Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một kẻ lừa đảo.
* * *
Thuở xưa, khi vua Phạm Dự (Brahmadatta)
trị vì Ba-la-nại (Benares), Bồ-tát thọ sanh làm một con Tắc kè. Bấy giờ,
có một ẩn sĩ khổ hạnh sống trong một thảo am gần một ngôi làng ở vùng
biên địa.
Vị này đã chứng được năm Thắng trí và rất được dân làng kính trọng.
Trong khi đó, Tắc kè sống tại một gò mối nằm ở cuối con đường mà vị ẩn
sĩ đi kinh hành, và mỗi ngày hai hoặc ba lần Tắc kè đi đến chỗ ẩn sĩ để
nghe giảng pháp. Và vì kính trọng bậc giới đức này nên Tắc kè đã rời bỏ
trú xứ của mình để đến đấy sống. Sau một thời gian, vị ẩn sĩ tạm biệt
dân làng và ra đi. Khi vị này đi rồi, có một ẩn sĩ giả dối đến thảo am
ấy sống. Nghĩ rằng người mới đến này cũng đầy đủ giới đức, Tắc kè đã đối
xử với ông ta như đối với vị ẩn sĩ trước đây.
Một hôm, vào mùa
khô hạn, một cơn mưa dông bất chợt đổ xuống và trận mưa đã làm cho những
con kiến bò ra khỏi tổ. Rồi khi những con tắc kè bò ra ngoài để ăn
kiến, chúng đã bị dân làng bắt đi rất nhiều. Chúng được xào trộn với dấm
và đường để đem cúng cho vị ẩn sĩ. Khoái khẩu với món ăn này, vị ẩn sĩ
bèn hỏi đó là món thịt gì và được trả lời cho biết đó là món thịt tắc
kè.
Nghe thế, vị ẩn sĩ nghĩ ngay đến con Tắc kè xinh đẹp sống
gần thảo am của mình và quyết định giết chết nó để ăn thịt. Thế là ông
ta chuẩn bị sẵn xoong chảo cùng với gia vị để xào nấu thịt tắc kè. Rồi
dấu một cái vồ bên dưới chiếc y, ông ta ngồi nơi cửa thảo am chờ Tắc kè
đến với một thái độ hết sức bình thản. Vào buổi chiều, Tắc kè đi đến. Và
khi đi đến gần, Tắc kè nhìn thấy vị ẩn sĩ ấy hoàn toàn không giống với
thường ngày: ông ta ngồi chờ mình với một thái độ báo hiệu điều gì đó
không tốt sắp xảy ra. Đứng phía dưới ngọn gió từ hướng thảo am của vị ẩn
sĩ, Tắc kè ngửi thấy mùi thịt tắc kè, và ngay lập tức nhận ra rằng
chính mùi vị thịt tắc kè đã khiến cho ẩn sĩ kia muốn dùng vồ giết mình
ăn thịt. Vì thế, Tắc kè bèn quay lại hang của mình mà không viếng thăm
vị ẩn sĩ nữa. Nhìn thấy Tắc kè không đến, vị ẩn sĩ nghĩ rằng Tắc kè chắc
đã đoán biết mưu đồ của mình, và ông ta phân vân không biết vì sao Tắc
kè lại biết được điều đó. Quyết không để Tắc kè trốn thoát, vị ẩn sĩ
liền rút cái vồ ra và ném vào Tắc kè, nhưng cái vồ chỉ trúng vào mút
đuôi. Nhanh như cắt, Tắc kè chạy vội vào hang, rồi sau đó thò đầu ra một
cái lỗ khác và nói:
- Này kẻ lừa dối bất lương kia, y áo của
người đã khiến cho ta tin ngươi, nhưng bây giờ ta biết được bản chất
thấp hèn độc ác của ngươi. Một kẻ ăn cướp như ngươi thì có xứng đáng khi
khoác y áo ẩn sĩ không?
Quở trách vị ẩn sĩ lừa dối như vậy xong, Tắc kè đọc lên bài kệ này:
Tóc bện cùng với y vỏ cây
Phải chăng bắt chước vị trước đây?
Ngươi thật không phải người giới hạnh
Dơ bẩn xấu xa ngươi chứa đầy.
Bằng
bài kệ này, Tắc kè đã vạch trần tâm địa độc ác xấu xa của vị ẩn sĩ, rồi
sau đó rút vào trong gò mối. Còn vị ẩn sĩ khổ hạnh độc ác kia sau đó đã
bỏ đi nơi khác.
* * *
Kết thúc pháp thoại, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
-
Thuở đó, kẻ lừa dối này là ẩn sĩ độc ác, Xá-lợi-phất là vị ẩn sĩ có
giới hạnh mà trước đó đã sống ở thảo am, còn ta chính là con Tắc kè.
(Tiền thân Godha, số 138, dịch từ bản tiếng Anh)
Lời bàn:
Khoác
lên mình chiếc áo của một người tu, bề ngoài tỏ ra có đầy đủ đức hạnh,
nhưng bên trong lại đầy tham dục và dối trá thì đây là một kẻ nguy hiểm
và đáng sợ nhất. Bởi vì với một hình thức bề ngoài như vậy, kẻ này rất
dễ dàng đánh lừa người khác, vì thói thường người ta vẫn hay nhìn nhận
người khác qua hình tướng bên ngoài. Câu chuyện Tiền thân trên đây là
một minh chứng cho điều đó:
Vị ẩn sĩ kia là một kẻ đầy tham dục,
lòng còn chứa đầy dối trá, nhưng với y áo và cái lốt của một ẩn sĩ, ông
ta đã dễ dàng đánh lừa được tắc kè trong một thời gian dài. Và tắc kè,
vì tin tưởng và tôn kính, chút nữa đã bị mất mạng vì con người này.
Nhưng may cho tắc kè là cuối cùng nó đã kịp phát hiện ra được bản chất
của con người này. Và lời mà tắc kè nói với vị ẩn sĩ được trích dẫn lại
sau đây là điều khiến chúng ta cần phải suy ngẫm, và cũng là bài học
được rút ra từ câu chuyện này: “Này kẻ lừa dối bất lương kia, y áo của
người đã khiến cho ta tin ngươi, nhưng bây giờ ta biết được bản chất
thấp hèn độc ác của ngươi. Một kẻ ăn cướp như ngươi thì có xứng đáng khi
khoác y áo ẩn sĩ không?”
Nguồn Tập San Pháp Luân 16