Trên
thửa ruộng khô chờ ngày cấy mạ, chiều về, ánh nắng yếu ớt ẩn trong áng
mây hồng, che một khoảng mát dịu, đám trẻ thật đông, người lớn cũng
không thiếu, mỗi chiều sau những ngày đón Xuân suốt tháng giêng nhộn
nhã, họ kéo nhau ra đồng phô trương những cánh diều sặc sỡ. Tiểu Thuận
ngồi trong cổng chùa nhìn ra vẻ thèm thuồng.
Đêm giao thừa, cổng chùa mở suốt, tiểu Thuận gật gù mà tay vẫn phải
nhịp chuông cho bá tánh lễ Phật. Những bao lì xì đỏ, nhỏ bằng bàn tay,
khách nhét vội cho tiểu Thuận để mừng tuổi Xuân, thế mà vẫn không làm
cho tiểu tỉnh táo. Người chen chúc, khói hương nghi ngút làm cho khuôn
viên chánh điện nhỏ hẹp hơn. Bên dưới hậu tổ, thầy tri sự ngồi tiếp
những tên tuổi cầu an của bá tánh. Bàn đối diện, Hòa Thượng trụ trì
phát lộc và khách thập phương lại dâng lên thầy phong bì đỏ. Hầu hết
các chùa đều vất vả tất bật vào những đêm giao thừa và suốt tháng
giêng. Sau ba ngày tết, tiểu Thuận được đánh một giấc liên tù tì, không
cần ăn uống. Hòa Thượng bảo nhà trù cứ để phần cơm cho chú, đừng đánh
thức chú dậy, trẻ con nào không ham ăn ham ngủ.
Tiểu Thuận được chùa nuôi lúc ba tháng tuổi; vì cha mẹ quá nghèo.
Tiểu được chùa ân cần chăm sóc chu đáo nên da dẻ hồng trắng mủm mỉm
trông thật dễ thương. Chùm tóc vắt ngang vành tai nhỡ chừng như con
gái. Tuy bảy tuổi mà chững chạc như lên mười. Bá tánh đến chùa ai
cũng ẵm nựng cho quà bánh. Ai hỏi đến ba mẹ, tiểu ngơ ngác hỏi ba mẹ là
sao! Tiểu chỉ biết có thầy, bà Tư và Phật. Nói đền thịt cá tôm cua,
tiểu hỏi cái đó là cái gì! Tiểu Thuận chỉ biết rau, đậu, tương chao.
Tiểu nghĩ những món thịt cá tôm cua là những món ăn cao cấp mắc tiền nên
chùa không mua được. Tiểu hỏi thầy tri sự, thầy bảo đó là những con
vật, người tu vì lòng từ bi nên không được ăn. Tiểu học thuộc nhiều
kinh tuy chưa đến trường. Thầy tri sự dạy cho tiểu Thuận biết đọc mặt
chữ. Ngoài giờ học và làm lễ, tiểu chơi với con miêu con lu. Chúng là
những bạn bốn chân thân nhất của tiểu. Chưa bao giờ tiểu được ra khỏi
chùa để xuống chợ hay ra phố. Thỉnh thoảng phật tử đến chùa mang cho
tiểu cái bánh cái kẹo, tiểu trình bạch với thầy tri sự trước khi ăn.
Bổn đạo muốn đưa tiểu về nhà chơi hoặc đi dạo, thầy không đồng ý, vì sợ
con trẻ như tiều dễ tiêm nhiễm.
- Con làm gì đó Thuận? thầy tri sự thấy tiểu cứ loay hoay với tấm giấy báo và nang tre mà bà Tư nhà trù vừa kiếm cho tiểu.
- Dạ bạch thầy, con làm diều ạ! tiểu đáp
- Ai dạy con làm?
- Dạ, bạch thầy, bà Tư ạ.
- Không được! – thầy tri sự bảo – mình là người tu, không nên ham vui theo kiểu thế gian.
Thế là tiểu răm rắp đem cất trong kẹt cửa. Tiểu nhìn thầy rồi nhìn bà Tư. Tiểu hỏi nhỏ:
- Bà Tư ơi, ở chùa không được chơi sao bà Tư?
- Ừ, thầy nói thế thì phải nghe thôi.
Tiểu chưa hiểu tại sao, nhưng thắc mắc vẫn cứ âm ỉ trong lòng. Mỗi
khi chiều xuống, tiểu ra đầu cổng nhìn các bạn trẻ tung cánh diều ngược
gió cho chúng bay lên, tiểu thèm được một lần nắm thử giây diều để có
cảm giác thích thú như các bạn đó.
Trên nền trời, tiểu thầm đếm từng con, nhưng đếm mãi vẫn không biết
có bao nhiêu con đang lơ lững trên nền xanh kia. Tiểu đã học đếm đến
hàng chục rồi mà, tại vì chúng cứ bay lộn xộn, đảo qua đảo lại không
đứng yên nên tiểu đâm rối. Con diều lớn nhất, mang dáng dấp ó đen, bên
dưới cột kèm đoạn sáo nhỏ nên nó phát ra tiếng du dương, vui tai; một
con diều khác được kẹp mãnh dao lam, nó lạng qua cắt đứt giây con diều
màu sạc sỡ. Cũng có con tự xoay nhiều vòng rồi đâm đầu xuống đất. Tại
sao diều bay được, tại sao con diều nọ cắt đứt giây con diều kia, tại
sao con nọ lại đâm đầu xuống đất…tiểu có bao nhiêu thắc mắc mà không
biết hỏi ai. Thầy tri sự thì cái gì cũng cấm đoán. Bà Tư thì chỉ cười
với cái miệng móm mém rỉ hai khóe đỏ nước trầu, hòa thượng thì xa cách
quá, chỉ khi nào tiểu bệnh, nằm thiêm thiếp thì hòa thượng mới đến sờ
đầu hỏi thăm. Con miêu con lu chỉ biết nũng nịu cạ vào chân tiểu. Thế
giới tiểu đang sống là thế giới quá cô đơn và bí mật. Tại sao lũ trẻ
kia được vui chơi với người lớn??? Ở chùa có nghĩa là không được biết
đến những thú vui kia? Không được giao tiếp với xã hội bên ngoài. Học
chữ chỉ để nhìn mặt kinh mà đọc dù không biết trong đó nói cái gì. Cuộc
sống là thế giới ảm đạm tẻ nhạt đối với tiểu Thuận. Đời người sống chỉ
có thế thôi sao? Bên ngoài đời họ có giống như ở chùa hay có cái gì
khác nữa? bao nhiêu thắc mắc trong đầu cứ làm cho tuổi hồn nhiên của
tiểu thêm già dặn. Hàng ngày, ngoài giờ kinh kệ, tiểu phụ bà Tư lặt
rau, dọn cơm. Mỗi sáng cầm cái chổi cao hơn đầu tiểu để quét lá khô
rơi vãi trong sân chùa. Thầy tri sự lau dọn bàn thờ thì tiểu phải thu
gom chân nhang bỏ vào lò hủy. Tiểu tự tắm giặt. Áo quần thâm bẩn không
phải chứng tích thâm niên ở chùa mà là do tiểu giặt không sạch. Những
bộ đồ màu khói, thầy tri sự bỏ ra, bà Tư sửa lại cho tiểu mặc, chiếc áo
dài phủ gối che chiếc quần cuộn một cục tròn trên bụng làm cho tiểu như
lùn lại.
- Con làm gì ngồi buồn vậy? hòa thượng nhẹ nhàng từ hậu liêu vòng ra sau vườn.
- Dạ bạch oon, con không làm gì hết
- Có lẽ con thắc mắc điều gì, nói oon nghe nào! Hòa thượng từ tốn nhỏ nhẹ, vuốt chùm tóc của tiểu.
- Dạ! - mắt tiểu rướm lệ, lâu rồi tiểu chưa được ôn gần, bổng dưng
tiểu muốn sà vào vòng tay của hòa thượng. Môi mấp máy mà chưa thốt lên
tiếng.
- Sao con khóc, con buồn gì nói oon nghe .
- Bạch oon, cho con hỏi, tại sao người tu ở chùa không được chơi
diều? tại sao diều bay được? tại sao con diều ó đen kia phát ra âm
thanh? tại sao còn diều nọ lại cắt đứt con diều màu sặc sỡ? và con khác
lại xoay vòng rồi tự đâm đầu xuống đất???
Hòa thượng từ tốn, mỉm cười rồi giải thích – ai bảo con không được
chơi diều. Tuổi thơ con có quyền giải trí lành mạnh thích hợp với lứa
tuổi của con chứ. Tu đâu phải bỏ hết tất cả! thầy tri sự sợ con ham
chơi đấy thôi. Chơi diều là một nghệ thuật mang nhiều ẩn dụ…
Tiểu trố mắt nhìn hòa thượng như có điều chưa hiểu, hòa thượng nói tiếp:
- Tuy thả diều là thú vui tao nhã, nhưng trò chơi nào cũng bị lạm
dụng bởi những tâm hồn thiếu trong sáng. Diều ó đen là loại chim hung
tợn, chúng được che đây bởi tiếng kêu du dương để tạo cảm giác dịu dàng
đánh lừa kẻ khác. Đó là mánh lới che đậy của kẻ ác. Diều cắt đứt
diều là tính đố kỵ nham hiểm giữa cuộc sống bon chen, không thích ai
hơn mình, vì con diều kia quá săc sỡ. Trong cuộc sống tạo sự nổi bậc
hơn mọi người sẽ có người đố kỵ hãm hại con à. Con diều tự đâm đầu
xuống đất sau khi xoay vòng là vì nó không giữ được cân bằng trước sức
gió; con người cũng thế, không lượng được sức mình trước danh lợi, sẽ
bị đảo điên, chết một cách thảm hại. Diều bay được nhờ gió, cũng thế,
người được nâng cao giá trị nhờ tấm lòng chân thành, trong sáng, ngay
thẳng. Người đời thường cạnh tranh hơn thua nên khổ đau luôn rình rập.
Chúng ta tu hành là từ bỏ sự bon chen hơn thua nhưng không hẳn từ bỏ
mọi thú vui thanh nhã. Người tu giải trí bằng tâm hồn trong sáng nhẹ
nhàng. Mỗi lứa tuổi có một cách giải trí khác nhau, nhưng đừng đam mê
tham đắm vào đó.
- Tiểu như nhớ ra điều gì, vội hỏi: - oon uống trà mỗi buổi sáng và
hút thuốc cũng là thú vui tao nhã phải không oon? Nhưng ngày nào cũng
uống, có phải là đam mê không ạ?
Hòa thượng ngập ngừng giây lát rồi nói: - mỗi ngày uống cũng như mỗi
ngày phải ăn, đó là thói quen, nhưng chưa hẳn là đam mê, chừng nào
không bỏ được, cứ bị nó ràng buộc mới gọi là đam mê. Có những lúc mưa
gió suốt tháng, chùa không đi chợ, trà không có, thuốc không hút mà
oon vẫn có thèm đâu. Tiểu nhanh nhảu bộc lộ:
- Vậy bạch oon, hàng ngày con tụng kinh, thỉnh chuông mà con cũng
không đam mê bằng giấc ngủ, vậy là con không bị kinh kệ ràng buộc phải
không oon?
Hòa thượng vuốt đầu tiểu, cười một cách hồn hậu trước sự hồn hậu của
tiểu Thuận. Mãnh giấy báo bồi thêm nhiều lớp, một nan tre uốn cong, một
nan tre xuyên thẳng từ góc nầy qua góc kia của tấm giấy bồi như cái
cung tên, Hòa thượng cùng tiểu Thuận làm nốt con diều bị bỏ dở. Ngón
tay nhỏ xíu của tiểu Thuận giữ một góc hồ vừa dán, oon dạy cho tiểu làm
tiếp những công doạn còn lại. Mất buổi sáng để hoàn thành con diều,
tiểu Thuận đắc ý, thích thú ra mặt. Chạy xuống bếp xin bà Tư cuộn giây
nilon. Suốt buổi trưa không ngủ, tiểu trông mau đến chiều sau giờ công
phu để được chạy ra đồng cùng các bạn trẻ.
Trên đám ruộng, có thêm bóng hình của nhà sư và chú tiểu, oon cầm
tay tiểu hướng dẫn cách kich diều để lấy trớn diều bay cao. Lần đầu
tiên tiểu được sung sướng với những trò chơi như thế. Trời sắp tắt
nắng, hai oon cháu vào chùa, trên mâm cơm chiều, oon hỏi: - con thầy
thế nào trò chơi chiều nay? Con thích không? Tiểu đáp: - Bạch oon, con
thích lắm. Hòa thượng dạy tiếp: - cái gì đem lại sự vui thích trong
sáng phấn chấn tâm hồn đều là liều thuốc tốt. Tu cũng thế, sẽ mang lại
cho đời sống một phong thái nhẹ nhàng thanh thản tâm hồn, đó là giải
thoát hiện tại con à! Cái gì làm miễn cưỡng đều không tốt.
Thời kinh Tịnh độ tiểu sốt sắng lạ thường, nhanh nhảu thắp nhan, sắp
xếp các giá kinh ngay ngắn. Như buổi thả diều chiều nay, lần đầu tiên
tiểu cảm nhận được sự thích thú của việc tụng niệm. Oon đứng nhìn tiểu
Thuận có vẻ mãn ý. Oon nói với bà Tư và thầy tri sự: - trẻ con không
nên cấm đoán mà phải giải thích, chìều theo sự ham muốn của trẻ để
chuyển hóa theo hướng tốt. Tiểu Thuận chạy đến nũng nịu với oon:
- Bạch oon, nay con tụng kinh giỏi hông? Nhờ oon dạy con thả diều mà
con thấy tụng kinh và thả diều đều thích thú, thả diều cũng là pháp tu
phải không oon? Hòa thượng nhìn tiểu một cách triều mến: - ừ, cứ tạm
cho đó là pháp tu, vì nó giúp ta điều khiển diều như điều khiển tâm,
giúp ta thích thú như sự thích thú việc tu tập. Đó là pháp tu của tiều
Thuận đấy.
Từ hôm ấy, tiểu Thuận cảm thấy cuộc sống trong chùa như thú vị hơn,
quý thầy rộng lượng hơn, bà Tư dễ thương hơn, và đức Phật gần với tiểu
Thuận hơn, vì đêm mộng, tiểu thấy đức Phật cầm tay tiểu thả diều, cùng
chơi diều với tiểu Thuận.
Minh Mẫn (7/3/2012)