nguyên sơ nơi bản thân mình, vượt lên khoái lạc của trần tục, sáu căn
tiếp xúc sáu trần mà không vướng nhiễm, tự tại giữa dòng đời vô thường. Ở mặt
tục đế thì mùa xuân có đến có đi, có còn có mất, hoa nở rồi tàn, nhưng mặt chơn
đế là mùa xuân vĩnh hằng bất diệt. Thế giới không sinh tử là thế giới vô phân
biệt, không có buồn thương giận ghét, không có vướng bận, phan duyên. Chính
trạng thái đó, dưới cội Bồ đề Đức Phật đã chứng triệt, sống được và truyền lại
thông điệp đó cho chúng ta.
Hoa nở hoa tàn đều là mùa
xuân. Bên cạnh cái tàn phai vô thường của thân-tâm-cảnh, vẫn có một đóa hoa tâm
luôn nở mãi theo thời gian, trong sinh tử có cái vô sinh bất tử. Muôn ngàn đợt
sóng sinh diệt trùng điệp trên biển nhưng đại dương bao la vẫn mặc nhiên trường
tồn không biến chuyển. Vậy nên, nơi sinh mà khéo nhận ra lý vô sinh, nơi tử mà
nhận ra lý bất tử, đó là bước đường trở về với con người nguyên sơ tự thuở nào
chưa từng sống chết. Chúng ta đau khổ là vì chưa nhận ra cái giả tạm của bản
thân và cuộc sống. Khi thấy rõ bản chất duyên sinh, hư ảo của cuộc đời, chúng
ta sẽ không luyến tiếc, sống hồn nhiên tự tại giữa dòng sinh tử vô thường.
Sự sống và chết cứ diễn
tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cái thế giới mê vọng và đau khổ. Từ
cõi vĩnh hằng vô tận, do đam mê chấp trước mà chúng ta có mặt trên cuộc đời
này, nếm trải muôn vàn hệ lụy, khổ đau, buồn vui, sướng khổ, thịnh suy, đắc
thất nơi thân và tâm. Từ đó, chúng ta mới thấm thía về bài học của cuộc đời
biến đổi đầy nhiễu nhương.
Các nhà khoa học đã nói
thế giới này là “thế giới ảo”. Điều
đó càng làm sáng tỏ, minh chứng cho những lời dạy mà Đức Phật đã nói trong kinh
điển cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm là đúng:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương cũng như chớp
Thường quán chiếu như vậy.
(Kinh Kim Cang)
Chúng ta phải quán chiếu sự
không thật của các pháp để chơn trí được hiển lộ, từ đó minh định được cuộc
sống này là gì, ta là ai trong dòng đời bất tận, sanh diệt liên tục của thời
gian.
Tuổi trẻ thì hồn nhiên
trong sáng, tràn trề sức sống với nhiều mơ ước hoài bão, kèm theo sự háo thắng,
đua vui và bồng bột. Tuổi càng về già, con người ta trầm tĩnh, tinh tế, nhẹ
nhàng hơn lúc nhỏ. Trải qua bao buồn vui, thương ghét, đắc thất, vinh nhục, hạnh
phúc, khổ đau, tự cọ xát, chứng nghiệm vào cuộc đời, chúng ta gom góp cho mình
những kinh nghiệm về cuộc sống nhân sinh, hiểu sâu sắc hơn về giá trị tinh thần
trong đời sống tâm linh. Cho nên, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều phải duy
trì sự tỉnh giác với một tâm sáng suốt để chuyển hóa khổ đau, sống an nhiên tự
tại.
Niềm vui nơi thế gian chỉ
mang tính chất giả tạm như cái khoái cảm của người uống rượu hay gãi ghẻ ngứa,
không phải là niềm vui chân thật. Trong cái hào nhoáng của các pháp có một sức cuốn
hút, nhưng đối với người trí sẽ nhìn thấy nơi đó có sự bất toàn: Đó là mọi vật
đều vô thường, duyên sinh, giả hợp. Nhận ra được điều đó, Đức Phật Thích Ca Mâu
Ni đã từ bỏ ngôi vị Đông cung vượt thành xuất gia tìm đạo cứu đời, vua Trần
Nhân Tông từ bỏ Vương vị lên núi Yên Tử tu hành ngộ đạo hoằng dương chánh pháp.
Rõ ràng, không có hạnh phúc chân thật trong thế gian sinh diệt. Khi nào tập đế
tham-sân-si, phiền não, vô minh, vọng tưởng lặng hết trong cùng một tâm, chúng
ta mới đạt được hạnh phúc chân thật. Đó là niềm vui vĩnh hằng, niềm vui của đạo
lý, của ánh sáng giác ngộ.
Trong
dòng thời gian sinh diệt của cuộc đời, chúng ta phải khéo nhận ra cái mênh mông
phi thời gian, nơi không có mầm mống của khổ đau, phiền lụy. Sự tồn tại của con
người giữa thế gian này không khác gì hạt sương mong manh buổi sớm. Khi bình
minh ló dạng, mặt trời vừa lên thì hạt sương liền tan biến. Thiền sư Vạn Hạnh
từng nói:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Thân như ánh chớp có rồi
không
Cỏ xuân tươi tốt thu đượm
nồng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ
hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương đông.
Khi biết bản thân và các pháp giữa thế gian này là hạt sương mong
manh, tâm chúng ta sẽ tự tại trước mọi cảnh giới của lục trần.Trong Bát Nhã Tâm
Kinh nói: “Khi Bồ tát Quán Tự Tại hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi thấy
năm uẩn là không liền vượt qua tất cả mọi khổ nạn”. Nếu chúng ta thấy được thân
này là không, là vô ngã bằng sự quán chiếu thâm nhập, chứng triệt thì mọi đau
khổ đều được hóa giải. Ngay đó, chúng ta hưởng một niềm vui bất tận.
Nơi
dòng thời gian liên tục này, có thể nói xuân thời gian trải dài, xuyên suốt. Trong
mọi khoảnh khắc của đời sống đều có tâm xuân bất diệt. Quá khứ, hiện tại, vị lai là một khối xuân. Mùa xuân đó thể hiện ngay
tại đây và bây giờ, trong mỗi sát na của thời gian. Nghĩa là, trong tất cả mọi
lúc mọi nơi, chúng ta đều sống thản nhiên, bình lặng trước ngoại cảnh. Hình
tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười tươi tắn nói lên sự an lạc nội tại, là tâm
xuân bất diệt. Hiểu như vậy, chúng ta cần nỗ lực tu hành để hòa mình trong ánh
sáng giác ngộ của chư Phật, chư Bồ tát. Kính chúc tất cả chúng ta an trú vững
vàng trong đại dương chánh pháp, trưởng thành trong đạo lý, ở trong đời thường
mà tìm ra lẽ sống đích thực để XUÂN THỜI GIAN thường được hiển hiện trong tâm
thức của mỗi người.
Thiền Viện
Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang -
Ninh Thuận.
Xuân Tân Mão - 2011.